Thế còn thái độ của Kitô hữu sống theo tinh thần
Tin Mừng thì sao; họ có lối suy nghĩ nào khác không nhỉ? Đức Giêsu cho thấy là
các môn đệ Người phải nghĩ khác: “Tôi nói cho các ông biết: không phải thế
đâu”.
Người tốt / kẻ xấu, đó là phân biệt thường tình,
nhưng liệt kê xếp loại người ta vào thứ hạng nào thì lại là điều cấm kị đối với
Kitô hữu, nhất là khi chỉ dựa trên những sự kiện xảy ra được người đời coi là
‘quả báo’! Đức Giêsu đã chẳng thẳng thừng ngăn chận lối suy nghĩ này: “Anh em
đừng xét đoán để khỏi bị Thiên Chúa đoán xét” (Mt 7:1-5); tại sao thế?
Thường thì trong cuộc sống, ‘quả báo’ được coi là
một định luật hiển nhiên: ác giả thì ác báo, ở hiền thì gặp lành. Và luật quả
báo chứa đựng một sức mạnh vạn năng trong lãnh vực luân lý: nó buộc người ta
phải làm lành lánh dữ. Khó có thể tưởng tượng nổi: nếu không có quả báo thì làm
sao có thể duy trì được nền luân lý cao đẹp trên thế giới này, và bảo đảm được
trật tự xã hội…? Và thế là người ta có khuynh hướng giải thích nguyên nhân mọi
biến cố xảy ra chung quanh theo định luật quả báo. Cứ xem những gì xảy ra cho
một người là biết được người đó tốt hay xấu: ‘nếu người không phạt thì đã có
trời phạt…’! Câu chuyện ông Gióp trong Cựu Ước cho thấy: dứt ra khỏi lối suy
nghĩ cố hữu này không phải là chuyện đơn giản.
Đức Giêsu cho biết một điều căn bản: nếu so sánh
con người với nhau trước các lề luật, thì tất nhiên có người tốt kẻ xấu; nhưng
đứng trước mặt Thiên Chúa tình yêu, thì mọi người không trừ một ai, đều cần tới
ơn cứu độ và lòng xót thương. Các tai họa, rất thường xảy ra quanh ta hay trực
tiếp liên quan đến ta, chính là dịp đưa ta đến gần với lòng trắc ẩn xót thương
các nạn nhận, sẽ luôn là dịp để một tín hữu giáp mặt với Thiên Chúa, và rộng mở
cõi lòng đón nhận lòng thương xót của Người. Việc sám hối mà Đức Giêsu kêu gọi,
không chỉ mang tính luân lý là phải cải tà qui chính, mà trước hết là trở về
với Thiên Chúa, với nguồn mạch của lòng thương xót và nhân ái. Chính vì thế mà
mỗi tai họa lớn nhỏ xảy ra trong đời, đối với mọi tín hữu của Đức Kitô, đều
phải trở thành một lời mời gọi để sám hối và trở về với lòng xót thương thần
linh.
Về phía con người, sẽ không bao giờ có ai xứng
đáng với lòng thương xót đó. Nó luôn luôn được trao ban cách nhưng không, qua
một trung gian duy nhất là Đức Kitô Giêsu. Không có lòng thương xót đó, con
người, dầu có lương thiện tốt lành tới mấy đi chăng nữa, thì cũng tựa như cây
cối tốt tươi, cành lá xum xuê trồng trong vườn mà chủ vườn là Thiên Chúa không
tìm thấy trái ăn. Người làm vườn (là Đức Kitô Giêsu) can thiệp để được tiếp tục
tưới bón bằng sự tự hiến cứu chuộc của Người. Kitô hữu là những cây vả đã được
Kitô Giêsu tưới bón bằng ơn cứu chuộc của Người, không phải chỉ để tiếp tục tốt
tươi xum xuê với sự tốt lành thánh thiện của mình, nhưng là để có được trái
ngon ngọt của nhận biết và sống tình Chúa yêu thương. Nếu Thiên Chúa là tình
yêu, và là Đấng giầu lòng từ bi và hay thương xót, thì Ông Chủ này cũng chỉ
mong tìm thấy nơi các Kitô hữu một nhìn nhận Người là như thế, chấp nhận Người,
và tiếp thu lòng xót thương vô biên; đồng thời tìm cách biểu lộ lòng thương xót
đó trong cuộc sống hàng ngày. Mùa chay chính là thời gian tưới bón, “vun xới và
bón phân cho nó”, là thời gian hướng cặp mắt các tín hữu tới Thập Giá Đức Kitô
Giêsu, biểu hiện vĩ đại nhất của một Thiên Chúa xót thương và cứu độ, để mong
“sang năm nó có trái”. Như thế Mùa Chay mới quả thực là thời gian đâm bông kết
trái cho đời sống đức tin của người tín hữu, là thời gian của hồng ân sự sống
đích thực.
Lạy Chúa, cảm tạ Chúa đã lại cho con được hưởng
một Mùa Chay thánh nữa, đã lại cho con được ‘vun xới và tưới bón’ bằng hồng ân
cứu độ. Xin cho con mở rộng tâm hồn đón nhận tình Chúa xót thương qua việc
chiêm ngắm cuộc khổ hình và cái chết Thập giá của Đức Kitô Giêsu, Cứu Chúa của
con. Con ước mong rằng, qua Mùa Chay thánh năm nay (cũng rất có thể là mùa cuối
cùng của đời con?), Chúa sẽ tìm thấy được nơi niềm tin của con, trái thơm ngon
mà Chúa hằng mong đợi. Xin cho con nhận biết và được biến đổi trong tình thương
xót hải hà của Chúa. Amen.
Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty