BỔN MẠNG THÁNG 6


THÁNG 6


NGÀY
LỄ
QUAN THẦY

04.06
Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống
*Dì Nhi
13.06 
Lễ Thánh Antôn Pađôva, Lm, TSHT.

* Chị Dung

24.06 
Lễ Sinh nhật Gioan Tẩy Giả.
* Chị Hoa
29.06
Lễ Thánh Phêrô và Phaolô, TĐ.
* Chị Thật
*Chị Thiều



 

Lễ giỗ cha mẹ chị em

TƯỞNG NHỚ VÀ CẦU NGUYỆN
NGY
LỄ GIỖ

05.06

Ông cố Gioan Baotixita – Thân phụ Dì Nga

30.06

Ông cố Anrê- Thân phụ Dì Thủy.


HÃY NHÌN XUỐNG ĐỂ THẤU HIỂU VÀ SẺ CHIA

Thượng Đế cho ta cái cổ không những để ta ngước lên trên phấn đấu mà còn để ta nhìn xuống để thấu hiểu, chia sẻ với những mảnh đời còn khó khăn, bất hạnh.

Xã hội phát triển, đồng nghĩa đời sống vật chất và tinh thần con người ngày càng được nâng lên.  Tuy nhiên, nhiều người trong chúng ta lại không cảm thấy hạnh phúc dù họ không hề thiếu thứ gì.  Họ khó chịu, mệt mỏi khi gặp chuyện không vừa ý, khi thua kém người khác hay khi không được thỏa mãn điều gì đó,… và thường nghĩ rằng mình là người bất hạnh nhất, cảm thấy trên đời không ai khổ bằng mình.

Vậy nếu bạn cảm thấy mình là người bất hạnh nhất thì ai sẽ là người hạnh phúc nhất?  Câu trả lời là chẳng có ai!  Bởi cuộc sống này không có điều gì là toàn mỹ, không có gì là toàn nhất cả.  Được cái này thì mất cái kia!  Hãy nhìn rộng ra và làm vài phép so sánh, bạn sẽ thấy mừng vì mình chưa phải người bất hạnh nhất đâu.

Nếu bạn cảm thấy việc học đối với bạn quá nhàm chán, luôn là một gánh nặng và bạn muốn bỏ cuộc thì hãy nhìn sang những đứa trẻ trong lớp học tình thương hay những em nhỏ sáng đánh giày, tối học trong lớp bổ túc văn hóa, chắc chắn bạn sẽ rút lại ý định bỏ học của mình.

Cuộc sống này không có điều gì là toàn mỹ, không có gì là toàn nhất cả. Hay khi bạn cảm thấy căn nhà mình ở quá “ngột ngạt”, không đủ rộng lớn đối với mình thì hãy thử sống trong khu ổ chuột để biết cảm giác thiếu thốn, ngột ngạt thật sự nó như thế nào.

Cảm giác bị ba mẹ mắng thật không dễ chịu chút nào!  Nhưng liệu có bằng cảm giác của người không còn ba mẹ la rầy hay phải chứng kiến gia đình “mỗi người một nơi” không?  Bạn có thể tự trả lời được.  Còn nhiều điều, nhiều điều khác lắm nhưng chỉ qua vài ví dụ như vậy cũng có thể thấy ta vẫn còn sung sướng hơn nhiều người.

Hôm trước tôi có xem một đoạn phóng sự trên TV về tình hình chiến sự tại Syria, một phóng viên đã hỏi những người tị nạn một câu như thế này :

– Nếu được ước, các anh sẽ ước gì?

Tất cả đều trả lời :

– Chúng tôi chỉ muốn kết thúc chiến tranh, chúng tôi chỉ muốn trở về nhà sống cuộc sống yên bình.

Trong khi chúng ta mãi lo nghĩ làm sao để sống giàu có, phủ phê thì những người tị nạn Syria chỉ mong ước đất nước kết thúc chiến tranh để có thể bình yên trở về nơi “chôn rau cắt rốn” của mình.  Thế mới biết, trong lúc khó khăn, nguy hiểm thì điều chúng ta cần nhất chính là bình yên thật sự.

Bạn tôi có lần kể cho tôi nghe chuyện về một ca sĩ hát nhạc cổ điển rất nổi tiếng.  Cô từng kết hôn với một người chồng giàu có và rất hạnh phúc.  Một hôm, cô đến một quốc gia láng giềng để trình diễn, và đêm trình diễn đó rất thành công.  Sau buổi diễn, khi cô bước ra khỏi nhà hát cùng với chồng và con trai, phóng viên điện ảnh liền đua nhau tới phỏng vấn.

Mọi người đều ca tụng và ngưỡng mộ người ca sĩ.  Họ ca ngợi cô vì cô đã nổi tiếng ngay sau khi tốt nghiệp đại học, lại được bầu là một trong mười người chơi nhạc cổ điển hay nhất trên thế giới ở tuổi 25.  Một số người ca ngợi rằng cô có chồng giàu, làm chủ một công ty rất lớn và có một con trai rất xinh xắn, luôn luôn mỉm cười.

Trong khi mọi người nói những lời có cánh, người ca sĩ chỉ lắng nghe.  Sau đó, cô bắt đầu nói rất chậm rãi: “Trước hết tôi muốn cám ơn tất cả mọi người vì lời ca ngợi về tôi và gia đình tôi, và tôi hy vọng tôi cũng qúy mến những điều này như các bạn.  Tuy nhiên, các bạn chỉ thấy một phần và đã không nhìn thấy những phần khác.  Sự thật là, đứa con trai xinh xắn của tôi mà các bạn nói rằng luôn luôn tươi cười thật ra bị câm.  Ngoài ra, bé còn một người chị ở nhà cũng đang mắc bệnh tâm thần, cháu bị giữ trong căn phòng chắn bằng các thanh sắt trên cửa sổ năm này qua năm khác.”

Nghe cô ca sĩ nói, đám đông im lặng nhìn nhau.  Cô ca sĩ tiếp tục nói một cách bình tĩnh: “Ðiều này cho chúng ta biết những gì?  Tôi tin rằng chỉ có một lời giải thích, đó là Thượng Đế ban tình thương cho mọi người rất công bằng.”

Câu chuyện của cô ca sĩ cho ta thấy Thượng Đế rất công bằng bởi trong vũ trụ chúng ta đang sống luôn tồn tại một pháp lý: có được, có mất.

Con người ta thường dễ sa đà vào những thứ phù phiếm mà thường bỏ quên những thứ đáng quý ở thực tại.  Ước mơ, khát khao sống tốt hơn là chính đáng nhưng chẳng may không đạt được cũng đừng quá buồn bởi còn nhiều người khó khăn hơn gấp vạn lần ta. Hãy mở lòng ra, nhìn xung quanh với ánh mắt từ bi và bao dung, sẽ biết rằng ta còn may mắn hơn rất nhiều người, và đó cũng là một lý do để ta cảm thấy thêm yêu đời.

Thượng Đế cho ta cái cổ không những để ta ngước lên trên phấn đấu mà còn để ta nhìn xuống để thấu hiểu, chia sẻ với những mảnh đời còn khó khăn, bất hạnh.


Hoàng An

ĐIỆN THOẠI DI ĐỘNG VÀ VIỆC THAM DỰ CÁC NGHI THỨC TÔN GIÁO

Một hành động quá dễ để chúng ta nhấc điện thoại lên nghe. Thế nhưng chúng ta lại quên mất rằng, chúng ta đang nghe điện thoại ở đâu?

