BỔN MẠNG THÁNG 3


THÁNG 3


NGÀY
LỄ
QUAN THẦY
09.03
Lễ Thánh Françoise Romaine
*Chị Lan (Hv)
15.03
Lễ Thánh Louise de Marillac
* Chị Giêng
19.03
Lễ Thánh Giuse
* Chị Thủy, Chị Kim Tiên,
* Các chị TậpViện

* Ghi chú: Từ ngày 10/03 đến 18/03: Làm tuần cửu nhật Kính Thánh Giuse -  bảo Trợ Dự -Tỉnh


lEÃ gioã cha meï chò em
TÖÔÛNG NHÔÙ VAØ CAÀU NGUYEÄN

NGÀY
LỄ GIỖ

05.03

Ông cố Bênêdicto - Thân phụ  Dì Nhơn
06.03
( 09.02 ÂL)
Bà cố Anna- Thân mẫu chị Hoa
14.03
Ông cố Gioan Baotixita- Thân phụ Chị Loan
16.03
Ông cố Lôrenxô- Thân phụ Chị Thảo (Dom)



CHAY TỊNH

Để gặp được chính mình, gặp được chân lý, gặp được chính Đức Kitô thì chỉ có con đường duy nhất là sự từ bỏ, là chiến thắng dục vọng, mà chay tịnh là phương cách cần thiết và hiệu qủa nhất mà ngày nay người ta lại muốn quên nó...

THẾ NÀO LÀ CHAY TỊNH?

Ngôn ngữ thông thường gọi là ăn chay, có nghĩa là kiêng ăn, bớt ăn hoặc nhịn ăn theo như chủ trương của tín ngưỡng, giáo thuyết, tôn giáo hay cá nhân đề ra theo một mẫu mực nào đó. Tuy cách thức khác nhau, nhưng ăn chay là điều tất yếu của bất cứ một tôn giáo nào, và ngay cả những lý thuyết về tu thân cũng rất đề cao việc ăn chay, không kể những trào lưu ngày nay người ta ăn chay là vì sắc đẹp, vì sức khỏe.

Đạo Phật ăn chay là để tránh sát sinh, cũng là để tỏ lòng từ bi đại lượng với mọi sinh vật. Đạo Công Giáo ăn chay bằng cách tiết thực để nhắc nhở sự sám hối, sự hy sinh bác ái và hãm dẹp những dục vọng nơi con người. Cũng có nhiều tín ngưỡng và tôn giáo xưa nay có những mục đích tốt lành như vậy. Ăn chay đã có từ ngàn xưa, nhưng nó có nguy cơ trở thành một ý niệm cố hữu và xơ cứng nơi con người ngày nay. Dường như người ta  giữ chay hoàn toàn theo một hình thức nào đó thật máy móc, nó không còn ý nghĩa, mang đến một giá trị tốt lành, không giúp ích thực sự cho việc thực hành tâm linh nữa. Vì vậy việc ăn chay đã trở nên một hình thức nô lệ, như một chuyện “làm dáng” trong việc giữ đạo, đôi khi nó như một chuyện “xa sỉ” của thời đại..

Ngày nay dùng từ chay tịnh là có ý nghĩa hơn cả, vì nó diễn tả được hết cái đặc tính của việc giữ chay. Trong khi ăn chay điều cốt yếu không thể thiếu là phải có cái Tâm Tịnh, nếu tâm không tịnh thì mới chỉ có xác chứ chưa có hồn, có hình thức mà không có nội dung, nghĩa là việc ăn chay trở thành khấp khểnh, vô hiệu. Đây là một vấn nạn tạo nên sự vấp ngã cho nhiều người, do con người ngày nay hầu như bất lực trước cái Tâm luôn bị động, khó có thể tìm cho mình được những giây phút tĩnh lặng trong tâm hồn. Từ lúc thức dậy cho đến khi đi ngủ, con người hầu như hoàn toàn bị cuốn hút vào mọi công việc, mọi lo toan,  mọi áp lực, và mọi cám dỗ trong cuộc sống (Tâm viên ý mã). Vì vậy việc chay tịnh là cực kỳ khó khăn cho con người ngày nay. Bản tính con người dễ thiên về hai khuynh hướng, qúa câu nệ vào hình thức hoặc chỉ chú trọng đến nội dung, như trong việc ăn chay cũng vậy, hình thức và nội dung thường không tương đồng với nhau, cho nên thường chẳng gặt hái được kết quả gì sau những lần ăn chay.

Thực tâm mà nhìn nhận thì bản thân việc chay tịnh là rất khó, vì nó trái với bản tính tự nhiên của con người, nó đòi hỏi một sự từ bỏ khá triệt để. Chay tịnh chống lại sự đòi hỏi theo như bản năng của con người, nhất là bản năng hướng hạ. Một mặt nó không cho phép con người hưởng thụ theo như nhu cầu tự nhiên đòi hỏi, mà việc ăn uống là cơ bản, mạnh mẽ và điển hình nhất ; mặt khác nó bắt người chay tịnh phải biết hãm dẹp mọi dục vọng nơi bản thân, là nguồn của mọi xáo trộn, để tạo trong tâm hồn một sự tĩnh lặng cần thiết. Chính vì vậy, ai biết ăn chay và quen chay tịnh, người đó sẽ có một tinh thần mạnh mẽ, họ dễ dàng chiến thắng bản thân, có một nội lực mạnh mẽ, tạo nơi con người một thế quân bình cả về tâm lẫn thể lý.

Chay tịnh không thể thiếu trên con đường tu đức, nhất là muốn tiến tới sự trọn lành. Nó cũng là phương cách tích cực và hữu hiệu nhất để triệt hạ thói hư tật xấu, triệt tiêu những xu hướng và bản năng hướng hạ nơi con người. Nhờ vậy nó tạo trong tâm hồn con người một sự bằng an, một sự quân bình, một cái Tâm sáng mà chân lý có thể soi rọi vào dễ dàng. Nhưng ngày nay người ta rất coi thuờng việc chay tịnh, họ coi nó như một thứ “xa sỉ phẩm”, nếu có chỉ để trang trí mà thôi, thậm chí có những người đạo đức cũng coi thường nó, họ biện minh rằng: tinh thần là quan trọng, ý hướng là quan trọng, sức khoẻ là quan trọng, ngày nay dùng phương pháp tu đức khác v.v… Vì vậy thân xác và linh hồn họ luôn bị chao động, mỗi ngày lại yếu đuối và nặng nề thêm, ngay cả những điều nhỏ mọn họ cũng không thể tự chế hay tự chủ được, nói gì đến những việc bác ái hy sinh đòi sự can đảm kiên cường.

TẠI SAO PHẢI CHAY TỊNH ?

Các vị “đạo cao đức trọng”, nhất là các thánh nhân, việc chay tịnh là điều tất nhiên chẳng cần phải bàn luận. Cuộc đời của các vị được gắn liền với việc ăn chay như là thuốc uống chữa bệnh tinh thần, như là nước uống tạo chất sống cho cơ thể, như thánh Gioan Viannây xứ Ars là tiêu biểu nhất, mỗi ngày ngài chỉ ăn một củ khoai để giữ chay tịnh.

Theo như Đức Tin Kitô giáo, từ khi con người sa ngã, tâm trí con người trở nên hèn yếu, mê muội, lầm lạc. Sự sa ngã đó khiến tâm hồn con người bị đắm chìm trong những dục vọng thấp hèn, cho nên bất cứ tư tưởng, ý hướng và hành động nào của con người cũng bị dục vọng chi phối, thậm chí cả những ý hướng tốt, nhiều khi bề ngoài có vẻ rất cao đẹp, nhưng lại do động cơ tham vọng, ích kỷ hay do mặc cảm nào đó dẫn dắt. Trong những tổ chức xã hội, trong văn hoá, giáo dục, đều vướng mắc đầy dẫy sự khiếm khuyết và sai lạc, cũng như  trong ý niệm, trong sự nhận thức của mỗi người, đều chất chứa nhiều u mê nhầm lẫn. Cứ thế, lầm lẫn và sai lạc tích lũy và chồng chất lên nhau từ người này đến người kia, từ tổ chức này tới tổ chức khác, từ thế hệ này sang thế hệ nọ. Điều này triết lý nhà Phật gọi là sự “vô minh bẩm sinh” và “vô minh văn hoá” . Như Đức Kitô, Người từ Trời xuống thế để mạc khải chân lý Nước Trời cho nhân loại, nhưng để hiểu và nhất là để sống với chân lý đó thì không phải là khơi khơi mà có được. Điều kiện trong một trật tự của quy luật là phải nhận ra chính mình, đồng thời cũng phải nhận ra Thiên Chúa. Muốn được như thế là phải biết từ bỏ, biết rũ bỏ những dục vọng mà con người đang đắm chìm trong đó. Từ bỏ hay rũ bỏ là gì, đó chính là chay tịnh, là hãm dẹp, là cắt đứt với mọi khuynh hướng, đam mê vật dục, đam mê với cái tôi kiêu ngạo, tham lam, ích kỷ, chia rẽ, hận thù, ghét ghen…

TẠI SAO CHAY TỊNH TÌM ĐƯỢC BÌNH AN VÀ TRỞ NÊN SÁNG SUỐT ?

