BỰC MÌNH VÀ ĐỜI SỐNG THIÊNG LIÊNG

Văn sĩ Mỹ Stanley Elkin có lần gợi ý “con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người có tính bực mình vào nước trời.” Và đúng thiệt.

Một ngạn ngữ Đức nói bạn có thể chết vì bực mình, và tôi ngờ, có không ít người chết vì nó thật. Còn chúng ta thì phải đối diện với nó mà áp huyết cứ tăng lên vùn vụt. Cũng như mấy con muỗi, chúng làm chúng ta bực mình khi đi pic-nic, những con muỗi nho nhỏ không ai muốn mà đến, không đáng kể trong tổng thể bối cảnh, nhưng đủ để lúc đó mất vui.

Cũng vậy với tất cả các cuộc họp mặt gia đình, bạn bè, đám cưới, sinh hoạt giáo xứ, sinh hoạt chung chung trong cuộc sống bình thường. Chúng ta có thể yêu thương và kính trọng sâu xa một người, chia sẻ cùng giá trị với họ, ngay cả sống chết với họ nhưng lại thường xuyên bực mình vì các tật kỳ quái của họ, cách anh tằng hắng giọng, cách chị lúc nào cũng đi trễ, cách anh ngáy vang động, cái tính thích kể chuyện tiếu lâm của anh, cách chị ăn uống ngâm nga chậm rãi, mái tóc lập dị, không chọn áo quần thích hợp, khiếu thẩm âm hơi khác người, không thích đồ ăn Mỹ, ăn xong vứt bừa chén bát vào bồn rửa chén, danh sách còn dài dài… Không có chuyện gì thật sự quan trọng, nhưng, như mấy con muỗi, nó làm cho buổi pic-nic mất vui.

Và đương nhiên còn luật Murphy, luật bi quan cho rằng các bực mình cứ nối tiếp vô tận với tác hại của chúng. Không phải vì các chuyện kỳ quái hay các thói quen xấu nhưng là nó đến không đúng lúc, đúng thì: “Tại sao anh tài xế trước mặt lái chậm như rùa trong lúc tôi sắp trễ cái hẹn quan trọng? Tại sao cô thợ cắt tóc lại chọn đúng lúc tôi sắp có cuộc họp quan trọng ở trường lại chải đầu tóc tôi như ổ quạ? Tại sao bạn đồng nghiệp tôi đau đúng lúc tôi chuẩn bị đi nghỉ hè? Có một nhiễm sắc tố ADN gì đó trong vũ trụ mà mục đích duy nhất của nó là thử thách tính kiên nhẫn và lòng bao dung của chúng ta không? “Luật Murphy” không có trách nhiệm trên các thảm kịch lớn của cuộc sống, nhưng nó có trách nhiệm rất nhiều trên lời nói mà đáng ra chúng ta không được nói trước trẻ con.

Điều buồn cười cho những chuyện bực mình này là chúng không phản ảnh các nét lớn trong cuộc sống, tính tình, giá trị, tình yêu, lòng biết ơn hay ý nghĩa cuộc sống nhưng chúng lại làm mất đi tầm nhìn.

Và vì thế khi chúng ta đi xuống ăn điểm tâm, khi thấy có ai trước đó đã làm đổ sữa trên sàn mà không lau, thế là đủ để chúng ta không thấy mặt trời vừa mọc, rằng chúng ta đang còn sức khỏe và còn sức sống, không còn thấy có bao nhiêu người yêu thương mình, mình có việc tốt để làm, và sắp thưởng thức bữa ăn sáng ngon lành. Một ít giọt sữa đổ, thay vì cám ơn Chúa thì lại kêu trời.

Cũng thế, khi vào phòng tắm, thay cho lời cám ơn vì có được phòng tắm hiện đại thì chúng ta bực mình, ai trước đó đã không để ra ba mươi giây thay cuộn giấy đã hết (“Chắc tôi là người duy nhất trong nhà này biết làm chuyện này!”) Chuyện vớ vẩn đó không phải là chuyện của nhà huyền bí, nhưng đời sống có những chuyện trần thế mà nhà huyền bí phải đối diện.

Chúng ta phải làm gì với các chuyện bực mình này?

Bà Erma Bombeck viết một phiên bản của bà cho đề tài cổ điển: “Nếu Tôi Có Một Đời Sống Để Sống Lại.” Trong đó, bà nói đến rất nhiều lần, trong vài trò làm mẹ, khi các con còn nhỏ, chúng đã đến quấy rầy bà, vẽ dơ tường, làm mất trật tự trong nhà, đến ôm bà với đôi bàn tay nhem nhuốc làm dơ áo đẹp của bà. Bà viết, nếu được làm lại, bà sẽ yêu thương các chuyện quấy rầy này, sẽ không để ý đến chuyện làm dơ bẩn, sẽ đến hôn đứa bé vừa làm dơ áo, vì, rất sớm, chúng sẽ ra đi, sẽ biến mất trong cuộc đời của mình, để lại chỉ là kỷ niệm, hoài niệm những điều tuyệt vời đã từng làm mình bực mình.

Thời gian và khoảng cách, rất sớm, sẽ lấy đi các chuyện quý giá và đến một ngày, chúng ta nhìn lại với tiếc nuối (hy vọng là với chút óc hài hước) cái ly sữa bị đổ trong bếp, cái cuộn giấy chưa thay, và chúng ta sẽ tự hỏi, tại sao lúc đó chúng ta lại bực mình. Và thời gian sẽ đi rất nhanh, rất nhanh khi những người thân yêu đã ra đi hoặc chúng ta chuẩn bị ra đi, khi chỉ còn tình thương mến, chúng ta sẽ nhớ lại các tật kỳ quái của họ, cách anh tằng hắng giọng, cách chị lúc nào cũng đi trễ, cách anh ngáy vang động, cái tính thích kể chuyện tiếu lâm của anh, cách chị ăn uống ngâm nga chậm rãi, mái tóc lập dị, không chọn áo quần thích hợp, khiếu thẩm âm hơi khác người, không thích đồ ăn Mỹ, và lúc đó, chúng ta thấy thời gian hạnh phúc với nhau, cùng chia sẽ với nhau quá ngắn.

