CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG NĂM C

Mùa Vọng đã về. Nói đến Mùa Vọng, chúng ta nghĩ ngay đến những điệu nhạc du dương, những trang hoàng lộng lẫy, những kiểu mẫu đầu tóc, quần áo sành điệu. Lời Chúa hôm nay lại nhấn mạnh đến sự tỉnh thức, như một điều kiện cốt lõi của đời sống Đức tin. Một số người ngày nay thường thích nói công thức thuộc lòng: ngày lễ Giáng Sinh không còn của riêng của người Công giáo, nhưng của cả xã hội. Công thức này hàm chứa một quan niệm lệch lạc, đó là coi ngày kỷ niệm Chúa giáng trần như một lễ hội truyền thống mà quên đi chiều kích thiêng liêng và sứ điệp của việc Chúa đến trần gian. Bởi lẽ Hài Nhi Giêsu đã làm người từ hơn hai ngàn năm nay để cứu nhân độ thế và để mời gọi con người hãy tỉnh thức để lắng nghe và thực hiện giáo huấn của Người.
Trước hết, chúng ta cần tỉnh thức để nhận ra Chúa đang đến trong đời mình: “Anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa”. Mỗi ngày, Chúa đang đến để gặp gỡ chúng ta. Đức Thánh Cha Benêđitô đã định nghĩa: Đức tin là cuộc gặp gỡ thân tình với Chúa. Nhờ Đức tin, chúng ta được gặp Ngài, có thể nói chuyện với Ngài, thân thưa với Ngài biết bao chuyện vui buồn của cuộc sống. Nhờ gắn bó với Chúa, cuộc đời chúng ta thuộc trọn về Ngài, “Dầu mắt ngủ nhưng lòng vẫn thức, vẫn tin yêu một mực chân tình” (Thánh thi Kinh tối). Chúa hiện diện qua vẻ đẹp huy hoàng của vũ trụ, qua cha mẹ và những người bạn tốt biết lắng nghe và đồng cảm với chúng ta. Chúa còn hiện diện cách đặc biệt qua Lời Chúa và Thánh Thể. Mỗi khi suy niệm và thinh lặng tôn thờ, chúng ta sẽ nhận ra sự hiện diện của Ngài. Có Chúa trong đời, chúng ta không còn cô đơn. Nghe lời Chúa, chúng ta không sợ lầm lạc. Tín thác nơi Chúa, chúng ta không sợ thất vọng. Trong xã hội hôm nay, dường như Lời Chúa bị bóp nghẹt bởi biết bao thứ âm thanh hỗn tạp của đam mê quay cuồng. Chúng ta cần tỉnh thức và dành một chốn riêng tư trong tâm hồn, nhờ đó chúng ta nhận ra sự hiện diện của Chúa trong đời.
          Sống trong cuộc đời, chúng ta cũng cần tỉnh thức để nhận ra những dấu chỉ thời đại. “Bấy giờ, thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng ngự trong đám mây mà đến”. Công đồng Vatican II đã chỉ rõ: “Để chu toàn phận vụ ấy (bổn phận phục vụ con người), Giáo Hội phải luôn tìm hiểu tường tận những dấu chỉ của thời đại và giải thích những dấu chỉ ấy dưới ánh sáng của Tin Mừng; như vậy, Giáo Hội mới có thể đưa ra câu giải đáp thích hợp với từng thế hệ cho những thắc mắc muôn thuở của con người, về ý nghĩa cuộc sống hiện tại và mai sau, cũng như về mối tương quan giữa hai cuộc sống ấy. Do đó, cần phải nhận biết và thấu hiểu thế giới chúng ta đang sống, cũng như những mong chờ, những khát vọng và cả tính chất thường là bi thảm của nó” (MV 4). Mỗi ngày, xung quanh chúng ta, có biết bao sự việc xảy đến, Đức tin và Lời Chúa mách bảo chúng ta, hãy nhìn nhận những vụ việc ấy như những dấu chỉ của thời đại, tức là mỗi sự kiện xảy đến đều kèm theo một sứ điệp, như lời cảnh báo chúng ta hãy thận trọng và khôn ngoan, hoặc hãy tin tưởng phó thác nơi Chúa quan phòng. Nếu biết “giải mã” các dấu chỉ thời đại, chúng ta sẽ nhận ra thánh ý của Chúa để thực hành, và như thế, chúng ta tìm được sự bình an.
Sau cùng, chúng ta cũng cần tỉnh thức để nhận ra mọi người đều là anh chị em: Mỗi người sống trên đời không phải là một ốc đảo cô đơn, nhưng sống cùng và sống với mọi người trong cộng đồng xã hội. Hơn nữa, là tín hữu, chúng ta còn có sự bao bọc nâng đỡ của cộng đoàn Giáo Hội địa phương. Đức tin khẳng định, họ cùng là anh chị em với chúng ta, và cùng là con của Cha trên trời. “Xin Chúa cho tình thương của anh em đối với nhau và đối với mọi người ngày càng thêm đậm đà thắm thiết, cũng như tình thương của chúng tôi đối với anh em vậy”. Tình yêu thương là nền tảng của mọi cộng đoàn Đức tin, là điều kiện cốt lõi để công cuộc truyền giáo có hiệu quả. Lễ Giáng Sinh sẽ trở nên vô nghĩa nếu được cử hành với tâm trạng thù oán chia rẽ. Chúa Hài Nhi sẽ không ngự đến nơi những tâm hồn ích kỷ khép kín hoặc chứa đầy tham vọng. Giuse, Maria, những mục đồng, đó là những có tấm lòng rộng mở để đón Chúa đến trong đời.
“Đức-Chúa-là-sự-công-chính-của-chúng-ta”. Đây là danh xưng của Chúa, vừa là một mơ ước về một cuộc sống tương lai, khi con người sống hài hòa với nhau, không còn chia rẽ, không còn hận thù, nhưng chỉ còn sự công chính của Chúa bao trùm vũ trụ và toàn thể nhân loại.
Gm. Giuse Vũ Văn Thiên


MỘT CHUYẾN ĐI XA!

