LỄ MẸ THIÊN CHÚA

Ngày đầu năm mới và cũng là ngày Quốc Tế Hòa Bình, Giáo Hội hân hoan cử hành lễ Đức Maria rất thánh, Mẹ Thiên Chúa. Cả hai sự kiện này cùng diễn ra khi Giáo Hội đang cử hành mầu nhiệm Con Thiên Chúa làm người, Ngài là Hoàng Tử Bình An, là hòa bình đích thực của nhân loại.
Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban chính Con của Ngài sinh bởi Đức Trinh Nữ Maria. Đức Maria đã được nâng lên địa vị là Mẹ Thiên Chúa và Giáo Hội muốn đặt lễ hôm nay lên hàng đầu của năm tháng ngày giờ. 
Tín điều Mẹ Thiên Chúa 
Năm 431, có một cuộc tranh luận gay gắt đã diễn ra trong Giáo Hội Công Giáo, về tước hiệu đặc biệt của Đức Mẹ. Cuộc tranh luận đã đưa tới một công đồng chung, được tổ chức tại thành phố Êphêsô nhằm giải quyết vấn đề đặt ra.
Có hai lập trường hoàn toàn trái ngược nhau, một bên là giám mục Nestorius (Constantinople), bên kia là thánh Cyrilô (Alexanria).
Giám mục Netorius một mực cho rằng, Đức Maria nên được gọi là Christokos “người sinh ra Chúa Kitô”. Linh mục Dwight Longnecker giải thích rằng “Ngôn từ mà giám mục Netorious sử dụng, cho thấy, ông ta chủ trương rằng, Đức Giêsu Kitô có hai ngôi vị tách biệt. Vì thế, Đức Mẹ chỉ là người đã sinh ra Chúa Giê-su về mặt thể xác, nhân tính; và Mẹ nên được gọi là Christokos, tức là “Mẹ của Chúa Kitô” chứ không thể là “Mẹ Thiên Chúa”.
Đối lại với quan điểm trên, thánh Cyrilô và đa phần các giám mục đều cho rằng, Đức Maria phải được gọi là Theotokos, tức là “Mẹ Thiên Chúa”. Tín điều này khẳng định rằng Chúa Giêsu có “một ngôi vị duy nhất, gồm hai bản tính liên kết chặt chẽ với nhau (không hề tách rời nhau)”.
Đa số tuyệt đối đã đồng quan điểm rằng, Theotokos là tước hiệu xứng hạp với Đức Mẹ, và Nestorius đã bị truất phế chức giám mục Constantinople.
“Mẹ Thiên Chúa” không có nghĩa là Đức Maria hiện hữu trước Thiên Chúa hay Mẹ dựng nên Thiên Chúa, nhưng Mẹ là Đấng đã sinh ra Chúa Giêsu, Đấng vừa là Thiên Chúa thật vừa là người thật.
Trong mục nói về tín điều Ðức Maria, Mẹ Thiên Chúa, sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo có đoạn viết: “Quả thế, Ðấng mà Mẹ cưu mang làm người bởi Thánh Thần, Ðấng thực sự là Con Mẹ theo xác phàm, chính là Con hằng hữu của Chúa Cha, Ngôi Hai trong Ba Ngôi chí thánh. Vì vậy, Hội Thánh tuyên xưng Ðức Maria thực sự là ‘Mẹ Thiên Chúa’ (Theotokos) (GLCG, số 495).
Truyền thống Kitô giáo Chính Thống và Byzantine ưa dùng tước hiệu này hơn bất cứ tước hiệu nào khác của Mẹ. Một bản thánh ca có từ lâu đời trong nghi thức phụng vụ của các truyền thống này, đã diễn tả một cách rất thơ văn, chân lý không đơn giản này như sau: “Đấng toàn thể vũ trụ không thể chứa đựng nổi lại được cưu mang trong cung lòng của Mẹ, ôi Mẹ là Mẹ Thiên Chúa!”
Việc Giáo hội Công Giáo quyết định tuyên xưng Mẹ là Theotokos (Mẹ Thiên Chúa), đã đánh dấu một bước ngoạt quan trọng trong dòng lịch sử Giáo hội. Tước hiệu này làm sáng tỏ hơn niềm tin của Giáo hội về Đức Giêsu Kitô, đồng thời cũng xác quyết mạnh mẽ hơn về bản chất của cuộc nhập thể của Đức Kitô. Tất cả những gì Giáo hội đã tin tưởng từ thời các thánh tông đồ, đã được long trọng xác quyết một cách chính thức trong Công đồng Êphêsô.
Hơn nữa, việc vinh danh Đức Mẹ với tước hiệu là Mẹ Thiên Chúa đã khẳng định vai trò ưu tuyển của Mẹ trong dòng lịch sử cứu độ, đồng thời cũng cho thấy rõ hơn mầu nhiệm cao cả đã diễn ra nơi cung lòng của Mẹ.
Để kỷ niệm thánh công đồng này, năm 1931, Đức Piô XI đã cho thiết lập lễ Mẹ Thiên Chúa vào ngày 11 tháng 10. Công đồng Vaticanô II đã chuyển lễ này sang ngày 01 Tháng Giêng và đổi tên thành lễ kính trọng thể Thánh Maria, Mẹ Thiên Chúa. (Philip Kosloski; Sr Anna Nguyễn Tuyết.op, chuyển ngữ từ: aleteia.org).
Tín Điều trong truyền thống Hội Thánh
Nền tảng Thánh Kinh.
Tín điều Mẹ Thiên Chúa được xây dựng trên nền tảng Thánh Kinh.
Tiên tri Isaia loan báo: “một trinh nữ sẽ thụ thai, sinh con trai và sẽ đặt tên con trẻ là Emmanuel” (Is 7,14). Đức Maria sinh ra Đấng Emmanuel, nên Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa. Lời tiên tri được thực hiện khi sứ thần Gabriel báo tin cho Mẹ Maria : “Bà sẽ thụ thai, sinh con trai và sẽ đặt tên con trẻ ấy là Giêsu… Vì thế Con Trẻ sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa.” (Lc 1,31-35).
Thánh Phaolô viết : “Thiên Chúa đã sai con mình đến sinh bởi người nữ và sinh dưới chế độ luật” (Gal 4,14). Trong Tin mừng Gioan, Mẹ Maria được gọi là Mẹ Chúa Giêsu (2,1;19,26), và trong Tin mừng Luca, Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa đến thăm bà Elidabet (1,43).
Các Kitô hữu thời sơ khai được các Tông Đồ hướng dẫn, luôn có một niềm tin vững chắc vào thiên chức Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria. Điều này được chứng tỏ bằng những việc tôn kính phổ quát như Kinh Tin Kính của các Tông Đồ.
Truyền thống Hội Thánh
Tước hiệu Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa, đã được các giáo phụ như Thánh Cyrilô, Athanasiô, Ignatiô Antiochia, tin yêu và truyền dạy.
Công Đồng Êphêsô năm 431 tuyên tín Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa.
Công Đồng Constantinople III (680-681) xác quyết rằng: Chúa Giêsu Kitô được sinh ra bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, và Đức Trinh Nữ Maria chính thức và thật sự là Mẹ Thiên Chúa theo nhân tính của Chúa Kitô.
Đức Giáo Hoàng Piô XI, đã ra thông điệp “Mediator Dei” mừng kỷ niệm 1.500 năm Công Đồng Êphêsô và công bố lễ Mẹ Thiên Chúa, mừng trong toàn thể Giáo Hội vào ngày 11 tháng 10.
Đức Piô XII, đã thiết lập Năm Thánh Mẫu vào năm 1954 và tuyên bố rằng chức Mẹ Thiên Chúa là nguồn gốc tất cả mọi ơn sủng và đặc sủng của Mẹ Maria.
Thánh Bônaventura đã nói : “Chức mẹ Thiên Chúa là một ơn vĩ đại phi thường nhất Thiên Chúa có thể ban cho loài thụ tạo. Ơn ấy Ngài đã ban cho Đức Maria”. Thánh Tôma tiến sĩ nói thêm : “Tước vị Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria cao trọng hầu như vô cùng, vì Thiên Chúa không thể cất nhắc ai lên bậc tốt lành và cao sang hơn nữa. Chức Mẹ Thiên Chúa hầu như đã tới biên giới vô cùng”. 
Công Đồng Vaticanô II dành chương VIII trong Hiến Chế Lumen Gentium, nói về Mẹ Thiên Chúa. Và trong Hiến Chế về Phụng Vụ, các Nghị Phụ Công Đồng đã chuyển lễ Mẹ Thiên Chúa ngày 11 tháng 10 sang ngày 1 tháng 1 hàng năm.
Thánh Lễ thật phong phú với những lời cầu nguyện cùng Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Giáo Hội. Cả 4 kinh nguyện Thánh Thể đều nhắc tới Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa. Trong kinh nguyện Thánh Thể I, linh mục chủ tế đọc : Hiệp cùng Hội Thánh, chúng con kính nhớ Đức Maria vinh hiển trọn đời đồng trinh Mẹ Thiên Chúa, Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Kinh nguyện Thánh Thể II, III và IV đọc : Cùng với Đức Trinh Nữ Maria Mẹ Thiên Chúa 
Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con…” là lời kinh được đọc lên hàng triệu triệu lần mỗi ngày. Danh hiệu Mẹ Chúa Trời được đọc trong phụng vụ của Giáo Hội, trong kinh nguyện riêng tư tại gia đình, trên xe, trên giường bệnh… Càng hiểu biết và yêu mến mầu nhiệm Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria, chúng ta càng hiểu biết và yêu mến cách trọn vẹn hơn mầu nhiệm Chúa Cứu Thế, Người Con rất yêu dấu của Đức Mẹ. 
Nữ Vương ban sự Bình An
Giáo Hội mừng lễ Mẹ Thiên Chúa vào ngày đầu năm Dương lịch,cũng là ngày cầu nguyện cho hòa bình thế giới như một nhắc nhớ việc chiêm ngưỡng Mẹ là một Tạo Vật mới tinh tuyền của Thiên Chúa, một Evà mới khởi đầu một thời đại mới, một tạo dựng mới. Kỷ nguyên cứu độ đã khởi sự qua việc Chúa Giêsu nhập thể trong cung lòng Đức Mẹ sau lời xin vâng. Mẹ được tuyển chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế để bắt đầu kỷ nguyên cứu độ. Nếu Evà cũ đã bất tuân để vùi lấp con người trong khổ đau và sự chết, thì Đức Mẹ với tâm tình xin vâng đã đưa Chúa Giêsu đến với nhân loại mang lại sự sống và tình yêu. Từ đây nhân loại sẽ bước đi trong ánh sáng cứu độ. Chúa Giêsu vị Vua Thái Bình, Hoàng Tử Bình An đã đi vào lòng thế giới, để thiết lập vương quốc Nước Trời qua Mẹ Maria.
Ðức Thánh Cha Phaolô VI đã viết: “Vì sự trùng hợp tốt đẹp giữa ngày 01 tháng giêng với ngày thứ tám giáp lễ Giáng Sinh mà chúng tôi đã đặt ngày đó là ngày Thế Giới Hòa Bình, mà thế giới mỗi ngày càng hưởng ứng thêm, và thành quả của hòa bình đã phát sinh trong lòng nhiều người.” (Marialis Cultus, số 5).
Chúa Giêsu được xưng tụng là Hoàng Tử Hòa Bình, đến chuộc tội nhân loại, giao hòa con người với Chúa Cha. Mẹ Maria luôn gắn bó, hợp tác, hiệp công với Con của mình nên đã trở nên Nữ Vương Hòa Bình cho toàn thế giới. Mẹ đã đóng góp cả cuộc đời mình cùng với Chúa Giêsu mà giải phóng con người khỏi ách nô lệ tội lỗi. 
Đức Mẹ khuyên mọi tín hữu siêng năng lần hạt và coi chuỗi kinh Mân Côi như là phương tiện hun đúc hòa bình. Ngày 13 tháng 10 năm 1917 tại Fatima, Đức Mẹ đã hiện ra để lại lời nhắn nhủ dưới hình thức của huấn lệnh là: cải thiện đời sống, siêng năng lần hạt, tôn sùng trái tim Mẹ. Đây chính là lộ trình nên Thánh bao gồm ba bước tiếp theo nhau và chuỗi Mân Côi được đặt như là một nhịp cầu giữa một bờ là tội lỗi nhân loại và bờ bên kia chính là ơn thánh hóa của Thiên Chúa. Cũng như việc lần hạt chuyên cần là một phương tiện hiệu quả giúp người ta đạt được hòa bình. Chính trong ý nghĩa này, kinh Mân Côi phải được gọi là Kinh của hòa bình. Ở đâu kinh Mân Côi được cổ võ thì ở đó cũng vang lên lời cầu nguyện tha thiết: “Nữ Vương ban sự bình an, cầu cho chúng con”. 
Lễ Mẹ Thiên Chúa kết thúc tuần Bát Nhật Giáng Sinh làm tỏa sáng vẻ đẹp kỳ diệu của tình yêu cứu độ. Ngôi Hai đã vâng phục nhập thể cứu rỗi nhân loại. Với tiếng xin vâng, Đức Maria làm Mẹ Ngôi Lời nhập thể và làm Mẹ hết thảy những ai được tháp nhập vào thân thể mầu nhiệm của Đức Kitô.
Ngày đầu Năm Mới, xin Mẹ ban bình an và cho chúng con thêm tuổi thêm khôn ngoan, thêm nhân đức, thêm ơn nghĩa trước mặt Thiên Chúa và mọi người.Amen.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An

