ĐI TU CÓ THỂ ĐỔI ĐỜI

Một thực tế là đi tu đòi hỏi người tu phải đổi đời, nhưng không theo nghĩa trần tục. Những ai cứ muốn đổi đời theo đen, nghĩa là vun vén cho mình, thường họ không thể hạnh phúc trong đời tu. 

Có lần tôi được trò chuyện với một nữ tu phụ trách về mảng cổ võ ơn gọi cho nhà Dòng. Sơ chia sẻ rằng: “Nhiều bạn trẻ vào dòng dường như để tiến thân, để tìm một cái gì đó khác ngoài mục đích đi tu!” Tuy nhiên sơ vẫn nhận vào làm ứng sinh, để giúp các em sống và tìm hiểu ơn gọi. Lý do sơ đưa ra là: “Nhà dòng không chỉ giúp các em nhận ra ơn gọi dâng hiến, mà còn giúp các em có hành trang cần thiết để bước vào đời.” Cho dù sau khi tìm hiểu, các em không vào nhà tập thì cũng chẳng sao, bởi ít là nhà dòng đã giúp các em có cơ hội để học hành, để sống nhân bản và thiêng liêng. Với những hành trang như thế, tuy không trở thành nữ tu, hy vọng các em cũng trở thành người con tốt lành của Chúa giữa cuộc đời.
Có người cho rằng sơ trên đây thật dễ dãi để các em có vẻ “lợi dụng” nhà dòng để tiến thân. Điều ấy dường như đúng vì thực tế những em muốn đi tu thường xuất thân ở mức sống bình dân, nghèo khổ ở thôn quê. Do đó, môi trường nhà dòng có thể cho các em có đủ điều kiện tốt để học hành, hội nhập vào xã hội và thử tìm hiểu xem mình có ơn gọi dâng hiến không. Tuy nhiên, trong giai đoạn đặc thù của nơi dành cho những em tìm hiểu như thế, sơ có lý để mở ra cơ hội cho các bạn. Mở ngoặc nơi đây, Thiên Chúa thường chọn gọi những người bé nhỏ nghèo hèn! Biết đâu trong khi đồng hành với các em cả về vật chất lẫn tinh thần, nhà Dòng lại có thêm những ơn gọi mới, là những người thực sự muốn vào Dòng để sống đời thánh hiến.
Đành rằng đi tu là phải từ bỏ mọi thứ để bước theo Thầy Giêsu, tuy nhiên đó là một hành trình đào luyện. Trong đó, chúng ta không ngạc nhiên khi có người đi tu để đổi đời hiểu theo đúng nghĩa đen của nó. Nghĩa là, ơn gọi đối với họ lúc này như là tìm kiếm một địa vị xã hội, thực hiện một công việc mình thích. Đó luôn là những hứa hẹn thú vị mà có khi ứng sinh không ý thức, hoặc có người cố tình đi tìm. Trong nghĩa này, người ta nói vui rằng đúng là đi tu để đổi đời, để thoát cảnh nghèo khổ và thiếu thốn.
Trong khi đó, đi tu là để đổi mới đời sống theo những giá trị cao quý hơn mà thầy Giêsu đề nghị. Thiên Chúa mời gọi các bạn trẻ dám dấn thân trong những giá trị thiêng liêng. Họ muốn từ bỏ con người cũ, để tập sống những giá trị mà nhà Dòng dạy bảo. Họ muốn đổi mới tâm hồn với những ước mong gặp gỡ sâu xa với Chúa Giêsu. Họ muốn nên giống Giêsu trong cung cách hành xử, nơi các nhân đức, các giá trị. Đó quả thực là điều lý tưởng mà không phải ai cũng đạt được. Bởi vậy, với những ai giúp các bạn trẻ tìm hiểu ơn gọi, họ không thể đòi hỏi động lực ơn gọi tinh tuyền của các ứng viên ngay từ đầu! Điều đó là không thể trong ơn gọi. Có chăng nhà dòng nhận các bạn trẻ vào ứng sinh, vì thấy nơi các bạn có chút động lực tốt lành để dâng hiến, với những điều kiện mà bạn ấy có thể biến đổi con người mình. Chẳng hạn, sức khỏe, tuổi tác, trưởng thành thiêng liêng, tâm cảm, khả năng tri thức, v.v. là điều cần thiết để một người có thể bước vào con đường ơn gọi hiến dâng.
Một thực tế là đi tu đòi hỏi người tu phải đổi đời, nhưng không theo nghĩa trần tục. Những ai cứ muốn đổi đời theo đen, nghĩa là vun vén cho mình, thường họ không thể hạnh phúc trong đời tu. Hơn nữa, nhà Dòng cũng không chấp nhận những ai đi tu để làm theo ý riêng của mình. Những ước mơ đổi đời trong danh vọng giàu sang, dường như không cho họ sức sống, sự sáng tạo để sống hạnh phúc trong dòng. Tới một mức nào đó, họ, hoặc chính nhà Dòng thấy người ấy không phù hợp với ơn gọi dâng hiến nữa. Thế mới biết đời tu không hứa cho người tu sĩ những vinh phúc trần gian, những hào quang quyền quý.
Ngược lại, đời tu là quá trình đổi mới chính mình. Mỗi ngày người đi tu kết thân với Thầy Giêsu thêm một chút, sống yêu mến linh đạo nhà Dòng thêm một tý, từ bỏ mình để theo ý muốn Thiên Chúa thêm một ít. Họ đổi đời để không ưa chuộng gì khác ngoài tình yêu Đức Ki-tô. Được như thế, hành trình đời tu của họ luôn được đan bằng chuỗi ngày dâng hiến say mê. Họ tập sống tự do trước những hấp lực của tiền tài danh vọng. Dầu lúc đầu động lực ơn gọi của họ chưa rõ ràng hoặc còn vẩn đục, nhưng với ơn Chúa và sự dấn thân mỗi ngày, họ tìm thấy niềm vui của đời thánh hiến. Trong hành trình đó, họ thực sự đổi mới tâm hồn và đời sống của họ mỗi ngày một triển nở hơn. Tắt một lời, “việc đổi mới hay từ bỏ mọi sự và bước theo Chúa làm thành một chương trình có giá trị cho tất cả mọi người được kêu gọi, ở hết mọi thời.” (Tông huấn đời sống thánh hiến, số 18). Đó là ước ao của nhà Dòng, của Thiên Chúa.
Tuy nhiên, nhà Dòng có cách để nhận biết ứng sinh đi tu vì tiếng gọi của Chúa hay vì muốn đổi đời. Nhà Dòng luôn trao ban cơ hội cho những ai muốn bước vào đời tu, như sơ trên đây chia sẻ. Vì ơn gọi dâng hiến luôn là một màu nhiệm và do chính Thầy Giêsu kêu gọi, nên nhà Dòng luôn trợ giúp ứng sinh nhận ra món quà đó. Trong hành trình này, như một linh mục có nhiều năm trong tuyển chọn ơn gọi chia sẻ: “Trong hoàn cảnh thực tế hiện nay của Việt Nam, các bạn trẻ cần được chuẩn bị trong những năm tìm hiểu và nhận định ơn gọi để có thể giúp ứng sinh biến đổi với động lực tốt lành thánh thiện. Các ứng sinh như thế sẽ có sự bền vững nhất trong tiến trình theo đuổi và sống ơn gọi dâng hiến và tông đồ cách sung mãn. Đây là loại ứng sinh có những dấu chỉ tốt nhất về ơn gọi tu trì.” (Tôma Vũ Quang Trung, SJ).
Ước gì các bạn trẻ khi cảm thấy ít nhiều đời tu hấp dẫn mình, có vẻ Chúa đang mời gọi mình, luôn sẵn sàng lên đường tìm hiểu. Để trên hành trình ấy, các bạn dám biến đổi đời mình để loại đi những ước muốn trần tục, thêm vào những ước ao thánh thiện. Bởi các bạn trẻ cần biết rằng: “Ơn gọi của những người tận hiến là đi tìm kiếm Nước Thiên Chúa trên hết mọi sự, tiên vàn là một lời mời gọi hoán cải hoàn toàn, từ bỏ chính mình để sống hoàn toàn cho Chúa, ngõ hầu Thiên Chúa có toàn quyền trên mọi loài.” (Tông huấn đời sống thánh hiến, số 35). Với sự hoán cải ấy, con đường tu trì luôn có những đổi đời trong sự thánh thiện để cho vinh danh Chúa hơn và giúp ích cho nhiều người hơn.

