Cái tôi – Hiểu biết và đón nhận



Thánh Augustino đã từng thốt lên rằng: “Lạy Chúa, con yêu Ngài quá muộn màng, Ngài là vẻ đẹp nguyên sơ không hư cũ…” Trong suốt cuộc đời mình, thánh nhân đã đi tìm cho mình một cuộc sống hạnh phúc và không chỉ thánh Augustino đi tìm hạnh phúc mà mỗi người chúng ta cũng đi tìm cho mình hạnh phúc. Có những lúc ta thấy hạnh phúc thật nhưng phần lớn là không hạnh phúc, vì sao vậy nhỉ? Khi mở mắt chào đời, đứa bé cất tiếng khóc, đó là dấu hiệu báo cho người khác biết là nó đã có mặt trong trần gian, khi lớn lên một chút thì ta muốn chứng tỏ cho người khác thấy là ta có khả năng làm được việc này việc khác, tới tuổi trưởng thành và kết hôn, ta muốn chứng tỏ cho người bạn đời thấy ta có thể trở thành một bờ vai chắc chắn cho người nương tựa, tới khi đã về già, ta muốn cho người khác thấy rằng những kinh nghiệm của mình luôn có ích cho những người trẻ. Đó chính là những biểu hiện của cái tôi. Không chỉ là một số người có nhưng là mọi người đều có cái tôi và vô hình chung thì mọi người đều muốn chứng tỏ cho mọi người thấy tôi là thế. Trong cuộc sống có rất là nhiều con người có những biểu hiện chưa được tốt như: tự ái, ích kỉ, ghen ghét…Vậy cái tôi có thật sự đáng ghét không với những biểu hiện như thế. Với bài viết “Cái tôi – Hiểu biết và đón nhận”, ta cùng nhau tìm hiểu một vài biểu hiện tốt cũng như chưa tốt của cái tôi để nhận định xem cái tôi đáng thương hay đáng ghét.
I. Dẫn “TÔI” ra ánh sáng                           
1. Những “cái tôi” của tôi
Mỗi người chỉ có một cái tôi thôi, nhưng vì ta luôn bị ảnh hưởng bởi những ước mơ không thực về cái tôi của mình, hay đặt cho mình những tiêu chuẩn cao quá nên ta thường hay mang cho mình những chiếc mặt nạ, có vô số những chiếc mặt nạ được chúng ta mang tùy từng tình huống. Ta cùng nhau tìm hiểu một vài cái tôi theo quan niệm của các nhà tâm lí học .
Theo cách phân loại của Wylie và đã được Rulla bổ sung thì ta có thể phân cái tôi thành hai loại: cái tôi hiện thực và cái tôi lí tưởng. Cái tôi hiện thực là con người đích thật của chúng ta cho dù ta có biết hay không, cái tôi này là kết quả của ba cấu tố:cái tôi hiển thị, cái tôi tiềm ẩn và cái tôi xã hội. Còn cái tôi lí tưởng là điều mà chúng ta khao khát vươn tới, đó là thế giới của khát vọng, ước muốn, dự phóng, đôi khi còn là thế giới của giấc mơ và ảo tưởng. Cái tôi lí tưởng là tổng hợp của hai yếu tố: lí tưởng cá nhân và lí tưởng thiết chế.[1]
Trong quyến sách tìm hiểu chính mình trong cửu loại tính do Thạch Thảo chuyển ngữ và biên soạn thì con người có chín loại cá tính, và mỗi loại cá tính thì lại có một cái tôi đi kèm.
Với những người có danh xưng là người cầu toàn thì cái tôi của họ là cái tôi phẫn nộ, vì đối với họ mọi sự trên thế giới này đều phải hoàn hảo và nghiêm chỉnh, nhưng họ quên một điều là thế giới này là thế giới hữu hạn, vì thế không thể có được sự  toàn vẹn, và vì không đạt được đòi hỏi của mình nên họ bực tức với hết mọi người.
Đối với những người có khuynh hướng thích giúp đỡ người khác thì họ lại có cái tôi kiêu ngạo đi theo. Vì những người có cá tính này thường giúp đỡ người khác không nề hà gì nhưng họ lại giấu không tỏ cho người khác biết họ cũng có nhu cầu được giúp đỡ.
Những người có cá tính số ba được gọi là người thành công, thật vậy họ rất thành công trong mọi công việc được giao nhưng để đạt được thành công đó thì họ phải cố gắng để che dấu những điều xấu nơi mình, chỉ lo tô vẻ bề ngoài và khoe khoang những thành công của mình, vì vậy cái tôi của họ là cái tôi dối láo.
Tự cho mình là người độc đáo, những người có cá tính này không chấp nhận những điều bình thường nhưng những gì liên quan đến họ thì phải đặc biệt. Chính điều này làm cho họ luôn so sánh mình với người khác và ai hơn họ là họ ganh tị, đó là cái tôi của họ.
Với cảm giác nội tâm trống rỗng và cần phải làm đầy, họ hăng hái lao vào học hành nhưng họ bị cái tôi hà tiện chi phối nên họ không muốn chia sẻ cho ai những kiến thức đó. Họ chỉ lo tích lũy và khư khư giữ cho mình nên họ trở thành keo kiệt.
Một số người khác thì lại  không có khả năng và sự tự tin để hoạt động của họ đạt hiệu quả, vì vậy họ muốn được an toàn bằng cách bám vào luật lệ. Do đó họ trở nên một người nhát đảm đến nỗi điều này trở thành đam mê của họ.
Những người có cá tính lạc quan thì hay lẩn tránh đau khổ, mọi thứ đối với họ phải luôn tốt đẹp và dễ thương. Nhưng họ bị cái tôi buông thả lấn át vì họ hay thần thánh hóa những cuộc vui chơi của mình.
Cái tôi ngạo nghễ là cái tôi đi kèm với những người có tính hùng mạnh, những người này luôn tự hào vì họ cho rằng họ có đủ can đảm để bênh vực sự thật và công lí. Tuy nhiên họ lại rơi vào sai lầm là nói thật một cách trắng trợn nên dễ làm tổn thương người khác.
Cá tính cuối cùng của cửu loại tính là an hòa. Nghe qua có vẻ tốt đẹp nhưng thực ra những người có cá tính này thường là không có cảm xúc trước xung đột, coi khinh chính mình và vì cầu an mà sinh ra lảng tránh mọi công việc nên trở thành cái tôi biếng nhác.[2]

