NỀN TẢNG CỦA 3 LỜI KHẤN

Các tu sĩ tự nguyện khấn ba lời khấn như một cách thức thể hiện lòng yêu mến của mình dành cho Đức Giêsu. Nhưng không nên hiểu rằng lời khấn chỉ dành cho những ai đã có đời sống hoàn thành thánh thiện như các Thiên Thần rồi. Ai cũng có thể khấn, miễn là trong khuôn khổ được Giáo Hội ngang qua Hội Dòng xác chuẩn. Cũng không nên hiểu ba lời khấn như những phép màu. Thật ra, khi khấn xong, các khấn sinh chẳng cảm thấy có chút gì đổi khác nơi bản thân mình cả. Vẫn còn đầy dẫy những thói hư tật xấu, những điểm mạnh điểm yếu; cả núi tội vẫn như chất đống trên khối thịt nặng nề. Người ta khấn để nhờ việc giữ lời khấn, họ trở nên giống Đức Giêsu hơn, chứ bản thân những lời khấn không làm cho người khấn trở thành những vị thánh ngay tức thì. Nói đến đây, ta ngay lập tức nhận ra rằng chính Đức Giêsu là mục tiêu mà các khấn sinh hướng đến. Ngài là mẫu mực để các tu sĩ nỗ lực noi theo, đến mức có thể trở thành hiện thân của Ngài ngay giữa lòng nhân thế.

Ta chẳng thấy nơi đâu trong Kinh Thánh nói một cách rõ ràng về ba lời khấn. Trong tất cả các bài giảng của Đức Giêsu, chẳng có chỗ nào ta thấy Ngài chia sẻ cách minh nhiên về khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục như ba điều kiện cốt yếu để trở nên giống Ngài. Tuy vậy, ta có thể dễ dàng nhận ra điều này khi nhìn về cuộc sống và sứ mạng của Ngài, như truyền thống Giáo Hội vẫn xác tín. Là Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể làm người, Đức Giêsu đã cho thấy những điều tốt đẹp hội tụ nơi mình. Ngài là con người hoàn hảo nhất, là người con yêu quý của Chúa Cha. Qua việc chiêm ngắm Ngài cách không ngừng nghỉ, các bậc cao nhân trong Giáo Hội đã tóm lược tất cả những điều tinh tuý nơi Đức Giêsu thành ba yếu tố giúp người ta có thể noi theo mà trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài: khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục. Ba yếu tố này không tách rời nhau, nhưng có mối liên kết chặt chẽ với nhau. Sống trọn vẹn điều này thì cũng giúp sống tốt hai điều kia. Cả ba làm nên chiếc kiềng, giúp cho đời tu được vững chãi.

Ta thấy một Đức Giêsu vô cùng khó nghèo từ biến cố nhập thể. Chấp nhận làm người chính là chấp nhận cái nghèo khó, nhỏ bé, thấp hèn của kiếp nhân sinh. Ngài lại chọn cho mình một cách thế ra đời của người nghèo, trong một nơi đồng không mông quạnh, làm bạn với những người mục đồng cô thế cô thân. Ngài lớn lên trong một gia đình nghèo, phải lao động để kiếm sống. Trong suốt quá trình công khai để rao giảng Nước Trời, Ngài cũng thực thi sứ mạng theo một cách thức đơn sơ giản dị. Ngài chủ động cất tiếng, làm quen, bắt chuyện, chữa lành. Đức Giêsu không nghèo theo kiểu đói ăn đói mặc, thiếu thốn trăm bề. Cái nghèo của Giêsu không phải là cái nghèo xã hội. Nhưng đó là một thái độ không xem trọng vật chất, không bị cám dỗ bởi danh vọng hay đồng tiền, không coi vàng bạc là mục tiêu phấn đấu của mình. Ngài thanh thoát với hết tất cả những gì mình có. Nhờ đó, Ngài mới có thể tiếp cận với mọi lớp người, hiểu được những tâm tư của họ và rồi lôi kéo họ đến những giá trị chân thực của Tin Mừng.

Đức Giêsu đã chọn cho mình một lối sống độc thân, vốn là điều rất khó hiểu vào thời của Ngài lúc bấy giờ. Nhưng đây không phải là một kiểu cô độc, càng không phải là thái độ xem thường giá trị của hôn nhân. Đức Giêsu có một sự quan tâm đặt biệt dành cho phụ nữ. Ngài bênh vực họ khi họ bị người ta hăm he doạ giết (x.Ga 8). Ngài sẵn sàng giúp đỡ họ (x.Mc 16,9). Ngài đã quan sát và dùng hình ảnh bà goá nghèo để dạy dỗ các môn đệ của mình (x.Lc 21,1-4). Ngài sẵn sàng nhận sự giúp đỡ từ lòng hảo tâm của những phụ nữ đạo đức (x.Lc 8,1-3). Nhưng Ngài không để mình bị ràng buộc trong mối dây tình cảm với bất cứ ai. Đức Giêsu không đi ngược lại với xu hướng tự nhiên. Ngài chỉ biểu lộ khả năng vượt trên xu hướng ấy, khi toàn tâm toàn ý chăm lo công việc Cha giao. Đây là một sự khiết tịnh vì Nước Trời, một sự khiết tịnh biểu lộ hạnh phúc Thiên Đàng. Nhờ không thuộc về ai, Đức Giêsu trở thành người của tất cả, để tất cả đều có thể đụng chạm đến Ngài.

Sự vâng phục của Đức Giêsu được biểu lộ rõ nét nhất trong cuộc Khổ Nạn. Trình thuật Đức Giêsu cầu nguyện ba lần trong Vườn Dầu xin Cha cất khỏi chén đắng khỏi mình (x.Mt 26,36-46) dễ khiến chúng ta hiểu lầm rằng Đức Giêsu đã vâng phục Cha một cách miễn cưỡng. Tuy nhiên, khi đọc kỹ cũng như khi quan sát thái độ của Đức Giêsu trong suốt hành trình sứ mạng, ta mới thấy được sự vâng phục của Đức Giêsu dành cho Cha xuất phát từ một lòng yêu mến sâu đậm không gì có thể chia cắt được. Thánh ý của Cha là lương thực của Ngài (x.Ga 4,34), là sinh mạng của Ngài. Sự vâng phục không làm cho Đức Giêsu đánh mất bản thân mình, không biến Ngài thành một con rô-bốt. Trái lại, nó giúp cho đời sống của Ngài luôn hoà quyện với Cha, luôn kết hiệp với Cha và cũng nhờ đó, mọi công việc Ngài làm, mọi lời Ngài nói đều đẹp ý Cha, luôn được Cha yêu mến. Sự vâng phục nối kết Ngài với Cha; cả hai trở nên một như vốn dĩ cả hai chỉ là một trên bình diện bản thể.