PHÁ THAI TỪ CHỦ TRƯƠNG VÔ THẦN

Có những người dùng vòi nước xịt để tránh làm cho ngọn lửa cháy lây lan, cũng có những người tiếp tay cứu sống những người đang gặp nạn. Còn bạn và tôi sẽ làm gì?

Có thể nói, nền bóng đá của Việt Nam đang dần khẳng định đẳng cấp của mình khi đã đoạt được những giải cao khá uy tín tại các nước khu vực Đông Nam Á hay Châu Á. Dù sao, những bộ phận liên hệ cũng cần nỗ lực hơn nữa. Nhưng có một vấn đề mà không cần ai “đầu tư” cũng mưu toan dẫn ngôi “quán quân” trên thế giới là vấn đề phá thai.

Xét cho cùng, bóng đá cũng chỉ thuộc lãnh vực giải trí, chúng có thể mang lại một niềm vui thoáng qua và một niềm phấn khởi để Việt Nam có thể tự tin phần nào khi đối thoại với các nước khác. Còn tệ nạn này, chúng để lại hậu quả khủng khiếp cho những người trong cuộc và bao thế hệ sau nữa, đồng thời, quốc nạn này bị gán thêm cái nhãn do chủ trương vô thần. Điều này xem ra bất công chăng ? 