2. Cởi bỏ mặt nạ
Như đã nói là mỗi người chúng ta mang nhiều mặt nạ trong ngày sống, và do mang nhiều quá nên bây giờ đã quen, không còn thấy lóng ngóng hay vụng về nữa, thậm chí mặt được người ngoài nhìn và đón nhận như chính là mạt thật của ta. Vấn đề bây giờ là nhận ra mình đang mang mạt nạ nhưng không dám can đảm để cởi bỏ xuống. Thánh Phao lô đã nói: “việc tốt tôi muốn làm thì tôi lại không làm, việc xấu tôi không muốn làm thì tôi lại cứ làm”. Đây cũng chính là tâm trạng của ta khi nhận thấy rõ chính mình.
Vậy đâu là phương cách để ta có thể can đàm lột bỏ mặt nạ của mình xuống? Đó chính là lòng tự trọng. Lòng tự trọng là trung tâm của đời sống tinh thần. Ta có thể chinh phục thế giới nếu ta có lòng tự trọng, ta cũng có thể yêu tha nhân và tin rằng tha nhân cũng yêu thương ta nếu ta có lòng tự trọng…[3] Và lòng tự trọng được xây dựng trên nền tảng là sự khiêm tốn.

3. Tôi được tự do
Một khi đã can đảm để mang lấy chính bộ mặt thật của mình là ta đã can đảm để dám liều, liều để thay đổi. Thay đổi xong thì ta sẽ nhận ra rằng ta đã không uổng công khi dám làm thế. Bấy giờ, ta nhận ra là mình tốt đẹp nên mình dễ dàng đến với người khác trong yêu thương, không còn do dự hay nhút nhát nữa, ta xác tín là bạn quí ta và sẵn sàng đón nhận ta. Lúc đó ta có thể thốt lên trong hạnh phúc: Ta được tự do.[4]