Mục đích của chay tịnh là hãm dẹp, cắt đứt cái nguồn u mê mà gốc của nó là những dục vọng đê hèn nơi con người. Trước hết là nhịn ăn để “tuyên chiến” với nó, hạ gục hay ít ra làm cho nó yếu đi ngay từ “cơ sở nền tảng” của nó. Cần phải quyết tâm, nhưng nhẹ nhàng, uyển chuyển, đừng thổi phồng nó lên cũng như đừng coi thường thì mới có thể chiến thắng được nó. Như ai cũng biết, nhu cầu ăn uống là nhu cầu manh mẽ, thiết yếu và đầu tiên mà dục vọng con người đòi hỏi, được đáp ứng và thoả mãn nhu cầu này rồi, dục vọng mới tìm tới các nhu cầu khác. Nhưng khi ăn chay, nhu cầu ăn uống bị hạn chế, hoặc bị cắt đứt, thì tất nhiên mọi nhu cầu khác, tức là các dục vọng khác không thể có cơ hội phát triển được, nếu có thì nó rất yếu ớt. Lúc này với ý chí và ý hướng rũ bỏ, người ăn chay sẽ tìm gặp được sự tĩnh lặng trong tâm hồn, khí lực được tích lũy (tự thắng giả cường-thắng mình là mạnh), nên họ rất mạnh mẽ. Và quy trình tất yếu diễn ra là: Dục vọng không còn làm chủ được thân xác và linh hồn nữa, nên người chay tịnh sẽ tìm được sự bằng an bất tận, tâm và trí không bị dục vọng che mờ nên sẽ nhìn được chính mình (tự tri giả minh-biết mình là sáng), thấy mình hèn kém, yếu đuối, nhưng lại có một nội lực chiến thắng được những cơn cám dỗ mà bình thường con người không thắng vượt được. Đồng thời người chay tịnh cũng nhận ra chân lý rất sáng tỏ, nhìn thấy những lẽ huyền vi của Thiên Chúa và mọi quy luật trong đời sống . Mặt khác cũng hiểu đời, hiểu người nhiều hơn, nên tâm hồn phẳng lồng lộng và rất quảng bác.

Dục vọng như chiếc rọ, là sợi dây trói buộc con người làm nô lệ cho những cảm xúc thú tính của phần hạ, được mệnh danh là sự khoái lạc nhưng dẫn đến sự dữ, sự xáo trộn và hủy diệt. Để gặp được chính mình, gặp được chân lý, gặp được chính Đức Kitô thì chỉ có con đường duy nhất là sự từ bỏ, là chiến thắng dục vọng, mà chay tịnh là phương cách cần thiết và hiệu qủa nhất mà ngày nay người ta lại muốn quên nó, đến nỗi Đức Mẹ Mễ Du phải kêu gọi con cái Mẹ cứu thế giới bằng cách ăn chay vào thứ tư và thứ sáu hàng tuần bằng bánh mì với nước lã, để thánh hoá bản thân và cầu cho hoà bình thế giới.

CHÚA GIÊSU ĂN CHAY NHƯ THẾ NÀO ?

Ngài vào hang núi để cầu nguyện, nhịn ăn hoàn toàn bốn mươi ngày đêm, nghĩa là Ngài tuyệt thực cho tới khi cảm thấy đói – “Thánh Thần dẫn Ngài vào sa mạc bốn mươi ngày, chịu ma quỉ cám dỗ… Ngài không ăn gì cả.” (Luca 4,1-2). Đây là phương pháp nhịn ăn triệt để và tích cực nhất mà nhiều người trên thế giới đã áp dụng xưa nay, như Phật Thích Ca, Ohsawa, Gandhi… Chúa Giêsu không phải chỉ làm gương cho con người, mà đối với bản thân vị Chúa-Người, Ngài cũng cần được cảm nghiệm sự cám dỗ và chay tịnh đúng mức thì mới được tiếp nạp sức mạnh Cứu Chuộc theo như trật tự trong quy luật tự nhiên và siêu nhiên của Thiên Chúa.

Trước đây trong xã hội truyền thống, con người sống gần thiên nhiên, tự cung tự cấp, nhu cầu chưa nhiều, đời sống thanh bạch, giản dị được ưa chuộng và đề cao, nên con người gần với đạo lý hơn, việc ăn chay (tiết dục) cũng là việc bình thường và nhẹ nhàng. Nhưng trong xã hội công nghiệp ngày nay, con người hướng đến sự hưởng thụ tối đa, ham chuộng thực phẩm công nghiệp, ưa ăn thịt động vật, tìm những mùi vị kích thích trong ăn uống, từ đó tính khí trở nên hung hăng, nên bị nô lệ và yếu đuối, dục vọng được phát triển tối đa, cho nên việc chay tịnh là cực kỳ khó khăn, hậu qủa là bệnh tật và tha hoá về tinh thần rất trầm trọng. Nhưng dường như con người lại hãnh diện về điều đó.

Tiếc rằng ngày nay không có ai bắt chước ăn chay (tuyệt thực) như Chúa Giêsu, nếu có người nhịn ăn chẳng qua là để chữa bệnh, hoặc tuyệt thực là để lấy tiếng – háo danh. Chay tịnh như Chúa Giêsu cũng không được ai biết đến, mà ngay cả ý nghĩa và mục đích của ăn chay người ta cũng hiểu sai đi. Chay tịnh đã lỗi thời rồi sao?! Hay ngày nay con người qúa yếu đuối ?!

                                                                                                                      Hàn Cư Sĩ
(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)


THỨ TƯ LỄ TRO

Ăn chay là một hình thức thực hành tôn giáo đã có từ lâu đời. Xưa kia ăn chay còn kèm theo đánh tội, mặc áo nhặm nữa. Có nhiều người thắc mắc tự hỏi: tại sao phải ăn chay. Tại sao phải hành hạ thân xác như thế? Có phải Chúa độc ác đến độ vui sướng khi thấy con người bị hành hạ hay sao? Chắc chắn không phải như thế. Vậy tại sao ăn chay?

 Theo thánh Tôma tiến sĩ, ta có 3 loại kẻ thù là: ma quỉ, thế gian và xác thịt. Nếu có ai hỏi trong ba loại kẻ thù đó, loại nào nguy hiểm nhất, có lẽ không ai ngần ngại trả lời đó là ma quỉ. Quả thực ma quỉ rất hiểm độc, xảo trá. Tuy nhiên, dù hiểm độc đến đâu ma quỉ vẫn luôn ở ngoài ta. Cả thế gian cũng thế, dù ở gần gũi ta, dù có ảnh hưởng lớn trên ta, nhưng thế gian vẫn luôn ở ngoài ta. Chỉ khi nào ta đồng ý, ma quỉ và thế gian mới đột nhập được vào cung cấm linh hồn. Ở đây xác thịt đóng một vai trò quan trọng. Vì xác thịt ở trong ta, thiết thân với ta. Khi mạnh mẽ, xác thịt là người lính canh tốt, là phương tiện phục vụ linh hồn. Nhưng khi yếu đuối, xác thịt thống trị linh hồn. Và tệ hơn nữa, khi ưng thuận với ma quỉ và thế gian, xác thịt trở thành kẻ nội thù, đánh phá ta ngay từ bên trong. Vì thế xác thịt là nguy hiểm nhất.

Thường không ai muốn sự xấu. Không ai muốn phạm tội. Người ta phạm tội hầu hết vì yếu đuối. Vì yếu đuối nên nghe theo ma quỉ, thế gian. Vì yếu đuối nên đồng ý cho ma quỉ, thế gian xâm nhập tâm hồn. Vì yếu đuối nên để ma quỉ, thế gian lèo lái tâm hồn. Muốn chống trả được sự dữ linh hồn phải mạnh khỏe. Muốn mạnh khỏe phải rèn luyện. Mùa chay chính là một thời gian thuận tiện để rèn luyện. Hôm nay Chúa Giêsu đưa ra cho ta chương trình 3 điểm để rèn luyện trong mùa Chay. Đó là ăn chay, cầu nguyện và làm việc bác ái.