Kết thúc một chuyến đi dài, những ký ức đọng lại với những cảm xúc lưu luyến, Bệnh Viện Nhân Ái, là nơi tôi vừa rời khỏi đã muốn quay trở lại. Cha Giuse người dẫn đường đã cho chúng tôi một hành trình ngắn ngủi nhưng đầy ý nghĩa.
Chuyến đi bắt đầu từ 7h30 phút sáng, lúc đầu, khi nghe được ra ngoài thì cũng háo hức, rồi lại nghe đến cái tên: “bệnh nhân bị nhiễm HIV” thì thấy hơi sợ, còn nghe đến cái tên Bình Phước, ôi thật ngán ngẩm, đối với một đứa say xe như tôi thì chặng đường dài 200 cây số, đi trong 4 tiếng thật một cực hình. Tôi cảm thấy mệt mỏi trên suốt chặng đường đi, người không còn chút sức lực. Khi tới nơi, tôi nằm liệt trên giường, chẳng lê nổi chân để ra ăn cơm dù cho quý Soeur ở đây đã phải quá giờ ăn trưa để chờ chúng tôi đến. Một chị vào bảo tôi: “chị cũng mệt lắm nhưng mình đến đây là để phục vụ mà em”. Câu nói này làm tôi bừng tỉnh, tôi đã quên mất mục đích tới đây, tôi choàng dậy và bước ra tham gia cùng mọi người. Sau khi nghỉ ngơi, đến 3h00 chiều chúng tôi đi bộ lên bệnh viện, cảnh ở đây khá đẹp, chúng tôi đi trên con đường nhựa rộng rãi lưng đồi, nhìn xuống chân đồi, xuyên qua những hàng cây là những vũng nước nhỏ, nối dài như con sông ôm giữa mình một vài miếng đất nhô lên được phủ đầy cây xanh như những hòn đảo nhỏ. Ở đây gió mát như không khí Đà lạt. Tạ ơn Chúa vì có nơi đẹp như thế này dành cho bệnh nhân.
           
Khi bước vào khuôn viên khu C của bệnh viện, thật khó hình dung các bệnh nhân đang tập hát chuẩn bị dự lễ như thường lệ, một tuần một lần. Hôm đó, Cha Giuse cử hành thánh lễ, một thánh lễ sốt sắng với những giọng hát to, đồng đều, cất cao ở một cung lơ lửng mà chị em tôi chẳng thể hát theo. Những người dự lễ mang đồng phục áo xanh ngồi thẳng hàng, nghiêm trang, thánh thiện nếu họ không mặc trang phục bệnh nhân, thử hỏi có ai biết đây là những người nhiễm bệnh HIV-AIDS. Họ làm tôi khá ngạc nhiên, những con người đang cần được chúng tôi quan tâm thì đã quan tâm chúng tôi trước: mời các Soeur ngồi ghế, sách hát của Soeur đây, đứng gọn cho Soeur rước lễ, Soeur để con xếp ghế cho,… Vậy đấy, tôi tự hỏi: “rốt cuộc thì ai đang là bệnh nhân?”
           
Thánh lễ xong, chúng tôi ở lại với họ đến giờ cơm tối. Đang ngơ ngơ chẳng biết làm gì, tôi bắt gặp một người ngồi xe lăn, tôi chạy đến xin giúp đẩy xe. Người ngồi xe là một anh thanh niên tên Nam, phòng cấp cứu 1, đây là căn phòng tôi bắt đầu công việc của mình. Tôi bóp tay; bóp chân, trò chuyện và hỏi thăm những câu hỏi như khuôn đúc quê quán, người thân, tên , tuổi… Tôi nhận được các câu trả lời mỗi người một khác nhưng không câu nào khiến tôi bỏ ngoài tai. Họ chia sẻ thật lòng, tôi như cảm được nổi vui, buồn của họ. Có lẽ họ cần ai đó chia sẻ, đứng bên giường ghé tai nghe họ nói như phần nào giúp họ có niềm vui an ủi. Ở đây là những bệnh nhân bị nhiễm HIV-AIDS giai đoạn cuối, số ít còn đi lại được, đa số nằm liệt và bị lở loét. Những chỗ lở được đắp bằng miếng chăn thay đổi hằng ngày, phần cơ thể tôi nhìn thấy là những đôi tay và đôi chân còn da bọc xương, là những gương mặt lỗ rỗ, da mặt nhăn và có nhiều đốm đen nhỏ. Họ trông già hơn nhiều so với tuổi. Chẳng biết cái đau họ đang chịu là như thế nào, nhưng tôi biết họ cần chúng tôi. Họ chia sẻ với tôi như một người bạn.
           
