“Từng Ngày Theo Chúa”
Lm. Giuse Nguyễn
Bằng cảm nghiệm sâu sắc
của riêng mình, Linh mục nhạc sĩ Thái Nguyên đã chia sẻ cho nền thánh
nhạc Việt Nam những ca khúc có giá trị về nhiều mặt. Riêng tôi được
đánh động bởi lời của ca khúc Từng
Ngày Theo Chúa vì nó rất phù hợp với sứ điệp Lời
Chúa hôm nay:
“Từng ngày qua đời con vui dấn thân, trong
tình yêu vươn lên để hiến dâng. Ngày tháng qua Chúa đã biết rồi: sống cho Ngài
vẫn là một điều khó, thuộc về Ngài là thách đố cho con, có nhiều phen sức con
đã mỏi mòn, nhưng Chúa đòi con dâng cho Ngài tất cả để chẳng có gì còn lại ở
trong con.”
Hành trình đức tin của
chúng ta là từng ngày
theo Chúa, giống ngày xưa “có
rất đông người cùng đi đường với Đức Giêsu” (Lc 14, 25). Nhưng quả
thật “sống cho Ngài
vẫn là một điều khó”, và “thuộc
về Ngài là thách đố cho con”. Chính Đức Giêsu bằng tấm lòng mục
tử, đã quay lại để âu yếm nhìn đám đông đang bước đi theo Ngài. Ngài
hiểu tâm trạng của từng người nên đã nói với họ: “Ai đến với tôi mà không dứt
bỏ cha mẹ, vợ con, anh em,chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì
không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14, 26). Vì Ngài biết có
người ham vui, theo tâm lý đám đông, thấy người ta đi mình cũng đi. Có người
nhất thời, lúc mùa màng rãnh rỗi nên đi cho vui. Có người mưu đồ chính trị,
tưởng Đức Giêsu lên Giêrusalem để giải phóng dân tộc Israel nên đi theo để
được ở trong nhóm đầu tiên dành chính quyền. Có người đi theo vì sự ái mộ
Thầy Giêsu, nhất là các cô, các bà. Có người đi theo để làm ăn, buôn bán, vì
có đám đông thì tất nhiên phải có nhu cầu ăn uống và nhiều nhu cầu khác…
Đức Giêsu nói với họ phải
suy nghĩ kỹ càng về con đường “từng
ngày theo Chúa” để có quyết định đúng đắn cho hành trình
hiện tại và trong tương lai. Hình ảnh một người xây tháp phải ngồi
tính toán phí tổn, hay ông vua trước khi đi giao chiến phải ngồi xuống
nhìn xem thực lực của mình (x. Lc 14, 28-33) là để minh họa cho việc
làm sống còn của Kitô hữu. Đó là có quyết định bước đi theo Đức
Kitô mỗi ngày hay không? Đó chính là việc “Chúa đòi con dâng cho Ngài tất cả để chẳng có
gì còn lại ở trong con” ; hay: “Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì
không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14, 27).
Từng ngày theo Chúa phải là từng ngày từ bỏ. Từ bỏ nào cũng đòi hỏi sự hy sinh, tiếc
nuối. Tiếc nuối vì những thứ từ bỏ là những thứ ưa thích, những thứ đem lại lợi
ích cho mình. Càng ưa thích thì việc từ bỏ càng khó khăn. Càng lợi ích thì việc
từ bỏ càng tiếc nuối. Tuy nhiên nếu biết có một mục tiêu cao cả hơn thì người
ta sẵn sàng từ bỏ những ưa thích ngay trước mắt.
Đức Giêsu đã từ bỏ vinh
quang của Ngôi Hai Thiên Chúa để trở thành phàm nhân vì mục đích được
sống với con người, nhất là những phận người đau khổ. Ngài đã mang
lấy thân phận hạt lúa mì, chịu chôn vùi, mục nát để trổ sinh bông
hạt là ơn cứu độ cho con người.
Tôma Trần Văn Thiện là một
chủng sinh bị bắt khi mới 18 tuổi. Quan thấy chú còn trẻ, tương lai
còn dài, mặt mày sáng sủa, nên có thiện cảm, khuyên chú chối đạo,
còn hứa gả con gái và sẽ thăng quan tiến chức cho. Nhưng chú Thiện
dứt khoát: “Tôi sẵn
sàng chịu chết chứ không bỏ đạo” ; và “Tôi chỉ muốn quyền chức trên
trời chứ không muốn quyền chức trần gian”. Có chức có quyền, có
vợ đẹp, lại được sống, nhưng Tôma Thiện đã dứt khoát từ bỏ tất cả
vì mục đích cao cả hơn, đó chính là hạnh phúc Nước Trời.
