TINH THẦN NGHÈO KHÓ CỦA NGƯỜI TU SĨ

Trong thế giới ngày nay, con người đang hướng đến một nền kinh tế toàn cầu hóa, con người luôn chạy theo lợi nhuận, theo xu hướng: mạnh được yếu thua. Trong đời sống gia đình mạnh ai nấy sống, nhân phẩm của con người ít được tôn trọng và có sự phân biệt đối xử giữa người với người, xã hội khuyến khích con người làm thế nào để tạo ra nhiều của cải vật chất để hưởng thụ. Do vậy, khi muốn làm giàu con người dễ rơi vào tình trạng tội lỗi, xa rời đức tin. Thế nhưng lội ngược dòng thời gian đó cũng có biết bao người âm thầm, can đảm và dấn thân trong đời sống dâng hiến.
Trước thực trạng xã hội đang sống theo trào lưu hưởng thụ thì người tu sĩ chọn sống đời sống khó nghèo nhằm làm nổi bật đời sống của người môn đệ Đức Kitô. Đồng thời đời tu phản ánh rõ nét giá trị siêu việt của Tin Mừng là đem ơn cứu độ đến cho tha nhân.
Xét theo nền tảng Thánh Kinh từ thời Cựu Ước. Sự nghèo khổ được xem như là một tai họa, vì thế con người luôn tìm cách giải quyết vấn đề nghèo khổ của mình. Như xưa dân Israel đã cử hành năm toàn xá, để họ đươc tha hết những án phạt như: tù tội, nợ nần, và được trở về với đời sống xã hội bình thường, được hưởng những thành quả do chính tay họ làm ra.
Thời các tiên tri cũng luôn quan tâm bênh vực người nghèo, nơi nào có tiên tri xuất hiện là nơi đó có cảnh giác sự giàu có, vì nó là mối nguy hiểm, làm cho con người lãng quên Thiên Chúa. “chúng bán người công chính để lấy tiền, bán kẻ nghèo khổ với giá một đôi giày” ( Am 1,6), đồng thời các ngài cũng chống lại những tệ nạn lạm dụng quyền lực xúc phạm đến người nghèo khổ là xúc phạm đến Chúa.
Trong các thánh vịnh cũng luôn nhắc đến sự nghèo khó, kẻ nghèo khó biết tin tưởng phó thác vào Chúa thì tâm hồn họ sẽ luôn được bình an “kẻ nghèo này kêu lên và Chúa đã nhận lời, cứu cho khỏi cơn nguy khốn”.
Trong thời Tân Ước sự nghèo khó được thể hiện qua biến cố nhập thể và giáng sinh đã minh chứng cho chúng ta thấy được sự nghèo khó của Chúa Giêsu,  Ngài đã chấp nhận sinh hạ nơi máng cỏ khó nghèo, thời kỳ lớn lên Ngài lưu lạc khắp nơi và làm nhiều nghề để kiếm sống. Sự khó nghèo thể hiện trong Tin Mừng nổi bật nhất là trong Tin Mừng Matheu (Mt 6, 20) “con chồn có hang, chim trời có tổ con người khôn có chỗ tựa đầu”. Trong thư Phaolô: Người vốn giàu có nhưng đã trở nên nghèo hèn vì anh em, nhờ cái nghèo của Người anh em được trở nên giàu có” (2 Cr 8,9). Sự nghèo khó còn được thể hiện qua sự vâng phục của Ngài: “Ngài vâng phục cho đến chết và chết trên Thập giá”. Qua đó cho chúng ta thấy Chúa Giêsu sống tinh thần nghèo khó cách tận cùng để chúng ta được nên giàu có, được đón nhận hạnh phúc. Nhìn vào đời sống nghèo khó của Chúa là động lực giúp cho những người sống đời tận hiến ngày càng biết kết hợp mật thiết với Chúa trong sự khó nghèo tự nguyện và thanh thoát với mọi của cải trần gian, hầu kiếm tìm hạnh phúc Nước Trời mai sau. Và biết tích trữ cho mình một kho tàng trên trời nơi mối mọt không thể phá hoại.
Sự  nghèo khó còn được thể hiện nơi gia đình Thánh Gia, nghèo khó cả tinh thần, vật chất, nhưng lúc nào gia đình cũng đầy ắp tiếng cười, sự quan tâm và tình yêu thương giữa mọi thành viên trong gia đình. Thánh Giuse là người đã sẵn sàng từ bỏ kế hoạch riêng của mình, để đáp lại tiếng Chúa gọi và hiến thân phục vụ cho chương trình cứu độ của Ngài.
 Sự nghèo khó được diễn tả bằng sự sẵn sàng từ bỏ những cám dỗ của thế gian, những thú vui hưởng thụ chiều theo tính xác thịt và cái tôi của mỗi người. Hơn bao giờ hết, đời tu luôn đòi hỏi người tu sĩ chọn lựa sống tinh thần nghèo khó. Cái nghèo mà người tu sĩ chọn lựa không những cái nghèo về vật chất mà cả tinh thần, tình cảm…. Trong thế giới hôm nay, lời khấn khó nghèo của người tu sĩ không chỉ giới hạn trong việc có hay không có của cải vật chất, hay việc sử dụng những đồ dùng có phép hay không có phép của Bề Trên, nhưng đòi hòi người tu sĩ sẵn sàng chia sẻ khả năng, sức lực, và những khả năng mà họ có được để làm sinh ích lợi cho muôn người mà họ có dịp gặp gỡ. Sự chia sẻ này luôn mang lại bình an và hạnh phúc khi người tu sĩ biết hoàn toàn phó thác đời sống của mình trong sự quan phòng và tin tưởng vào Thiên Chúa.
 Sự khó nghèo cũng được thể hiện trong đời sống huynh đệ: yêu thương quan tâm, đón nhận sự khác biệt của nhau, cùng nhau xây dựng tập thể, cộng đoàn ngày càng phát triển, cùng nhau thăng tiến trên con đường nhân đức.
Qua những gì đã chia sẻ trên đây cho ta thấy khi người tu sĩ sống nghèo khó thực sự tự do và tự nguyện bước theo Đức Kitô, là họa lại nếp sống của Ngài bằng chính đời sống và gương sáng của mình trong đời sống thường ngày. Vì vậy họ luôn hoàn toàn phó thác mọi sự trong bàn tay quan phòng của Thiên Chúa, tâm hồn họ không còn vướng bận với mọi sự thế gian, chỉ lo tìm kiếm Chúa và những sự trên trời.