Truyện kể rằng có một chú khỉ khá thông minh đã có một giấc mơ lạ, đúng hơn là một trực giác nào đó khi nhìn thấy tiền kiếp của mình chạy ngược lên đến tổ tiên loài người là một loại khỉ thông minh. Chú đã bắt tay vào việc thảo ra những cuốn sách nói về nguồn gốc của loài người từ tổ tiên đến thời của chú. Tuy nhiên, thay vì dùng cách nói của những khoa thần bí, chú lại viết với giọng điệu khoa học, từ đó, những kẻ đang đề cao khoa học đến mức tuyệt đối như một thứ tôn giáo lại lấy thế làm thích thú khi có chú khỉ thông minh làm cố vấn cho những thực hành theo chủ trương duy vật với một khẩu hiệu để đời: Mọi sự đều từ vật chất mà ra.

Như thế, những bào thai mà con người ngày nay đang mang trong mình cũng chỉ là một thứ thuần vật chất. Nếu con người từ khỉ mà ra, chắc bào thai ấy cũng chỉ là khỉ không hơn không kém. Thế nên, bỏ đi bào thai ấy cũng chỉ là cách tháo cởi một thứ gì đấy đang kéo ghì con người thôi ! Có người còn chế biến chúng như một loại tinh bột và có kẻ còn dùng chúng để đông cô thành cao khỉ gì đó khi biết rằng giá trị dinh dưỡng của nó rất cao. Nếu chúng ta vẫn thường nói ăn gì bổ nấy thì khi tiếp nhận nó vào sẽ giúp phần “con” trong con người được đánh thức và lớn mạnh. Nói cách khác, phần thú tính và ác tâm của con người càng được đề cao vì con người giết chết và ăn thịt con người nhưng vẫn biện minh cho những hành động của mình khi được chính các nhà cầm quyền cho hợp thức hóa phá thai cách nào đó.

Từ đây, bào thai ấy không còn được con người tôn trọng như một nhân phẩm nhưng là một “khỉ phẩm”. Hay nói cho văn vẻ theo hán tự là thân phẩm. “Thân” và nhân này tuy cùng một vần nhưng không hề có một sự liên hệ nào khả dĩ giúp thăng tiến đời sống con người chỉ trừ những kẻ chủ trương vô thần và tôn thờ vật chất mới chấp nhận khỉ là tổ tiên loài người.

Chúng ta đang sống trong một xã hội vô thần và với chính sách kế hoạch hóa sinh sản, bạn đừng ngạc nhiên khi đến khám thai và bác sĩ cho bạn biết thai của bạn có vấn đề. Thật ra, vấn đề không nằm ở bào thai nhưng nơi bác sĩ. Họ cũng chỉ là nạn nhân được chỉ định nói như thế, và sẽ can thiệp để triệt sản cách hiệu quả. Khi xưa người ta nói lương y như từ mẫu nhưng ngày nay người ta lại châm biếm bảo rằng lương y như bạo mẫu (khẳng định này không mang tính qui kết mọi lương y). Quả thật, thay vì chữa lành, các bác sĩ ấy lại giết chết và hủy diệt sự sống. Đây quả là một hành động độc ác nhằm phá sản mọi giá trị tinh thần và sự sống vốn thánh thiêng.

Một khi coi bào thai như một thứ vật chất nào đó, họ lại coi thường chính sự sống của mình. Nếu sự sống vốn không thánh thiêng thì việc họ kéo dài sự sống của mình cũng chỉ là phương tiện giúp cho những tay  khát máu khác có cơ hội “no mồi”. Sống như thế thà chết còn hơn ! Mà nếu họ tin chết là hết thì sống tốt quả là dốt. Và một khi họ không chấp nhận mình dốt khi nhận thức sai lầm, cứ đà ấy, nền văn hóa sự chết được đề cao. Nơi sự chết có gì là tốt đẹp mà chúng ta lại nói là văn hóa như một di sản tinh thần. Đó chỉ là cách nói châm biếm để đối lại chúng với văn hóa sự sống và văn minh tình thương, nơi đó con người tôn trọng và yêu thương nhau. Nếu cố gắng tìm ra một di sản tinh thần trong nền văn hóa sự chết như thế thì chúng ta có thể ghi nhận việc tẩy não của một chủ trương duy vật vô thần sai lầm.

Họ chủ trương vô thần nhưng thực ra chính họ là thượng đế; họ lạm dụng tự do đến mức tuyệt đối và loại Thiên Chúa ra khỏi cuộc hiện sinh, đồng thời, họ làm lây nhiễm những tâm hồn thơ dại đi vào con đường lầm lạc bằng những khẩu hiệu đại loại như: điều hòa kinh nguyệt, mà phá thai bất cứ lúc nào tại các cơ sở kinh doanh công khai nhan nhản trên các đường phố. Đối với họ, thế mới là tự do được quyền quyết định mọi sự liên quan đến vận mạng đời mình.

Chưa hết, rút ra từ luận điểm duy vật trên, họ còn vẽ ra một thiên đàng trần thế, rằng mọi sự có thể lắp đầy và làm thỏa mãn trái tim con người. Cứ vui chơi hưởng thụ thoải mái với một tâm thức và giải pháp an toàn: chỉ cần một viên thuốc người ta có thể chủ động mọi sự. Và còn bao nhiêu biện pháp nhằm xoa dịu và đầu độc dân lành. Điều này chúng ta dễ hiểu khi theo dõi thống kê sau mỗi dịp lễ của dân tộc tại các thành phố lớn.

Việc Cha Quang Uy và các cha dòng Chúa Cứu Thế đã và đang chữa cháy trong vòng một năm không bằng người ta đốt sạch một ngày, như thế mới thấy tình trạng cấp cứu mang tính khẩn trương hơn lúc nào hết. Việc các nghĩa trang cho các thai nhi hay những mái ấm tiếp nhận những người mẹ bất đắc dĩ cũng chỉ là một cảnh báo và một giải pháp tạm thời mang tính địa phương. Nếu chúng ta ý thức tính trầm trọng của tệ nạn này, mỗi người cần ý thức vai trò trách nhiệm xây dựng môi trường trong một cộng đồng nhân loại khao khát tình thương. Dẫu biết rằng chúng ta đang sống trong môi trường “ô nhiễm”, nếu không đủ mạnh, không ai dám cho rằng mình sẽ miễn nhiễm.

Những nhận thức sai lầm mang tính toàn diện về chủ trương duy vật vô thần và thiên đàng trần gian ấy cần được mỗi người đối diện và tìm hướng giải quyết khởi đi từ ý thức cá nhân. Thật vậy, có những người dùng vòi nước xịt để tránh làm cho ngọn lửa cháy lây lan, cũng có những người tiếp tay cứu sống những người đang gặp nạn. Còn bạn và tôi sẽ làm gì ?

Bạn chớ nghe lời rỉ tai của Ông Tổ Vô thần rằng tôn giáo là thuốc phiện mê dân. Thật ra, chính khi không còn tôn giáo và Thiên Chúa nữa, xã hội sẽ sống trong cơn mê dài. Đó là câu trả lời cho vấn đề cụ thể về phá thai. Đức Bênêdictô XVI thật chí lý khi quả quyết trong thông điệp Caritas in Veritate số 78 rằng: “Chủ thuyết nhân bản loại Thiên Chúa là một chủ thuyết phi nhân bản”. Một lần nữa, điều này càng được chứng thực nơi các nước chủ trương vô thần.