Hành trình theo Chúa hằng
ngày của chúng ta cũng là hành trình từ bỏ, nhưng trước hết phải
nhận ra việc từ bỏ là chính đáng vì thi sĩ triết gia Bùi Giáng đã viết: “Ta cứ tưởng trần gian là cõi thật,
thế cho nên tất bật đến bây giờ”. Ăng-gen cũng đã khẳng định “mọi sự thuộc về vật chất đều
không tồn tại”. Cũng trong triết lý đó, nhà thơ Trần Đại Bổng đã viết: “Bàng hoàng ai đánh mà đau, mơ
giàu hoang tưởng đẫm màu phù vân!”. Lời Chúa trong sách Giảng viên
nói rất rõ: “Phù vân nối
tiếp phù vân. Trần gian tất cả chỉ là phù vân” (Gv1, 1). Thế cho nên
ta đừng để mình bị bám víu vào bất cứ một giá trị nào thuộc về
thế gian này. Nói cách khác, những giá trị đó là tốt, nhưng nếu vì
nó mà làm ta mất hạnh phúc Nước Trời thì phải dứt khoát vì thực
sự ra nó không vững bền.
Kế đến việc từ bỏ là để
ta nhẹ nhàng cất bước. Đavit được vua Saul lấy chính y phục vủa mình
mặc cho, lấy mũ chiến bằng đồng đội lên đầu và mặc áo giáp cho câu.
Tuy nhiên Đavit thưa với vua rằng: “Con
không thể bước đi được với những thứ này, vì con chưa hề thử đến”. Đoạn Đavit
cởi bỏ hết. (1Sm 17, 39). Một chủng sinh đi tu mà còn vướng bận
chuyện gia đình, cứ lo nghĩ công việc ở nhà không ai tiếp giúp, sợ
cha mẹ già không ai phụng dưỡng… thì chắc chắn không thể đi tu được
vì bị ràng buộc bởi gia đình. Một tu sĩ vào nhà dòng mà còn đem
lòng quyến luyến chuyện tình cảm, đêm ngày cứ nghĩ về một bóng
hình nào đó thì làm sao họ có thể toàn tâm toàn ý toàn trí toàn
lòng mà bước theo Đức Kitô. Một giáo dân làm ăn buôn bán, đến nhà
thờ mà trong đầu cứ phân vân không giờ này biết có khách hàng nào
đến công ty mình không, liệu đồ đạc trong nhà có người bảo quản, coi
sóc không… Thì làm sao họ thờ phượng Chúa được. Họ còn vướng bận
bởi những giá trị của tiền bạc, vật chất. Cởi bỏ những giá trị
không đúng đắn hoặc không phù hợp để sống cho một giá trị cao cả hơn.
Từng ngày theo Chúa phải là “vác thập giá hằng ngày mà
theo”. Chỉ có một vướng bận duy
nhất trong đời ta, là thập giá Đức Kitô: “Đường thập giá cheo leo con bước đi con đường hẹp đầy
bao nhiêu khó nguy. Ngài muốn con cứ hãy can trường hiến thân mình sống trọn
tình yêu Chúa, từ bỏ mình để sống với tha nhân, chẳng còn toan tính hơn thua
danh lợi, mong ước đời con vui dâng Ngài nguyên vẹn như đã ước hẹn một lời
nguyền năm xưa”. Khi sống trọn vẹn cho một tình yêu, thì thập giá
không còn nặng nề, mà nó sẽ trở thành tình yêu mãnh liệt hơn. Mẹ
Têrêxa Calcutta đã nói: “Tôi
tìm ra một nghịch lý, rằng nếu bạn yêu sâu sắc tới mức đau đớn, sẽ chẳng thể có
thêm đau đớn nữa, chỉ có thêm tình yêu”. Đi trọn vẹn con đường
thập giá, ta sẽ thêm yêu nhiều hơn.
Ngày lễ suy tôn Thánh giá,
cha xứ nói các gia đình mang cây thánh giá theo để cha làm phép, sau
đó về treo trong gia đình. Cha xứ thấy có một cặp vợ chồng già
chẳng mang thánh giá theo nên hỏi: “Thánh giá của 2 ông bà đâu?” Hai ông bà
chỉ nhau và nói: “Thưa
cha đây là thánh giá của con, con đã mang mấy chục năm rồi”.
Thay vì tìm cách trốn
tránh những khó khăn, những gian nan thử thách thì hãy đi trọn vẹn
con đường gian khó đó, ta sẽ cảm nếm được hương vị ngọt ngào của
tình yêu.
Khi yêu thương mà không nhận
được sự đáp trả, cứ tiếp tục yêu, vì chính lúc đó tình yêu mới là
thực sự. Khi làm ơn mà nhận lại bằng sự phụ bạc, cứ tiếp tục làm
ơn, vì chính lúc đó Thiên Chúa mới trả ơn cho ta…
Từng ngày theo Chúa là
từng ngày chấp nhận từ bỏ mình để vác lên vai cây thập giá, ta sẽ
cảm thấy hành trình đức tin tuy còn đó những khó khăn thử thách,
nhưng tình yêu sẽ đong đầy và đổ tràn trong từng ngày sống của ta.
Sau cùng, ta hãy cầu nguyện
bằng lời của ca khúc Từng Ngày Theo Chúa để thấy được con thập giá
của ta không đơn độc mà có Đức Kitô đã từng đi và đang đi với ta: “Xin cho con luôn cảm thấy được
rằng: Tình Ngài thương hơn trời cao đất sâu. Đã từ lâu Chúa hằng ủ ấp con, đã
từ lâu Ngài chở che giữ gìn. Trước khi con sống cho Ngài thì chính Ngài đã sống
cho con. Trước khi con thuộc về Ngài thì từ bao giờ Chúa đã thuộc về con.”