Cùng với Internet thì điện thoại di động cũng là một trong những thành tựu truyền thông mang tính đột phá trong xã hội văn minh. Không ai có thể phủ nhận tính năng ưu việt của chiếc điện thoại di động về sự tiện lợi khi người ta có thể dùng mọi lúc, mọi nơi, giúp con người trao đổi thông tin một cách gián tiếp nhưng vẫn đảm bảo được việc truyền tải thông điệp khi giao tiếp.
Phải nói rằng, thời đại ngày nay, điện toại di động là một trong những phương tiện truyền thông giao tiếp mang tính phổ cập và giúp con người gần gũi nhau hơn. Tuy nhiên, ngoài những ưu điểm thì những hạn chế của chiếc điện thoại di động cũng luôn song hành; nhất là về hành vi và văn hóa của người sử dụng đã và đang gây ra những bức xúc trong đời sống xã hội. 
Lời bàn
Trong khuôn khồ bài viết này, chỉ bàn đến hành vi sử dụng điện thoại khi tham dự Thánh lễ hay tham dự các Nghi thức Công giáo. Xin gọi chung là tham dự Thánh lễ. Qua đó, thảo luận về thái độ của người sử dụng điện thoại di động khi đến nhà thờ từ những góc nhìn về hành vi và văn hóa.
• Thứ nhất, người sử dụng điện thoại di động để điện thoại ở nhà, tắt nguồn hoặc điều chỉnh điện thoại của mình ở chế độ im lặng khi tham dự Thánh lễ:
Nhóm hành vi này thể hiện mức độ văn hóa ứng xử của người sử dụng điện thoại rất cao, được xem là kỹ năng ứng xử đúng mực với mọi người chung quanh, họ đã tự làm đẹp thêm hình ảnh của chính mình khi tôn trọng mọi người trong không gian tôn giáo - một không gian mà sự tĩnh lặng luôn là một tiêu chí được quan tâm hàng đầu. 
Khi người sử dụng điều chỉnh điện thoại ở chế độ im lặng trong lúc tham dự Thánh lễ thì từ máy của mình, họ vẫn tiếp nhận được 100% những nguồn thông tin như cuộc gọi nhỡ, tin nhắn và họ có thể kiểm tra lại ngay sau Thánh lễ, sau đó nếu cần thiết thì họ sẽ xử lý những thông tin cá nhân của mình.
• Thứ hai, người sử dụng điện thoại di động điều chỉnh điện thoại ở chế độ rung khi tham dự Thánh lễ:
Thoạt nhiên, tưởng chừng như hành vi này là hành vi có ý thức. Tức là người sử dụng điện thoại di động nhận thức được rằng khi vào nhà thờ thì không nên để âm thanh điện thoại. Tuy nhiên, khi chúng ta xem xét hành vi này ở hai cấp độ khác nhau thì hành vi này có thể được xem là hành vi vừa có ý thức vừa thiếu ý thức:
- Cấp độ thứ nhất, khi có tín hiệu, máy điện thoại báo rung nhưng chủ máy không trả lời. Đây cũng có thể được xem là hành vi khá tích cực vì không làm ảnh hưởng đến những người xung quanh khi tham dự Thánh lễ. Tuy nhiên, khi máy báo rung sẽ làm cho chính bản thân họ bị phân tâm trong Thánh lễ.
- Cấp độ thứ hai, khi có tín hiệu đến, máy điện thoại báo rung và chủ máy trả lời theo những cách thường thấy là nhắn tin phản hồi, trả lời trực tiếp với giọng “nho nhỏ” hoặc ra ngoài nhà thờ để nghe. Hành vi này sẽ gây ra sự chú ý cho những người xung quanh và gây tác động đến sự nghiêm trang trong nhà thờ.
• Thứ ba, người sử dụng điện thoại di động để điện thoại ở chế độ bình thường khi tham dự Thánh lễ:
Hành vi này tất nhiên bị xem là hành vi thiếu ý thức. Việc để điện thoại ở chế độ bình thường khi tham dự Thánh lễ rất dễ gây ra sự phiền phức cho mọi người xung quanh. Âm thanh của chiếc điện thoại của ai đó bất chợt vang lên sẽ làm cho không gian chung trong nhà thờ bị ảnh hưởng, phá vỡ sự trang nghiêm và những người đang dự lễ bị phân tâm do tập trung chú ý vào chủ nhân của chiếc điện thoại đang đổ chuông, từ đó sẽ làm cho không khí của Thánh lễ thiếu đi sự nghiêm trang cần thiết.
Những cảnh huống thực tế mà người ta có thể chứng kiến trong nhà thờ khi chiếc điện thoại của ai đó đổ chuông:
- Có những người tỏ ra rất bình tĩnh dập máy nhưng lại không tắt nguồn và không lâu sau đó điện thoại của họ lại tiếp tục đổ chuông.
- Có những người nghe máy và trả lời tại chỗ hoặc bước ra khỏi nhà thờ để nghe máy. 
- Có những người dập máy, sau đó nhắn tin phản hồi.
- Hoặc có những người do kỹ năng sử dụng máy chưa thành thạo, nhất là dòng điện thoại cảm ứng nên bị động ở trạng thái lúng túng gây ra sự chia trí cho mọi người.
Và tất cả những hành vi nêu trên sẽ gây ra " hội chứng đám đông" mà biểu hiện bằng những lời xầm xì hay những cái nhìn ngao ngán của những người chung quanh.
Cho dù người sử dụng điện thoại trong nhà thờ có cách thức hành xử hoặc cố gắng biện minh về hành vi của mình như thế nào đi chăng nữa thì tựu trung, tất cả đều là những hành vi phản cảm mà thôi.
Chia sẻ
Với người Công giáo, Nhà thờ và những Thánh Tượng là biểu trưng của sự thiêng liêng nhất trong mỗi cộng đoàn giáo xứ, là nơi mọi người tề tựu tham dự việc cử hành các nghi lễ thờ phượng Thiên Chúa. Do đó, sự trang nghiêm luôn là yếu tố đã được mặc định và nằm lòng trong mỗi giáo dân.  
Quan điểm xã hội học cho rằng mỗi người là độc nhất vô nhị, là những cá thể khác biệt, không ai giống ai và xã hội luôn tồn tại dựa trên sự khác biệt đó. Dựa trên cơ sở lý luận này thì tôi, bạn và tất cả chúng ta luôn là sự khác biệt. Tuy nhiên, dù có lý luận theo cách nào đi nữa thì sự thật hiển nhiên là khi chúng ta đã là những tín hữu Công giáo thì chúng ta đều có một vị Cha chung duy nhất, là Thiên Chúa của chúng ta - Ngài là suối nguồn tình yêu và chúng ta cùng sống trong một cộng đoàn thờ phượng Ngài. 
Hành vi con người được hiểu như là một yếu tố mang tính xã hội và được hình thành trong quá trình hoạt động sống và hoạt động giao tiếp của con người. Như vậy, hành vi con người hoàn toàn có thể thay đổi được. Chúng ta chẳng ai là người hoàn thiện, và mỗi người trong chúng ta không ít thì nhiều luôn tồn tại những hành vi tiêu cực cần thay đổi để bản thân mỗi người chúng ta được trở nên tích cực hơn mà cụ thể như việc "chúng ta hãy nói không với hành vi sử dụng điện thoại trong nhà thờ”. Nếu trong một lúc nào đó, tôi hoặc bạn cần chờ đợi một thông tin quan trọng cho mình thì trước khi bước vào nhà thờ, chúng ta hãy điều chỉnh chiếc điện thoại của mình ở trạng thái im lặng, vì thời gian Thánh lễ cũng chỉ khoảng một giờ đồng hồ mà thôi! Có thể rằng, mỗi tuần chúng ta cũng chỉ đến với Chúa một giờ đồng hồ, thế nên chúng ta còn quá nhiều thời gian với chiếc điện thoại di động của mình! Thiết nghĩ, việc tận hưởng bầu khí thiêng liêng một cách trọn vẹn trong một giờ với Chúa sẽ là điều thiết thân của mỗi người chúng ta.
Một hành động quá dễ để chúng ta nhấc điện thoại lên nghe. Thế nhưng chúng ta lại quên mất rằng, chúng ta đang nghe điện thoại ở đâu?
Sự chuẩn mực về một lĩnh vực nào đó trong đời sống xã hội vẫn luôn có những quy tắc và văn hóa ứng xử chung. Không ngoại lệ, môi trường tôn giáo cũng như vậy, thậm chí sự chuẩn mực trong đời sống Giáo hội có những lúc đòi hỏi chúng ta cần phải hy sinh nhiều hơn và chúng ta tin rằng, chẳng ai có thể đánh giá sai về chúng ta khi chúng ta chưa nghe điện thoại, hoặc khi chúng ta chưa kịp nhắn tin phản hồi.
Vậy thì, bạn và tôi và chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện để xin Chúa cho mình biết hy sinh quảng đại và nhận thức được rằng, chiếc điện thoại di động chỉ là phương tiện chứ không phải là cứu cánh. Thiếu chiếc điện thoại di động, chúng ta vẫn có thể sống một cách bình thường nhưng thiếu Chúa e rằng sẽ là nỗi bất hạnh nơi mỗi người chúng ta.
Bạn và tôi hãy cùng nhau thực hiện thao tác tắt nguồn hay điều chỉnh chiếc điện thoại của mình ở trạng thái im lặng trước khi bước vào nhà thờ. Hành vi này tưởng chừng quá đơn giản nhưng lại là động lực lớn lao góp phần tạo ra một không gian tôn giáo trang nghiêm, sùng kính. 
Chúng ta sẽ cùng nhau thực hiện bạn nhé!
  