Nếu đi sâu vào tận cốt tuỷ, thì ba lời khấn này gặp nhau một điểm chung. Đó chính là mầu nhiệm tự huỷ của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã khoét rỗng chính mình để trao ban cho nhân loại, thì những ai muốn nên giống như Ngài cũng phải khoét rỗng mình như thế. Khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục đều đòi buộc người ta phải hy sinh chính mình, phải bỏ đi cả “cái có” và “cái là”, phải buông trôi đôi bàn tay, không nắm giữ gì cả. Tự huỷ là thái độ tự đặt mình vào chỗ không an toàn, nhưng nó lại là cái giúp con người có được sự tự do thực thụ. Càng buông ra, con người càng thanh thoát. Càng bỏ đi cái tôi, con người càng thấy bình an. Càng để tâm trí mình thoải mái, con người càng sáng suốt, minh mẫn. Nếu không có mẫu gương từ Đức Giêsu, chẳng ai có thể chọn cho mình một lối sống như vậy cả. Nếu Thiên Chúa không tự hạ mình trước, ta sẽ chẳng tìm thấy được lý do và động cơ để làm điều này.

Ngoài những giá trị tốt đẹp mà ba lời khấn mang lại, ta có thể nói rằng, người tu sĩ sống sự khó nghèo, khiết tịnh, vâng phục chính là vì Đức Giêsu đã sống như vậy. Chỉ đơn giản là họ noi theo Đức Giêsu mà thôi. Ý nghĩa của ba cụm từ “khó nghèo”, “khiết tịnh”, “vâng phục” luôn bị con người đặt vấn đề, đặc biệt là xã hội ngày nay, khi người ta luôn đề cao giàu có, khoái lạc và tự do cá nhân. Cũng có lúc do không hiểu rõ, người ta đặt những điều này trên hai trục đối lập để chê bai điều này, ủng hộ điều kia. Kỳ thực, khó nghèo không có nghĩa là không sở hữu gì; sống khiết tịnh không phải là một kiểu cố sức đè nén các xung động của thân xác; vâng phục cũng không hề đối nghịch với tự do cá nhân. Vì người tu sĩ luôn lấy Giêsu là mẫu mực cho mình, nên ba lời khuyên Phúc Âm này cần được hiểu trong sự quy chiếu đến Ngài, dựa trên thái độ và cung cách hành xử của Ngài, chứ không nên được hiểu chỉ trên bình diện ngữ nghĩa của chính những từ ngữ này. Hay nói cách khác, khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục trong đời tu phải được đọc và được hiểu trong bối cảnh của một sự dâng hiến và của sứ mạng, dưới ánh sáng của mầu nhiệm Nước Trời.

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ (dongten.net)

MƯỜI ĐẤU TRANH CHỦ YẾU ĐỨC TIN CỦA THỜI ĐẠI CHÚNG TA

Đôi khi cái hành động đơn giản là gọi tên điều gì đó lại là chuyện vô cùng hữu ích. Khi chúng ta chưa thể đặt tên cho một điều gì thì chúng ta bất lực hơn trước tác động của nó, vì không thật sự hiểu được điều gì đang xảy ra với chúng ta.

Chẳng hạn, nhiều người trong số chúng ta quen thuộc với cuốn Giáo Hội Tương Lai: Mười Xu hướng đang Cách mạng hóa Giáo Hội Thiên Chúa Giáo của chúng ta như thế nào (The Future Church: How Ten Trends are Revolutionalizing the Catholic Church) của tác giả John Allen. Những điều ông gọi tên trong cuốn sách này, kể cả khi chúng không trực tiếp ảnh hưởng đến chúng ta, vẫn giúp định hình chúng ta tốt hơn. Là ký giả đi khắp toàn cầu trong tư cách nhà phân tích Vatican cho cả đài truyền hình CNN và National Catholic Reporter, ông John Allen có thể cho chúng ta một tầm nhìn lớn rộng, toàn cầu về các vấn đề của giáo hội so với bất kỳ cái nhìn chung nào vốn chịu ảnh hưởng nhiều do bãi lầy cảm xúc từ các vấn đề địa phương và quốc gia của chúng ta. Những vấn đề đau đầu tại địa phương của mình có thể làm cho chúng ta không nhìn thấy được những mối quan ngại rộng lớn hơn của cả hành tinh; nhưng ngay khi trực diện với các mối lo và nỗi đau của những người khác thì chúng ta có thể đặt các mối lo và nỗi đau của chính mình vào một tầm nhìn khác lành mạnh hơn. Cái khuôn khổ tham chiếu toàn cầu của John Allen, như thể hiện trong các siêu xu thế mà ông gọi tên trong cuốn sách, giúp chúng ta đặt những mối quan ngại giáo hội của mình vào một quan điểm lành mạnh hơn.

Và tôi cũng cố gắng thử đặt tên đôi điều như sau: Vài năm trước, trong một cuộc phỏng vấn, John Allen đề nghị tôi liệt kê một danh sách những điều mà tôi coi là mười đấu tranh chủ yếu về đức tin và giáo hội của thời đại chúng ta. Tôi coi đề nghị đó là một thử thách lành mạnh và danh sách sau đây, chắc chắn ít mang quan điểm toàn cầu hơn mười xu thế của Allen (Tôi sợ rằng tầm nhìn của tôi nói nhiều cho văn hóa phương Tây và văn hóa thế tục hơn là cho thế giới nói chung), là cố gắng chỉ của riêng tôi để gọi tên những đấu tranh khó khăn chủ yếu về mặt đức tin và giáo hội mà chúng ta phải xử lý ngày hôm nay.

