CHÚA NHẬT LỄ THÁNH GIA THẤT

GIA ĐÌNH – MÁI ẤM

Không có nơi nào thuận tiện cho bằng gia đình, để xây dựng một tổ ấm gồm những người yêu thương nhau. Nơi gia đình, vợ chồng yêu thương nhau và sẵn sàng bỏ tất cả để chung sống với nhau, để có thể lo cho nhau một cách trọn vẹn. Con cái do cha mẹ sinh ra, cha mẹ yêu thương con cái. Con cái thảo hiếu với cha mẹ vì được sinh ra nuôi nấng yêu thương và dạy dỗ. Nếu những người trong một gia đình không yêu thương nhau, thì họ còn tìm đâu ra một môi trường thuận lợi yêu thương như vậy nữa!
Thực tế cho thấy có những cặp vợ chồng sống với nhau không vì yêu thương; có những người con không được yêu thương ngay từ trong dạ mẹ và không được sinh ra; có những người được sinh ra, nhưng không được nhìn nhận như con, và không được cha mẹ nuôi nấng yêu thương cưng chiều; có những người con được sinh ra, được nuôi nấng nhưng không được yêu thương chăm sóc nên đã bỏ nhà đi hoang. Có những người cảm thấy gia đình không còn là mái ấm nhưng lại là hỏa ngục; và như vậy, có những em bỏ nhà sống bụi đời, và cho rằng thà như vậy còn hạnh phúc hơn ở trong “hỏa ngục trần gian”. Người con rất đau khổ khi thấy cha mẹ mình không yêu thương nhau: gây gỗ và dùng bạo lực với nhau.
Nếu gia đình gồm những người có tương quan máu mủ ruột thịt mà không yêu thương nhau, không tạo nổi một mái ấm nơi đó những thành viên trong gia đình cảm thấy được yêu thương săn sóc, thì làm sao xã hội gồm những người khác nhau, không có tương quan máu mủ, lại có thể yêu thương nhau cho được! Tạo một gia đình yêu thương hạnh phúc, đó là điều khó nhưng cũng vẫn khả thi. Tạo một gia đình hạnh phúc thì dễ hơn tạo một xã hội an ninh hạnh phúc; tạo một gia đình hạnh phúc thì dễ hơn tạo một thế giới hòa bình yêu thương nhau.
Nếu mình không kiếm chế mình, nếu mình để cho những đam mê và những xu hướng xấu ảnh hưởng quá mạnh trên mình, để rối ngay cả mình cũng không chấp nhận chính mình, thì làm sao người khác có thể chấp nhận mình, cho dù người đó là người thân trong gia đình? “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Để có thể có một gia đình hạnh phúc, mỗi người trong gia đình phải tập làm chủ chính mình. Tu thân, là điều mỗi người phải cố gắng hằng ngày, để vươn tới mức hoàn hảo hơn.
Mỗi thành viên trong gia đình phải biết yêu thương nhau, nghĩa là, quan tâm đến nhau với những nhu cầu của nhau, đến những bận tâm của nhau. Nếu mỗi người trong gia đình, và ngay cả trong một đơn vị, biết quan tâm đến nhau, săn sóc cho nhau, hy sinh cho nhau, thì đời sống của mỗi thành viên trong đơn vị đó sẽ mỗi ngày một triển nở và hạnh phúc hơn.
Vợ diễn tả ý Thiên Chúa cho chồng; chồng diễn tả ý của Thiên Chúa cho vợ; con cái diễn tả ý của Thiên Chúa cho cha mẹ; cha mẹ diễn tả tình yêu của Thiên Chúa cho con cái. Có người vợ người chồng nào không muốn người bạn đời của mình triển nở hạnh phúc? Có người cha người mẹ nào không yêu thương con cái, không muốn điều tốt nhất cho con cái, không tìm cách làm điều tuyệt nhất cho con cái mình? Nếu người chồng người vợ có một tật xấu, thì người chồng người vợ người con cũng mong ước người đó bỏ thói hư tật xấu đó. Thiên Chúa cũng muốn điều đó. Ý của Thiên Chúa được diễn tả qua những người thân yêu trong gia đình.
Mỗi người hãy cố gắng diễn tả ý của Thiên Chúa cho những người trong gia đình mình. Mỗi người trong gia đình hãy cố gắng diễn tả tình yêu của Thiên Chúa cho những phần tử khác trong gia đình. Cha mẹ được trao trách nhiệm yêu thương chăm sóc dạy dỗ con cái nhân danh Thiên Chúa. Con cái phải vâng phục cha mẹ, vì cha mẹ đại diện Thiên Chúa yêu thương mình, muốn điều tốt lành cho mình, dạy dỗ mình trở nên những người tốt nhất theo ý Thiên Chúa.
Mỗi người trong gia đình hãy sống tốt, để trở thành tình yêu của Thiên Chúa cho người khác. Đừng ảo tưởng: nếu ta không xây dựng được một gia đình hạnh phúc, thì không thể xây dựng một xã hội hạnh phúc được. Ta cũng chẳng có thể xây dựng một gia đình hạnh phúc, nếu mỗi người không tự tu thân sửa mình mỗi ngày. Hãy biến gia đình thành thiên đường hạ giới. Nếu không làm gia đình mình thành một mái ấm thân thương, thì mình cũng chẳng có thể xây dựng được một cộng đoàn nào thoải mái và hạnh phúc thật sự được. Nếu ta không tu sửa chính mình mỗi ngày, thì cũng chẳng có thể sống tốt với người khác, cũng không thể xây dựng một gia đình hạnh phúc được, cũng không thể xây dựng một cộng đoàn hạnh phúc thật sự được.

Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm

LỄ GIÁNG SINH 2015

Thánh Gioan Tông Đồ định nghĩa: "Thiên Chúa là tình yêu."  Thiên Chúa đã bày tỏ tình yêu của Ngài bằng nhiều cách dưới nhiều hình thức khác nhau.  Nhưng Thiên Chúa với hình ảnh ta khó thấy được và nhiều khi không nhận ra những công trình tình yêu của Ngài.  Yêu nhiều rồi cũng có lúc phải nói ra. Thiên Chúa quá yêu thương con người nên sau cùng đã gửi Con Một của Ngài xuống trần để tỏ cho ta biết tình yêu Thiên Chúa.  Con Một Thiên Chúa chính là Lời của Chúa ngỏ với nhân loại.  Vì thế ta hãy vào hang đá Bêlem để lắng nghe được Lời Chúa nói với ta.  Chúa Giêsu bé thơ không nói bằng âm thanh vật lý, nhưng Ngài nói bằng âm thanh của trái tim.  Lời của Ngài là lời của tình yêu.  Qua bản thân Ngài, qua ánh mắt Ngài, qua khung cảnh hang đá, ta sẽ nghe được tiếng thì thầm của Thiên Chúa. Tiếng thì thầm đó là tiếng nói của tình yêu dưới nhiều sắc mầu khác nhau.
Đó là tiếng nói của tình yêu dâng hiến.  Bêlem theo tiếng Do Thái có nghĩa là nhà bánh.  Chúa Giêsu tự nguyện trở thành tấm bánh nuôi dưỡng chúng ta.  Ngài nằm trong máng cỏ như một lương thực mời gọi đoàn chiên đến để được bổ dưỡng.  Lương thực đó không phải là lương thực vật chất nuôi xác, nhưng là lương thực thiêng liêng nuôi dưỡng tâm hồn.  Ngày nay, tuy nạn đói cơm bánh đã bớt phần gay gắt, nhưng lại xuất hiện những cơn đói mới: đói văn hóa, đói sự an ủi chia sẻ, và nhất là đói khát đời sống thiêng liêng.  Chúa Giêsu chính là tấm bánh bẻ ra cho thế giới mới, đáp ứng những cơn đói mới của thế giới.
Đó là tiếng nói của tình yêu khiêm nhường.  Tình yêu chân thực là tình yêu khiêm nhường.  Tình yêu hạ mình vì người yêu.  Chúa Giêsu đã hạ mình thẳm sâu.  Từ trời xuống đất.  Từ địa vị Thiên Chúa xuống địa vị làm người.  Khiêm nhường nên nhường hết không gian cho con người.  Những không gian rộng lớn, cao sang thuộc về con người.  Chúa chỉ thu mình trong một góc nhỏ nghèo hèn của chuồng bò.  Nhường không gian cho con người ăn nói.  Còn Chúa chịu im lặng, thu nhỏ trong câm nín.
Đó là tiếng nói của tình yêu đi tìm.  Tình yêu của Thiên Chúa luôn đi những bước trước.  Yêu con người khi con người chưa biết yêu Chúa.  Tha thứ cho con người trước khi con người xin lỗi.  Đi tìm con người trước khi con người quay về.  Cuộc đi tìm thật vất vả.  Chúa phải bỏ trời cao, phải mặc thân phận yếu hèn, phải chịu khổ sở, phải chịu nhục nhã, phải chịu chết mới tìm được con người.
Đó là tiếng nói của tình yêu hy sinh.  Vì yêu nên Chúa chấp nhận hết những thiệt thòi về phần mình.  Chịu đói nghèo, chịu bị xua đuổi, chịu khổ nhục.  Trẻ thơ Giêsu rét mướt nằm trong máng cỏ nói với ta điều gì nếu không phải là tình yêu, yêu đến độ chấp nhận tất cả.
Đó là tiếng nói của tình yêu kết hợp.  Cứ dấu này các ngươi nhận biết Ngài, đó là một em bé sơ sinh nằm trong máng cỏ.  Vâng, kỳ diệu thay tình yêu Thiên Chúa.  Vì yêu nên đã kết hợp trọn vẹn với con người.  Trở nên một với con người.  Chấp nhận hết những gì của con người.  Chấp nhận đói khát, khổ sở, nghèo nàn.  Chấp nhận cả những bấp bênh, bất trắc của kiếp người.
Lời Thiên Chúa đang ngỏ với ta qua Hài Nhi nằm trong máng cỏ.  Hãy đến bên hang đá để nghe được tiếng nói của Thiên Chúa.  Hãy mở rộng trái tim để đón nhận được tình yêu của Thiên Chúa.  Trong bóng tối hận thù, ích kỷ, ghen ghét của thế giới, tình yêu Chúa là ánh sáng xé tan đêm tối.  Hãy để ánh sáng tình yêu Chúa soi chiếu tâm hồn ta.  Hãy đón nhận ánh sáng tình yêu của Chúa, để đến lượt chúng ta, chúng ta đem ánh sáng tình yêu của Chúa chiếu soi vào môi trường chung quanh ta.  Để cho thế giới bớt tối tăm.  Bấy giờ Lời của Chúa, Lời tình yêu sẽ vang dội khắp thế giới.

ĐTGM Ngô Quang Kiệt

CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG NĂM C

                                                             LÀM GƯƠNG

Có một câu chuyện kể rằng: tại Na Uy, một chiều đông, tuyết rơi nặng từng hạt. Một người đàn ông say rượu lảo đảo bước đi trên tuyết. Cậu con trai 10 tuổi của ông sau khi ngồi chờ cha mình ngoài quán rượu cũng lẽo đẽo theo cha về nhà. Cậu đặt bàn chân nhỏ bé của mình lên những dấu chân hằn sâu trên tuyết mà cha cậu để lại, những bước chân ngả nghiêng, chao đảo. Bất chợt người đàn ông quay lại, nhìn thấy con mình bước thấp bước cao, dáng vẻ như một người say rượu, ông gắt gỏng hỏi nó với giọng lè nhè: Mày đi kiểu gì vậy?
Cậu bé trả lời: Dạ, con đang đi theo bước chân của cha!
Quả thực. sự gương mẫu thật hệ trọng trong việc giáo dục. Có những bước chân vô tình tưởng chừng như chẳng liên hệ gì đến ai, nhưng vẫn để lại cho đời những dấu vết chẳng phai mờ. Có những bậc làm cha, làm mẹ đã thật ngạc nhiên qua cách ứng xử của con cái sao giống hệt như mình: giận dữ, hống hách, lười biếng giống như là bản sao của chính mình. Có những người đã từng quát lên trong cay đắng "sao con lại hành xử như vậy?". Và dường như nó cũng đang thầm nói lại rằng:"con đang bước theo bước chân của cha mẹ!"
Giống như con suối tưởng như vô tình, cứ uốn mình theo dòng chảy của thời gian. Vậy mà nó vẫn còn để lại dấu vết chẳng phai mờ trên mặt địa cầu bao la rộng lớn. Đời người cho dẫu chỉ là phù hoa, kiếp nhân sinh cho dẫu có vắn vỏi hay lặng lẽ trôi qua vẫn để lại những dấu vết chẳng phai mờ nơi trần gian. Vì vậy mà Nguyễn công Trứ mới bảo rằng:
"Người trồng cây hạnh người chơi
Ta trồng cây phúc để đời về sau"
Hôm nay, Giáo hội cho chúng ta chiêm ngắm một bước chân thật đẹp của tình người. Một bước chân của yêu thương không phai mờ qua mọi thời gian. Một bước chân tràn ngập tình yêu thương để có thể băng đồi, lội suối, vượt qua mọi thác gềnh, chẳng sợ gian nan của Mẹ Maria. Một bước chân vồn vã bước đi trong bác ái yêu thương, trong dấn thân phục vụ. Một bước chân có sức mạnh phá tan mọi băng giá của con tim để sưởi ấm tình người. Một bước chân thăm viếng thắm đượm tình Chúa, tình người đến nỗi bà Elisabeth đã nghẹn lời thốt lên: "Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa tôi viếng thăm". Một bước chân nở hoa bác ái, yêu thương trên hành trình Mẹ đã đi qua.
Mẹ Maria đã chẳng để lại cho đời những giáo thuyết cao siêu, những lời hay ý đẹp. Mẹ chỉ để lại cho đời một tấm gương sáng ngời của bác ái, vị tha, của xin vâng và phó thác. Cuộc sống của Mẹ là trang sử thật đẹp để lại cho trần gian. Một cuộc sống từ bỏ ý riêng để phục vụ cho chương trình Thiên Chúa. Một cuộc sống chỉ lo chu toàn thánh ý Chúa. Cho dẫu lời xin vâng là chén đắng, là khổ đau nhưng Mẹ đã làm tất cả vì chỉ mong cho ý Chúa được thực hiện, cho nhân trần được hưởng nguồn ơn cứu độ.
Ước mong mỗi người chúng ta hãy sống một đời yêu thương để mang lại cho đời những dấu tích của hiệp nhất và bình an. Tình yêu sẽ giúp con người vượt qua những nhỏ nhen, ích kỷ để chiến thắng bản thân, để mang lại an bình, tươi vui và hạnh phúc cho người mình yêu. Không có tình yêu, cuộc sống giống như dòng suối khô cạn. Không sự sống. Không sinh khí và hiển nhiên cũng không còn nguồn sống cho nhau. Cuộc đời cần có tình yêu thì sự sống mới được chăm sóc, được bảo vệ. Cuộc đời cần có tình yêu thì sự sống mới sung mãn và ngập tràn niềm vui.
Ở đâu đó vẫn còn nạn phá thai, nạn bạo hành gia đình là vì thiếu tình yêu. Ở đâu đó vẫn còn tranh chấp, còn chiến tranh, còn hận thù là vì thiếu tình yêu giữa con người với nhau. Ở đâu đó vẫn còn nghi kỵ, kết án, hiểu lầm, ghen tương là vì dòng chảy tình yêu đã khô cạn.
Ước mong mùa giáng sinh cùng với những đèn sao lấp lánh nơi hang đá, mỗi người chúng ta hãy thắp lên cho dòng đời những cây nến sáng của yêu thương, của lòng trắc ẩn trước nỗi khổ của tha nhân, của dấn thân phục vụ để xoa dịu nỗi đau cho anh em. Nguyện xin Mẹ Maria cùng đồng hành với chúng ta trên những bước chân của yêu thương đang đi tới với anh em trong yêu thương và phục vụ. Amen.

Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền

CẦN LẮM MỘT CỬ CHỈ


Thương cảm- xúc động
Đây là chuyện phim tôi xem trên tivi vào tháng sáu vừa qua, bộ phim mang tựa đề: “ Bóng Giang Hồ”. Trong phim có đoạn hai anh em Giang: Mẹ mất sớm, Bố đi thêm bước nữa với người mẹ ghẻ tàn độc, suốt ngày đánh đập, đọa đày anh em Giang đến mức không chịu nỗi nữa, người bố chán nản đi uống rượu và đã chết trong một tai nạn giao thông, chỉ vài ngày sau hai anh em Giang bi đuổi ra  khỏi nhà và dắt díu nhau đi, đi mãi mà không có nơi định cư, bụng thì đói. Giang kêu đứa em út ngồi đợi, anh đi kiếm gì để ăn, đứa em ngồi đợi bụng đói quá lần mò lại thùng rác gần đó tìm thức ăn thừa mà ăn cho đỡ đói. Khi Giang trở về bắt gặp liền tát cho đứa em hai cái tát nảy lửa…và hai anh em ôm nhau khóc nức nở. Từ đó Giang quyết tâm trở thành kẻ giang hồ khét tiếng. Đoạn phim đó đã làm cho nhiều người xem phải rơi lệ.
Đây là chuyện đời tôi. Hôm tết tây năm 2008 tôi được đi tham quan ở miền đất cuối việt Cà Mau- Bạc Liêu, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi là người ăn xin ngồi trước cổng nhà thờ Tắc Sậy, anh ta lê đôi chân một cách rất khó khăn đến gần tôi để xin tiền, tôi hăng hái, hí hửng như kẻ ban ơn liền móc túi cho anh ta 2000 đồng. Liền sau đó, một đám người ăn xin rất đông, họ tuôn đến, tôi hết hồn phóng tót lên xe, tôi cảm thấy sợ họ, sợ căn bệnh của họ, sợ họ sờ đến tôi, thậm chí tôi không dám nhìn họ, tôi liền giơ tay đóng sầm cửa xe lại và tôi cảm thấy an toàn cho mình. Nhưng cả chuyến đi ấy lòng tôi bồi hồi không yên, ngồi trên xe mà tôi thấy mình ích kỷ, mình nhỏ nhen, lẽ ra tôi phải nói với họ một lời ủi an, một nụ cười hay một cái nhìn thiện cảm, nhưng tôi đã đuổi họ ra khỏi vị trí an phận của mình, tôi đã đẩy họ ra bên lề xã hội bằng thái độ đóng sầm cửa xe. Chiếc xe đang từ từ lăn bánh đưa tôi đến những vùng tham quan khác, khoảnh khắc vật lý giữa họ và tôi đã xa dần, tôi có muốn nói với họ điều gì đi nữa thì giờ đây đã quá muộn…
Chạnh lòng- thương xót
Trong cuộc sống này, chung quanh tôi có biết bao mảnh đời bất hạnh mà tôi thấy, tôi xem, tôi cảm và tôi thấy tội nghiệp, có thể và rất có thể đụng chạm đến lòng trắc ẩn, cảm xúc làm cho tôi rơi lệ, nhưng đó chỉ dừng lại ở phần lý thuyết chứ chưa được thưc hành, vì thế lòng thương xót chưa được thực thi cách cụ thể
Tin Mừng hôm nay thánh Gioan mời gọi mỗi người chúng ta :  ‘ Ai có hai áo thì chia cho người không có, ai có gì ăn thì cũng làm như vậy’ ( Lc: 3,11). Nghĩa là chúng ta không chỉ thương người nghèo, người cô độc, người đang cần chúng ta giúp đỡ bằng những lời nói suông, xuýt xoa tội nghiệp trên đầu môi chót lưỡi, hay bằng những từ ngữ vô hồn nằm trên giấy mực. Thánh Gioan muốn chúng ta thực hiện một việc gì đó cụ thể, một cử chỉ yêu thương có thật xuất phát từ tấm lòng chân thành, như Chúa Giêsu đã nhìn thấy đám đông, thấy nhu cầu cần thiết của họ và Ngài đãchạnh lòng thương bằng việc đụng chạm, xoa dịu bệnh tật của họ.
 Những ai cần chúng ta thương xót ?
Đó là những người nghèo, họ cần lắm một bát cơm, manh áo.
Đó là những người cô độc, họ cần lắm một lời an ủi, một lời hỏi thăm.
Đó là những người đau khổ, họ cần lắm một cái xiết tay thông cảm.
Đó là những người mất hạnh phúc, họ cần lắm một người để sẻ chia.
Đó là những người bận rộn, họ cần lắm một cử chỉ giúp đỡ.
Đó là những người tội lỗi, họ cần lắm một tấm lòng rộng mở đón nhận họ quay về.
Lạy Chúa Giêsu, giữa một thế giới đầy biến động, người ta đang chạy theo tiện nghi vật chất và giá trị của đồng tiền, theo lợi nhuận, theo những tiến bộ vượt bậc của thế giới mà quên đi những giá trị đạo đức, nền đạo đức dần dần bị mai một đi, nhất là sự vô cảm của con người với nhau. Là tu sĩ của Chúa, xin cho con trở nên giống Chúa, luôn biết lội ngược dòng để sống cho những giá trị vĩnh cửu, biết tìm vớt lại những gì tốt mà thế gian đánh rơi, thế gian bỏ quên.
Muốn được như thế :
 Xin Chúa ban cho con quả tim biết yêu thương, vì yêu thương con sẽ không quảng ngại dấn bước ngược dòng.
 Xin ban cho con đôi bàn tay dịu êm, để con xoa dịu những người kém may mắn hơn con.
 Xin ban cho con đôi tai biết lắng nghe những sẻ chia của người đau khổ để họ bớt khổ đau.
Và xin ban cho con đôi chân của Ngài để con đi đến giúp đỡ người khác mà không hề mệt mỏi.
Lạy Chúa, Chúa cần lắmcần lắm một cử chỉ nhỏ nhoi của con, để có thể xua đi mọi đau khổ buồn phiền, mang niềm vui hạnh phúc cho người khác.
Chúa cần lắm một cử chỉ nhỏ nhoi của con, để thực thi lòng thương xót bao la của Ngài trên tất cả thụ tạo mà Chúa đã dựng nên.
                                                                                                                     Hương Thảo My