LỄ CHÚA THĂNG THIÊN - A

Có nhiều người nghĩ thế giới chỉ bó gọn trong trái đất và con người chỉ thuộc về mặt đất. Nhưng không phải thế. Hôm nay, Chúa Giêsu lên trời là một bằng chứng cho niềm hy vọng của ta.
Việc Chúa Giêsu lên trời bảo cho ta biết rằng ngoài trái đất còn có trời. Ngoài cõi nhân sinh nhỏ hẹp còn có cõi thần linh bao la. Ngoài cuộc sống trần gian mau qua còn có cuộc sống thiên đàng vĩnh cửu.
Chúa Giêsu về trời là niềm hy vọng cho ta. Mai sau ta cũng sẽ được về trời với Người. Vì chính Người đã hứa: “Thầy đi để dọn chỗ cho anh em, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó với Thầy”.
Chúa Giêsu đã liên kết ta thành một thân thể với Người. Người là đầu. Chúng ta là chi thể. Đầu tiến đến đâu thì chi thể cũng sẽ tiến đến đấy.
Chúa Giêsu dạy ta biết rằng ta là con của Thiên Chúa Cha, Đấng ngự trên trời. Con sẽ được ở trong nhà cha mẹ. Chúng ta sẽ được ở nhà Cha trên trời là tự nhiên.
Tuy nhiên Chúa Giêsu chỉ về trời sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ Đức Chúa Cha trao phó cho Người ở trần gian. Nhiệm vụ đó là loan báo cho mọi người biết Chúa là Cha yêu thương mọi người. Nhiệm vụ đó là làm chứng về tình yêu thương của Cha đối với mọi người.
Hôm nay, trước khi về trời, Chúa Giêsu uỷ thác nhiệm vụ đó lại cho ta. Ta phải tiếp nối sứ mạng của Chúa Giêsu loan báo Tin Mừng yêu thương cho mọi người. Đem niềm hy vọng đến cho kiếp người.
Với niềm hy vọng đó, người Kitô hữu chân đạp đất nhưng lòng vẫn hướng về trời cao. Niềm hy vọng đó giải thoát ta khỏi nô lệ vào mặt đất nhờ đã biết rõ vật chất chỉ là phương tiện sẽ mau chóng qua đi. Niềm hy vọng đó nâng cuộc sống con người lên vì từ nay ta hiểu rằng định mệnh loài người không phải như loài súc vật, nhưng ngang hàng với thần linh. Niềm hy vọng đó đó làm cho cuộc sống của ta có ý nghĩa, vì Chúa tạo dựng nên con người không phải để con người tàn lụi đi theo quy luật của vật chất mà để con người phát triển, tồn tại đến vô biên, không phải bị kết án vào những đau khổ vất vả trần gian, nhưng đã được tiền định hưởng hạnh phúc vĩnh cửu trên thiên đàng. Niềm hy vọng đó cho ta thêm động lực phục vụ tha nhân tận tâm hơn vì đó chính là sứ mang Chúa trao phó. Niềm hy vọng đó khuyến khích ta tích cực xây dựng xã hội tốt đẹp hơn, vì đó chính là điều kiện cho ta được vào Nước Trời.
Lạy Chúa, xin giúp con chu toàn nhiệm vụ ở trần gian để sau này con được về trời với Chúa. Amen.
Tgm. Giuse Ngô Quang Kiệt


NGƯỜI ÍCH KỶ

Tinh thần ích kỷ xuất phát từ con người đề cao giá trị của tự do, từ đó, phát sinh khuynh hướng chủ nghĩa cá nhân. Mẫu người này thường là những người yêu mình quá đáng, nếu không muốn nói là lệch lạc. 