Mười đấu tranh khó khăn chủ yếu về đức tin và giáo hội của thời đại chúng ta, ít nhất thể hiện ở những nơi mà phần thế tục hóa nhiều hơn trên thế giới chúng ta, là gì?

1/ Đấu tranh với tính chất vô thần trong ý thức hàng ngày của chúng ta, nghĩa là khó khăn để có cảm thức thiết yếu về Chúa trong một nền văn hóa thế tục, mà xét cả mặt tốt lẫn xấu, là thuốc phiện hạng mạnh nhất từng xâm nhập trên quả địa cầu này… Nỗ lực đấu tranh để có ý thức về Chúa ở bên ngoài giáo hội và các tổ chức tôn giáo có tôn chỉ rõ rệt.

2/ Đấu tranh để sống trong các cộng đoàn tan rã, chia rẽ và phân cực cao độ, mà bản thân chúng ta là những người bị tổn thương, làm sao mang trong mình mối căng thẳng đó mà không bất nhẫn và không giáng trả lại mối căng thẳng đó qua các hình thức cụ thể… Nỗ lực đấu tranh bên trong cái tôi bị thương tổn của chính mình để làm người chữa lành và người đem an lạc hơn là để bản thân mình góp thêm vào mối căng thẳng đó.

3/ Đấu tranh để sống, thương yêu và tha thứ vượt lên trên các ý thức hệ có tính lây lan mà chúng ta hít thở mỗi ngày, nghĩa là, nỗ lực đấu tranh để có lòng chân thành đích thật, để biết một cách chân thật và đi theo chính trái tim và khối óc của mình vượt lên trên những gì đã được cánh tả cánh hữu kê đơn sẵn cho chúng ta… đấu tranh khó khăn để không trở thành kẻ tự do cũng không thành người bảo thủ, mà là những con người của lòng trắc ẩn đích thật.

4/ Đấu tranh với tính dục của mình mà không cứng nhắc quá đáng cũng không vô trách nhiệm, đấu tranh chật vật để có tính dục lành mạnh, vừa tôn trọng phù hợp, vừa vui thích phù hợp trong cái quyền năng to lớn này.. đấu tranh khó khăn với tính dục của mình theo một cách vừa rạng tỏa sự trinh bạch lẫn niềm đam mê.

5/ Đấu tranh để có tính nội tâm và cầu nguyện trong một nền văn hóa với cơn khát triền miên thông tin và các trò giải trí, đã gần như tạo nên sự thông đồng chống lại chiều sâu và sự cô độc, che mờ sự yên lặng trên thế giới chúng ta… đấu tranh chật vật để hướng tầm mắt của mình vượt ra ngoài các màn hình số để tới một chân trời sâu sắc hơn.

6/ Đấu tranh chật vật để xử lý một cách lành mạnh với những “con rồng” của mỗi cá nhân, đó là vĩ cuồng, tham vọng, bất an đã thành bệnh lý, trong lòng một nền văn hóa mà mỗi ngày vẫn kích thích quá mức những điều đó, nỗ lực chật vật để xử lý lành mạnh một cách xác quyết lẫn phủ nhận.. nỗ lực chật vật trong lòng một môi trường bất an và bị kích thích quá mức để tìm ra và thường xuyên duy trì được mức cân bằng tinh tế giữa trầm cảm và hưng cảm.

7/ Đấu tranh để không bị kích hoạt bởi bệnh tưởng, sợ hãi, hẹp hòi và bảo hộ quá mức trước chủ nghĩa
khủng bố và phức cảm siêu cường.. nỗ lực chật vật để không để cho nhu cầu được rõ ràng và an toàn của chúng  ta đè bẹp lòng trắc ẩn và chân lý.

8/ Đấu tranh khó khăn với nỗi cô đơn đạo đức trong lòng tôn giáo, văn hóa, chính trị và luân lý… nỗ lực chật vật để tìm người bạn lòng, người gặp gỡ ta và ngủ với ta trong trọng tâm luân lý của ta.

9/ Đấu tranh để gắn đức tin với công lý… chật vật để có được một thư giới thiệu của người nghèo, để liên kết phúc âm về mặt thể chế với đường phố, để vẫn ở bên phía những người nghèo.

10/ Đấu tranh vì cộng đoàn và nhà thờ, nỗ lực chật vật trong lòng một nền văn hóa của cái tôi quá mức để tìm được ranh giới lành mạnh giữa cá nhân và cộng đoàn, thiêng liêng và giáo hội…, nỗ lực chật vật trong tư cách những đứa con người lớn của sự Khai Sáng để vừa trưởng thành và tha thiết, thiêng liêng và gắn với giáo hội.
Một danh sách kiểu này có giá trị gì? Đặt tên cho sự việc và đặt tên chính xác cho chúng là chuyện quan trọng; mặc dù, phải thừa nhận là, tự cái việc đơn thuần đặt tên cho một căn bệnh thì không thể chữa lành bệnh. Tuy nhiên, như James Hillman từng phát biểu một cách thông thái, một triệu chứng bệnh sẽ gây đau đớn khó chịu nhất khi ta không biết nó thuộc loại gì.

Ronald Rolheiser,
J.B. Thái Hòa dịch

CHÚA NHẬT IV THƯỜNG NIÊN-B

Tác giả Mác-cô giới thiệu sứ vụ của Đức Giêsu tại Ga-li-lê gồm hai phần: giảng dạy và chữa lành. Tuy nhiên đặc biệt là ở chỗ ông không tách hai điều này riêng ra mà đã liên kết chúng lại thành một cách rất tài tình. Chữa lành chính là để lời rao giảng trở nên thuyết phục.
Mác-cô trước hết giới thiệu Đức Giêsu như một nhân vật xuất hiện hầu công bố một sứ điệp trọng đại: “Thời đại đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (c.15). Ông không những xác địch công việc chính của Đức Giêsu là công bố sứ điệp, nhưng còn nói thêm Ngài đã gây ấn tượng mạnh mẽ trên dân chúng. ‘Đức Giêsu và các môn đệ đi vào thành Ca-phác-na-um. Ngay ngày Sa-bát, Người vào hội đường giảng dạy. Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư’. Tác giả hình như quan tâm tới thái độ dân chúng tiếp nhận sứ điệp nhiều hơn là chính nội dung thuyết phục hay sự phong phú của sứ điệp Tin Mừng được rao giảng.
Rõ ràng là như thế khi Mác-cô lập tức tường thuật các công việc đầy từ tâm Đức Giêsu thực hiện như chữa người bị quỉ nhập, chữa nhạc mẫu ông Si-mon, chiều đến chữa mọi kẻ ốm đau bệnh tật mà cả thành đem đến cho Người…, hầu như để cho thấy tại sao dân chúng có phản ứng tích cực như vậy trước sứ điệp, hay đúng hơn, với con người công bố sứ điệp đó. So với tác giả các cuốn Tin Mừng khác, tác giả cuốn thứ hai này hầu như không chú trọng tới nội dung sứ điệp nhiều cho lắm. Ông dành nhiều giấy mực hơn cho việc tường thuật các hành động chữa lành và yêu thương Đức Giêsu thực hiện. Và tất cả chỉ để minh chứng cho điều mà ông muốn khảng định ngay từ đầu: ‘Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư’.
Thật ra thì dân chúng bình dân thời nào và ở đâu cũng vậy thôi, với trình độ hiểu biết hạn chế họ ‘nghe’ thì ít mà muốn ‘thấy’ nhiều hơn. Đúng hơn, họ là các thính giả có tầm hiểu biết bằng con tim nhiều hơn là bằng trí óc, nhất là trên con đường đi tìm chân lý; trong khi đó các bậc mô phạm hay hiền triết lại có khuynh hướng sử dụng khối óc nhiều hơn con tim. Các hành động chữa lành đầy từ tâm của Đức Giêsu đánh thẳng vào con tim của thính giả bình dân và chinh phục họ; trong khi các thính giả tri thức như các luật sĩ, biệt phái và kinh sư lại chỉ tìm đến để nghe thuyết pháp, để tìm lý luận, rồi sau đó thi nhau đem ra phân tích mổ xẻ, và tìm lỗi bắt bẻ, chính vì vậy mà các tranh luận căng thẳng giữa họ với Đức Giêsu đã không ngừng nổ ra. Đối với dân chúng, sứ điệp của Đức Giêsu quả là một Tin Mừng, vì nó làm cho con tim của họ được an bình no thỏa, trước khi làm trí óc họ được say mê. Trong thẳm sâu cõi lòng, họ hằng khao khát tìm thấy một Đấng Mét-si-a nhân ái, đầy từ tâm và xót thương, gần gũi với nỗi thống khổ yếu hèn của con người hơn. Đó chính là lý do để mà, trong tất cả sự chân thành mộc mạc họ chân nhận cách thẳng thắn và đơn sơ: ‘Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền’ hơn hẳn các kinh sư và Biệt Phái.
Suy niệm trên đây, tuy đơn giản thật nhưng lại có tầm quan trọng lớn đối với hết thảy mọi người chúng ta, nhất là đối với các linh mục của Đức Ki-tô.
– Quan trọng đối với đời sống thiêng liêng, vì là một tu sĩ linh mục, tôi luôn có nguy cơ xa rời sự nhạy cảm thiêng liêng của người bình dân. Không biết từ khi nào suy luận triết thần đã hoàn toàn chiếm lĩnh đầu óc và suy nghĩ của linh mục. Tôi quan tâm tới hiểu biết và lý luận nhiều tới độ không còn thời giờ để lắng nghe khát vọng thầm kín của chính con tim mình cũng như của người bình dân; kết quả là Tin Mừng đối với tôi phải là chân lý hơn là lòng nhân ái. Và quả thực rất ít khi trong đời sống thiêng liêng tôi dành thời giờ và nỗ lực để nhận ra cái ‘thẩm quyền’ này của Tin Mừng phải tác động trên chính tôi trước hết!
– Quan trọng đối với việc mục vụ: suy niệm trên đưa tôi tới nhận thức sau đây: trước một cộng đoàn phụng vụ, các bải giảng của tôi có được ‘thẩm quyền’ Tin Mừng chỉ khi nào chúng quảng diễn được lòng xót thương cứu độ của Thiên Chúa. Trong thực tế nó đã bị chi phối quá nhiều bởi các kiến thức thần học – luân lý, hay các dẫn chứng mang tính biện giáo. Ngay khuôn mặt Hội Thánh hoặc nội dung Tin Mừng mà tôi trình bày cũng thường khi còn quá mô phạm và nghiêm khắc. Biết bao giờ dung mạo từ nhân tha thứ của Đức Ki-tô mới được sáng tỏ để các tín hữu có thể chiêm ngắm tỏ tường cách mãn nguyện?
Lạy Chúa, đúng là những kẻ bé mọn nhận biết Chúa rõ ràng hơn các bậc khôn ngoan thông thái. Xin đừng để học vấn và hiểu biết làm cho con, linh mục của Chúa, không nhận ra nổi ‘thẩm quyền’ đích thực của Tin Mừng Chúa. Cũng xin làm cho lời rao giảng của Hội Thánh được nhiều người lắng nghe bằng con tim và qua đó nhận ra Chúa thật gần gũi và xót thương hết thảy mọi người. Amen.
                                                                                      Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty

LÀM VIỆC QUÁ MỨC, MỚI ĐẦU LÀ TỐT LÀNH, KẾT CUỘC LÀ CHẠY TRỐN

Có những mối nguy hại khi làm việc quá mức, dù việc làm hay động cơ của nó có cao đẹp thế nào đi chăng nữa. Các hướng dẫn thiêng liêng, bắt đầu từ Chúa Giêsu, đã luôn luôn cảnh báo về những nguy hại của thói tham công tiếc việc. Biết bao nhiêu bà vợ, trẻ con trong gia đình, biết bao nhiêu bạn bè, biết bao nhiêu người trong cộng đồng mong muốn người họ yêu thương chú tâm đến họ nhiều hơn thay vì cứ mải vùi đầu vào công việc.
Nhưng thật khó để tránh cho mình không rơi vào cảnh bận bịu quá mức và lao tâm khổ trí vì công việc, đặc biệt trong những năm tháng chúng ta dồi dào sinh lực, có những trách nhiệm nuôi nấng con cái, trả các khoản vay, điều hành giáo hội cũng như các tổ chức, đang ngày càng đè nặng hơn trên đôi vai chúng ta. Nếu bạn là một người nhạy cảm, bạn sẽ đấu tranh không ngừng để những áp lực này không đè nặng trên bạn. Về điểm này, Henry Nouwen mô tả đời sống của chúng ta như cái vali bị nhồi nhét quá nhiều. Luôn luôn có việc phải làm, luôn luôn phải gọi điện thoại, phải gặp một ai đó, phải trả biên lai, phải kiểm tra một cái gì đó trên internet, phải đi khóa vòi nước bị hở, phải tuân theo thêm một đòi hỏi từ giáo hội hay xã hội, phải đi mua thêm thứ đồ gì đó. Các đòi hỏi của đời sống cứ triền miên không dứt và chúng ta luôn nhận thấy vẫn còn có môt trách nhiệm gì đó mà chúng ta cần phải thực hiện. Một ngày của chúng ta quá ngắn để làm cho hết những việc đó.
Và rồi chúng ta lao vào công việc. Khởi đầu là một ý muốn tốt đẹp và vô hại, nhưng rồi nó biến qua thành một thứ khác. Đầu tiên, chúng ta làm hết mình vì những đòi hỏi của cuộc sống buộc chúng ta phải làm như vậy, nhưng dần dần chúng ta gắn chặt với chúng, phục vụ tha nhân ngày càng ít mà thỏa mãn cá nhân ngày càng nhiều.
Đầu tiên, chúng ta thường thường mù quáng về điểm này, công việc sớm trở thành như một lối thoát. Chúng ta luôn bận tâm bận trí, chúng ta có đủ lời để bào chữa và lý luận cố hữu sao cho khỏi đối diện với các mối mối quan hệ trong gia đình, giáo hội hay với Thiên Chúa. Áp lực liên tục của công việc và trách nhiệm là gánh nặng nhưng lại là tấm chắn tối hậu của chúng ta. Chúng ta không thấy được hương hoa cuộc sống nhưng cũng không đối diện với những điều sâu sắc nơi phần chìm của bề mặt cuộc sống. Chúng ta có thể tránh né những vấn đề chưa giải quyết trong các mối quan hệ và trong tâm hệ mình. Chúng ta có một lời bào chữa hoàn hảo! Đó là chúng ta quá bận rộn.
Thường thì xã hội lại cổ võ cho xu hướng thoát ly này của chúng ta. Với những thói nghiện khác, hẳn chúng ta đã phải đi gặp bác sĩ rồi, nhưng với thói nghiện công việc, thường thường chúng ta lại được ngưỡng mộ nếu nghiện nặng và được tuyên dương vì chính sự ích kỷ này: Nếu tôi ăn uống quá độ, nghiện chất kích thích, tôi bị người ta khó chịu và thương hại, nhưng nếu tôi làm việc quá độ đến đỗi thờ ơ với những cấp bách lớn lao và quan trọng của cuộc sống, người ta lại nói với tôi: “Hẳn bạn thật tuyệt vời! Bạn tận tụy quá mức!” Hội chứng nghiện công việc là một thói nghiện mà nhờ nó chúng ta được tuyên dương.
Ngoài việc nó cho chúng ta một lối không lành mạnh để thoát khỏi những vấn đề quan trọng mà đáng ra chúng ta phải giải quyết, thói làm việc quá mức còn gây nên một mối nguy lớn khác. Chúng ta càng vùi đầu vào công việc thì càng dấn sâu vào mối nguy xem ý nghĩa đời sống dựa trên công việc hơn là dựa trên các quan hệ của mình. Khi càng chìm đắm trong công việc, thì các mối quan hệ của chúng ta càng sứt mẻ nhiều hơn, và rồi ý nghĩa đời sống ngày càng phụ thuộc vào công việc hơn là quan hệ. Vô số cây bút thiêng liêng đã nêu lên các mối nguy trong thói tham công tiếc việc, một điểm không nhỏ trong số đó là càng ngày chúng ta càng khó tìm ra ý nghĩa đời sống ở bất cứ nơi nào khác ngoài công việc. Những thói quen cũ rất khó bị phá vỡ. Nếu chúng ta đã dành nhiều năm để xây dựng bản sắc của mình qua cách làm việc cật lực và được yêu mến do tính cách nhà nghề hay lòng tận tụy của mình, thì thật khó để chúng ta thay đổi và tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời từ bất cứ điều gì khác.
Các ngòi bút thiêng liêng kinh điển đều nhất loạt lưu ý về mối nguy trong sự làm việc quá mức và thói tham công tiếc việc. Thật vậy, Chúa Giêsu đã lưu ý Martha khi cô mải mê với những việc cần làm để dọn bữa ăn rồi phàn nàn Maria không chịu giúp cô. Câu trả lời của Chúa thật bất ngờ, thay vì trách Maria lười biếng và khen Martha tận tụy, Chúa Giêsu lại nói Maria đã chọn phần tốt hơn, và rồi trong lúc đó và trong bối cảnh đó, tính lười biếng của Maria lại thắng sự bận rộn của Martha. Tại sao vậy? Bởi đôi khi trong đời sống có những điều quan trọng hơn cả công việc, cho dù đó là công việc cao quý và cần thiết để thể hiện lòng hiếu khách và để chuẩn bị bữa ăn cho mọi người.
Thói lười biếng hẳn là do ma quỷ, nhưng bận rộn không phải lúc nào cũng là một đức tính tốt.
                                                                                                   
