SỨ ĐIỆP TỪ NHỮNG NẤM MỒ

 

Tháng 11: Cầu Nguyện Cho Tín Hữu Đã Qua Đời

 

“SỨ ĐIỆP TỪ NHỮNG NẤM MỒ”

Cứ đến tháng 11 hằng năm, Giáo hội dành riêng tháng này cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời. Mỗi lần đi đến đất thánh, nơi an nghỉ của những người đã ra đi, tôi thường thinh lặng cung kính nhìn những nấm mồ nằm chen chúc cạnh nhau. Thông thường những nấm mồ tại đất thánh quê tôi được đắp u lên như hình ảnh cái bụng người mẹ đang mang thai. Một thuở xa xưa, chính trong lòng dạ cưu mang của người mẹ mà chúng ta đã nhận lấy sự sống làm người. Rồi cũng đến một lúc, chính từ những nấm mộ đắp u lên như cái bụng người mẹ mang thai, mỗi người chúng ta sẽ lại trở về lòng đất mẹ.

Hình ảnh này rất thích hợp với lời Chúa khi Thiên Chúa dựng nên con người, Ngài cho biết: “Ngươi bởi bùn đất mà ra và ngươi sẽ trở về cùng bụi đất” (x. St 3, 19). Khi lìa cõi đời này, mỗi người chúng ta sẽ trở về lòng đất mẹ và còn ở đấy mãi đợi chờ cho đến ngày Chúa cho kẻ chết sống lại. Cũng chính trong nấm mộ là cái chết của Đức Ki-tô Giê-su mà chúng ta đã nhận lãnh sự sống vĩnh cửu. Ngày chúng ta trở về lòng đất mẹ, chúng ta cũng trở về với Đức Ki-tô, để sự sống của chúng ta được đổi mới, được tham dự vào sự sống mới của Đấng đã Phục sinh.

Người đã ra đi về thế giới bên kia nằm sâu trong lòng đất hay đã tiêu tan ra tro bụi. Người còn sống trên mặt đất, buồn sầu tưởng nhớ người đã vĩnh viễn ra đi không còn ngày trở lại cuộc sống trên trần gian nữa. Người còn sống muốn bắc nhịp cầu thông cảm và để sống mầu nhiệm các thánh cùng thông công của niềm tin Ki-tô giáo. Nên hằng năm vào ngày 2 tháng 11 có tập tục đạo đức tốt lành thăm viếng phần mộ người thân thuộc, đọc kinh cầu nguyện cho họ. Ở các xứ đạo sau thánh lễ ngày 1 tháng 11 hoặc những ngày kế tiếp, cha xứ và giáo dân tập trung ở đất thánh, làm lễ, đọc kinh hoặc làm phép mồ. Vào ngày này, thân nhân người quá cố dọn dẹp, trang hoàng mồ mả với hoa nến để nói lên lòng thành kính thương mến với người quá cố và cũng để nói lên niềm tin: tôi tin xác loài người ngày sau sống lại và sự sống đời sau.

Ai trong chúng ta cũng tin rằng “Sinh ký, tử quy”, sống là sống gửi còn chết là về. Nhưng về đâu? Chúa Giê-su trong bữa Tiệc ly với các Tông đồ, đã nói với họ lời từ giã trước khi tự nguyện hy sinh chịu chết: “Thầy đi về cùng Cha Thầy” (x. Ga 14, 1-14). Chỗ khác Chúa Giê-su nói với các môn đệ: “Lòng anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến, và đưa anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (x. Ga 14, 1-3).

Người thân yêu đã ra đi, theo niềm tin của người tín hữu Công Giáo chúng ta, cũng như Chúa Giê-su: về cùng Thiên Chúa Cha. Như thế, họ cũng để lại di chúc lời từ giã như sau: “Tôi ra đi bây giờ nằm sâu trong lòng đất, nhưng tôi tin rằng tôi trở về cùng Thiên Chúa, Đấng sinh thành tôi. Tôi nằm sâu trong nấm mồ này, nhưng tôi vẫn hy vọng trông mong Thiên Chúa sẽ cứu độ tôi và sẽ cho tôi sống lại, được hưởng đời sống bất diệt như Ngài cho Chúa Giê-su sống lại từ cõi chết”.