J.B. Thái Hòa dịch

3 BƯỚC THỰC HÀNH LÒNG THƯƠNG XÓT

Thực hành lòng thương xót là việc chúng ta cần làm trong suốt cuộc đời. Vì đây là một trong những mối phúc mà Chúa Giêsu mời gọi người môn đệ, sống: Phúc thay ai biết xót thương người vì họ sẽ được Chúa xót thương. Nhưng không phải ai cũng có khả năng thể hiện lòng xót thương cách thiết thực đối với mọi người. Vì thế, trong bài viết ngắn này, xin đề nghị 3 bước thực hành lòng thương xót: cảm xúc, thấu cảm  hành động. Lòng thương xót thực sự phải hội đủ 3 yếu tố này. Làm sao có được hành động chứng tỏ lòng thương xót thực sự nếu không thấu cảm tình cảnh của tha nhân ? Và làm sao thấu cảm được tình cảnh của tha nhân nếu không biết trân trọng những thông điệp mà cảm xúc ban đầu đem lại ?
-Cảm xúc:
Đứng trước bất cứ một thực tại nào, phản ứng đầu tiên của con người là bộc lộ cảm xúc. Nó được hiểu như phần bề mặt cạn cợt và hời hợt, đồng thời, nó truyền tải một thông điệp chóng qua về một người hay một sự việc đã tác động cách nào đó đến bản thân. Có người cho rằng đây chỉ là loại hình thức bề ngoài giả tạo chẳng đáng người khác quan tâm. Nhưng thực ra, nó đóng vai trò không thể thiếu trong một tiến trình dẫn đến thực hành lòng thương xót.
Chẳng hạn, khi đứng trước đau khổ của người đồng loại, chúng ta cảm thấy xúc động mạnh mẽ, muốn làm một điều gì đó để xoa dịu nỗi đau của họ. Xúc động này được thánh Toma Aquino giải thích từ sự bất toàn của hữu thể, nghĩa là tôi cảm nhận một sự thiếu thốn nào đó trong mình nên cũng dễ thông cảm với những nỗi đau của người khác. Xét dưới một góc độ khác, cảm xúc hay xúc động ban đầu ấy là biểu hiện cụ thể của “mầm thiện” mà Thiên Chúa đã đặt để vào lòng người để con người có thể tương giao với mọi người bằng tình yêu và lòng xót thương. Dù xét theo phương diện nào, tự thân cảm xúc ấy là một biểu hiện thiết thực trong đời sống: vui với người vui, khóc với người khóc là thế !
Thực tế cho thấy, đôi khi có thái độ cẩn trọng hay do vì những gian dối trong đời thường mà con người bỏ qua hoặc phủ nhận những biểu hiện ấy khiến dần dà trở nên dửng dưng trước mọi nỗi thống khổ của con người. Có những người bảo: làm ơn mắc oán, và từ đó, họ đã có thể gạt bỏ tiếng nói bên trong mời gọi họ thi thố lòng thương xót. Bởi đó, chỉ có những người thực sự can đảm mới khả dĩ biểu thị lòng thương xót trong một xã hội nhiễu nhương như hiện nay. Như người Samaritanô nhân hậu, chúng ta cần “chạnh lòng thương” khi đối diện với đau khổ của đồng loại, đến nỗi không phân biệt người đó là nam hay nữ, là lương hay giáo…mà xuống lừa, ra khỏi sự an toàn của bản thân để đến bên người bất hạnh kia; mặc dù, có thể biết rằng mình bị thiệt thòi cách nào đó. Lòng thương xót phải là sức mạnh giúp ta vượt thắng mọi trở ngại dọc đường. Thiết tưởng, đó cũng là tâm tình Đức Phanxicô mời gọi mọi người khi nói: “Tôi muốn có một Hội Thánh, bị tổn thương và nhơ bẩn vì đã ở ngoài đường, còn hơn một Hội Thánh bệnh hoạn vì đóng cửa và thanh nhàn bám víu vào sự an toàn của riêng mình” (Tông huấn Niềm vui Tin Mừng số 49). Qua đó, chúng ta nhận ra chỉ những người đã từng bị tổn thương và nhơ bẩn mới dễ dàng đồng cảm với nỗi thống khổ của tha nhân, đồng thời, thấu hiểu khát vọng được chữa lành nơi người bất hạnh.
Làm sao chúng ta có thể thực thi lòng thương xót khi ngoảnh mặt làm ngơ bỏ mặc người kia dở sống dở chết ? Chúng ta có thể nhân danh một thứ luật thanh sạch nào đó để bỏ qua một tác động của lòng thương xót. Hoặc nhân danh một sự an toàn bản thân giả tạo nào đó mà chúng ta đã loại người anh em ra khỏi cuộc đời mình. Thật ra, những xúc động và cảm xúc ban đầu là cửa ngỏ mở ra cho một tương quan tốt đẹp và sâu xa đối với nỗi bất hạnh của người khác. Nhưng nếu dừng lại ở bước đầu này, con người chỉ làm thỏa mãn nhất thời một thứ tình cảm ủy mị, nó thực tế nhưng không hiệu quả, nếu không muốn nói là đôi khi phản tác dụng và lệch với ý hướng tốt đẹp ban đầu. Điều cần thiết lúc này là tiếp cận trực tiếp với thực tại quanh ta.
-Thấu cảm:
Nó được hiểu là sự nhận thức đúng đắn về thực tại mình đang sống. Thật thế, nếu như đặc tính của muối là sát khuẩn nhưng khi được dùng vào việc chà xát vết thương hở thì càng làm cho đương sự cảm thấy đau xót hơn. Cũng vậy, nếu chúng ta hành động nóng vội khi chưa tiếp cận và hiểu biết thực sự về tình trạng của người khác, chúng ta có thể làm họ tổn thương hơn. Bởi đó, thấu cảm là một khả năng siêu việt có sức mạnh nội tại đi vào tận bên trong những tâm tình sâu kín đang ẩn khuất tự lòng người. Một người thấu cảm có thể sống nỗi đau của người khác như một vết thương của lòng mình bằng cách để cho huyền nhiệm của người khác đi vào cuộc đời mình.
Chuyện kể rằng một vị linh mục kia đã đi đến an ủi một người giáo dân vừa mất chồng trong một vụ tai nạn. Sau khi nghe những lời “huấn giáo” của vị mục tử, bà nhìn thẳng vào ngài và nói: “Cha có phải là con không mà có thể khuyên bảo và an ủi một kẻ mất chồng ?”. Vị linh mục tỉnh ngộ và nhận thức rằng mình chỉ khuyên trên lý thuyết và sách vở mà không ăn nhập gì với nỗi đau của người kia. Thấu cảm đòi buộc một thái độ lắng nghe chân thành mà vị linh mục kia quên sót.
Làm sao chúng ta có thể thấu cảm nếu không đặt mình trong hoàn cảnh của người khác ? -Cần bước đi bằng chính đôi giầy của họ. Bởi đó, một khi không nhận thức đủ về thực tại đau thương của người khác mà mình đang đối diện, có thể khiến cho tình trạng của họ thêm trầm trọng chăng ! Có ý hướng ngay lành chưa đủ, cần một con tim biết lắng nghe.
Điều này chúng ta có thể tìm câu trả lời nơi Đức Maria. Trong lúc chủ tiệc cưới tại Cana muốn che giấu nỗi lo lắng và xấu hổ vì phải chịu cảnh hết rượu, Mẹ Maria đã tinh tế nhận ra những thao thức của họ mà xin Chúa Giêsu trợ giúp. Thật vậy, một con tim biết lắng nghe bao hàm một tâm hồn nhạy cảm, chấp nhận đi vào cuộc đời người khác mà không làm họ tổn thương. Chính khi đã thấu cảm nỗi thiếu thốn của người đồng loại, Mẹ biết mình cần phải làm gì. Và một khi nhận ra sự bất lực ấy, Mẹ chạy đến với Chúa Giêsu.
-Hành động:
Hành động là hệ quả tất nhiên của một tâm hồn thấu cảm. Với kinh nghiệm đã được chữa lành, họ biết cách làm cho người khác sống vững mạnh hơn. Với óc quan sát thực tiễn, họ có thể thực thi lòng thương xót trong tinh thần phục vụ và yêu thương. Như người Samaritanô tốt lành, sau khi đã thấu cảm về những gì người bất hạnh gánh chịu, ông lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại; đồng thời, đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc, hơn thế nữa, ông sẵn sàng chấp nhận mọi tốn kém miễn sao cho người kia được chữa lành (x. Lc 10, 29-37). Cái giá của lòng thương xót không chỉ mua bằng tiền mà còn cả lòng quảng đại cho đi bất chấp sự phiền toái đến với bản thân mình. Khi thực thi lòng thương xót, đôi khi người ta phải đình hoãn những dự phóng của bản thân mình để có thể cúi xuống những mảnh đời bất hạnh. Tương lai phó thác cho lòng thương xót Chúa, hiện tại họ sống lòng thương xót với người anh em. Họ sẽ nhận được gì ? –Thưa: lời chúc phúc của Chúa: Phúc thay ai biết xót thương người vì họ sẽ được Chúa xót thương.
Nhìn chung, ba bước thực hiện lòng thương xót ấy được cụ thể nơi cuộc đời mẹ Têrêsa Calcutta. Vào một ngày đẹp trời, khi ra khỏi tu viện, Mẹ đã xúc động trước nỗi thống khổ của những người bất hạnh trong khu ổ chuột tại Calcutta. Mẹ thấu cảm được nỗi cô đơn của họ khi cái chết gần kề, rình rập cướp đi sự sống và phẩm giá của họ. Mẹ nhận thức rằng họ muốn chết với cái chết của một con người đáng được tôn trọng. Lời Chúa: Ta khát, cứ ám ảnh Mẹ suốt ngày đêm khiến người phụ nữ nhỏ nhắn ấy đã quyết định hết sức táo bạo: chấp nhận ra khỏi sự an toàn của bốn bức tường tu viện để phục vụ những người bất hạnh ở đây. Và ước nguyện của Mẹ đã được đón nhận khi một người trong họ chết đi với lời nhắn gởi: Cám ơn Mẹ đã cho tôi chết cái chết của một con người. Rồi Mẹ cũng đã ra đi, nhưng nghĩa cử ấy lại được nhân rộng qua những tâm hồn quảng đại khác ở khắp nơi trên toàn thế giới. Qua đó, Mẹ như muốn nói với nhân loại: Lòng thương xót không phải thực hiện tùy hứng nhưng nó phải trở thành ơn gọi, ơn gọi thực thi lòng thương xót, nghĩa là con người không thể sống nếu không thi thố lòng xót thương.
EYMARD An Mai Đỗ, O.Cist.
http://dongten.net

CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN-A

Có một lần người thầy của tôi đã nói: “Nếu ai có tính ghen tỵ là tự hành hạ và tự đầy đọa chính mình. Nó giống như có một con rắn độc trong tim, nên không bao giờ có thể yên vui để thưởng thức mọi niềm vui và hạnh phúc trên đời”
Đó cũng là nỗi đau của bà dì ghẻ của nàng Bạch Tuyết năm xưa. Bà đã sống trong đau khổ khi cố dùng mọi mưu trí hèn hạ để hại người, nhưng rút cuộc “gậy ông lại đập lưng ông”, chính bà nuốt nỗi khổ đau của sự thất bại suốt đời.
Nhưng đáng tiếc, sự ghen ghét, đố kỵ hầu như có mặt ở mọi nơi. Sự ghen ghét có thể ở trong mọi thành phần, mọi giai cấp. Sự ghen ghét thể hiện rất rõ trong những lần trà dư tửu hậu. Trong các quán café. Trong những quán cóc ven đường. Khi có vài người tụ tập thường là có sự ghen ghét nảy sinh. Vì dường như ai cũng có tính ghen ghét người khác hơn là khâm phục, khích lệ lẫn nhau.
Khi ai đó bàn luận về một người nào đó vừa đẹp, vừa tài năng lại vừa hạnh phúc, thì sẽ có ngay kẻ phán rằng, hạnh phúc đó là tạm thời, giả tạo. Và rồi, là tìm hiểu, moi móc, rêu rao khiếm khuyết của họ.
Sự ghen ghét khiến chúng ta không muốn người khác bằng mình và đương nhiên không bao giờ chấp nhận người khác hơn mình. Đôi khi còn đạp đổ để ai đó không có cơ hội phát triển thêm.
Sự ghen ghét còn ẩn chứa trong cả lời cầu nguyện khi không muốn người khác gặp may lành, và điều tệ hại là còn muốn anh em gặp sự dữ như câu chuyện vui sau:
Chuyện kể rằng có người đàn ông rất may mắn, được Trời cho ước gì được nấy. Tuy nhiên, đi kèm với sự may mắn đó là điều kiện: Bất cứ điều gì ông ta ước, người hàng xóm sẽ có gấp đôi. Thế là khi ông ta sở hữu ngôi nhà đẹp, người hàng xóm liền có một dinh thự lỗng lẫy. Ông ta ước mình giàu có, người hàng xóm có hẳn một mỏ vàng… Không chịu được sự "bất công" đó, người đàn ông may mắn liền ước mình bị mù một mắt để người hàng xóm bị mù cả hai!
Chính lòng đố kỵ đã tạo nên sự nhỏ nhen, biến thành cảm giác hận thù và suy nghĩ mù quáng cho ông ta: thà kém may mắn hơn một chút để người khác đau khổ hơn mình thay vì chọn điều ngược lại.Hôm nay, Chúa trách những người làm công vườn nho: “chẳng lẽ tôi lại không có quyền tùy ý định đoạt về những gì là của tôi sao? Hay là các ông vì thấy tôi tốt bụng mà đâm ra ghen ghét?
Chúa trách là đúng. Vì ai Chúa cũng ban cho có phần, nhưng lại không muốn người khác được phần bằng mình. Khi tính ích kỷ ghen ghét đã lấn át. Cái tôi ngự trị, người ta chỉ còn nghĩ đến mình, thu vén mọi lợi ích cho mình mà quên đi nhu cầu của tha nhân. Ai cũng cần cuộc sống được khá hơn, được thoải mái hơn, nhưng chúng ta lại không chúc phúc cho họ mà còn dèm pha và đạp đổ họ.
Thiên Chúa thì không như vậy. Tình yêu của Chúa vượt qua mọi tính toán thiệt hơn theo kiểu con người. Ngài không ban phát theo lẽ công bằng thường tình mà do lòng thương xót bao la của Chúa. Ngài ban phát cho người thợ giờ thứ nhất cũng bằng người thợ thứ mười một, miễn là họ đã hoàn thành công việc được giao, với tất cả trách nhiệm và thiện chí của mình.
Điều này còn là dấu chỉ cho tình thương cứu rỗi của Thiên Chúa. Ngài sẽ cứu độ mọi người. Ngài dành tình thương cho mọi người. Tuy nhiên, không phải ai cũng được cứu rỗi. Tình thương Chúa vẫn dành cho mọi người, nhưng điều quan yếu là họ đã đáp lại lời Chúa. Họ đã sống lời Chúa. Dù chỉ là thời gian ngắn thì họ vẫn được Chúa ban phúc thiên đàng cho họ như bao người tín hữu khác. Họ phải luôn khoác trong mình chiếc áo của ân sủng, chiếc áo của hiệp nhất trong Chúa thì không bị loại ra khỏi bàn tiệc.
Xin cho chúng ta luôn tin tưởng vào tình thương của Chúa để ăn năn trở về với Chúa. Ước gì chúng ta cũng nhận ra tình thương của Chúa vẫn dành cho chúng ta, dù rằng chúng ta không xứng đáng để nhờ đó mà sống tâm tình tạ ơn Chúa. Ước gì chúng ta cũng biết vui với người vui, khóc với người khóc trong tinh thần tương thân tương ái thay cho tính ghen tương, ích kỷ nhỏ nhen thường tình. Amen.
Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền

CHẲNG CÓ GÌ LÀ TUYỆT ĐỐI CỦA RIÊNG CHÚNG TA

Chúng ta không sở hữu thứ gì. Những quyển sách đó thật sự không phải là của tôi. Chúng được trao cho tôi sử dụng tạm thời. Chẳng có gì thuộc về ai, và không bao giờ được quên điều đó.”

Tất cả đều là tặng vật. Đây là một nguyên tắc căn bản tận cùng của mọi linh đạo, mọi luân lý và giới răn. Tất cả đều là tặng vật. Chẳng có gì có thể tuyên bố tuyệt đối là của chúng ta. Sự nhạy cảm luân lý và tôn giáo chân chính phải giúp chúng ta nhận ra điều này. Chúng ta không có quyền chiếm hữu hoàn toàn sự gì.

Và đây không phải một nhận thức tự nhiên mà có. Cách đây vài năm, một nhà sư đã chia sẻ với tôi rằng suốt những năm đầu vào chùa, ông đã phẫn uất đến thế nào khi luôn phải hỏi xin Trụ trì mỗi khi muốn có điều gì đó. “Tôi từng nghĩ rằng chuyện đó thật ngu ngốc, tôi là một người trưởng thành, vậy mà phải hỏi xin bề trên mỗi khi muốn điều gì đó. Nếu tôi muốn có áo mới, tôi phải hỏi xin Trụ trì cho tôi được phép mua nó. Tôi nghĩ thật là lố bịch khi biến một người trưởng thành hạ giá xuống như một đứa trẻ.”

Nhưng rồi đến một ngày, ông cảm nhận: “Tôi không chắc vì sao, nhưng một ngày nọ tôi nhận ra rằng có một mục đích và khôn ngoan trong việc phải xin phép mọi thứ. Tôi nhận ra rằng chúng ta chẳng có gì tự nhiên là của chúng ta và chẳng có gì chúng ta chiếm hữu làm của riêng mình. Tất cả đều là tặng vật. Tất cả đều phải xin. Chúng ta cần biết ơn vũ trụ và Thượng đế vì đã cho chúng ta dù chỉ một chút không gian nhỏ nhoi. Giờ mỗi khi xin phép Trụ trì những lúc cần gì đó, tôi không còn cảm thấy mình là con nít nữa. Mà tôi thấy mình hòa hợp với đường lối của vạn vật, một vũ trụ của tặng vật mà trong đó không ai trong chúng ta có quyền tuyên bố chiếm hữu tuyệt đối bất kỳ điều gì.”

Đây là sự khôn ngoan luân lý và tôn giáo, nhưng sự khôn ngoan này đi ngược lại đặc tính thống trị trong nền văn hóa của chúng ta và cả những xu thế mạnh nhất của chúng ta nữa. Từ cả bên trong và bên ngoài, chúng ta đều nghe vang vọng một lời thế này: Nếu bạn không thể chiếm được điều bạn mong muốn thì bạn là kẻ yếu đuối, và yếu đuối cả hai mặt. Thứ nhất, bạn là người yếu đuối, quá rụt rè để chiếm lấy những gì là của mình. Thứ hai, bạn bị sự thận trọng của tôn giáo và luân lý làm suy yếu nên không thể nắm lấy thời cơ của mình. Không chiếm lấy những gì là của mình, không phải là nhân đức mà là sai lầm.
Đây cũng chính là tiếng nói mà nhà sư trên đã nghe trong thời trai trẻ, và vì thế mà nhà sư thấy phẫn uất và thấy mình non nớt.

Nhưng Chúa Giêsu không nói những lời như thế. Kinh thánh chỉ ra khá rõ rằng Chúa Giêsu sẽ không quá để tâm vào những thái độ cương quyết, hung hăng và tích trữ trong xã hội, không xem chúng là tính cách đáng ngưỡng mộ. Tôi không nghĩ Chúa Giêsu sẽ hưởng ứng sự hâm mộ của chúng ta dành cho những người nổi tiếng và giàu có, những người tuyên bố mình có quyền trên tài sản và danh vọng cực độ của mình. Chúa Giêsu nói rằng con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào thiên đàng, nhưng hẳn có thể nói rõ thêm rằng: “Trừ phi, người giàu đó, nên như đứa trẻ, xin phép vũ trụ, xin phép cộng đồng, và xin phép Chúa, mỗi khi mua một chiếc áo mới!” Khi Chúa Giêsu bảo chúng ta rằng trẻ con và người nghèo dễ vào thiên đàng nhất, thì không phải là Ngài đang thần tượng hóa sự ngây thơ và nghèo khổ đâu. Mà Ngài đang nêu bật nhu cầu phải nhận ra và thừa nhận sự lệ thuộc của mình. Xét tận cùng, chúng ta không tự làm nên con người mình và chẳng có gì tất yếu là của chúng ta cả.

Khi tôi còn ở nhà tập, một giám tập đã cố ghi khắc cho chúng tôi ý nghĩa của sự khó nghèo tu sỹ, bằng cách bảo chúng tôi viết lên toàn bộ sách vở hai chữ La Tinh: Ad Usum. Nghĩa là: Để dùng. Việc này là để chúng tôi hiểu rằng, quyển sách này được giao cho chúng tôi sử dụng, chứ chúng tôi không chiếm hữu nó tuyệt đối. Nó chỉ là của chúng tôi tạm thời mà thôi. Và như thế, mọi thứ khác được trao cho chúng ta sử dụng riêng cũng vậy, từ bàn chải đánh răng cho đến chiếc áo mang trên người. Chúng không thật sự là của chúng ta, mà chỉ đơn giản là được trao cho chúng ta sử dụng.

Một trong các bạn tập sinh của tôi đã rời dòng và làm bác sĩ. Anh vẫn là bạn thân với chúng tôi, và một hôm nọ anh chia sẻ với chúng tôi rằng, dù giờ là bác sĩ, anh vẫn viết những lời đó trong mọi quyển sách của mình. “Tôi không còn ở trong dòng tu, và không có lời khấn khó nghèo, nhưng nguyên tắc mà giám tập dạy cho chúng ta vẫn có giá trị với tôi. Xét cho cùng, chúng ta không sở hữu thứ gì. Những quyển sách đó thật sự không phải là của tôi. Chúng được trao cho tôi sử dụng tạm thời. Chẳng có gì thuộc về ai, và không bao giờ được quên điều đó.”

Một người trưởng thành phải xin phép để mua một chiếc áo không phải là chuyện xấu. Mà nó nhắc cho chúng ta nhớ rằng vũ trụ thuộc về tất cả mọi người và tất cả chúng ta phải biết ơn khi có được dù chỉ là một không gian nhỏ cho mình.

J.B. Thái Hòa chuyển dịch

Linh mục Ron Rolheiser, OMI

NỖI CÔ ĐƠN TINH THẦN

Nơi chốn chúng ta cô đơn nhất là ở phần tinh thần của tâm hồn, chính xác đó là nơi chúng ta cảm nhận mãnh liệt nhất tất cả mọi sự và là nơi chúng ta cất giữ, trân trọng và bảo vệ tất cả những gì quý giá nhất đối với chúng ta

Trong quyển sách Cẩm Nang Lời Cầu Nguyện Thần Bí, nữ tu sĩ dòng Kín Ruth Burrows đã có một nhận xét lý thú về thánh Tê-rê-xa Hài Đồng Giê-su. Nhìn các hình của thánh Tê-rê-xa, bà để ý một nét xa vắng, lẻ loi một mình mà lúc nào trên  khuôn mặt của nữ thánh cũng để lộ ra dù chụp chung với cả nhóm. Lúc nào cũng xa vắng dù bà là người rất hòa đồng với mọi người, con người của xã hội. Có một cái gì cô đơn lẻ loi mà không có gì có thể xóa mờ.

Bác sĩ tâm thần Robert Coles cũng có một nhận xét như vậy về nữ triết gia Simone Weil và đã mô tả rất hay về đặc tính này. Ông nghĩ bà chịu đựng một tình trạng “cô đơn tinh thần.”