Ronald Rolheiser
J.B. Thái Hòa dịch
Phanxico.vn

TÌM...NHƯ THỂ TÌM CHIM

Con đi tìm Chúa trong lụa là gấm vóc, trong trưng diện xa hoa mỹ lệ, trong mâm cao cỗ đầy kẻ hầu người hạ.  Người tìm con trong nghèo hèn đói rách tả tơi, trong bữa cơm rau chan mồ hôi nước mắt.
Con tìm Ngài trong nhà lầu xe hơi bóng láng.  Ngài tìm con trong nhà tranh vách đất nghiêng nghiêng.
Con đi tìm Ngài trong vinh quang chức bậc quyền uy thống trị cha chú.  Ngài tìm con trong khiêm tốn, đầy tớ khiêm nhu.
Con tìm Ngài nơi nhà thờ cao sang tráng lệ.  Ngài tìm con trong nhà nguyện túp lều rách nát phơi sương bốn mùa.
Con tìm Ngài trong sách vở kho tàng kiến thức, những tư tưởng uyên bác cao siêu.  Ngài tìm con trong dốt nát, đơn sơ khiêm hạ nhỏ bé.
Con tìm Ngài nơi người đạo đức trưởng giả quý phái.  Ngài tìm con trong người lầm lì chai đá với trái tim khô vì thèm khát tình yêu.
Con tìm Ngài trong sức mạnh phe đảng, đám đông hống hách.  Ngài tìm con trong yếu đuối cô thế cô thân, thấp cổ bé miệng.
Con tìm Ngài trong lễ nghi ồn ào náo động.  Ngài tìm con trong thinh lặng âm thầm lặng lẽ.
Con tìm Ngài nơi trưng bày ảnh tượng hoa nến lung linh nhang khói mịt mờ.  Ngài tìm con trong đáy sâu tâm hồn tình yêu sức sống
Con tìm Ngài trong biện pháp khai trừ, trục xuất, dẹp bỏ, xua đi.  Ngài tìm con ở nơi không nỡ dập tắt tim đèn còn leo lét, bẻ gẫy cây lau bị giập.
Con tìm Ngài nơi những khuôn mặt trái soan, mũi dọc dừa, mắt bồ câu, môi trái tim.  Ngài tìm con trong gương mặt trái mít, mắt ghèn, mồm méo, răng mái hiên.
Con tìm Ngài nơi cô độc lẻ loi khép kín đóng khung che đậy.  Ngài tìm con trong đám đông thợ thuyền công nhân nhà máy đơn sơ mộc mạc chất phác.
Con tìm Ngài trong cơ cấu cứng ngắc, luật lệ nề nếp khắt khe.  Ngài tìm con trong tình yêu con cái thắm thiết nồng nàn tung bay thoáng mát.
Con tìm Ngài nơi người trẻ hào nhoáng cao hứng bốc đồng hồng hào quyến rũ.  Ngài tìm con nơi ông già bà cả nhăn nheo trải dài mưa sương nắng gió cô đơn lẻ loi.
Con tìm Ngài trên con đường dễ dãi thênh thang, tự do phóng túng bừa bãi.  Ngài tìm con trên con đường nhỏ hẹp dẫn đến tin yêu.
Và rồi, cứ thế…cứ thế… con hụt hơi, mòn mỏi đôi chân, rã rời thân xác, mắt mờ họng ráo khô, suy sụp tinh thần.  Lạy Chúa, suốt đời con không gặp được Chúa, Chúa không gặp được con.  Để Chúa và con cứ tìm nhau mãi, tìm nhau mãi….

Mong Manh
http://www.gplongxuyen.org/

XUÂN VÀ TUỔI GIÀ

Đầu đề bài viết hơi lạ một chút.Bình thường người ta hay nói :” Xuân và tuổi trẻ”, đến nỗi có cả một bài hát quen thuộc của La Hối được hát lên mỗi mùa xuân về.
“Ngày thắm tươi bên đời xuân mới
Lòng đắm say bao nguồn vui sống
Xuân về với ngàn hoa tươi sáng
Ta muốn hái muôn ngàn đóa hồng”
Ca khác ngợi ca tiết trời vào xuân thật đẹp đẽ tươi thắm,mùa xuân cũng làm cho lòng người nao nức hân hoan.
Tuổi trẻ,người trẻ mang sức sống mới căng tràn nhựa sống, như Mùa Xuân mới đang về khắp phố phường,khởi đầu cho một năm Đinh Dậu 2018 may lành hạnh phúc.
Nhưng Mùa xuân theo cái nhìn của người già có chút buồn.Chúng tôi được gợi hứng viết những dòng này từ chuyến thăm quý cha hưu dưỡng nhân dịp Tết.
Có thể nói,mùa xuân của người già cũng thế thôi, cũng những ngày tết trôi qua bình dị lặng lẽ.Dường như người già không có sự mong mỏi chờ đón Mùa Xuân.Xuân với người già trầm lặng hơn,thường quy về gia đình tình nghĩa ,đón con cái trở về quê ăn tết.Mùa xuân với người già buồn vì “mỗi mùa xuân sang mẹ tôi già thêm một tuổi”,tuổi càng cao, sức khỏe càng cạn kiệt hao mòn,tâm trí lẩn thẩn,có lúc nhớ lúc quên,rồi lại đến ngày phải ra đi theo định luật tự nhiên.
Những năm gần đây,nếu người viết nhớ không lầm,hình như công ty bánh kẹo Kinh Đô mỗi dịp tết lại đưa ra video clip quảng cáo trên truyền hình.Hình ảnh được xem là khá ý nghĩa, thấm đậm sắc thái Tết Việt.Ở quê nhà,ông bà cụ chuẩn bị mọi thứ đón con cháu về dịp Tết.Nào là cắt tỉa cành mai,gói bánh chưng bánh tét,mâm cúng ngũ quả,các loại bánh quy,hạt dưa, kẹo mứt…Đương nhiên phải có các loại bánh của Kinh Đô nữa chứ.Ông bà già mong mỏi từng ngày con cháu trở về sum họp gia đình.Ngày cận tết,khoảng 28 tháng chạp,bà cụ nghe điện thoại của anh con trai gọi về. “Mẹ ơi, chúng con còn nhiều công việc phải giải quyết,chắc năm nay chúng con không dẫn các cháu về quê ăn tết với ông bà được”.Nghe được tin này,hai ông bà già ở quê buồn rầu “Cái gì cũng có chỉ thiếu chúng nó”.Đoạn phim quảng cáo kết thúc với câu slogan “Tết Kinh Đô- tết sum vầy”.Cuối cùng gia đình anh con trai của ông bà cũng thu xếp công việc được để về quê.
Câu chuyện nói lên thực tế của mỗi gia đình chúng ta trong dịp Tết đến xuân về.
Ngày Tết trước hết là ngày của tình nghĩa gia đình.Người già mong mỏi con cháu về thăm, chúc tuổi ông bà. Hình ảnh đầy đủ ý nghĩa nhất vẫn là hình ảnh gia đình con cháu ông bà quy tụ bên mâm cơm ngày tết.

