BỔN MẠNG THÁNG 6


THÁNG 6

NGÀY
LỄ
QUAN THẦY
13/06
Leã Thaùnh Antoân Pañoâva, Lm, TSHT.
Chò Dung    (Antoine)
24/06
Leã Sinh nhaät Gioan Taåy Giaû.
Chò Hoa
29/06
Leã Thaùnh Pheâroâ vaø Phaoloâ, Toâng ñoà.
* Chò Thaät
* Ch Thiu

 

LỄ GIỖ BỐ MẸ CHỊ EM

TƯỞNG NHỚ VÀ CẦU NGUYỆN



NGÀY
LỄ GIỖ
01/06
(26/04 ÂL)
Ống cố Giuse - Thân phụ Chị Hồng Thịnh
05/06
Ông cố Gioan Baotixita - Thân phụ Dì Hai
30/06
Ông cố Anrê - Thân phụ Dì Thủy.


ĐỜI SỐNG CỘNG ĐOÀN TRONG ĐỜI TU

Khi nhắc đến đời tu, ngoài ba lời khấn khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục, còn có một yếu tố khác mà chúng ta không thể nào không nói đến: đời sống cộng đoàn. Đây cũng là một vấn đề nhức nhối mà hầu như dòng tu nào cũng trải qua. Chúng ta được mời gọi để hiến dâng cho Chúa trong môi trường của một đời sống chung. Ta và một số người khác, khác nhau về ngôn ngữ, văn hoá, phong tục, quê quán, nhưng lại được quy tụ với nhau nhờ tiếng gọi của Giêsu, để cùng làm nên một gia đình mới, cùng chia sẻ với nhau nhiều điều. Cứ ngỡ là nó sẽ đẹp như mơ, nhưng những ai sống trong chăn sẽ biết là nơi đó có rất nhiều rận. Vấn đề cộng đoàn luôn là một vấn đề muôn thuở. Cộng đoàn có thể giúp ta nên thánh, cũng có thể biến ta thành quỷ dữ. Cộng đoàn có thể đưa ta lên Thiên Đàng nhưng cũng có thể đày ta xuống hoả ngục. Cộng đoàn có thể là nơi ta tìm thấy nguồn an ủi, nhưng cũng có thể là nơi ta chẳng muốn về… Đời sống cộng đoàn huyền nhiệm như thế đấy.
Đâu là các yếu tố làm nên đời sống cộng đoàn theo Tin Mừng? Trước hết, đó chính là sự hiệp nhất, mà Đức Giêsu đã minh hoạ bằng hình ảnh cây nho – thân nho (x.Ga 15,1-17). Các tu sĩ không quy tụ với nhau vì có cùng một sở thích. Các dòng tu không phải là hội chơi tem, hội chơi hoa, hội nhiếp ảnh hay hội cờ tướng. Điều mời gọi, quy tụ và gắn kết các tu sĩ lại với nhau chính là Đức Giêsu. Đức Giêsu là thân nho, các thành viên trong cộng đoàn là cành nho. Họ cùng bám vào Giêsu để sống, để múc lấy dinh dưỡng cho đời tu của mình. Bởi thế, có thể sẽ có nhiều người chẳng cùng sở thích với nhau, nhưng họ vẫn sống với nhau trong dòng tu và còn xem nhau như anh chị em của mình. Sự hiệp nhất này chỉ có thể là hoa trái của Thánh Thần, do Thánh Thần khơi lên và được nuôi dưỡng bằng Lời và Thánh Thể trong đức tin và ân sủng.
Đời sống cộng đoàn chính là phản ánh của sự hiệp thông Ba Ngôi: “Con không chỉ cầu nguyện cho những người này nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha, để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con. Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một: con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con(Ga 17,20-23). Như Ba Ngôi là một thế nào, các thành viên trong cộng đoàn cũng là một với nhau như thế. Dĩ nhiên, họ không thể là một trên bình diện bản thể như Ba Ngôi, nhưng là một lòng , một ý, một khao khát, một lý tưởng tông đồ. Sống cộng đoàn cũng là một kiểu phản ánh bản chất con người là loài có tương quan, được mời gọi mở ra để đến với người khác, sống trong sự hiệp nhất với họ. Tất cả những điều này đến từ hình ảnh của Ba Ngôi, một cộng đoàn hoàn hảo.
Một cộng đoàn thật thụ thì không có sự phân biệt về phẩm giá, như lời Thánh Phaolo nói: “Không còn chuyện phân biệt Do thái hay Hy lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô (Gl 3,28). Ai cũng là con người, là con Thiên Chúa nên phải được xem là bình đẳng với nhau. Họ có thể có sự khác nhau về tuổi tác, về trình độ, về chức vụ, về công việc, về vai vế, nhưng không bao giờ có chuyện ai đó quý giá hơn người kia. Đây gọi là sự hiệp nhất trong đa đạng. Trong cộng đoàn, mỗi người đảm nhận một vai trò khác nhau, tuỳ theo nhiệm vụ mình được giao, nhưng phải luôn có tinh thần phục vụ lẫn nhau (x.Mt 18,1; 20,26-28). Sẽ không còn là cộng đoàn nữa nếu như sống với nhau mà mỗi người cứ lo cho đời sống riêng của mình, chẳng đoái hoài gì đến người khác. Cộng đoàn bao hàm những tương quan được dệt với nhau bằng sự phục vụ, yêu thương, nâng đỡ, bằng không, đó chỉ là một dạng của ký túc xá, nơi người ta chỉ sống gần với nhau, chứ không gắn kết với nhau.
Ở bất cứ nơi đâu và trong bất cứ thời đại nào, cứ khi con người sống chung với nhau là có những vấn đề nảy sinh giữa họ. Có khi là sự hiểu lầm. Có khi bị những thói đời ảnh hưởng. Cộng đoàn không phải là một cái gì đó cố định, khi đã tồn tại rồi thì tồn tại mãi. Nó cần được xây dựng, được vun đắp mà mỗi người phải góp một tay. Trong cộng đoàn, đôi khi cần có những góp ý, sửa dạy để giúp nhau sống tốt hơn (x.Mt 18,15-17). Việc sửa dạy cũng cần được thực hiện ở những cấp độ khác nhau, tuỳ theo hoàn cảnh. Khi xảy ra những xung đột, cũng cần phải có sự hoà giải và tha thứ (x.Mt 18,22). Lệnh truyền phải “tha đến bảy mươi lần bảy” làm chúng ta liên tưởng đến một con tim vô cùng rộng mở cùng với một sự kiên nhẫn không bờ bến dành cho người anh chị em của mình. Quan trọng hơn hết, nhất thiết trong cộng đoàn phải có đời sống cầu nguyện: cầu nguyện riêng và cầu nguyện chung. Cộng đoàn là dấu chỉ Thiên Đàng, nơi tất cả mọi sinh linh quy tụ với nhau để ca ngợi Thiên Chúa. Cộng đoàn là nơi “hai hay ba người họp lại nhân danh Thầy”, nên đó là nơi có sự hiện diện của Giêsu. (x.Mt 18,20).
Nhưng cộng đoàn không phải là viện dưỡng lão hay một khu dân cư nào đó, nơi người ta chỉ sống với nhau và cũng nâng đỡ nhau khi cần thiết. Các tu sĩ cũng không tụ họp với nhau chỉ để ăn uống, vui chơi giải trí, tận hưởng cuộc sống an nhàn trong khuôn viên nhà dòng để trốn tránh sự đời. Cộng đoàn dòng tu là nơi các tu sĩ được quy tụ lại với nhau để rồi phân tán nhau vì sứ mạng (x.Mc 3,14; 6,7; x.Lc 10,1). Họ cùng chia sẻ với nhau sứ vụ theo lệnh truyền của Chúa. Sau một khoảng thời gian “đến và ở lại” với Chúa, được Chúa hướng dẫn và dạy dỗ, đến lúc nào đó, họ sẽ phải ra đi khắp nơi, tuỳ theo sứ mạng của mỗi người. Tuy sống xa nhau, và phải chăm lo công việc riêng, nhưng họ vẫn luôn quy hướng về nhau, gắn bó với nhau trong lời cầu nguyện. Sự phân tán không làm ảnh hưởng đến tính hiệp nhất. Trái lại, nó càng làm cho tình hiệp nhất được mặn nồng thêm.
Họ sống được những điều này chính là nhờ có sức mạnh của Đức Giêsu phục sinh là điểm tựa (x.Lc 24,13-35; 24,31 – 35). Dù có trải qua biết bao sóng gió thăng trầm, thậm chí có khi phải ngã gục, muốn bỏ cuộc như các môn đệ Emmaus, các tu sĩ vẫn luôn tìm thấy được niềm vui và sức mạnh để đứng lên và trở về với cộng đoàn. Chính Đức Giêsu là sức mạnh của họ và sự phục sinh trong Ngài là niềm hy vọng của họ. Đây là yếu tố làm nên sự khác biệt giữa cộng đoàn dòng tu với những tổ chức xã hội khác. Vì Giêsu, họ đến với nhau, và cũng vì Giêsu, họ phân tán cho sứ mạng. Nhưng cuối cùng, trong Giêsu, họ lại tìm thấy nhau.
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ (dongten.net)

VẤN ĐỀ ĐỐI THOẠI TRONG VÂNG PHỤC

Để cuộc đối thoại được diễn ra tốt đẹp, bề trên và bề dưới đều cần Thần Khí soi dẫn. Khi nhắc đến Thần Khí, ta nghĩ đến sự thiện chí, sự mở lòng, sự sẵn sàng đón nhận mọi khả thể mới có thể xảy đến. 

Để có một sự đồng tâm nhất trí giữa bề trên và bề dưới, đối thoại là điều rất cần thiết. Đó là một cuộc trò chuyện giữa hai bên về cùng một chủ đề nào đó, với dụng ý sẽ tìm ra một giải pháp chung cho tốt nhất cho tất cả. Một bề trên không bao giờ nghe ý kiến của bề dưới thì dù có đưa ra quyết định đúng trong công việc cũng có nguy cơ không phù hợp với bề dưới. Một bề dưới không bao giờ chia sẻ tâm tư ước nguyện với bề trên thì khó lòng để bề trên hiểu mình, và khi nhận được một quyết định nào đó không ưng ý, họ dễ cáu gắt và bất mãn. Đối thoại trước hết giúp hai bên được lắng nghe nhau, bày tỏ suy nghĩ cho nhau, cùng nhau vạch ra những đường hướng, những điểm thuận lợi và không thuận lợi, từ đó đi đến sự hiểu nhau, đồng tâm nhất trí.
Khác với những cuộc thương thảo hay trao đổi theo kiểu làm ăn, đối thoại trong đời tu có bản chất là một cuộc nhận định để tìm ý Chúa. Chúa có thể biểu lộ ý của mình bằng nhiều cách. Đôi khi là qua phán đoán của bề trên, đôi khi qua những dấu chỉ tỏ tường. Nhưng phần lớn là qua những cuộc trao đổi trong tinh thần đối thoại như thế. Bởi vậy, trong cuộc nói chuyện, bề trên và bề dưới phải ý thức rằng đây là một buổi cầu nguyện, là lúc mà hai người “tụ họp” nhân danh Thầy Giêsu, chứ không đơn thuần chỉ là một kiểu trao đổi vu vơ, giải trí, hay chất vấn, lấy thông tin… Muốn vậy, giữa hai bên phải có sự tin tưởng dành cho nhau, một sự gần gũi trong bầu khí anh chị em với nhau. Cả hai đều phải mang thiện chí là muốn biết và thực thi ý Chúa, chứ không khăng khăng cố chấp ở lại trong ý riêng của mình. Nếu như mỗi bên đã có quyết định của riêng mình rồi, họ đến gặp nhau chỉ để thuyết phục người kia làm theo ý mình, thì đó không còn là đối thoại nữa. Đó chỉ là một kiểu đàm phán theo kiểu hợp đồng mà thôi.
Để cuộc đối thoại được diễn ra tốt đẹp, bề trên và bề dưới đều cần Thần Khí soi dẫn. Khi nhắc đến Thần Khí, ta nghĩ đến sự thiện chí, sự mở lòng, sự sẵn sàng đón nhận mọi khả thể mới có thể xảy đến. Ta cũng nghĩ đến những sáng kiến, những ý tưởng hay mà có khi cả hai người chưa hề nghĩ ra trước đó. Ta nghĩ đến mọi điều tốt đẹp mà Chúa sẽ gửi đến cho hai bên, vừa giúp họ có thêm ánh sáng để nhận định, vừa ban thêm sức giúp họ can đảm đón nhận điều được mời gọi và chu toàn nó trong sự nhiệt thành hăng hái. Có đôi khi, bề trên phải đối thoại với những bề dưới vốn là người không được xuất sắc cho lắm và luôn có những suy nghĩ rất “lạ đời”. Nhưng bề trên không nên tỏ ra khinh thường để rồi không để ý, hay tỏ ý chê trách, bác bỏ. Bề trên cần có sự kiên nhẫn với họ, lắng nghe, rồi từ từ giúp họ nhận ra những sai sót trong suy nghĩ của mình một cách khôn ngoan mà không làm họ tổn thương.
Sự đối thoại cũng cần một sự tự do, kẻ nói người nghe và sát thực tế. Cả hai đều được mời gọi để chia sẻ suy nghĩ của mình. Và khi người này nói thì người kia phải lắng nghe, chứ không phải giành nhau nói, hay chỉ ngồi đó mỉm cười. Bề trên phải tạo ra một bầu không khí thân thiện để bề dưới không cảm thấy sợ sệt, hay bị áp lực đến độ không dám chia sẻ. Thường thì bề trên nên để cho bề dưới nói nhiều hơn, còn mình thì chịu khó lắng nghe, ghi nhận và chỉ lên tiếng khi cần thiết. Nên nhớ, đây không phải là một buổi “hỏi cung”, nên phải tránh mọi kiểu nghiêm nghị, răn đe, doạ nạt. Nội dung của cuộc đối thoại phải sát thực tế và đi thẳng vào vấn đề cần trao đổi. Không nên mất thời giờ để nói về những chuyện tưởng tượng nào đó, hay của ai đó, chẳng có liên can gì đến chuyện của mình. Bề trên phải cảnh giác, không để cho cuộc trò chuyện bị lạc đề, không có điểm nhấn, và chẳng sinh ích lợi gì.
Đối thoại là cần thiết, nhưng cũng phải lưu ý rằng sau đó quyền quyết định vẫn thuộc về bề trên. Nếu cả hai cùng tìm ra được sự đồng thuận và giải pháp tốt nhất thì tuyệt vời. Nhưng giả như sau khi nói chuyện, mỗi bên vẫn giữ nguyên ý kiến của riêng mình thì bề trên là người có tiếng nói cuối cùng. Sự vâng phục thể hiện ở chỗ: khi cuộc đối thoại diễn ra, mình có quyền chia sẻ những gì mình muốn, nhưng khi bề trên đã quyết định rồi thì mọi chuyện chấm dứt, bề dưới không nên tỏ ra khó chịu, gặp ai cũng càm ràm, đòi gặp người này người kia để tiếp tục nói chuyện, đặc biệt là không được “bàn ra”. Bề dưới phải tin rằng quyết định của bề trên sau cuộc đối thoại là ý Chúa, nên nếu quyết định ấy đối nghịch với ý mình thì mình phải cố gắng từ bỏ ý riêng để hoà quyện ý mình với Chúa, coi quyết định của bề trên là điều mà mình thật sự muốn làm.
Để tìm biết ý Chúa, sự thẳng thắn và bình tâm là điều rất cần thiết. Bình tâm là một trạng thái để mình hoàn toàn tự do trước mọi thúc đẩy của Chúa, gạt bỏ hết mọi định kiến cá nhân, không bị điều gì ràng buộc, không dính bén vào một lôi kéo nào, như bàn cân không nghiêng về bên trái hay bên phải. Đó là một sự mở lòng hoàn toàn với một thái độ sẵn sàng đón nhận. Trong sự đối thoại, cả hai bên đều được mời gọi để mang lấy thái độ này, nếu không, mọi cái sẽ trở nên vô ích. Sự đối thoại giúp bề dưới dễ dàng vâng phục hơn, và vâng phục trong sự trưởng thành, trách nhiệm và tự nguyện hơn. Nó cũng giúp bề trên tránh thái độ độc tài, chủ quan nhưng trở nên sáng suốt hơn trong quyết định của mình. Nó cũng là cơ hội để hai bên hiểu được nhau hơn. Thiết nghĩ rằng đó cũng là một nét đẹp trong đời tu mà ai cũng khao khát.


