Lời Chúa Chúa Nhật XVIII TN - Năm A

Phép nhân đến từ phép chia của lòng quảng đại (Bài giảng Cn XVIII Tn - Năm A)

Cơm bánh là nhu cần tối thiểu cho cuộc sống con người. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta nhìn lại những gì Chúa đã làm trong Cựu ước để nuôi dưỡng con người trong hành trình sa mạc. Từ những việc làm của Chúa trong Cựu ước, chúng ta sẽ đào sâu và suy tư việc Chúa làm cho hóa bánh ra nhiều.
Thiên Chúa luôn chăm sóc dân riêng của Ngài. Ngài đã dựng nên mọi sự từ hư vô để nuôi sống con người. Giữa muôn loài muôn vật, con người làm bá chủ và được hưởng dùng. Trong cuộc lữ hành sa mạc, Ngài đã gửi man-na và chim cút để nuôi dưỡng đoàn dân đang phải vật lộn với đói khát của sa mạc khô cằn và nắng nóng. Isaia (Bài đọc I) đã loan báo một tương lai huy hoàng mà con người không cần phải mua bán lương thực và những thứ cần dùng, nhưng họ sẽ được phân phát theo nhu cầu. Họ cũng sẽ được nuôi dưỡng  không phải chỉ bằng bánh vật chất, nhưng còn là bánh thiêng liêng, đó là những cao lương mỹ vị, nhờ việc chuyên tâm lắng nghe và tuân giữ Lời Hằng Sống.
Đức Giêsu, Thiên Chúa nhập thể, đã mang một trái tim nhân loại. Trái tim ấy đã “chạnh lòng thương” trước đám đông dân chúng đã mệt mỏi vì đường xa mà lại đang ở một nơi hoang vắng. Đề nghị của các môn đệ xem ra thật “hợp tình hợp lý”: “Xin Thầy cho họ về, vì nơi đây hoang vắng và cũng đã muộn”. Vâng, đó là cách giải quyết dễ dàng hơn cả mà các môn đệ cũng như chúng ta thường lựa chọn. Đó là cách giải quyết vừa nhanh gọn vừa không gây bận rộn cho các môn đệ. Đức Giêsu không giải quyết kiểu đó. Người nghĩ đến những người già cả, những người đến từ xa. Họ đang rất đói và có thể chết trên đường trở về. Lòng thương xót của Chúa muốn mang lại  sức sống và niềm vui cho con người. Đức Giêsu muốn khẳng định cho mọi người thấy những ai kiên tâm theo Người sẽ không phải thất vọng. Họ sẽ không phải về tay không.
Phép lạ nhân bánh đến từ sáng kiến và lòng thương của Thiên Chúa. Tuy vậy, Đức Giêsu cũng muốn sự cộng tác của con người: “Chính anh em hãy cho họ ăn”. Và thật kỳ diệu, từ một chút của ăn chẳng có là bao là năm cái bánh và hai con cá, Đức Giêsu đã làm cho hóa ra nhiều nuôi đến  năm ngàn người. Thánh Mátthêu còn nhấn mạnh thêm con số năm ngàn chỉ tính đàn ông, không kể đàn bà và con trẻ. Kết quả kỳ diệu đó đến từ tình thương của Thiên Chúa và sự cộng tác của con người. Từ năm cái bánh và hai con cá của em bé, những gì được chia sẻ không mất đi, trái lại được nhân lên gấp bội. “Phép nhân đến từ phép chia của lòng quảng đại” là thế. Có người sánh ví đức ái như ngọn lửa tài tình, càng được chia sẻ thì càng được bùng lên, lan rộng khắp nơi mà không hề bị tiêu hao đi.
Ngày hôm nay, đây đó có những người giàu có tới mức dư thừa, đồng thời cũng còn những người bất hạnh, thiếu thốn kể cả những gì tối thiểu cho cuộc sống hằng ngày. Làm ra cơm bánh và tăng trưởng kinh tế là một thách đố lớn đối với con người của mọi thời đại. Người ta đã trách Chúa sao không phân phối tài sản đồng đều  giữa các nước bắc bán cầu và nam bán cầu, giữa những người giàu “nứt đố đổ vách” và những nghèo “rớt mồng tơi”. Nhưng thực ra, Thiên Chúa đã tạo dựng vũ trụ và muôn loài cho mọi người và cho mỗi người. Ngài cũng luôn mời gọi chúng ta cộng tác với Ngài bằng việc giang rộng cánh tay để xoá đi chênh lệch, xóa đi bất hạnh nghèo đói. Vì mọi người đều là anh chị em với nhau và cùng được hưởng những tài nguyên mà Thiên Chúa ban tặng. Những người giàu có chỉ là người quản lý của cải Chúa ban để phân phát cho những anh chị em mình. Họ không thể dựa trên lý lẽ “là của mình” để tùy tiện phung phí hoặc dửng dưng trước sự nghèo đói của những người xung quanh. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tuyên bố một cách dứt khoát: “Của cải để lãng phí là của cải ăn cắp của người nghèo”.
Chính trong lúc này,  chúng ta cử hành Bí Tích Thánh Thể. Nơi đây Đức Giêsu tiếp tục hóa bánh ra nhiều để nuôi dưỡng chúng ta. Nơi đây chúng ta lãnh nhận lương thực thiêng liêng, lương thực nuôi sống chúng ta và là bảo chứng cho chúng ta được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu. Đức Giêsu Thánh Thể là tấm bánh bẻ ra cho toàn thế giới, đồng thời là lời mời gọi mọi người hãy yêu thương và chia sẻ cho nhau, như Người đã yêu thương và hiến chính mình cho chúng ta.
 “Thấy ai đói khó thì thương
Thấy ai khổ sở tìm phương đỡ đần”  (Ca dao)
+Gm Giuse Vũ Văn Thiên