 Ăn chay là một phương thế hữu hiệu để rèn luyện tâm hồn. Ăn uống là nhu cầu sơ đẳng của con người. Làm chủ được nhu cầu sơ đẳng là bước đầu tiến đến làm chủ bản thân. Chế ngự được cơn đói dẫn ta đến chế ngự dục vọng. Quen nói không với bản năng thấp hèn, ta sẽ biết mạnh dạn từ chối những cám dỗ xấu. Quen tự chế ta sẽ trở nên mạnh mẽ. Biết từ bỏ ý riêng ta sẽ vươn lên cao trên bậc thang thánh thiện.

Cầu nguyện là phương thế không thể thiếu cho người muốn nên thánh. Nếu nên thánh là sống thân mật với Chúa thì cầu nguyện giúp ta đạt được điều này. Cầu nguyện càng sâu xa ta càng thân thiết với Chúa. Chúa là nguồn sức mạnh. Ai siêng năng cầu nguyện sẽ được sức mạnh cần thiết để chiến thắng các cơn cám dỗ. Chúa là nguồn thánh thiện. Ai thân thiết với Chúa sẽ có tâm hồn nhẹ nhàng siêu thóat mọi dính bén trần tục.

Mẹ Têrêsa nói: "Cầu nguyện sẽ mở rộng hơn tấm lòng của bạn, mãi tới mức lòng bạn lớn đủ, để chứa cả món quà tặng là chính Thiên Chúa.

Cầu nguyện không đòi chúng ta bỏ dở công việc, nhưng đòi chúng ta tiếp tục làm việc vì làm việc cũng là cầu nguyện.

Cầu nguyện dẫn tới đức tin, đức tin dẫn tới tình yêu, tình yêu đưa tới phục vụ vì lợi ích người nghèo".

Làm việc bác ái. Tình yêu Chúa thực sự sẽ được thể hiện trong tình yêu mến anh em đồng loại. Tập làm việc bác ái giúp ta thêm lòng yêu mến Chúa. Quen nghĩ đến người khác giúp ta biết từ bỏ mình. Biết cảm thương trước những cảnh nghèo cảnh khổ sẽ giúp ta biết chia sẻ, xây dựng một xã hội huynh đệ, hòa bình.

Đã bao mùa Chay trôi qua, nhưng ta chưa tiến bộ bao nhiêu trên đường thánh thiện. Năm nay, ta hãy quyết tâm sống mùa Chay với chương trình cụ thể 3 việc mà Chúa đã dạy.

Một vị ẩn tu sống đơn độc trên ngọn núi cao. Ngày đêm ông ăn chay cầu nguyện. Ông ăn chay rất nghiêm ngặt và cầu nguyện rất tha thiết. Ðể thưởng công, Chúa cho xuất hiện một ngôi sao trên đầu núi. Khi ông ăn chay và cầu nguyện ít, ngôi sao mờ đi. Khi ông ăn chay và cầu nguyện nhiều thì ngôi sao rực sáng lên. Một hôm ông muốn leo lên đỉnh cao nhất của ngọn núi. Đang khi ông chuẩn bị lên đường thì một em bé gái trong làng đến thăm và ngỏ ý muốn đi cùng ông. Thày trò hăng hái lên đường. Đường càng lên cao càng dốc và khó đi. Mặt trời càng lúc càng nóng gắt. Cả hai thày trò ướt đẫm mồ hôi và cảm thấy khát nước nhưng không ai dám uống. Em bé không dám uống trước khi thày uống. Vị ẩn tu không dám uống vì sợ mất công phúc trước mặt Chúa. Nhưng nhìn thấy em bé mỗi lúc mệt thêm, thày ẩn tu thấy thương, nên mở nước ra uống. Lúc ấy em bé mới dám uống. Uống nước xong, em bé mỉm cười rất tươi và cám ơn thày. Thày ẩn tu len lén ngước mắt nhìn lên đỉnh núi. Thầy sợ ngôi sao biến mất vì thày đã không biết hãm mình. Nhưng lạ thay, trên đầu núi thày thấy không phải một mà có đến hai ngôi sao cùng xuất hiện. Thì ra, để thưởng công vì thày biết thương người khác, Chúa đã cho xuất hiện một ngôi sao nữa, sáng không kém gì ngôi sao kia.

Vâng! Hãy có chương trình ăn chay bằng hãm dẹp những tính mê nết xấu. Hãy gia tăng thời gian cầu nguyện sống bên Chúa. Hãy bớt chi tiêu để chia sẻ với những anh chị em đói nghèo. Nếu có một chương trình cụ thể và siêng năng thực tập những việc đạo đức nói trên, chắc chắn ta sẽ tiến bộ rất nhiều sau mùa Chay này. Ta sẽ được nhiều ơn Chúa và sẽ mừng lễ Phục sinh tràn đầy niềm vui thánh thiện.

Với nghi thức xức tro bây giờ, tôi long trọng khai mạc mùa Chay thánh năm 2017. Ước gì mùa Chay năm nay đem đến cho anh chị em phúc lộc dồi dào của Chúa qua những thực hành đạo đức ăn chay, cầu nguyện và làm việc bác ái như Chúa Giêsu đã dạy chúng ta.
Lm Giuse Đinh Tất Quý


VỪA BUỒN VỪA BỰC KHI NHẬN EMAIL

Đã rất nhiều lần, khi nhận được email từ sinh viên gửi đến, thời gian đầu tôi vừa buồn vừa bực. Cứ tự hỏi mình rằng trong lúc soạn email, phải chăng các em còn bận rộn việc cá nhân gì đó nên đã không chú tâm vào cách trình bày lá thư? Có những email chỉ có tệp (file) đính kèm mà không hề có bất cứ tiêu đề (subject line) nào hay bất cứ nội dung (content) gì.
Thậm chí các em không xưng tên họ, để lại số điện thoại liên hệ. Một số email thì ghi hẳn nội dung cần trao đổi vào ô tiêu đề, nhưng là những dòng chữ tiếng Việt không dấu, hoặc những chữ viết tắt không theo một thể thức quy tắc nào. Phải qua các lần trả lời email trao đổi kế tiếp, khi tôi nhắc nhở, các em mới cải thiện những điều trên.
Vậy đâu là nguyên nhân gây ra các tình huống này? Là do công nghệ hiện đại hay ý thức của sinh viên hiện nay đang dần đi xuống? Thời gian sau này, khi bình tâm suy xét từ các góc độ, tôi nghĩ rằng lỗi không thuộc hoàn toàn về các em. Sinh viên hiện nay đã quá quen với việc trao đổi thông tin qua các trang mạng xã hội, với những ứng dụng siêu tiết kiệm thời gian...
Khi cần gửi tài liệu gì, các em chỉ việc chọn tài liệu đó và nhấn nút gửi (send) là hoàn tất một chu trình trao đổi. Thói quen này dần hình thành ở sinh viên khi còn học phổ thông, qua việc các em giao tiếp với bạn bè và được các em vô thức lặp lại khi giao tiếp qua email với giảng viên, cán bộ nhà trường.
Qua những lần trò chuyện trực tiếp một cách cởi mở, tôi nhận thấy nhiều sinh viên chỉ bắt đầu sử dụng email khi bước vào giảng đường đại học. Quả thật vào thời phổ thông, không có nhiều tình huống để các em sử dụng đến email.
Ban đầu tôi còn ngờ ngợ về điều này, sau tôi phải tin rằng đó là thực trạng đang diễn ra hiện nay trong sinh viên. Tức là không hẳn các em thiếu sự tôn trọng người nhận email, mà các em đang vô thức không biết được việc làm của mình.
Lý giải của tôi hẳn sẽ khiến nhiều người lớn cảm thấy dường như tôi đang ngụy biện cho các em, lỗi không thể do công nghệ. Nhưng nếu có dịp công tác trong ngành giáo dục, hẳn mọi người sẽ có cảm giác như tôi, luôn muốn tìm ra bản chất thật sự của vấn đề và điều quan trọng hơn là tìm ra giải pháp để sinh viên hoàn thiện hơn. Chứ hiện trạng thì ai cũng thấy rồi, cứ mãi chỉ trích không làm cho mọi thứ tốt hơn được.
Tôi nghĩ các trường đại học rất cần đưa vào nội dung chương trình những buổi sinh hoạt đầu khóa cho tân sinh viên các kỹ năng giao tiếp tối thiểu. Đây là những điều mà các em thì cứ nghĩ dư thừa, còn người lớn thì mặc nhiên cho rằng các em hẳn phải đã tự biết rồi.
Khoảng cách thế hệ luôn là bức tường nhận thức, khiến cho chúng ta không đặt mình trong tâm thế của sinh viên. Cứ nghĩ các em phải biết, phải hiểu, nhưng nếu thầy cô không dạy thì các em còn biết học ở đâu?
Thế nên, trong giờ giảng của các môn đại cương như phương pháp học đại học, phương pháp nghiên cứu khoa học... cần xen kẽ những nội dung về kỹ năng giao tiếp, ứng xử. Tất nhiên, việc gì cũng cần hai phía. Một thái độ cầu thị, sẵn sàng tiếp thu là yêu cầu mà người học cần có, nếu muốn đạt kết quả tốt.


TRẦN XUÂN TIẾN (tuoitreonline)Trường đại học Văn Hiến)

MA QUỶ TẤN CÔNG

Mùa Chay lại về, Mùa Chay là thời gian thuận tiện để chúng ta kiểm điểm cuộc đời mình và rà soát mọi ngõ ngách của linh hồn, và cố gắng chấn chỉnh để phần nào đền bù tội lỗi của chính mình.
Chúng ta đang sống trong “vùng chiến tranh” nghiêm trọng, và khó tìm thấy hòa bình trong khoảng đó. Điều mà nhiều người khó nhận ra, đó làcuộc chiến đấu xảy ra hằng ngày trong cuộc sống của chúng ta ở ngay trong đầu chúng ta. Kinh Thánh cho biết:“Tất cả cùng ăn một thức ăn linh thiêng, tất cả cùng uống một thức uống linh thiêng, vì họ cùng uống nước chảy ra từ tảng đá linh thiêng vẫn đi theo họ. Tảng đá ấy chính là Đức Kitô. Nhưng phần đông họ không đẹp lòng Thiên Chúa, bằng chứng là họ đã quỵ ngã trong sa mạc” (1 Cr 10:3-5).
Có những đồn lũy nào đó của ma quỷ vây hãm chúng ta hằng ngày mà chúng ta phải nhận biết. Cuộc chiến đang xảy ra trong tư tưởng của chúng ta và ma quỷ lợi dung chính các nhược điểm đóđể tấn công chúng ta. Hãy lưu ý 6 điểm dưới đây. Đừng coi ma quỷ là đồng minh, bởi vì nó xảo trá và quỷ quyệt, nó sẽ lừa dối bạn để bạn lọt vào tròng của chúng.

1. KHI BẠN BỊ TỔN THƯƠNG
Ma quỷ sẽ tấn công bạn khi bạn yếu đuối, cả thể lý lẫn tinh thần. Chúa Giêsu bị ma quỷ tấn công sau khi Ngài đã ăn chay suốt 40 ngày. Kinh Thánh cho biết:“Người ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày, và sau đó, Người thấy đói. Bấy giờ tên cám dỗ đến gần Người và nói: “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì truyền cho những hòn đá này hoá bánh đi!” (Mt 4:2-3). Ma quỷ đã từng tấn công Chúa Giêsu vào một trong những lúc Ngài suy nhược nhất về thể lý. Có những người “chăm chút” sự yếu đuối của mình và giữ lấy nó. Nếu bạn là người như vậy, bạn sẽ không bao giờ tự do. Ma quỷ “bắt cóc” bạn và cầm giữ bạn.

2. KHI BẠN MỆT MỎI
Bạn có thường uể oải hoặc mệt mỏi? Thiếu nghị lực và thiếu sinh khí thường là hậu quả của một cuộc tấn công “mở rộng”. Thật vậy, các vấn đề này có thể xảy ra từ các vấn đề khác, kể cả việc mất ngủ và thiếu sức khỏe. Tuy nhiên, một trong các dấu hiệu quan trọng nhất mà bạn bị tấn công tinh thần là lúc bạn cảm thấy mệt mỏi,chính sự mệt mỏi khiến bạn chán nản và ngăn cản bạn làmnhững điều Thiên Chúa bảo bạn làm. Ngôn sứ Isaia cho biết: “Thanh niên thì mệt mỏi, nhọc nhằn, trai tráng cũng ngả nghiêng, lảo đảo” (Is 40:30), nhưng chờ đợi Chúa bồi bổ sức mạnh và thể hiện sự khôn ngoan để có thể chờ đợi, nghỉ ngơi và cậy nhờ vào Thiên Chúa chứ đừng ỷ vào sức mình.

3. KHI BẠN BẮT ĐẦU MỘT HÀNH TRÌNH TÂM LINH MỚI
Ma quỷ sẽ tấn công bạn khi bạn bắt đầu một quyết tâm mới về tâm linh. Không có gì nó ghét hơn là bạn quyết định thiết lập mối quan hệ với Thiên Chúa và phát triển đức tin. Ngày sau khi Chúa Giêsu bị ma quỷ cám dỗ, Ngai khởi đầu sứ vụ công khai. Kinh Thánh cho biết: “Từ lúc đó, Đức Giêsu bắt đầu rao giảng và nói rằng: Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 4:17). Nhận biết Chúa Giêsu sẽ bắt đầu sứ vụ, ma quỷ đã ráo riết tấn công Ngài, nhưng Ngài không thoái chí. Khi ban bắt đầu bất cứ một hành trình tâm linh nào, ma quỷ sẽ tấn côngđể phá hoại và làm cho bạn chia tríkhi cố gắng sống thân mật với Thiên Chúa và mở rộng sứ vụ của Đức Kitô. Đừng để ma quỷ chiến thắng bạn!

4. KHI BẠN BỐI RỐI
Ma quỷ sẽ tấn công bạn khi bạn thất vọng ê chề. Trong cuộc tấn công tinh thần, ma quỷ dùng nhiều mưu kế để đè nén tâm trí bạn và làm cho bạn cảm thấy thất vọng. Khi bạn ở trong vòng vây của nó, có thể bạn cảm thấy mình gặp nguy hiểm, lo lắng hoặcbối rối. Những lúc đó, cuộc đối thoại đơn giản với người khác (cha mẹ, vợ chồng, bạn bè,…) có thể chuyển thành xung đột, vàý tưởng đơn giản trong đầu của bạn có thể biến thành cảm xúc tiêu cực. Bạn cũng có thể cảm thấy không còn là mình như trước. Điều này không chỉ ở trong đầu của bạn. Trong những lúc như vậy, điều quan trọng là bạn phải cố gắng tập trung vào Thiên Chúa.

5. KHI BẠN ĐAU KHỔ
Ma quỷ sẽ tìm cách quyến rũ bạnmau chóng chữa trị khi bạn đau đớn và đau khổ. Nó muốn bạn tin nó có mọi cách thức, chứ không phải Thiên Chúa. Nếu bạn gặp rắc rối trong các mối quan hệ, nò sẽ cho bạn các lời lẽ và tư tưởng tồi tệvề người kia để làm cho mối quan hệ rạn vỡ nhiều hơn. Nếu bạn đang chiến đấu với bệnh tật, ó sẽ cố gắng làm cho bạn tin rằng Thiên Chúa không hiện diện và chẳng quyết tâm những gì bạn đang chịu đựng. Nếu bạn tìm kiếm Thiên Chúa trong những lúc đó, ma quỷ sẽ làm cho bạn nghi ngờ rang không biết Thiên Chúa thực sự có tốt lành hay không.

6. KHI BẠN MỘT MÌNH
Ma quỷ sẽ tấn công bạn khi bạncó một mình vì nó biếtrằng bạn rất yếu đuối khi không có mặt người khác. Nó cũng cho rằngđó là lúc bạn dễ sa ngã nhất. Kinh Thánh cho biết: “Đức Giêsu được Thần Khí dẫn vào hoang địa để chịu quỷ cám dỗ” (Mt 4:1). Ma quỷ biết Chúa Giêsu ở một mình nên nó cám dỗ Ngài. Ma quỷ có thể phát hiệnkhi nào bạn cảm thấy cô đơn. Những lúc đó, nó muốn bạn tin rang bạn hoàn toàn đơn độc. Thi thoảng bạn cảm thấy như ma quỷ không bỏ mặc bạn một mình, rất cần phải nhớ rằngThiên Chúa luôn ở bên bạn!

7. HÃY NHÌN LÊN THIÊN CHÚA
Nếu bạn là chi thể trong Nhiệm Thể của Đức Kitô, hãy chắc chắn rang ma quỷ luôn cố gắng hủy hoại bạn. Khi mọi thứ không thể đổ lỗi cho ma quỷ, có nhiều điều chứng tỏhậu quả công việc của nó và phải nhận biết khi nào ma quỷ hoạt động trong cuộc sống của bạn. Nếu bạn không cảnh giác, nó có thể hủy diệt bạn và tách rời chúng ta ra khỏi Chúa Cha. Không có gì để ma quỷ yêu thương, nhưng khi bạn được bảo vệ và được canh giữ, bạn có sức mạnh để đẩy lui mọi cuộc tấn công của ma quỷ.