Pr. Lê Hoàng Nam, SJ (dongten.net)

TIN MỪNG ĐÒI CHÚNG TA HÃY TẬN HƯỞNG ĐỜI MÌNH

Chúng ta không nên để những chuyện không thể tránh khỏi đó cướp đi sự tận hưởng trọn vẹn những niềm vui chính đáng mà cuộc sống đem lại.
Niềm vui là một biểu hiện không thể lầm về sự hiện diện của Thiên Chúa, cũng như thập giá là biểu hiện không thể lầm về cương vị môn đệ Chúa Kitô. Thật là nghịch lý! Và chuyện này là do Chúa Giêsu.

Khi nhìn vào Tin mừng, chúng ta thấy Chúa Giêsu khiến những người đồng thời bị sốc theo nhiều cách trái ngược nhau. Một mặt, họ thấy Ngài có thể từ bỏ những sự đời này và từ bỏ cả mạng sống vì yêu thương và hy sinh đến mức tột cùng, một sự hy sinh mà con người bình thường hẳn sẽ không làm. Hơn nữa, Ngài lại còn muốn họ làm theo như thế khi nói: “Hãy vác thánh giá mình hằng ngày! Nếu anh em tìm mạng sống mình, thì sẽ mất, nhưng nếu anh em từ bỏ mạng sống mình, thì sẽ tìm thấy được nó.”

Mặt khác, lâu nay chúng ta thường nghĩ rằng các tôn giáo nghiêm túc thì phải dạy sự hy sinh, nhưng Chúa Giêsu lại muốn những người đồng thời với Ngài hãy tận hưởng trọn vẹn hơn cuộc sống của mình, sức khỏe, tuổi trẻ, các mối quan hệ của mình, và cả những bữa ăn, chén rượu, và mọi thứ vui bình thường của cuộc đời nữa. Thật sự ngài khiến họ thấy chướng mắt vì khả năng tận hưởng thú vui của Ngài.

Ví dụ như chuyện về người phụ nữ xức dầu lên chân Chúa trong bữa tiệc. Cả bốn Tin mừng kể về chuyện này đều nêu bật một yếu tố rõ ràng gây khó chịu cho bất kỳ chuẩn mực tôn giáo nào. Đó là người phụ nữ đập vỡ chiếc bình đắt tiền đựng dầu thơm thượng hạng, rồi đổ lên chân Chúa, khiến mùi hương tỏa khắp cản phòng, rồi khóc đẫm chân Ngài, và lấy tóc mình mà lau. Tất cả những sự xa hoa, phung phí, thân mật và tình cảm trần trụi của một con người, đã khiến cho tất cả mọi người trong phòng cảm thấy khó chịu, trừ Chúa Giêsu. Ngài đón nhận nó trọn vẹn, không ngụy tạo, không có cảm giác tội lỗi hay lo lắng. Ngài đã nói, “Để cô ấy yên, cô ấy chỉ xức dầu cho cái chết sắp đến của Ta thôi.” Về căn bản, Chúa Giêsu đang nói thế này: Khi Ta chết, Ta sẽ sẵn sàng hơn bởi tối nay, khi nhận được tình cảm tràn trề này, Ta thật sự sống và do đó sẵn sàng để chết hơn.

Về căn bản, đây là một bài học cho chúng ta. Đừng cảm thấy tội lỗi khi tận hưởng những thú vui cuộc sống. Cách tốt nhất để cảm ơn người đã cho bạn một tặng vật, đó là toàn tâm tận hưởng tặng vật đó. Chúng ta không sống trên đời này như một bài thử thách, không buộc phải từ bỏ những sự tốt đẹp của tạo hóa để đạt được sự sống đời sau. Như bất kỳ người bố người mẹ đầy yêu thương nào, Thiên Chúa muốn con cái mình sống dồi dào, biết có những hy sinh cần thiết để sống có trách nhiệm và vị tha, nhưng Ngài không xem những hy sinh đó là lý do thực sự để sống.

Chúa Giêsu đã nhấn mạnh rõ hơn điều này khi có người hỏi vì sao các môn đệ của Ngài không ăn chay, trong khi môn đệ của ông Gioan Tẩy giả thì có ăn chay. Câu trả lời của Chúa Giêsu là: “Tại sao họ phải ăn chay? Khi mà tân lang vẫn đang ở cùng họ. Ngày tân lang rời đi, họ sẽ có rất nhiều thời gian để ăn chay.” Lời này, Chúa Giêsu đang nói với hai lớp nghĩa. Rõ ràng, tân lang chính là sự hiện diện thể lý của Ngài trên trần gian, và nó sẽ đến thời điểm kết thúc. Nhưng lời này còn có một ý nghĩa thứ hai. Tân lang là một thời gian khỏe mạnh, trẻ trung, vui tươi, thân ái và yêu thương trong cuộc đời chúng ta. Chúng ta cần tận hưởng những điều này bởi rồi sẽ đến lúc những tai nạn, bệnh tật, những quãng thời gian cô đơn và cái chết tước đi chúng khỏi chúng ta. Chúng ta không nên để những chuyện không thể tránh khỏi đó cướp đi sự tận hưởng trọn vẹn những niềm vui chính đáng mà cuộc sống đem lại.

Tôi tin lời yêu cầu này đã không được giảng cho đủ trong nhà thờ, hay trong những sách vở linh đạo. Lần cuối cùng bạn nghe một bài giảng dựa trên Tin mừng, muốn bạn hãy biết tận hưởng cuộc sống hơn, là lúc nào? Lần cuối bạn nghe một cha giảng nhân danh Chúa Giêsu hỏi bạn: Anh chị em có tận hưởng sức khỏe, tuổi trẻ, cuộc đời, những bữa ăn, ly rượu của mình cho đủ không?

Cứ cho là thách thức vốn đi ngược với quan điểm linh đạo thường thấy này có thể nghe như một lời mời gọi của chủ nghĩa khoái lạc, của sự thoải mái cá nhân quá độ, và một sự hời hợt thiêng liêng đi ngược với thông điệp Kitô giáo vốn quy về thập giá và sự hy sinh. Phải thừa nhận, đúng là có nguy cơ tiềm ẩn, nhưng quan điểm ngược lai cũng vậy, cụ thể là một cuộc sống khắc kỷ không lành mạnh. Nếu chúng ta thực hiện sai lầm thách thức tận hưởng cuộc sống này, nếu chúng ta tận hưởng mà không đi kèm một sự khổ hạnh và hy sinh cần thiết, thì sẽ có nguy cơ, nhưng nếu nhìn vào cuộc đời Chúa Giêsu, chúng ta có thể thấy sự hy sinh từ bỏ và khả năng tận hưởng cuộc đời hoàn toàn liên kết với nhau. Chúng dựa vào nhau.

Xét cho cùng, sự vô độ và chủ nghĩa khoái lạc là một sự thay thế sai lầm cho sự tận hưởng đích thực. Như lời Chúa Giêsu dạy và cách Ngài sống, thì sự tận hưởng đích thực gắn bó chặt chẽ với sự hy sinh và từ bỏ.

