CHÚA GIÊSU QUÀ TẶNG TÌNH YÊU


Biến cố Chúa Giêsu hạ sinh chính là món quà Giáng Sinh đầu tiên mà trong đó, Người tặng quà là Đấng Toàn Năng giàu lòng thương xót luôn mang tâm thế vô vị lợi và đối tượng thụ hưởng chính là nhân loại nơi cõi trần gian này.

Tặng quà là một hành vi phổ biến trong đời sống xã hội. Trên thế giới, Mùa Giáng Sinh được xem là mùa của quà tặng và không ngoại lệ, đến nay tại Việt Nam người ta cũng thường tặng quà cho nhau như là động thái biểu tả tâm trạng vui tươi, phấn khởi khi Mùa Giáng Sinh về. Những món quà tặng trong Mùa Giáng Sinh có thể mang những thông điệp khác nhau do bởi nó phụ thuộc vào những mối quan hệ như tôn giáo, xã hội, gia đình, tình bạn hay tình yêu đôi lứa… nhưng điểm chung cốt lõi vẫn là những giá trị nhân văn và ý nghĩa về mặt tâm linh trong Mùa Giáng Sinh.

Qùa tặng: Lạm bàn về sự “cho và nhận”
Nói theo “ngôn ngữ ngân hàng” thì việc tặng quà được xem như là một “giao dịch” giữa người cho (tặng) và người nhận. Còn quà tặng có thể được hiểu ở hai khía cạnh; Về vật chất như là các món quà lưu niệm, là hàng hóa hay tiền của giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn…và quà tặng phi vật chất bao gồm những giá trị về tinh thần như con cái hiếu thảo với ông bà, cha mẹ; hay những lời chúc mừng nhân sự kiện kết hôn, thi đỗ hoặc như một gia đình đạt được những thành tựu tốt đẹp trong cuộc sống…
Hành vi tặng quà cũng có thể có sự khác biệt giữa các tôn giáo, các nền văn hóa cũng như ở từng quốc gia. Nhưng tựu trung, người tặng quà thì luôn có những lý do riêng của họ mà đó có thể là sự thể hiện lòng biết ơn, bày tỏ tình yêu, sự trân trọng hay xuất phát bởi lòng trắc ẩn… Tuy nhiên, một “giao dịch” giữa cho và nhận được xem là thành công khi người tặng phải thể hiện được tâm thế tự nguyện, vô vị lợi và không xem đó là một lý do để trao đổi; đồng thời người nhận quà phải được ở trong tâm thế vui vẻ, hạnh phúc. Bởi thế, câu nói: “ Của cho không bằng cách cho” luôn trở nên đúng đắn.
Có câu chuyện kể rằng: “Ở La Mã, có một bà lão hành khất đứng ăn xin ở vệ đường. Thoạt đầu, có một cặp vợ chồng ngoại quốc giàu sang đi qua. Người chồng móc trong túi ra hai mươi đồng tiền ném vào rổ cho bà lão hành khất, tay móc tiền nhưng miệng vẫn đang nói chuyện với vợ, không thèm nhìn bà lão. Đi thêm được một bước ông ném điếu thuốc mới hút hết một nửa. Bà lão lẩm bẩm thì thầm cám ơn. Một lát sau, có một người Kitô hữu đứng lại, móc trong bóp ra một đồng, chìa cho bà lão, vẻ nhìn nghiêm khắc và nói: "Này bà, không phải vì thương bà đâu, mà vì Chúa Kitô dạy tôi phải làm phước cho người khác thế thôi. Thực ra, thì tôi rất khinh thường những kẻ như mụ, làm biếng không chịu đi làm, nên mới phải nghèo khổ như vậy, đừng nên trách ai cả." Sau cùng đến một ông lão run rẩy yếu ớt đã có phần tuổi. Ông dừng chân lại bên cạnh bà lão hành khất, nói chuyện vài câu về thời tiết thay đổi bất thường, nóng nực quá chừng, và hỏi bà lão đứng hoài như vậy có mệt mỏi không, sao không ngồi xuống? Lại còn tâm sự thêm rằng, đứng lâu như thế thì e rằng chân sẽ bị đau. Ông vừa hỏi chuyện, vừa kín đáo bỏ vào rổ bà lão một khúc bánh nhỏ. Bà lão hành khất này mất hẳn đi cái vẻ lãnh đạm, nhăn nhó mà tươi hẳn lên”
Không phải “giao dịch” giữa cho và nhận bao giờ cũng đem đến cho người nhận niềm vui mà có thể là ngược lại. Việc các phương tiện truyền thông đưa tin đã cho thấy trong đời sống xã hội vẫn luôn tồn tại những “sự cho” đáng buồn khi người ta mang danh từ thiện và “ lạnh lùng” khi đưa những loại thực phẩm cận hạn hay hết hạn sử dụng đến cứu trợ người dân vùng thiên tai hay nơi bệnh viện; Hay như một “giao dịch” giữa cho và nhận là một cuộc đánh đổi, chẳng hạn như tôi cho anh cái này anh phải làm cho tôi cái kia; Hoặc như mối quan hệ xã hội nảy sinh cái gọi là “ cơ chế xin cho”…đã gây ra không ít bức xúc và sự phiền hà nơi người nhận. Do vậy, việc tặng quà không hẳn chỉ là việc bày tỏ tấm lòng mà nó còn phải là một hành vi văn hóa - nhân văn và sâu xa hơn thì việc tặng quà cũng có thể được xem như một nghệ thuật nhằm đem lại niềm vui cho người nhận, phải xuất bởi sự cảm thông, sự yêu thương và đáp ứng được nhu cầu thiết thân nơi người nhận. Và Mẹ Teresa Calcutta đã nói: “Cứ mỗi lần bạn cười với ai đó là bạn đã thể hiện tình yêu, trao một món quà, hoặc một điều đẹp đẽ với người ấy. Hãy gặp nhau và bắt đầu bằng những nụ cười. Đó là khởi nguồn của mọi tình yêu thương”.