Sr. M. Jean Vianey

TRỞ NGẠI LỚN NHẤT CỦA TÌNH YÊU

Trở ngại lớn nhất để yêu mến Chúa là tính kiêu căng. Vì kiêu căng là thèm muốn cho mình được trổi vượt một cách quá đáng; trong khi đó Đức Ái lại khiến ta xem Chúa là đối tượng tối thượng cho mọi cố gắng của ta. Đang khi kiêu căng khiến ta co cụm lại với chính mình, thì Đức Ái lại gắn bó trí tuệ ta, trái tim ta, và ý chí ta với Chúa. Vì trực tiếp chống lại điều răn thứ nhất, nên tính kiêu căng là tội lớn nhất trong tất cả mọi thứ tội.
Kiêu căng là nguyên nhân căn bản của khuynh hướng biến cái tôi của mình, chứ không phải là Chúa Ki tô, thành trung tâm đời sống mình. Vì thế, Chúa đòi hỏi chúng ta phải từ bỏ mình như là đặc điểm đầu tiên của những kẻ theo Ngài. Theo một nghĩa nào đó, sự hãm mình duy nhất mà chúng ta cần thực hiện là từ bỏ chính mình, vì cái tôi cá nhân đi ngược lại lề luật và tình yêu dành cho Chúa. Không gì phá hoại đời sống Chúa Kitô ở trong ta bằng tính kiêu căng.
Tính kiêu căng – một thứ tà giáo
Tính kiêu căng đúng là một thứ tà giáo, vì nó lấy chính bản thân mình làm thần tượng thay vào chỗ chỉ dành cho Chúa. Đó là sự tôn thờ quá đáng cái tôi của mình, vì nó coi cái tôi của mình như nguyên nhân đầu tiên và cũng như mục đích cuối cùng. Nó thúc đẩy ta tìm cách khoe những điều tốt của mình ra, đồng thời giấu kín những khiếm khuyết hay thất bại của mình. Nó cũng có thể xúi giục ta tìm cách hạ kẻ khác xuống vì sợ rằng họ sẽ làm giảm sự trổi vượt mà ta tưởng rằng mình đang có.
Nó làm ta đóng tai lại trước những lời phê bình, và đề nghị khách quan của người khác, nhưng lại thích lắng tai nghe những lời tán tụng mà nó hằng tìm kiếm. Nó khiến ta nhắm mắt lại không thấy được những nhân đức hay tài năng của người khác đang khi tất cả mọi người đều trông thấy rành rành và thán phục, nhưng nó lại khiến ta chú ý những khuyết điểm hay thất bại dù nhỏ nhất của họ. Bi đát hơn là nó khiến ta sống vì mình, chứ không phải vì Chúa. Đấy đúng là một sự tôn thờ bản thân một cách sai lầm!
Tính kiêu căng biến ta thành người vong ân
Tính kiêu căng cũng biến chúng ta thành những kẻ vong ân. Tại sao thế? Vì cứ sợ rằng người khác sẽ không công nhận những thành công hay do tài năng và đức độ của mình. Nên chúng ta cảm thấy rất miễn cưỡng khi phải công nhận sự thành công đó là nhờ Chúa. Thật ra, tất cả mọi sự tốt đẹp chúng ta có được đều xuất phát từ Thiên Chúa, chỉ có một điều duy nhất trong đời sống chúng ta mà Chúa không nhúng tay vào, đó là tội lỗi của chúng ta. Ngoài tội lỗi ra, thì có thứ gì khác chúng ta có được mà không nhận từ bàn tay Thiên Chúa không? Tính kiêu căng dường như làm ta không nhận ra chân lý cơ bản này.
Tính kiêu căng tạo ra một tế bào ung thư trong Nhiệm Thể Chúa Kitô. Tế bào ung thư là tế bào hoạt động theo đường lối riêng của nó, nó từ chối không làm việc chung với những tế bào lành mạnh của thân thể. Tính kiêu căng của bất kỳ ai đều giống như bệnh ung thư luôn luôn gây tai hại cho sự sống của Nhiệm Thể Chúa Kitô, cản trở sự lưu thông của sự sống và tình yêu của Chúa Kitô là Đầu đến với các Chi Thể.
Tính kiêu căng ăn trộm vinh quang của Thiên Chúa
Cuối cùng, tính kiêu căng biến ta thành kẻ trộm, vì nó ăn trộm vinh quang vốn chỉ thuộc về một mình Thiên Chúa mà thôi. Theo sự an bài của Chúa Quan Phòng, mọi sự mọi việc trong đời sống chúng ta cuối cùng đều nhắm đến làm vinh danh Thiên Chúa. Nhưng người kiêu căng lại dùng mọi cố gắng, tài năng để xây một giáo đường tôn thờ sự trổi vượt của mình. Do đó, họ là kẻ ăn cắp quyền lực, sự khôn ngoan và tình yêu của Thiên Chúa.
Hậu quả đáng buồn nhất của tính kiêu căng là sự tự phụ khiến cho người kiêu căng tự cho mình là rất quan trọng, quan trọng đến nỗi Chúa không thể loại họ ra khỏi nhãn quan của Ngài. Họ nghĩ rằng họ có thể cứu vớt linh hồn mình mà không cần phải thực sự từ bỏ chính mình, và có thể lên được thiên đàng mà không cần có đức trông cậy đích thực. Họ quên rằng họ phải đặt Chúa trong trái tim họ trước khi trái tim họ được lên đến Cõi Trời.
Chúa chống lại người kiêu căng thì có gì đáng ngạc nhiên không? Chúa không thể giúp người kiêu căng vì họ ở ngoài tầm giúp đỡ của Chúa. Chúa sẽ giúp họ chừng nào họ nhận ra hay cảm thấy họ cần Ngài. Họ bắt đầu trở lại với Chúa khi nào họ thành khẩn cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin thương xót con, vì con là kẻ tội lỗi”. Chúng ta cũng phải cầu nguyện như vậy!
Trích: Nên Thánh Trong Thời Đại Mới
Tác giả: Kilian Mc Gowan, C.P
Người dịch: LM JBM Trần Minh Cương

NGƯỜI TRẺ NGÀY NAY

Một chủng sinh tôi mới quen biết, kể cho tôi nghe về hôm thầy dự một buổi tiệc tối thứ sáu ở trường đại học địa phương. Nhóm này gồm những thanh niên đại học trẻ tuổi, và anh bạn của tôi giới thiệu mình là một chủng sinh, một người nỗ lực để trở thành linh mục, và khấn hứa sống đời độc thân khiết tịnh. Khi nghe đến độc thân khiết tịnh, một số cười khúc khích, số khác giễu cợt, và nhiều lời đùa rằng anh sẽ phải bỏ mất biết bao nhiêu thứ trong đời. Thật là ngây thơ, tội nghiệp! Ban đầu, trong nhóm 8x9x này, niềm tin lòng đạo và những gì dẫn dắt anh chủng sinh muốn sống cuộc đời của mình, được xem là một chuyện vừa buồn cười vừa tội nghiệp. Nhưng trước khi tàn tiệc, một vài cô gái trẻ đến, khóc trên vai anh và chia sẻ về sự thất vọng với việc bạn trai mình không thể hoàn toàn tận tâm trong mối quan hệ.
Điều này có thể cho chúng ta một mô tả về người trẻ trong thế giới thế tục hóa thời nay của chúng ta. Họ thể hiện cái gọi là tính cách lưỡng cực về đức tin, giáo hội, gia đình, luân lý tình dục, và nhiều đều khác quan trọng với họ.
Họ cho chúng ta một hình ảnh mâu thuẫn. Một mặt, nhìn chung, họ không đi lễ, ít nhất là không đều đặn, họ không giữ đạo đức Kitô giáo về tình dục, dường như lãnh đạm, và có khi thù địch với nhiều truyền thống quý báu trong đạo, và họ có thể thiển cận, không thể tin nổi khi nghiện ngập, và bị nô lệ hóa trong luồng thời thượng của thế giới giải trí, thời trang, và công nghệ thông tin. Nhìn từ phương diện này, đám trẻ của chúng ta có vẻ không có đạo, suy đồi đạo đức, và vùi đầu vào những thứ hời hợt của các show truyền hình, và trò chơi điện tử. Nghiêm trọng hơn nữa, các em còn có thể có vẻ thiển cận, tham lam, hư hỏng, và tư lợi quá đáng. Thật là một viễn cảnh không sáng sủa gì trước mắt chúng ta.
Nhưng không hoàn toàn chính xác như vậy. Trong hầu hết trường hợp, phía dưới bề mặt, các bạn sẽ thấy một con người dễ mến, chân thành, dịu dàng, thiện tâm, tử tế, đạo đức, quảng đại và tìm kiếm những gì đúng đắn (mà không có nhiều hỗ trợ từ một nền văn hóa thiếu chỉ hướng đạo đức rõ ràng, và đầy nguy cơ với quá nhiều chọn lựa). Tin tốt là, hầu hết người trẻ, với những khao khát thật nhất trong mình, hoàn toàn không xa lạ với Thiên Chúa, đức tin, giáo hội, và gia đình. Xét chung, người trẻ ngày nay vẫn là người tốt và muốn điều đúng đắn.
Nhưng, không phải lúc nào cũng rõ ràng như thế. Có khi vẻ ngoài dường như lấn át chiều sâu của người trẻ đến nỗi con người thật của các em, và những gì các em muốn không thật sự rõ ràng. Chúng ta thấy vẻ ngoài, và qua đó, thấy người trẻ có vẻ tư lợi hơn là quảng đại, hời hợt hơn là sâu sắc, bừa bãi hơn là nhạy bén về đạo đức, và lãnh đạm với đạo hơn là đầy đức tin. Người trẻ cũng thể hiện một sự tự phụ thiển cận, cho rằng mình khó mà bị tổn thương, và không cần bất kỳ ai khác hướng dẫn.
Mà chính vì thế, người trẻ đang trong tình trạng lưỡng cực. Hầu như, các em muốn những điều đúng đắn, nhưng quá thường xuyên vì thiếu sự hướng dẫn thực sự, và vì nền văn hóa bao quanh, mà người trẻ không đưa ra những chọn lựa đem lại những gì đúng với các khao khát sâu thẳm hơn trong lòng mình. Ví dụ hàng đầu là về tình dục. Các nghiên cứu trên giới trẻ 8x và 9x cho thấy hầu hết các em mong muốn cuối cùng có được một cuộc hôn nhân chung thủy một vợ một chồng. Vấn đề là các em cũng tin rằng trước hết mình có thể sống mười hay mười lăm năm tình dục tự thoải mái, mà không chấp nhận rằng mười hay mười lăm năm tình dục không phải là một chuẩn bị tốt cho sự chung thủy nâng đỡ hôn nhân và gia đình. Trong chuyện này, cũng như nhiều chuyện khác, các em bị kẹt giữa đặc nét văn hóa, và sự an toàn mỏng manh của mình. Văn hóa cứ xướng lên một đặc nét nhất định, giải phóng khỏi những tỉ mẩn của quá khứ, hoàn toàn tự mãn xem thường bất kỳ điều gì chất vấn nó. Nhưng nhiều sự tự mãn như thế thực sự đang sa vào bóng tối. Sâu bên trong, người trẻ của chúng ta khá dao động, và may thay, chính điều này giữ các em yếu đuối và dễ thương.
Có lẽ Louis Dupre, triết gia đã dạy tôi vài năm ở Yale, trình bày rõ nhất điều này khi ông nói rằng người trẻ ngày nay không xấu, chỉ là chưa hoàn thiện. Đây là một thấu suốt đơn giản mà nhiều ý nghĩa. Có người có thể rất tuyệt vời và dễ thương, nhưng vẫn thiếu chính chắn, chưa trưởng thành. Hơn nữa, nếu bạn đủ trẻ, như thế bạn có thể rất hấp dẫn, rất ngầu. Và ngược lại, thường cũng như thế. Nhiều người trưởng thành chúng ta, bị giày vò vì tính lưỡng cực của chính mình, khi chúng ta chính chắn trưởng thành, nhưng lại không tuyệt vời và dễ thương. Điều này gây nên những song đề nghịch lý.
Vậy người trẻ ngày nay thực sự là thế nào? Là con người luôn luôn gói kín trong thế giới của riêng mình, bị ám ảnh về ngoại hình, ham mê đến nghiện truyền thông xã hội, sống ngoài hôn nhân, tự mãn thiển cận về đạo đức phi truyền thống và quan điểm tôn giáo của mình ư? Tôi tin rằng, đó chỉ là mặt bề ngoài. Người trẻ ngày nay thực sự đầy nồng hậu, thiện tâm, quảng đại và mong đợi có ý thức một tình yêu và kết ước, cũng như mong đợi trong vô thức được Thiên Chúa ôm vào lòng.
Rev. Ron Rolheiser, OM

CHÚA NHẬT XXII THƯỜNG NIÊN - C

Tin Mừng Chúa Nhật 22 Thường Niên C xoay quanh đề tài Đức Giêsu phê phán những người Pharisêu về thói đạo đức giả, thích phô trương, thích được người ta trọng vọng. Hôm nay, ngay tại bàn ăn trong nhà của chính họ, Người cũng phê phán sự cao ngạo của họ bằng một dụ ngôn.
Nội dung dụ ngôn đó là: Nếu các thực khách tự chọn chỗ ngồi rốt hết, thì ông chủ sẽ mời họ lên chỗ nhất và ngược lại.
Những người Pharisêu là những người thích chọn chỗ nhất. Họ luôn tự đánh giá mình là hạnh kiểm loại "A". Trước mặt Thiên Chúa, họ kể lễ dài dòng những "thành tích" đạo đức của mình. Trước mặt người khác, họ coi thường và cho mình "quyền được hơn người khác".
Nhưng trong vương quốc của Thiên Chúa thì khác: trật tự hiện nay sẽ bị đảo lộn; những chỗ tốt nhất là do Thiên Chúa ban như một quà tặng, chứ không do con người tự chọn cho mình. Như thế, con người có là chi trước mặt Thiên Chúa. Họ cần cúi mình xuống - khiêm tốn.
Khiêm tốn đích thực là nhìn nhận thực tế những gì mình hiện có và mình là. Khiêm tốn đích thực là dám chấp nhận những gì mình có chỉ là hồng ân của Thiên Chúa. Khiêm tốn đích thực sẽ mang lại niềm vui, bình an. "Tất cả là hồng ân" (thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu).
Đức Giêsu còn đưa ra một lời khuyên nghịch lý: "Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối... hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù". Không thể hiểu câu này theo nghĩa đen, nhưng cần hiểu theo một nghĩa sâu xa hơn, tức là về các mối tương quan xã hội khác nhau của mỗi người chúng ta.
Thực vậy, mỗi người chúng ta thường được người khác đánh giá qua đẳng cấp xã hội, tiền tài, nghề nghiệp... Đó là "môi trường" bao chung quanh một người. Chính những "môi trường" này đã phân chia con người làm nhiều hạng, loại trong cùng một xã hội. Những người cùng một "môi trường" như nhau thường liên kết, giao du với nhau. Từ đó, sự phân cách trở nên ngày càng lớn. Chúng ta thường bị điều kiện hóa bởi "môi trường" của mình. Điều này thường ngăn cản chúng ta không mở rộng vòng tay, tấm lòng tới tất cả mọi người không phân biệt một ai. Đức Giêsu đến để phá đổ những bức tường ngăn cách giữa con người với nhau. "Không còn Do Thái hay Hy Lạp, không còn nô lệ hay tự do" (Gl 3,28), không còn người giàu hay người nghèo, thánh nhân hay người tội lỗi. Tất cả mọi người đều phải có chỗ trong con tim của chúng ta, nhất là những người yếu đuối, bất hạnh, tàn tật... Sự khiêm tốn đích thực là nhìn nhận mình chẳng là gì hết trước mặt Thiên Chúa, cho dù mình có thuộc về một "môi trường sống" cao hay thấp; đồng thời nhìn nhận mọi người là anh chị em cùng một Cha trên trời.
Nơi bàn tiệc Thánh Thể chúng ta tham dự mỗi ngày, không có chỗ nhất hay chỗ bét, chỗ ưu tiên, dành riêng cho tùy loại người. Tất cả đều được Thiên Chúa tiếp đón như những người con và như những người anh em của Đức Giêsu. Đời sống người kitô hữu là một bàn tiệc Thánh Thể, thánh lễ kéo dài. Thánh lễ là cuộc đời và cuộc đời là thánh lễ. Chúng ta được Thiên Chúa mời gọi tham dự bàn tiệc Thánh Thể cùng với anh chị em mình trong Đức Giêsu Kitô. Điều cần thiết là biết nhận ra chính mình trong tương quan với Thiên Chúa và với anh chị em mình.
Phải chăng chúng ta nhận ra chính mình chẳng là gì trước mặt Thiên Chúa? Phải chăng chúng ta nhìn nhận mọi người là anh chị em, cùng một Cha trên trời?
Lạy Chúa, Chúng con hiểu rằng tự sức mình chúng con chẳng làm được gì. Tất cả những gì chúng con có được chỉ là hồng ân. Xin cho chúng con khiêm tốn đủ để cho phép người khác giúp đỡ mình, đồng thời cũng cởi mở đủ để người khác có thể tìm thấy nơi chúng con một sự tương trợ khi họ cần đến.
Lm. An Phong


HAI VIÊN GẠCH XẤU XÍ

Đến một miền đất mới, các vị sư phải tự xây dựng lại mọi thứ, họ mua đất, gạch, cát, đá, vữa . . .và bắt tay vào việc.  Một chú tiểu được giao việc xây dựng một bức tường gạch, chú rất tập trung vào công việc, chú luôn kiểm tra xem viên gạch đã đặt thẳng chưa, hàng gạch có ngay ngắn không? Công việc tiến triển khá chậm, vì chú đặc biệt kỹ lưỡng, tuy nhiên chú không lấy đó làm phiền lòng, vì chú biết chú đang xây bức tường tuyệt đẹp đầu tiên trong đời.
Cuối cùng chú cũng hoàn tất công việc, khi hoàng hôn buông xuống. Đứng ra xa, chú ngắm nhìn công trình lao động của mình, chợt chú nhận thấy có điều gì đó không ổn trong công trình. Mặc dù đã rất cẩn thận xong có 2 viên gạch đã bị đặt nghiêng, và điều tồi tệ nhất là 2 viên gạch đó lại nằm giữa bức tường. Chúng như đôi mắt trừng trừng nhìn chú. Kể từ đó, mỗi khi du khách đến thăm ngôi đền, chú tiểu dẫn họ đi khắp nơi, trừ bức tường mà chú xây dựng.
Một hôm, có 2 vị sư già đến thăm ngôi đền, chú tiểu dẫn 2 vị đi khắp nơi, và lái sang những chỗ khác. Song 2 vị sư già cứ nằng nặc đòi đến khu vực bức tường mà chú tiểu xây dựng. Đứng trước bức tường, một trong 2 vị mới thốt lên: Ôi bức tường mới đẹp là sao!
Hai vị nói thật chứ?  Hai vị không thấy 2 viên gạch xấu xí ngay giữa bức tường kia ư?  Chú tiểu kêu lên trong ngạc nhiên.  “Có chứ! Nhưng chúng tôi cũng thấy 998 viên gạch còn lại đã ghép lại thành bức tường tuyệt vời ra sao” vị sư già từ tốn.
Đôi khi chúng ta quá nghiêm khắc với chính bản thân mình cứ luôn nghiền ngẫm với những gì mà ta đã mắc phải, cho rằng cả thế giới đều nghĩ đến nó và quy trách nhiệm cho ta. Chúng ta đã quên rằng đó chỉ là 2 viên gạch xấu xí trong 998 viên gạch hoàn hảo.
Đôi khi chúng ta lại cũng quá nhạy cảm với những lỗi lầm của người khác. Khi gặp ai mắc lỗi, ta nhớ từng chi tiết và mỗi khi ai đó nhắc đến họ là ta liên hệ ngay đến những lỗi lầm của họ  mà quên bẵng những điều tốt đẹp họ đã làm.
Tôi và bạn cần học cách rộng lượng với những người khác.

http://hatgiongtamhon.com/


CHÚA NHẬT XXI THƯỜNG NIÊN - C

Khi có người hỏi: "Thưa Ngài, có ít người được cứu thoát thôi, phải không?" Chúa Giêsu không trả lời có nhiều hay ít. Nhiều hay ít là tùy vào sự chọn lựa của con người. Nhưng nhân cơ hội này, Chúa Giêsu muốn dạy cho chúng ta biết phải đi vào cửa hẹp mới được cứu độ. Ngài nói: "Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được".
Vậy, vào cửa hẹp nghĩa là gì?
Là sống theo lề luật Chúa.
Lề luật Chúa xem ra gò bó, trói buộc chúng ta, ép chúng ta vào khuôn khổ, bắt chúng ta đi theo đường hẹp, không để cho chúng ta sống buông thả như bao nhiêu người khác... Thế nên có nhiều người bực mình, có người nổi loạn, có người muốn bức phá hết những ràng buộc của luật lệ.
Vậy thì cửa hẹp đưa con người đến đâu?
Thiên Chúa đã dựng nên trái đất và Ngài quy định cho nó phải quay quanh mặt trời theo một lộ trình nhất định, đó là quỹ đạo trái đất. Phải mất 365 ngày và 6 giờ, trái đất mới quay hết một vòng quanh mặt trời, và cứ thế suốt niên đại này sang niên đại khác. Quả là gò bó, trói buộc, là đường hẹp triền miên.
Thế nhưng bao lâu trái đất còn đi theo đúng quỹ đạo, tức con đường hẹp mà Thiên Chúa ấn định cho nó, thì mọi sự sẽ diễn tiến tốt đẹp, cuộc sống sẽ ổn định điều hòa. Nếu một ngày nào đó, trái đất 'cảm thấy' đi theo quỹ đạo là gò bó, là đường hẹp, để rồi đi trệch ra ngoài cho thong dong thoải mái... chỉ một chút xíu thôi mà!... thì đó là ngày cùng tận của vũ trụ và thế giới!
Chiếc tàu nghĩ rằng tại sao tôi cứ phải bị gò bó bởi hai đường sắt? Tại sao tôi không chạy nhảy như hươu nai, băng qua đồi núi, băng qua cánh đồng như bao nhiêu muông thú. Thế rồi nó thoát ra khỏi hai đường sắt gò bó, để được tự do tung hoành... Hậu quả của sự chọn lựa 'khôn ngoan' này sẽ vô cùng bi thảm. Nhưng nếu nó chấp nhận đi theo hai đường rây chật hẹp, nó về đến ga chót thật an toàn.
Trong gia đình, người vợ nghĩ rằng: thật uổng phí cuộc đời nếu ngày nào cũng nấu ăn, rửa chén, dọn nhà, quét sân... để sống cho chồng và cho con. Tại sao tôi không tự giải thoát mình khỏi vòng cương tỏa của gia đình? Tại sao lại phải chọn cửa hẹp, lại phải đi đường hẹp? Tại sao tôi không thể bay nhảy như những cô gái trong các hộp đêm?
Thế rồi cô đã chắp cánh bay, và kết cục là gia đình đổ vỡ, cuộc đời của cô lụi tàn trong đau thương và tủi nhục.
Nếu mỗi người chúng ta hôm nay cứ sống buông thả theo bản năng của mình mà không đi theo đường hẹp Chúa vạch ra cho chúng ta, tức là tuân giữ các giới răn, thì số phận chúng ta cũng như con tàu đi trật đường rầy, chúng ta sẽ lãnh lấy thảm họa. Mai đây, chúng ta có van nài với Chúa rằng: 'Thưa Ngài, xin mở cho chúng tôi vào!', thì Chúa sẽ bảo: 'Ta không biết các anh từ đâu đến. Cút đi cho khuất mắt ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính!' và "Bấy giờ chúng ta sẽ khóc lóc nghiến răng, khi thấy các ông Abraham, Isaac và Giacóp cùng tất cả các ngôn sứ được ở trong Nước Thiên Chúa, còn mình lại bị đuổi ra ngoài."
Trái lại, nếu chúng ta chấp nhận đi đường hẹp, tức đi đúng theo đường lối Chúa như tàu đi đúng đường rầy, như trái đất quay đúng theo quỹ đạo... chúng ta sẽ được sống an bình hoan lạc ở đời này và được hưởng hạnh phúc muôn đời với Chúa đời sau.
Vậy thì bước qua cửa hẹp là giá phải trả (có gì mà không phải trả giá!) cho hạnh phúc đời này và hoan lạc vĩnh cửu mai sau.

Lm Ignatiô Trần Ngà

CHUYỆN GÌ SẼ XẢY ĐẾN NẾU NÓI RA

13 điều không nên nói...
1. Không nên đánh giá người khác tốt xấu thế nào, bởi vì tốt xấu của họ không ảnh hưởng tới miếng cơm manh áo của bạn.
2. Không nên đánh giá đức hạnh của người khác, bởi vì có thể có những khía cạnh họ còn cao quý hơn bạn.
3. Không nên đánh giá gia đình của người khác, bởi vì những người đó và bạn không có quan hệ.
4. Không nên đánh giá học vấn của người khác, bởi vì trên đời này kiến thức là mênh mông.
5. Không nên đánh giá bất kỳ người nào, cho dù người đó là người bạn xem thường nhất.
6. Không nên lãng phí tiền bạc, bởi vì ngày mai bạn có thể thất nghiệp.
7. Không nên vênh váo, tự đắc, bởi vì có thể ngày mai bạn thất thế.
8. Không nên nói quá phô trương, phải biết rằng bạn cũng chỉ là một người nhỏ bé.
9. Không nên dựa vào người khác, bởi vì cuộc sống nhiều gánh nặng, ai cũng muốn sống nhẹ nhõm.
10. Không nên làm tổn thương người khác, nhân quả sớm muộn đều sẽ đến.
11. Không nên quá chú tâm giải thích đúng sai, hãy làm bậc trí giả. Trên đời chúng ta thường nghĩ cách giải thích cái gì đó. Nhưng mà, một khi giải thích, ta lại phát hiện rằng, bất kể ai giải thích đều là người yếu ớt, thậm chí sẽ càng bôi nhọ mình hơn.
Núi dẫu không nói rõ độ cao của mình, thì độ cao của nó cũng không hề bị ảnh hưởng; biển không nói rõ độ sâu của mình, thì việc dung nạp trăm sông đổ dồn về nó cũng không có gì là trở ngại; mặt đất dẫu không nói rõ độ dày của mình, thì cũng không có ai có thể thay thế nó làm chỗ dựa cho vạn vật được…Đừng đánh giá thấp bất kể ai, bạn không có nhiều khán giả, đừng mệt mỏi như vậy.
12. Không nên tự nhiên nổi giận, vì không phải ai cũng là “con nợ” bạn. Có thể hiện tại bạn đang rất thống khổ, nhưng khi vượt qua khoảng thời gian ấy, nhìn lại bạn sẽ phát hiện kỳ thực điều đó cũng chẳng là gì. Chúng ta thường phàn nàn cuộc sống bất công với mình, nhưng thực ra cuộc sống căn bản không biết được chúng ta là ai.
13. Không nên nói rằng ai tu luyện tốt hay không tốt. Tu hành là việc cá nhân, người khác chính là một cái gương phản chiếu chính cái thiếu sót trong tu luyện của bản thân mình. 

Hoàng Sâm | Dịch từ Soundofhope

MẸ MARIA LÀ ƯU PHẨM CỦA THIÊN CHÚA

Mỗi lần mừng lễ về Mẹ Maria, chúng ta được mời gọi hướng về Mẹ như là một kiệt tác của Thiên Chúa, một thụ tạo được ưu tuyển và trổi vượt trên hết mọi loài được dựng nên. Bởi lẽ Mẹ đã được Thiên Chúa yêu thương, tuyển chọn cách đặc biệt. Không những thế, Thiên Chúa còn gìn giữ Mẹ cách nhiệm mầu trong chương trình cứu độ. Những ân huệ đó không thể có nơi bất cứ loài thụ tạo nào ngoài Mẹ. Vì thế, khi mừng kính trọng thể lễ Đức Maria hồn xác về trời, phụng vụ mời gọi chúng ta cùng nhau khám phá vị thế ưu việt của Mẹ trong chương trình cứu độ nơi tín điều, truyền thống và giáo huấn của Giáo Hội. Mặt khác, Giáo Hội cũng chỉ cho con cái mình thấy và hiểu được việc Đức Maria hồn xác lên trời có tầm ảnh hưởng thế nào đến đời sống đức tin và niềm hy vọng của chúng ta. 
1. Giáo huấn của Giáo Hội 
Trước tiên, chúng ta tìm hiểu về Giáo Huấn của Giáo Hội qua biến cố Đức Mẹ được đưa lên trời cả hồn lẫn xác. Lễ Đức Mẹ lên trời là lễ trọng và cũng là lễ cổ xưa nhất trong các ngày lễ kính Đức Mẹ được cử hành trong Giáo Hội hiện nay.Vào thời điểm đầu, lễ này được gọi là lễ Đức Mẹ an giấc. Nhưng đến năm 1950, Đức Cố Giáo Hoàng Piô XII đã đổi tên thành lễ Đức Mẹ lên trời qua Tông hiến Munificentissimus Deus. Với tín điều này, Giáo Hội tin nhận: “Thân xác của Người Phụ Nữ đã trao ban thể xác cho Con Thiên Chúa đã không phải chịu định luật của sự thối rữa”; “Thánh Mẫu Thiên Chúa là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội, Đức Maria Trọn Đời Đồng Trinh, sau khi sống trọn cuộc đời trần thế, đã được triệu hồi cả hồn và xác vào trong vinh quang thiên quốc” (Tông hiến Munificentissimus Deus). Từ lời tuyên bố long trọng hôm ấy, đã trở thành chân lý đức tin cho toàn thể Giáo Hội hôm nay. Với lời tuyên tín trên, Đức Giáo Hoàng đã liệt kê bốn chân lý tuyệt đối thuộc về lòng tin nơi Đức Maria. Bốn chân lý đó là: 1) Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa; 2) Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội; 3) Đức Maria Đồng Trinh Trọn Đời; 4) Đức Maria Hồn Xác Lên Trời. Khi tuyên bố cùng lúc những đặc ân đó của Đức Mẹ, Giáo Hội muốn cho các tín hữu hiểu được cách tổng quát những ân huệ cao cả của Đức Maria, và đây cũng là dịp để xác tín hơn nữa những nguyên lý liên quan đến việc Mẹ được đưa lên trời cả hồn lẫn xác. 
Nguyên lý thứ nhất: Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa. Vì Mẹ được ưu tuyển để đón nhận việc cưu mang và sinh hạ Ngôi Hai Thiên Chúa, và Đấng Cứu Thế là Thiên Chúa, nên Mẹ cũng là Thân Mẫu Thiên Chúa. Việc được Thiên Chúa cất nhắc cả hồn xác Mẹ về trời là điều không có gì khó hiểu, bởi lẽ cả cuộc đời của Mẹ đã hiệp thông cách chặt chẽ vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa qua Đức Giêsu. Nên khi Đức Giêsu về trời, Ngài không thể để lại để thân xác của người mẹ yêu dấu phải hư nát trong mồ được. 
Nguyên lý thứ hai: vì Thiên Chúa đã gìn giữ Mẹ khỏi mọi vết nhơ tội lỗi cách nhiệm mầu, nên khi mang thai và sinh hạ Đấng Cứu Thế quyền năng, Mẹ vẫn đồng trinh trước, trong và sau khi sinh. Vì thế, việc đưa cả hồn lẫn xác Mẹ về trời là điều cần thiết để bảo tồn vẻ trinh nguyên nơi Mẹ.
Nguyên lý thứ ba: nếu trước kia, Nguyên Tổ loài người đã bất tuân, chống lại Thiên Chúa và đi vào cõi chết, thì khi Đức Maria xuất hiện với lời “Xin vâng” tuyệt đối, Mẹ đã trở thành Evà mới liên kết mật thiết với Đức Giêsu – Ađam mới, Đấng là nguồn cội của sự sống, đã từ cõi chết sống lại và lên trời hiển vinh, thì không có lẽ gì Mẹ lại phải chịu cảnh hư nát, bởi vì hư nát là kết quả của tội lỗi. Như vậy, Mẹ đương nhiên và rất hợp lý để được đưa lên trời cả hồn lẫn xác (x. GLHTCG số 963- 975).
Tóm lại, ngay từ khi thân xác Mẹ cưu mang chính xác thân Đấng Cứu Thế, thì Đức Giêsu con của Mẹ, đồng thời là Thiên Chúa đã thánh hóa Mẹ cả xác và hồn ngay từ lúc đầu thai. Vì vậy, sự phục sinh của Đức Giêsu không thể tách rời việc phục sinh Thân Mẫu là người đã cưu mang Cây Sự Sống nơi cung lòng thanh khiết của mình. Mẹ không thể “nhục thân bất hoại” theo lẽ thường được. 
2. Cùng với Mẹ ngợi khen Thiên Chúa 
Như vậy, mỗi khi mừng lễ Mẹ lên trời, chúng ta hãy cùng với cả triều thần ca mừng Nữ Hoàng Thiên Quốc: “Kìa bà nào xuất hiện như rạng đông, diễm kiều như vầng nguyệt, lộng lẫy tựa thái dương, oai hùng như đạo binh chỉnh tề hàng ngũ?” (Dc 6,10). Thế nên, phụng vụ hôm nay làm toát lên vẻ huy hoàng và sắc thái hân hoan, vì: kể từ đây, Mẹ nắm giữ vai trò quan trọng nhất là Nữ Vương trời đất; làm Mẹ Thiên Chúa và làm Mẹ nhân loại. Mẹ đáng được mọi đời khen ngợi vì Mẹ là “Đấng đầy ơn phúc”; “Thiên Chúa ở cùng Mẹ”. Mẹ trở thành Evà mới, thành Cây Quả Phúc mà Thiên Chúa đem trồng vào vườn Địa Đàng mới để được cưu mang và sinh ra quả phúc trường sinh là chính Đấng Cứu Thế. Sự xuất hiện của Mẹ đã đưa nhân loại sang một trang sử mới. Lịch sử cứu độ được mở ra với biết bao ân huệ. Đứng trước hồng ân lớn lao mà Thiên Chúa ban cho Mẹ, và đặt mình trong tâm tình của Mẹ, chúng ta hãy cất cao lời ngợi khen Thiên Chúa vì những điều kỳ diệu Ngài đã làm nơi Mẹ: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa Đấng cứu độ tôi. Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới, từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc” (Lc 1, 46-48). Đây chính là lời kinh tuyệt mỹ mà Mẹ Maria đã cất lên để ca tụng Thiên Chúa, và đây cũng là những cảm nghiệm về tình yêu của Thiên Chúa dành cho Mẹ cách nhiệm mầu. Biến cố Mẹ được đưa về trời, đã đem lại cho con người niềm hy vọng lớn lao và tuyệt đối. Bởi vì sự phục sinh của Mẹ gắn liền với sự phục sinh của Đức Kitô: “Đức Kitô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu [...] cũng được Thiên Chúa cho sống lại” (x. 1Cr 15, 20-22). Qua biến cố này, mặc khải cho chúng ta rằng: Mẹ Maria đã được đưa lên trời cả hồn lẫn xác, và nếu chúng ta theo chân Mẹ, sống như Mẹ và thực hành Lời Chúa cách yêu mến, trung thành thì mai ngày cũng được lên trời hiển vinh như Mẹ. “Cuộc Lên Trời của Đức Trinh Nữ rất thánh là sự tham dự độc nhất vô nhị vào sự Phục sinh của Con mình và là việc thể hiện trước sự phục sinh của các Kitô hữu khác” (GLCG, số 966). Bởi vì “Mỗi người theo thứ tự của mình: mở đường là Đức Kitô, rồi khi Đức Kitô quang lâm thì đến lượt những kẻ thuộc về Người” (x. 1Cr 15, 23-24) cũng sẽ được phục sinh như Người. “Mẹ Lên Trời là hình ảnh và khởi thủy của Giáo Hội về ơn cứu chuộc của Thiên Chúa cho mọi người chúng ta. Mẹ chiếu sáng như dấu chỉ lòng trông cậy vững vàng và niềm an ủi cho dân Chúa đang lữ hành” (LG. số 69). Mẹ Lên Trời, nhận lãnh vai trò Nữ Vương trời đất, nên hơn bao giờ hết, Mẹ trở nên gần gũi với mọi thành viên trong gia đình nhân loại, và như thế: “Trong Hội Thánh, Đức Trinh Nữ diễm phúc được kêu cầu bằng các tước hiệu là Trạng Sư, Đấng Cứu Giúp, Đấng Phù Hộ, Đấng Trung Gian” (GLHTCG. số 969). Như vậy, việc Mẹ được đưa lên trời cả hồn lẫn xác đem lại niềm hy vọng phục sinh cho tất cả chúng ta. Mầu nhiệm Mẹ được rước lên trời cả hồn lẫn xác không chỉ nhắc nhở chúng ta cầu nguyện với Mẹ, mà còn hy vọng được trường sinh để cùng Đức Mẹ mãi mãi chúc tụng Thiên Chúa. Amen. 
Jos. Vinc. Ngọc Biển

VINH DANH CHÚA HAY ĐÁNH BÓNG CHÍNH MÌNH? ...

Thật là chính đáng cho bất cứ Kitô hữu nào luôn biết thao thức và trăn trở trước những công việc phục vụ nhà Chúa, bởi ước muốn mọi sự luôn được hoàn hảo và tốt đẹp! Chẳng ai làm việc lại không mong chờ sự thành công, và cũng chẳng ai nghĩ rằng thành công trong công việc phục vụ được quyết định bởi chính tài năng của mình. Thế nhưng, khi thất bại xảy ra; chúng ta lại thường quy trách nhiệm cho nhau như một sự vô tình đẩy Thiên Chúa ra rìa. Quên mất sự hiện diện của Thiên Chúa, hay chẳng còn nhớ công việc chúng ta đang làm cho ai và vì ai, là nguyên nhân đưa chúng ta đến thái độ làm việc chỉ để đánh bóng chính bản thân mình. Danh Chúa đã hoàn toàn bị lu mờ trước mắt chúng ta.
Ngày nay, chúng ta thường có cái nhìn chẳng mấy thiện cảm với một số nhà tài trợ khi họ bỏ ra một số tiền giúp đỡ cho một cá nhân hay một tổ chức nào đó, kèm theo những điều kiện bắt buộc, để tên tuổi họ phải được sự chú ý của mọi người. Đó chẳng khác gì một sự đổi chác danh tiếng! Tệ hại hơn nữa là dùng chính tiền bạc để mua chuộc danh lợi cho cá nhân mình. Chúng ta thường lên án tình trạng này trong xã hội, nhưng chúng ta lại quên nhìn lại chính mình khi bước vào môi trường hoạt động tông đồ. Hằng ngày, tôi đến nhà thờ vì mục đích gì? Tôi làm công việc bác ái vì ai? Tôi đòi hỏi một sự đáp trả như thế nào?…
Thói quen tham dự thánh lễ hằng ngày thật là tuyệt vời biết bao khi chúng ta dành trọn tâm tình cho Chúa! Những giây phút ấy quả là thiêng liêng để chúng ta được chìm đắm trong mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa. Từng câu, từng chữ trong mỗi lời nguyện dâng lên Thiên Chúa đã được Giáo Hội gói ghém dưới sự mạc khải của Chúa Thánh Thần; là tất cả tâm tình của từng người chúng ta để ngợi khen, chúc tụng, tạ ơn và xin lỗi Chúa. Ấy vậy mà nhiều lúc, chúng ta cứ mong muốn những lời nguyện ấy được đọc thật nhanh, hoặc đọc cho xong để đỡ mất thời gian. Đi tham dự thánh lễ hằng ngày trở nên một nhu cầu không phải vì lợi ích cho phần hồn của chúng ta nữa, mà bởi một sự chứng tỏ hay một sự phô bày cho người khác thấy mình đạo đức; hoặc tệ hơn là chỉ vì sở thích muốn phô trương cá nhân mình trước mặt mọi người. Như thế, thay vì danh Chúa được cả sáng nơi cuộc đời của chúng ta, thì Ngài đã hoàn toàn bị che khuất bởi cái bóng loáng giả hình bên ngoài của chúng ta. 
Tôi nhớ đến hình ảnh của Mẹ Teresa Calcuta, mỗi khi đến với người nghèo, Mẹ luôn ân cần chu đáo. Mẹ đã xem những con người khốn khổ ấy như là Giêsu và đón tiếp họ như đón tiếp Giesu. Thái độ đó của Mẹ đã làm cho Mẹ được trở nên vĩ đại trước mặt Thiên Chúa và cả nhân loại chúng ta. Cúi xuống với người bất hạnh bằng một thái độ khiêm tốn và tình yêu chân thật, sẽ làm cho chúng ta được trở nên rạng ngời bởi ánh sáng của Thiên Chúa bao phủ lấy chúng ta. Ngược lại, làm việc bác ái bằng một thái độ kiêu ngạo của kẻ luôn nghĩ rằng mình là quan trọng, thì việc làm của chúng ta chỉ để lấp đầy những lợi ích cá nhân và bị che phủ bởi những hào nhoáng nhất thời. Việc làm bác ái luôn phải kín đáo như Chúa Giêsu đã từng dạy: “Đừng cho tay trái biết việc tay phải làm” (Mt 6,3); nếu không thì việc chúng ta làm chỉ cốt được tiếng khen của người đời, mà thiếu mất tình yêu chúng ta dành cho Chúa và cho tha nhân. 
Chẳng biết bao lần, chúng ta trả giá với Chúa khi thực hiện một việc phục vụ nào đó: Con đã hy sinh cái này…. chỉ cầu xin Chúa cho con cái kia… Điều đó cũng có nghĩa là: Con làm điều này cho Chúa chỉ vì con muốn có được điều kia, và nếu Chúa không ban cho con điều kia thì con khỏi làm điều này nữa. Thật đáng buồn làm sao khi cuộc đời chúng ta luôn là một sự cân đo, tính toán! Nhiều khi chúng ta còn ngả giá với Chúa cả việc đánh bóng danh dự của chính mình: Con sẽ phụng sự Chúa hết mình, miễn sao Chúa cho mọi người cả nể con, quý trọng con và hoàn toàn theo sự hướng dẫn của con. Chúng ta đã quên mất rằng: Mọi việc phục vụ chúng ta làm đều là việc của Chúa, chúng ta chỉ là những khí cụ trong tay Ngài, Ngài muốn dùng chúng ta như thế nào là tùy ý Ngài. Chúng ta đã chiếm lấy vị trí quan trọng bậc nhất của Chúa Thánh Thần nơi mọi hoạt động, để tự ý điều khiển mọi sự theo ý mình và cuối cùng chỉ để đạt một mục tiêu: Mọi người đều khẳng định tôi tài giỏi. Quả thật, một công việc của Thiên Chúa dù phải đánh đổi bằng nhiều sức lực và thời gian; nhưng để cho tên tuổi của mình sáng chói thì cũng chẳng nề hà. Đó là suy nghĩ của khá nhiều Kitô hữu ngày nay khi sẵn sàng dấn thân phục vụ. Tình yêu dành cho Thiên Chúa và cho tha nhân không còn là điều chính yếu hay cốt lõi nữa. Cuối cùng, một Thiên Chúa vĩ đại dường bao vẫn bị che khuất bởi cái nhỏ nhen của con người. 
Thật chẳng dễ dàng để làm mọi sự theo ý Chúa và sáng danh Chúa. Có những việc mà Chúa mong muốn chúng ta phải bị che khuất để Ngài được lớn lên, hay những công việc mà chúng ta bị phô bày tất cả khuyết điểm của mình… chúng ta có còn thật sự yêu Chúa và tiếp tục làm sáng danh Chúa không? Chúng ta có sẵn sàng để cho chính mình lui lại đằng sau trước những thành công vì đó là kết quả của Thiên Chúa, và biết can đảm đứng lên trước những thất bại vì khả năng yếu kém của mình? Trong tất cả mọi sự, chúng ta hãy để cho ánh sáng vinh quang của Thiên Chúa bao phủ lấy chúng ta và cho chúng ta được hưởng nhờ nơi Ngài. Hãy nhớ rằng: Tên của chúng ta chỉ được viết một cách rực rỡ và sáng chói bằng chính ánh sáng vinh quang ấy mà thôi.