Và như thế, chỉ khi chúng ta có thể cho đi cuộc đời mình thì chúng ta mới có thể hoàn tooàn tận hưởng những thú vui đời này, cũng như chúng ta chỉ có thể thật sự tận hưởng những thú vui chính đáng của đời này thì chúng ta mới có thể hy sinh cho đi đời mình.

Ronald Rolheiser,

J.B. Thái Hòa dịch

ĐỂ CÓ MỘT SỰ VÂNG PHỤC TỐT HƠN TRONG ĐỜI TU

Sự bỏ mình trong vâng phục được thể hiện ở việc họ luôn sẵn sàng tìm lý do để biện minh cho bề trên hay những gì bề trên mong muốn hơn là cứ khăng khăng ý mình, tìm cách phê bình, chỉ trích.
Chúng ta đã biết về tầm quan trọng của sự vâng phục trong đời tu. Nó vừa giúp cho cá nhân trưởng thành hơn và cũng giúp cho đời sống tu cũng như sứ mạng được diễn ra cách tốt đẹp. Khi đã tuyên khấn vâng phục, hẳn là ai cũng muốn mình sống trọn vẹn lời cam kết này. Hơn ai hết, bề trên cũng mong muốn các thành viên trong hội dòng mình thực thi lời khấn này ở mức độ hoàn hảo nhất. Tuy nhiên, thách đố làm cản trở sự vâng phục vẫn luôn tồn tại, khiến cho nó không được giữ với một sự tinh tuyền và lý tưởng vốn có. Một sự vâng phục tốt trong đời tu chỉ có thể là kết quả của sự hợp tác giữa bề trên và bề dưới. Chỉ một bên nỗ lực thì không đủ. Vậy thì, mỗi bên phải nỗ lực ra sao?
Bề trên có lẽ phải luôn ý thức rằng mình được chọn để phục vụ cho lợi ích chung của cộng đoàn, chứ không phải để thống trị họ. Bề trên được trao quyền như một công cụ để thực thi sứ mạng này. Một thái độ trịnh thượng, hống hách, tách khỏi bề dưới sẽ là một rào cản rất lớn đối với sự vâng phục. Một bề trên khôn ngoan là người luôn cố gắng tạo tương quan với bề dưới, khuyến khích họ cùng cộng tác với mình, biết rõ từng điểm mạnh điểm yếu của bề dưới, ngỏ hầu có thể giao cho họ những sứ mạng phù hợp, không quá sức với họ để không đặt ơn gọi của họ vào sự nguy hiểm, và cũng đủ thách đố để họ có thể phát huy được khả năng tiềm ẩn. Ý thức về tinh thần phục vụ theo gương Đức Giêsu sẽ giúp bề trên có được sự khiêm nhường, và nhận thức rõ rằng họ không chỉ là người giao sứ mạng cho người khác, mà chính họ cũng là người đang thực thi một sứ mạng. Để có được điều này, bề trên phải có một đời sống thiêng liêng vững chắc, một sự kết hiệp mật thiết với Chúa, rồi nhờ đó, họ trở thành một mẫu gương cho hết thảy thành viên.
Bề trên phải biết lắng nghe người khác, phải luôn mở lòng đón nhận những chia sẻ, tâm tư của anh chị em, đủ mềm mỏng để trao ban những an ủi, nhưng cũng phải đủ cứng rắn để sửa dạy bề dưới của mình. Họ phải luôn tế nhị trong hành động, cẩn trọng trong lời nói, không làm điều gì khiến bề dưới bị tổn thương. Họ phải cố gắng tạo tương quan với tất cả anh chị em, kể cả những người nhỏ bé nhất trong cộng đoàn. Nhờ đó, họ có thể tổ chức đời sống chung sao cho có trật tự, huấn luyện bề dưới thật tốt và có được những định hướng tông đồ đúng đắn. Họ biết rằng chẳng phải vì mình trỗi vượt hơn người khác nên mới được chọn là bề trên, nhưng chính vì anh chị em tin tưởng mình và đặt nơi mình một niềm hy vọng lớn. Bởi thế, họ phải luôn ở giữa anh chị em, hướng dẫn và cùng với anh chị em đi tìm và thực thi ý Chúa, liên kết anh chị em lại với nhau trong tình huynh đệ bền chặt. Vì là người có trách nhiệm đầu tiên của cộng đoàn nên họ phải có sự khôn ngoan, phải biết thực thi công bằng, quan tâm đến những nhu cầu, lắng nghe những đóng góp của mọi người, không được đưa ra những mệnh lệnh mâu thuẫn với lợi ích của cá nhân hay tập thể, càng không nên ra lệnh một cách ngẫu hứng, chẳng có một sự suy xét cẩn thận nào.
Bề trên cũng cần có một ý thức mạnh mẽ về sự yếu đuối và giới hạn của mình, để bất cứ khi nào họ cũng sẵn sàng mở lời hỏi ý kiến người khác, xin người khác giúp đỡ. Hơn hết, họ phải biết tạo điều kiện cho bề dưới phát huy sở trưởng của mình, khích lệ họ có những sáng kiến. Dĩ nhiên, không phải sáng kiến nào của bề dưới cũng buộc phải làm theo, nhưng ít ra, qua việc này, bề trên sẽ hiểu bề dưới hơn và biết đâu, bề trên sẽ được soi sáng bởi một ý tưởng nào đó của bề dưới.
Bề trên cũng cần có một khả năng ngoại giao tốt, biết tạo tương quan và liên kết với các dòng tu khác và với hàng giáo phẩm để công việc tông đồ của dòng được hợp nhất với chương trình của giáo phận và Giáo hội. Sự liên hết này không nhằm củng cố cho vị trí quyền lực hay chỉ để đơn thuần là mở rộng tương quan nhằm dễ dàng nhờ vả khi cần thiết. Nó hơn hết và trước kết thể hiện một sự liên đới của dòng với Giáo hội và với các thành viên khác trong Giáo hội. Không có mối liên kết này, dòng sẽ bị cô lập và đóng kín trong chính mình. Nhờ luôn mở ra với thế giới chung quanh, cộng với sự khôn ngoan trong nhận định, mọi mệnh lệnh của bề trên ắt hẳn sẽ được bề dưới dễ dàng đón nhận.
Mọi thành viên khác trong cộng đoàn được mời gọi để luôn tích cực cộng tác với bề trên, với một ý thức mạnh mẽ rằng bề trên hợp pháp đích thực là đại diện của Chúa, là người được Chúa sai đến để hướng dẫn mình trong đời tu, để truyền đạt ý của Ngài cho mình. Để có được điều này, họ phải không ngừng chăm lo cho đời sống thiêng, luôn hiểu được ý nghĩa của sự vâng phục. Dù muốn hay không, họ cũng phải có một niềm tin vào hoạt động của Chúa nơi bề trên, dù có khi bề trên có những phán quyết làm họ không hài lòng. Sự bỏ mình trong vâng phục được thể hiện ở việc họ luôn sẵn sàng tìm lý do để biện minh cho bề trên hay những gì bề trên mong muốn hơn là cứ khăng khăng ý mình, tìm cách phê bình, chỉ trích.
Ngay từ khi mới bước chân vào đời tu, người tu sĩ phải được huấn luyện để có được sự dung hoà giữa việc đưa ra ý kiến cá nhân và vâng phục bề trên của mình. Sẽ là một nền huấn luyện thất bại khi tu sĩ nào “ra lò” cũng chỉ biết răm rắp nghe lệnh mà chẳng có chút ý kiến hay sáng kiến gì. Nhưng cũng không thể gọi là thành công khi bề dưới nào cũng sẵn sàng to tiếng cãi lại bề trên mỗi khi bề trên trao sứ mạng rồi biện minh rằng đó là thực thi quyền tự do ngôn luận. Bề dưới phải luôn bỏ mình, bỏ những ý riêng của mình, bỏ thói ngông cuồng tự phụ, bỏ niềm kiêu hãnh về những gì mình có hay những gì mình đã làm được. Trong đời tu, những điều này chẳng giúp ích gì và cũng chẳng có nghĩa gì. Thay vì nhiệt tình phản đối bề trên, hãy dùng sự nhiệt tình đó cho việc tông đồ của mình. Bề dưới phải nỗ lực để có được sự vâng phục với đức tin, niềm hy vọng và lòng yêu mến. Nếu không có được điều này, người tu sĩ sẽ rất dễ bị hoang mang, lo lắng và cảm thấy bất mãn khi phải chịu thiệt thòi nào đó.
Giữa bề trên và bề dưới, trước khi đưa ra một quyết định nào đó, cần có một sự đối thoại trong bầu khí cầu nguyện, trong sự chân thành, cởi mở, với ý hướng mong sao tìm ra ý Chúa. Nếu cả hai có thể đạt được điều này, ắt hẳn sẽ không có khó khăn mấy để có một sự vâng phục hoàn hảo.