Ông bà nhiều khi chẳng đi làm,không có bao nhiêu tiền nhưng mỗi khi con cái cho tiền mua thuốc thang lại dành dụm,đợi tết đến,ông bà cũng có bao đỏ lì xì cho các cháu vui vẻ.
Người già sống vì tình,vì nghĩa,lúc nào cũng yêu thương con cháu trong gia đình.Cho nên, người già nhiều khi cũng chẳng buồn vì tuổi tác cộng thêm,đầu thêm bạc trắng phất phơ.Họ mong tết có lẽ vì, tết được gặp gỡ các cháu,chuẩn bị bữa cơm gia đình ấm cúng, họ cũng lấy làm vui sướng được phục vụ con cháu.
Bà nội tôi mất cách đây hơn chục năm.Lúc trước khi bà còn sống,bố tôi lại trách bà “Mẹ già rồi,chân tay đau,đừng nấu bánh chưng nữa .Mẹ cứ ra chợ mua về,thiếu gì,hơn nữa các cháu chẳng ăn bao nhiêu đâu, làm chi cho cực”.Dù bố tôi nói vậy,nhưng năm nào bà nội cũng nấu bánh chưng, cho mỗi gia đình các con một cặp.Nhà nội tôi ở dưới quê đất đai rộng rãi nên mỗi năm cứ 23 tết được nghỉ học,anh em chúng tôi lại được về ở luôn với bà.Năm nào bà cũng nấu bánh chưng. Các anh chị em họ chúng tôi cùng với cô chú lại canh nồi bánh chưng suốt đêm/
Chúng tôi bắt gặp được những cảm xúc miên man khi mùa xuân về,đi thăm quý cha hưu dưỡng vào những ngày trước Tết cổ truyền.Các linh mục hưu, Xuân về lại có chút quà thăm hỏi của giáo dân giáo xứ cũ,nơi các ngài đã từng phục vụ.Đó cũng là những nghĩa cử tốt đẹp thể hiện lòng biết ơn.Trước đây các ngài đã hết mình cống hiến cho Giáo hội,tận tình phục vụ đoàn chiên Chúa giao phó,nay các ngài đang nghỉ ngơi lặng thầm trong cầu nguyện.Dịp Tết chúng ta cần phải nhớ đến các ngài, và trong nhiều dịp đặc biệt khác nữa.Những món quà, tiền bạc chẳng đáng là bao nhiêu nhưng cũng làm ấm áp tấm lòng các ngài.Chính những thăm hỏi đó làm gia tăng niềm vui cho tuổi già các ngài.
Giáo phận Long Xuyên có truyền thống tốt đẹp từ nhiều năm qua.Hằng năm vào ngày lễ thánh Gioan Tông đồ 27.12,quý cha hưu ở khắp nơi trong giáo phận về nhà hưu dưỡng Linh Mục tại Giáo xứ Cần Xây,cùng tham dự ngày ghi ân các vị Chủ Chăn đã dâng hiến cả cuộc đời cho Chúa và Hội Thánh.Thánh lễ do chính Đức cha giáo phận Giuse Trần Xuân Tiếu chủ sự,bên các cha hưu dưỡng có thân nhân,ân nhân và bà con giáo dân.Đó là thể hiện lòng hiếu thảo với các chủ chăn của toàn giáo phận.
Thiết nghĩ,những thánh lễ thể hiện lòng tri ân cần phải nhân rộng thêm nơi các giáo phận, giáo xứ,các giáo hạt,nhờ đó người trẻ luôn thấy được và biết ơn các vị Chủ chăn đã nghỉ hưu.
Các giáo xứ của chúng ta trải qua thời gian luôn có những công lao khó nhọc của các vị Chủ Chăn, mồ hôi và nước mắt,nên chăng chúng ta phải nói lời tri ân.Hơn nữa, chúng ta là những người kế thừa phải làm cho giáo xứ mình càng đẹp đẽ khang trang hơn,không những về cơ sở vật chất nhưng về tinh thần lòng đạo, sự hăng say nhiệt tình của cộng đoàn đức tin.
Ngày xưa,ở tiểu học chúng ta đã học thuộc lòng câu ca :

“ Ăn một bát cơm
Nhớ người cày ruộng
Ăn đĩa rau muống
Nhớ người đào ao
Ăn một quả đào
Nhớ người vun gốc
Ăn một con ốc
Nhớ người đi mò
Sang đò,
Nhớ người chèo chống
Nằm võng,
Nhớ người mắc dây
Đứng mát gốc cây
Nhớ người trồng trọt.

