MỘT CẢM NGHIỆM RẤT ĐẸP

Chuyện kể về Anh, một chàng nha sĩ hiền lành nhưng chẳng may bị một tai nạn xe bất ngờ ập đến. Vào buổi tối hôm ấy, Anh đưa một người thân về nhà. Trên đoạn đường một mình trở về lại nhà thì xe Anh bị sụp ổ gà, chân Anh bị gãy, và gia đình chuyển Anh lên bệnh viện Chợ Rẫy phẩu thuật. Thật là cảm động và thấy thương mến Anh làm sao. Anh chia sẻ thế này: “Suốt mười mấy năm qua Chúa đã ban cho mình rất nhiều ơn lành, rất nhiều may mắn. Suốt mười mấy năm qua mình tất bật với công việc, tất bật với cơm áo gạo tiền. Bây giờ Chúa để cho mình bị một tai nạn để nhắc nhở mình. Chúa để cho mình bị một tai nạn để dừng lại và điều chỉnh bản thân.”
Quả thật, những dòng chia sẻ chân tình trên đây là những dòng cảm nghiệm rất đẹp. Đẹp là bởi vì nó nói lên một đức tin rất mạnh mẽ của một anh chàng nha sĩ hiền lành. Đẹp vì Anh ý thức rất rõ tình yêu thương của Chúa đã dành cho cuộc sống của Anh từng ngày. Và đẹp vì Anh ý thức rất rõ những giới hạn của bản thân, nhất là việc Anh chạy xe với tốc độ rất cao khi trong người có hơi men. Vì thế, một tai nạn bất ngờ là dịp để nhắc nhở Anh có một khoảng lặng, một khoảng thời gian ngắn ngủi để suy nghĩ về Chúa và về bản thân.
Khởi đi từ những dòng cảm nghiệm rất đẹp như thế, mỗi Kitô hữu chúng ta có dịp suy nghĩ về bản thân mình. Trong hành trình đời sống đức tin, mỗi chúng ta làm sao tránh khỏi những thiếu sót, vấp ngã và lỗi tội. Trong hành trình đời sống tâm linh, làm sao chúng ta tránh khỏi những bất xứng và hờ hững. Nhưng đó chỉ là những tai nạn, những yếu đuối của thân phận con người. Những cảm nghiệm thực tế như thế giúp mỗi Kitô hữu chúng ta học bài học khiêm tốn: khiêm tốn để cần đến Chúa và khiêm tốn với tha nhân.Từ bệnh viện Chợ Rẫy, Anh được chuyển đến bệnh viện Chấn Thương Chỉnh Hình gần bệnh viện Thống Nhất, Tp. Hồ Chí Minh.
Những ngày nằm tại đây, Anh mới cảm nghiệm một điều: thì ra tai nạn của mình còn nhẹ hơn rất nhiều người đang nằm trong bệnh viện này. Chúa đã thương che chở cho Anh và Anh may mắn hơn rất nhiều người. Khi hay tin Anh bị tai nạn, người thân và bạn bè tìm đến thăm hỏi. Ai cũng thấy Anh thật đáng thương và cảm nhận Chúa đã thương che chở cho Anh qua tai nạn này. Đúng thế, người sống đẹp lòng Chúa thì Chúa sẽ che chở giữ gìn. Người sống đẹp lòng Chúa là những người dấn thân cho những công việc bác ái từ thiện. Đó là những người biết sống theo lý tưởng của Tin mừng, sống theo tiếng gọi của tình yêu là chia sẻ với biết bao mảnh đời bất hạnh trong cuộc sống này.
Không có Chúa thì cuộc sống con người gặp nhiều vấn đề, gặp nhiều bất an và bất hạnh. Không có Chúa thì tâm hồn con người cảm thấy trống rỗng, cảm thấy một cuộc sống tuyệt vọng và bế tắc trong hành trình lữ hành nơi dương thế.
Tác giả: Raphael Trần Dương Tuyển
Nguồn tin: giaophanmytho.net