Sau đây là câu chuyện của những người tôi gặp gỡ. Anh Nam, người tôi đẩy xe, người đầu tiên tôi hỏi chuyện: người nhà anh chỉ gửi tiền, ít khi vào thăm. Thật may, là người thành phố, tương đối gần đó nhưng được nhận tiền hàng tháng. Anh ăn cơm rất ít, đa số là ăn cháo gói do tiền túi đi mua. Tôi thấy cơm cũng ngon nhưng anh và những người ở đây ăn chẳng nỗi, lúc nào người đi thu cơm thừa cũng được những phần giường như là nguyên. Tôi thấy thương cho họ, sức đâu để họ sống với bệnh. Cô Hoài, cô bị lây nhiễm từ chồng, cô vừa khóc vừa chia sẻ với tôi, cô như chẳng thể chấp nhận căn bệnh này. Cô biết mình bị nhiễm sau khi mang bầu đứa con thứ 3, cô mới vào viện được 7 tháng mà nay phải liệt giường, cô nhớ con và gia đình nhiều, mắt và tóc cô đẹp lắm, tôi khen cô như vậy, cô cười và nói lúc mới bị cắt tóc cô đã khóc và tiếc. Tôi thấy đầu giường cô có gián tấm ảnh Chúa thương xót nên hỏi: “ cô có tin Chúa sẽ thương cô không?” Cô trả lời rất dễ thương: có biết ông nào đâu mà tin, nhưng trước khi đi ngủ tôi có cầu với ông ấy, cầu phật xong thì cầu Chúa, lúc đó mới ngủ được. Tôi phì cười trước câu trả lời đó, tôi chỉ có thể nắm tay cô và nói với cô, cô hãy tin như những gì cô đang tin, cô và gia đình sẽ được che chở. Tôi bước qua chiếc giường đối diện theo lời gọi đặc biệt: Sr ơi. Anh Phi Công - anh có vẻ như thèm được nói chuyện. Anh là người nghệ sĩ phát hiện tài nặng muộn, vì anh mới chơi đàn ghita và học vẽ từ năm 2014. Anh đàn và hát cho tôi nghe bài “giáng sinh con nhớ về mẹ” do anh sáng tác, một bản có lời không nhạc, được phổ theo điệu slowrok đàn ghita. Anh nằm viện được 8 năm, nhưng vẫn yêu đời và là tâm hồn của phòng. Anh Mồ Côi, cái tên được đặt vì anh mất cha khi được một tháng tuổi, mẹ mất khi lên 10. Thầy cô nuôi anh ăn học đến lớp 8 thì anh vào đời tự lập. Anh đi ở đợ để tiếp tục theo đuổi đam mê học tập, anh học chuyên văn. Nhưng đời đâu dễ thở, vì miếng ăn mà anh đã phải từ bỏ ước mơ. Vì không có nhà nên anh sống nay đây mai đó, anh được người ta dẫn về trại khi đi vất vơ ngoài đường và anh bị nhiễm bệnh từ đó. Bệnh nặng, họ chuyển anh vào đây. Anh không người thân, không tiền bạc, nơi này anh được chăm sóc và được hổ trợ 3 bữa cơm. Vậy đấy,  những con người nghèo khổ mà trước giờ tôi như vô tâm.
        Bên cạnh đó cũng có những con người vui tính, biết chọc cho tôi cười, họ có khiếu hài tạo hóa ban cho và chẳng ai có thể lấy mất cho dù họ đang bị bệnh. Anh Dũng, người đủ thứ hình xăm trên mình, tôi thấy sợ nhưng vẫn khen đẹp, anh có gương mặt ưa nhìn mà vẫn lành lạnh, đi lại được. Anh đoán tôi sinh năm 87 cho dù tôi mới 19 tuổi. Ôi hơi buồn, mà kệ, anh vui khi chọc tôi như vậy. Cô Hà, cô nói ngọng, cô ngồi xe lăn nhưng hay cười, răng cô sún hết và chẳng ra làm sao cả. Chẳng ai có thể nín cười khi bắt gặp nụ cười của cô. Có một chú nói chuyện rất hài; chúng tôi khen chú đẹp trai, chú bảo: đẹp trai, không tiền, gái không theo, ế, thật vui tính… Và nhiều con người khác nữa mà tôi không có thời gian gặp gỡ.
       Trên đường về nhà chúng tôi được Cha nói cho nghe về những căn bệnh, chia sẻ với nhau về những người bạn mới, những tiếng chuyện trò xua đi im lặng của con đường, từng làn gió mát nhẹ thổi như thưởng công. Bất giác nghĩ đến họ chẳng còn được như chúng tôi đây: đi trên những con đường gió mát, quan tâm chia sẻ ai đó, cùng cười cùng nói với ai đó,…
        Sau khi ăn sáng chúng tôi về ngay, cảm ơn các Soeur đã chăm sóc chúng tôi chu đáo. Trên đường về, tôi ngắm lại những cảnh mà khi đi đã bỏ lỡ. Ở bốn tiếng trên xe, Tôi nhớ đến những cái tên cứ chạy mãi trong đầu: Anh Nam, anh Phi Công, cô Hà, cô Hoài, anh Mồ Côi, anh Dũng,… Nếu được, một chuyến đi khác tôi sẽ quay lại với họ - những người anh chị em của tôi.
Maria Bích

       

Mừng ngày Nhà Giáo Việt Nam

Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 là ngày “tôn sư trọng đạo”, nhằm để tôn vinh những người trong ngành giáo dục. Trong ngày này các học trò bày tỏ lòng tri ân đến những người thầy cô của mình bằng những món quà, những lễ hội, những buổi văn nghệ …
Không nằm ngoài truyền thống trên, trường Trung cấp Đông Dương cũng đã chuẩn bị chương trình dành cho các thầy cô giáo thuộc hệ thống giáo dục Đông Dương từ trước đó một tháng. Trong thời gian đó, các bạn sinh viên, học sinh của trường đã tích cực tham gia cuộc thi: Sinh viên thanh lịch, Tiếng ca học đường…và đã có những tiết mục hay, đạt chất lượng tốt lọt đến vòng chung kết.
Trong tâm tình kính mến biết ơn quý Thầy cô giáo, các em Tuyển sinh đã đã tham gia cuộc thi và đã lọt vào vòng chung kết xếp hạng với một tiết mục múa: “Tôi yêu”. Tiết mục múa này đã được chọn để công diễn vào đêm 19/11 vừa qua tại sân vận động Lan Anh – Q3.
Thực hiện lời khuyên của Đức Thánh Cha Phanxico - ở đâu có tu sĩ, ở đó có niềm vui – các em đã thực sự mang lại cho các thầy cô giáo một món quà tinh thần lớn lao. Các thầy cô hầu như ai cũng có chung nhận xét là các em múa rất dễ thương và hồn nhiên.

Cầu chúc quý thầy cô giáo tràn đầy niềm vui, sức khỏe và là mẫu gương cho thế hệ tương lai. Cầu chúc các em luôn học hành thật tốt, tu thật tốt và trở nên một ngôn sứ tốt. 







CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN B

CHÚA GIÊ SU - VUA TÌNH YÊU
Hình ảnh Chúa Giêsu phác hoạ về ngày phán xét thế giới trong Tin Mừng hôm nay cho thấy tính nghiêm trọng trong ngày xử án của vị vua vũ trụ. Đó là ngày tách chiên ra khỏi dê, tách ánh sáng ra khỏi bóng tối, tách sự sống ra khỏi sự chết.
Quan trọng như thế mà tất cả cán cân công lý của ngày phán xét chỉ dựa trên có một điều luật duy nhất. Lạ lùng hơn nữa là chính cả chiên lẫn dê đều sửng sốt không biết mình đã thi hành hay không thi hành điều luật ấy khi nào. Đến nỗi vua vũ trụ phải giải thích "Điều gì các ngươi đã làm cho một người anh em nhỏ nhất của Ta đây, là đã làm cho chính Ta" (Mt 25, 40)
Điều luật đó chính là Đức Ái.
Nhưng tại sao vua vũ trụ lại chỉ sử dụng có một khuôn vàng thước ngọc duy nhất ấy? Là vì động lực thúc bách Thiên Chúa tạo dựng trời đất cũng xuất phát duy nhất bởi tình yêu. Đã xuất phát điểm bởi tình yêu thì chung cuộc cũng trở về duy nhất bởi tình yêu. Ta nhận ra dung mạo của vị vua vũ trụ trong một chân dung được khắc hoạ là vị vua tình yêu!
Không ai khác, đó chính là "Giêsu Nazareth - vua Do Thái."
Danh hiệu này bằng chữ viết, dưới danh nghĩa một bản án do Philatô cho đóng phía trên đầu Đức Giêsu. Người Do Thái đã tẩy chay danh hiệu trên vì họ không chấp nhận một bản án tố cáo tội họ đóng đinh giết vua của mình. Họ đề nghị công thức: "Người này xưng mình..." nhưng Philatô đâu có tự ý, chính ông đã hỏi Chúa Giêsu "Ông là Vua ư?" và Đức Giêsu đã xác nhận "Ông nói đúng tôi là Vua" (Mt 27,11) thế nên Philatô đã đanh thép như chính Đức Giêsu đã xác nhận để khẳng khái trả lời cho người Do Thái rằng: "Điều ta đã viết là viết" (Ga 19,22)
Với những sự kiện trên, chứng tỏ người Do Thái đã bị tước bỏ mọi quyền chọn lựa. Không phải họ phủ nhận mà bản án không có giá trị, ngược lại dù họ đã từng muốn tôn vinh Chúa Giêsu lên làm vua vì lý do duy vật chất, sau khi được chứng kiến Chúa làm phép lạ hoá bánh ra nhiều, thì Chúa cũng đã bỏ họ để lên núi một mình (x. Ga 6, 5-27)
Đặc quyền bị tước bỏ là do sự suy thoái của chính họ. Dân tộc Do Thái là một dân được chính Yavê Thiên Chúa tuyển chọn. Họ cũng chọn chính Yavê là Vua độc tôn duy nhất. Vậy mà sau những năm sống trong sa mạc hoang vắng, tâm hồn của họ cũng cằn cỗi dần theo. Sự kiện đòi thiết lập vua trên dân Israel đời tiên tri Samuel, là một biểu hiện khai mào cho tình trạng suy thoái xa rời tối thượng quyền của Thiên Chúa, sự suy thoái sẽ trượt dốc từ Saul qua các triều đại kế tiếp và cao trào suy thoái là vào chính thời Đức Giêsu, khi mà một Dân riêng được Thiên Chúa tuyển chọn lại không một chút nhục nhã lớn tiếng tuyên bố với Philatô, kẻ trị vì trên tự do của họ rằng, "Chúng tôi chỉ có một vua là vua Xêda mà thôi" (Ga 19, 15)
Khước từ vua tình yêu, họ chỉ còn vua chính trị. Cách tuyên bố của họ vì chính trị, để khai trừ Đức Giêsu Nazareth mà họ thù ghét hơn, nhưng chính vì thế mà bản án Philatô viết cũng chính trị và họ phải lãnh nhận hậu quả cũng chính trị!
Bản án trở thành bản tố cáo thái độ thù ghét của thế hệ Do Thái quá khích cực đoan nhưng diễn tả một tình yêu lớn nhất của người dám chết cho người mình yêu.
Mới đây, tôi đã giải thích ý nghĩa tượng Chúa Giêsu chịu khổ nạn cho một nhà văn quân đội khi ông về thăm Nhà thờ chính toà Phát Diệm: "Quan niệm Phật giáo muốn mưu cầu hạnh phúc chúng sinh phải tránh tham, sân, si và diệt dục. Còn Công giáo thì khác, Đức Giêsu, Ngôi Lời Thiên Chúa, không tránh mà còn nhập thể vào thân xác tham, sân, si của con người. Sau tham, sân, si là cái chết của chính Ngài, sau cái chết của Ngài là tình yêu lớn nhất: chết cho người mình yêu."
Mọi thách đố, chướng ngại không thể trở thành rào cản. Đức Giêsu tuyên bố: "Tôi sinh ra và đến trong thế gian là để làm chứng cho sự thật, ai hâm mộ sự thật thì nghe tôi" (Ga 18,37)
"Khi những người được mời không xứng đáng thì những kẻ qua đường được mời vào đầy phòng cưới dự tiệc" (x. Mt 22,2-10) Vua tình yêu vẫn mở tiệc cưới, phòng tiệc vẫn đầy người dự, nhưng là người mới, áo cưới mới.
Ý thức vua tình yêu trao ban ân huệ cách nhưng không, Dân mới của Thiên Chúa hiểu rằng chỉ có tình yêu đáp đền tình yêu, hàng ngày trong lời Kinh Lạy Cha - lời Kinh trọng nhất - Hội Thánh lớn tiếng xin cho Nước Cha trị đến trong tâm hồn và trong mỗi gia đình - Nước tình yêu, Nước công bình, Nước sự sống, Nước ơn phúc, Nước hoà bình.
Lm Hồng Phúc

THƯ GỬI MẸ!

Nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ
Mây trời lồng lộng không phủ kín công cha.

Mẹ kính yêu!
Vậy là đã 10 năm kể từ ngày con xa gia đình để bước theo lời mời gọi yêu thương của Thiên Chúa. Nhưng trong lòng con cảm xúc dâng trào khi con nhớ về Mẹ, nhớ về những kỉ niệm của tuổi thơ, nhớ những ngày con được sống trong vòng tay yêu thương và bao bọc của Mẹ.
Gió chiều thổi mạnh nhưng trong lòng con thật ấm áp, thật bình yên khi con nghĩ về  Mẹ.  Mẹ là người đã hy sinh cả một đời với biết bao công khó và mồ hôi để cho  con được đến trường, được bằng bạn bè, để có một tương lai tươi sáng. Mẹ chẳng quản ngại gì ngày nắng cũng như ngày mưa làm lụng vất vả với công việc đồng án. Nhìn thấy  con  lớn khôn, Mẹ không giấu được niềm vui, ánh mắt lấp lánh tràn ngập hạnh phúc.
Con nhớ đến Mẹ là cột trụ và điểm tựa vững chắc cho  trong gia đình kể từ ngày ba đã khuất bóng. con yếu ớt nên những công việc nặng nhọc đều do Mẹ gánh vác, nhìn mái tóc của Mẹ ngày một bạc trắng và đôi vai gầy như muốn oằn xuống trước sức nặng của đôi gánh cuộc đời, lòng con thấy thương Mẹ nhiều lắm, có lúc con ước chi mình là con trai để có thể thay Mẹ để phụ giúp Mẹ gánh vác những công việc nặng nhọc và để cho Mẹ có thể nghỉ ngơi đôi chút khi tuổi đời đã xế bóng. Tuy vất vả, cực nhọc là thế nhưng Mẹ không muốn con nghỉ học giữa chừng, Mẹ muốn con tự bước đi bằng chính đôi chân của mình mà không phải dựa dẫm vào ai.  Nhìn lại tuổi thơ của mình con thấy mình được lớn lên với những dấu ấn đầy tình thương của Mẹ.
Con nhớ đến Mẹ, người đã ươm mầm đức tin trong con. Khi con còn nhỏ mỗi buổi tối Mẹ thường nhắc con đến trước bàn thờ để đọc kinh cầu nguyện. Mẹ còn kể cho con nghe nhiều câu chuyện về hạnh các thánh. Khi con khôn lớn, con nói ra ý định đi tu của mình, Mẹ luôn là người ủng hộ con hết mình và cầu nguyện cho con được như lòng ước nguyện.
Dẫu con có viết thật nhiều thì những từ ngữ vẫn không  sao có thể diễn tả được công ơn trời bể mà Mẹ đã hy sinh cho con.  Con muốn mượn lời thơ sau đây để nói lên tâm tình đó:
Dù con khôn lớn, vẫn là con của Mẹ.
Đi suốt cuộc đời Mẹ vẫn là Mẹ của con.
Đúng vậy, tình thương của Mẹ luôn mãi là sức mạnh cho con tiến bước trên con đường theo Chúa. Mẹ ơi, Con muốn nói lời xin lỗi vì những lần con chưa ngoan, những lần con làm cho Mẹ phải lo lắng, buồn phiền vì con. Con cũng cám ơn  Mẹ vì có những lúc ngọn đèn dâng hiến nơi con leo lắt như muốn tắt trước những phong ba bão táp, cám dỗ của cuộc đời thì Mẹ người giữ lửa âm thầm đã giúp con chỗi dậy bằng lời cầu nguyện đơn sơ chân thànhsớm hôm. Mỗi bước đi của con trên hành trình ơn gọi luôn có Mẹ đồng hành. Con nguyện xin Thiên Chúa tuôn đổ muôn ơn lành hồn xác xuống trên Mẹ để Mẹ mãi mãi là cây cao bóng cả che chở cho cuộc đời của con.


Trẻ mồ côi.

CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN - B

CHÚA SẼ ĐẾN

Theo lịch phụng vụ, Chúa nhật hôm nay là Chúa nhật 33 Thường niên. Chúa nhật tới là Chúa nhật 34 Thường niên, là Chúa nhật cuối cùng của năm phụng vụ, được dành đặc biệt để mừng kính Chúa Kitô Vua. Vì thế, phụng vụ lời Chúa hôm nay, được coi như là Chúa nhật cuối cùng, nên Giáo Hội muốn hướng tâm trí chúng ta về ngày cuối cùng, ngày tận thế, ngày cánh chung, ngày chấm dứt lịch sử nhân loại.
Tất cả chúng ta đều nhìn nhận rằng: bất cứ cái gì ở trần gian, nếu đã có lúc khởi đầu thì chắc chắn sẽ có lúc chấm dứt, và như vậy tức là có lịch sử. Đối với chúng ta là những người sống trong trần gian và là những người tin theo Chúa Kitô, chúng ta có hai lịch sử: lịch sử trần thế và lịch sử cứu rỗi. Hai lịch sử này song hành với nhau. Hay nói đúng hơn, lịch sử có hai mặt chìm và nổi khác nhau. Lịch sử trần thế là lịch sử các dân tộc, các triều đại, các nền văn minh với các định chế xã hội, các biến cố chính trị, các hoạt động kinh tế, các tiến bộ khoa học kỹ thuật… Đây là mặt nổi ai cũng có thể thấy được hay quan sát được.
Còn lịch sử cứu rỗi là lịch sử sinh hoạt siêu nhiên, thánh hóa các tâm hồn nhờ ân sủng và tác động của Thánh Thần, xây dựng nước Thiên Chúa trong lòng người. Lịch sử này đang khai triển âm thầm dưới chiều sâu, trong các tâm hồn, theo nhịp của ân sủng. Đây là mặt chìm mà chỉ những ai có đức tin mới nhận ra. Đức tin giúp chúng ta nhận ra rằng: có một lịch sử thánh xuyên qua lịch sử trần thế. Nhờ đó lịch sử loài người có ý nghĩa. Lịch sử loài người có giới hạn. Chúng ta không thể biết bao giờ lịch sử sẽ chấm dứt, nhưng chắc chắn sẽ có ngày kết thúc. Đúng vậy, theo Kinh Thánh, cục diện trái đất này sẽ qua đi, nghĩa là thế giới vật chất này sẽ tan biến đi để nhường chỗ cho một thế giới mới. Và khi lịch sử chấm dứt là lúc Chúa Giêsu trở lại thu hợp toàn thể loài người và toàn thể vũ trụ, để mọi người và mọi sự được hoàn tất trong Ngài.Chúng ta nói “Chúa Giêsu trở lại”. Đó chỉ là một kiểu nói mà thôi.
Thực ra Ngài không trở lại, vì Ngài luôn hiện diện trong trần thế và trong lịch sử. Tuy nhiên, hiện nay Ngài hiện diện một cách vô hình, che giấu, chúng ta không thể thấy Ngài bằng giác quan. Ngài chưa bộc lộ quyền năng và vinh quang của Ngài. Vương quyền của Ngài còn âm thầm kín đáo. Vì thế, Chúa Giêsu trở lại có nghĩa là Chúa Giêsu biểu dương quyền năng và vinh quang của Ngài. Tình trạng ẩn danh của Ngài trong lịch sử chấm dứt.
Ngày Chúa Giêsu trở lại hay quang lâm, tái lâm được gọi bằng nhiều cách: ngày cuối cùng, ngày của Chúa, ngày Chúa đến, ngày của Đức Kitô, ngày viếng thăm, ngày xét xử…Chính Chúa Giêsu đã nhiều lần nói đến ngày tái lâm này. Ngày đó được mô tả như ngày đổ vỡ của thế giới vật chất. Tuy nhiên, không ai biết bao giờ sẽ đến ngày đó, kể cả Chúa Giêsu về mặt nhân tính, tức là với tư cách là người, Chúa Giêsu cũng không biết được. Ngày đó sẽ xảy đến bất ngờ. Theo nhiều dụ ngôn, Thiên Chúa sẽ đến giữa lúc không ai nghĩ tới, đối với từng cá nhân cũng như đối với toàn thể nhân loại. Dầu vậy, chúng ta có thể nói rằng: ngày cánh chung đối với cả nhân loại có lẽ còn lâu mới tới.
Trong khi chờ đợi, mỗi người phải nỗ lực xây dựng nước Thiên Chúa dưới trần. Mặt khác, đối với riêng mình, mỗi người phải coi như ngày của Chúa đang tới gần. Như vậy, để trả lời câu hỏi của các môn đệ cũng là câu hỏi của mọi thế hệ, Chúa Giêsu đã chẳng làm thỏa mãn sự tò mò của con người sống trong lịch sử, nhưng Ngài chỉ muốn dạy một thái độ sống trong lịch sử. Nghĩa là thay vì tò mò băn khoăn vô ích về ngày lịch sử kết thúc, hãy sống cho tròn đầy tất cả những gì lịch sử cho mình. Nói khác đi, đứng trước những vấn đề tương lai, con người tò mò muốn biết trước, Chúa Giêsu đã khước từ không cho biết trước, nhưng bảo cho biết thái độ phải có, đó là đừng bận tâm khi nào tận thế, nhưng hãy lo sống cho đàng hoàng trong hiện tại và hãy kiên trì. Cũng đừng tin những lời đồn đại xuyên tạc trước những biến cố khủng khiếp của lịch sử. Điều quan trọng duy nhất là trung thành làm chứng cho Chúa, và làm thế nào để mỗi ngày sống, mỗi hành động của chúng ta đều chuẩn bị sẵn sàng cho ngày Chúa quang lâm.
Tóm lại, tất cả những điều tìm hiểu trên nhắc bảo cho chúng ta biết: lịch sử luôn đưa chúng ta về phía trước. Nhưng nó không phải là một khoảng không, nó là con đường chúng ta phải đi để tiến về phía trước. Vì thế, chúng ta luôn hướng về tương lai, chờ đợi lời hứa cứu rỗi đã được thực hiện trong lịch sử sẽ được hoàn tất. Chờ đợi, hướng về tương lai tức là hy vọng. Hy vọng là yếu tố giúp cho chúng ta sống và phấn đấu trong tin tưởng. Hy vọng luôn gắn liền với niềm tin. Hy vọng là phần thưởng của lòng tin. Lòng tin là nền tảng cho hy vọng. Ai thấy rõ đường đi thì càng vững tâm mà đi. Ai thấy trước tương lai tốt đẹp đang chờ đợi mình, thì càng nóng lòng góp phần làm cho thế giới này chóng tốt đẹp hơn. Con đường ấy chúng ta phải bước đi bằng cách sống cho thật tích cực, sống cho thật tròn đầy mọi trách nhiệm của mình đối với Thiên Chúa, đối với anh em, đối với loài người, đối với thế giới vật chất đã được Thiên Chúa trao vào tay chúng ta.


CHẾT!

Chết! Một từ nghe rất chói tai. Nó ngắn nhưng lại làm cho nhiều người sợ hãi. Vì sao thế? Vì chết là hết. Nói đến cái chết, trong đầu mỗi người chúng ta hiện lên một màu đen tối và khủng khiếp. Có muôn vàn cách chết. Mỗi con đường dẫn đến cánh cửa sự chết được đặt tên khác nhau. Chết là một giới hạn dành cho kiếp người. Vậy điều gì làm cho người ta sợ chết. Chết có phải là hết?

Người ta sợ chết thì có nhiều lý do. Đó có thể là vì quá gắn bó với những gì đang có và những ước mơ chưa hoàn thành. Cũng có khi người ta sợ chết vì cách thức mà tử thần đến với họ. Nhưng phần lớn nguyên nhân đều xuất phát từ quan niệm: chết là hết. Vì sợ chết nên người ta phải sống vội, sống gấp. Có khi người ta tự đánh lừa mình là còn lâu ta mới chết. Những người như thế giống như con đà điểu trốn chạy sự thật bằng cách đâm đầu vào cát. Không thấy tức là yên ổn. Sai lầm. Có khi người ta sợ phải nói đến từ chết, người ta dùng những từ ngữ để giảm đi cái chát chúa của từ này. Nào là “qua đời”, “từ trần”, “tạ thế”, “đi về thế giới bên kia”… Cũng có khi người ta nói về cái chết một cách hài hước: “ngủm củ tỏi”, “đi bán muối”, “đi nước ngoài theo diện đoàn tụ ông bà”, “chán cơm thèm đất”… Để tôn vinh những cái chết vì lý tưởng cao đẹp người ta gọi là “hy sinh”, là “tuẫn tiết”. Tất cả những từ ngữ từ hoa mỹ cho đến thô lậu đều nói lên một thực trạng: chết.Thế chết là gì?

Chết là một biến cố hơn là một trạng thái. Nó là một thời điểm chứ không phải là tận điểm. Nó vừa mang tính cách cá nhân nhưng lại là mẫu chung cho toàn nhân loại. Nếu người ta nghĩ kiếp người chỉ là vật chất tầm thường thì chết là hết. Nếu người ta tin vào sự bất tử của hồn thiêng nơi con người thì chết là một khởi điểm. Đời người sẽ là vô vị và vô nghĩa khi đằng sau cái chết là một màu đen tối hư vô. Con người sẽ chẳng khác gì con vật khi con đường đến với tử thần là ngõ cụt. Lúc ấy “đời là bể khổ”. Sinh ra là một sự đọa đày. Hệ quả là con người ta chỉ muốn sống cho mình để không bị uổng phí cuộc đời. Người ta sẽ tranh giành và đấu đá nhau trong trận chiến sinh tồn. Khi ấy, kẻ hiền lành và thấp cổ bé miệng là ngu si. Kẻ mạnh và thâm hiểm là khôn ngoan. Định nghĩa đầy đủ và trọn vẹn nhất: chết là linh hồn lìa ra khỏi xác. Định nghĩa này nói lên phần thiêng liêng bất tử nơi con người. Nó nói lên giá trị vĩnh cửu của linh hồn. Từ định nghĩa này, người ta biết mình cao quý và có giá trị vượt lên trên vật chất hư vô.