Trong cuộc sống xã hội giữa người và người, đã có biết bao tấm gương hy sinh, quảng đại cho người khác. Họ quên đi bản thân mình mà sống cho người khác. Họ bao dung với những người nghèo trong khi họ cũng không khá gì. Hay nói đúng hơn, họ sống với phương châm lá lành đùm lá rách, và càng cao quí hơn, lá rách đùm lá nát. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn tồn tại những con người chỉ biết sống cho riêng mình. Họ chỉ biết thu quén cho mình và lấy mình làm trung tâm, đồng thời, giải thích mọi sự miễn sao ích lợi cho bản thân mình. Đó là những con người ích kỷ.
Tinh thần ích kỷ xuất phát từ con người đề cao giá trị của tự do, từ đó, phát sinh khuynh hướng chủ nghĩa cá nhân. Mẫu người này thường là những người yêu mình quá đáng, nếu không muốn nói là lệch lạc. Có thể nói, họ tìm mọi cách để đáp ứng nhu cầu bản thân mà không cần biết điều đó sẽ vương hại gì đến mình và người khác. Họ chỉ biết nhận lãnh mà không biết cho đi, từ đó, vô tình đã tạo nơi mình một không gian biển chết. Họ thích tự sướng và hưởng thụ một mình.
Chúng ta đã từng kinh nghiệm rằng một tình yêu chiếm hữu sẽ không thể tồn tại lâu bền, thế mà chúng ta vẫn ích kỷ trong tình yêu, vô tình chúng ta đã thao túng người khác, biến mình thành kẻ nộ lệ cho tình yêu và tự đào mồ chôn cất trái tim mình. Tình yêu tự nó không biên giới, thế mà, bạn lại nhốt nó trong một đối tượng yêu đương nào đó, quả là một bất hạnh lớn !
Hay lối sống ích kỷ còn biểu hiện qua việc yêu người khác vì mình. Thật vậy, có những người yêu người khác chỉ nhằm để thỏa mãn một con tim đói khát cách nào đó, đến mức cưỡng ép và gây tổn thương cho người mình yêu. Chung cục, họ lại làm tổn thương chính cái tôi bé bỏng của mình.
Cũng có một hình thức khác giúp chúng ta nhận ra mẫu người này khi họ thường tự ái vặt vãnh. Họ dễ dàng nổi máu anh hùng khi có ai dám xúc phạm đến họ dù đó chỉ là cách họ hiểu sai vấn đề. Thật ra, đó chỉ là cách tự vệ của một tâm hồn nhạy cảm dễ bị tổn thương. Một khi đặt mình ở vị trí trung tâm mà không được người khác thừa nhận, chính họ sẽ có cách tự an ủi mình: “chẳng ai hiểu được tôi”, và cuối cùng, đổ lỗi cho người khác. Vì những tự ái cỏn con, họ ví thể đứa bé giận lẫy khi bị dứt đột ngột khỏi dòng sữa mẹ. Chính sự ấu trĩ này khiến họ khó hoàn thành đại sự.
Ngoài ra, chúng ta cũng nhận ra mẫu người này trong công việc hằng ngày. Họ thường chọn việc nhẹ nhàng để yên thân và tránh đụng chạm với người khác. Hoặc thoái thác trách nhiệm khi có sự cố xảy ra. Đối với họ, chu toàn trách nhiệm theo đức công bằng đã là khó, huống nữa là sống bác ái với tha nhân.
Từ những biểu hiện đã được trình bày trên đây, giúp chúng ta có một nhãn quan đúng đắn về mẫu người này, nhờ đó, chọn cho mình một hướng sống tích cực hơn.
Tiền nhân đã nói: thương người như thể thương thân. Hay trong nhà đạo vẫn có câu truyền khẩu rằng thương người như mình ta vậy. Qua đó cho thấy, con người chỉ có thể yêu thương người khác khi họ đã biết mình phải yêu thương bản thân thế nào. Tuy nhiên, cũng có người thương mình một cách quá đáng đến nỗi trở thành một người ích kỷ.
Chúng ta sống và có trách nhiệm với cuộc đời này, thế nhưng, chúng ta cũng cần khám phá ra những nhu cầu bản thân: nhu cầu về thể lý, tình cảm và sự an toàn, nhu cầu yêu và được yêu, nhu cầu được tôn trọng và biết tôn trọng, cũng như nhu cầu thể hiện và hoàn thiện bản thân mình. Đó là những nhu cầu chính đáng đã được nhà tâm lý học Maslow đề nghị cho mọi người. Có thể nói, khi đáp ứng đúng đắn những đòi hỏi này trong cuộc sống, chúng ta là những người yêu mình đúng nghĩa. Thế nhưng, một điều khá quan trọng mà chúng ta đôi khi quên sót: cần đặt những nhu cầu này trong chiều kích tương quan. Nếu không, chúng ta sẽ trở nên những người ích kỷ.
Những gì chúng ta vừa trình bày đang dừng lại ở việc người ích kỷ yêu mình không đúng cách đến mức vương hại bản thân. Và một hệ lụy kéo theo mà chúng ta không thể không bàn đến: vương hại đến tha nhân và tập thể.
Khi xét đến tương quan giữa người với người, chúng ta cần lưu ý đến chiều kích cho và nhận. Có thể nói, nơi người ích kỷ chỉ biết nhận lãnh mà chẳng biết cho đi. Đức Bênêdictô XVI không ngần ngại gọi họ là những người nghèo nhất. Quả thật, họ không bao giờ cảm thấy đủ dù đã có rất nhiều, họ có thể giàu có đấy nhưng trái tim họ nghèo nàn, không biết sẻ chia, họ là người nghèo và bất hạnh nhất.
Mặt khác, dưới mắt người ích kỷ, tha nhân có đó chỉ cản bước tiến của họ. Họ cảm thấy người khác như những kẻ chực chờ chộp lấy mọi thứ từ tay họ. Tha nhân như lang sói vồ vập cuộc đời họ. Hay hiện hữu của tha nhân là cơ hội và phương tiện giúp họ mua vui. Hoặc nữa, tha nhân là một thứ hỏa ngục nào đó vì đã lên án và hạ nhục họ. Thật ra, những tư tưởng đó là cặn bã của một tâm hồn bị tổn thương về lòng tự trọng. Một khi quan niệm như thế, họ đã tự đặt mình trên người khác và tách mình ra khỏi cộng đồng. Vô hình trung, họ trở thành người thừa trong xã hội.
Chúng ta không thể liệt kê cách cụ thể hết những gì người ích kỷ làm vương hại đến cộng đoàn. Ở đây, chúng ta ghi nhận một thực trạng: người ích kỷ là một bệnh nhân bị tổn thương, vì thế, cách nào đó, họ làm trì trệ bước tiến của cộng đoàn. Trong khi mọi người phải gánh phần trách nhiệm của họ, đồng thời, phải nâng đỡ họ và chuyên chở những gì họ ky cóp trong thời gian qua. Tắt một lời, họ trở thành gánh nặng cho cộng đoàn.
Tưởng cũng cần nhắc đến một yếu điểm khác của mẫu người này, có thể nói họ là những người đánh mất tâm tình tạ ơn: ghi ơn người khác và tạ ơn Thiên Chúa. Hiện hữu của họ và những gì họ có, là cả một hồng ân. Thế mà, họ khư khư giữ lại cho chính mình. Họ quên rằng cách đáp trả những ân phúc mình đã lãnh nhận là cần cho đi. Họ cũng quên một nguyên tắc quan trọng trong cuộc sống: cần cho đi để đôi bàn tay trắng tiếp tục nhận lãnh những gì cuộc sống mang lại. Có thế, cuộc đời là một cuộc tương tác cho đi và lãnh nhận. Nhờ đó, chúng ta có thể làm giàu cho nhau và làm giàu trước mắt Thiên Chúa.
Trước khi chờ người ích kỷ nhận ra thực trạng của mình, cộng đoàn cần giữ thái độ tôn trọng họ như họ là. Đó là cách chữa lành tổn thương về lòng tự trọng từ bên ngoài. Rồi tìm mọi cách đề cao vai trò của họ trong cộng đoàn như thể họ là người có giá trị. Chính khi đặt họ trong một tác vụ quan trọng, họ dễ dàng thể hiện mình là người hữu ích, nhờ đó, trách nhiệm họ dễ dàng chu toàn với sự hợp tác của nhiều người. Đồng thời, chúng ta cần khêu gợi lòng quảng đại của họ; chính khi đặt họ ở vị trí trên cao mà việc lành được thi thố. Điều này, lúc đầu vẫn mang đậm tình yêu vị kỷ nhưng dần dà, họ tìm được những người bạn chân thành giúp họ cởi mở, và một khi thế giới không còn xoay quanh “tiểu vũ trụ” ấy nữa, họ sẽ dễ dàng đón nhận tha nhân như tha nhân đã từng tôn trọng và yêu thương họ. Và nói như Đức Phanxicô trong sứ điệp Mùa Chay năm 2017: tha nhân là một quà tặng.
Người ích kỷ thích tự sướng và hưởng thụ một mình như một trẻ nhỏ thích ngắm nghía chú chim quý của mình, cậu giấu nó trong lớp áo của mình, bỗng một ngày nó mổ hết ruột gan trong người cậu. Đó là cái giá trả cho kẻ ích kỷ chỉ biết tìm lợi ích và khoái lạc cho riêng mình. Quả thật, yêu mình không đúng cách sẽ hủy hoại chính mình. Vì thế, cần phải yêu thương bản thân cách đúng đắn và lành mạnh. Đó là cả một nghệ thuật để thoát khỏi cái tôi chật hẹp của chính mình.
EYMARD An Mai Đỗ O.Cist.