CHÚA NHẬT IV THƯỜNG NIÊN NAM C

Đức Giêsu trở về Nadarét, nơi Ngài được nuôi dưỡng và trưởng thành, để rao giảng.
Cái nhìn cũ không thể nhận ra và đón nhận Đức Giêsu
“Hôm nay đoạn sách thánh các người vừa nghe được ứng nghiệm.” Dân làng Nadarét hỏi nhau: “đây không phải là con ông Giuse sao?” Nếu người này là con ông thợ Giuse, thì có gì lạ? Liệu ông ta có thể là người đặc biệt sao, vì từ trước đến nay ông ta quá bình thường? Dân làng Nadarét không thể tin được, một người bình thường trong làng ai cũng biết, lại có thể là một người đặc biệt, Đấng Kinh Thánh đề cập tới.
Cái nhìn của người làng Nadarét cũng rất phổ thông đối với con người thời đại này. Phán đoán đánh giá con người qua dáng vẻ bên ngoài, qua qúa khứ. Nếu không dựa vào qúa khứ của một người mà xét đoán, thì dựa vào đâu? Nhưng khi làm như vậy, là đã có thành kiến về người đó. Trong một làng quê, người ta biết nhau từ nhỏ, biết cả tông ti họ hàng, nếu ai phạm một lầm lỗi nghiêm trọng, người đó và họ hàng rất khó sống tại địa phương đó. Chỉ còn cách bỏ làng mà đi. Trong một xã hội thời xưa, không dễ gì bỏ làng đi được, những người đó khổ như thế nào.
“Đừng kết án để khỏi bị kết án”. Hơn nữa, cần có cái nhìn rộng mở với mọi người, để có thể đón nhận những gì Thiên Chúa đang làm qua một người. Một người qúa khứ tội lỗi, bây giờ Thiên Chúa có thể biến đổi họ, có thể họ không như trước, có thể hiện tại họ là những người tuyệt vời. Theo kinh nghiệm sống, điều này rất khó xảy ra, nhưng khó không có nghĩa là không có. Đối với Thiên Chúa, tất cả đều có thể. Chị Maria Magdala là một điển hình.
Năm mới, xin cho chúng ta có cái nhìn “mới” về con người, đặc biệt những người vẫn sống với chúng ta, để chúng ta lạc quan và trông cậy vào Thiên Chúa hơn.
Khiêm tốn để đón nhận và cho đi
Sự đối kháng không chỉ ở mức độ không thích, không muốn nghe, nhưng đã đến độ người làng Nadarét muốn giết Đức Giêsu. Họ dẫn Đức Giêsu tới sườn đồi, và muốn xô Đức Giêsu xuống vực, nhưng Ngài đã băng qua giữa họ mà đi. Được sống với Đức Giêsu, được là người đồng hương (cùng làng) với Đức Giêsu, đáng lẽ là một ơn phúc, nhưng bây giờ lại là mối họa, là điều ngăn cản nhận biết Đức Giêsu. Tại sao vậy?
Tiên tri không được đón nhận tại quê hương mình. Vì người ta cho rằng họ đã biết rõ về con người đó. Và như vậy, con người đó đâu có gì để mình học, đâu có gì đặc sắc để mình phải lắng lòng. Không cần gì thêm, là một thái độ tự mãn, không thể đón nhận gì khác được, ngay cả Thiên Chúa. Người ta thường ví người tự mãn như một ly đầy nên không thể nhận gì hơn. Nếu không nhận, đâu có gì để cho. Một đại dương hay một dòng sông, luôn sẵn sàng đón nhận khe suối hay những giọt nước dù rất nhỏ, nên có thể cho mãi mãi mà không bao giờ cạn.
Một người tự mãn tự kiêu thường lấy mình làm tiêu chuẩn, và không mở lòng ra đón nhận sự thật. Vì coi mình vượt trên người khác, nên khi thấy người khác “có vẻ coi thường mình, thì họ sẵn sàng hạ bệ hoặc tiêu diệt người khác. Đó là lý do tại sao người làng Nadarét muốn xô Đức Giêsu xuống vực.
Xin cho con có tâm hồn khiêm tốn, để con có thể đón nhận Đức Giêsu và Tin Mừng cứu độ trong đời sống từng ngày của con.
Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm


Chủ nghĩa “ma-kê-nô”trong đời sống đức tin

Ma-kê-nô, một cách nói khôi hài và mỉa mai, rút ra từ cụm từ “mặc kệ nó, sống chết mặc bay”, ám chỉ thái độ sống vô cảm, vô tâm, không hề quan tâm đến phúc lợi của những người chung quanh.

Bệnh vô cảm hay chủ nghĩa ma-kê-nô (mackeno)tràn lan trong xã hội

Vô cảm là một đề tài được đề cập khá nhiều trên các trang báo Việt Nam hiện nay và được xem như một thứ bệnh dịch đáng sợ gây ra những tác hại to lớn cho đồng bào, cho quê hương, đất nước.
          Cảnh một đám học sinh dửng dưng vô cảm chứng kiến bạn học này đánh đập cách tàn nhẫn và dã man một bạn khác ngay trước mặt mình mà không hề có một lời can gián; cảnh một tài xế xe đầu kéo chở bia bị lật xe giữa chỗ đông người, thay vì được giúp đỡ thì lại thấy đông đảo người tuôn đến hôi của sạch trơn; cảnh nạn nhân cần được cấp cứu tức thời, bị bỏ lơ ngoài hành lang bệnh viện, không được đoái hoài, vì chưa nộp viện phí… và rất nhiều chuyện đau lòng tương tự đã không còn là điều hiếm thấy trên quê hương chúng ta…
          Báo chí gọi đó là bệnh vô cảm, là chủ nghĩa “ma-kê-nô” đang tràn lan trong xã hội. Vô cảm đã trở thành một căn bệnh trầm kha rất khó chữa.
Điều đau lòng là vô cảm không chỉ là một căn bệnh đáng sợ của xã hội mà còn là một thứ bệnh tâm linh của người con cái Chúa. Người đời thì vô cảm với nỗi đau buồn của đồng bào trong nước, còn ki-tô hữu thì vô cảm trước những bất hạnh tinh thần của đông đảo anh chị em chung quanh mình.