Chúng ta đừng ngồi đó than phiền hay qui trách nhiệm cho ai. Họ cũng chỉ là nạn nhân của những chủ trương sai lầm. Ở đây, chúng ta cũng cần ghi nhận một phát biểu khá tích cực của chú khỉ thông minh kia về qui luật tiến hóa, rằng những gì cũ kỹ hay lỗi thời sẽ bị đào thải. Mọi sự thời gian sẽ trả lời. Việc hiện tại là chúng ta cần sống tự trọng để được người khác tôn trọng chính mình khi luôn tìm mọi cách đề cao và sống xác tín với những giá trị tinh thần. Chính những giá trị này giúp nâng cao phẩm giá con người và làm cho cuộc sống con người có ý nghĩa và đáng sống.

EYMARD An Mai Đỗ O.Cist.

NÊN CHÀO "MỪNG LỄ" HAY "MỪNG GIÁNG SINH?"

53 % các bạn trẻ lớn lên với kỹ thuật số thích chúc “Mừng Lễ” (Happy Holidays) vào tháng 12. Có một số người không muốn nói lời chúc “Mừng Giáng Sinh” (Merry Christmas). Vì sao?

Có lẽ bạn không bao giờ đặt câu hỏi, bỗng có nghi ngờ làm bạn suy nghĩ. Phải nói “Mừng lễ” hay “Mừng Giáng Sinh?” Chúc ”Mừng Giáng Sinh” có thể làm bối rối cho một số người vì họ không thuộc văn hóa kitô giáo không? Theo thống kê của đài NPR, ở Mỹ đa số các bạn trẻ của Thiên niên kỷ, những người ở tuổi 18 đến 29 cho rằng câu chúc “Mừng Giáng Sinh” của Donald Trump là “kỳ thị”.

Theo thống kê của viện thống kê Institut Marist thì 53 % các bạn trẻ này lớn lên với kỹ thuật số, họ cho rằng nên nói “Mừng lễ” vào tháng 12. Những người tuổi từ 30 đến 44 thì 59 % thích chúc “Mừng Giáng Sinh” và những người trên 60 thì 68 %. Tổng thống Mỹ là người từ chối không muốn nói theo lối nói “cho vừa ý mọi người”. Năm ngoái, ngày 24 tháng 12 – 2017, ông khẳng định trong một câu tweet: “Nhiều người tự hào có thể nói lại Mừng Giáng Sinh. Tôi tự hào đã nhận trách vụ chống các tấn công cho câu chúc tốt đẹp và dễ thương này của chúng ta. Mừng lễ Giáng Sinh!!!!!”.

“Nếu ai bực mình thì kệ họ”

Vậy câu chúc này có là câu chúc kỳ thị hay thảo luận chuyện này chỉ là vô ích không? Bà Cécile nói: “Chúng ta không thể liên hệ chuyện này với chuyện không bao dung. Bây giờ người ta đặt đủ thứ câu hỏi. Và chẳng đi tới đâu”. Ngược lại, bà Christine cẩn thận hơn, gặp ai bà cũng chúc “Mừng lễ”. Tôi quen rồi. Có một lần, tôi chúc mừng Giáng Sinh cho một người, họ cảm thấy hơi bị xúc phạm nên tôi ngưng”.

Ông Abder, một người hồi giáo trả lời: “Tôi, tôi chẳng có vấn đề gì. Tôi không thấy sao hết”. Ông Youssef 30 tuổi cũng cùng ý kiến: “Tôi cũng vậy, dĩ nhiên với các bạn hồi giáo tôi không chức “Mừng Giáng Sinh” nhưng tôi thấy thảo luận việc này là chuyện kỳ cục. Nếu có người nào bực mình thì kệ họ”.


Còn bà Eva người do thái cũng không thấy đây là kỳ thị: “Đâu có ai viết trên trán tôi, tôi là người do thái đâu! Và nhiều người mừng lễ Giáng Sinh như một ngày lễ truyền thống của mọi người!” Còn cô Sabrina, người hồi giáo 37 tuổi, cô gởi cho “tất cả bạn của mình” lời chúc “Mừng Giáng Sinh”, vì với cô, ngày lễ này trước hết là ngày có một “bữa ăn ngon và quà cho trẻ con”.

                                                                                       Marta An Nguyễn dịch (phanxico.net)

BÍ MẬT NGHỀ NGHIỆP VÀ BÍ MẬT TÒA GIẢI TỘI KHÁC NHAU NHƯ THẾ NÀO?

Bí mật tuyệt đối của xưng tội không bao gồm các trao đổi mục vụ không xảy ra trong khuôn khổ chính thức của bí tích. 