VÀ NHƯ THẾ, CON SẼ LÀ TẤT CẢ

Giữa những người ở thế gian, có sẵn nhiều tranh chấp chức quyền đã đành. Giữa những người trong lòng Giáo Hội, cũng chẳng dễ tránh được những cơn cám dỗ ba chìm bảy nổi ấy.

Thời bách hại đạo, người ta tìm đủ mọi cách để xóa bỏ sự hiện diện của Giáo Hội, người ta tìm đủ mọi cách để giết hại các Kitô hữu. Nhưng truyện kể rằng, có một em bé đã dám khảng khái nói với những tên lính: chỉ cần còn một Kitô hữu, thì Giáo Hội vẫn còn.
Có người sẽ cười đùa vì lối suy nghĩ đơn sơ có vẻ ngây ngô của em. Nhưng hãy thử hình dung một chút về những con người vô cùng bé nhỏ trong Giáo Hội, nào là một Teresa Hài Đồng Giêsu, nào là một Teresa Calcutta. Nào là một Phaolô tông đồ dường như phải một mình chống đỡ tư bề.

Nhiều người nhìn Giáo Hội như một tổ chức xã hội, hoặc một tổ chức tôn giáo. Xét theo phương diện tổ chức, thì sẽ có hưng thịnh, sẽ có suy vong, sẽ có những cuộc cải tổ, những khủng hoảng v.v. Vì Giáo Hội bao gồm những con người, mà xã hội tính là tính tự nhiên của con người, nên coi Giáo Hội như một tổ chức, thì cũng chẳng lạ gì. Nhưng sẽ có nhiều nguy cơ lầm lẫn khi chỉ đồng hóa Giáo Hội với một tổ chức thuần túy.
Ví như có người tìm mọi cách để lấy được thế đứng và danh dự trong Giáo Hội. Người ta ấy có thể là giáo dân, người ta ấy cũng có thể là các giáo sĩ. Và khi ấy, người ta chỉ còn thấy chỉ còn tìm, đâu là quyền lợi, đâu là bổng lộc, đâu là phe nhóm, đâu là những tranh chấp giành giật cho uy thế của bản thân hoặc của các lợi ích nhóm. Và đó là cái vòng xoáy tham sân si vô tận mà các tổ chức, bất kể chính trị, xã hội, hoặc tôn giáo có thể dễ dàng rơi vào.
Ví như thánh Philipphe Neri có kinh nghiệm thấm thía rằng: bằng phương diện tổ chức, chẳng thể hoán cải Giáo Hội, mà chỉ có đời sống thánh thiện mới có hy vọng cải tổ Giáo Hội. Mà chỉ có một Đấng Thánh là Thiên Chúa mà thôi, còn con người thì cần hoán cải không ngừng để có thể từng bước nên thánh giống như Cha trên Trời. Thế mà, con đường nên thánh, nhiều người cho là cao vời, là xa xôi, thì đối với các vị thánh, các ngài thấy nó thực tế, bởi lẽ đó là từng bước một, đó là từng chút cố gắng trong ngày sống, trong cuộc đời, trong đời cống hiến và phục vụ tha nhân.

Ngay cả đối với các thánh, cám dỗ vẫn có đó, và ngày càng tinh vi hơn. Ví dụ, thánh Inhaxio Loyola thời trai trẻ, vừa say mê sắc đẹp của nàng tiểu thư, vừa ham hố danh tiếng lập những chiến công lẫy lừng. Vì ngựa non háu đá, mà anh chàng Inhaxio đã nhất định chiến đấu và cho rằng sẽ thắng, cho dù mọi người đều thấy là chắc chắn thua. Kết là thua thảm hại, may mà không chết, chỉ bị thương nặng ở chân. Chàng trai Inhaxio cũng yêu thích vẻ đẹp trai của mình đến độ, đòi mổ phẫu thuật lại chân cho dù phải chịu mọi đau đớn. Khi bắt đầu nghĩ lại cuộc đời, khi bắt đầu hành trình hoán cải, khi bắt đầu có ước mơ tốt lành là sống cuộc đời giống như các vị thánh, cám dỗ danh tiếng vẫn đến với anh ta trong cách thức tinh vi hơn, đó là anh ta ham hố phải nên thánh nổi tiếng hơn cả thánh Phanxico và thánh Đaminh. Qua cái thời bồng bột trẻ trâu, sau này khi đã làm Bề trên Tổng Quyền, ngài vẫn thừa nhận rằng, mình phải chiến đấu vất vả với các cơn cám dỗ, và phải thường xuyên cầu nguyện xin Chúa nâng đỡ ban ơn.
Giữa những người ở thế gian, có sẵn nhiều tranh chấp chức quyền đã đành. Giữa những người trong lòng Giáo Hội, cũng chẳng dễ tránh được những cơn cám dỗ ba chìm bảy nổi ấy. Người ta nghe đâu đây vẫn thấy những ước mong như: nhóm mình, họ đạo mình, xứ đạo mình, hội dòng mình phải nhất cái này nhất cái kia, nếu không nhất thì ít ra cũng nhì… Khi đọc kinh cầu nguyện, ai cũng dễ nói là mình chẳng xứng đáng, nhưng đứng trước các chức tước bổng lộc hoặc chỗ danh dự gì đó, ai cũng dễ bị cám dỗ rằng, hình như không ai xứng đáng bằng mình. Và rồi, những cuộc tranh chấp đáng tiếc cũng ít nhiều xảy ra.

Ví như có người sống đời gia đình, không lo làm ăn và quan tâm xây dựng đời sống vợ chồng con cái gia đình, nhưng suốt ngày chỉ lo những chuyện không đâu trong cái hào nhoáng ồn ào và giả tạo mà người ta dựng nên. Ví như có người sống đời tu trì, không lo tìm con đường phục vụ Chúa trong ơn gọi và phục vụ tha nhân như Chúa mời gọi, nhưng suốt ngày chỉ lo những chuyện tiếng tăm, học thức, an toàn, tài sản… Người ta thay vì đi tìm Thiên Chúa và anh chị em, thì lại đánh mất chính mình trong những cái tốt đấy nhưng chỉ là thứ mau qua như những cơn gió thoảng.
Hôm nay, tôi mời gọi bạn, và thực sự tôi cũng tự hỏi chính lòng mình rằng: có cuộc đời vị thánh nào mà tôi thực sự ấn tượng và muốn tìm hiểu, để có thể tập luyện được đôi chút đời sống tốt lành và xin Chúa thương trợ giúp trong cuộc tập luyện ấy. Có nhiều lối tiếp cận để hiểu để cảm nhận để thuộc về Giáo Hội, và tôi thích cách tiếp cận của các vị thánh hơn là của các chuyên gia. 