Vô cảm với nỗi đau của Thiên Chúa Cha

Thiên Chúa là Người Cha rất mực tốt lành, ngày đêm ưu phiền khắc khoải vì đông đảo con cái yêu dấu của Ngài không nhận biết Ngài là Cha rất tốt lành và giàu lòng yêu thương; vì thế, họ ngoảnh mặt quay lưng lại với Cha, xem Cha là nhân vật hoang đường do những người mê tín dựng lên và cần phải xoá bỏ, hoặc tự nghĩ rằng mình là con không Cha… nên phải sống trong cô đơn khắc khoải trọn kiếp người. Trước tình trạng đó, Thiên Chúa đau khổ biết chừng nào!
Biết thế, nhưng nhiều người con trong nhà Cha, kể cả chúng ta, vẫn thờ ơ vô cảm trước nỗi lòng thổn thức đau khổ của Cha, miễn là hiện nay mình được an vui hạnh phúc trong Nhà Cha là được rồi.

Vô cảm với cảnh bơ vơ lạc lối của anh chị em mình

Là những người con trong nhà Cha, chúng ta được diễm phúc sống kề cận bên Cha, được Cha ấp ủ bằng tình phụ tử ngọt ngào, được Cha dưỡng nuôi bằng những lời khôn ngoan do Chúa Giê-su mang từ trời xuống, được Chúa Thánh Thần là Thầy khôn ngoan soi đường dẫn lối, được Đức Maria là Mẹ hiền bao bọc chở che bằng tình mẫu tử thiêng liêng trìu mến, được đón nhận vô vàn ân sủng qua các Bí Tích… Chúng ta cũng giống như những phú hộ sung túc trong đời sống thiêng liêng, nhưng lại tỏ ra dửng dưng vô cảm với vô số anh chị em ruột thịt con cùng một Cha trên trời, không được diễm phúc như mình.
Vì vô cảm, chúng ta không nói cho anh chị em lương dân biết họ có một Người Cha giàu lòng yêu thương. Vì vô cảm, chúng ta không ra tay dẫn đưa những anh chị em lưu lạc về với Cha để cùng chung hưởng hạnh phúc với mình. Vì vô cảm, chúng ta cứ vui hưởng hạnh phúc của người con trong nhà, còn anh chị em chúng ta có lưu lạc, có đói khát lầm than thì “ma-kê-nô”, có liên quan gì đến chúng ta!

Vô cảm trước lời thôi thúc mời gọi của Cha

Rất nhiều lần, lời Cha qua miệng Chúa Giê-su vang dội trong tâm hồn chúng ta: “Hãy chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá (Lc 5,4)”; “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần… Mt 28,19)”; “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về. Anh em hãy ra đi. (Lc 10,2)…” Nhưng những lời thôi thúc mời gọi đó không gây được âm vang để lay động con tim vô cảm của chúng ta, không đủ mạnh để nhen lửa truyền giáo trong tâm hồn chúng ta, mà chỉ như làn gió thoảng qua rồi im bặt.

Chủ nghĩa “ma-kê-nô”

Hôm xưa, sau khi Ca-in thanh toán đứa em vô tội của mình, có tiếng Chúa từ trời vọng xuống hạch tội Ca-in. Ngài phán: “Ca-in, em ngươi đâu?”
Ca-in vô cảm trả lời: “Tôi đâu phải là người canh giữ em tôi!” (St 4,9) Ma-kê-nô!
Dường như câu đáp: “Tôi đâu phải là người canh giữ em tôi” hoặc “Ma-kê-nô”… cũng là châm ngôn sống và hành động của nhiều người trong Hội Thánh Chúa đối với đông đảo anh chị em lương dân quanh mình.
Nếu hôm nay Chúa hỏi mỗi người chúng ta:
- “Con có biết lòng Cha ray rứt đau khổ ngày đêm vì có hơn nửa dân số địa cầu chưa hề biết Ta là Cha thật sự của họ không?” Câu đáp sẽ là: “Ma-kê-nô!”
- “Con có biết hiện nay có hơn 80 triệu đồng bào Việt Nam, là anh chị em ruột thịt của con, đang cần con nói cho họ biết họ có Cha trên trời hết lòng yêu thương họ và họ đang cần được con dẫn về đoàn tụ trong nhà Cha không?” Câu đáp cũng sẽ là: “Ma-kê-nô!”

Lạy Chúa Giê-su, Xin cứu chúng con khỏi bệnh dịch vô cảm hay chủ nghĩa “ma-kê-nô” đang lây lan và gây nhiều tác hại đau thương cho đất nước và đặc biệt, xin cứu đoàn con trong gia đình Hội Thánh Chúa, khỏi căn bệnh vô cảm tâm linh hoặc chủ nghĩa “ma-kê-nô” độc hại, đang gây nhiều đau khổ cho Thiên Chúa và thiệt hại lớn lao cho rất nhiều người.