LESLI WHITE
TRẦM THIÊN THU
(chuyển ngữ từ Beliefnet.com)

Chuẩn bị Mùa Chay – 2017

VÌ SAO NGƯỜI DO THÁI PHIÊU BẠT KHẮP NƠI MÀ KHÔNG CÓ NGƯỜI ĂN MÀY

Trong hơn 2000 năm, người Do Thái ly biệt quê hương và tản mạn đi khắp mọi khu vực của trái đất. Mãi đến năm 1947, khi chiến tranh thế giới thứ 2 chấm dứt, người Do Thái mới trở về đất nước của mình. Nhưng mà, là một dân tộc dù phải lang bạt hơn 2000 năm, nhưng Do Thái lại là dân tộc “độc nhất vô nhị” không có người ăn mày.
Người Do Thái cho rằng: Giáo viên vĩ đại hơn cả quốc vương. Họ vô cùng kính trọng giáo viên. Dựa vào học tập, tri thức và sách, người Do Thái dù lang thang ở bất kể nơi đâu họ cũng đều có thể sinh tồn, hơn nữa còn phát triển mạnh mẽ.
Người Do Thái là một dân tộc có tín ngưỡng tôn giáo mạnh mẽ. Họ coi học tập là một phần của tín ngưỡng, học tập là một hình thức thể hiện sự tôn kính của mình đối với Thượng đế. Mỗi người Do Thái đều cần phải đọc sách.
Talmud chính là nguồn gốc trí tuệ của người Do Thái. Talmud có nghĩa là “nghiên cứu” hoặc “nghiên cứu và học tập”. Talmud cho rằng: “Học tập là thứ giúp hành vi hướng thiện, là nguồn gốc của đức hạnh. Sự thành kính, lương thiện, ôn hòa, ưu nhã của một người đều là dựa vào kết quả của giáo dục”.
Người Do Thái coi sách là bảo bối của cả đời. Giá sách không được đặt ở đầu giường hay cuối giường nếu không sẽ bị coi là bất kính với sách.
“Trí tuệ quan trọng hơn tri thức”. Như thế nào là tri thức? Tri thức chính là thực tế khách quan và chân tướng của vạn sự vạn vật. Còn trí tuệ là đem thực tế khách quan và chân tướng của vạn sự vạn vật tiến hành tổng hợp ra một phương án tốt nhất để giải quyết vấn đề.
Đối với con người, quan trọng nhất là cái gì? Là đến từ trí tuệ, mà trí tuệ lại đến từ tri thức.
Mục đích của đọc sách là để mở rộng tri thức, sau khi đã chuẩn bị được nguồn tri thức phong phú, bạn sẽ học được cách suy xét. Bạn sẽ minh bạch được đạo lý làm người hoặc là sẽ tìm được cách thức giải quyết vấn đề. Đây chính là trí tuệ! Vì vậy, trí tuệ đến từ tri thức và quan trọng hơn tri thức!
Người Do Thái ủng hộ sáng tạo cái mới. Họ cho rằng, việc sáng tạo ra cái mới chính là trí tuệ, phải dám hoài nghi, dám đặt câu hỏi bất cứ lúc nào, bởi vì tri thức càng nhiều sẽ càng sản sinh ra sự hoài nghi.
Người Trung Quốc thường hỏi con cái khi chúng tan trường là: “Hôm nay con làm bài thế nào?”. Còn người Do Thái sẽ hỏi con: “Hôm nay con có đưa ra câu hỏi nào không? Hôm nay con có gì khác hôm qua không?”.
Người Do Thái cho rằng, thông qua học tập mọi người có thể nhận thức chính mình và siêu việt chính mình.
Cách giáo dục của người Do Thái bao gồm cả đóng  và mở. Đối với nội bộ người Do Thái là cởi mở, còn đối với bên ngoài là đóng kín, để duy trì sự cạnh tranh sinh tồn của người Do Thái. Talmud là kinh thánh chuẩn, trong khoảng thời gian từ thế kỷ thứ 2 đến thế kỷ 6 công nguyên, người Do Thái đã vận dụng nó 500 năm. Hơn 2000 giáo sĩ Do Thái và các nhà khoa học đã biên soạn ra cuốn sách quý này. Nó là bảo bối sinh tồn của người Do Thái.
Trên thế giới, dân tộc Do Thái là dân tộc hiểu nhất về nghệ thuật của giáo dục. Có thể nói, người Do Thái  là dân tộc thành công nhất về giáo dục.
Người Do Thái cho rằng giáo dục có thể cải biến đời người, số mệnh, cải biến hết thảy. Vì vậy, trong hơn 2000 năm lang bạt trong lịch sử, hết thảy mọi thứ của họ đều bị cướp đoạt hết chỉ có SÁCH và TRI THỨC là không thể bị cướp mất.
Người Do Thái vô cùng coi trọng giáo dục, tri thức và sách. Chỉ có tri thức là tài phú quan trọng nhất, là tài sản có thể mang theo bên mình và còn cả đời có thể hưởng dụng.
Vì thế, người Do Thái là dân tộc đầu tiên trên thế giới xóa mù chữ. Từ trước năm 1947, ngay cả một mảnh đất lãnh thổ cũng không có. Thế nhưng, trong thời kỳ trung cổ, người Do Thái đã xóa mù chữ, vì vậy tố chất chỉnh thể của dân tộc này cao hơn của các dân tộc khác một bậc.
Dù với dân số ít ỏi, nhưng Do Thái là dân tộc đã giành được rất nhiều giải thưởng Nobel, với 169 người, chiếm 17,7% tổng số người giành được giải thưởng này của cả thế giới.
Chính những yếu tố này đã khiến cho người dân Do Thái dù phải phiêu bạt khắp thế giới hơn 2000 năm, nhưng lại là một nước duy nhất trên thế giới KHÔNG CÓ ĂN MÀY.
MAI TRÀ biên dịch theo NTDTV

CHÚA NHẬT VIII THƯỜNG NIÊN - A

Dường như sự tiến bộ về nhiều lãnh vực không làm con người trên thế giới cảm thấy thanh thản hơn. Trái lại, nó tạo ra những mối lo âu mới, khiến con người sống trong trạng thái bất an, căng thẳng. Bao nhiêu triệu người phải đối mặt với nạn thất nghiệp do khủng hoảng, với nạn đói và thiếu nước, với những bệnh mới chưa có thuốc chữa. Bao nhiêu triệu gia đình sống trong bạo hành, bị tan vỡ; giới trẻ bơ vơ, rơi vào nghiện ngập dưới đủ mọi hình thức. Con người phải sống trong một thiên nhiên bị khai thác đến cạn kiệt, nên thiên nhiên tốt lành lại trở nên kẻ thù đe dọa con người. Các nước lớn phải chạy đua vũ trang để giữ vị thế quân sự. Nói chung người giàu, kẻ nghèo, nước giàu, nước nghèo đều không sao thoát được nỗi lo âu trước tương lai với bao bài toán mới chưa có lời giải đáp.
Cách nay hai ngàn năm, Đức Giêsu đã dạy môn đệ Ngài đừng lo. Xem ra nỗi lo âu đã có từ xa xưa rồi. Người xưa cũng phải lo những nhu cầu căn bản: lo ăn, lo mặc (c. 25). Đức Giêsu mời môn đệ nhìn ngắm những đàn chim trời (c. 26). Chúng có vẻ thảnh thơi, không vất vả làm việc, cũng không tích trữ. Nhưng chúng vẫn sống no đủ, vì được Cha trên trời dưỡng nuôi. Ngài còn mời môn đệ nhìn ngắm những bông huệ ngoài đồng (c. 28), ngắm vẻ đẹp của chiếc áo Thiên Chúa mặc cho chúng, đơn sơ nhưng sang trọng hơn cả áo vua Salomon. Khi ngắm chim trời và hoa huệ, ta sẽ thấy lòng nhẹ nhàng, thư thái, vì Cha quan tâm săn sóc đến cả những sinh vật bé bỏng và tầm thường. Khi biết mình có giá trị hơn chúng nhiều, được Cha quý hơn nhiều, chúng ta được giải phóng khỏi nỗi lo canh cánh về đời sống vật chất.
Thật ra kitô hữu không phải là người ngây thơ, không biết lo. Họ cũng chẳng phải là hoa huệ hay chim trời sống vô tư, thụ động. Kitô hữu cũng phải lo: lo liệu, lo toan, thậm chí lo xa nữa. Nhưng họ lo mà như không lo, lo trong bình an thanh thản, vì đó là cái lo của một người con biết Cha trên trời đã lo cho mình, biết Cha thấu rõ nhu cầu thầm kín của mình và sẽ cung cấp đủ (cc. 32-33). Đó không phải là cái lo âu, lo lắng xao xuyến, hay lo sợ bồn chồn của người dân ngoại không có đức tin (cc. 30. 32). Nhưng đó là cái lo của một người con có tinh thần trách nhiệm. Kitô hữu không phải là kẻ ăn xổi ở thì, sống chỉ biết hôm nay. Nhưng họ lại không để mình bị nỗi lo âu về ngày mai đè nặng, đơn giản vì tương lai của họ ở trong tay Thiên Chúa.
Sống tín thác vào sự quan phòng của Chúa không phải là khoanh tay nhưng là nỗ lực làm mọi sự hết mình trong bình an. Hãy để mọi nỗi lo toan của ta ở dưới và ở sau nỗi lo toan về Nước Chúa. Hãy để cho đời mình chỉ phụng sự một chủ là Thiên Chúa (c. 24). Khi dành ưu tiên cho Thiên Chúa, ta sẽ thấy mình chẳng thiếu gì.
Cầu nguyện:  
Lạy Chúa Giêsu, xưa Chúa đã sai các môn đệ ra khơi thả lưới, nay Chúa cũng sai chúng con đi vào cuộc đời. Chúng con phải đối diệnvới bao thách đố của cuộc sống, của công ăn việc làm, của gánh nặng gia đình, của nghề nghiệp chuyên môn.
Xin đừng để chúng con sa vào cạm bẫy của vật chất và quyền lực, nhưng cho chúng con giữ nguyên lý tưởng thuở ban đầu, lý tưởng phục vụ quê hương và Hội Thánh.
Lạy Chúa Giêsu, xin dạy chúng con sống thực tế, nhưng không thực dụng; biết xoay xở nhưng không mưu mô; lo cho tương lai cá nhân, nhưng không quênbao người bất hạnh cần nâng đỡ.
Giữa cơn lốc của trách nhiệm và công việc, giữa những xâu xé trước bao lựa chọn, xin cho chúng con biết tìm những phút giây trầm lắng, để múc lấy ánh sáng và sức mạnh, để mình được thật là mình trước mặt Chúa.
Nhờ lời Đức Trinh Nữ Maria chuyển cầu, xin cho chúng con thật sự trở nên chứng nhân, làm tất cả để Thiên Chúa được tôn vinh, và phẩm giá con người được tôn trọng. Amen.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu

ĐỜI CON DÂNG CHÚA

khi nói đời con dâng Chúa, hoặc khi nói con muốn sống giống như Chúa, muốn theo Chúa, thì có nhất thiết là con phải sống đời tu không? Dường như con thấy không hẳn thế! 

Thời còn là một em thiếu nhi, nhiều lần các sơ có hỏi con về chuyện đi tu gì đó, con nghe mà chẳng hiểu, cũng chẳng biết thế nào. Con thấy đi tu cũng tốt, mà không tu thì cũng tốt. Đi tu cũng vui mà ở nhà như mọi người thì cũng vui. Khi ấy với con, sống vui giữa mọi người là điều quan trọng. Đi tu hay không, là điều gì đó to tát và nghiêm túc của tương lai.
Dù thế nào đi nữa, con vẫn rất nhớ và rất thích ngày lễ Dâng Hài Nhi Giêsu trong Đền Thánh. Khi nhỏ xíu như thế, con chẳng hiều ý nghĩa gì đâu. Chỉ thấy là đi lễ cùng mẹ thì vui. Ngày lễ ấy cũng rất vui, vì trong thánh lễ có đốt nến sáng và hình như có cả quà nữa.
Giờ nghĩ lại, con thấy, có lẽ Chúa Giêsu Hài Đồng khi được Cha nuôi Giuse và Mẹ Maria ẵm lên Đền Thờ để dâng cho Thiên Chúa, thì em bé Giêsu cũng chẳng hiểu chẳng biết gì đâu. Đúng là đối với trẻ thơ, cha mẹ thật là quan trọng. Việc bế một em bé lên Đền Thờ quả là một việc rất bé nhỏ và giản đơn, thế mà lại cực kỳ quan trọng. Thiên Chúa đã làm tất cả những gì lớn lao cho dân của Ngài. Đó là niềm vui khôn tả mà cụ già Simeon và cụ Anna nhận được từ Hài Nhi Giêsu. Trẻ thơ ấy là một con người, Đấng là ánh sáng muôn dân, là Đấng Mêsia bao đời mong đợi.
Niềm vui này là một niềm vui không hề đơn điệu không hề dễ dãi, vì đó là một niềm vui cần sự đánh đổi, vì Hài Nhi Giêsu còn trở thành cái cớ, để có người thì đứng dậy, có người thì gục ngã. Niềm hy vọng lớn lao mà Mẹ Maria ôm ấp cũng hàm chứa nỗi đau khôn tả như lưỡi gươm đâm thâu. Đó là tất cả những thực tế của cuộc sống, nhưng giờ đây, tất cả đang được biến đổi từng ngày.
Mầu nhiệm, dù con hiểu được đôi chút thì mầu nhiệm vẫn là mầu nhiệm. Hy vọng con dần dần hiểu hơn và yêu mến hơn. Người ta thường nói, có cùng hoàn cảnh thì mới hiểu nhau. Nếu điều ấy đúng, thì con không dám hiểu Chúa Giêsu đâu, vì nếu muốn hiểu Chúa, thì phải sống giống như Chúa, và đó là thách đố rất là lớn. Nhưng nếu không sống như Chúa, thì con chẳng bao giờ hiểu Ngài, hoặc có chăng là hiểu theo kiểu hiểu của con chứ không phải của Chúa.
Nhưng khi nói đời con dâng Chúa, hoặc khi nói con muốn sống giống như Chúa, muốn theo Chúa, thì có nhất thiết là con phải sống đời tu không? Dường như con thấy không hẳn thế! Vì con thấy, trong Tin Mừng, những người tốt lành, những người tội lỗi sám hối, những người đi theo Chúa, những người tin Chúa, họ thuộc đủ loại đủ lớp người và ngay cả những người không xếp được vào hạng nào cả, tức là những người bên lề xã hội.
Con thấy họ đều có một mẫu số chung, đó là những người sám hối và đi tìm Thiên Chúa, họ chẳng có gì dâng Chúa, mà chỉ có một tâm hồn khiêm cung và một thân thể tiều tụy đang vực dậy giữa khổ đau. Ngay cả Chúa Giêsu cũng vậy thôi, Chúa chẳng có gì dâng lên Chúa Cha ngoài trọn con người: này con xin đến để làm theo Ý Cha.
Có những người bỏ mọi sự mà theo Chúa giống như các môn đệ. Nhưng các ông cũng trầy trật lên bờ xuống ruộng trên bước đường theo Chúa. Các ông thật có phúc như có lần Chúa nói với các ông: Phúc cho mắt anh em được thấy, phúc cho tai anh em được nghe những điều được giữ kín từ tạo thiên lập địa. Thế nhưng, để nhận được mối phúc ấy, các ông cần đánh đổi cuộc đời để theo Chúa.
Có những người theo Chúa với cách thức đơn sơ hơn. Khi Chúa chữa lành cho nhiều người, họ muốn tiếp tục theo Chúa, nhưng Chúa nói việc của họ là trở lại cuộc sống thường ngày mà ca tụng ngợi khen Thiên Chúa và làm chứng cho những người thân cận.
Có những người theo Chúa cách âm thầm kín đáo giống như ông Giuse Arimathê là thành viên trong Thượng Hội Đồng. Có người theo Chúa trong tột cùng của khổ đau và tuyệt vọng như anh trộm lành chịu án tử hình trên thập giá. Có người theo Chúa trong can đảm giống như biết bao người tội lỗi công khai nhưng sám hối và bất chấp tiếng cười chê của dư luận để tiến đến xin ơn tha thứ và ơn chữa lành của Chúa.
Có những người theo Chúa cách nhẹ nhàng giản dị. Họ tiếp bước với Chúa trên các nẻo đường, trong các làng mạc thành thị, trên các ngọn đồi, họ nghe Chúa nói, nhìn Chúa chữa lành bao người, và họ kín múc niềm vui từ nơi Chúa và nơi những người được chữa lành. Họ ngợi khen Chúa bằng tiếng ca khen mộc mạc của ngôn ngữ đời thường và bình dân, của cuộc sống đơn giản của họ.
Có bao nhiêu con người thì có bấy nhiêu con đường đến với Chúa, có bấy nhiêu cung cách để dâng tấm lòng lên Chúa. Bởi vì chính Chúa Giêsu chủ động chạm đến tâm hồn mỗi người, chủ động đợi chờ và sẵn sàng thương xót, thương mến và tiếp đón. Tim đèn leo lét Người không nỡ tắt đi, một tâm hồn tan nát dày vò Người chẳng hề khinh chê. Vâng, này đời con, bất chấp tốt xấu thế nào, con cũng can đảm dâng lên Chúa. Xin Chúa thương đoái nhận và chúc lành cho từng cảnh đời của chúng con.
Tứ Quyết SJ


ĐỜI SỐNG CHUNG

Ngạn ngữ Anh quốc có câu: “không ai là một hòn đảo”. Thật vậy, con người sinh ra đâu chỉ sống cho chính mình nhưng còn là sống cho, sống với người khác. Mọi việc cá nhân thực hiện đều có ảnh hưởng đến người khác.