Therese Trần Thị Kim Thoa(dongten.net)

CHÚA NHẬT XX THƯỜNG NIÊN - C

Một đạo sĩ Ấn Độ hỏi các đệ tử: “Này các con, các con có biết khi nào đêm tàn và ngày xuất hiện không?”. Các môn đệ thi nhau trả lời. Có người hỏi: “Thưa Thày, có phải đêm tàn và ngày xuất hiện là khi mà nhìn một đoàn vật từ xa người ta có thể phân biệt được con nào là con bò, con nào là con trâu không?”. Thày lắc đầu: “Không phải”. Một đệ tử khác lại hỏi: “Thưa Thày, có phải đêm tàn và ngày xuất hiện, ánh sáng tới và bóng tối lui, là khi từ xa nhìn vào vườn cây người ta có thể phân biệt cây nào là cây xoài, cây nào là cây mít không?”. Thày vẫn lắc đầu. Không đệ tử nào trả lời được câu hỏi. Lúc đó, đạo sĩ mới từ từ nói: “Đêm tàn và ngày xuất hiện, ánh sáng tới và bóng tối lui là khi nhìn vào mặt nhau, người ta nhận ra nhau là anh em”.
Thật kỳ lạ. Chúng ta đã biết nhiều loại ánh sáng như ánh sáng mặt trời, mặt trăng, ánh sáng đèn điện, đèn pin, ánh sáng đèn dầu, đèn cầy. Cả những ánh sáng tinh vi như tia hồng ngoại, tia X. Tất cả chỉ soi sáng cho thấy sự vật như nó là. Không có ánh sáng nào soi vào mặt một người xa lạ có thể biến người đó thành anh em mình cả. Thứ ánh sáng ấy ở đâu?
Mẹ Têrêxa có thể trả lời câu hỏi này. Một hôm, Mẹ ghé thăm một người đàn ông tội nghiệp. Ông sống trong một túp lều tồi tàn, lụp xụp. Bên trong lều là cả một bãi rác mênh mông. Mùng mền, chăn chiếu, quần áo hỗn độn, rách nát và hôi hám. Nhà cửa, đồ đạc phủ một lớp bụi dầy. Thế mà ông lão tự giam mình trong đống rác ấy. Ông ghét bỏ mọi người nên không lui tới với ai. Ông sống cô độc. Mẹ Têrêxa và các chị vào chào ông. Ông làm thinh không đáp. Thấy căn lều hỗn độn, bụi bặm, các chị xin phép ông dọn dẹp, ông không trả lời. Mặc kệ! Các chị cứ bắt tay vào dọn dẹp, xếp đặt, lau chùi. Thấy trong góc lều có một cây đèn, mẹ Têrêxa lấy ra lau chùi. Chùi sạch lớp bụi, mẹ kêu lên: “Ồ, cây đèn đẹp quá!”. Ông lão bỗng lên tiếng: “Đó là cây đèn tôi tặng vợ tôi nhân dịp đám cưới”. – Ông không thắp đèn lên sao?”. – Không, từ khi vợ tôi qua đời, tôi không bao giờ thắp đèn”. – Thế ông có muốn chúng tôi tới thăm ông mỗi ngày và thắp đèn cho ông không?”. Thấy các nữ tu tử tế, ông đồng ý. Từ đó, mỗi chiều các chị đều ghé thăm, truyện trò và thắp đèn cho ông. Dần dà, ông trở nên vui vẻ yêu đời. Ông nói chuyện cởi mở với các nữ tu. Ông đi lại thăm viếng hàng xóm. Mọi người đến với ông. Căn lều hiu quạnh trở lại ấm áp. Trước kia, căn lều tăm tối không phải vì ông không thắp đèn, nhưng vì ngọn lửa trong trái tim ông lịm tắt. Nay căn lều sáng lên niềm vui không phải vì ánh sáng ngọn đèn dầu, nhưng vì ánh sáng trong trái tim ông bừng lên. Trước kia ông thù oán, xa lánh mọi người vì ánh lửa trong trái tim tàn lụi. Nay nhờ các nữ tu nhen nhúm, ngọn lửa trong trái tim ông bừng lên và ông cảm thấy tha thiết yêu mến mọi người và mọi người cũng tha thiết yêu mến ông.
Thứ ánh sáng kỳ diệu ấy phát xuất từ trái tim. Ánh sáng ấy ta thấy thấp thoáng khắp các trang sách Tin Mừng. Khi người xứ Samaria nhân hậu cúi xuống băng bó vết thương cho người bị nạn, ánh sáng bừng lên. Hai người xa lạ nhìn vào mặt nhau và nhận ra nhau là anh em.
Chúa Giêsu mang ánh sáng này xuống trần gian. Và Người ước mong cho ngọn lửa yêu thương cháy bừng lên soi sáng cho thế giới: “Thày đã đến ném lửa vào trái đất, và Thày những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!”. Lời ước mong thật tha thiết nhưng có pha lẫn ngậm ngùi. Phải chi lửa ấy đã bùng lên có nghĩa là lửa ấy chưa bùng lên cao, chưa lan ra xa.
Thật vậy, nhìn vào tình hình thế giới, chiến tranh không lúc nào ngơi. Thế kỷ 20 đã biết đến hai cuộc thế chiến với biết bao thiệt hại về người về của và nhất là về tình đoàn kết. Trong thập niên 80, chiến tranh lạnh giữa hai khối Đông-Tây chấm dứt, người ta tưởng rằng giấc mơ hoà bình thế là đã thành sự thật. Nhưng không, chiến tranh vẫn tiếp diễn ở Rwanda, Kosovo, ở Trung Đông… ánh sáng vẫn chưa soi tới những vùng chiến tranh. Bóng tối hận thù vẫn còn vây phủ. Những người anh em vẫn còn chém giết nhau.
Nhìn vào bản thân mình, ta thấy trong ta cũng còn nhiều vùng mà ánh sáng Tin Mừng chưa soi dọi tới. Trong lòng ta vẫn còn những ngõ ngách chứa đầy bóng tối ghen ghét, hận thù. Nên ta nhìn ra chung quanh mà ít gặp được anh em mình.
Lời Chúa hôm nay tha thiết kêu gọi ta. Hãy khơi cho ngọn lửa yêu thương bừng sáng lên. Hãy đẩy lùi bóng tối chiến tranh, chia rẽ, hận thù. Hãy mở rộng tâm hồn đón nhận và ban phát yêu thương, xoá đi những nhỏ nhen, ích kỷ. Để mọi người nhìn nhau là anh em thực sự. Bấy giờ đêm mới tàn và ngày mới bắt đầu. Bóng tối nhường chỗ cho ánh sáng, ánh sáng rực rỡ phát xuất từ những trái tim chan hoà yêu thương.
Lạy Chúa, xin hãy nhóm lên trong trái tim con ngọn lửa yêu thương của Chúa. Amen.

ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

THÁNH LỄ KHẤN DÒNG NĂM 2016

Sáng thứ Năm ngày 11 tháng 08 năm 2016, vào lúc 09h00, tại giáo xứ Tân Xuân, giáo phận Xuân Lộc, Dự - Tỉnh Đức Mẹ La Vang Việt Nam, thuộc Hội dòng nữ Đaminh Đức Mẹ Rất Thánh Mân Côi Monteils đã tổ chức thánh lễ tạ ơn và nghi thức khấn dòng cho 4 chị tuyên khấn lần đầu và 6 chị tuyên khấn vĩnh viễn


Đức cha Giuse Đinh Đức Đạo, giám mục giáo phận Xuân Lộc đã chủ tế thánh lễ tạ ơn và nghi thức khấn dòng. Cùng đồng tế với Đức Cha Giuse có Cha Giuse Nguyễn Văn Hòa-Giám Tỉnh Dòng Đaminh Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, quý Cha quản hạt, quý Bề trên và khoảng 40 Cha trong và ngoài giáo phận, đông đảo quý tu sĩ nam nữ và quý thân nhân của các tân khấn sinh tham dự thánh lễ để cùng hội dòng tạ ơn Chúa và cầu nguyện cách đặc biệt cho các khấn sinh. Đặc biệt có sự hiện diện của Soeur Cléonic Cardoso - Bề trên Tổng quyền Dòng Đaminh Đức Mẹ Rất Thánh Mân Côi Monteils và quý Soeur trong ban tổng cố vấn của Hội Dòng cùng về nhận lời khấn cho các khấn sinh.

Mở đầu thánh lễ, Đức Cha mời gọi mọi người chia sẻ niềm vui với Hội Dòng và cùng Hội Dòng tạ ơn Chúa vì những hồng ân Chúa đã ban tặng cho Hội Dòng. Ngài cũng nhắc nhở cộng đoàn đừng quên cầu nguyện cho các đấng bậc và những ân nhân của Hội Dòng, đặc biệt là cầu nguyện cho quý ông bà cố đã quảng dâng con cho Chúa, cầu nguyện cho các chị em khấn dòng hôm nay được trung thành với ơn gọi Đaminh. 

Sau bài giảng, Đức Cha đã chủ sự nghi thức khấn Tiên khấn và vĩnh khấn. Nghi thức được cử hành một cách trang trọng sốt sắng, giúp ghi dấu ấn sâu đậm nơi các chị em. Nghi thức kết thúc, toàn thể cộng đoàn vỗ tay thật lớn để chúc mừng các nữ tu đã có những quyết định dứt khoát dấn thân cho Chúa và tha nhân trong Hội Dòng. 

Thánh lễ tiếp tục với phần phụng vụ Thánh Thể và kết thúc lúc 11h00. Trước khi kết thúc Thánh lễ, Chị Bề trên Tổng Quyền đã thay mặt Hội Dòng và các khấn sinh dâng lời tri ân Đức Cha, quý Cha đồng tế, các tu sĩ nam nữ, quý ông bà cố, quý thân nhân và quý khách xa gần.
Sau thánh lễ, Đức Cha, Quý Cha đã chụp hình lưu niệm với các tân khấn sinh và mọi người đều ở lại chia vui với các tân khấn sinh trong bữa cơm thân mật tại hoa viên giáo xứ Tân Xuân.