Linh mục Inhaxiô Trần Ngà


CHÚA NHẬT III THƯỜNG NIÊN NĂM C


Chúng ta đều biết rằng Thánh lễ gồm hai phần liên kết chặt chẽ là Phụng vụ Lời Chúa và Phụng vụ Thánh Thể. Trong Phụng vụ Lời Chúa, Thiên Chúa nuôi dưỡng chúng ta bằng lời hằng sống của Chúa. Trong Phụng vụ Thánh Thể, Chúa nuôi dưỡng chúng ta bằng chính Thịt và Máu Thánh của Ngài.
Nghi thức Phụng vụ Lời Chúa có từ xa xưa trong đạo cũ Do-thái và người khởi xướng ra là một tư tế tên là Esdras, sống vào thế kỷ thứ V trước Thiên Chúa GS. Trong bài đọc I hôm nay, sách Nohemi kể lại việc ông tập họp dân chúng, mở sách Luật ra đọc và giải thích. Dân chúng nghe, tung hô, rồi phủ phục trước Thiên Chúa cầu nguyện.
Đó là nghi thức Phụng vụ Lời Chúa thường được tổ chức tại Hội đường Do-thái trong ngày Sabba.
Thì, trong bài Phúc Âm, Luca kể lại một nghi thức Phụng vụ đặc biệt tại Hội đường Nagiaret, quê quán của Chúa Giêsu. Trong xóm nghèo Nagiaret, ai cũng biết Ngài là con bác thợ mộc Giuse và bà Maria. Ngài đã từng sống giữa họ, chia sẻ đời sống của họ. Rồi gần đây, Ngài bỏ họ, bỏ nghề, bỏ làng đi rao giảng Tin Mừng, làm nhiều phép lạ. Danh tiếng đồn thổi khắp nơi. Hôm nay, ngày Sabba lễ nghỉ, họ được tin Ngài trở về làng. Thế là họ ùn ùn kéo đến Hội đường nơi người sẽ giảng, đến vì muốn xem sự việc xảy ra làm sao. Con bác thợ mộc, ít học trở thành một Rabbi!
Người ta trao cho Ngài sách Tiên tri Isaia, Ngài mở đúng vào nơi có chép: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, chữa những tâm hồn xám hối, loan truyền sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được thấy, trả tự do cho người bị áp bức, công bố năm hồng ân và ngày khen thưởng.”
Đoạn đó trích ở Isaia, chương 61, tiên báo về Đấng Messia. Đến đây, không có gì lạ. Đoạn ấy dân chúng đã nghe nằm lòng. Sự lạ lớn lao như quả bom nổ là: Người gấp sách lại và dõng dạc tuyên bố: “Hôm nay, Lời Thánh Kinh mà các ông vừa nghe, đã thực hiện.” Chưa một tiên tri nào nói như thế hay cả dám nói như thế. Chữ “hôm nay” thật là quan trọng. Lời của Thiên Chúa mà đem áp dụng vào mình, y rằng mình là Thiên Chúa. Họ ngạc nhiên, họ bàn tán, họ châm biếm: Đó là con bác thợ mộc Giuse và bà Maria đầu xóm kia mà. Trong Hội đường, có lẽ chỉ có một người đàn bà hiểu, một người đang đứng với chị em phụ nữ bên kia tấm chấn song ngăn cách. Đó là Đức Mẹ.
Ngài tuyên bố: Thời gian cứu độ đã đến. Chính Ngài là Đấng “hôm nay” đến để cứu chuộc nhân loại, khai mạc mùa hồng ân cứu rỗi. Ơn cứu chuộc đó, mỗi người chúng ta đã được lãnh nhận, thì trong bài đọc II, Thánh Phaolô dạy chúng ta phải ăn ở xứng đáng vì “chúng ta là chi thể của Ngài.” Mỗi người trong thân phận của mình hãy làm sáng danh Chúa.
Lạy Chúa, “giới răn Chúa chính trực, làm hoan lạc tâm can, mệnh lệnh Chúa sáng ngời”, xin sáng soi con mắt và đường lối con đi.
Cố Lm. Hồng Phúc.