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

ĐẤU TRANH ĐỂ LẤY CHẤT NUÔI DƯỠNG

Như Chúa Giêsu đã đấu tranh trong vườn Giếtsêmani, chúng ta cũng phải đấu tranh để tiếp tục bám vào điều gì đó vượt quá bản năng tự nhiên của mình, vượt quá lương thực và những thúc bách văn hóa của chúng ta.

Chúng ta đều đấu tranh để không rơi vào sự lạnh lùng và oán ghét. Thậm chí Chúa Giêsu cũng đã trải qua đấu tranh này. Như chúng ta, Ngài đã phải đấu tranh, nhiều lúc cực kỳ dữ dội, để giữ tình nồng ấm và yêu thương.

Thật thú vị khi dò điều này trong Phúc âm thánh Luca. Đây là phúc âm của cầu nguyện. Thánh Luca kể ba lần nhiều hơn các Phúc âm cọng lại các lần cầu nguyện của Chúa Giêsu. Hơn nữa, trong phúc âm thánh Luca, các môn đệ Chúa Giêsu được thêm sức nhờ lời cầu nguyện của Ngài. Họ đã thấy được nơi Ngài điều gì đó phi thường, không phải vì Ngài bước đi trên mặt nước hay làm phép lạ, nhưng là vì Ngài không giống chúng ta, Ngài có thể thật sự giơ má cho người ta. Ngài đủ mạnh để không rơi vào trạng thái lạnh lùng khi phải đối diện với sự thù ghét dữ dội đến mức đe dọa mạng sống của Ngài. Trong mọi trường hợp, dù cay đắng đến mấy, Ngài vẫn có thể thấu cảm và tha thứ, không bao giờ hoài nghi về sự chân thực của tình yêu và lòng nhân từ.
Các môn đệ của Chúa Giêsu thấy được Ngài rút lấy sức mạnh này từ một nguồn ẩn kín, một giếng nuôi dưỡng mà Ngài gọi là Cha, một giếng nước mà Ngài múc lấy qua lời cầu nguyện. Vì lẽ này, trong Phúc âm thánh Luca, các môn đệ xin Chúa Giêsu dạy cho họ cầu nguyện. Họ cũng muốn rút lấy của nuôi dưỡng từ nguồn này.
Nhưng chúng ta cũng thấy trong Phúc âm thánh Luca, muốn được thế phải trải qua nhiều lần đấu tranh. Đôi khi mọi chuyện có vẻ dễ dàng với Chúa Giêsu, Ngài được yêu thương và thông hiểu, và Ngài rao giảng thật vui vẻ và dễ dàng. Nhưng khi mọi chuyện sụp đổ, khi các thế lực thù ghét bắt đầu bủa vây, khi đa số các môn đệ ruồng bỏ và phản bội, và khi cái chết trở nên rõ ràng, thì cũng như đa số chúng ta, nỗi sợ và hoang tưởng đe dọa chiếm lấy Ngài. Đây đích thực là bản chất cuộc đấu tranh ở Vườn Giếtsêmani, cuộc thống khổ của Ngài.
Nói một cách đơn giản, khá dễ để hiểu, yêu thương và tha thứ sẽ dễ khi chúng ta cũng được đối xử như vậy. Nhưng sẽ là một chuyện khác khi chúng ta làm những điều này để rồi thành cái bia cho sự hiểu lầm, thù ghét, và giết người. Và cũng thế, trong Vườn Giếtsêmani chúng ta thấy Chúa Giêsu kiệt quệ, suy sụp về mặt con người, nằm dài xuống đất, đấu tranh để bám chặt vào nguồn nuôi dưỡng vẫn luôn giữ Ngài trong tin tưởng, yêu thương và tha thứ, cũng như đẩy lùi các hoang tưởng, thù ghét và tuyệt vọng ra xa. Và Ngài chẳng có được câu trả lời cách dễ dàng. Ngài phải cầu nguyện hết lần này đến lần khác, và theo lời thánh Luca, là “đổ mồ hôi máu” rồi mới có thể lấy lại cân bằng và gắn chặt lại vào lòng nhân từ vốn giữ gìn Ngài trong suốt sứ mạng của mình. Yêu thương và tha thứ không phải chuyện dễ dàng. Không rơi vào giận dữ, cay đắng, thương thân trách phận, thù ghét, khao khát báo thù, cũng chẳng phải là chuyện dễ dàng với Chúa Giêsu.
Và đấy là đấu tranh tinh thần tối hậu của chúng ta, đừng rơi vào phản ứng tự nhiên mỗi khi bị bất kính, bị xem nhẹ, bị làm ngơ, hiểu lầm, thù ghét, hay bị đối xử tệ bạc mức này hay mức khác. Trước những chuyện đó, sự hoang tưởng tự động bao phủ và hầu như toàn bộ tâm hồn chúng ta hợp lại để tạo áp lực, đến mức chúng ta bị ám ảnh mắt phải đền mắt, răng phải đền răng, xem thường đáp lại xem thường, xấu xa đáp lại xấu xa, thù ghét đáp trả thù ghét, bạo lực đáp trả bạo lực.
Nhưng còn có một khả năng khác. Như Chúa Giêsu đã phải đấu tranh cùng cực để không rơi vào trạng thái lạnh lùng và thù ghét, chúng ta cũng có thể rút lấy sức mạnh qua cuống rốn đã nuôi dưỡng Ngài. Chúa Cha, sức mạnh và ân sủng của Chúa, cũng có thể nuôi dưỡng chúng ta.
Trong bộ phim nổi tiếng Cuộc thương khó của Chúa Kitô, Mel Gibson tập trung vào đau khổ thể xác mà Chúa Kitô đã phải chịu trong cuộc khổ nạn và trong cái chết. Một phần điều này cũng có giá trị, vì những đau khổ Chúa Giêsu đã chịu đúng là khá thảm khốc. Nhưng cuốn phim lại bỏ qua vấn đề chính mà chúng ta có thể thấy trong các phúc âm. Các phúc âm hạn chế tối đa việc tập trung vào những đau khổ thể xác của Chúa Giêsu. Với các phúc âm, cuộc thương khó của Chúa Giêsu không phải là chuyện thể xác, mà là chuyện tinh thần, cực điểm là tinh thần. Cuộc đấu tranh thực sự của Chúa Giêsu khi Ngài đổ mồ hôi máu trong vườn Giếtsêmani không phải là liệu Ngài có để mình chịu chết hay là viện đến sức mạnh thần linh để thoát thân. Vấn đề thực sự là về cách Ngài sẽ chết. Trong cay đắng hay yêu thương? Trong thù ghét hay tha thứ?
Đó cũng là đấu tranh tinh thần tối hậu của chúng ta, một đấu tranh không phải chỉ gặp trong giờ lâm chung, nhưng gặp mỗi ngày, mỗi giờ. Trong mọi trường hợp trong cuộc sống, dù nhỏ hay lớn, những khi bị làm ngơ, khinh thị, xúc phạm, thù ghét hay bị xâm phạm bất công cách này hay cách, chúng ta phải đối diện với chọn lựa đáp trả: Cay đắng hay thông hiểu? Thù ghét hay yêu thương? Báo thù hay tha thứ?
Và như Chúa Giêsu đã đấu tranh trong vườn Giếtsêmani, chúng ta cũng phải đấu tranh để tiếp tục bám vào điều gì đó vượt quá bản năng tự nhiên của mình, vượt quá lương thực và những thúc bách văn hóa của chúng ta. Làm theo bản năng sẽ không tốt cho chúng ta. Chúng ta cần đi vào điều gì đó sâu xa hơn bản năng của mình.
Lời đầu tiên của Chúa Giêsu trong các phúc âm Nhất lãm là từ sám hối, metanoiaMetanoia có nhiều nghĩa, và một trong các nghĩa đó là đối lập với paranoia, hoang tưởng. Như thế, chúng ta phải tin dù đang đối diện với bất tín. Hoang tưởng là thứ tự nhiên với chúng ta, sám hối thì không, nó đòi hỏi chúng ta phải đấu tranh để rút lấy chất nuôi dưỡng từ nguồn thâm sâu hơn.
Ronald Rolheiser,

J.B. Thái Hòa dịch

CHÚA KHÔNG CHỌN NHỮNG NGƯỜI GIỎI NHẤT

Chúa cho chúng ta chiếc đèn pha, nhưng không phải chiếc đèn pha lớn trên hải trình của mình, Ngài cho chúng ta chiếc đèn pha… xe đạp! 

