Chủ đề: “Người đã chỗi dậy từ cõi chết” (Mt 28,7)

Phụng vụ Giáo hội vừa trải qua những ngày Tam Nhật Thánh trọng thể diễn tả biến cố Chúa Chịu Khổ nạn và Phục sinh để cứu chuộc loài người chúng ta khỏi chết muôn đời.

Do sự liên đới với tổ tông loài người nên tất cả loài người phải chết khi Nguyên tổ sa ngã, chống lại Lời Chúa truyền. Từ khi Nguyên tổ phạm tội, sự chết bao trùm và nhấn chìm loài người trong bóng tối của nó. Nhưng Thiên Chúa là Cha Giàu Lòng Thương Xót đã không để tất cả con cái phải hư đi trong cảnh đời đời nên đã sai Con Một xuống thế làm người để cứu chuộc chúng ta và đưa chúng ta về cùng ánh sáng muôn Đời.

Một cuộc đời nghèo khó, một cái chết đau thương đến tột cùng trên Thập giá của Đức Kitô đã minh chứng cho Tình Yêu lớn lao mà Thiên Chúa dành cho tất cả loài người chúng ta. Thế nhưng, tất cả sự khốn khó mà Đức Giêsu phải chịu sẽ không là gì và không mang ơn Cứu độ được cho con người nếu như Ngài không chỗi dậy từ cõi chết. Chúa đã Phục Sinh để đập tan xiềng xích gông cùm của tội lỗi, của sự dữ đè nặng trên con cái của Ngài. Ngài đã chỗi dậy đem lại niềm hy vọng mới cho nhân loại. Giá Máu cứu chuộc đã trả lại cho chúng ta đại vị làm con Thiên Chúa. Chúa đã trỗi dậy để đem lại cho con người sự bình an, hoan lạc mà nguyên thủy Chúa đã tạo dựng và dành riêng cho tất cả chúng ta.

“Người đã chỗi dậy từ cõi chết” - Ngài không để cho chúng ta phải hư mất đời đời.. Niềm tin này của chúng ta được tiếp thêm sức mạnh với sự làm chứng của thánh Phaolô – vị tông đồ dân ngoại. Thánh nhân đã quả quyết rằng: “ Đức Ki-tô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã trỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh… nếu Đức Ki-tô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng.” (1 Cr 15,3-14).            Ơn ích mà tất cả loài người chúng ta được hưởng nhờ từ công nghiệp Cứu Chuộc của Ngôi Hai Thiên Chúa quá rõ ràng. Không ai và không điều gì trên trần gian này có thể phủ nhận được ân ban này.

Thiên Chúa hằng yêu thương săn sóc dân Ngài đã chọn và muốn cho tất cả mọi người đều được chung hưởng hạnh phúc với Ngài. Tuy vậy, dù Toàn năng và quyền phép tới đâu Thiên Chúa cũng không thể Cứu độ được ai nếu như bản thân người đó không muốn và không cộng tác với Ngài.

Đúng vậy, Thiên Chúa đã đặt để nơi mỗi người Chúa dựng nên một sự tự do. Và Ngài không thể làm gì để ban ơn Cứu độ nếu con người dùng chính sự tự do đó để khước từ Tình Yêu của Ngài.

Trải qua bao ngàn năm kể từ khi Ngôi Hai Thiên Chúa thực hiện công việc cứu độ của mình, Giáo hội – hiền thê của đức Kitô vẫn không ngừng tha thiết mời gọi và đưa ra nhiều phương thế để con cái mình được hưởng trọn nguồn ơn cứu độ Thiên Chúa đã ban. Thế nhưng vẫn còn biết bao người còn chưa đón nhận được Hồng ân cao quý này.