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

(dongtên.net)

CHÚA NHẬT LỄ CHÚA BA NGÔI - B

Mừng trọng thể Lễ Chúa Ba Ngôi, chúng ta tôn thờ Một Thiên Chúa duy nhất trong Ba Ngôi Vị: Chúa Cha sáng tạo, Chúa Con cứu chuộc và Chúa Thánh Thần thánh hoá. Qua lịch sử ơn cứu độ, Thiên Chúa đã mạc khải cho loài người nhận biết về sự sáng tạo vũ trụ và muôn loài. Con người là loài cao quý nhất được chính Con Một Thiên Chúa ban ơn thanh tẩy và cứu độ. Trước khi rời khỏi các Tông đồ, Chúa Giêsu đã trao quyền tái tạo con người qua Bí tích Rửa Tội. Chúa Giêsu phán: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19). Chúng ta được lãnh nhận Bí tích Thanh Tẩy, nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Mỗi khi làm Dấu Thánh Giá, chúng ta tuyên xưng Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi.
Thiên Chúa an bài mọi sự cách lạ lùng trong vũ trụ thiên nhiên. Tất cả mọi loài được Thiên Chúa quan phòng tạo dựng để tiếp nối sự hiện hữu qua việc truyền sinh các giống nòi. Tác giả sách Đệ Nhị Luật đã viết: “Anh em cứ hỏi những thời xa xưa, thời có trước anh em, từ ngày Thiên Chúa dựng nên con người trên mặt đất; cứ hỏi từ chân trời này đến chân trời kia: có bao giờ đã xảy ra chuyện vĩ đại như thế, hay có ai đã nghe điều giống như vậy chăng?” (Đnl 4,32). Từ những loài thực vật, động vật đến loài người đều được cộng tác vào chương trình sáng tạo của Thiên Chúa. Một sự di chuyển sống động không ngừng trong vũ trụ giúp chúng ta nhân biết một quyền năng phi thường.
Từ xa xưa, khát vọng tâm tư của loài người đã kiếm tìm nguồn cội có uy quyền. Sống giữa vũ trụ bao la, cha ông tổ tiên đã nhiều lần tìm dựa dẫm và nương nhờ chở che vào những đối tượng giả. Họ đã tôn thờ mọi thứ thần lạ do trí tưởng tượng của con người tạo nên. Họ đã phong thần cho tất cả các nguồn sức mạnh tự nhiên như: thần sông, thần núi, thần sấm sét, thần mưa, thần gió, thần mặt trời, mặt trăng, các con vật, và con người cũng được phong thần và đi đến thờ đa thần. Con người tôn thờ những Thần mà họ không hề biết, người Dothái cũng bị ảnh hưởng bởi các thần dân ngoại, đã có thời họ đúc bò vàng để thờ lạy. Thiên Chúa đã chọn riêng dân Dothái để mạc khải về Thiên Chúa độc thần và chương trình cứu độ.
Từng bước Thiên Chúa đã mạc khải cho Dân mà Chúa đã chọn tìm về nguồn chính thật để tôn thờ Một Thiên Chúa. Vậy hôm nay, anh em phải biết và để tâm suy niệm điều này: “Trên trời cao cũng như dưới đất thấp, chính Chúa là Thiên Chúa, chứ không có thần nào khác nữa” (Đnl 4,39). Trải qua biết bao thăng trầm và thanh luyện, lòng người không dễ buông bỏ những sự thờ phượng bụt thần bằng gỗ đá vô hồn. Thiên Chúa đã dùng các tiên tri để nhắc nhở, dạy dỗ và hướng dẫn dân quay trở về với một Thiên Chúa có ngôi vị và yêu thương.
Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm quan trọng trong đạo. Mầu nhiệm cao trọng nhất nhưng cũng gần gũi với đời sống của các tín hữu. Chúng ta có thể tuyên xưng mầu nhiệm qua việc làm Dấu Thánh Giá nhiều lần trong ngày. Đã có rất nhiều suy tư thần học về Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, nhưng con người vẫn đắm chìm trong thao thức. Có rất nhiều nhà thần học đã dùng những hình ảnh, tỉ dụ và ẩn dụ để giải thích một chút về Chúa Ba Ngôi; giúp chúng ta dễ hiểu qua các biểu tượng như hình tam giác ba cạnh, ngọn lửa và tia nắng, lá Shamrock, ba thể khí, lỏng và đặc và nhìn xem cây, cành và lá liên kết… Tất cả những giải thích cũng chỉ như giọt nước trong đại dương bao la. Trí khôn con người chỉ còn biết chìm đắm trong nhiệm mầu và quy phục bái lậy tôn thờ.
Khi chúng ta mở mắt chào đời thì mọi sự đã hiện hữu trong vũ trụ. Chúng ta được hít thở bầu khí quyển, được nuôi sống bằng của ăn thức uống và được ngắm nhìn vũ trụ vạn vần đổi thay. Đại đa số con người được sinh ra có đầy đủ giác quan để chiêm ngắm và thưởng thức tất cả những vẻ tươi đẹp của cuộc đời. Khi chúng ta càng ý thức và suy tư sâu thẳm, chúng ta sẽ nhận diện có một sự trật tự lạ lùng trong vũ trụ muôn loài. Từ sự di chuyển của đại vũ trụ tới những chuyển động của tiểu vũ trụ trong từng tế bào li ti, chúng ta nhận ra có một nguyên nhân đệ nhất.
Có rất nhiều vấn đề xảy ra trước mắt trong cuộc sống hằng ngày, thế mà các nhà chuyên môn cũng chưa thể giải đáp thích đáng mọi sự. Đôi khi có người dùng những sự suy luận hiểu biết thiển cận và mơ hồ để đưa ra những giả thuyết nhằm thách thức não trạng con người. Bởi thế, những điều gì chưa biết, chưa học và chưa hiểu, chúng ta không nên chối bỏ, phủ nhận và loại trừ. Chúng ta gắng công suy tư và học hỏi tìm tòi những bài học hữu dụng trong thiên nhiên. Các môn khoa học mới chỉ đi những bước đầu khám phá, tìm ra một số những nguyên lý và định luật chung về sự kết cấu của vũ trụ vật chất bao la. Mầu nhiệm sự sống vẫn còn nhiều vấn đề sâu thẳm, con người từng bước phát hiện những cái mới và cộng tác vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa.
Dựa vào nguyên lý nhân qủa, trông qủa thì biết cây. Chúng ta có thể quan sát và dùng lý trí để tìm ngược về dấu vết của các loài thụ tạo. Chúng ta không thể đi ngược tới vô tận, phải có một nguyên nhân đệ nhất. Chúng ta có thể gọi nguyên nhân đó là Thiên, Trời, Thượng Đế, Đấng Tạo Thành, Chủ Tể Vạn Vật, Chúa Trời và Thiên Chúa. Niềm tin của người tín hữu, Thiên Chúa là Đấng tự hữu, thiêng liêng, hằng có đời đời, quyền phép, thánh thiện, tốt lành, nhân từ, công bằng và chân thật vô cùng. Trong sách Giáo Lý Công Giáo cũ có câu hỏi: Ta làm thế nào mà biết có Đức Chúa Trời? Thưa: Ta nhìn xem trời đất muôn vật và trật tự lạ lùng trong vũ trụ, liền biết có Đức Chúa Trời là Đấng tạo thành và an bài mọi sự.
Có rất nhiều người chưa tìm hiểu vấn đề đã vội chối từ và phủ nhận nguyên cội. Họ giống như những chiếc bình gốm tuyệt đẹp nói với chủ nhân rằng tôi không biết ông là ai. Với một trí khôn hạn hẹp, nông cạn và vô thường, nhiều người tưởng rằng họ đã nắm bắt được chân lý. Đã có biết bao nhiêu các nhà triết học, thần học, thần bí và các nhà khoa học đã đang gắng công tìm về nguồn vũ trụ. Trong đó có những Đạo giáo chỉ tập trung vào đời sống con người mà quên đi nguyên lý của vũ trụ bao la hiện hữu. Một số người cố gắng chọn con đường tịnh tâm, tu tâm và luyện tâm để tinh tấn giác ngộ. Những vị này giác ngộ tâm trí nhưng còn rất nhiều thiếu xót trong chức vị và ơn gọi làm người. Họ đã đặt mình là trung tâm của vũ trụ và phủ nhận quyền lực sáng tạo.
Qua quyền năng của Chúa Thánh Thần, chúng ta đã nhận được tinh thần nghĩa tử. Chúng ta không còn tinh thần nô lệ sợ hãi mà là con cái: “Vì chính Thánh Thần đã làm chứng cho tâm trí chúng ta rằng: Chúng ta là con cái Thiên Chúa” (Rm 8,16). Ba Ngôi Thiên Chúa liên kết trong tình yêu. Mỗi khi chúng ta làm Dấu Thánh Giá trên mình, là chúng ta đang được kết hợp mật thiết với tình yêu Chúa Ba Ngôi. Tình yêu hiến thân hy sinh. Tình yêu của sự tha thứ bao dung.
Chúng ta cùng nguyện rằng: sáng danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, sáng danh Thiên Chúa, Đấng đang có, đã có và sẽ đến. Amen.