Vài tuần sau khi tôi từ ẩn thất về, tôi nhận ra đôi khi ánh sáng cũng khó khăn để len tìm một đường đi trong các ngõ ngách đen tối của chúng ta. Tôi trải qua một giai đoạn khó khăn trong lãnh vực gọi là trong trắng, lãnh vực tiết hạnh.

Tôi nói chuyện với cha thiêng liêng của tôi, một linh mục tôi chọn để giúp tôi tiến bộ trên con đường đức tin. Cha trấn an tôi: phải cần một ít thời gian để con người cũ trong con chết đi và để con có được con người mới. Sau thời gian thanh tẩy, tất cả những chuyện này sẽ dịu xuống.

Tôi được trấn an nhưng rối loạn vẫn còn. Vì thế tôi xin một số bạn cầu nguyện cho tôi. Chúng tôi đến một nhà nguyện nhỏ và tôi quỳ trước nhà tạm. Các bạn quây chung quanh tôi. Một vài người đặt tay lên vai tôi. Họ sốt sắng cầu nguyện cho tôi. Một trong các bạn là Jean-Marc, anh cầm quyển Thánh Kinh, anh mở ra một đoạn. Tình cờ có phải là phương tiện Chúa dùng để kín đáo hành động không? Anh đọc cho tôi nghe đoạn anh “mở ra”. Đó là đoạn cuối Phúc Âm Thánh Gioan sau khi Chúa sống lại, Ngài hỏi ông Phêrô có yêu Ngài không. Phêrô thật sự đau khổ vì ông vừa chối Chúa ba lần xong. Dù vậy ông làm cho mọi người ngạc nhiên, ông không ngần ngại trả lời: “Chúa biết tất cả, Chúa biết con yêu Ngài mà.” Và cả ba lần, Chúa Giêsu giao cho ông Phêrô chăn dắt đàn chiên của Ngài.

Đoạn Phúc Âm chương 21 này của Thánh Gioan thường được đọc trong thánh lễ truyền chức thánh nhưng tôi không biết. Trong số những người cầu nguyện cho tôi có một linh mục, khi chúng tôi ra khỏi nhà nguyện, cha kêu tôi ra riêng:

– René-Luc, con đã nghĩ đến việc làm linh mục chưa?

– Dạ có, con đã đặt câu hỏi này, nhưng con không biết… Với tất cả quá khứ của con, con không biết Chúa Giêsu có gọi một người như con không. Vì sao cha hỏi con câu hỏi này?

– Con à, trong khi cầu nguyện, cha cảm nhận trong lòng Chúa Giêsu đã gọi con làm linh mục. Và khi cha nghe đoạn Phúc Âm mở ra tình cờ, cha xem đây là lời xác nhận. Bản văn này là lời chính thức Chúa gởi Phêrô đi như một linh mục. Cha chân thành chia sẻ với con như vậy, dĩ nhiên điều này không bắt con phải cam kết.

Tôi xin các bạn cầu nguyện là vì tôi cảm thấy mình không xứng đáng, và khi đi về, tôi nhận lời kêu gọi của Chúa Giêsu, tôi phải sẵn sàng theo Ngài hơn, gần Ngài hơn! Chúa không gọi những người giỏi nhất, hơn ai hết, tôi là người hiểu được điều này, nhưng Chúa đòi hỏi chúng ta phải cho Ngài điều tốt nhất của chúng ta! Tôi cám ơn Chúa về lời của linh mục, cha chỉ đưa ra cây sào và tôi nắm lấy. Thường thường, và kể cả tôi, chúng ta không dám kêu gọi các bạn trẻ vào chức thánh vì chúng ta muốn tôn trọng tự do của mỗi người, và vì chúng ta ý thức sự khó khăn của chức thánh ngày nay. Dù vậy chúng ta phải đặt câu hỏi sau: nếu không ai gọi thì làm sao người khác biết để trả lời?
  
Từ ngày đó, mỗi khi có thể được, tôi đến phòng của Marthe Robin để cầu nguyện. Tôi biết bà có một tấm lòng cảm mến các linh mục cách đặc biệt. Tôi chọn Marthe là thiên thần hộ thủ cho ơn gọi của tôi.

Tôi vào phòng của bà, nơi tôi thấy bà ba tháng trước đây. Tôi quỳ xuống bên cạnh giường bà, chiếc giường trống. Dù vậy tôi thấy rõ sự hiện diện của bà, mạnh đến mức mà tôi cảm thấy như sờ được.

– Marthe, bà chị nhỏ của em trên trời, em xin giao phó ơn gọi của em cho chị. Em biết bản thân em, con thuyền của em có nguy cơ bị lung lay mạnh, nhưng nếu lời kêu gọi này thực sự đến từ Chúa, thì xin giúp em bền đổ đến cùng!

Tôi ra về, lòng tin tưởng. Tôi cảm nhận sâu xa trong lòng, lời cầu nguyện của tôi đã được nhận lời. Mỗi lần tôi thấy ơn gọi của tôi bị lung lay mạnh khi gặp đủ sóng gió, tôi luôn cầu nguyện với Marthe. Tôi nghĩ Marthe là… người đi biển!
* * *
Dĩ nhiên tất cả kinh nghiệm thiêng liêng này không ngăn cản việc học bình thường của tôi. Cuối năm học ở trường tư ở Beaucaire, nhà trường đưa cho chúng tôi tờ giấy để điền về hướng nghiệp của chúng tôi trong năm thứ ba. “Nghề nào bạn muốn làm trong tương lai?” “Linh mục!”, từ đó tôi viết như vậy cho đến năm tú tài.