Tứ Quyết SJ(dongten.net)

CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH - A

Nếu các Tin mừng Matthêu, Marcô và Luca mời gọi ta vào Vương quốc Thiên Chúa, thì Tin Mừng Gioan mời gọi ta vào tình yêu Chúa Giêsu Kitô. Thánh Gioan là người sống sau cùng. Sau khi đã nghiền ngẫm tất cả cuộc đời và những lời giảng dạy của Chúa Giêsu, thánh nhân nghiệm ra cái cốt lõi của cuộc sống người môn đệ là tình yêu chúa Giêsu Kitô, là kết hiệp với Chúa Giêsu Kitô, là sống sự sống của Thiên Chúa.
Tình yêu đó không phải là thứ tình yêu mơ mộng lãng mạn nhưng là một tình yêu sàng suốt của lý trí.Tình yêu đó không phải là chuyện đuổi bướm, hái hoa, rung động, xúc cảm, nhưng là một tình yêu với những việc làm cụ thể. Việc làm cụ thể đó là tuân giữ những điều Chúa Giêsu truyền dạy.
Đó chính là bí quyết Chúa Giêsu truyền lại cho các môn đệ, trước khi người giã từ các ông để đi vào thế giới đức tin. Từ nay để gặp gỡ Người, để yêu mến Người, để sống với Người, cần phải có đức tin và tình yêu.
Tin và Yêu là đôi mắt giúp ta nhìn thấy những sự thực siêu nhiên. Người không tin và không yêu sẽ không nhìn thấy như lời Chúa Giêsu nói trong Tin Mừng hôm nay: “Thầy ban cho anh em Thần chân lý, Đấng mà thế gian không thể đón nhận được vì thế gian không thấy và không biết Người”. Cũng như kiến thức ý khoa là khả năng chuyên môn giúp người bác sĩ nhận dạng được các loại vi trùng, định đúng được bệnh trạng của bệnh nhân; hoặc như kiến thức về thảo mộc củanhà thực vật học giúp họ nhận dạng phân loại và biết rõ đặc tính của những loải cây cỏ, tin và yêu cũng phải là khả năng chuyên môn giúp người môn đệ Chúa nhận ra những sự thực siêu nhiên, nhìn thấy, nhận biết và đón nhận Thiên Chúa.
Tin và Yêu, như vậy, là con đường dẫn đưa ta tới gặp gỡ Thiên Chúa.
Với đức tin và tình yêu, người môn đệ Chúa không còn thấy Thiên Chúa là một Đấng xa vời, mơ hồ, nhưng là một Đấng gần gũi, rất thật. Với đức tin và tình yêu ta sẽ gặp được Đức Chúa Cha, Đấng thương yêu, luôn chăm sóc cho ta, luôn mời gọi ta, luôn muốn ấp ủ ta, luôn muốn tha thứ cho ta.
Với đức tin và tình yêu, ta sẽ gặp được Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể, trong Sách Thánh, trong những lời giáo huấn của Giáo hội và trong những anh em sống quanh ta.
Với đức tin và tình yêu, ta sẽ cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa Thánh Thần khi Người đốt lên trong tim ta ngọn lửa yêu mến, khi Người thúc đẩy ta dẫn thân phục vụ, khi Người soi sáng cho ta những sáng kiến trong những hoạt động mới.
Nhưng quan trọng nhất là: Tin và Yêu là hai cánh cửa mở vào sự sống thần linh. Tin và Yêu không chỉ cho ta nhìn thấy Chúa, gặp gỡ Chúa mà còn cho ta được tham dự vào sự sống của Chúa. Sự sống đó là hiệp thông, như lời Chúa Giêsu nói: “Ai có và giữ các giới răn của Thầy, người ấy là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến”.
Chúa Cha ở trong Chúa Con và như Chúa Con ở trong Chúa Cha, ta sẽ được ở trong sự sống mầu nhiệm của Thiên Chúa Ba Ngôi và thật kỳ diệu, Ba Ngôi đến ở trong ta. Ở trong người nào tức là được người ấy yêu thương. Hiệp thông trong yêu thương là một thái độ cởi mở: mở tâm hồn ra để cho đi và nhận lãnh sự sống. Nhờ Tin và Yêu, ta mở lòng ra đón nhận Thiên Chúa, sự sống mới, sự sống sung mãn, sự sống vĩnh cửu.
Đúng như lời Chúa Giêsu nói: “Thầy sẽ không để anh em mồ côi”. Ai nhắm mắt đức tin, sẽ không nhìn thấy Chúa, sẽ trở thành mồ côi. Ai đóng cửa tình yêu, sẽ không gặp được Chúa, sẽ sống trong cô độc. Nhưng người môn đệ Chúa, nhờ có đức tin và tình yêu sẽ gặp được Thiên Chúa Ba Ngôi. Và như thế việc ta đi của Chúa Giêsu không những không thiệt hại mà còn ích lợi cho ta. Sự ra đi của Người dẫn ta đi đến kết hiệp với Thiên Chúa Ba Ngôi trong sự sung mãn, sự sống dồi dào.
Nhưng để đạt tới điều Chúa Giêsu đã hứa, ta hãy nhớ lại một lần nữa lời Người căn dặn: “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em hãy giữ các giới răn của Thầy”. Đức tin được thể hiện bằng tình yêu. Tình yêu được chứng minh qua hành động. Đó là chìa khoá của đời sống Kitô hữu.
ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt


SO SÁNH

Một trong những điều gây nhức nhối và phiền hà trong đời sống chính là sự so sánh đua đòi.  So sánh để học hỏi và thi đua là điều tích cực, nhưng so sánh để chỉ trích chê bai lại là một điều hết sức tiêu cực. 