Món quà Giáng Sinh đầu tiên
Có quan điểm cho rằng: Món quà gồm vàng, nhũ hương và mộc dược của Ba Vua là món quà Giáng Sinh đầu tiên. Có lẽ điều này chỉ đúng trong ngữ cảnh “Món quà của Ba Vua có thể là một trong những món quà đầu tiên mà con người dâng lên Chúa Hài Đồng”; Vì khi cảm nhận một cách sâu xa thì Mẹ Maria và Thánh Giuse mới là những người đầu tiên tặng quà cho Hài Nhi Giêsu, đó là món quà không thể đong đếm bởi sự “Xin Vâng” của các ngài theo thánh ý Thiên Chúa; Chúng ta không thể không nhắc đến những Mục đồng đơn sơ khi được Thiên Thần báo tin đã tìm đến nơi Hài Nhi Giêsu hạ sinh và máng cỏ, hơi thở chiên lừa của các Mục đồng là những điều kiện khả dĩ sưởi ấm cho Hài Nhi trong đêm đông giá lạnh đã là món quà hội đủ cả hai khía cạnh vật chất lẫn tinh thần. Nhưng sẽ luôn là đúng và đầy đủ hơn thì món quà Giáng Sinh đầu tiên chính là biến cố Chúa Giêsu giáng trần để thực hiện Ơn Cứu Độ muôn dân vì một lẽ, Người ban tặng trước hết chính từ nơi Thiên Chúa!
Ngược về quá khứ, khi con người phạm tội, nổi loạn và bội ước nhưng Thiên Chúa nhân từ đã không loại trừ mà còn giang rộng vòng tay yêu thương cứu vớt con người qua việc ban tặng Người Con Duy Nhất của mình. Điều này được mô tả một cách cụ thể và sống động qua lời Thánh Gioan: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. (Ga 3:16).
Chúa Giáng Sinh là món quà yêu thương, là món quà tuyệt hảo nhất mà Thiên Chúa ban tặng cho loài người bởi một lẽ "Thiên Chúa là tình yêu, và hễ ai ở trong tình yêu thì ở trong Chúa, và Chúa ở trong người ấy"(1 Ga 4:16). Sự thể hiện tình yêu của Thiên Chúa thật khó lý giải sao cho trọn vẹn trong khả năng nhận thức của con người, vì biến cố Giáng Sinh là xâu chuỗi những sự kiện thật khó hiểu khi Một Thiên Chúa Toàn Năng lại hóa thân làm người, lại hạ sinh trong máng cỏ chiên lừa và những người dân ngoại, những người nghèo hèn lại là những đối tượng đầu tiên được thụ hưởng nguồn hạnh phúc. Thiên Chúa đến nơi cõi trần này trong tâm thế nghèo hèn, rồi Ngài trở thành Một Vị Vua - Một Vị Vua “ vô tiền khoáng hậu” bởi nơi Ngài hoàn toàn khác hẳn với các bậc đế vương trong suốt chiều dài lịch sử loài người, vũ khí tối thượng của Ngài chỉ là tình yêu và Ngài đã chết, một cái chết cũng thật lạ lùng do bởi yêu thương để cứu chuộc nhân loại.
Như vậy và không thể khác, biến cố Chúa Giêsu hạ sinh chính là món quà Giáng Sinh đầu tiên mà trong đó, Người tặng quà là Đấng Toàn Năng giàu lòng thương xót luôn mang tâm thế vô vị lợi và đối tượng thụ hưởng chính là nhân loại nơi cõi trần gian này. Việc đón nhận món qùa tuyệt hảo này sẽ luôn tùy thuộc vào từng đối tượng thụ hưởng khi mà Người ban tặng đã quá yêu thương và đã quá hào phóng đối với người nhận.