Tôi còn thay đổi trường học, và năm thứ ba tôi học trường Marie-Rivier ở Bourg-Saint-Andéol. Các môn học tôi chọn càng ngày càng gần với ơn gọi mà tôi cảm nhận mình được gọi. Tôi chọn môn tiếng la-tinh. Thầy giáo giải thích cho tôi môn này sẽ hữu ích ở chủng viện. Nhưng tôi thật sự không giỏi cho mấy về các biến cách trong tiếng la-tinh: trạng cách, thuộc cách, đối cách… đối với tôi, đó là những rắc rối của ngôn từ ở cấp cao nhất! Thêm nữa tôi không hợp với giáo sư môn la-tinh. Tôi cố gắng là tín hữu kitô tốt, nhưng tôi vẫn giữ tính khí khó khăn, nếu không muốn nói đôi khi tôi còn khó tính khó nết. Giáo sư hay gởi tôi đến văn phòng hiệu trưởng. Đến lần thứ mười thì ông hỏi tôi:
– Môn la-tinh có phải là môn tự nguyện không?
– Dạ đúng thưa ông hiệu trưởng.

– Thầy bỏ cho con môn này vì dù sao con tốn thì giờ ở văn phòng của thầy nhiều hơn ở lớp học!
* * *
Hai mươi năm sau khi tôi đi ra khỏi các phòng của đài truyền thanh giáo phận Nỵmes nơi tôi vừa trả lời phỏng vấn về việc rao giảng Phúc Âm cho giới trẻ. Tôi gặp các giáo sư đến tham dự chương trình về giáo dục ở trường tư. Một phụ nữ lớn tuổi kêu tôi lại:

– Cha cho biết có phải cha là học sinh ở trường Bourg-Saint-Andéol hồi đó không?
Giọng bà linh hoạt.
– Dạ phải thưa bà.
– Cha có phải là René-Luc không? bà nhíu mày.
– Dạ phải thưa bà.
– Cha là học sinh của tôi. Tôi là giáo sư môn la-tinh, cha còn nhớ không?
– Dạ…
Tôi hơi bối rối. Tôi thấy mình hai mươi năm trước.

– Nhưng dù sao tôi chưa quên cha! Và bây giờ cha là linh mục? Trên đời phải tin có phép lạ, phải tin! Bà lắc đầu nói với tôi.
* * *
Mùa hè năm 1982 tôi quyết định đi Rôma và Axixi. Tôi mười sáu tuổi và không có nhiều tiền. Vì thế tôi xin đi quá giang. Ở đồn biên giới Vintimille, các nhân viên hải quan ngạc nhiên thấy tôi đi một mình ra nước ngoài. Tôi lễ phép cho họ biết tôi đã lớn và họ có thể kiểm. Họ để tôi đi qua hải quan.

Tôi sẽ không bao giờ quên chuyến đi Ý đầu tiên này. Tôi đến Ý ngày ê-kíp đá banh của họ đoạt giải vô địch toàn cầu. Bầu khí sôi sục ở các thành phố tôi đi ngang qua, thật không thể tưởng tượng!

Đến quảng trường Thánh Phêrô, tôi được ngồi vào chỗ ưu tiên của buổi tiếp kiến chung của giáo hoàng. Đây là lần đầu tiên tôi thấy giáo hoàng, tôi rất xúc động.

Theo thường lệ, Đức Gioan-Phaolô II chào các nhân vật nổi tiếng. Họ ở trong một ô nhỏ, cách đám đông bằng một hàng rào chắn. Tôi ở hàng đầu ngay sau lưng họ. Tôi chờ ngài nói xong, giữa hai nhân vật, tôi lấy hết can đảm, và ở tuổi mười sáu, tôi hét lên:

– Trọng kính Đức Thánh Cha, xin cha cầu nguyện cho các người trẻ có ơn gọi chức thánh!

Ngài ngẫng lên nhìn về phía tôi. Ngài thương cảm nhìn tôi và chầm chậm vạch thánh giá về hướng tôi. Tôi dám nghĩ phép lành này đã có hoa trái. Con cám ơn Đức Gioan-Phaolô II về sự tế nhị đối với tất cả các bạn trẻ ngài gặp.

Mỗi ơn gọi đều có câu chuyện riêng của nó, dù đó là đời sống thánh hiến hay hôn nhân. Đối với một số người, lúc mới đầu họ có thể thấy rõ ít hay nhiều, nhưng có một chuyện chắc chắn, đó là con đường mà càng đi tới chúng ta càng thấy mình xác quyết.

Thường thường chúng ta nhìn Chúa như ngọn hải đăng. Một ngọn hải đăng cố định ở cuối chân trời nơi chúng ta hướng con thuyền của mình đi tới, băng qua bão tố, sương mù hay đêm tối. Và khi chúng ta chưa nhận định rõ đâu là ngọn hải đăng này thì chúng ta không có can đảm để đi tới. Đúng, Chúa cho chúng ta chiếc đèn pha, nhưng không phải chiếc đèn pha lớn trên hải trình của mình, Ngài cho chúng ta chiếc đèn pha… xe đạp! Chúa cho chúng ta đủ ánh sáng để đi bốn, năm mét trước mặt và Chúa cho tôi ngày hôm nay với điều kiện là tôi phải đạp. Nếu tôi ngừng đạp thì tôi không có ánh sáng!

Khởi đầu con đường của chúng ta đến với Chúa, chúng ta thường có cảm tưởng mình đi trên một bãi mênh mông ngút ngàn tầm mắt. Có những dấu vết đi đủ mọi hướng. Chúng ta không thấy hướng nào mình phải đi, nhưng chúng ta cũng phải đi tới. Và rồi chúng ta nhận ra, chúng ta đi trên một con đường và con đường này mở ra một con đường nhỏ… và chúng ta cảm thấy tốt… và đó là như vậy! Chúng ta tìm thấy con đường sống của mình, tìm thấy ơn gọi của mình! Vậy, từ đây đến đó, hãy can đảm. Chúng ta tiến bước!