Đời sống cộng đoàn là nét đặc trưng của đời sống tu trì. Nét đặc trưng ấy được thể hiện cách cụ thể qua đời sống yêu thương hiệp nhất trong cộng đoàn; và đó cũng là dấu chỉ cho người môn đệ của Đức Kitô (x. Ga 13,35). Khi sống yêu thương hiệp nhất thì cộng đoàn tu trì đã phát triển hết tất cả sự phong phú của mình. Thật vậy, khi ấy cộng đoàn sẽ không là cộng đoàn thuần túy nhân loại, không là một thực tại tầm thường nhưng mang tính thiêng liêng vì cộng đoàn ấy được tham dự vào mầu nhiệm tình yêu Ba Ngôi. Tuy nhiên để có thể xây dựng cộng đoàn hiệp nhất, yêu thương, thiết nghĩ cần nhận diện được những thách đố đặt ra cho đời sống ấy. Trong viễn tượng ấy, bài viết dưới đây là những suy tư cá nhân về những khó khăn mà đời sống cộng đoàn có thể gặp phải dưới khía cạnh những tương quan (tự nhiên) trong cộng đoàn.
1.       
Đời sống cộng đoàn bắt nguồn từ mầu nhiệm Ba Ngôi. Chính Ba Ngôi là suối nguồn tình yêu. Tình yêu ấy được thể hiện trong tương quan Cha-Con-Thánh Thần. Người sống đời thánh hiến sẽ thông phần tình yêu ấy cách đặc biệt nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần và mỗi người chỉ có thể sống mầu nhiệm Ba Ngôi trong cộng đoàn khi yêu thương bằng chính tình yêu của Thiên Chúa là Chúa Thánh Thần được đổ xuống trong lòng: “vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Ngài vào lòng chúng ta nhờ Thánh Thần mà Ngài đã ban cho chúng ta” (Rm 5,5). Khi sống yêu thương là mỗi người được hiệp thông và góp phần họa lại mầu nhiệm ấy trong cộng đoàn. Bởi vì, một mặt đời sống cộng đoàn phải là họa ảnh của tình yêu Ba Ngôi giữa lòng trần gian, đồng thời, chính nếp sống cộng đoàn sẽ giúp mỗi thành viên sẽ sống đời tận hiến cách trọn hảo hơn. Vì thế, nhiệm vụ của người sống đời thánh hiến là sống và làm chứng cho tình yêu ấy chính nơi đời sống cộng đoàn của mình.
2.       
Không ít người thường quan niệm đời tu là một thiên đàng trần thế. Chính vì vậy mà nhiều người bước vào đời sống tu trì (cộng đoàn) với những đợi chờ từ hình ảnh một cộng đoàn lý tưởng trong tâm trí mình: mọi người sống yêu thương và hiệp thông trong tình huynh đệ từ đời sống tinh thần đến đời sống vật chất. Tuy nhiên, trong thực tế ngoài những người đã tìm được niềm vui, sự hiệp thông trong đời sống cộng đoàn, vẫn còn đó không ít người chỉ thấy nét tiêu cực và đời sống chung là một gánh nặng cho bản thân. Có thể nêu ra một số thực trạng: thiếu thống nhất trong cuộc sống và những tác động tiêu cực từ môi trường xã hội.
Thật vậy, nhiều người sống đời thánh hiến đã tách biệt đời sống cộng đoàn với việc mục vụ. Cuộc sống trong cộng đoàn như là một sự hiện diện thụ động, không “ăn nhập” với đời sống chung. Họ tự phân mảnh đời sống của họ, tách rời chính mình với đời sống cộng đoàn. Điều này gây ra những tác động tiêu cực đến từng cá nhân và cả cộng đoàn vì cuộc sống con người gồm nhiều phương diện: thể lý, đạo đức, tinh thần… những khía cạnh ấy hòa quyện chặt chẽ với nhau làm nên một tổng thể hữu cơ. Đời sống của một cá nhân chỉ triển nở khi họ chú ý phát triển đúng đắn và hài hòa mọi phương diện trong đời sống nhất là đời sống chung trong cộng đoàn.
Một thế giới năng động nhưng cô độc và trống vắng đang xâm nhập nhà tu. Xã hội hiện đại đa phức, bận bịu của cuộc sống, mê cung của các trào lưu làm người sống đời thánh hiến dễ bị phân mảnh và cuốn vào dòng chảy ấy với nguy cơ lạc mất chính mình. Người sống đời thánh hiến sẽ lạc mất chính mình và làm biến dạng đời sống yêu thương của cộng đoàn khi không chấp nhận mình và đón nhận nhau; khi không biết đối thoại và lắng nghe nhau; khi sống thờ ơ với nhau và không dành thời giờ quan tâm đến nhau.
3.       
Bước vào tu là bước vào hành trình sửa đổi để mỗi ngày nên tốt hơn. Tiến trình sửa ấy không phải ngày một ngày hai nhưng là suốt đời. Nhất là sửa trong đời sống chung vì mỗi người có những đặc điểm và lịch sử cá nhân khác nhau. Khi hiểu và chấp nhận của người khác, mỗi người sẽ trưởng thành và làm phong phú ơn gọi riêng của mình. Thật vậy, mỗi người đều có một nét đặc thù và khác biệt riêng về: tâm lý, văn hóa, tính tình, khả năng và mỗi người là một bông hoa với vị trí riêng trong cộng đoàn, góp phần làm nên vẻ đẹp chung của cộng đoàn sống đời thánh hiến. Cộng đoàn người sống đời thánh hiến cần đến sự đa dạng của các thành viên “không có sự chia rẽ trong thân thể, trái lại, các bộ phận đều lo lắng cho nhau” (1Cr 12,25). Nên điều tiên quyết là mỗi người cần phải đổi mới cách nhìn và lối sống để trở nên người đồng hành của nhau. Cụ thể, cần khiêm tốn chấp nhận chính mình và đón nhận anh chị em với tất cả con người của họ. Chấp nhận chính mình với những điểm yếu, khiếm khuyết và tập đón nhận cái yếu đuối của anh chị em. Những điểm giống nhau giúp hiểu nhau nhưng chính việc đón nhận những khác biệt giúp yêu thương và làm phong phú cho nhau. “Sự hiệp nhất và đa dạng kết hợp với nhau thành sự phong phú. Mỗi người mang những gì Thiên Chúa đã ban cho riêng mình để làm cho người khác trở nên phong phú… cộng đoàn như một dàn nhạc trong đó tất cả cùng chơi chung với nhau trong sự hòa hợp nhưng âm sắc của mỗi nhạc cụ không bị xóa bỏ mà trái lại đặc tính riêng của từng nhạc cụ sẽ đạt đến mức tối đa” (ĐGH Phanxicô, Yết kiến chung, ngày 09/10/2013).
Ngoài ra, mỗi thành viên cần ý thức giới hạn để cần sự trợ lực của người khác. Mỗi người có một nét độc sáng trong chương trình của Thiên Chúa. Cộng đoàn là những người tìm kiếm và kinh nghiệm về Thiên Chúa. Do đó, mỗi người đều cần sự trợ lực. Khi một người biết chấp nhận chính mình sẽ dễ dàng mở rộng tâm hồn đón nhận những trợ lực nơi anh chị em của mình.“Một nhân cách vững mạnh nhưng bình thản nhẹ nhàng, được xây dựng trên việc vui lòng chấp nhận sứ mạng độc nhất và giới hạn duy nhất của mình. Chỉ khi nào một người chấp nhận chính thực tại của mình thì mới thấy được bình an nơi chính mình.”(Adrian Van Kaam, C.S.Sp., Religion and Personality, New York: Englewood Cliffs, 1964; Nhân cách tôn giáo, Ngô Văn Vững dịch, trang 73-74). Khi ấy, mỗi người sẽ sống dưới và cho những đòi hỏi của ân sủng; biết lấy khuôn mẫu hành xử của Thiên Chúa với chính mình cư xử với anh chị em. Nhờ vậy, đời sống cộng đoàn sẽ trở nên phong phú và triển nở. Đức Giê-su là Thiên Chúa tương quan. Mỗi người được tạo nên giống hình ảnh Thiên Chúa, nên con người cũng phải xây dựng chính mình qua mối tương quan ấy với Thiên Chúa và  tha nhân.“Đức tin là một cuộc gặp gỡ với Đức Giê-su và chúng ta phải làm điều Đức Giêsu đã làm là gặp gỡ người khác” (ĐGH Phanxicô, Lời huấn dụ dành cho các phong trào giáo dân, ngày 18/05/2013). Anh chị em là bước đầu để gặp gỡ Đấng Tình quân; và lắng nghe nhau là bước đầu để thiết lập mối tương quan với anh chị em trong cộng đoàn.