Sự chết vốn dĩ là một kết cục khủng khiếp của một đời người. Nó là hậu quả của tội lỗi, nhưng nhờ sự phục sinh vinh hiển của Con Thiên Chúa, nó trở nên một cuộc Vượt Qua đầy ý nghĩa. Chính ánh sáng phục sinh làm cho cây chết nảy mầm sự sống. Nếu không có Đấng Phục Sinh mở cửa, con người sinh ra liệu có ích gì? Từ sự phục sinh của Chúa Giêsu, ta có thể can đảm để chết. Con người không còn phải sợ thần chết, nhưng còn có thể xem chết là một người anh thân thiết như thánh Phanxicô Assisi quan niệm. Với niềm tin vào Đấng Phục Sinh, ta không còn sợ phải chết cách nào, mà là lo ta chết trong tình trạng nào. Khi hiểu thấu được ý nghĩa của sự chết, con người không còn sống để hưởng thu và dưỡng nuôi thân xác..  nhưng là sống sao cho ý nghĩa và cao thượng. Kể từ đây, con người can đảm chấp nhận những đau khổ và sẵn sàng uống chén đắng trong cuộc sống.

 Chết trở thành điểm bùng phát cho sự sống vĩnh cửu thăng hoa, làm trào dâng niềm hạnh phúc vô bờ ta hằng mong chờ khắc khoải. Hiểu rõ về cái chết, ta nhẹ nhàng gọi tên nó một cách thân thương: chết.


Phụng Thiên

CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN - B

ĐỨC TIN VÀ TẤM LÒNG CỦA BÀ GÓA
Tin Mừng hôm nay giới thiệu cho chúng ta, Chúa Giêsu cho như một người Thầy, dạy cho chúng ta biết về sự thờ ơ mà chúng ta phải sống. Thứ nhất, thờ ơ về danh dự và nhận ra điều chúng ta thường xuyên tìm kiếm : "Hãy coi chừng (...) lời chào ngoài công trường, chiếm những ghế nhất trong hội đường và trong đám tiệc "(x. Mc 12, 38 -39). Về điểm này, Chúa Giêsu cảnh báo chúng ta về những gương xấu của các luật sĩ. Thứ hai, dửng dưng với của cải vật chất. Chúa Giêsu ca ngợi thái độ của bà góa nghèo và lên án thói đạo đức giả của một số người, (x. Mc 12, 44).
Ai không có tinh thần từ bỏ của cải tạm thời, sống với đầy những của riêng tư người ấy không thể yêu mến được. Người có đức tin mà không nghĩ đến người khác : không động lòng trắc ẩn, không thương xót và để ý đến tha nhân, không thể sống trọn đòi hỏi của Tin Mừng là mến Chúa yêu người được.
Đức tin kèm theo tấm lòng vàng của hai bà góa được Phụng vụ Lời Chúa hôm nay trình bày cho chúng ta là hai mẫu gương sống động. Hai bà được trình bày song song với nhau: một bà trong Sách Các Vua quyển thứ I (17, 10 - 16), và bà thứ hai trong Tin Mừng theo thánh Marcô (12, 41 - 44). Cả hai đều rất nghèo, và chính trong thân phận ấy hai bà chứng tỏ một niềm tin mạnh mẽ nơi Thiên Chúa.
Tấm lòng vàng
Người phụ nữ thành Sarephta xuất hiện trong trình thuật về tiên tri Êlia. Trong thời kỳ hạn hán, vị ngôn sứ này nhận được lệnh của Chúa đi tới miền Siđon, tức là ra ngoài Israel, nơi lãnh thổ dân ngoại. Tại đó Êlia gặp bà góa phụ là người Sarephta đi lượm củi, ông cất lời :" Xin đem cho tôi một ít nước trong bình để tôi uống... Xin cũng mang cho tôi một miếng bánh" (1V 17, 10-11), trong lúc bà đang ở trong tình trạng không còn gì ăn và con bà sẽ chết đói nay mai, nên trả lời :"Này tôi đi lượm vài que củi về nấu cho tôi và con trai tôi ăn rồi chết thôi" (1V 17,12), nhưng vì Êlia nài nỉ và hứa với bà rằng nếu bà nghe lời, bà sẽ không thiếu bột và dầu nữa, bà ấy đã nghe và được tưởng thưởng.
Trong hoàn cảnh khắc nghiệt, người phụ nữ này, đã đi kín nước với tất cả tình yêu của trái tim. Khi bà trở về, Êlia nói với bà :"Cứ đi và làm như bà đã nói...với chút bột ấy trước hết hãy làm cho tôi một cái bánh nhỏ, đem lại đây cho tôi, sau đó hãy làm cho bà và cho con trai bà" (1V 17,13). Tấm lòng vàng và đức tin của bà góa lúc này bị thử thách, bà chỉ còn một nắm bột, cứ sự thường thật khó để có thể nuôi sống con bà, nay lại làm bánh cho cả vị tiên tri là này nữa.
Thái độ của bà góa thành Sarephta làm chúng ta liên tưởng tới một góa phụ khác mà Chúa Giêsu nói tới trong Tin Mừng Marcô hôm nay. Khi ngồi đối diện với hòm tiền, Chúa Giêsu quan sát thấy bà góa nghèo đến bỏ hai đồng tiền là một phần tư xu vào đền thờ, ngưỡng mộ bà, Chúa tuyên bố : "Với hai đồng tiền, bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết. Vì tất cả những người kia bỏ của mình dư thừa, còn bà này đang túng thiếu đã bỏ tất cả những gì mình có để nuôi sống" (Mc 12, 44). Nghĩa cử dâng cúng của bà góa nghèo chứng tỏ nét đẹp của tấm lòng vàng tràn đầy hy vọng và tin tưởng vào Chúa nơi tâm hồn bà.
Tin vào Thiên Chúa
Nếu nói đến mẹ góa con côi, người Việt Nam ta thường nói đến người khổ cực thiếu thốn tứ bề, từ tình cảm đến vật chất, thì theo Kinh Thánh, thời trung cổ, hay quan niệm của người Do Thái, những cô nhi quả phụ tự nó đã là một thân phận thiếu thốn trầm trọng rồi. Họ không còn chồng, còn cha để mà cậy dựa, hai bà trong Phụng vụ Lời Chúa hôm nay là một bằng chứng. Cả hai cùng cực nghèo, nhưng không có ai nghèo túng đến độ không thể cho đi một cái gì. Câu hỏi được đặt ra : Điều gì đã thúc đẩy các bà làm điều đó? Thưa : Đức tin. Cả hai bà góa hôm nay đều chứng tỏ niềm tin của họ bằng cách thực hiện một cử chỉ bác ái thể hiện tấm lòng vàng : một bà thi hành cử chỉ ấy đối với vị ngôn sứ, và bà thứ hai thi hành việc làm phúc.
Trong Kinh Thánh, các quả phụ và cô nhi là những người mà Thiên Chúa chăm sóc đặc biệt: họ không còn sự nương tựa trần thế, nhưng Thiên Chúa vẫn là vị Hôn Phu, là người Cha của họ. Hoàn cảnh túng thiếu khách quan, hay thân phận góa phụ, vẫn không đủ: Thiên Chúa luôn đòi hỏi sự tự nguyện gắn bó trong niềm tin, và được biểu lộ trong tình yêu đối với Chúa và tha nhân. Qua đó họ chứng tỏ sự hiệp nhất không thể tách rời giữa đức tin và đức ái, cũng như giữa lòng mến Chúa và yêu người như Tin Mừng đòi hỏi.
Thánh Giáo Hoàng Lêô Cả đã khẳng định rằng: "Trên cán cân công lý của Chúa không phải trọng lượng của dâng cúng là đáng kể, nhưng là trọng lượng của con tim. Bà goá trong Tin Mừng đã đặt vào hòm tiền của đền thờ hai đồng xu nhỏ và vượt quá tiền dâng cúng của những người giàu. Không cử chỉ từ nhân nào thiếu ý nghĩa trước mặt Chúa, không có lòng từ bi nào mà không có hoa trái" (Bài giảng về chay tịnh dec.mems., 90,3).
Sống tín thác vào Chúa
Chúng ta có thể nghĩ tới một phụ nữ góa nghèo khác tên là Maria, dưới chân Thánh Giá Chúa đã dâng tất cả đời mình cho Chúa. Mẹ là mẫu gương tuyệt hảo của người tận hiến trọn vẹn qua sự tín thác nơi Thiên Chúa; với niềm tin ấy mẹ nói với Sứ Thần "Này tôi đây" và đón nhận thánh ý Chúa. Nhờ lời thưa xin vâng ấy, ý Chúa được thể hiện, mầu nhiệm sự sống được trao ban và dâng hiến được thực hiện nơi đồi Golgotha, thế gian có được Chúa Giêsu, Bánh Hằng Sống, Đấng Cứu Độ chúng ta.
Tại Cana, Mẹ đã xin Chúa Giêsu cứu giúp anh em mình khi nói : "Họ không còn rượu nữa" (Ga 2,3), và nhận được lời Chúa Giêsu : "Này bà, giữa tôi và bà, nào có việc gì?" (Ga 2,4) Mẹ vẫn bảo gia nhân vâng lời Chúa Giêsu.
Bà góa thành Sarephta đã làm những gì tiên tri Êlia nói với bà, mang cho ông ít bánh. Tương tự như thế, những người hầu bàn tại Cana vâng lời Chúa Giêsu. Sức mạnh tình yêu vô biên của Thiên Chúa, sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô được tái diễn nơi bàn tiệc thánh : Này là Mình Thầy hiến tế vì anh em.
Lạy Mẹ Maria, xin giúp mỗi người chúng con tín thác vào Chúa như Mẹ. Amem.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