CẦU NGUYỆN LÀ THIÊNG LIÊNG VÀ CÂN ĐỐI

Những năm làm việc sinh ích của chúng ta là một cuộc đua đường dài chứ không phải cuộc đua nước rút, do đó sẽ khó giữ vững tính mềm mại, lòng quảng đại và kiên nhẫn khi phải đi qua những lúc mệt mỏi, thử thách, cám dỗ vây quanh chúng ta trong suốt đời sống người lớn. Khi phải dựa hoàn toàn vào chính mình, chỉ tin vào sức mạnh của ý chí, chúng ta thường mệt mỏi, sức chịu đựng đi xuống, làm việc nửa vời, cả trong sự chín chắn và kỷ luật của mình. Chúng ta cần một hỗ trợ từ bên ngoài, từ một nơi nào đó nằm ngoài hỗ trợ của con người, và sự hỗ trợ đó sẽ nâng đỡ chúng ta. Chúng ta cần sự giúp đỡ của Thiên Chúa, một sức mạnh khởi xuất từ một điều gì đó cao hơn sức mạnh của con người. Chúng ta cần cầu nguyện. Nhưng thường thì chúng ta nghĩ về cầu nguyện là lòng mộ đạo hơn là một cái gì thực tế. Hiếm khi chúng ta hiểu cho thấu cầu nguyện thật ra là một vấn đề sống chết đối với chúng ta. Chúng ta cần cầu nguyện không phải vì Chúa cần lời cầu nguyện, nhưng nếu không cầu nguyện, chúng ta sẽ không bao giờ tìm thấy một cái gì kiên định trong đời sống của mình. Đơn giản, nếu không cầu nguyện, chúng ta sẽ luôn luôn hoặc sống quá nhiều về bản thân, hoặc quá thiếu sinh lực, nói cách khác, hoặc tự mãn hoặc chán nản. Tại sao vậy? Mổ xẻ vấn đề này, chúng ta sẽ thấy gì?
Dù hiểu theo tất cả những gì tốt đẹp nhất trong truyền thống Kitô giáo hay không, cầu nguyện mang đến cho chúng ta hai điều cùng một lúc: Nối kết chúng ta với sinh lực thiêng liêng và cho chúng ta nhận thức. Năng lực này không phải của chúng ta, nó đến từ một nơi khác, và có lẽ chúng ta chẳng bao giờ xác định được. Với tác động của nó, cầu nguyện sẽ đổ đầy sinh lực thiêng liêng cho chúng ta, cùng lúc nó cho chúng ta biết sinh lực này không phải của chúng ta, sinh lực này hoạt động trong chúng ta, nhưng không phải do chính chúng ta. Để lành mạnh, chúng ta cần cả hai: Nếu mất nối kết với sinh lực thiêng liêng, chúng ta sẽ cạn kiệt sinh lực, nản lòng và thấy trống rỗng. Ngược lại, nếu để sinh lực thiêng liêng tuôn chảy mà không cần xác định chính xác nó là gì, cứ nghĩ nó là của mình, thì từ đó chúng ta thành người tự đại, tự mãn, tự cho mình là quan trọng và kiêu ngạo, rồi từ đó sẽ ích kỷ và hư mất.
Để làm sáng tỏ điều này, Robert Moore đã minh hoạ một hình ảnh rất hữu ích, một chiến đấu cơ nhỏ cần được tiếp năng lượng trong lúc bay. Chúng ta từng xem các đoạn phim ngắn, chiếu cảnh một chiến cơ được tiếp nhiên liệu trong khi bay. Tàu mẹ với dự trữ nhiên liệu khổng lồ, bay trên tàu con. Tàu con phải bay đủ gần tàu mẹ, để vòi xăng từ tàu mẹ nối được với tàu con, và đổ đầy nhiên liệu cho nó. Nếu không làm được cách nối này, tàu con sẽ cạn nhiên liệu và sẽ rớt. Ngược lại, nếu nó bay thẳng vào và nhập một với tàu mẹ, thì nó sẽ cháy. Một vài hình ảnh trên nói lên được tầm quan trọng của cầu nguyện trong đời sống chúng ta. Không có cầu nguyện, mãi mãi chúng ta sẽ chỉ thấy mình giao động chập chờn giữa cạn kiệt sinh lực và quá nhiều cái tôi. Nếu không nối kết với sinh lực thiêng liêng, chúng ta sẽ như phi cơ cạn xăng. Nếu nối kết với sinh lực thiêng liêng theo kiểu đồng nhất vào đó, chúng ta sẽ huỷ hoại chính mình.
Cầu nguyện sâu đậm vừa thêm sinh lực, vừa làm trụ nâng đỡ chúng ta. Chúng ta có thể thấy điều này nơi mẹ Têrêxa, người thiết tha với sinh lực sáng tạo nhưng luôn luôn xác định rõ ràng, sinh lực này không xuất phát từ mình, mà chính từ Thiên Chúa, mẹ chỉ là tạo vật khiêm hèn mà thôi. Thiếu cầu nguyện sẽ tạo ra hai dạng tương phản với mẹ Têrêxa. Một mặt, nó làm cho những người đầy sinh lực sáng tạo trở nên cực kỳ tài năng và hăng hái, nhưng đồng thời cũng đầy cái tôi và tự đại; hay ngược lại, nó làm cho người ta cảm thấy trống rỗng và tẻ nhạt, không phát ra được sinh lực tích cực nào. Không có cầu nguyện, chúng ta sẽ luôn luôn chao qua chao về giữa hai trạng thái tự đại và nản lòng.