Nhưng có phải mọi người được như thế không? Thực tế cho biết: mọi người đều trở về lòng đất mẹ, nhưng không phải mọi người trở về “Bụng” tức Cung Lòng của Thiên Chúa. Vì có những người bị loại ra ngoài, khi Chúa phán: “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên ác qủy và các sứ thần của nó” (x. Mt 25, 41). Tại sao? Thưa vì họ đã không biết phụng sự Chúa qua tha nhân: “Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng viếng thăm” (x. Mt 25, 42-43).

Trên những phần mộ của người tín hữu Công giáo thường có cây thánh giá. Cây thánh giá nói lên niềm tin: Chúa Giê-su đã hy sinh chịu chết trên đó để cứu chuộc con người khỏi vòng liên lụy của tội lỗi. Thánh giá Chúa Giê-su là ơn cứu độ, niềm hy vọng cho con người. Trên đó cũng thường có tấm bia có di ảnh người quá cố với ngày, tháng, năm, cùng nơi sinh ra và ngày tháng qua đời. Cũng trên tấm bia có khắc ba chữ: R.I.P. Đây là ba chữ tắt của câu bằng La-tinh: “requiescat in pace” nghĩa là: “ông, bà, anh, chị, em… an giấc ngàn thu”! Có những tấm bia trên phần mộ ghi lại câu Kinh Thánh hay những lời từ biệt, lời cám ơn. Phải chăng chết, đi về thế giới bên kia là hết, là chấm dứt mọi liên đới? Tôi bây giờ nằm chôn kín trong nấm mồ xây kín bằng xi măng, cát đá, nhưng tôi hằng có tâm tình yêu mến Thiên Chúa của tôi, vì Ngài là Cha đời tôi. Và tôi biết Ngài hằng yêu mến tôi. Đứng trước nấm mồ người quá cố, tâm tình buồn thương nhớ tiếc làm sống lại những hình ảnh kỷ niệm buồn vui năm xưa. Thánh giá Chúa Giê-su và cây nến cháy sáng trên phần mộ, tựa như những lời nhắn nhủ của người quá cố nói với người thân còn sống: “Tôi đi về cùng Thiên Chúa Cha, về cùng Đấng là nguồn sự sống và nguồn tình yêu”.

Đứng bên cạnh nấm mồ của thân nhân, chúng ta thấy thương tiếc, nhớ nhung vì họ không còn ở với chúng ta nữa. Nhưng nấm mồ nằm bất động ở đây cũng nhắc nhở cho chúng ta biết cuộc đời như bông hoa sớm nở chiều tàn, chúng ta kẻ trước người sau cũng sẽ vào nằm trong đó. Chúng ta vào nằm trong đó chỉ như đứa con nằm trong lòng mẹ hay nằm trong lòng Thiên Chúa?  Điều này làm chúng ta suy nghĩ và phải quyết tâm sống đời thánh thiện hơn bằng cách làm mọi việc bổn phận cho đầy đủ vì lòng mến Chúa như chị thánh Tê-rê-xa Hài Đồng Giê-su: “làm mọi việc tầm thường với một tình yêu phi thường.” Hay như chuyện một vị tu sĩ đã làm bổn phận của mình trong đời tu. “Một tu sĩ nọ được giao nhiệm vụ may vá. Ngày kia thầy ngã bệnh nặng. Trong lúc hấp hối, Thầy nói: “Hãy đưa cho tôi chìa khóa thiên đàng”. Những người đứng chung quanh giường bệnh bối rối nhìn nhau không hiểu Thầy muốn gì. Nhưng một Thầy hiểu ý đưa cây kim cho Thầy. Tu sĩ ấy mỉm cười hài lòng”. Cây kim mà Thầy dùng mỗi ngày để may vá cho mọi người trong cộng đoàn chính là chìa khóa mở cửa thiên đàng cho Thầy. (Drikwater).

Vậy hôm nay đứng cạnh ngôi mộ những người thân, chúng ta có ý nghĩ gì về cuộc sống, về cái chết, hay nấm mồ…và quyết tâm sẽ làm gì trong tương lai để chuẩn bị cho hành trình về quê hương vĩnh cửu?

 


M. Bernard Hồng Quân
(Sáng tác)