Ước mong sao khi nhận niềm vinh dự và hạnh phúc trong cuộc đời thánh hiến, các Tân khấn sinh luôn sẵn sàng vâng theo ý Chúa, biết quảng đại, dấn thân góp phần xây dựng Hội Dòng, Giáo hội và Xã hội hôm nay và ngày mai.
Dự - Tỉnh Đức Mẹ La Vang

SỐNG KINH LẠY CHA

Con không thể đọc “Lạy Cha” nếu không chứng tỏ được, bằng cuộc sống của mình, là con có một mối liên hệ Cha con với Cha.
Không thể đọc “Chúng con” nếu con cứ sống trong một tinh thần hẹp hòi khép kín, và nghĩ rằng trên trời chỉ có một chỗ đặc biệt dành riêng cho Giáo Hội của con mà thôi. 
Không thể đọc “Chúng con nguyện Danh Cha cả sáng” nếu con, một người kêu cầu Danh Cha, nhưng chính con lại không nên Thánh.
Không thể đọc “Nước Cha trị đến” nếu con không dùng hết năng lực của mình để xúc tiến nhanh ngày lại đến của Cha.
Không thể đọc “Ý Cha thể hiện” nếu con không đồng ý nhưng còn nổi loạn chống lại ý ấy.
Không thể đọc “dưới đất cũng như trên trời” nếu con không sẵn sàng tận hiến cuộc đời của con dưới thế nầy để phục vụ Cha.
Không thể đọc “xin cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày” nếu con không thay đổi lối sống chỉ dựa trên sự lợi dụng người khác.
Không thể đọc “và tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con” nếu con vẫn giữ mối hiềm khích, lòng thù hận và nỗi tức giận chống lại anh em con hoặc ganh tị với họ.
Không thể đọc “xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ” nếu con cương quyết đặt mình hoặc cứ ở lại trong một hoàn cảnh mà con có thể dễ dàng rơi vào chước cám dỗ.
Không thể đọc “nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ” nếu con không sẵn sàng chiến đấu trong tinh thần, với một vũ khí là lời cầu nguyện.
Không thể đọc “Amen” nếu con không thêm rằng: "bằng bất cứ giá nào."
Vì con phải trả giá rất nhiều mới đọc được lời kinh ấy một cách hết sức khiêm cung.

M.W.Grass, bản dịch của M.Stein - Thái Văn Hiến trích dịch
***
Lạy Chúa Giêsu, qua các tông đồ, Chúa đã dạy con cách cầu nguyện qua câu Kinh Lạy Cha, xin cho con ý thức từng lời từng chữ mà con đọc. Xin cho con biết sống với Lời Kinh mà Chúa đã dạy cho con. Amen!

CHÚA NHẬT XIX THƯỜNG NIÊN C

Trong một thời gian ngắn các nước Á Châu đã phải chứng kiến sự ra đi của nhiều lãnh tụ. Trước hết là việc chạy trốn của ông Fujimori. Ông Fujimori đã làm tổng thống nước Peru đến nhiệm kỳ thứ 2. Nhưng vì tham nhũng, ông đã phải trốn chạy về Nhật. Tiếp đến là ông Estrada, tổng thống nước Philippin. Ông đã thắng cử với số phiếu áp đảo. Nhưng cuối cùng phải từ chức cũng vì tội tham nhũng. Gần đây là ông Wahid, tổng thống Inđônêsia. Ông đã sang Mỹ tị nạn cũng vì tham nhũng. Tất cả chỉ vì họ đã làm sai nhiệm vụ. Họ chỉ là quản lý chứ không làm chủ đất nước. Dân mới làm chủ. Nhưng họ đã không làm tốt nhiệm vụ quản lý. Nên họ đã bị sa thải.
Chúng ta cũng là người quản lý của Thiên Chúa. Thật vậy, sự sống, tài năng, trí thông minh, sức khoẻ sắc đẹp, tất cả đều là ơn Chúa ban. Nói tóm lại, tất cả những gì ta có, tất cả những gì ta là, đều là của Chúa. Chắc chẳng có ai dám tự hỏi: Tại sao tôi không cao hơn, không mập hơn? Tại sao tóc tôi không vàng hoe, mắt tôi không xanh biếc? Tại sao tôi không có tài hội họa, có giọng ca hay? Ta không thể hỏi như vậy, vì ta không có quyền gì trên đó. Tất cả đều là của Chúa. Chúng ta chỉ là quản lý. Chúa trao sự sống, tài năng, trí thông minh cho ta gìn giữ trong một thời gian. Nói theo ngôn ngữ Trịnh Công Sơn tất cả những thứ đó chỉ “ở trọ nơi ta.
Con chim ở trọ cành tre,
Con cá ở trọ trong khe nước nguồn…
Môi xinh ở trọ người xinh,
Duyên dáng ở trọ đôi chân Thuý Kiều…
Tôi nay ở trọ trần gian
Mai sau về chốn xa xăm với Người.
Một ngày kia Chúa sẽ đòi ta tính sổ. Lúc đó ta phải nộp cho Chúa cả vốn lẫn lãi.
Là người quản lý, ta phải có những đức tính nào? Thưa, Chúa muốn ta là người quản lý trung tín và khôn ngoan.
Là quản lý trung tín, ta phải biết sinh lợi những tài sản Chúa trao. Phải biết phát triển sao cho thân xác ngày càng khoẻ mạnh, trí thông minh ngày càng sáng suốt, những tài năng ngày càng đạt đến mức tinh vi hoàn hảo.
Là quản lý trung tín, ta phải biết chia sẻ. Chúa ban sức lực, tài năng không phải để ta ích kỷ vun quén cho bản thân, nhưng để ta dùng mà phục vụ. Người có của mắc nợ người nghèo. Người có tài mắc nợ xã hội. Nghệ sĩ mắc nợ khán giả. Giám đốc mắc nợ công nhân. Bác sĩ mắc nợ bệnh nhân. Linh mục mắc nợ giáo dân. Cha mẹ mắc nợ con cái.
Là quản lý trung tín, ta không được phải bội. Không được dùng những ơn Chúa ban để chống lại Chúa. Đừng dùng sức mạnh mà áp bức người khác. Đừng dùng tài năng phục vụ lợi nhuận riêng mình. Đừng dùng trí thông minh gieo rắc nọc độc tư tưởng. Đừng biến thân xác thành món hàng mua bán. Nhưng dùng tất cả để phục vụ Chúa. Dùng tất cả để làm cho Chúa được yêu mến, được vinh danh hơn.
Là quản lý không ngoan, ta phải biết nhìn xa. Sự sống, tài năng, sức lực, trí thông mình chỉ ở trọ nơi ta một thời gian. Phải làm cho chúng biến thành vĩnh cửu. Nhiều lần Chúa Giêsu đã dạy ta: “Hãy dùng tiền của chóng qua ở đời này mà mua lấy bạn hữu. Để sau này họ sẽ đón rước ngươi vào chốn đời đời”. Hôm nay Người dạy ta: “Hãy sắm lấy những túi tiền chẳng bao giờ cũ rách, một kho tàng chẳng thể hao hụt, là kho tàng ở trên trời, nơi không có trộm cắp bén mảng, cũng không có mối mọt đục phá”. Lạ lùng hơn nữa, cách gây dựng kho tàng trên trời khác hẳn với cách gây dựng kho tàng trần gian. Để gây dựng kho tàng trần gian, ta phải hà tiện, ích kỷ, thu tích cho mình. Trái lại, để gây dựng kho tàng trên trời, ta phải biết cho đi. Càng cho đi lại càng giàu có. Càng phân phát lại càng dư thừa. Càng ban tặng lại càng phong phú.
Là quản lý khôn ngoan, ta phải tỉnh thức. Cuộc đời ở trọ mau qua. Chúa lại hay đến bất ngờ. Nên ta phải tỉnh thức đợi chờ. Đợi chờ không phải là thụ động ngồi đó khoanh tay. Đợi chờ là phải tích cực làm việc. Thắt lưng vào, thắp đèn lên để làm việc cho minh chính như giữa ban ngày. Để phục vụ không bao giờ ngừng. Dù Chúa có đến lúc nào, Chúa cũng thấy ta đang mặc quần áo công nhân phục vụ. Dù có bất ngờ như kẻ trộm, Chúa cũng thấy quản lý đang phục vụ anh em, phân phát lúa thóc cho họ.
Lạy Chúa, xin nhắc cho con luôn luôn nhớ rằng con là người quản lý của Chúa, để dù ở đâu, dù làm gì, con cũng luôn làm cho Chúa, luôn tỉnh thức sống dưới ánh mắt của Chúa. Amen

ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kit