Vì thế, là người nhạy cảm, nếu trong đời sống, tôi không cầu nguyện một cách trung thực, tôi sẽ sống trong khủng hoảng thường xuyên, ngại rằng nếu tôi bám lấy và hành động trên sinh lực của mình sẽ làm cho người khác nghĩ rằng tôi chỉ biết nghĩ đến cái tôi của mình. Vì là người nhạy cảm, tôi không chấp nhận như thế, nên tôi chôn vùi các sinh lực tốt nhất của mình với lối suy nghĩ vô thức rằng nản lòng thì tốt hơn là bị cho là ích kỷ. Nhưng Chúa Giêsu, trong dụ ngôn kể về các tài năng, đã cảnh báo mạnh mẽ về cái giá phải trả khi chôn vùi tài năng của mình, cụ thể là, những gì chúng ta phải trả là sự trống rỗng, giận dữ, và thiếu vui tươi trong cuộc sống. Thường thường, khi chúng ta dò sâu xuống bên dưới các giận dữ, ghen tương, chúng ta sẽ thấy nơi đó có một tài năng bị chôn vùi đang cay đắng vì bị đè nén. Đức hạnh có được nhờ đè nén sinh lực sẽ dẫn đến nỗi chua cay mà thôi.
Ngược lại, nếu tôi không quan tâm đến việc người khác nghĩ tôi là người ích kỷ, cuộc sống tôi cũng chẳng biết cầu nguyện thực sự là gì, thì tôi sẽ để những dòng sinh lực thiêng liêng chảy tự do trong tôi, và tôi sẽ đồng nhất mình với chúng như thể chúng là của tôi, là tài năng của tôi và tặng vật của riêng tôi, kết cục tâm hồn tôi sẽ đầy cái tôi và tự đại, và rồi những người xung quanh sẽ mong tôi sớm gặp khủng hoảng!
Không có cầu nguyện, mãi mãi chúng ta sẽ hoặc cạn kiệt sinh lực hoặc mang trong mình quá nhiều cái tôi, chỉ vậy mà thôi.

(Fr. Ron Rolheiser, OMI)

CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN NĂM C

Bước vào Chúa nhật thứ hai Mùa Thường niên, Phụng vụ Giáo hội mời gọi chúng ta cùng với Chúa Giêsu sống những ngày (đầu sứ vụ công khai). Thánh Gioan Baotixita giới thiệu Chúa Giêsu cho mọi người biết: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây là Đấng xóa tội trần gian” (Phụng vụ Năm A); tiếp đến có ba môn đệ là: Anrê, Phêrô và Philipphê đã bỏ tất cả mọi sự mà đi theo người (Phụng vụ Năm B); có đồ đệ, thầy trò Đức Giêsu đi dự tiệc cưới, tại đây phép lạ đầu tiên xảy ra tại tiệc cưới Cana, khiến nước hóa thành rượu, nhờ sự can thiệp của Rất Thánh Trinh Nữ Maria, (Phụng vụ Năm C). Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu, với đức tin sống động, tinh tuyền và kiên vững, chỉ cho chúng ta nguồn gốc của một trong những dấu chỉ, và thực tại của nó, mà chúng ta sẽ được tham dự trong tương lai, nếu chúng ta làm “tất cả những gì Chúa Giêsu, Đấng là Tình Yêu Vĩnh Cửu (biểu tượng của rượu) dạy bảo. Lời dẫn vào Thánh lễ: “Lạy Chúa, toàn trái đất phải quỳ lạy tôn thờ, và đàn ca mừng Chúa, đàn ca mừng Thánh Danh, Lạy Chúa Trời cao cả (Lời nhập lễ). (“Hãy ca ngợi Chúa bằng một khúc ca mới, hỡi hoàn vũ, hãy ca ngợi Chúa, hãy ca ngợi Chúa, tôn vinh danh thánh Người”.) (Tv. 95)
Theo Thánh Maximus, Giám mục thành Turin thì Rượu mà Đức Giêsu hóa từ nước thành, chính là Rượu mới của niềm vui đích thực.
Bởi Vị Thiên Chúa theo Phúc Âm mô tả đã được mời đến dự tiệc cưới. Như thế, Con Thiên Chúa đã đi dự tiệc cưới, và bằng sự hiện diện của mình, Ngài đã thánh hóa mối tình của đôi tân hôn bằng việc hóa nước thành Rượu. Ngài đã đến dự đám cưới, theo luật cũ, để chọn trong dân ngoại một người vợ sẽ luôn luôn giữ mình đồng trinh. Ngài không sinh ra từ cuộc hôn nhân của loài người như Kinh Tin Kính chúng ta đọc: “Được sinh ra mà không phải được tạo thành”. Ngài đi đến đám cưới, không phải để tham dự một bữa tiệc