II. Cảm thông và đón nhận
1.Thiên Chúa thương tôi
Khi đã bỏ mặt nạ xuống thì ta không khỏi có nơi mình một cảm giác của sự đau khổ, một phần là vì  đau khi phải bỏ mình và hai là đau khi cảm giác mình làm cho Thiên Chúa buồn phiền. Con đã từng rơi vào trạng thái như thế nên con hiểu rõ cảm giác này. Khi nhận ra con người thật của mình, con trở nên lo lắng, bất an và đau khổ. Con chìm sâu trong phiền muộn. Sau hơn một tháng ở trong tình trạng như thế, con cảm nhận được  trong một lần con Chầu Thánh Thể, con nghe được một âm thanh nhẹ nhàng nhưng sâu lắng: “con có yêu ta hơn những gì con đang suy nghĩ không?”. Con thật sự thấy bối rối vì điều đó, Chúa không nói với con là Chúa yêu con mà Ngài lại hỏi con về tình yêu con dành cho Ngài. Nước mắt con vỡ òa, con đã hiểu. Thiên Chúa yêu con và Ngài không bỏ con, chỉ có con không hiểu tình Ngài dành cho con mà thôi. Yêu con nên Ngài mới dựng nên con, Ngài cho con có tự do, có tình yêu, có hạnh phúc…

2.Tôi thương chính tôi
Nhưng Thiên Chúa thương ta thôi thì chưa đủ, Ngài con muốn ta phải thương  lấy chính mình, khi mình không thương chính mình thì mình cũng không có kinh nghiệm để  cảm nhận tình yêu của Chúa. Không thương chính  mình  thì mình dễ rơi vào trạng thái  tiêu cực  và  đau  khổ triền miên.

3.Học cách đón nhận
Với những mặt chưa tốt của cái tôi nêu trên, thường thì ta dễ nhận thấy là cái tôi thật đáng ghét, nào là hờn giận, ích kỉ, kiêu ngạo, hà tiện…nhưng nó là ta, do đó không làm cách nào để loại nó ra khỏi ta được. Không loại nó được thì tìm cách sống hòa bình với nó vậy. Hòa bình với nó không phải là thái độ kệ nó, cứ để nó phát huy ra nhưng là tìm thấy căn nguyên của nó, tại sao ta  kiêu ngạo, vì ta  hiểu biết nhiều chăng, biết nhiều mà không chia sẻ để có thêm cái biết thì cái biết đó dần dần cũng sẽ mất. Tại sao ta phẫn nộ với những gì không hoàn thiện của thế giới này…với mỗi người có những loại cá tính khác nhau, ta đặt cho mình những câu hỏi khác nhau, trả lời những câu hỏi đó xong là ta có thể tìm được cho mình cách sống chung với cái tôi của mình.
Điều quan trọng là nhận thức của mình về vấn đề đó, sau đó thì đón nhận với thái độ khiêm tốn và thành thật. Vì sao có các thánh, các thánh có gì trổi vượt hơn người thường? Đây là câu trả lời cho vấn nạn đó, các thánh được là thánh vì nhận ra mình và với lòng tự trọng đã khiêm tốn sửa mình với ơn của Chúa Thánh Thần.

III. Hướng đến cái tôi chân thật
Cái tôi lí tưởng là cái tôi mà ta hướng đến, song có khi nó không phải là cái tôi lí tưởng đúng đắn mà chỉ là cải tôi lí tưởng viễn vông. Đau khổ hơn là thường thì chúng ta lại dễ rơi vào việc chạy theo một cái tôi lí tưởng viễn vông, sau đó không đạt được thì sinh ra đau khổ.
Cái tôi lí tưởng của ta là những gì mà tôi đã hấp thụ được qua năm tháng, là cái mà ta nghĩ mình sẽ là như thế. Nếu ta không đạt được thì ta rơi vào những đau khổ không chính đáng, ta dễ có thái độ oán trách bản thân.[5]
Như vậy để có một cái tôi lí tưởng thật sự thì chỉ có một người có thể dạy ta và làm gương cho ta. Xin giới thiệu đó chính là Đức Giêsu, một mẫu gương sáng chói, vô tì tích, Ngài không chỉ dạy mà còn thực hành điều mình dạy.
                                                                        