Theo dòng thời gian, Phụng vụ Giáo Hội lặp lại các mùa Phụng Vụ để cho mọi Kitô hữu tái khám phá và đón nhận ơn cứu độ muôn đời. Nhưng dường như với rất nhiều người trong đó có tôi tất cả chỉ dừng lại ở những cử hành Phụng Vụ mà thôi. Bằng chứng là đời sống thiêng liêng của tôi vẫn còn “giẫm chân tại chỗ”, trong lòng tôi vẫn còn nhiều sự sân si với anh chị em của mình, tôi vẫn còn bị khống chế bởi những đam mê trần thế của mình; tôi chưa mở lòng ra đón nhận sự khác biệt nơi người bên cạnh, cái tôi còn quá lớn để thấy mình là tất cả của vũ trụ, thật khó để tôi đón nhận những điều trái ý tôi gặp trong cuộc sống… Tất cả là vì Đức Kitô chưa thực sự Phục sinh trong tôi !

Bởi tôi chưa mang lấy Đức Kitô Phục sinh nên con nguời tôi vẫn còn bị giới hạn bởi “ba thù” và tôi chưa đón nhận được ơn biến đổi thực sự để trở nên con cái Ánh sáng

Phải làm gì để được Phục Sinh cùng với Đức Ki tô ?

Vị cha chung của Giáo hội - ĐTC Phanxicô  trong thánh Lễ Chúa Nhật Lòng Thương Xót Chúa (08/04/2018 ) đã dạy rằng: “Chúng ta cần phải trông thấy Chúa Kitô Phục sinh từ bên trong, lấy tay sờ vào các vết thương, dấu chỉ tình yêu của Ngài như tông đồ Toma, và nhận ra Ngài qua các vết thương như các môn đệ xưa kia. Bước vào trong các vết thương của Chúa là chiêm ngưỡng tình yêu vô bờ vọt ra từ trái tim Ngài, là sờ mó được tình yêu thương xót của Ngài, là Đấng luôn luôn tha thứ cho chúng ta.”

Chiêm ngưỡng Tình Yêu vô bờ bến của Thiên Chúa dành tặng cho tất cả chúng ta không phải là ở yên không làm gì cả. Chúng ta sẽ không thể nhận ra một tình yêu nơi Đấng vô hình nếu chúng ta không gắn kết đời sống của mình với lời Ngài dạy.

Chúa Giê su đã dạy rằng: “anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34). Tình yêu thương thật lòng sẽ dẫn đường cho chúng ta đến những hành động cụ thể vì người mình yêu. Và những hành động cụ thể đó sẽ mở ra cơ hội giúp chúng ta chiêm ngưỡng Tình Yêu của Đức Kitô một cách trọn vẹn và sống động hơn. Vì anh chị em xung quanh chúng ta chính là hình ảnh Thiên Chúa. Thánh Giacôbê Tông Đồ khẳng định rằng: " Đức Tin không có việc làm là Đức Tin chết" ( Gc 2,17).

Niềm tin vào Đức Kitô Phục Sinh mời gọi tôi phải có hành động cụ thể bước ra khỏi “nấm mồ” con người tự nhiên, hẹp hòi và ích kỷ của chính mình để nhờ đó tôi biết sửa đổi đời sống theo tinh thần Tin Mừng, biết mở lòng ra đón nhận sự khác biệt nơi người khác, biết quan tâm chia sẻ và lắng nghe những ai đang gặp đau khổ, khó khăn; biết dẹp bỏ cái tôi và sự ích kỷ để cùng sẻ chia và cộng tác vì lợi ích chung, biết dành thời gian để đến với những ai đang cô đơn, đói khát, bần cùng hay lạc lõng bơ vơ…Có như thế Đức Kitô mới thực sự Phục Sinh trong tôi và ơn Cứu độ của Người không thành ra vô hiệu nơi tôi.

Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa đã Phục Sinh và đem lại cho chúng con sự sống đời đời. Xin ban thêm sức mạnh, tình yêu và lòng nhiệt thành cho mỗi người chúng con, giúp chúng con can đảm bước ra khỏi chính mình để can đảm dấn thân loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho hết thảy mọi người bằng đời sống chứng tá yêu thương và phục vụ ./.

X.tine