Cách đây khá lâu, tôi có viết một quyển sách về nỗi cô đơn và đã đưa ra bốn kiểu cô đơn chính: xa lánh, hiếu động, không gốc rễ, suy thoái tinh thần. Nếu bây giờ phải viết lại quyển sách này, tôi sẽ thêm vào một kiểu cô đơn khác, cô đơn tinh thần. Cô đơn tinh thần là gì?

Cô đơn là trọng tâm đời sống chúng ta. Cảm nhận cô đơn, bức rức, lẻ loi một mình thì không phải là chuyện chúng ta thấy bên lề cuộc sống. Nó nóng bỏng trong lòng chúng ta. Chúng ta không phải là những người yên tịnh lâu lâu cần ở một mình nhưng là những người bận rộn liên miên lâu lâu cần yên tịnh một mình. Và đúng như vậy trong mọi cấp bậc cuộc sống: thể xác, tâm lý, tâm hồn, dục tính. Chúng ta lúc nào cũng bức rức, hiếu động, đói khát, nhớ lại mọi người, không lúc nào cảm thấy kết hợp với người khác.

Trong đời sống này, chúng ta không bao giờ vượt lên được tình trạng này. Lúc nào cũng cảm thấy mình lẻ loi, xa cách. Đôi khi tâm trạng lẻ loi này chưa tượng hình, chúng ta không biết mình muốn gì, cần gì và đôi khi phải đau lòng để nhận thấy nó, rồi nó trở thành nổi ám ảnh. Lúc nào nó cũng còn đó.

Thời buổi này người ta tin vào chuyện này quá dễ, cuối ngày, đó đơn giản chỉ là cơn đói khát tình dục. Có những tiếng nói thật mạnh cứ khăng khăng cho rằng cái chúng ta thật sự cô đơn, chúng ta thật sự cần là dục tính. Nói gì đi nữa cũng là che đậy chuyện đó. Đối với chúng ta, thành ngữ “người yêu” chỉ đơn giản là “đối tượng dục tính.” Dục tính được xem là thần dược trị bách bệnh, câu trả lời tối hậu cho tình trạng lẻ loi một mình.

Đúng một phần, nhưng hoàn toàn xa, rất xa sự thật. Khi các điều kiện hội đủ thì kết hợp trong dục tính là kết hợp nên “một thân xác” được Thiên Chúa cho phép để vượt lên nổi cô đơn: “Con người ở một mình thì không tốt.” Ngoài phạm vi kết hợp trong dục tính, rốt cùng thì chúng ta lúc nào cũng cảm thấy lẻ loi, cô đơn, một mình. Tuy nhiên, như kinh nghiệm cho thấy, kết hợp trong dục tính chính nó không đảm bảo để khỏi lẻ loi. Vì sao? Vì chúng ta lẻ loi ở những cấp bậc mà dục tính không với tới. Cô đơn sâu xa nhất của chúng ta là cô đơn tinh thần.

Nơi chốn chúng ta cô đơn nhất là ở phần tinh thần của tâm hồn, chính xác đó là nơi chúng ta cảm nhận mãnh liệt nhất tất cả mọi sự và là nơi chúng ta cất giữ, trân trọng và bảo vệ tất cả những gì quý giá nhất đối với chúng ta. Đó là nơi thiêng liêng, nơi chúng ta cảm thấy bị xúc phạm khi sự toàn vẹn của những gì mình cho là quý giá bị tấn công.

Hiếm khi người khác vào được nơi đó, dù bằng tình thương hay bạo lực. Tại sao? Vì chúng ta rất cẩn thận về nơi mà chúng ta trân quý. Như thử nơi này là nơi chúng ta yếu mềm nhất, và đó cũng là nơi chúng ta cần bảo vệ mạnh nhất. Và thường thường đó là nơi chúng ta cảm thấy lẻ loi. Một cô đơn cùng cực như vậy cuối cùng dẫn đến một cô đơn tinh thần. Nó còn cô đơn sâu xa hơn ngay cả chờ đợi ở đối tượng tình dục, vì chúng ta chờ đợi sự đồng cảm tinh thần, chờ đợi người đồng hành với chúng ta trên con đường sâu đậm này, nơi các giá trị quý giá nhất của chúng ta được chia sẻ và giữ gìn.

Nỗi cô đơn sâu đậm nhất của chúng ta là vì chúng ta chờ đợi có người cùng thở nhịp thở tinh thần, một tâm hồn thân thích, một tâm hồn tri kỷ trong nghĩa đúng nhất của chữ này. Bạn tri kỷ và hôn nhân hòa hợp luôn luôn là nền tảng của mối tâm giao tinh thần. Những người ở trong mối quan hệ này là những “người tình” trong nghĩa sâu xa nhất vì họ ăn ở cùng một nơi, nơi đáng kể nhất, dù cho họ có kết hợp dục tính hay không. Trong kinh nghiệm tâm giao tinh thần, chúng ta có kinh nghiệm “về nhà.” Đôi khi nó nhuốm màu sắc hấp dẫn của dục tính và tình cảm lãng mạn và đôi khi không. Luôn luôn có cảm giác người kia thân thuộc với mình về mặt tinh thần, họ quý những gì mình quý. Như trong Thánh Kinh, chúng ta có cảm giác như cảm giác của ông A-dong khi thấy bà E-và lần đầu tiên: “Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi!”

Đa số chúng ta để cả đời đi tìm nó và có lẽ giống như Simone Weil và Tê-rê-xa Hài Đồng Giê-su, chúng ta không bao giờ tìm thấy, cho dù chúng ta có một hôn nhân tốt đẹp, gia đình lành mạnh, bạn tri kỷ. Phải làm gì? Theo Tê-rê-xa, rốt cùng chúng ta là những kẻ “lưu đày của quả tim” và chúng ta chỉ có thể vượt qua tình trạng xa cách này bằng một loại huyền bí nào đó, chẳng hạn, cùng ăn ở với nhau trong tình bác ái, kiên nhẫn, hòa bình, hân hoan, lòng tốt, trung tín, đau khổ, dịu hiền và khiết tịnh. Có một cô đơn ở ngoài dục tính, cô đơn tinh thần. Muốn vượt lên đòi hỏi một tình yêu cao hơn, cùng ăn ở với nhau trong Thần Khí.

Linh mục Ron Rolheiser, OMI

J.B. Thái Hòa dịch

Tu Viện Mẹ Thiên Chúa



Vào lúc 7h30 sáng ngày 16/09/2017, tại Tu Viện Mẹ Thiên Chúa thuộc Giáo xứ Tân Xuân - Thị Xã Long Khánh - Đồng Nai, đã tiến hành bỏ phiếu kín bầu Bề Trên Tu Viện trong nhiệm kỳ: 2017 - 2020, với sự có mặt đông đủ của toàn thể chị em trong Tu Viện Mẹ Thiên Chúa. Vị chủ tọa là Chị Phó Bề Trên Tu Viện: Immaculaire Thân Thị Diễm Lan đã hướng dẫn chị em tiến hành việc bỏ phiếu một cách khách quan theo đúng Hiến Pháp của Hội Dòng. Được Chúa Thánh Thần soi sáng, chị em đã đưa ra quyết định của mình trong việc bầu chọn vị Bề Trên Tu Viện mới. Với số phiếu 11/15, Chị Marie Thérèse Nguyễn Thị Hằng đã tái đắc cử Bề Trên Tu Viện trong nhiệm kỳ mới. Nguyện xin Ba Ngôi Thiên Chúa đổ tràn muôn vàn hồng ân xuống trên Chị trong Sứ vụ này để Chị luôn chu toàn trách nhiệm và bổn phận mà các chị em trong Tu Viện đã tín nhiệm Chị.