Xưng tội có những luật rất chặt chẽ trong Giáo hội công giáo
Sau khi Tòa án hình sự Bruges kết án linh mục Alexander Stroobandt một tháng tù treo và bồi thường một âu kim tượng trưng vì không can thiệp cho một người đang gặp nguy hiểm. Vụ án này đã làm cho Hội đồng giám mục Bỉ phản ứng. Trong một bản thông báo dài ngày 18 tháng 12-2018, Hội đồng nhắc lại các luật lệ căn bản về bí mật nghề nghiệp và bí mật tòa giải tội.
Trong vụ này, Tòa án hình sự Bruges xem linh mục tuyên úy nhà hưu dưỡng Bruges đã sai khi không báo để cứu cấp cho một người điện thoại cho cha biết họ có ý định tự tử. Theo Tòa án, bí mật tòa giải tội có thể xem là bí mật nghề nghiệp nhưng không tuyệt đối vì “đây là bổn phận của một công dân phải cứu cấp người khác”. Luật sư của linh mục Stroobandt không đồng ý lập luận trên và ông sẽ kháng cáo.
Người tuyên úy phải giữ bí mật nghề nghiệp
Các người làm tuyên úy có thể là linh mục, thầy phó tế, tu sĩ hay giáo dân được giám mục ủy quyền theo giáo luật. Bản thông báo của các giám mục cho biết, khi có người muốn nói chuyện với một tuyên úy, thì chung chung họ nói về các kinh nghiệm đời sống riêng hay các vấn đề hiện sinh. “Rõ ràng tất cả các trao đổi này được bảo vệ bởi bí mật nghề nghiệp. Những gì một tuyên úy nghe khi làm mục vụ thì họ không được nói ra.” Ai vi phạm bí mật này là họ phạm lỗi nghề nghiệp. Họ phá hoại uy tín của chức vụ, làm tổn hại đến người đã thổ lộ cho mình và làm suy yếu trật tự công cộng. Các giám mục cho rằng, chính vì vậy sự vi phạm này kéo theo các biện pháp trừng phạt dân sự và giáo luật. Vì thế, với sự quan tâm tối đa, các tuyên úy có tất cả lý do để tôn trọng bí mật nghề nghiệp của họ.
Các thông tin các tuyên úy có được thông qua các con đường khác trong khuôn khổ mục vụ của họ, chẳng hạn qua gia đình hay qua xã hội thì không được bảo mật qua bí mật nghề nghiệp. Dù thông tin này có thể rất hữu ích cho công việc mục vụ nhưng các tuyên úy sẽ xử lý nó một cách rất thận trọng. Vì thế các giám mục Bỉ nhắc lại, cần phải phân biệt rõ giữa đời sống cá nhân và đời sống nghề nghiệp. 
Các tuyên úy không phải là bác sĩ, cũng không phải là cảnh sát
Các giám mục xin các tuyên úy tôn trọng các giới hạn của khả năng và hiệu năng của họ. Họ không thể và cũng không được đảm trách nhiệm vụ của người khác: không là bác sĩ, không là bác sĩ tâm thần, không phải là cán sự xã hội hay tham vấn gia, không phải cảnh sát hay quan tòa, không phải là đối tác hay gia đình. Nhiệm vụ đầu tiên của người tuyên úy là khuyến khích đương sự tự lấy quyết định tốt và biện pháp tốt. Ngay cả khi người tuyên úy muốn bảo vệ một ai đó chống lại chính mình hay người khác, thì người tuyên úy cũng không hành động một cách công khai với danh mình, nhưng có thể hướng dẫn người kia để họ được hỗ trợ một cách thích đáng.
Các ngoại lệ của bí mật nghề nghiệp
Có những tình huống qua đó một tuyên úy có thể hay phải thông báo không? Các giám mục Bỉ thừa nhận, đây không phải là một vấn đề dễ dàng. Theo các giám mục, các trạng huống đặc biệt qua đó một người – trẻ vị thành niên hay một người mong manh – thực sự có nguy cơ với sự toàn vẹn về tinh thần hay thể xác. Nếu một tuyên úy chứng minh họ có thể chận được nguy cơ này nếu họ vi phạm bí mật nghề nghiệp thì khi đó họ có quyền thông báo. Trong trường hợp này, họ không vi phạm bí mật nghề nghiệp. Loại tình huống này có liên hệ đến các vụ lạm dụng tình dục.
Trong trường hợp nghi ngờ, người tuyên úy có thể hỏi lời khuyên của người khác mà không vi phạm bí mật nghề nghiệp. Tương tự với “bí mật nghề nghiệp chia sẻ” giữa các bác sĩ và y tá, giữa các luật sư, một tuyên úy có thể hỏi đồng hữu, người có trách nhiệm trong hàng giáo sĩ hay giám mục của mình, những người không bị ràng buộc cùng một bí mật nghề nghiệp. 
Bí mật tòa giải tội là tuyệt đối
Bản thông báo của các giám mục Bỉ giải thích, bí mật tòa giải tội là một hình thức đặc biệt của bí mật nghề nghiệp. Nó liên hệ đến bí tích giải tội và như thế thuộc phạm vi của các linh mục và giám mục. Bí mật này chỉ bao gồm thông tin mà linh mục nghe khi giáo dân xưng tội. Theo giáo luật, bí mật tòa giải tội là bất khả xâm phạm. “Tuyệt đối cấm cha giải tội phản bội người xưng tội dù bất cứ lý do nào, bằng lời hay bằng một cách nào khác hay với một lý do nào” (CIC, can. 982 – §1). Giáo luật không có luật trừ. Sự bất khả xâm phạm bí mật giải tội áp dụng trong quan hệ với chính quyền dân sự hay với Tòa án.
Trong trường hợp thú nhận tội lạm dụng tình dục
Trong trường hợp các vụ lạm dụng tình dục trên các trẻ vị thành niên hay trên những người yếu đuối, một linh mục có thể yêu cầu đương sự ra trình diện trước tòa hay những người có trách nhiệm. Linh mục cũng có thể đưa ra yêu cầu đó như một điều kiện để xá tội. Linh mục cũng có thể gián đoạn việc xưng tội và hoãn lại việc xá tội cho đến khi các điều kiện này được đáp ứng. Nếu người đi xưng tội là nạn nhân của các vụ lạm dụng tình dục, thì linh mục phải dùng tất cả mọi phương tiện của mình để để giúp nạn nhân có được sự trợ giúp nghề nghiệp và nếu cần thực hiện các bước đầu với họ.
Bí mật tuyệt đối của xưng tội không bao gồm các trao đổi mục vụ không xảy ra trong khuôn khổ chính thức của bí tích. Như thế các linh mục hoạt động như người đáng tin cậy hay cố vấn thiêng liêng phải phân biệt rõ đâu là sự chuyển tiếp của một vụ trao đổi trong vai trò cố vấn được bảo vệ bởi bí mật nghề nghiệp thông thường, và xưng tội được bảo vệ bởi bí mật tòa giải tội.
Tóm lại, các giám mục Bỉ lưu ý, mọi người đều cần một nơi mà họ có thể giao phó tất cả kinh nghiệm sống và các vấn đề hiện sinh của họ. Trong lợi ích của mọi người mà các tuyên úy phải dùng tính bảo mật này để họ có thể thận trọng, và nếu cần thiết, họ xin lời khuyên trong các điều kiện thích ứng.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch (phanxico.vn)