Qùa tặng Mùa Giáng Sinh: Hình ảnh “ Ngôi Sao Lạ”
Trong đời sống xã hội, ngày nay người ta có thể xếp hàng dài đứng chờ mà bất kể thời gian hay thời tiết nắng mưa để chào đón những ca sỹ, diễn viên điện ảnh hay những vận động viên thể thao nổi tiếng là những thần tượng - là những ngôi sao trong trái tim của họ. Rồi khi được gặp mặt những “ngôi sao” cả đám đông vỡ òa trong niềm hân hoan chứa đựng trong đó có cả những giọt nước mắt, những nụ cười xen lẫn sự la hét cuồng nhiệt. Phải chăng, khi đó đám đông này đã tận tưởng được món quà tinh thần lớn lao, là niềm hạnh phúc đích thực trong đời sống của họ?.  
Nói đến biến cố Giáng Sinh thì không thể không nói đến hình ảnh “Ngôi Sao Lạ” là dấu chỉ Thiên Chúa tỏ mình ra cho nhân loại nói chung và dân ngoại nói riêng. Và nơi trần gian này, có vẻ như hình ảnh “Ngôi Sao Lạ” ngày nay đang bị mờ đi bởi những “ngôi sao trần tục”. Người ta có thể duy lý rằng, đi tìm kiếm làm chi “Ngôi Sao Lạ” ở nơi xa xôi ấy mà hãy tìm kiếm những ngôi sao trần tục là đã “thỏa chí tang bồng”; Nhưng không, việc ta tìm kiếm “Ngôi Sao Lạ” tức là ta đi tìm Chúa sẽ chẳng có gì là xa xôi và cũng chẳng có gì là quá sức nơi mỗi con người. Thiết nghĩ, chúng ta đừng tìm Chúa ở nơi những kỳ công của Ngài mà hãy tìm Chúa ở những nơi, những điều giản đơn nhất. Khi ta bỏ ra nhiều thời gian và những giọt nước mắt cho thần tượng của mình thì tại sao ta lại không thể dừng lại một chút bên những mảnh đời bất hạnh mà đó có thể là những bệnh nhân hay cô nhi quả phụ…; Khi ta luôn biết tạo ra những nụ cười sảng khoái, những ánh mắt trìu mến dành cho thần tượng của mình thì tại sao ta lại tiết kiệm, dè sẻn những nụ cười và ánh mắt trìu mến với những người chung quanh… Vậy thì “Ngôi Sao Lạ” chẳng phải ỏ đâu xa xôi mà “Ngôi Sao Lạ” vẫn luôn tồn tại nơi mỗi con người mà không ai khác, chính mỗi con người phải có trách nhiệm duy trì ánh sáng cho “Ngôi Sao Lạ” nếu như không muốn “Ngôi Sao Lạ” ngủ quên và luôn cần phải đánh thức.

Vĩ Thanh
Dòng đời cứ trôi, con người ta cứ luẩn quẩn, mải mê nơi chốn chợ đời ô trọc này để tìm kiếm những món quà mang cái tôi thật lớn. Rồi nhiều khi món quà ân tình trong những mối quan hệ lại trở thành một món quà sa sỉ thật khó kiếm tìm.
Cuộc đời này đâu hẳn chỉ có hoa hồng mà vẫn luôn trộn lẫn vào đó những gam màu ảm đạm. Đâu phải ai sinh ra nơi cõi trần này cũng đều được may mắn và hạnh phúc mà đâu đó, còn thật nhiều những mảnh đời bất hạnh cần quan tâm chia sẻ. Chẳng ai có quyền cấm cả, ta vẫn cứ tự do và thoải mái sống riêng cho mình, nhưng chỉ cần nơi góc khuất trong tâm hồn ta biết hướng tới người khác thì cặp khái niệm giữa “cho và nhận” sẽ trở nên hoàn hảo hơn và việc tìm kiếm “ Ngôi Sao Lạ” cũng sẽ trở nên dễ dàng hơn. Và như William Arthur Ward đã nói rằng:“Yêu không chỉ là một danh từ - nó là một động từ; nó không chỉ là cảm xúc - nó là quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ, hy sinh”.
Nguyện xin Chúa Hài Đồng soi sáng để con luôn nhận ra được “ Ngôi Sao Lạ” trong đời sống của con. Con nghĩ rằng, nếu con biết đặt để sự yêu thương đúng lúc, đúng nơi, đúng chỗ thì con đã tạo ra cho mình được món quà quý giá để dâng lên Chúa Hài đồng và con cũng trộm nghĩ rằng, chắc là Chúa Hài đồng cũng chỉ cần thế thôi./.
Jos Nguyễn Mừng