Lm. Giuse Trần Việt Hùng


ĐỨC TIN NƠI NGƯỜI TU SĨ

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Đức tin của người tu sĩ không phải là một đức tin của phòng thí nghiệm, nhưng là đức tin đang trong hành trình”, tu sĩ được sai đi để loan báo Tin mừng của Vua Hằng Sống, làm men muối gọi mời tin yêu.

Đi tu là một hành trình liên lỉ để nên giống Đức Giêsu Kitô và hơn bao giờ hết, hành trình ấy cần dựa trên  một nền tảng đức tin vững mạnh. Ta không thể đi theo một ai đó, nếu ta không tin vào những gì người ấy nói, hay sâu đậm hơn, không tin vào chính người ấy. Đã hẳn niềm tin là điều cốt yếu của mọi Kitô hữu, nhưng với người tu sĩ, các chiều kích của niềm tin càng đòi hỏi ở một mức độ mãnh liệt hơn, cứng cáp hơn và trưởng thành hơn. Trên con đường dâng hiến, tu sĩ được gọi mời dấn bước trong niềm xác tín vào tay Chúa dẫn đưa. Có như thế, họ mới dám lao mình về phía trước để hiến thân phụng sự Thiên Chúa và phục vụ con người.
Người tu sĩ cảm nghiệm được sức sống của hạt mầm đức tin ngay khi lời mời gọi “hãy theo Thầy” vang lên trong tâm hồn. Lời mời gọi ấy vô thanh vô sắc, không thể nhìn bằng mắt, nghe bằng tai, không thể được kiểm chứng bằng máy móc. Làm sao người tu sĩ có thể xác tín là có một tiếng gọi như thế vang vọng đến mình, nếu họ không có niềm tin? Họ tin là mình được mời gọi. Họ tin là có một Đấng đang ngỏ lời với mình. Họ tin rằng Đấng ấy là Đấng đáng cho mình hy sinh tất cả để đi theo. Họ tin là khi theo Đấng ấy, mình chẳng mất mát gì nhưng còn được lợi gấp trăm triệu lần. Họ tin đến độ, dù phải đối diện với bao nhiêu thử thách, họ vẫn không nghĩ là mình sai.
Từ đó, họ đi tìm, lần theo và xác tín vào tiếng gọi của Thầy Giêsu, một tiếng gọi có sức xoay chiều cuộc đời mình, để rẽ vào linh đạo dâng hiến. Ở đó, hạt mầm đức tin gặp được mảnh đất màu mỡ là tình yêu thương của Chúa, được tưới gội bằng làn mưa ân sủng từ trời cao, bắt đầu mọc lên những chồi non tươi tốt. Ngày từng ngày sống với Chúa, người tu sĩ càng xác tín hơn về những gì mình tin. Niềm tin ấy cứ vươn cao vươn mạnh, bất chấp bao cuồng phong kéo đến làm nó ngã nghiêng. Cho đến khi niềm tin ấy đạt đến một độ chín mùi cần thiết, người tu sĩ hân hoan cất lên lời tuyên khấn thuộc trọn về Chúa. Đó là hoa trái ngọt ngào của đức tin mà Thiên Chúa ban tặng cho họ thuở nào. Như vậy, càng xác tín vào tiếng gọi mời của Thầy Giêsu, người tu sĩ càng đủ sức để trọn vẹn dâng cả đời mình cho kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.
Cùng với niềm tin vào Thiên Chúa, hành trình hiến dâng của người tu sĩ cũng đi kèm với lòng trông cậy và tình mến yêu dành cho Ngài. Ai đã tin thì chất chứa hy vọng. Ai có thể hy vọng là vì họ có tình yêu. Tin vào lời mời gọi, người tu sĩ cất bước theo Giêsu. Hành trình đi theo ấy tuy lắm gian nan, nhưng không sao làm người tu sĩ chùn bước, vì lòng họ lúc nào cũng nuôi dưỡng một niềm hy vọng lớn lao vào ngày mai. Ngày mai ấy là ngày mà cánh đồng trổ bông nặng hạt, được gánh về với niềm hớn hở vui ca. Ngày mai ấy là ngày mà khắp nơi chẳng còn tiếng khóc than hay buồn phiền ai oán, nhưng chỉ là tiếng cười của ngày gặt bội thu. Ngày mai ấy, người tu sĩ sẽ cùng với Giêsu trở nên một với nhau, có một tình yêu sâu đậm nối kết mà không một thế lực nào, dù mạnh mẽ đến đâu, có thể ngăn chia được. Vì tình yêu ấy, họ sẵn sàng từ bỏ để hiến dâng, bước vào con đường thập giá, trở nên ngu dại và điên rồ vì yêu như Đấng mà mình yêu mến. Càng tin, càng hy vọng, tu sĩ càng nồng cháy lửa yêu để cộng tác vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa.
Bằng một tình yêu và đức tin cá vị, tu sĩ sống trong sự hiện diện cụ thể của Thầy Giêsu. Họ trở nên những con người đáng tin và thật gần gũi. Một tu sĩ thánh thiện thì không lừa lọc ai, cũng chẳng bội tín hay vô ơn với người nào. Với một cuộc sống đơn sơ và giản dị, họ chan hòa với thế giới và được tha nhân mến thương. Họ không thích sự xa hoa lộng lẫy, hay chẳng mong quyền lực chức cao. Đã có được Giêsu, họ xem tất cả những điều này như cỏ rác. Điều mà họ mong mỏi là ngày càng trở nên giống hình ảnh một Giêsu rất mực yêu thương đàn chiên và sống chết cho đàn chiên ấy. Chính Tin Cậy Mến đã giúp cho người tu sĩ hiện thực hóa được điều này.
Trở thành một dấu chứng khả tín về thực tại Nước Trời, người đi tu không thể bị đóng khung nơi khuôn viên nhà dòng. Cho dẫu sống đời chiêm niệm, cả đời sống trong dòng kín, người tu sĩ vẫn phục vụ Giáo Hội bằng những lời cầu nguyện tán dương Thiên Chúa thay cho nhân thế. Lời nguyện cầu của họ cũng có thể bay xa đến tận chân trời góc bể, thấm sâu vào lòng Giáo Hội và chạm đến được từng phận người. Nhờ đó, họ nên men muối ướp mặn thế trần. Người tu sĩ nào cũng phải mang trong mình tâm thức “loan báo Tin Mừng”, mà loan báo Tin Mừng cũng là làm lan truyền lòng tin cậy mến mà họ ấp ủ trong tim. Như lời Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Đức tin của người tu sĩ không phải là một đức tin của phòng thí nghiệm, nhưng là đức tin đang trong hành trình”, tu sĩ được sai đi để loan báo Tin mừng của Vua Hằng Sống, làm men muối gọi mời tin yêu.
Lạy Chúa Giêsu, sắp tới sẽ diễn ra Thượng HĐGM về giới trẻ, đặc biệt về tương quan giữa người trẻ, đức tin và ơn gọi, chúng con thiết tha cầu nguyện cho ơn gọi, xin Ngài ban thêm niềm tin cho những ai đang muốn bước vào đời tu, ban cho từng tu sĩ, sưởi ấm con tim của họ, giúp họ luôn tín trung và yêu mến Ngài đến cùng. Cho dù phải xông pha nơi biên thuỳ nguy hiểm, nhưng với đức tín son sắt, yêu mến nồng nàn và cậy trông vững vàng, các tu sĩ có thể nên giống Chúa Giêsu trong hành trình dâng hiến.