CHÚA NHẬT LỄ THÁNH GIA THẤT

Gia đình là nền tảng của Giáo hội và xã hội. Gia đình là trường học, là chủng viện đầu tiên. Nói như vậy để chúng ta thấy được tầm quan trọng của gia đình trong Giáo hội và xã hội. Hôm nay, chúng ta mừng lễ kính Thánh Gia Thất. Đây là một gia đình thánh: Chúa Giêsu, Đức Maria và Thánh Giuse. Các Ngài là mẫu mực cho mỗi chúng ta. Chắc chắn ai trong chúng ta cũng mong muốn có được một gia đình hạnh phúc, mọi người đều trở nên thánh. Để mong muốn của chúng ta trở thành hiện thực, xin gợi ý với anh chị em mấy điểm sau đây:
Vâng theo thánh ý Chúa
Đây là điểm trọng yếu trong gia đình Thánh Gia. Đức Maria quyết giữ mình đồng trinh nhưng khi biết thánh ý Chúa muốn Mẹ cưu mang Đấng Cứu Thế, Mẹ liền thưa xin vâng: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên Thần truyền” (Lc 1,38). Thánh Giuse đã “ầm thầm rút lui” khi biết Mẹ có thai, nhưng khi biết được thánh ý Chúa, Ngài đã đón nhận Mẹ Maria về nhà mình. Còn Chúa Giêsu, Ngài đã hạ mình vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá (x. Pl 2,8). Trong thời gian hoạt động công khai, Ngài còn nói: “Tôi không tìm cách làm theo ý riêng tôi, nhưng theo ý Đấng đã sai tôi” (Ga 5,30).
Noi gương gia đình Thánh Gia, mỗi thành viên trong gia đình chúng ta hãy luôn vâng theo thánh ý Chúa mỗi ngày. Thánh ý Chúa thể hiện qua giáo huấn của Chúa và Giáo hội.
Noi gương gia đình Thánh Gia, mỗi thành viên trong gia đình chúng ta phải sống có tôn ti trật tự: Bề dưới vâng lời bề trên. Con cái vâng lời cha mẹ. Cháu chắt biết vâng lời ông bà (x.Hc 3, 3-7. 14-17a). Vợ biết phục tùng chồng (x. Cl 3,18). Chúa Giêsu đã làm gương cho chúng ta về điều này. Mặc dầu Ngài là Thiên Chúa nhưng khi còn sống trong gia đình Na-da-rét, Ngài luôn vâng lời Đức Mẹ và thánh Giuse, như Phúc Âm thánh Luca kể: “Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục hai ông bà” (Lc 2,51).
Biết lắng nghe nhau
Bình thường thì người dưới phải lắng nghe bề trên. Con cái phải nghe lời cha mẹ. Vợ phải lắng nghe lời chồng. Cháu chắt phải lắng nghe lời ông bà. Nhưng trong thực tế có đôi lúc bề trên phải lắng nghe bề dưới. Cha mẹ phải lắng nghe con cái. Chồng phải lắng nghe vợ.
Mới đây, có một người phụ nữ khóc sướt mướt tới gặp tôi xin cầu cứu. Chị kể rằng: Chồng chị luôn bài bạc. Chị khuyên nhiều lần không được. Hôm nay, chị tới nơi “sòng bạc” để gọi chồng về. Anh tức giận và đánh cho chị một trận. Một câu chuyện tương tự khác: Có một người con trong gia đình, tuổi mới lên 14, nhắn tin cho tôi với nội dung sau: “Xin cha cầu nguyện cho cha mẹ con được hoà thuận thương yêu nhau. Hằng ngày con phải chứng kiến cảnh cha mẹ con cãi vã nhau, thậm chí là chửi bới, đánh đập nhau nữa. Con đã cầu nguyện nhiều mà chưa thấy Chúa nhậm lời. Có lần con mạnh dạn khuyên cha mẹ đừng chửi bới đánh đập nhau nữa. Chẳng những cha mẹ không nghe mà còn bảo con là ‘đồ mất dạy’”.
Đó là hai trong muôn vàn trường hợp xảy ra hằng ngày trong nhiều gia đình. Trong cuộc sống, đôi khi người dưới thấy bề trên làm không đúng nên góp ý, mong muốn bề trên sửa đổi để sống tốt hơn, nhưng bề trên không chịu nghe, thậm chí còn ngược đãi, nghĩ xấu cho bề dưới. Ước gì, các bậc bề trên không chỉ truyền lệnh mà còn phải lắng nghe lời góp ý của người dưới trong những điều hợp tình hợp lý.
Cầu nguyện với nhau và cho nhau
Kinh nguyện trong gia đình hết sức quan trọng. Chúa Giêsu nói: “Các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn”(Lc 21,36). Đó là một mệnh lệnh. Người Việt nam chúng ta có thói quen cầu nguyện hôm sớm trong gia đình. Hồi còn nhỏ, cha mẹ tôi thường qui tụ mọi thành viên trong gia đình cầu nguyện chung với nhau trước khi đi ngủ và sau khi thức dậy. Có lẽ nhờ thế mà Chúa Mẹ gìn giữ gia đình chúng tôi vượt qua được mọi gian nan khốn khó. Ngày hôm nay, do ảnh hưởng của xã hội, công việc, Internet, phim ảnh…nhiều gia đình bỏ mất thói quen tốt này. Thư chung HĐGM Việt Nam năm 2013 mời gọi: “Gia đình là cộng đoàn cầu nguyện, thờ phượng Thiên Chúa, đền thờ tại gia. Hiệp thông trong kinh nguyện vừa là hoa trái vừa là đòi hỏi của sự hiệp thông bắt nguồn từ bí tích Rửa Tội và Hôn Phối. Chúa Giêsu hiện diện trong gia đình khi vợ chồng, cha mẹ, con cái cùng cầu nguyện, và khi đó, chính cuộc sống gia đình trở thành lời kinh sống động. Hoàn cảnh sống hiện nay gây nhiều khó khăn trở ngại cho việc gia đình cùng sum họp cầu nguyện. Tuy nhiên, đây là đòi hỏi quan trọng trong đời sống gia đình công giáo. Vì thế, cùng với việc siêng năng tham dự Thánh Lễ và lãnh nhận các bí tích, chúng tôi tha thiết xin anh chị em duy trì giờ kinh chung trong gia đình, và cố gắng đưa Lời Chúa vào giờ kinh này”(số 6). Đó là những lời tâm huyết của các Giám Mục Việt nam gửi tới các gia đình công giáo. Vì vậy, muốn giữ được hạnh phúc gia đình, muốn cả gia đình chu toàn bổn phận nên thánh hãy giữ giờ kinh tối sáng để cầu nguyện với nhau và cầu nguyện cho nhau.
Sống liên kết và yêu thương nhau
Sự “vô cảm” đang thống trị xã hội chúng ta. Sự vô cảm cũng đang len lỏi vào nhiều gia đình. Hơn lúc nào hết, chúng ta phải sống liên đới với nhau: giữa cha mẹ con cái, anh em ruột thịt, họ hàng, làng xóm láng giềng với nhau. Không chỉ liên đới với nhau trong lời cầu nguyện mà còn liên đới với nhau trong cuộc sống khi vui khi buồn, như thánh Phaolô nhắn nhủ: “Hãy vui với người vui, khóc với người khóc”(Rm 12,15). Thư chung Hội Đồng Giám Mục Việt Nam năm 2013 mời gọi: “Gia đình là cộng đoàn yêu thương bằng tình yêu hợp nhất thủy chung, xuất phát từ Thiên Chúa Tình Yêu. Mối tương quan giữa vợ chồng, cha mẹ và con cái cũng như giữa anh chị em với nhau, phải là dấu chỉ sống động của Tình Yêu Thiên Chúa. Vì thế, các gia đình công giáo phải loại bỏ mọi thứ bạo hành, ‘hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa, nhẫn nại, chịu đựng và tha thứ cho nhau’ (Cl 3,12-13)” (Số 6). Ngày hôm nay, bạo hành giữa các thành viên trong gia đình đang ở mức báo động, rất nhiều gia đình thiếu đức yêu thương, đánh mất sự liên đới. Đau lòng khi thấy Cha mẹ từ khước con cái. Con cái từ bỏ cha mẹ. Anh chị em ruột thịt loại trừ nhau. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hậu quả đó, nguyên nhân mà tôi thường gặp là do vấn đề kinh tế: tranh nhau từng tấc đất hay tài sản của cha mẹ, ông bà để lại. Hy vọng những chuyện đau lòng đó và những chuyện khác tương tự không diễn ra trong các gia đình của chúng ta. Nếu có, chúng ta hãy ngồi lại với nhau để xin lỗi, tha thứ và nối lại tình liên đới trong yêu thương.
Lạy Chúa, xin ban cho mỗi gia đình chúng con noi gương gia đình Thánh Gia, luôn biết vâng theo thánh ý Chúa, biết quý trọng đức vâng lời, biết lắng nghe nhau, biết cầu nguyện với nhau và cho nhau, đặc biết mỗi thành viên trong gia đình luôn biết bỏ qua những giận hờn, ghen ghét để sống liên kết với nhau trong tình yêu thương. Amen.

Lm. Anthony Trung Thành

TÂM THƯ GỬI CHÚA HÀI ĐỒNG GIÊSU

Có Chúa nắm tay dẫn đưa khi chúng con đứng trước ngã ba đường, khi cuộc đời dìm chúng con trong cơn lốc xoáy và khi chúng con té ngã trong hố sâu tăm tối. .…Emmanuel - Chúa ở cùng chúng con.

Chúa Hài Đồng kính yêu của con,

Mỗi mùa đông đến, tiết trời xe lạnh, tuyết phủ trắng xóa đất trời, đường phố hoa nến được giăng cao với muôn màu rực rỡ, những cây noel được trang hoàng bằng những ánh đèn chớp chớp sáng cả 1 góc trời, những hang đá xinh xắn được trưng bày khắp đường phố, trong nhà thờ, trong gia đình và trong lòng mọi người chúng con...đây đó những bài Thánh Ca được cất lên để hòa nhịp với bầu khí linh thiêng của Mùa Giáng Sinh...Tâm hồn con cũng lâng lâng niềm vui đón chờ Chúa đến.