CHÚA NHẬT XXIV THƯỜNG NIÊN - A

Khi bị người khác xúc phạm, có người cảm thấy bị tổn thương nghiêm trọng, nên lồng lên dữ dội như con thú bị trúng thương; có người cảm thấy máu sôi lên trong huyết quản, người nóng bừng lên, hơi thở dồn dập, mặt đỏ gay.
Trong hoàn cảnh đó, phản ứng thông thường của đa số là tìm cách trả đũa thật đích đáng. Thậm chí có người cho rằng thà chịu chết còn hơn chịu nhục. Thế là giông tố sẽ bùng lên, những trận đòn thù như vũ bão sẽ ập đến, hậu quả không biết đâu mà lường!
Trong khi đó, Chúa Giêsu, trong thân phận con người, và nhất là trong cuộc thương khó của Người, đã bình thản đón nhận mọi sỉ nhục, nhạo cười, lăng mạ, phỉ nhổ, chịu hành hạ, chịu đánh đòn, chịu đội mão gai, chịu vác thập giá, chịu chết trần truồng, chịu vô vàn đau thương chồng chất và chịu chết tủi nhục trên thập giá mà không hề oán hận hay nguyền rủa những con người bội bạc xúc phạm đến mình, trái lại còn đem lòng thương xót và cầu xin Chúa Cha tha thứ cho họ. (Luca 23, 33)
Đối mặt với vô vàn xúc phạm đủ mọi hình thức, Chúa Giêsu sẵn sàng tha thứ và kêu mời mọi người hãy tha thứ cho nhau, tha thứ liên tục không ngừng.
"Bấy giờ, ông Phê-rô đến gần Đức Giêsu mà hỏi rằng: "Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?" Đức Giêsu đáp: "Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy." Nói như thế có nghĩa là Chúa dạy hãy tha thứ liên tục không ngừng.
Quả là một đòi hỏi vượt quá sức người. Làm sao con người đầy sân hận lại có đủ bản lãnh và khí phách để thực hiện lời truyền dạy của Chúa Giêsu?
1. Con người mắc phải lầm lỗi vì mù quáng, vì thế họ đáng thương chứ không đáng trách.
Chúa Giêsu không những tha thứ mà còn yêu thương những kẻ kết án và đóng đinh Người vì Người biết họ hành động cách mù quáng, mà mù quáng thì đáng thương hơn là đáng trách. Họ mù quáng nên không nhận ra Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa. Họ tưởng rằng khi kết án Chúa Giêsu là họ bảo toàn vinh quang Thiên Chúa, không để cho uy danh Thiên Chúa bị xâm phạm bởi một người phàm làng Nadarét ngạo mạn xưng mình là Con Thiên Chúa.
Charlie Charplin nhận định: "người ta mắc phải lầm lỗi là do sự mù quáng của mình. Thế nên người ngu thì lên án họ; người khôn thì thương xót họ."
Không giống như bao nhiêu người thiếu hiểu biết thường vội vàng kết án người khác căn cứ vào hành vi lầm lỗi bên ngoài của tội nhân, Chúa Giêsu là Đấng khôn ngoan thấu suốt lòng dạ con người; Người biết rằng phần lớn những tội người ta phạm là do mù quáng, do thiếu hiểu biết mà ra, vì thế, thay vì lên án, Người thương xót những kẻ mắc phải lỗi lầm và tha thiết cầu xin Chúa Cha tha thứ cho họ. "Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm." (Lc 23, 33)
2. Không ai cố tình làm điều ác.
Ngoài ra, nhà hiền triết Socrate cũng có cùng quan điểm như thế. Ông nhận định rằng: "không ai cố tình làm điều ác" và "sở dĩ người ta làm điều ác là vì mù quáng, thiếu hiểu biết"
Dale Carnegie, một học giả trứ danh người Mỹ nổi tiếng với nhiều tác phẩm bán chạy nhất thế giới quả quyết rằng: "Tôi đã bỏ ra gần 70 năm trong đời để khám phá ra chân lý nầy là dù người ta có lỗi nặng đến đâu, thì trong 100 lần phạm lỗi, thì có đến 99 lần người ta tự cho là mình vô tội." Phần lớn các phạm nhân cho rằng mình vô tội vì nghĩ rằng những hành động họ làm được thúc đẩy bởi lòng tốt chứ không phải bởi ác tâm.
Xét lại bản thân mình, chúng ta thấy rằng dù mỗi người chúng ta đã từng phạm nhiều lầm lỗi trong cuộc sống, nhưng chưa bao giờ chúng ta hành động vì ác tâm. Từ đó suy ra, trong phần đông nhân loại, không mấy ai cố tình làm điều ác. Vì thế chẳng nên kết tội người khác nhưng hãy sẵn sàng thứ tha cho họ.
Tóm lại, để có thể tuân giữ lời mời gọi tha thứ liên lỉ, tha thứ không ngừng của Chúa Giêsu, chúng ta cần xác tín như nhà hiền triết Socrate rằng: "Không ai cố tình làm điều ác", "sở dĩ con người phạm phải lầm lỗi là do sự mù quáng của mình".
Và hãy ghi tâm lời nhận định của Charlie Charplin: "con người mắc phải lầm lỗi là do sự mù quáng của mình. Thế nên, người khôn thì thương xót họ, người ngu thì lên án họ."
Và nhất là học theo gương Chúa Giêsu, cảm thông sâu sắc với người tội lỗi, cầu xin Chúa Cha tha thứ cho họ vì họ mù quáng, "không biết việc họ làm" (Lc 23,33).