Giuse Phạm Đình Ngọc, S.J. (dongten.net)

HƯỚNG VỀ QUÊ TRỜI

Con người được định nghĩa như: “Đầu đội trời, chân đạp đất”. Qua cái nhìn này, chúng ta hiện hữu trên trần gian như gạch nối giữa đất với trời. Trong con người, vừa có trời, vừa có đất. Cũng trong con người, vừa có phần “con”, tức là bản năng tự nhiên, và có phần “người”, tức là phần linh thiêng siêu thoát. Thân phận con người vừa được nắn từ bùn đất, vừa là linh hồn bất tử. Từ khi lọt lòng mẹ, cất ba tiếng khóc chào đời, con người khởi đầu một hành trình dương thế. Trong hành trình này, có sự hòa quyện giữa đất với trời, tức là giữa thanh tao và ti tiện, giữa quảng đại và ích kỷ, giữa bóng tối và ánh sáng. Hành trình cuộc đời cũng là hành trình thanh luyện bản thân, để rồi, đạt tới trưởng thành, làm cho phần “con” trong ta nhỏ dần, để nhường chỗ cho phần “người” lớn lên. Dưới nhãn quan Kitô giáo, hành trình cuộc đời là hành trình hướng về Quê Trời.
Khi nói về việc Chúa sáng tạo con người, Kinh Thánh Cựu ước kể chính lời của Thiên Chúa, Đấng Tạo dựng: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta” (St 1,26). Dưới ánh sáng của Mạc Khải, vì con người mang hình ảnh của Thiên Chúa, nên tự bản tính là tốt lành, cũng như người Á đông chúng ta vẫn nói: “Nhân chi sơ tính bản thiện”. Tuy vậy, con người có tự do để chọn lựa làm điều tốt hay điều xấu, và họ phải lãnh trách nhiệm về hành động của mình. Lịch sử nhân loại đan xen giữa bóng tối và ánh sáng. Lịch sử cá nhân đời người cũng vậy. Đó là quá trình chiến đấu cam go để làm cho hình ảnh của Thiên Chúa mỗi ngày một tỏ rạng, qua đời sống tốt lành nhân đức cụ thể.
Hành trình cuộc đời cũng là hành trình đi từ đất lên trời. Đây không phải là một lý luận nhằm ru ngủ con người, để giới thiệu một tương lai xa vời, ở trên tít tầng cao xanh. Thực ra, Thiên Đàng đã khởi đầu dưới thế. Nước Trời đã khai mở nơi trần gian. Đó chính là nội dung giáo huấn của Chúa Giêsu. Như thế, tuy đang sống ở trần gian, với bao ưu phiền lo lắng, chúng ta có thể tiếp cận cõi trời. Nói cách khác, chúng ta đang hướng về quê trời. Nói đến “quê” là nói đến nơi mang đầy kỷ niệm, là nơi trái tim chúng ta luôn hướng về. Vì công việc và kế sinh nhai, có những người bất đắc dĩ phải rời quê hương xứ sở của mình để đi định cư xa quê, nhưng tấm lòng của họ luôn hướng về cội nguồn của mình. Thánh Phaolô khẳng định với chúng ta: “Quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giêsu Kitô từ trời đến cứu chúng ta” (Pl 3,20). Người tín hữu coi Nước Trời là quê hương đích thực của mình, vì thế hình ảnh Nước Trời luôn đem lại cho họ niềm hy vọng, giữa cuộc đời còn nhiều thử thách gian nan.
Qua mầu nhiệm Nhập thể, Chúa Giêsu chính là chiếc cầu nối giữa đất với trời. Người vừa là Thiên Chúa tối cao chí thánh, vừa là Con Người sống kiếp trần gian. Người vừa thể hiện uy quyền của một Thiên Chúa (giảng dạy và làm phép lạ), vừa diễn tả những yếu tố của một con người đích thật (mệt mỏi, giận dữ). Trong Hội đường của người Do Thái, ma quỷ đã phải công khai tuyên nhận thân thế và sứ mạng của Chúa Giêsu. Trên chiếc cầu nối mang tên Giêsu, trời và đất gặp nhau, Thiên Chúa đến để ở với con người. Hố sâu cách biệt do tội Nguyên tổ đã được san bằng. “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” (Ga 14, 6). Qua những lời tuyên bố này, Chúa Giêsu đã chứng minh vai trò trung gian của Người. Sau này, tác giả thư Do Thái tiếp tục khẳng định và diễn giải nội dung này (x. Dt 9,15). Ngày hôm nay, Đức Kitô vẫn tiếp tục vai trò trung gian ấy, Người hằng chuyển cầu, ban Chúa Thánh Thần cho các tín hữu và luôn nâng đỡ Giáo Hội.
Bốn mươi ngày sau khi sống lại, Chúa Giêsu đã được cất lên trời, trước sự kinh ngạc của các tông đồ. Có đám mây quyện lấy Người và từ đó các ông không còn nhìn thấy Người nữa (x. Cv 1,1-11). Cách diễn tả này muốn chứng minh tính chất thần thiêng của Đức Giêsu. Mây bao phủ cho thấy Người là Đấng thuộc “cõi trên” như các vị thần linh. Êlia và Môisen, sau cuộc đàm đạo với Chúa Giêsu, cũng được mây bao phủ và cuốn đi (x. Lc 9,28-36). Qua sự kiện Đức Giêsu về trời, người Kitô hữu nhận ra tương lai của mình, tức là phần thưởng cho những ai trung tín với Chúa. Bởi lẽ, Chúa Giêsu đã đi trước để dọn chỗ cho chúng ta, để rồi Người ở đâu, thì chúng ta cũng sẽ được ở đó với Người, để cùng với Người chiêm ngưỡng vinh quang của Chúa Cha (x. Ga 17,24-26). Lời cầu nguyện của Giáo Hội trong ngày lễ Chúa Giêsu lên trời (Lễ Thăng Thiên) đã diễn tả điều đó: “Là thủ lãnh, Người đã đi trước mở đường dẫn chúng con vào Nước Chúa, khiến chúng con là những chi thể của Người nắm chắc phần hy vọng sẽ cùng Người hưởng phúc vinh quang” (Lời nguyện nhập lễ).
Mặc dù đang bước đi trong hành trình dương thế, người Kitô hữu được mời gọi “sống lại” với Đức Kitô. Phaolô, vị Tông đồ dân ngoại, dường như quên hết quãng đời dương thế của Đức Giêsu mà chỉ chú tâm vào Chúa Giêsu phục sinh. Đối với ông, sự kiện phục sinh là cốt lõi của đức tin Kitô giáo. Đức Giêsu đã sống lại, cuộc đời của người Kitô hữu cũng phải sang trang, để mặc lấy Đức Kitô. Khi đoạn tuyệt với quá khứ còn nhiều tăm tối và khiếm khuyết, người tin Chúa được phục sinh với Người. Như Đức Kitô đã sống lại và từ nay Người không còn chết nữa, người tín hữu hướng thẳng về phía trước mà tiến bước, trong niềm xác tín vào vị Chúa của mình, là Đấng đã chiến thắng tử thần. Thánh Phaolô khẳng định: “Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Kitô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới” (Cl 3,1-2). “Hướng về thượng giới”, đây chính là ơn gọi của người Kitô hữu. Đây cũng chính là ý nghĩa của cuộc đời. Là thân phận “đầu đội trời, chân đạp đất”, việc hướng về thượng giới sẽ giúp chúng ta vững vàng trước những thử thách cam go, và sống thanh tao thánh thiện trước những lôi kéo cám dỗ của cuộc đời. Vị Tông đồ dân ngoại còn chi tiết hơn khi viết: “Anh em hãy từ bỏ tất cả những cái đó: nào là giận dữ, nóng nảy, độc ác, nào là thoá mạ, ăn nói thô tục. Anh em đừng nói dối nhau, vì anh em đã cởi bỏ con người cũ với những hành vi của nó rồi, và anh em đã mặc lấy con người mới, con người hằng được đổi mới theo hình ảnh Đấng Tạo Hoá, để được ơn thông hiểu” (Cl 3,8-10). Đó là những phác họa rất cụ thể về một con người mới, là con người luôn hướng về Quê Trời.
Hướng về Quê Trời không làm chúng ta sao lãng bổn phận trần thế, vì hạnh phúc vĩnh cửu chúng ta đạt được trong tương lai, chính là nhờ những điều tốt lành chúng ta đang thực hiện hôm nay. Hơn thế nữa, những cố gắng xây dựng một xã hội công bằng nhân ái, chính là cộng tác để “Nước Cha trị đến” nơi trần gian.
“Hãy hướng về phía mặt trời, bóng tối sẽ ngả về phía sau bạn” (Danh ngôn Nam Phi). Đức Giêsu là Mặt Trời công chính. Người chiếu rọi ánh sáng siêu nhiên để sưởi ấm cõi lòng và hướng dẫn chúng ta trong hành trình thiêng liêng. Hướng về Người, bóng tối sẽ bị xua tan, tội lỗi sẽ bị diệt trừ và tâm hồn chúng ta sẽ an vui.
Hải Phòng - Lễ Thăng Thiên 2018
 Gm Giuse Vũ Văn Thiên