Từ trời cao, Chúa đến với nhân loại như cuộc gặp gỡ thân tình giữa trời và đất, Thiên Chúa đến với con người …. con được hanh phúc đón Chúa trong máng cỏ tâm hồn với tình yêu nồng ấm và con tim khao khát Chúa.

 Ôi Thiên Chúa yêu thương, Chúa giáng sinh làm người và đến ở giữa chúng con trong huyền nhiệm nhập thể qua ngõ hẹp của hang đá, máng cỏ và chuồng chiên nghèo hèn giữa đêm đông giá lạnh nơi cánh đồng Belem.

Chúa chính là cội nguồn của Tình Yêu, chỉ vì yêu Chúa đã giáng sinh xuống trần, mang thân phận yếu đuối của con người và ở giữa chúng con, yêu thương chúng con và trao ban cho chúng con cả 1 trời yêu.

Chúa giáng sinh đem bình an và niềm vui cứu độ cho nhân loại như các Thiên Thần loan báo với mục đồng : Này đây ta báo cho anh em 1 Tin Mừng trọng đại “ Hôm nay Đấng Cứu Độ được sinh ra cho anh em”

****
Hạnh phúc thật ngút ngàn. Vị Cứu Tình của nhân loại đã giáng sinh, Hoàng Tử Bình An đang ở giữa chúng con. Có Chúa ở cùng, chúng con không còn cô đơn giữa cuộc đời dâu bể, cuộc đời gồng gánh, bất công, oan trái và sóng gió xô đẩy dập vùi.. Có Chúa nắm tay dẫn đưa khi chúng con đứng trước ngã ba đường, khi cuộc đời dìm chúng con trong cơn lốc xoáy và khi chúng con té ngã trong hố sâu tăm tối. .…Emmanuel - Chúa ở cùng chúng con.

Chiêm ngắm máng cỏ, Chúa hài nhi bé nhỏ nằm lạnh lẽo trong hang đá nghèo hèn, chung quanh có bò lừa, mục đồng thờ lạy…con thấy thương Chúa quá ! đôi bàn tay nhỏ bé dễ thương đang giơ ra như đón chờ con… Con cảm nhận tình yêu Chúa thật cao vời. Con yêu Chúa và đặt trong nôi của Chúa 1 bông hồng nhỏ như gói ghém cả tình yêu của con. Quà dâng Chúa trong ngày Chúa Giáng Sinh là trái tim nhỏ bé của con đong đầy lửa mến đang bùng cháy, mong được sưởi ấm Chúa giữa tiết trời đông buốt giá. Con yêu Hài Nhi Giesu, Ngài đã bỏ ngai vàng để đến với nhân loại. Con yêu Hoàng Tử Bình An … và lòng con xin là máng cỏ ấm cho Chúa ngự trị.
****

Hài Nhi Giesu kính yêu của con,
 Quỳ trước máng cỏ, con thấy máng cỏ như cái nôi của sự sống, cái nôi của hòa bình . Con như nghe tiếng hát của các Thiên Thần vang vọng : Bình An dưới thế cho người thiện tâm ...trước máng cỏ của Chúa, con liên tưởng đến 1 Herode tàn ác đã từng ra lệnh săn đuổi và giết bao nhiêu trẻ thơ vô tội. Chúa cũng đã bị săn đuổi và phải trốn qua Ai Cập .

Chúa ơi ! các thai nhi hôm nay cũng đang bị xua dưới và bị giết chết bởi chính cha mẹ ruột của mình khi tiếng khóc của các em chưa thành lời và không đủ sức nói lên tiếng nói được làm người, biết bao nhiêu em bé trong các viện mồ côi bị cha mẹ bỏ rơi, bao nhiêu em bé lăn lóc đầu đường xó chợ, lượm ve chai, bán vé số và chìa tay xin ăn trên khắp đường phố.

Hòa bình vẫn còn ở xa chúng con quá, trái đất đầy chiến tranh, khủng bố, chết chóc, chiếm đoạt của nhau, các nước nghèo, nhỏ bé luôn bị đe dọa xâm lấn từ các nước giàu mạnh, người quyền thể áp bức người yếu, người cô đơn và nghèo khổ . … thế giới còn bao nhiêu mảnh đời bất hạnh Chúa ơi !
*****

Mùa Giáng Sinh – Mùa Hồng Ân, Hoàng Tử Giesu giáng trần, đem niềm vui và bình an cho nhân loại. Con xin cúi đầu thờ lạy Chúa Hài Nhi trong máng cỏ, con xin ca ngợi tình yêu bao la vô bờ bến của Chúa . Chiêm ngắm máng cỏ, con xin Chúa đến với quê hương chúng con còn quá nhiều đau khổ, nhiều tai ương và bất công …xin Chúa đến và ở lại trong chúng con để mọi người được gặp gỡ Chúa trong cuộc sống đầy chông gai này..

 Chúa giáng sinh, xin Ngài đem hòa bình cho thế giới, đặc biệt xin Chúa cho nhân loại biết nhận và tận hưởng sự bình an đích thực của Chúa, để chúng con luôn sống yêu thương và cùng nắm tay nhau đi về quê hương vĩnh cửu.

Con yêu Chúa Hài Đồng Giêsu. Amen
Từ Linh

NGÔI LỜI TỰ HỦY ĐỂ NÊN NGƯỜI PHÀM

Nếu lễ Đêm Giáng Sinh, Phụng Vụ Giáo Hội tập trung để giới thiệu Đức Giêsu là Ánh Sáng của Thiên Chúa. Ngài đến để chiếu soi nhân loại và giải thoát con người khỏi bóng đêm tội lỗi. Thánh lễ Rạng Đông thì nhấn mạnh đến tình yêu của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi các mục đồng là đại diện cho những người bé mọn, nghèo khổ và bị loại ra bên lề. Còn thánh lễ này, Phụng Vụ Lời Chúa muốn nhấn mạnh đến sự tự hạ của Đức Giêsu khi giới thiệu Ngài chính là Ngôi Lời của Thiên Chúa, nhưng đã chấp nhận trở nên người phàm và cư ngụ giữa nhân loại để cứu chuộc con người.