Người già trong gia đình,chúng ta cần phải trân trọng,các ngài thích làm gì chúng ta cứ để cho các ngài vui niềm vui của tuổi già.Chúng ta cầu nguyện cho các ngài luôn sống thọ với con cháu.
Trên mạng có những bài viết cảm động đại loại như : Bạn còn có thể ngồi ăn cơm ngày tết với ba mẹ được bao nhiêu lần nữa ?
Có một bạn trẻ du học sinh tâm sự như sau :
“Tất cả những gì tôi đang cố gắng nơi đây sẽ là món quà xuân vô giá gửi về quê nhà cho cha mẹ tôi, tôi tin là vậy.Ai đó nói con cái là mùa xuân của cha mẹ, nhưng với tôi, cha mẹ mới chính là mùa xuân của con. Bởi lẽ mùa xuân là mùa của niềm vui, hạnh phúc. Và còn cha còn mẹ là còn niềm vui, hạnh phúc, là còn có Tết. Cha mẹ như mùa xuân tưới mát cho tâm hồn con luôn tươi trẻ.
Những ai còn cha, còn mẹ, xin đừng chê Tết nhạt. Tết nào còn cha mẹ thì Tết ấy vẫn còn rất đậm, đậm tình yêu thương gia đình. (Nguyễn Thái Hòa, Pháp)
Với những đấng bậc trong Giáo hội đang trong tuổi già,đoàn chiên ở các giáo xứ mà các ngài đã phục vụ hãy thể hiện lòng biết ơn,chịu khó lui tới thăm viếng các ngài.
Một linh mục chưa đến tuổi đi nghỉ hưu chia sẻ: “Anh còn trẻ chưa thấy được sự cô đơn của tuổi già.Mọi người chỉ đến thăm anh một chút lại trở về với gia đình của họ.Nhất là những ngày Tết, mỗi người đi một nơi.Ông bà cha mẹ trong gia đình thì còn có các con các cháu bu quanh mình.Đi tu như mình đâu có con cháu ruột rà thân thích.Mình chỉ là chú,là bác của các cháu. Chúng nó thăm nom bố mẹ nó trước rồi mới tới mình.Tôi nhìn viễn ảnh nghỉ hưu vào ngày tết thì buồn lắm.Tôi ước gì được nghỉ hưu ở một nhà hưu gần một xứ đạo,ngày ngày được nghe tiếng kinh cầu,thánh lễ,nhìn qua tường rào thấy các em thiếu nhi đi học giáo lý.Thấy những cảnh đó để biết rằng cuộc sống mình không bị giam hãm trong bốn bức tường của buồn chán.
Niềm vui tuổi già là làm những gì mình thích,có cha thì viết sách,làm thơ,có cha thì thường xuyên đi công tác từ thiện phát quà cho người nghèo ở vùng sâu vùng xa hẻo lánh.Có cha tuy nghỉ hưu nhưng ngày nào cũng đi dâng lễ các giáo xứ, ngày chủ nhật có khi ngài làm tới 3 lễ.
Mùa xuân về,thiết nghĩ các gia đình, các xứ đạo cần phát huy tinh thần đền ơn đáp nghĩa, thể hiện lòng biết ơn,trân trọng người già,tiếp nối công việc mà các ngài để lại,cùng nhau xây dựng gia đình tình nghĩa,thủy chung gắn bó với nhau, cùng nhau làm chứng cho Tin Mừng.
Giuse Nguyễn Bình An
http://baoconggiao.net

CHÚA NHẬT III THƯỜNG NIÊN - B

Khi bắt đầu thời kỳ công khai lên đường thi hành sứ vụ, việc đầu tiên Chúa Giêsu làm là tuyển chọn một số môn đệ nòng cốt để tiếp tay và nối gót Người rao giảng Tin Mừng và xây dựng Hội Thánh.
Đây là một nhiệm vụ vô cùng trọng đại cao cả nhưng đồng thời cũng đầy gian truân và thách thức, thế nên cần phải tuyển cho được những ứng viên phù hợp.
Trong các thành phần dân chúng thời đó, chúng ta thấy nổi bật nhất là các tư tế ở Đền Thờ Giê-ru-sa-lem. Họ là những người ngày đêm ứng trực trong đền thờ lo việc thờ phượng tế lễ Thiên Chúa. Xem ra họ là những ứng viên sáng giá nhất cho công cuộc loan báo Tin Mừng và xây dựng Hội Thánh. Thế nhưng Chúa Giêsu đã không chọn bất cứ ai trong số các vị ấy làm tông đồ xây dựng Hội Thánh Người.
Kế đó, thành phần Luật sĩ, những người học rộng và thông thạo thánh kinh. Có ai xứng đáng hơn họ trong việc giải thích và loan truyền Lời Chúa? Có ai giàu kiến thức về đạo lý bằng họ? Thế mà Chúa Giêsu cũng không chọn một ai trong số các vị nầy làm tông đồ của Người.
Thành phần thứ ba cũng rất sáng giá là các người biệt phái. Họ giữ luật rất nhiệm nhặt, có đời sống đạo rất nghiêm túc. Những người như thế cũng đáng làm đầu thiên hạ và lãnh đạo người ta. Thế mà Chúa Giêsu cũng không chọn bất cứ người biệt phái nào làm tông đồ cho Người.
Chúa Giêsu cũng không chọn những người có vai vế trong xã hội, những người giàu sang quyền quý làm môn đệ đầu tiên của Người.
Tin Mừng hôm nay cho thấy sự chọn lựa của Chúa Giêsu khiến chúng ta kinh ngạc:
"Người đang đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê, thì thấy ông Si-môn với người anh là ông An-rê, đang quăng lưới xuống biển, vì họ làm nghề đánh cá. Người bảo họ: "Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá." Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người.
Đi xa hơn một chút, Người thấy ông Gia-cô-bê, con ông Dê-bê-đê, và người em là ông Gioan. Hai ông này đang vá lưới ở trong thuyền. Người liền gọi các ông. Và các ông bỏ cha mình là ông Dê-bê-đê ở lại trên thuyền với những người làm công, mà đi theo Người."
Chúa Giêsu đã chọn bốn ngư phủ là Simon, An-rê, Gioan, Giacobê, làm môn đệ đầu tiên trong lúc họ đang quăng chài kéo lưới hoặc đang vá lưới trong thuyền. Tại sao?
Các ngư phủ là những người dạn dày sương gió. Họ quen chịu giá lạnh giữa biển khơi; từng trải qua những đêm tối giữa sóng gió trùng khơi; không sợ đói, không sợ rét, không sợ bão tố cuồng phong, không sợ cảnh chơi vơi giữa ba đào sóng gió. Nói chung, họ bất chấp mọi khó khăn, gian khổ và nghịch cảnh để đạt cho bằng được nguyện vọng của mình.
Họ là những người đầu tiên được Chúa Giêsu chiếu cố và mời gọi làm môn đệ loan Tin Mừng, làm những trụ cột nòng cốt trong công trình xây dựng Hội Thánh.
Điều nầy cho thấy phẩm chất đầu tiên để làm môn đệ Chúa Giêsu là không ngại gian truân, sẵn sàng hy sinh để thực hiện mục tiêu mong muốn.
Lạy Chúa Giêsu,
Chúa đã kêu gọi chúng con làm tông đồ cho Chúa trong xã hội hôm nay. Xin ban ơn giúp chúng con sẵn sàng vượt khó, dám đương đầu với mọi thách thức và sóng gió như các môn đệ đầu tiên hầu có thể chu toàn trọng trách mà Chúa và Hội Thánh trao phó cho chúng con.