CHÚA NHẬT LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG

Trước khi về trời, Chúa Giêsu đã nhiều lần hứa sẽ gửi Thánh Thần đến an ủi các môn đệ. Quả thật, các ngài không phải chờ đợi lâu. Vào ngày lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần xuống đầy tràn trên các ngài. Ơn Chúa Thánh Thần thật mãnh liệt. Chúa Thánh Thần đã đụng chạm đến các ngài. Chúa Thánh Thần như nguồn nhựa sống thấm tẩm vào từng chân tơ kẽ tóc làm cho các ngài thay đổi da thịt, trở thành con người mới. Các ngài đã cảm nghiệm được sự tác động ấy. Đó là cảm nghiệm về một ngọn lửa.

Chúa Thánh Thần là ngọn lửa thanh luyện.
Giống như ngọn lửa thanh luyện vàng và kim loại khỏi các tạp chất, ngọn lửa Thánh Thần tẩy sạch con người cũ của các tông đồ. Trước kia các tông đồ là những người nhỏ nhen ích kỉ, ham hố danh vọng, thường tranh nhau chỗ cao chỗ thấp. Nhưng khi nhận được ơn Chúa Thánh Thần, các Ngài trở nên quảng đại, hy sinh quên mình, chỉ nghĩ đến phục vụ Nước Chúa. Trước kia các Tông đồ là những người nhút nhát, dễ thay đổi. Nhưng khi nhận được ơn Chúa Thánh Thần, các Ngài đã trở nên cam đảm, trung thành làm cho Chúa đến nỗi dám hy sinh mạng sống để làm chứng cho Chúa. Hơi ấm của Chúa Thánh Thần băng bó những vết thương làm cho tâm hồn các Ngài liền da liền thịt, sạch hết mặc cảm, trở nên những con người hoàn toàn mới.

Chúa Thánh Thần là ngọn lửa soi sáng.
Ai đã có lần đi trong hang động tối tăm mới hiểu được nỗi khổ của người mò mẫm lần từng bước dò đường đi. Những tảng đá lởm chởm, những thú vật độc ác, những vực sâu hiểm nghèo đang rình chờ cướp mạng sống của người mạo hiểm. Hạnh phúc biết bao khi có ánh sáng tới. Đường đi xuất hiện rõ ràng. Khách bộ hành an tâm mạnh dạn tiến bước.

Trước kia, các Tông đồ giống như người đi trong đêm tối, không biết đường biết hướng về đâu. Lửa Chúa Thánh Thần đến soi sáng trí khôn biến những bác ngư phủ quê mùa trở nên sáng suốt thông minh, hiểu biết Lời Chúa. Lửa Chúa Thánh Thần soi sáng đường đi, biến những môn đệ mất Thầy như bầy ong vỡ tổ trở nên những người lãnh đạo dẫn đường cho một đoàn dân mới tiến về Quê Trời.

Chúa Thánh Thần là ngọn lửa sự sống.
Sau ngày Chúa Giêsu chịu chết, các Tông đồ sợ hãi tản lạc tứ phía. Các ngài phải trốn chạy. Các ngài phải ẩn nấp, Các ngài sống trong sợ sệt lo âu. Các ngài phải đóng kín cửa nhà vì sợ người Do thái. Các ngài sống như tựa như đã chết. Các ngài giống như cái xác không hồn. Nhưng sau khi nhận được ơn Chúa Thánh Thần, các ngài nhận được nguồn sống. Các ngài bừng tỉnh như sau một giấc ngủ. Các ngài mạnh mẽ như người hồi phục sau cơn trọng bệnh. Sự sống mãnh liệt trào tuôn khiến các ngài không còn có thể bó gối ngồi một chỗ, nhưng mạnh mẽ mở cửa ra đi rao giảng Lời Chúa. Sự sống mãnh liệt trào tuôn khiến các cộng đoàn phát triển mau chóng. Ngọn lửa Chúa Thánh Thần đã đem lại sự sống, sự sống lại và là sự sống mới cho các Tông đồ, cho các tín hữu.

Ngày nay chúng ta cảm ơn Chúa Thánh Thần hơn bao giờ hết. Trong bản thân cũng như trong cộng đoàn chúng ta có nhiều tì tích hoen ố. Chỉ có ngọn lửa của Chúa Thánh Thần mới có thể thanh luyện tâm hồn chúng ta. Thế giới hôm nay đầy những bóng tối. Chỉ có ngọn lửa Chúa Thánh Thần mới có thể soi sáng cho chúng ta biết đường lối mà đi. Thế giới hôm nay chứa đầy văn minh sự chết, đưa con người tới huỷ diệt. Chỉ có ngọn lửa Chúa Thánh Thần mới hồi phục, đưa ta vào sự sống mới trong Đức Kitô.
Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến sửa lại mọi sự trong ngoài chúng con. Amen.