Người giầu có được cung phụng.  Kẻ tài giỏi được quý mến.  Người có chức quyền được kính trọng.  Người thông minh được ưu đãi.  Người đã có, lại có thêm.  Người nghèo khó bị coi thường.  Kẻ ít học bị khinh khi.  Não trạng con người bị đóng khung.  Ý thức hệ bị thiên kiến.  Khuôn mẫu xã hội tạo phân biệt đẳng cấp đã gây nên sự tranh đấu không ngừng.
Một trong những điều gây nhức nhối và phiền hà trong đời sống chính là sự so sánh đua đòi.  So sánh để học hỏi và thi đua là điều tích cực, nhưng so sánh để chỉ trích chê bai lại là một điều hết sức tiêu cực.  Đôi khi điều tiêu cực này sẽ gây nên sự thù ghét, tẩy chay và phân rẽ.  Chúng ta biết sự hình thành của mỗi người hiện hữu trên trần đời thì có muôn hình vạn trạng.  Mỗi người khác nhau về kết cấu, khuôn mặt, dấu chỉ tay, khả năng hiểu biết, chuyên môn, số phận và số mệnh.  Bước vào cuộc sống chung, chúng ta chấp nhận những khác biệt bổ túc cho nhau để tạo nên một xã hội đa chiều phong phú.
Về cá nhân, không một ai giống ai trong hoàn cảnh sống.  Ngay từ khi lọt lòng mẹ, mỗi người bước vào đời với một số mệnh riêng.  Chúng ta có thể ngồi gẫm lại từ những ngày thơ ấu, khi mới chập chững cắp sách đến trường cho tới khi thành đạt lập thân.  Cuộc sống của mỗi người trải qua bao năm tháng thăng trầm, mỗi cá nhân đã có biết bao sự đổi thay theo dòng đời.  Chúng ta nên chấp nhận hoàn cảnh thực tế của cuộc sống nơi mỗi cá nhân.  Mỗi người hãy vui với niềm vui riêng của mình. Chúng ta không thể so sánh hơn thua về cuộc sống và về định mệnh riêng tư của mỗi người.
Về con cái, cha mẹ không nên so sánh sự thành công của bạn bè đồng lứa tuổi với con cái của mình.  Đứa con sẽ chạm tự ái và khó chịu.  Có lần tôi nghe một đứa con trả lời thẳng thắn với bố mẹ rằng con là con, và nó là nó.  Là phụ huynh, chúng ta nên hết sức tế nhị dạy bảo con cái.  Chịu khó tìm hiểu và nhận biết khả năng, sở thích và nhu cầu mà con cái đang khao khát để hướng dẫn.
Về vợ chồng, một điều tối kỵ là đừng bao giờ so sánh vợ/chồng của mình với vợ/chồng của người khác.  Đừng “đứng núi này mà trông núi nọ.” Người ta nói: “Ở trong chăn, mới biết chăn có rận.”  “Nhìn vậy mà không phải vậy” đâu.  Thực tế, có nhiều cặp vợ chồng ở với nhau cả đời mà vẫn chưa hiểu và biết nhau tỏ tường.  Làm sao chúng ta có thể đem vợ/chồng của mình ra so sánh với một nhân vật nào đó tình cờ gặp gỡ.  Chúng ta có nguy cơ lầm lẫn lớn.  Vì sự so sánh như cơm với phở đã làm cho biết bao cặp vợ chồng phải rơi vào sự nghi ngờ và thất trung bất tín.  Đường đời còn dài và cuộc sống có nhiều niềm vui và thử thách.  Mỗi người hãy tự xét mình trước khi xét người.  Muốn so sánh để đòi hỏi vợ/chồng phải trở nên giống hoặc bằng người khác là điều xuẩn trí.
Về gia đình, chúng ta không thể so sánh đời sống gia đình này với gia đình khác.  Trong cuộc sống đời thường, chúng ta nhận thấy có gia đình giầu sang phú quý sống trên nhung lụa.  Có gia đình bần cùng, màn trời chiếu đất.  Có những gia đình may mắn, làm ăn thành đạt và của cải đầy dư.  Có những gia đình phải lao động vất vả mà cơm không đủ ăn và áo không đủ mặc.  Có những gia đình sang trọng giầu có, nhưng chưa chắc vợ chồng con cái hạnh phúc ấm êm.  Có gia đình tuy nghèo nhưng vợ chồng yên vui đầm ấm và con cái ngoan hiền…  Mỗi gia đình một hoàn cảnh sống khác nhau cả về tinh thần lẫn vật chất.  Có biết bao nhiêu tình tiết tế nhị trong đời sống, chúng ta không thể so sánh cuộc sống gia đình này với gia đình kia.
Về nhóm hội và cộng đồng, mỗi nơi, mỗi hoàn cảnh và mỗi con người có nhiều điểm khác biệt kết nối với nhau tạo nên một nhịp sống chung.  Chúng ta có thể tìm thấy một số những điểm tương đồng trong hình thức sinh hoạt, nhưng không thể rập khuôn bắt chước bất cứ một nhóm hội nào.  Sự khác biệt não trạng và ý thức hệ của các thành viên ảnh hưởng đến sinh hoạt chung.  Mỗi nhóm hội hay cộng đồng có bản sắc riêng trong cách thế sinh hoạt và sống đạo.  Có nhiều sự việc có thể thực hiện được nơi cộng đoàn này, nhưng nơi khác thì không thể.  Chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm, nhưng không thể rập khuôn trong sinh hoạt.  Sự chắp nối để nên giống nhau, đôi khi sẽ làm mất đi cái bản chất đích thực của mình.
Sự so sánh nào cũng khập khễnh.  Chúng ta chỉ có thể học hỏi và tham khảo lẫn nhau để trau dồi kiến thức.  Sống dựa vào nhau để thăng tiến.  Điều quan trọng là sự cố gắng phấn đấu không ngừng. Những kinh nghiệm trong đời sống sẽ giúp chúng ta học và học mãi.  Người đời khen chê nhau là lẽ thường.  Biết lắng nghe và rút tỉa kinh nghiệm sẽ giúp chúng ta đổi thay nên hoàn thiện mỗi ngày.  Ai trong chúng ta cũng cần sự khích lệ tích cực để xây dựng.  Bạn của ta là những người dám nói sự thật và nói đúng nơi đúng lúc.  Lời nói chân thành có một mãnh lực phi thường khuyến khích nhau trong mọi hoàn cảnh.  Người nói sau lưng, mãi mãi là người đứng phía sau.
Tôi thích câu truyện này: Một đàn nhái đang di chuyển qua khu rừng và có hai con bị rơi xuống hố sâu.  Những chú nhái tụ nhau bên miệng hố nhìn xuống.  Khi thấy hố qúa sâu, chúng nói với hai con nhái kia rằng thôi chịu chết đi.  Hai con nhái như giả lờ không nghe và cố gắng hết sức để nhảy ra khỏi cái hố sâu.  Các con nhái trên bờ tiếp tục la rằng: Thôi ngừng đi, chúng mày sẽ chết thôi.  Cuối cùng, một con nhái chú ý lắng nghe và bỏ cuộc.  Nó ngã xuống và chết.  Con kia đã tiếp tục cố gắng nhảy lên.  Một lần nữa, đám nhái trên bờ lớn tiếng, đừng cố nữa và chờ chết thôi.  Con nhái nhảy mạnh hơn nữa và cuối cùng nó đã thoát ra khỏi.  Khi nó nhảy ra khỏi hố, những con nhái khác nói: Bạn không nghe chúng tôi nói hả?  Con nhái giải thích rằng nó bị điếc.  Nó nghĩ rằng các bạn hoàn toàn muốn khuyến khích nó.
Câu truyện dạy chúng ta hai bài học: Thứ nhất, sức mạnh của sự sống và sự chết nằm ngay trong cái lưỡi.  Những lời khích lệ với những người đang chán nản sẽ làm họ phấn khích và giúp vượt qua những khó khăn.  Thứ hai, những lời tiêu cực xói mòn tâm tư của những người đang thất vọng, có thể dẫn họ tới sự tuyệt vọng và dẫn tới chỗ chết.  Hãy cẩn thận dùng lời nói khi chúng ta phát biểu.  Sức mạnh của lời nói rất quan trọng giống như chiếc dao sắc có hai lưỡi.  Chúng ta biết rằng xây dựng tình thân cần thời gian lâu dài, nhưng phá đổ chỉ trong giây lát.
Chúng ta hãy nhìn đời với con mắt lạc quan hơn.  Xây dựng tình người với những lời khen tích cực.  Ca dao: “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.”  Ước chi mỗi lời chúng ta bày tỏ sẽ mang lại niềm vui và phấn khích cho lòng người.  Chúng ta bớt đi những lời so sánh chì chiết gây thương đau cho nhau, nhất là trong đời sống vợ chồng.  Hãy tôn trọng và nâng đỡ nhau mọi nơi mọi lúc.  Không ai tốt hơn vợ/chồng của mình đâu.
Xin Thiên Chúa ban ơn lành, để mỗi người hoàn thành sứ mệnh và định mệnh Chúa đã đặt để trong đời sống của mỗi người chúng ta.
Lm. Giuse Trần Việt Hùng