Trích sách Chúa ở trọn tâm hồn, René-Luc, nxb. Presses de la renaissance

Marta An Nguyễn dịch
(phanxico.vn 07.02.2019)

CHÚA NHẬT VII THƯỜNG NIÊN - C

Các mối phúc đã phác họa dung mạo người môn đệ Chúa Giêsu, biết chấp nhận những thua thiệt trong cuộc đời và bị bách hại về thể xác cũng như tinh thần vì họ muốn sống theo giáo lý của Người. Phản ứng tự nhiên của người bị bách hại là không thể đội trời chung với kẻ thù là người bách hại mình, chứ nói chi tới việc yêu thương kẻ thù. Có lẽ vì thế mà Tin Mừng Lu-ca đặt vấn đề yêu thương kẻ thù ngay sau các mối phúc, coi như một điều kiện căn bản để có thể sống những mối phúc nói trên. Vậy bài Tin Mừng hôm nay tiếp tục quảng diễn những mối phúc bằng những trường hợp cụ thể rút từ lối sống của người đời và đòi hỏi người môn đệ phải sống ngược lại lối sống ấy thì mới nói lên được căn tính của người đi theo Chúa.
1) Yêu thương kẻ thù
Đã chọn đi ngược với lối sống của thế gian, môn đệ Chúa không thể đồng hành với người đời ở bất cứ nơi nào và dĩ nhiên đã trở thành thù địch với nhau rồi. Môn đệ Chúa sống theo quy luật của các mối phúc, còn người đời sống theo quy luật của các mối họa. Người môn đệ Đức Ki-tô lấy Thiên Chúa làm điểm tựa, vì chính Người mới là nơi cư ngụ vĩnh viễn (Nước Thiên Chúa), sự no đủ đích thực, hạnh phúc trường sinh và phần thưởng lớn lao. Ngược lại, người đời lấy chính họ làm cứu cánh và lấy thế gian cùng những gì thuộc về nó làm phương tiện, đó là sự giàu có sang trọng, no nê phè phưỡn, vui chơi trác táng và tiếng tăm địa vị.
Từ sự khác biệt ấy, môn đệ Chúa trở thành cái gai trước mắt người đời và luôn luôn phải đối phó với việc bị tẩy chay và bách hại. Trước tình trạng phũ phàng ấy, Chúa Giêsu đưa ra một bài học độc đáo và thực tế. Ở đây ta nhận thấy hoàn cảnh khác với hoàn cảnh trong Tin Mừng Mát-thêu. Là Tin Mừng viết cho người Do-thái, Mát-thêu đưa ra những so sánh như: “Anh em đã nghe Luật dạy người xưa… Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết”. Còn Lu-ca là Tin Mừng viết cho anh em Dân ngoại nên không trưng dẫn Lề Luật, mà chỉ đề cao Chúa Giêsu là Luật tối cao: “Thầy nói với anh em là những người đang nghe Thầy đây”. Vậy Chúa Giêsu đã nói gì về những điều môn đệ Người phải làm khi gặp trường hợp bị kẻ thù bách hại?
Trước hết, hãy yêu thương kẻ thù, đó là nguyên tắc căn bản thứ nhất. Để sống tình yêu thương này, người môn đệ phải lấy đức mà đáp lại oán, lấy việc lành mà trả cho việc dữ. Nguyên tắc thứ hai là mức độ yêu thương và làm ơn ít ra phải tích cực và hơn mức bình thường, vì yêu thương bao giờ cũng vượt trên mức công bằng. Yêu thương đòi ta phải đi bước trước và chủ động. Với yêu thương, người môn đệ làm chủ được mình. Thay vì theo thói đời là nguyền rủa lại kẻ nguyền rủa mình, người môn đệ biết tự chế, bắt mình phải theo lệnh truyền của lòng yêu thương mà nói điều tốt cho kẻ thù. Họ thắng được lòng tham tự nhiên lúc nào cũng muốn giữ cho mình, mà sẵn sàng quảng đại cho đi.
Tuy nhiên, nghe nói vậy nhưng thực hành lại là vấn đề khó khăn vô cùng. Tại sao ta lại phải làm một điều “trái tự nhiên” như vậy? Chúa Giêsu có đòi hỏi quá đáng không? Dựa vào đâu mà ta có thể biện minh cho việc yêu thương kẻ thù? Chúa Giêsu cho ta câu trả lời.
2) Có yêu thương kẻ thù, “anh em mới là con Đấng Tối Cao, vì Người vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác”