Lm Ignatiô Trần Ngà

THIÊN CHÚA NÓI VỚI TÔI QUA CON NGƯỜI

Gặp gỡ là một ơn, người mà tôi tiếp xúc là một món quà. Qua những điều rất bình dị này tôi nhận biết mình hơn, nghe được tiếng Chúa nói với mình rõ hơn. Qua những con người, Chúa nói với tôi phải làm gì và nên có tâm tình như thế nào. Qua những chuyển động nội tâm trong sâu thẳm mình, Chúa cho tôi thấy giá trị của việc nhận ra chính mình để tiếp tục hoán cải. Thiên Chúa trao gởi tôi cuộc sống kèm theo lời mời gọi, cuộc sống là những mối tương quan và lời mời gọi ấy như là những sứ mạng. Và như thế, cuộc sống luôn là món quà, anh chị em xung quanh là một ơn huệ và việc sống với họ là một sứ mạng của đời tôi. 
Nơi nào tôi có thể gặp gỡ được Thiên Chúa? Làm sao tôi có thể nghe được tiếng của Người? Đây vốn là những câu hỏi thường trực trong đời sống đức tin. Có những khi tôi mong chờ nơi Chúa những dấu lạ, tôi ngóng đợi một sự hiện diện nhãn tiền và ồn ào, tò mò tìm đến những nơi chốn của tin đồn. Nhưng Thiên Chúa chẳng đến bằng cách ấy. Sự hiện diện của Người vốn bình dị, nhẹ nhàng nhưng thật sống động…Chúa đến với tôi qua những con người, Người luôn nói với tôi qua những cuộc tiếp xúc thường ngày với tha nhân.
Nơi những người đau khổ…
Thiên Chúa đến với tôi qua những con người đau khổ tôi bắt gặp trong cuộc sống. Chúa chỉ cho tôi thấy, Người luôn gần gũi với những người khổ đau, vì họ là bạn của Chúa, vì Chúa yêu thương và khao khát chữa lành họ. Nhưng họ là ai? Có thể họ là những người nghèo khó, thiếu thốn. Chúa nói với tôi về những khó khăn trong điều kiện sống của họ. Người mời gọi tôi sẻ chia và nối kết. Họ cũng có thể là những người đang lo âu buồn phiền cần tôi trao gửi một lời nói yêu thương, hay ánh nhìn đồng cảm. Những con người đau khổ cũng có thể là những người đang mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo hoặc là những con người bị xã hội khinh chê ruồng bỏ. Tôi nhìn thấy hình ảnh một người phong, hình hài đã biến dạng. Họ ở trong nỗi mặc cảm khôn nguôi. Chúa cũng nói với tôi qua những người bị nhiễm HIV vốn bị xã hội thành kiến và soi mói đủ điều. Chúa nói với tôi họ cần được quan tâm và đón nhận. Chúa bảo tôi, tôi cũng trở nên khốn khổ biết bao nếu có ánh nhìn thiếu bao dung đối với những người xung quanh, nhất là với những ai đau khổ. Tôi sẽ trở nên đui mù nếu thiếu sự nhạy bén với nhu cầu của những anh chị em đó. Tôi chẳng khác nào kẻ què quặt khi đôi tay không biết giúp đỡ, đôi chân không chịu đến gần. Trái tim tôi trở nên cằn cỗi khi không chịu mở ra và đồng cảm. Và tôi sẽ trở nên khô khan và nghèo nàn biết bao nếu không mở lòng đón nhận họ, những hiện thân của Chúa.
Nơi những người đang ở trong niềm vui…
Thiên Chúa còn nói với tôi nơi hình ảnh những con người đang trải nghiệm thành công, hạnh phúc. Tôi chợt thấy hình ảnh một bạn sinh viên sau những năm dùi mài đèn sách, nay khoác trên mình bộ đồ cử nhân nét rạng rỡ trên khuôn mặt. Thật đẹp! Tôi nhìn thấy niềm hy vọng tràn trề đang mở ra với bạn ấy. Không chỉ một tương lai, một cuộc đời và sự đóng góp, Chúa còn cho tôi thấy cả những nỗi hy sinh vất vả để đạt tới thành công. Chúa nói với tôi qua hình ảnh một gia đình hạnh phúc. Chúa cho tôi thấy hạnh phúc ấy phải được đổ nền tình yêu, mà tình yêu đích thực ấy phải trả giá bằng sự hy sinh của những người trong cuộc. Chúa còn nói với tôi qua những người giàu có. Họ có nhiều của cải, họ có được đầy dẫy những mối tương quan. Họ đã khổ công để thành đạt, nhưng họ cũng phải có trách nhiệm đóng góp và chia sẻ, nhưng họ cũng cần cẩn trọng với sự tự phụ và bả danh vọng. Chúa bảo tôi, tôi cũng có nhiều lắm – tôi sẽ được nhiều hơn, vui và hạnh phúc trọn vẹn nếu tôi biết chia sẻ, biết hy sinh và cho đi.
Qua những người tôi yêu tôi ghét…
Thiên Chúa vẫn đang nói với tôi nơi những con người tôi gặp gỡ hàng ngày, những người tôi mến và cả những người tôi chẳng ưa.. Có những cuộc gặp gỡ dễ thương, nhưng cũng có những cuộc nói chuyện đầy khó chịu. Đó có thể là những chuyện rất thường xảy ra, nhưng cũng có thể là cách thức hiện diện rất đỗi “bình dị” của Thiên Chúa, kèm theo đó là những lời mời gọi liên lỉ của Người mà tôi chưa nhận ra. Những người tôi gặp gỡ thật đơn sơ và dễ mến, họ tài giỏi và khéo léo, họ hiền lành và cảm thông. Nơi họ, Chúa hiện diện đầy dịu dàng và tinh tế. Đó quả là những tấm gương dành cho tôi. Nhưng Chúa còn nói với tôi qua những người khó chịu. Cuộc gặp gỡ với họ bao giờ cũng đầy thách đố. Những dư âm còn lại thường là sự bực tức, ghen ghét hay xét đoán, cả đến đoạn giao. Đó cũng là một lời Chúa nói với tôi từ thẳm sâu tâm hồn rằng tôi chưa đủ dịu dàng, khiêm nhường và tình yêu để đón nhận trọn con người họ. Họ cũng có thể là một phóng ảnh của chính tôi. Nếu tình yêu dẫn tới một niềm hạnh phúc đích thực, thì nơi tôi đang thiếu điều đó. Họ, dù là người tôi ưa hay là người tôi thương chẳng dễ, tất cả đều là những bổ sung tuyệt vời cho đời sống tôi.
Gặp gỡ là một ơn, người mà tôi tiếp xúc là một món quà. Qua những điều rất bình dị này tôi nhận biết mình hơn, nghe được tiếng Chúa nói với mình rõ hơn. Qua những con người, Chúa nói với tôi phải làm gì và nên có tâm tình như thế nào. Qua những chuyển động nội tâm trong sâu thẳm mình, Chúa cho tôi thấy giá trị của việc nhận ra chính mình để tiếp tục hoán cải. Thiên Chúa trao gởi tôi cuộc sống kèm theo lời mời gọi, cuộc sống là những mối tương quan và lời mời gọi ấy như là những sứ mạng. Và như thế, cuộc sống luôn là món quà, anh chị em xung quanh là một ơn huệ và việc sống với họ là một sứ mạng của đời tôi.