Bronx, New York

ĐI TU - DỄ HAY KHÓ

Lạy Chúa, đi tu có dễ không? Thưa Chúa, đi tu có khó không? Người ta hỏi con, con chẳng biết nói gì. Con hỏi Chúa, chẳng thấy Chúa nói chi. Có lẽ chẳng thể nói theo kiểu dễ hay khó, vì quan trọng: đi tu là Chúa gọi và rồi theo Chúa. Khi nói dễ hay khó, người ta thường đưa bản thân mình làm quy chiếu; khi nói về ơn gọi, trước tiên và trên hết là sáng kiến và lời mời của Chúa.
Nói thế, có người bảo rằng: điều ấy ai mà chẳng biết, cứ lặp đi lặp lại hoài. Nhưng con thấy, cái khó là dường như ai cũng biết mà kỳ thực rất ít người biết. Ví như người ta rất dễ khuyên răn người khác, rất dễ gợi ý cho người khác, rất dễ đưa ra ý kiến cho người khác về đủ loại công việc lớn nhỏ, nhưng những quyết định liên quan trực tiếp đến bản thân mình, thì chẳng hề dễ.
Ví như, người ta có thể kể thao thao bất tuyệt về truyện các thánh có trong sách vở, nhưng thử hỏi lại: có ai đó đang sống thánh thiện tốt lành quanh bạn? Quả là câu hỏi khó. Hỏi tiếp rằng: Bạn có sống tốt lành không? Thông thường người ta sẽ nhẹ nhàng nói: Tôi đang cố gắng sống là một người tốt, tôi cũng có nhiều điểm yếu và nhiều sai lỗi. Hỏi tiếp rằng: Đâu là điểm mạnh của bạn, đâu là điểm giới hạn, đâu là tội lỗi của bạn, đâu là những kinh nghiệm vui mừng hoặc đau thương… Có vẻ những câu hỏi ấy ngày càng xoáy càng sâu, càng khó nói, ngay cả khó mà hình dung là thế nào.
Cũng có người nói cách vô thưởng vô phạt về các tội ác trong nhân loại, nhưng khi hỏi lại xem: bản thân mình thực sự đã có những lần lỗi nặng phạm đến Chúa và đến anh chị em mình chưa? Lúc nào và ở đâu? Thật là khó thừa nhận và khó nói.
Cũng có người thích hướng dẫn người khác này nọ, ngay cả về đường ơn gọi, nhưng ngay cả ơn gọi của bản thân cũng chưa rành. Nếu như thế, thì có khác chi một người mù dẫn một người mù. Nói như thế, đôi khi quá nặng nề, nhưng thực tế có lẽ không thiếu. Cố gắng khiêm tốn mà nói, thì vẫn có cái khó là, chẳng ai dám tự hào cho là mình sáng. Có sáng mấy đi nữa, vẫn có những điểm mù. Ngay cả những con mắt tinh anh sáng suốt, vẫn có những điểm mù.  
Thế nên, thay vì đứng từ góc nhìn của cái tôi với sự phân biệt khó dễ, sướng khổ, sang hèn, giàu nghèo, hên xui; thì tốt hơn, nên đi vào con đường của đức tin, con đường của cầu nguyện, con đường của phục vụ, để tìm hiểu, để lắng nghe Thầy Giêsu, để ở với Thầy Giêsu, để đến mà xem Thầy sống, và hy vọng hiểu được lời Thầy mời gọi, đón nhận được sức mạnh mà vững bước.
Với con, hình ảnh Chúa Chiên Lành thật đặc biệt, người mục tử vác chiên trên vai rất đẹp rất dễ mến, rất thân thiện gần gũi. Cầu mong cho các mục tử của Giáo Hội ngày càng nên giống Đấng mục tử nhân lành. Đó là vị mục tử dám can đảm đi tìm con chiên lạc, cho dù con chiên ấy có chạy cùng trời cuối đất. Đó là vị mục tử nhân hiền đến độ không giận dữ khi tìm thấy chiên, mà chỉ còn đầy tính thương mến đến độ vui mừng vác chiên lên vai. Đó là vị mục tử tốt lành dám hy sinh mạng sống vì đoàn chiên. Đó là vị mục tử chăn dắt chiên chứ không như những kẻ chăn thuê, vì những kẻ chăn thuê chỉ làm vì công việc, chỉ chăn chiên như một công việc ăn lương, một việc kiếm cơm kiếm tiền, khi sói đến thì kẻ chăn thuê bỏ chạy, vì chỉ là người chăn thuê.
Cầu mong các vị mục tử tương lai hoặc đang thực thi thiên chức mục tử, luôn có tâm hồn quảng đại và trung tín, luôn đặt con tim của các vị nơi đàn chiên Chúa trao, luôn thấy đoàn chiên chính là kho tàng quý giá của Thiên Chúa, để các vị không còn tìm kiếm những thứ khác. Để các vị có đủ tình yêu mến mà gọi tên mà nhớ tên từng con chiên, mà chăm sóc từng con chiên như Chúa mong muốn.
Tuy nhiên, có một điều con thấy rằng, con dễ quên và nhiều người cũng dễ quên. Hình như người ta dễ ước mong chính bản thân mình sẽ trở thành người mục tử, nhưng lại quên mất thân phận của mình đang là chiên lạc. Vì quên thân phận chiên lạc của bản thân, nên người ta khó và hầu như không thể trở thành người mục tử nhân lành được. Bởi lẽ Thiên Chúa tốt lành vì Ngài vốn là Đấng tốt lành, còn con người tốt lành bởi lẽ nó khám phá thấy sự tốt lành và nhân hậu mà Thiên Chúa dành cho nó, và rồi từ kinh nghiệm ấy, nó cảm thông và yêu mến anh chị em đồng loại.
Lạy Chúa, mỗi khi con quên đi thân phận chiên lạc của mình, quên đi những tội lỗi của bản thân, quên đi những yếu đuối của bản thân, cũng đồng thời con quên đi tình thương tha thứ Chúa dành cho con, và cũng khi đó, con sẽ đánh mất sự cảm thông với anh chị em đồng loại, mà có lẽ khi ấy chắc chắn con cũng chẳng thể hiểu, chẳng thể tha thứ cho tha nhân.
Xin cho con hôm nay tiếp tục khám phá thấy khuôn mặt chiên lạc trong con, để con biết hổ thẹn trước Chúa, để con nhận thấy cần được Chúa kiếm tìm và yêu thương, để con thấy cần anh chị em con, và cũng nhờ đó, con có thể được Chúa tha thứ, và có thể thứ tha cho tha nhân, có thể yêu mến và giúp đỡ tha nhân. Bởi lẽ, Chúa là mục tử nhân lành và là Đấng cứu độ chúng con, còn con, nếu con có là mục tử nhân lành, thì điều ấy có nghĩa là con biết để cho Chúa hoạt động trong cuộc đời con, thì điều ấy có nghĩa là con luôn mang trong mình hai khuôn mặt: một là hy vọng ngày càng bớt đi thân phận con chiên lạc, và hai là hy vọng ngày càng giống vị mục tử nhân lành hơn.
Chúa ơi, con chẳng thể trở thành mục tử nhân lành, nếu con chưa hiểu được trong thâm sâu tâm hồn những gì là con chiên lạc trong con, để từ đó, con có thể kinh nghiệm được Thiên Chúa tha thứ, được Thiên Chúa yêu thương, được Thầy Giêsu mục tử chữa lành. Xin Mẹ Maria giúp con hiểu và sống cuộc đời đơn sơ bé nhỏ như Mẹ.

Tứ Quyết SJ(dongten.net)