Cha nào con nấy. Đó là lý do. Ta phải yêu thương kẻ thù, vì chính Thiên Chúa, Cha chúng ta, yêu thương kẻ thù của Người. Nhưng kẻ thù của Thiên Chúa là ai? Là những kẻ dữ, những kẻ tội lỗi. Nói như thế thì mọi người đều là kẻ thù của Thiên Chúa, vì tất cả chúng ta đều là những người tội lỗi, chứ có ai là vô tội trước mặt Người đâu. Thế mà Người vẫn thương ta, vẫn sai Con Một Người đến để kêu gọi những người tội lỗi và Con Một Người còn chấp nhận chết khổ nhục để xóa bỏ tội lỗi ta.
Nếu Thiên Chúa, Cha chúng ta, đã và vẫn đang yêu thương ta là “kẻ thù” của Người, thì ta phận làm con cái Người lại có thể làm ngược lại với đường lối của Người hay sao? Chúa Giêsu đề cập tới vấn đề ân nghĩa ở đây. Việc Thiên Chúa yêu thương ta mặc dù ta thân phận tội lỗi, đó là một ân nghĩa. Ân nghĩa thuộc bình diện yêu thương, chứ không phải công bằng. Cho nên đối với kẻ thù, ta không chỉ đối xử công bằng, nhưng phải tích cực hơn để đi vào lãnh vực yêu thương. Trong công bằng có sự tính toán và sòng phẳng. Còn yêu thương thì chỉ nghĩ đến cho đi, vì yêu thương là ân huệ. Thiên Chúa đã yêu thương ta nên cho ta mọi thứ ân huệ và cuối cùng cho ta Ân Sủng đầy tràn tức là Con Một Người.
3) “Anh em hãy có lòng nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ”
Mỗi tác giả Tin Mừng có một cách để định nghĩa thế nào là nên thánh. Mát-thêu thì nêu lên định luật: “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5:48). Còn Lu-ca thì thực tế hơn: “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc 6:36).
Mặc dù ta là “kẻ thù” của Thiên Chúa, nhưng Người vẫn đối xử nhân từ với ta. Đối xử nhân từ là đối xử không theo lẽ công bằng, nhưng theo lẽ tình yêu. Mà tình yêu thì có những lý lẽ riêng của nó, nhiều khi không hiểu được. Cụ thể là tình yêu Thiên Chúa. Con tim của Thiên Chúa có những lý lẽ ở ngoài lối suy nghĩ của con người. Nhân từ của Thiên Chúa là phong cách đặc biệt để biểu lộ tình yêu của Người. Người yêu thương kẻ thù của Người bằng cách tỏ ra nhân hậu đối với chúng. Chẳng những Người không xét đoán, không lên án, mà còn tha thứ nữa. Thật không thể hiểu được Thiên Chúa yêu thương cách đó! Đấy là đấu Thiên Chúa đong cho ta và Người cũng muốn ta đong như vậy cho người khác.
4) Suy nghĩ và cầu nguyện
Chúa Giêsu đã sống định luật “yêu thương kẻ thù” như thế nào? Tôi đọc thấy gì trong những sách Tin Mừng về điểm này? Có khi nào tôi chiêm ngưỡng Chúa Giêsu trong lãnh vực này không?
Kẻ thù đáng kể nhất của tôi hiện giờ là ai? Tôi có kế hoạch nào thực thi lời Chúa để yêu thương họ?
Hay xét đoán là một nết xấu thường tình. Vậy tôi sẽ làm cách nào để tập không xét đoán người khác? Trong ý nghĩ? Trong lời nói?
Cầu nguyện
“Lạy Chúa là Thiên Chúa của con,
có những ngày
đón nhận những người khác
là điều vượt quá sức con,
vì con kiêu hãnh, tự hào và yếu đuối.
Lạy Chúa là Thiên Chúa của con,
có những ngày
con không thể nào kính trọng kẻ khác được,
vì ý kiến, vì màu da, vì cái nhìn của người ấy.
Lạy Chúa là Thiên Chúa của con,
có những ngày
mà yêu mến người khác
làm cho tim con đau nhói,
vì nỗi sợ hãi, nỗi khổ đau
và những giới hạn của bản thân con.
Lạy Chúa là Thiên Chúa của con,
trong những ngày khó khăn đó,
xin hãy nhắc cho con nhớ rằng
tất cả chúng con đều là con cái Chúa
và đừng để con quên lời Chúa nói:
“Điều gì chúng con làm cho người bé nhỏ nhất
là làm cho chính Ta.” – Trích trong PRIER
(Trích RABBOUNI, lời nguyện 112)