4.       
Sống tinh thần phục vụ và hăng say cho sứ vụ là đòi hỏi quan trọng nhưng đời thánh hiến đâu chỉ là như thế. Đời sống người thánh hiến trên hết và trước hết là sự gắn bó với Đức Kitô nên phải dành giờ để lắng nghe và gặp gỡ Người (x. Lc 10, 39) để rồi đến với anh chị em trong cộng đoàn. Tuy nhiên, do những ảnh hưởng khác nhau, người sống đời thánh hiến ngày càng khó ra đi để gặp gỡ anh chị em. Lý do có thể là nhiều người thường có thái độ nhìn anh chị em với cặp kính tối màu; hoặc việc “làm ngơ”, “bịt mắt bịt tai chẳng thèm nghe” xem như không có sự hiện diện của anh chị em trong cộng đoàn. Với thái độ như thế, người sống đời thánh hiến không thể hiệp thông. Khi ấy cộng đoàn nên như hỏa ngục và anh chị em là gánh nặng cho nhau.
Để phá vỡ tình trạng chiến tranh lạnh ấy, khả năng đối thoại và lắng nghe nhau là điều rất quan trọng. Đó là chiếc cầu để đi vào thế giới của người khác. “Phải đi ra luôn luôn! Chúng ta hãy làm điều này với tình yêu thương và dịu hiền của Thiên Chúa trong sự tôn trọng và kiên nhẫn”(ĐGH Phanxicô, Yết kiến chung, ngày 27/3/2013). Con người cần lắng nghe nhau hơn là nói. Vì thế mỗi người cần “một đôi tai thật to và một cái miệng nhỏ”. Bí quyết để đối thoại và lắng nghe hiệu quả là sự kiên nhẫn, quên mình, lắng nghe với cả con tim chân thành và đến với anh anh chị em với tất cả con người chứ không bằng những mặt nạ.“Tự bản thân con người là không hoàn hảo, con người cần phải có tương giao. Con người cần phải lắng nghe. Chỉ như vậy, con người mới có thể nhận biết chính mình, mới trở thành chính mình” (x. Bài nói chuyện của ĐGH Bê-nê-đi-tô, đăng trong bản tin tổng hợp trên trang web: hđgmvietnam.org ngày 28/2/2010).
5.       
Ngạn ngữ Anh quốc có câu: “không ai là một hòn đảo”. Thật vậy, con người sinh ra đâu chỉ sống cho chính mình nhưng còn là sống cho, sống với người khác. Mọi việc cá nhân thực hiện đều có ảnh hưởng đến người khác. Nếu quan tâm đến chính mình quá sẽ khiến người sống đời thánh hiến loại trừ tất cả khi đó đường về nhà Chúa với họ sẽ bị mất hút trong bụi cây ích kỷ. Thái độ quy ngã sẽ làm giảm bớt sự cởi mở và tham gia với anh chị em. Quả vậy, đời sống của mỗi thành viên phải mở rộng với thực tại và hiện diện đầy đủ với mọi người. Thần học gia Karl Rahner trong tác phẩm Doctrine anh Life, đã nói: “không thể có cảm nghiệm về Thiên Chúa, nếu không được một cảm nghiệm về thế giới làm trung gian. Cái là trung gian cho cảm nghiệm về Thiên Chúa chủ yếu là liên hệ của con người với những con người khác”. Nhiều người chỉ biết chăm chăm chú chú cho việc của riêng mình hơn là lo cho việc chung với phương châm “việc ai người ấy làm”. Vì bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa cá nhân, con người ngày trở nên ích kỷ, nhiều cộng đoàn trở nên như nhà trọ; mỗi người chỉ biết đời sống riêng tư của mình và lao vào mọi thứ công việc dưới danh yêu thương và phục vụ vì cộng đoàn nhưng thật ra là chỉ đi tìm bản thân và làm theo ý mình. Đây là mối đe dọa hàng đầu cho sự hiệp thông trong cộng đoàn. Do đó, mỗi thành viên cần phải quan tâm đến anh chị em của mình. Vì đời sống cộng đoàn là một đời sống đặt trên sự tương quan: tương quan giữa cá nhân và cộng đoàn. Đó là một tương quan hai chiều và cả hai cùng hỗ tương cho nhau: “chúng ta liên đới với nhau như những bộ phận của một thân thể” (Rm 13,5).
6.       
Nhiều người sống đời thánh hiến có nguy cơ là tín đồ của “căn bệnh thờ ơ”: cùng sống trong cộng đoàn mà chẳng biết điều gì đang xảy ra với anh chị em và cộng đoàn. Trong cộng đoàn sẽ có những thành viên “yếu nhược về thể lý hoặc rã rời về tinh thần”. Nếu không quan tâm cộng đoàn sẽ “biến” họ trở thành những khách trọ hay những con chiên bị bỏ mặc, cô đơn và lạc lõng ngay chính trong cộng đoàn. Điều này khiến họ bị đẩy họ ra xa và sống tách biệt với cộng đoàn. Họ là những người cần được khích lệ và giúp đỡ nhất. Trớ trêu thay và nghịch lý thay! Bởi vì “Chính nhờ tình yêu của Thiên Chúa được đổ tràn trong tâm hồn chúng ta mà cộng đoàn tu trì khởi đầu và được xây dựng thành một gia đình thực sự, trong đó mọi người quy tụ với nhau nhân danh Chúa.” (Bộ Tu sĩ, Đời sống huynh đệ cộng đoàn, số 8).  Những thành viên khác cần quan tâm đến những anh chị em này cách đặc biệt để họ cảm thấy họ thuộc về cộng đoàn và tích cực trong việc xây dựng cộng đoàn qua việc kết hợp với Chúa Ki-tô chịu đau khổ. “Lắng nghe quan tâm câu chuyện của những người đang chịu đau khổ, nâng đỡ bước chân của những người không thể tự mình bước đi. Hãy gạt bỏ mọi hình thức ngạo mạn, hầu biết cúi xuống với tất cả những ai mà Thiên Chúa đã trao ban” (ĐGH Phan-xi-cô, Giáo hội giàu lòng thương xót, NXB Tôn giáo 2015, trang 106, bản dịch việt ngữ của Augustine Nguyễn Minh Triệu S.J).
Không chỉ với những anh chị em ấy, mà bệnh thờ ơ cũng xảy ra với chính những thành viên “bình thường” khác. Đôi khi, mỗi người chỉ “gặp” nhau trong công tác mà chưa gặp được chính con người của nhau. Người sống đời thánh hiến cần phải cân bằng giữa sứ vụ và đời sống cộng đoàn. Những công việc bên ngoài đã chiếm hết thời gian cho nhau và cho đời sống cộng đoàn. Khi ấy, các thành viên sẽ tham gia các sinh hoạt chung mang tính chiếu lệ. Sống như thế là xem thường tinh thần trách nhiệm với tập thể mình đang sống. Để xây dựng cộng đoàn phát triển, mỗi cá nhân cần phải hiện diện đích thực như những con người sống động, dấn thân với tất cả tâm hồn vào công việc và trách nhiệm chung trong cộng đoàn. Nếu không, người sống đời thánh hiến dễ rơi vào nguy cơ: có thể rất thành công trong công việc mục vụ nhưng lại mất đi căn tính của đời tu. Người viết thiển nghĩ: mỗi người cần phải tự vấn: tôi sẽ làm gì cho cộng đoàn chứ không phải cộng đoàn sẽ đem đến cho tôi điều gì?
 Kết luận
Chiều kích cộng đoàn là yếu tố quan trọng trong đời tu. Chiều kích này tuy phong phú tùy từng cộng đoàn nhưng cùng quy về một mục đích theo sát gót Đức Giêsu.  Thiếu yêu thương và hiệp nhất trong cộng đoàn tu trì sẽ làm cộng đoàn thiếu thuyết phục khi làm chứng tá cho tình yêu Chúa và sự sống động của Tin mừng. Do đó, mỗi thành viên trong cộng đoàn cần phải tích cực góp phần xây dựng đời sống cộng đoàn hiệp thông trong huynh đệ: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Cần phải phối hợp hài hòa và nhịp nhàng giữa sứ vụ và cộng đoàn. Trách nhiệm của mỗi thành viên trong cộng đoàn phải cố gắng cộng tác, xây dựng tích cực để bầu khí cộng đoàn tu trì trở nên đầm ấm và được tràn ngập tình huynh đệ hiệp nhất yêu thương. 

Felicitas