BỔN MẠNG THÁNG 11






CHÚC MỪNG BỔN MẠNG


THÁNG 11

NGÀY
LỄ
QUAN THẦY
01/11
Sinh nhật
* Ir. Madalena dos Santos – Guadalupe
03/11
Lễ thánh Martinô Porres
* Chị Thu Thảo
07/07
Sinh nhật
* Ir. Luzia Leal – Guadalupe
* Ir. Patrícia Lopes –Mẹ Anastasie
08/11
Sinh nhật
* Ir. Nazar – Mẹ Anastasie
10/11
Sinh nhật
* Ir. Leơnia M. Motta – Rosaire
12/11
Sinh nhật
* Ir. Doraci P. Costa – Rosaire
13/11
Sinh nhật
* Ir. Ana Lcia – Mẹ Anastasie
14/11
Sinh nhật
* Ir. Maria Augusta – Rosaire
15/11
Sinh nhật
* Ir. Mathilde Nelson – Rosaire
16/11
Sinh  nhật
* Ir. Biluca – Rosaire
17/11
Lễ thánh Élisabeth
* Chị Thu Hiền
* soeur Elise ( Vence)
21/11
Lễ Đức Mẹ dâng mình
* Dì Hà ( Ý)
*Bổn mạng các em Thỉnh Sinh
* ( RT): chị Thu Hiền
22/11

Lễ thánh Cêxilia
* Chị Nhung
* soeur Marie Cécile
25/11
Lễ thánh Cathérine Labourée
Sinh nhật
* Chị Sáng
* Ir. Charlimne – Rosaire
26/11
Sinh nhật
* Ir. Valdecira – Mẹ Anastasie
27/11
Lễ thánh Faustine
Sinh nhật
* Chị Tuyết
* Ir. M. Graças Santos – Guadalupe
Lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ
*Dì Hồng ( Rue Taine)

 







LỄ GIỖ CHA MẸ CHỊ EM
TƯỞNG NHỚ VÀ CẦU NGUYỆN


THÁNG 11

NGÀY
LỄ GIỖ

03.11

Lễ Giỗ Tổ
08.11

Giỗ Anh Chị Em của Dòng
18.11
Ông cố Tôma- thân phụ Chị Diễm Lan
27.11
Ông cố Antôn- thân phụ Chị Hữu