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi

XUÂN YÊU THƯƠNG

NGUYỆN XIN TÌNH YÊU CHÚA XUÂN
ĐỔ TRÀN ÂN PHÚC XUỐNG TRÊN MỌI NHÀ

Cứ mỗi dịp tết đến xuân về có lẽ ai trong chúng ta cũng nô nức được đoàn tụ bên gia đình và người thân. Chúng ta cùng chúc nhau những lời chúc tốt đẹp nhất. Cũng vì tình yêu mến Chúa mà chị em chúng con luôn sẵn sàng dấn thân cho sứ vụ. Là một con người chúng con cũng có những nỗi buồn vì không được đón tết bên gia đình...Nhưng Chúa sẽ bù lại cho chúng con những cái khác.
Thật hạnh phúc cho chị em chúng con trong những ngày đầu xuân năm mới này, Dì Giám Học đã cho chị em chúng con đi thăm viếng các gia đình chị em ở miền Nam. Đây chính là cơ hội để Dì cũng như chị em chúng con hiểu về gia đình của chị em hơn. Chúng con đã cùng Dì đi thăm gia đình các chị, mỗi người một hoàn cảnh khác nhau nhưng đều có chung một điểm là tình yêu và lòng tin tưởng vào Chúa. Khi đến gặp các ông bà cố chúng con luôn nhận thấy nơi họ một niềm vui vì họ đã sẵn sàng dâng con cho Chúa. Nhưng...cũng không thể dấu trên khuôn mặt của những bậc làm cha làm mẹ nỗi lo âu về kinh tế gia đình, cũng như những đau đớn của bệnh tật mà họ đang gặp phải. Khi đến nơi đây, chúng con như được sống lại những giây phút bên gia đình của mình và ba mẹ các chị cũng như là ba mẹ của mình vậy. Có những lúc chúng con còn được nghe chia sẻ của họ về những trải nghiệm của đức tin mà họ từng trải qua trong cuộc sống gia đình. Ông bà ta có câu: “xem quả thì biết cây”- “gia đình là cái nôi của Giáo Hội”,...Cha mẹ chính là trường dạy đức tin đầu tiên cho con cái và cũng chính những người cha người mẹ đã ươm mầm cho con cái mình trong những bước đầu của ơn gọi dâng hiến. Tạ ơn Chúa!