Joseph Trần Ngọc Huynh S.J
Nguồn tin: dongten.net

HÀNH TRÌNH CUỘC ĐỜI

Thời gian từ lúc được thụ thai trong lòng mẹ cho đến khi trút hơi thở cuối cùng của mỗi người, chúng ta gọi đó là hành trình cuộc đời. Hành trình này có thể là rất dài, đến hơn một trăm năm; nhưng cũng có thể là rất ngắn, có thể chỉ một vài ngày. Dù dài hay ngắn, hành trình cuộc đời là một chuỗi đan xen buồn với vui, nước mắt với nụ cười, khổ đau với hạnh phúc. Biết trân trọng từng giây phút trong hành trình ấy, ta sẽ cảm nhận được niềm vui đích thực.
Hành trình cuộc đời luôn đầy những chông gai trắc trở. Một hành trình hoàn toàn êm ả ngọt ngào chỉ có trong giấc mơ. Từ khởi đầu của lịch sử nhân loại, cuộc đời của mỗi người đều phức tạp. Nếu ai than vãn rằng cuộc đời này khó khăn thử thách, thì họ nên biết rằng điều này xưa như trái đất. Ađam và Evà được Chúa dựng nên, sống trong vườn Địa đàng với biết bao ưu đãi, mà cũng chẳng hài lòng. Hai ông bà muốn phủ nhận thân phận thụ tạo của mình, vươn cao hơn nữa để “biết mọi sự”. Trớ trêu thay, khi ông bà mở mắt ra với hy vọng “biết mọi sự”, thì điều đầu tiên ông bà nhìn thấy là sự lõa thể của chính mình.
Hành trình cuộc đời cứ lặng lẽ trôi, bất kể ta có thái độ thế nào đối với nó. Có những người sống trong hằn học, hận thù; người khác lại đón nhận cuộc đời với bao dung kiên nhẫn. Dù bao dung kiên nhẫn hay hận thù hằn học, cuộc đời này vẫn phức tạp và chông gai như thế. Tuy vậy, nếu người hận thù hằn học chỉ tìm thấy nơi cuộc đời những điều đáng ghét bi quan, thì người bao dung kiên nhẫn lại khám phá nơi cuộc đời những điều đáng yêu tuyệt vời. Bởi lẽ cuộc đời giống như một bức tranh, phải trầm tư sâu lắng mới thưởng thức được những vẻ đẹp tiềm ẩn. Cuộc đời cũng giống như một cánh rừng, phải gạt bỏ ưu tư mới cảm nhận được sức sống kỳ diệu của các loài thảo mộc, cũng như bản hòa tấu phong phú của các loài côn trùng đang sinh sống tại đó. Có người so sánh cuộc đời như một tấm gương ta thường soi mình vào đó. Nếu ta nhăn nhó, hằn học, thì hình ảnh trong tấm gương cũng cau có, bực bội. Trái lại, nếu ta vui cười nhân hậu, thì hình ảnh trong tấm gương sẽ nhân ái vui tươi. Đón nhận cuộc đời với trái tim mở rộng, và khôn ngoan can đảm vươn lên trước những khó khăn thử thách, đó là bí quyết của thành công. Với lòng can đảm, ta không thất vọng khi vấp ngã, nhưng học hỏi kinh nghiệm và vững vàng trỗi dạy, tiếp tục bước đi. Nhờ sự khôn ngoan, ta không kiêu căng khi thành đạt, nhưng luôn khiêm tốn học hỏi và trau dồi những đức tính để thực sự “thành người”.
Song song với hành trình cuộc đời, người Kitô hữu còn đang bước đi trong hành trình đức tin. Hành trình đức tin khởi đầu khi ta được lãnh nhận bí tích Thanh tẩy, và kêt thúc khi chúng ta được gặp Chúa trên cõi hằng sống. Bởi lẽ, như Thánh Phaolô nói: ngày nay đức tin, đức cậy và đức mến, cả ba cùng tồn tại, nhưng ở cuối hành trình đức tin, tức là khi chúng ta được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu, thì lúc đó chỉ còn tồn tại đức mến. Bởi lẽ, đã trực tiếp nhìn thấy và đạt được điều hy vọng, thì còn cần gì đức tin và đức cậy nữa, vì thế mà đức mến trọng hơn cả (x. 1 Cr 13,1).
 Hành trình đức tin cũng giống như hành trình cuộc đời. Có những lúc êm ả thanh bình, nhưng cũng có khi dội sóng bão giông. Câu chuyện “dấu chân trên cát” đã diễn tả điều đó. Thiên Chúa luôn hiện diện với chúng ta, nhất là vào lúc phong ba dữ dội hoành hành. Vì những nguyên nhân chủ quan hay khách quan, người tín hữu trong hành trình này, cũng có nhiều thái độ khác nhau. Có những lúc sốt sắng đạo đức vững vàng cậy trông, có những hồi khô khan nguội lạnh, nhạt nhòa xao lãng. Hành trình đức tin cũng lâu dài bền bỉ, song song với hành trình cuộc đời. Người tin Chúa không bị “bứng ra” khỏi cuộc sống trần gian để trở thành một người ngoại lai ngay giữa quê hương mình, nhưng họ sống giữa thế gian như mọi người, chung chia vui buồn sướng khổ. Đừng nghĩ những ai tin Chúa là đương nhiên giàu có, sung sướng và hạnh phúc. Người tin Chúa vẫn sống giữa đời, nhưng mặc dù sống giữa thế gian, họ không thuộc về thế gian, như bông sen vươn lên từ bùn lầy mà vẫn thanh tao tỏa hương thơm ngát. Người tin Chúa cũng không khinh bỉ coi thường những giá trị trần thế, nhưng họ xác tín rằng, tất cả những điều tốt lành đều xuất phát từ Thiên Chúa, là Cha chung của gia đình nhân loại. Hơn nữa, những giá trị tốt lành nơi các nền văn hóa và các tôn giáo khác đều là men Phúc Âm và hạt giống Tin Mừng.
Đan xen với hành trình cuộc đời và hành trình đức tin, cuộc sống của người Kitô hữu còn là một hành trình thập giá. Sống giữa đời mà không để cho đời lôi kéo. Dấn thân vào mọi môi trường của cuộc sống mà vẫn giữ được nét cá biệt của đức tin. Để đạt được lý tưởng thánh thiện của Kitô giáo, người tin Chúa phải chấp nhận nhiều hy sinh.
Chúa Giêsu là Ngôi Hai Thiên Chúa. Ngài là Đấng Cứu độ trần gian. Để đem lại cho con người ơn Cứu độ, Chúa lại không dùng phương pháp của loài người. Chúa chọn một giải pháp mà theo cái nhìn của nhân loại, đó là điều dạt dột và điên rồ: đó là giải pháp thập giá. Thập giá là dấu chỉ của yêu thương, tha thứ. Thập giá dạy cho con người biết sống vì tha nhân. Trên thập giá, Chúa Giêsu đã thể hiện tình yêu thương vô bờ, điều mà Thánh Gioan gọi là “Yêu cho đến cùng” (Ga 13,1). Chúa Giêsu mời gọi: “Ai muốn theo Thầy, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Thầy?” (Mt 16,24). “Từ bỏ mình”, đó là một tiến trình “thoát xác” và là một hy sinh có ý nghĩa nhất. Bởi lẽ người ta có thể bỏ mọi sự một cách dễ dàng, nhưng bỏ mình thì không dễ chút nào. Tin Mừng đã nêu rõ: bỏ mình là một điều kiện căn bản để trở thành môn đệ Đức Giêsu. Có những người đã bỏ mình một cách can đảm phi thường. Đó là trường hợp của các thánh. Tiến trình bỏ mình nơi các ngài không phải là dễ dàng, vì các ngài cũng phải trải qua những cám dỗ và xung đột gay go. Đôi khi, họ cảm thấy đang đi trong “đêm tối của đức tin”, dường như vắng bóng Thiên Chúa. Họ kêu cầu Ngài mà không được đáp lời. Có thể trích dẫn một vài trường hợp điển hình như Thánh Gioan Thánh giá, Thánh Augustinô, Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu. Đường nên thánh của các ngài không phải lúc nào cũng dễ dàng êm xuôi như nhiều người nghĩ. Trái lại, họ đã phải chiến đấu cam go. Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu đã viết: “Tôi đã phải chịu đau khổ rất nhiều, cần phải thuật lại cho nhiều người biết điều ấy”.
Hành trình cuộc đời, hành trình đức tin và hành trình thập giá hòa quyện với nhau và làm nên đời sống người Kitô hữu. Một người Kitô hữu chính danh không loại bỏ hành trình nào trong ba cuộc hành trình trên. Họ không thể viện cớ “thoát tục” để khước từ những bổn phận trần thế; họ không được nhân danh “tự do” để chối bỏ những bổn phận thiêng liêng; họ cũng không được dựa vào những yếu đuối mà chối từ thập giá. Ba hành trình này đã trở nên một nơi cuộc đời người tín hữu và bổ túc cho nhau. Quả vậy, hành trình đức tin sẽ giúp chúng ta đón nhận và nhìn cuộc đời với lăng kính mới. Hành trình thập giá sẽ làm cho đức tin nên tinh ròng và đức ái nên hoàn hảo. Nếu được chu toàn với ý thức và với lòng cậy trông, ba khía cạnh này làm nên đời sống thánh thiện. Đó cũng là lý tưởng của mỗi người Kitô hữu chúng ta.
Hải Phòng, tháng 9-2017
 Gm Giuse Vũ Văn Thiên