1.Đức Giêsu  – cái tôi lý tưởng
Chính Đức Giê su là một tổng số tất cả các cá tính có nơi con người, nơi Ngài những cá tính ấy không còn những đặc điểm đáng ghét nữa mà thay vào đó là nhưng ưu điềm để ta noi theo.
Trước hết, hầu như mọi ngưới đều công nhận Thiên Chúa là Chân – Thiện – Mĩ và nơi Đức Giêsu được biểu lộ ra Ngài là Đấng hoàn thiện (Mt 5,48; Ga 8,46; 8,1-11). Tuy nhiên, lí tưởng thể hiện ra ở nơi Ngài là việc Ngài chấp nhận con người với những giới hạn của họ, Ngài mời gọi ta sống quảng đại và từ bi (Lc 6,29: Mt 5,41).
Nơi thầy Giêsu ta cũng bắt gặp hình ảnh Ngài tận tụy phục vụ tha nhân (Ga 2,1-11; Lc 7,11-15; Mt 9,26-28…) nhưng Ngài giúp đỡ tha nhân không phải để họ lệ thuộc Ngài mà trái lại Ngài còn tránh xa điều đó (Ga 6,11-15; Mc 5,18tt).
Cuộc đời Đức Giê su chỉ có một mục đích duy nhất là xây dựng Nước Thiên Chúa và Ngài cũng có những thành công nhất định (Lc 10,1tt; 8,3), nhưng không vì Ngài là Thiên Chúa mà Ngài không phải nếm mùi thất bại ê chề (Ga 6,15; Lc 4,45; Mt 27,46), điểm hay nơi Ngài mà ta cần học đó là giá trị cuộc sống không đo bằng thành công, nếu lẫn lộn giữa hai điều này thì chúng ta dễ rơi vào tuyệt vọng.
Trái tim Chúa Giêsu cũng là một trái tim bằng thịt như ta nên Ngài cũng có những rung động trước đau khổ của tha nhân (Lc 7,13; Ga 11,35) nhưng Ngài không để cho mình bị chìm đắm trong nỗi u sầu, trong đau khổ bao giờ Ngài cũng hé mở cho ta thấy một chút hi vọng như khi loan báo khổ nạn thì Ngài cũng loan báo Phục Sinh, trong cô đơn Ngài vẫn tỏ lòng tin vào Thiên Chúa Cha…Đó là cái tôi lí tưởng mà chúng ta cần học theo.
Đức Giêsu là bậc thầy khôn ngoan, Ngài giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, Ngài biết chia sẻ cho môn đệ những chân lí cao siêu mà chính Ngài đã cảm nhận được từ nơi Thiên Chúa (Ga 15,15; Mt 5,7; Mc 8,15), tuy là Người khôn ngoan thông thái nhưng chân lí của Ngài không phải xa xôi, hoang tưởng hay là tự mãn mà trái lại ngài đã thực hiện và dạy người khác thực hiện, ngoài ra còn giải thích rõ ràng những chỗ người ta chưa hiểu. Cái tôi lí tưởng của Ngài là ở đó.
Ngôn sứ Isaia đã gọi Đức Giêsu là Vị Tôi Trung của Thiên Chúa, danh hiệu này quả thật không sai, Ngài không chỉ giữ luật Thiên Chúa mà còn trung thành với luật Do Thái (Mc 14,58; Lc 23,2). Cái tôi lí tưởng nơi Đức Giê su là tuy Ngài trung thành với luật nhưng không nệ luật, Ngài cho ta thấy luật chỉ là phương tiện chứ không phải là cứu cánh.
Mở đầu cho cuộc hành trình của mình, Đức Giêsu đã đi dự tiệc cưới,  rồi Ngài còn đi đánh cá với môn đệ (Ga 2,1-12; Mc 8,19-21), các tác giả sách thánh không ghi lại thái độ của Chúa lúc đó nhưng con nghĩ là Chúa rất vui. Dù Ngài biết là Ngài sẽ phải chịu đau khổ nhưng Ngài đón nhận thực tế cách bình an và vui tươi (Ga 16,21).
Đời rao giảng của Chúa Giêsu không thiếu những lúc Ngài cũng phải lên tiếng để bảo vệ công lí (Mt 23; 10,28), tuy nhiên Ngài bộc lộ cái tôi lí tưởng ở chỗ là Ngài không sử dụng bạo lực để chống bạo động mà Ngài dùng gương sáng và đời sống của Ngài để làm vũ khí và Ngài thành công.
Điểm son cuối cùng nơi Đức Kitô mà ta cần nói là Ngài có một đời sống rất thanh thản và bình an ( Mt 11,29; Ga 14,27) nhưng không vì thế mà Ngài để cho cái tôi lười biếng lấn át mình. Ngài không chấp nhận sự trễ nải, chần chừ, biếng nhác (Ga 5,17; Mc 16,16…)[6]