11 LỢI ÍCH TUYỆT VỜI CỦA VIỆC UỐNG NƯỚC ẤM


Nước ấm thật quá tuyệt vời
Giảm cân hữu hiệu, rạng ngời tóc mây
Ngăn ngừa lão hóa đến hay
Thông tắc mũi họng giảm ngày bụng đau
Giải độc cơ thể rất mau
Ngăn mụn trứng cá, ngừa gầu phát sinh
Nước ấm thật quá tài tình
Lưu thông khí huyết, thần kinh vững bền
Làm cho tiêu hóa tốt lên
Sáng làm một cốc là trên tuyệt vời!

Ngày nay chúng ta thường có thói quen uống nước đá, nước mát, hoặc các loại nước giải khát, thay vì một cốc nước được đun sôi và để ấm. Điều này vô tình đã khiến cơ thể lãng phí đi những tác dụng rất tích cực của thói quen đơn giản này.
 Hầu hết mọi người thường chọn uống cà phê, trà vào buổi sáng. Tuy nhiên, theo chuyên gia Ayurvedic thì việc làm đó đang làm hại chính bạn.
Chuyên gia cũng khuyên rằng, nên uống một cốc nước ấm sau khi thức dậy vào buổi sớm, điều này rất có lợi cho sức khẻo, giúp giảm cân và giảm đau.









Sau đây là những lợi ích tuyệt vời từ nước ấm:


Giảm cân
Nếu bạn muốn giảm cân thông qua chế độ ăn uống, bạn có thể uống một ít nước ấm để vào buối sáng, sau khi thức dậy. Nước ấm sẽ làm nhiệt độ trong cơ thể tăng lên, giúp tăng cường trao đổi chất. Thêm vào đó, nước ấm hầu như không có calo, có thể ngăn chặn những cơn đói và hỗ trợ thúc đẩy nhanh quá trình giảm cân.
Giải độc cơ thể
Uống nước ấm vào buổi sáng sẽ giúp làm sạch cơ thể. Chất độc trong cơ thể sẽ được bài tiết qua nước tiểu và mồ hôi. Có thể thêm một chút nước cốt chanh và mật ong vào nước ấm để có hiệu quả tốt hơn.
Hỗ trợ tiêu hóa
Uống nước ấm trong bữa ăn có thể thúc đẩy quá trình tiêu hóa thức ăn. Nước ấm cũng giúp tăng cường tiêu hóa và giúp duy trì chất điện phân và khoáng chất trong cơ thể. Hơn nữa, uống nước ấm khi đang đói cũng giúp cải thiện nhu động ruột và tình trạng táo bón.
Ngăn ngừa lão hóa sớm
Ngoài tác dụng thanh lọc cơ thể, nước ấm còn làm tăng tính đàn hồi của làn da và khả năng tái tạo da. Chính vì thế, uống nước ấm có thể làm giảm các dấu hiệu lão hóa như: khô da, da không đều màu và nếp nhăn.
Giảm ho và các triệu chứng cảm lạnh
Uống nước ấm là cách tự nhiên, hiệu quả, không tốn kém để chữa cảm lạnh, ho, đau họng. Nước ấm sẽ làm tiêu đờm, giảm cảm giác đau rát họng, giúp hô hấp tốt hơn. Nước ấm cũng có tác dụng chống nghẹt mũi. Khi chúng ta uống nước ấm, mũi sẽ hít phải hơi nước ấm, điều này giúp phòng chống và giảm cảm giác khó chịu khi nghẹt mũi.
Giảm đau
Nhiệt từ nước ấm sẽ giúp làm dịu cơ bắp, tăng cường lưu thông máu và giúp thư giãn. Vì vậy khi bị chuột rút hay co thắt cơ, chỉ cần áp túi nước nóng lên chỗ bị đau sẽ cảm thấy thoải mái hơn. Từ xa xưa, đây cũng là một phương pháp thường xuyên được áp dụng để giảm đau do chuột rút, giảm sưng, đau bụng kinh, đau đầu.
Cân bằng điện giải trong cơ thể
Sau khi tập luyện, uống một chút nước ấm sẽ giúp bổ sung vitamin và khoáng chất cho có thể bằng cách duy trì cân bằng điện giải trong cơ thể. Nước ấm cũng giúp tiếp tục đốt cháy calo sau khi ngừng tập luyện, thúc đẩy nhanh quá trình giảm cân.
Ngủ ngon
Uống một chút nước ấm trước khi ăn tối hoặc trước khi đi ngủ không chỉ giúp thanh lọc cơ thể mà còn giúp thư giãn thần kinh. Thêm vào đó, uống nước ấm vào buổi tối còn làm giảm cảm giác thèm ăn lúc nửa đêm và giúp tinh thần sảng khoái vào buổi sáng hôm sau.
Tăng cường lưu thông máu
Khi bạn uống một cốc nước ấm, các độc tố có trong máu sẽ được loại bỏ khỏi cơ thể qua nước tiểu. Điều này giúp cải thiện lưu thông máu trong cơ thể và làm giảm nguy cơ biến chứng về sức khỏekhác nhau do sự tồn tại chất độc trong máu.
Chống nhiễm trùng da
Ngoài tác dụng trẻ hóa tế bào da, uống nước ấm hằng ngày còn giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh về da. Uống ít nhất 8 cốc nước ấm mỗi ngày có thể giảm trứng cá và giúp ích trong quá trình điều trị. Nước ấm sẽ làm thoáng các lỗ chân lông và loại bỏ các độc tố tích tụ trên da. Ngoài ra, nó cũng là một loại kem dưỡng ẩm tự nhiên giúp da không bị khô, nứt nẻ.
Giảm nguy cơ mắc bệnh liên quan đến nước
Uống nước ấm sẽ làm giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến nước, vì nước đã được đun sôi sẽ giết chết các loại vi khuẩn.
__._,_.___
__._,_.___

CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C

HÃY VUI LÊN
Phaolô mời gọi các tín hữu của Ngài: “hãy vui lên”. Tiên tri Sophônia nói: “hãy ca lên”. Tôi phải làm gì để chuẩn bị tâm hồn đón Thiên Chúa đến? Tôi phải làm gì để có thể sống vui?
I. Vì Thiên Chúa ở giữa ngươi
Tiên tri Sôphônia cho rằng phải ca hát vì Thiên Chúa đang ở giữa dân Người, vì Thiên Chúa đã đẩy lui quân thù cho dân, vì Thiên Chúa sẽ thêm sức mạnh cho dân Người, vì Thiên Chúa yêu thương dân Người, Ngài quy tụ cả những kẻ đã bỏ lề luật của Ngài.
Thiên Chúa ở với ai, thì người đó sẽ được Thiên Chúa bảo vệ. Thiên Chúa đã ở với Abraham khi ông đi vào Aicập, Ngài đã bảo vệ ông khỏi bao tai họa và bênh vực quyền lợi của ông. Khi Sara, vợ của Abraham, được thương yêu và bị bắt làm vợ vua Pharaô, thì Thiên Chúa đã đổ tai họa xuống người Aicập và buộc Pharaô phải trả Sara về cho Abraham. Thiên Chúa đã ở với Yacóp, đã đi với Yacóp và dẫn ông trở về quê cha đất tổ khi ông chạy trốn Esau. Thiên Chúa đã ở với Môsê, để ông có thể đứng vững trước vua Pharaô, để ông có thể đem dân Do Thái ra khỏi Aicập. Thiên Chúa đã ở với các tiên tri, để làm cho các tiên tri dám nói những điều mà những người có quyền thế và dân chúng không muốn nghe.
Hôm nay người ta biết rằng Thiên Chúa ở khắp mọi nơi, Ngài luôn luôn hiện diện với tất cả mọi người và với dân Người. Thiên Chúa yêu thương tất cả mọi người, Ngài luôn trợ giúp con người vì tất cả đều là con dân của Ngài. Không nhờ Ngài, không gì có thể hiện hữu và thành sự. Thiên Chúa hạnh phúc khi ở với con người. Con người cần Thiên Chúa để sống hạnh phúc, và Thiên Chúa cũng cần con người vì Thiên Chúa yêu thương con người. Thiên Chúa đang ở với con người, đó là lý do mọi người cần biết để có thể vui lên.
II. Vì Chúa đã gần đến
Thánh Phaolô kêu gọi dân thành Philip hãy vui lên, vì “Chúa đã gần đến”. Với thánh Phaolô, Đức Giêsu là Đấng có thân phận Thiên Chúa, Ngài đã tự hủy khi mang thân phận con người, Thiên Chúa đã đến và ở giữa con người, hiện Ngài đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Thiên Chúa đã đến hiện diện giữa trần gian trong thân phận con người, và Ngài sẽ lại đến. Ngài đang đến, nên các Kitô hữu hãy vui mừng.
Tại sao vui khi Chúa đến gần? Trong quan niệm của thánh Phaolô, Đức Giêsu là niềm vui, là bảo chứng cho thấy Thiên Chúa yêu thương con người đến độ nào! Chúa tới, là để cứu độ con người, để giải phóng toàn diện con người, đưa con người vào hạnh phúc đích thực và vĩnh cửu. Vì vậy, Kitô hữu vui biết bao khi biết Chúa đang tới gần. “Thầy đi để dọn chỗ cho anh em, nếu không Thầy đã nói với anh em rồi… Thầy đi, rồi Thầy sẽ trở lại đón anh em đi với Thầy, để Thầy ở đâu anh em cũng được ở đó với Thầy”.
Trong khi chờ đợi Chúa, Kitô hữu hãy sống ôn hòa. Niềm vui phải tỏa rạng trên gương mặt của các Kitô hữu, vì đây là niềm vui lớn vô cùng. Trên đời này, không có niềm vui nào lớn hơn niềm vui này: Chúa đến để cứu độ con người, để đưa con người tới hạnh phúc viên mãn. Dân ngoại không biết, nên không có niềm vui này được; còn Kitô hữu biết điều này, nên họ vui. Nếu Kitô hữu không biết điều này, thì thánh Phaolô đã nhắc nhở các con cái của Ngài: “hãy vui lên, tôi nhắc lại lần nữa: anh em hãy vui lên trong Chúa”.
III. Đức Giêsu- niềm vui của con người
Đức Giêsu quả thực là niềm vui của con người! Khi được sinh ra tại chuồng chiên cừu nơi làng Bêlem, không ai biết Ngài là nhân vật đặc biệt. Khi sống thời thơ ấu tại Nazarét, cũng chẳng ai biết nguồn gốc thần linh của Ngài ngoại trừ Đức Mẹ và thánh Yuse. Khi Ngài đi rao giảng, Ngài được coi là một tiên tri, là người qua đó Thiên Chúa hiện diện và yêu thương dân Người. Với tư cách là một tiên tri, người của Thiên Chúa, Ngài cũng đã làm cho dân chúng thêm tin tưởng vào Thiên Chúa, làm cho dân chúng vui vì họ cảm nhận Thiên Chúa quan tâm và an ủi dân Người.
Sau biến cố Phục Sinh, các tông đồ nhận biết Đức Giêsu hoàn toàn lấy ý Thiên Chúa làm ý mình, Ngài chấp nhận vâng phục cho đến chết, Ngài hoàn toàn phó thác tất cả trong tay Thiên Chúa, Ngài thuộc hoàn toàn về Thiên Chúa đến độ có thể nói Ngài là Thiên Chúa, Ngài là Thiên Chúa nhập thể. Đức Giêsu có nguồn gốc thần linh; điều này là nguyên nhân khách quan làm Kitô hữu vui mừng.
Một khi nhận ra Đức Giêsu là Đấng đồng bản tính với Thiên Chúa, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật, được sinh ra mà không phải tạo thành, thì Kitô hữu nhận biết Thiên Chúa yêu thương con người vô cùng! Thiên Chúa đã yêu thương con người đến cùng cực nên mới cho Con của Ngài nhập thể làm người! Con người thật hạnh phúc dường bao khi nghe Tin Mừng này. Niềm tin này ảnh hưởng trên con người toàn diện, làm con người vui mừng hân hoan. Đâu còn niềm vui nào lớn hơn niềm vui này! Niềm vui này phải lan tỏa và chi phối toàn diện con người, cả về thể lý lẫn tinh thần. Ước gì mỗi Kitô hữu tin tuyệt đối vào Đức Giêsu Kitô, để cuộc đời của mỗi người là dấu chỉ Thiên Chúa yêu thương con người được biểu lộ qua Đức Giêsu Kitô.
Lm Giuse Phạm Thanh Liêm


CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG NĂM C

SÁM HỐI
Gioan con Zacaria xuất hiện rao giảng sám hối. Đây là sứ điệp tiên tri Barúc đã từng loan báo: "hãy dọn đường cho Chúa, thung lũng hãy lấp đầy, đồi núi hãy san phẳng...". Dân Do Thái mong chờ Chúa, hàm chứa, Chúa sai vị Thiên Sai (Kitô) để giải phóng họ khỏi cảnh lưu đầy ở Babylon. Tiên tri đã loan báo phải bạt các núi đồi, san phẳng những thung lũng để dân Chúa trở về. Người ta sẽ thấy vinh quang của Thiên Chúa qua việc Ngài đưa dân từ nơi lưu đầy trở về quê hương. Điều này xảy ra khi vua Kyrô người Ba Tư ban hành chiếu chỉ cho dân Do Thái lưu đầy được trở về quê cha đất tổ. Dân Do Thái vui mừng. Họ nhận ra Thiên Chúa yêu thương họ. Mỗi người đều được mời gọi trở về để đón nhận hồng ân của Thiên Chúa.
I. Sám hối để có thể sống hạnh phúc
Sám hối hàm chứa nhận ra mình chưa sống như phải sống. Thiên Chúa vẫn yêu thương và mời gọi con người sống tốt hơn, sống như Thiên Chúa muốn. Thiên Chúa muốn tôi sống hạnh phúc. Tôi có hạnh phúc như Thiên Chúa muốn không? Tại sao tôi không hạnh phúc?
Phải chăng tôi đang quá bận tâm lo lắng về cơm ăn áo mặc? Phải chăng tôi muốn có nhiều tiền, tôi muốn có những gì cần thiết về của ăn áo mặc cho tôi và những người thân yêu trong khoảng thời gian an toàn? Phải chăng tôi muốn có sự an toàn của người phú hộ "hãy ngủ nghỉ yên vì ngươi có nhiều của" (Lc.12, 13-21)? Phải chăng tôi lo lắng mọi sự và không biết rằng Thiên Chúa yêu tôi, Ngài sẽ cho tôi những thứ tôi thật sự cần (Mt.6, 25-34)?
Tôi có buồn bực vì không được người tôi yêu đáp trả? Tôi có thông cảm nỗi lòng của người tôi yêu, có thể họ cũng yêu ai đó mà cũng không được đáp trả? Tôi có muốn người khác yêu tôi, và tôi không cần biết những bận tâm và ao ước của người tôi yêu? Nếu tôi không chấp nhận con người của tôi, và nếu tôi không tôn trọng tự do của người khác, thì làm sao tôi có thể sống hạnh phúc đích thực?
II. Yêu thương để sống hạnh phúc
Con người tùy thuộc nhiều yếu tố để sống hạnh phúc. Có lẽ khi dân lưu đầy trở về, sẽ gặp nhiều vấn đề phát sinh: chẳng hạn vấn đề nhà cửa, cơm bánh hằng ngày, vấn đề tương giao giữa con người với nhau, vấn đề phát triển tối đa con người của mình. Chỉ cần không dung hợp hài hòa những điều trên, con người cũng không cảm thấy hạnh phúc; hoặc nữa, nếu con người muốn một điều gì "quá mức" mà không có được, họ cũng không cảm thấy hạnh phúc. Đức Phật đã đề xuất lý thuyết "diệt dục", đừng muốn nữa, thì sẽ không khổ. Đức Yêsu dạy con người: hãy yêu thương nhau (Ga.13, 34), nghĩa là, muốn điều tốt cho người khác, vui với người vui khóc với người khóc, giúp người khác triển nở và hạnh phúc.
Thiên Chúa là tình yêu. Thiên Chúa làm tất cả vì yêu. Con người được mời gọi để trở nên giống Thiên Chúa, được mời gọi để chia sẻ hạnh phúc với Thiên Chúa. Chính khi con người nên giống Thiên Chúa, thì con người được hạnh phúc. Con người được mời gọi để sống yêu thương như Thiên Chúa là Đấng yêu thương. Chính khi con người sống yêu thương, thì con người được hạnh phúc. Cho đi thì hạnh phúc hơn là nhận. Con người hạnh phúc khi phục vụ và giúp người khác triển nở.
Hãy lấp bằng những hố sâu ngăn cách, hãy bạt những núi đồi kiêu kỳ làm ngăn trở mình sống yêu thương như Thiên Chúa. Mỗi người được mời gọi để nhìn lại chính mình, để thấy mình chưa sống như Thiên Chúa muốn, để thấy mình chưa yêu thương như Thiên Chúa mời gọi, để trở lại với Thiên Chúa là Đấng làm tất cả vì yêu thương.

Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm.

BỔN MẠNG THÁNG 12



Xin kính chúc Quý chị em tràn đầy niềm vui, sức khỏe và ơn thánh trong ngày bổn mạng.


NGÀY
LỄ
QUAN THẦY

03/12
Lễ thánh Phanxicô Xaviê

* Chị Tho

08/12
Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm




* Các Chị Học Viện             
*Chị Diễm Lan
*Rửa tội: Chị Thủy,Chị Kim Tiên, Chị Châu, Chị Sinh,Chị Vy, Chị Tho, Chị Chúc,Chị  Thúy Hường
13/12 
Lễ thánh Lucia, Tn, Tđ
* Chị Quý Phương
* Chị Mỹ
Lễ thánh Odile
27/12                                       
Lễ thánh Gioan Tông đồ
* Dì Hai.















Ghi Chú:           

   *Từ ngày 04/12 đến 12/12: làm tuần cửu nhật, mừng kính Thánh nữ Lucia. Bổn mạng Chị Bề Trên Dự-Tỉnh

 

   





LỄ GIỖ BỐ MẸ CHỊ EM
TƯỞNG NHỚ VÀ CẦU NGUYỆN


NGÀY
LỄ GIỖ

03.12

Ông cố Micae- Thân phụ Dì Trưởng
11.12
Ông cố Phanxico Xavie- Thân phụ chị Mỹ Tiên

Ông cố Giuse- Thân phụ chị M. Odile Mỹ