Vì yêu, nên Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể
Khởi đầu Tin Mừng thánh Gioan đã viết: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm
và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1, 14). Đây là một mầu nhiệm. Mầu nhiệm này vượt quá sự hiểu biết, suy tư của con người! Bởi vì theo lẽ thường thì hiểu sao được khi một vị Thiên Chúa toàn năng vô biên, trí tuệ khôn lường; Ngài là Đấng hằng hữu, trường cửu; Đấng tạo dựng đất trời và biển khơi; Đấng làm chủ không gian và thời gian; Đấng là nguồn mạch sự sống và mọi điều thiện hảo…. (x. Dt 1, 3; Cl 1,15). Thế mà hôm nay, Ngài lại trở nên một con người hữu hạn và chịu sự chi phối như một loài thụ tạo bình thường với những truyền thống và văn hóa của một dân tộc nhỏ bé.
Đây quả là điều rất khó hiểu đối với chúng ta!
Nhưng, theo thánh Gioan, chìa khóa để mở ra cho chúng ta hiểu được mầu nhiệm cao cả này, chính là hai chữ “tình yêu”.
Vì thế, ngài viết: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một để những ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 16 ). Lúc khác ngài khẳng định: “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4, 16).
Chính vì yêu, Thiên Chúa Cha đã trao ban cho nhân loại món quà quý giá nhất là Con Một của Người. Cũng chính vì yêu, nên khi đến lượt mình, Đức Giêsu, Ngôi Lời của Thiên Chúa đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta (x. Ga 1, 14 ). Khi trở nên một Đức Giêsu – người, Ngài cũng trở thành Đấng Cứu Chuộc, Hoàng Tử Hòa Bình, Vua muôn thủa và Ánh Sáng chiếu soi mọi người để dẫn đưa nhân loại về với nguồn sự thật và sự sống để được hạnh phúc viên mãn.
Đây là điều mà chính Đức Giêsu, Ngôi Lời của Thiên Chúa đã mạc khải cho chúng ta. “Không ai thấy Thiên Chúa bao giờ; nhưng Con Một là Thiên Chúa, và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết” ( Ga 1, 18 ), Nhờ sự mạc khải đó mà: “Toàn cõi đất này được xem thấy: Ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta” (Tv 97, 3 ).
Tuy nhiên,  hơn hai ngàn năm đã trôi qua kể từ khi Ngôi Lời đặt chân trên trái đất. Ngài đã thắp lên ánh sáng trong bóng đêm. Ngài chính là Ánh Sáng chiếu soi mọi người (x. Ga 1,9). Tiếc thay, nhiều người đã chọn bóng tối, vì bóng tối dễ chịu hơn, dễ đồng lõa hơn (x. Ga 3,19). Vì thế, chúng ta không lạ gì khi Ngôi Lời đã đến nhà của Ngài, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận (x. Ga 1,11).

Đón nhận Ngôi Lời như thế nào?
Đây là một nỗi buồn cho nhân loại. Là tấm màn đen của thế giới con người. Là cảnh buồn và ảm đạm trong một thước phim vui. Vì thế, mỗi lần Giáng Sinh về, Giáo Hội không ngừng mời gọi con cái của mình không chỉ mừng lễ với những đèn sao nhấp nháy, tiệc tùng linh đình và những thứ bề ngoài khác. Ngược lại, Giáo Hội không ngớt lên tiếng thúc dục mọi thành phần hãy chuẩn bị tâm hồn cho thật xứng đáng, để đón nhận mầu nhiệm vĩ đại của Thiên Chúa ngang qua Đức Giêsu vào trong tâm hồn của mình.
Một trong những cách thiết thực nhất thể hiện việc sẵn sàng đón nhận Chúa đến với mình, đó là mặc lấy tâm tình của Đức Mẹ Maria để suy đi nghĩ lại trong lòng những gì mắt thấy, tai nghe, ngõ hầu mọi sự diễn ra trước mắt lại được ngấm thật sâu trong tâm hồn mỗi người và toát ra nơi cuộc sống..

Hãy làm cho Ngôi Lời của Thiên Chúa được hiện hữu nơi chúng ta
Như vậy, việc mừng Lễ Giáng Sinh đối với người Công Giáo chắc chắn không phải là mừng một biến cố hay kỷ niệm hoặc lễ hội thuần túy, nhưng ngang qua đó, làm toát lên một mầu nhiệm vĩ đại, mầu nhiệm cứu chuộc.
Chính vì vậy mà ơn cứu độ của Đức Giêsu đem đến không phải chỉ một lần vào đêm Ngài giáng trần, cũng không chỉ là lời hứa hẹn cho cuộc sống mai sau, mà ơn cứu độ, sức sống mới của Đức Giêsu đã được trao ban cho chúng ta ngay ngày hôm nay và lúc này.
Vì thế, nếu Con Thiên Chúa đã nhập thể, đã chấp nhận từ chỗ vị trí là Ngôi Lời, là Thiên Chúa đến chỗ Ngôi Lời hóa thành nhục để làm người và để cứu độ con người đang lầm than tội lỗi. Thì đến lượt chúng ta, chúng ta cũng phải làm cho Ngôi Lời trở nên sống động và thiết thực trong cung cách sống của mỗi người.
Nói cách khác, chúng ta cũng hãy noi gương Ngôi Lời là Đức Giêsu để làm một cuộc nhập thế ngay trong môi trường, khung cảnh sống của mỗi người.
Sự nhập thế ấy ta hiểu như một sự hóa thân để từ chỗ là một người giàu sang, quyền quý trở nên người cận thân cận lân của những người ốm đau, bệnh tật, cô thế, cô thân, nghèo khổ, bị áp bức, bóc lột, bỏ rơi. Trở nên những người cha, người mẹ đầy yêu thương của các trẻ em mồ côi nơi góc chợ, vỉa hè, trên đường phố hay gầm cầu, công viên. Trở nên người thầy – cô giáo tận tâm, hướng dẫn, dạy dỗ để chắp cánh cho tương lai đầy xán lạn nơi các học sinh thân yêu. Trở thành người có trách nhiệm với người khác như: bảo vệ môi trường, bênh vực công lý, xây dựng công bình và loan báo sự thật trong tin yêu và hy vọng.
Ngoài ra, chúng ta cũng cần phải làm một cuộc nhập thể khác nữa, cần thiết hơn và cấp bách hơn, đó là một cuộc nhập thể ngay trong gia đình của mình.
Nếu là người cha/ chồng nơi gia đình, thì sự nhập thể chính là trở nên người chồng, người cha mẫu mực, biết yêu thương, lo lắng, dạy dỗ con cái nên người; biết quan tâm và sống có trách nhiệm cũng như chung thủy với vợ….
Nếu là người vợ / mẹ, thì sự nhập thể chính là biết sống hiền lành, nhã nhặn, vui vẻ, vun quén cho gia đình; biết giữ hòa khí yêu thương và biết chu toàn trách nhiệm làm vợ và làm mẹ….
Nếu là người con, thì sự nhập thể chính là biết ngoan ngoãn, hiếu thảo với cha mẹ và thầy cô giáo; chú tâm đến việc học văn hóa, giáo lý nơi nhà trường và nhà thờ; chu toàn bổn phận hằng ngày trong gia đình….
Đây chính là kết quả của việc lắng nghe, suy đi nghĩ lại và tuân giữ Lời Chúa trong lòng như Mẹ Maria. Đây cũng chính là sống tinh thần Mầu Nhiệm Giáng Sinh của Đức Giêsu. Và, đây cũng chính là một hành trình nhập cuộc theo gương Ngôi Lời Thiên Chúa.
Giờ đây, chúng ta tiếp tục dâng thánh lễ để cùng nhau đi sâu hơn khi cảm nghiệm và sống mầu nhiệm tự hủy của Ngôi Lời Thiên Chúa ngay trong Bí tích Thánh Thể sắp tới.
Đây chính là quà tặng vô giá mà Đức Giêsu không ngừng ban tặng cho nhân loại, để ai tin và đón rước thì được bảo đảm cho hạnh phúc và sự sống đời đời mai sau.
Lạy Ngôi Lời của Thiên Chúa, Ngài là Đấng Emmanuel, xin cho chúng con biết cảm nghiệm sâu xa tình yêu tự hủy của Chúa, để đến lượt chúng con, mỗi người cũng biết sống mầu nhiệm ấy trong cuộc đời của mình, ngõ hầu mang lại cho nhân loại niềm hy vọng, bình an và ơn cứu độ qua mầu nhiệm nhập thể làm người của Chúa. Amen.
Tu sĩ: Jos. Vinc. Ngọc Biển, S.S.P.