XUÂN SANG KÍNH CHÚC MỌI NHÀ
VUI TƯƠI ĐẦM ẤM THẮM TÌNH CHÚA XUÂN
Có những người cha người mẹ đạo đức ươm mầm cho con trong đời sống, nhưng cũng có những người cha rượu chè... Chúa gọi người con và có lẽ cũng gọi cả những người cha ấy nữa. “Từ khi con đi tu tới giờ ba con không còn uống rượu như trước nữa, biết thương mẹ và cố chí làm việc hơn” một chị em đã chia sẻ tâm tình như thế. Chỉ có Chúa mới làm nên những việc kì diệu. Cùng với Chúa Xuân chúng ta cùng tạ ơn Chúa với chị em nhé!
Chúa gọi mỗi người một vùng miền khác nhau, kẻ ở Bắc - người ở Nam, kẻ ở vùng sâu - người vùng đồng bằng. Nhờ sự che chở của Chúa và qua tay Mẹ Maria, chị em chúng con đi đến thăm gia đình một chị em khá xa, đường đất đỏ ngoằn nghèo quanh co, đầy gió bụi, mỗi ngày chị ấy phải đi một đoạn đường khá xa, hơn mười cây số để tới nhà thờ tham dự thánh lễ, học giáo lí... Như thế mới thấy được lòng mộ đạo của gia đình chị em. Nhiều lúc bản thân con phải xem lại chính mình mỗi ngày con được ở trong nhà Chúa có các giờ kinh đầy đủ, có các linh mục tới dâng lễ mỗi ngày, có cơ hội gặp Chúa, viếng Thánh Thể Chúa...vậy mà tâm hồn con thờ ơ với Chúa quá nhiều. Trong những ngày đầu năm mới xin Chúa thứ tha.

MAI VÀNG ĐUA NỞ ĐÓN XUÂN
GIÚP CON LÃNH NHẬN HỒNG ÂN TRÀN ĐẦY
Mai vàng đã nở rộ báo hiệu một mùa xuân đến, mùa xuân đầy tình yêu của Chúa. Ngài chính là Chúa của mùa xuân: Xuân hiệp nhất-xuân hy vọng-xuân yêu thương. Làm sao để ta cảm nhận được tình yêu ấy? Mỗi sớm mai thức dậy là chúng ta còn có cơ hội  được sống và tạ ơn Chúa. Đó không phải là tình yêu? Mỗi ngày chúng ta còn được sống trong nhà Chúa. Đó không phải là tình yêu? Mỗi ngày Chúa ban cho ta có lí trí để ngắm nhìn kì công của Chúa. Đó không phải là tình yêu?...Như những cành mai tươi thắm ta hãy tạ ơn Chúa. Và chị em chúng ta có thêm một mùa xuân-thêm tuổi mới-thêm tình yêu Chúa, thêm yêu Dự tỉnh và hăng say hơn trong công tác mục vụ. Đó cũng chính là tâm tình mà chúng con nhận được khi đến thăm gia đình chị em. Niềm vui mà chúng ta có được mỗi ngày là khi biết cho đi “ chính lúc cho đi là khi ta được nhận lãnh” và sự nhận lãnh đó có vẻ còn nhiều hơn.

Đến thăm gia đình chị em điều đầu tiên mà chúng tôi nhận được là lòng nhiệt tình, hiếu khách từ những người thân trong gia đình của các chị. Xin Chúa trả công bội hậu cho gia đình các chị, giúp họ có một năm mới tràn đầy ân sủng Chúa và Mẹ Maria.
Và cũng trong dịp tết này chi em chúng con cùng với Dì Giám Học đã có cuộc giã ngoại khá thú vị. Trước tiên chúng con ghé thăm Đan Viện Thánh Mẫu Châu Sơn. Nơi đây chúng con được đón tiếp rất chu đáo, được tham dự thánh lễ rất sốt sắng, được tham quan Nhà Dòng. Và Cha Bề Trên còn tặng quà cho chúng con trước khi ra về.
Dì Giám Học đã cho chúng con có một kì nghỉ khá thú vị. Chị em được tham quan một vài cảnh đẹp ở thành phố Đà Lạt. Thật là vui!
Đời sống thánh hiến luôn đòi hỏi có sự quảng đại dấn thân, tự sức mình chúng ta không làm gì được. Hãy luôn cậy trông vào Chúa. Khi bước chân vào đời sống tu trì, chúng ta có một gia đình mới, là nơi để ta mở rộng tình yêu hơn. Chúng ta hãy cùng nhau dâng lên Chúa lời tri ân cảm tạ. Chị em học viện chúng con tạ ơn Chúa, cám ơn Mẹ Maria đã ban cho chúng con có một chuyến đi bình an và đầy ý nghĩa, đầy niềm vui trong những ngày tết xa mái ấm gia đình. Xin Chúa trả công bội hậu cho  các chị em đã cầu nguyện và cho các ân nhân đã giúp cho chúng con trong chuyến đi này. Chúng ta cũng không quên dâng lên Chúa những người thân yêu trong gia đình, những công việc mà họ sẽ thực hiện trong năm mới này.

Gia đình Dự tỉnh chúng ta cũng đang gặp nhiều khó khăn, xin Chúa Xuân luôn đồng hành và nâng đỡ để chị em chúng ta có cơ hội phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân.

 Nhân dịp đầu xuân năm mới chị em Học Viện chúng con kính chúc mọi người:
CHÚC NHAU ƠN THÁNH TRÀN ĐẦY
MONG TRÒN ƯỚC NGUYỆN KHÚC NÔI ÂN TÌNH
TRUNG KIÊN ĐI TRỌN HÀNH TRÌNH
THÀNH TÂM YÊU CHÚA CHỈ MÌNH CHÚA THÔI
DÂNG NGÀI VẸN NGHĨA PHU THÊ
HIẾN  DÂNG TẤT CẢ TRỌN BỀ TIN YÊU.

(Học viện Đaminh Mân Côi Monteils)