2.Bắt đầu ngay kẻo muộn
Sau khi đã điểm qua những cái tốt nơi Cái Tôi lí tưởng của Đức Giêsu, ta càng nhận rằng cái tôi thật sự không đáng ghét, nếu chúng ta soi mình nơi gương Giêsu rồi cố gắng sửa mình thì cái tôi của mình sẽ được hướng đến một chiều kích tốt đẹp hơn. Tuy nhiên để nhận ra và thay đổi là điều không dễ, ta cần phải biết suy tư và khám phá mình thì mới có hi vọng. Muốn suy tư có hiệu quả thì ta cần những nguồn mạch của suy tư. Cũng như dòng sông không có nguồn thì nó sẽ nhanh chóng cạn khô thì ta cũng cần có nguồn khi suy tư. Nguồn mạch thứ nhất là nguồn mạch ngạc nhiên, nếu không biết ngạc nhiên thì ta không thể bắt đầu suy tư được. Nguồn mạch thứ hai là nguồn mạch hoài nghi, trong cuộc đời cần có ít nhất một lần hoài nghi về những gì đã được lập trình sẵn, chính nguồn mạch hoài nghi này sẽ giúp ta mở những cánh cửa mà không ai nghĩ tới. Một nguồn mạch nữa cũng quan trọng không kém là kinh nghiệm đau khổ, ai đã can đảm đối diện với cảm giác đau đớn ấy thì dễ náy sinh nguồn mạch suy tư với tâm hồn khiêm tồn, họ sẽ biến những kinh nghiệm đau dớn ấy thành chân lí cho cuộc đời.
Nhận ra những điều trên đã là một bước tiến lớn nhưng nhận ra rồi thì để đó cũng vô ích. Hãy bắt đầu ngay đi, bắt đầu ngay không thì sẽ muộn. Thiên Chúa vẫn đang chờ bạn với đôi vòng tay yêu thương của Ngài.[7]

Tạm kết hành trình
Một cuộc hành trình bao giờ cũng có khởi điểm và kết thúc, cuộc hành trình này chỉ thật sự kết thúc khi được chiêm ngưỡng Thánh Nhan, nên bài viết này chỉ xin gọi là tạm kết, vì còn nhiều điều cần phải suy tư thêm, cần có thời gian để cảm nghiệm thêm. Đây thật sự là một đề tài không những hay mà còn thú vị, mới nghe đề tài thì sợ nhưng khi bắt đầu viết thì lại cảm nhận được cái hay của nó. Cái tôi là chính mình nên không tài nào bỏ đi được, suy nghĩ kĩ thì thấy cái tôi đáng thương hơn đáng ghét. Nó cũng cần được cảm thông và cần được chia sẻ. Nó sẽ đi theo mình trong suốt cuộc đời này nên tốt hơn hết là tay nắm tay cùng nó đi cho trọn con đường Chúa muốn mình đi.

Hoa Đất






[1] Tâm lí và huấn luyện. A. Cencini và Manenti. Nxb Phương Đông.
[2] Tìm hiểu chính mình trong cửu loại tính. Thạch Thảo chuyển ngữ và biên soạn                                                              
[3] Hành trình tự do. Jame E. Sullivan. Nxb Tôn Giáo
[4] Hành trình tự do. Jame E. Sullivan. Nxb Tôn Giáo          
[5] Hành trình tự do. Jame E. Sullivan. Nxb Tôn Giáo
[6] Tìm hiểu chính mình trong cửu loại tính. Thạch Thảo chuyển ngữ và biên soạn
[7] Triết học nhập môn. Giuse Nguyễn Trọng Viễn OP