vui vẻ như bao nhiêu bữa tiệc. Ngài đến để mạc khải một điều kỳ diệu thực sự, hết sức đáng ngưỡng mộ. Ngài đến dự tiệc cưới, không phải để uống rượu, nhưng để trao ban cho rượu ngon nồng. Và khi mọi thực khách đang dự tiệc, bỗng thiếu rượu, Đức Maria, Mẹ Ngài đã nói với Ngài: "Họ hết rượu rồi." Chúa Giêsu, dường như trả lời với vẻ không vui cho lắm: "Hỡi bà, bà muốn tôi điều gì? "... khi trả lời: "Giờ của con chưa đến", chắc chắn đây là lúc Ngài loan báo giờ vinh quang của Ngài nơi cuộc Thương Khó, hoặc chính máu Ngài là rượu đổ ra để trao ban sự sống, và ơn cứu độ cho nhiều người. Mẹ Marie xin một đặc ân hiện tại, còn Chúa Giêsu, Ngài lại chuẩn bị trao ban niềm vui muôn thủa trong tương lai. Tuy nhiên, Thiên Chúa nhân lành đã không ngần ngại trao ban những điều nhỏ mọn cho con người, trong khi chờ đợi những điều lớn xảy đến.
Đức Maria, người mẹ diễm phúc, vì Mẹ là Mẹ thật của ConThiên Chúa, nên Mẹ đã biết trước ý định của Con Mẹ, và thấy trước được điều gì sẽ xảy đến. Đó là lý do tại sao sau khi Mẹ yêu cầu Đức Giêsu, Con Mẹ, Mẹ nhận được câu trả lời: “Việc đó có liên quan gì đến bà và tôi”; Mẹ vẫn căn dặn những gia nhân quản tiệc cưới hãy làm bất cứ điều gì Con Mẹ yêu cầu: “Người bảo sao cứ làm như vậy”. Người mẹ thiêng liêng của Chúa Giêsu chắc chắn biết rằng lời chỉ trích của Con Mẹ và Mẹ thấy Con Mẹ, một Vì Thiên Chúa đã không giấu được sự bất bình của một người đàn ông giận dữ nhưng chứa đựng một mầu nhiệm của lòng từ bi cao cả... Vì tiếp theo là nước trong chum bỗng nhiên bắt đầu nhận được sức thánh hóa để có thể chuyển màu sắc, lan tỏa hương vị của một thứ rượu ngon lành, và cùng một lúc thay đổi hoàn toàn bản chất của nó, nước đã hóa thành rượu. Và việc chuyển đổi nước thành một chất khác cho thấy sự hiện diện của Đấng Tạo Hóa, quyền năng, bởi không ai, ngoại trừ người tạo ra từ không có gì ra nước, có thể chuyển đổi nước thành một cái gì đó khác tức là rượu.
Chúng ta đang tiếp tục hành trình sống của mình trong Năm Đức Tin, tưởng cũng nên nhắc lại Mầu nhiệm Năm Sự Sáng: Thứ Hai thì ngắm: Đức Chúa Giêsu làm phép tại tiệc cưới Cana. Ta hãy xin cho được noi gương Đức Mẹ mà vững tin vào Chúa. Như vậy là Chúa nhật này, chúng ta xin cho được noi gương Đức Mẹ mà vững tin vào Chúa, tức là xin ơn Đức Tin.
Thật vậy, khi chiêm ngắm tiệc cưới Cana, nước hóa thánh rượu, loan báo hồng ân mà Chúa Giêsu thực hiện ngay trong Bí tích Thánh Thể và ghi nhớ giờ hiến dâng trên cây Thánh Giá, giờ Chúa trao ban chính thịt máu mình làm của nuôi nhân loại.
Tại Cana, Mẹ Maria đã hiện diện và can thiệp vào trong tiệc cưới. Vào giờ trên Thánh Giá; giờ Chúa Giêsu cử hành tiệc cưới với Giáo hội; Mẹ Maria cũng ở đây trong lúc chúng ta cầu nguyện; Giờ phút này đây, Mẹ cũng hiện diện để giúp đỡ chúng ta sống ơn gọi làm người, dâng hiến đời sống chúng ta hầu mưu ích cho tha nhân.
Cùng với Mẹ Maria, chúng ta xin Mẹ dạy ta học yêu mến Chúa Giêsu, Vị Hôn Phu của Giáo hội mãi mãi và yêu mến Giáo hội, Hiền thê của Chúa Giêsu.
Nhờ lời Đức Trinh Nữ Maria chuyển cầu, chúng ta cầu xin Chúa cho chính chúng ta biết để ý đến nhu cầu của anh em; đồng thời cùng nhau thành tâm cầu nguyện cho tất cả mọi người nam cũng như nữ, những người phục vụ Tin Mừng biết sống khiêm nhường phục vụ trong đời sống hàng ngày; và nhất là cầu cho những ai có trái tim khép kín biết mở ra với tha nhân.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ


CHÚA NHẬT CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA


Sống ở đời, ai cũng mang trong mình một tâm lý thường tình là muốn mình được trọng vọng, được đề cao, được vượt trội hơn người khác.
Tất cả những điều đó phản ảnh khuynh hướng kiêu căng trong lòng mỗi người. Mà kiêu căng là mối tội thứ nhất trong bảy mối tội đầu. Gọi là mối tội đầu vì nó là căn nguyên đưa tới nhiều thứ tội lỗi khác. Thật vậy, sự kiêu căng chính là đầu mối dẫn tới rất nhiều điều tệ hại trong cuộc sống của con người: Chiến tranh bởi đâu nếu không phải bởi nước này muốn thống trị nước nọ? Ghen tương bởi đâu nếu không phải bởi người này muốn trổi vượt hơn người khác? Hận thù bởi đâu nếu không phải bởi người ta muốn đạp người khác xuống để chiếm lấy vị trí của họ? Nói hành, nói xấu, vu khống, gièm pha bởi đâu nếu không phải bởi người ta muốn tự quảng cáo mình tốt hơn, giỏi hơn người khác, cho người khác là không biết gì?...
Luxiphe vì kiêu căng không muốn phục tùng Thiên Chúa nên đã tự loại mình ra khỏi hàng ngũ các Thiên thần. Ông bà nguyên tổ loài người vì kiêu căng muốn bằng Thiên Chúa nên đã bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng, và cửa trời đóng lại. Sự kiêu căng đã tạo nên hố ngăn cách giữa Thiên Chúa và con người. Sự kiêu căng đã dựng nên một hàng rào không cho con người đến với nhau…
Hôm nay, chúng ta mừng lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa. Quang cảnh trong biến cố Ngài chịu phép rửa mà chúng ta vừa nghe trong Tin Mừng có lẽ làm chúng ta thấy mình hổ thẹn biết bao khi để cho tính kiêu căng thống trị và hướng dẫn đời sống mình. Thật vậy, Chúa Giêsu là Thiên Chúa cao cả vô cùng, nhưng Ngài đã mặc lấy những tâm tình và cung cách sống khiêm tốn thẳm sâu. Là Thiên Chúa, nhưng Ngài đã không đòi phải được sinh ra trong một đất nước văn minh, trong một thành phố hoa lệ và trong cung ngọc điện ngà. Trái lại, Ngài đã chấp nhận sinh ra trong một hoàn cảnh bi đát nhất của thân phận làm người.
Ngài đã không chọn cho mình một người cha, một người mẹ danh giá và giàu sang. Trái lại, Ngài chấp nhận làm con của một anh thợ mộc vô danh tiểu tốt và một cô thiếu nữ nhà quê khổ nghèo.
Và hôm nay, khi bước xuống dòng sông để lãnh nhận phép rửa của Gioan, chúng ta mới thấy hết sự khiêm nhường của Thiên Chúa chúng ta. Là Thiên Chúa thánh thiện tuyệt đối, nhưng Ngài lại hạ mình đến xin ông Gioan làm phép rửa như một người dân tầm thường và tội lỗi. Ngài khiêm hạ đến độ làm cho mình trở thành một kẻ vô danh bên cạnh một ông Gioan Tẩy Giả đang được mọi người ngưỡng mộ và kính phục để chia sẻ kiếp người với chúng ta, để nâng loài người chúng ta lên.
Ngài mặc lấy xác phàm để chia sẻ thân phận đói nghèo, đau khổ, bệnh hoạn của con người. Ngài hoá kiếp phàm nhân để nếm trải nỗi ray rứt khắc khoải của tội nhân. Ngài đang cùng nhịp đập con tim với mọi người để cảm thông và yêu thương tất cả, một sự liên đới của tình yêu. Chính trong sự khiêm nhường và tự hạ như thế, Đức Giêsu đã được Thiên Chúa Cha xác nhận “Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha”.
Ngày xưa, do sự kiêu căng của nguyên tổ loài người, cửa trời đã đóng lại. Ngày nay, do sự khiêm hạ của Con Thiên Chúa mà cửa trời lại được mở ra. Trời mở ra nghĩa là mọi ngăn cách giữa Thiên Chúa và con người đã bị xoá bỏ. Con người phản bội nay đã được tha thứ, được phục hồi tước vị làm con Thiên Chúa và được đồng thừa tự gia tài Nước Trời cùng với Chúa Giêsu. Trời được mở ra cho hết mọi người có thể đi vào. Nhưng nếu chúng ta tiếp tục bước vào vết chân kiêu căng của ông bà nguyên tổ, thì cánh Cửa Trời ấy sẽ mãi mãi đóng lại trước mắt chúng ta.
Vậy chớ gì khi mừng kính Chúa Giêsu chịu phép rửa, mỗi người chúng ta cảm nhận rằng, Ngài đang ở gần chúng ta hơn chúng ta tưởng. Ngài đang ở gần chúng ta khi chúng ta mạnh mẽ, lúc chúng ta yếu đuối; buổi thành công cũng như hồi thất bại; phút sa ngã cũng như thời đứng lên; những ngày nắng ấm, những chiều giông bão… đã luôn luôn có Ngài bên cạnh, để rồi mỗi người khiêm tốn và quyết tâm ra khỏi chính mình, ra khỏi những ích kỷ, dứt bỏ những khuynh hướng xấu, đoạn tuyệt với tội lỗi… hầu cất bước tìm về với Ngài. Ngài sẽ băng bó, Ngài sẽ chữa lành, sẽ vác trên vai, sẽ rửa gội thương tích và đem chúng ta về lại trong tình yêu thương của Chúa Cha. Nhất là để chúng ta nghe được những lời yêu thương mà Thiên Chúa đã nói với Chúa Giêsu ngày xưa bên dòng sông Giođan: “Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha.”
Lm. Nguyễn Nguyên


NGÀY HÔM NAY, TÔI SẼ ...

Ngày hôm nay, tôi sẽ tin rằng mình là người bình thường, một người không có gì quan trọng. Tôi sẽ lo bản thân tôi với chính những gì tôi có và không so sánh mình với những người khác.

Ngày hôm nay, tôi sẽ tự lắng lòng mình và cố gắng trầm tĩnh hơn. Tôi sẽ học cách kiểm soát những cảm xúc và suy nghĩ của mình.

Ngày hôm nay, tôi sẽ học cách tha thứ những gì người khác đã gây ra cho tôi, bởi tôi luôn cố gắng nhìn vào hướng tốt và tin vào sự công bằng của cuộc sống.

Ngày hôm nay, tôi sẽ cẩn thận hơn với từng lời nói của mình. Tôi sẽ lựa chọn ngôn từ và diễn đạt chúng một cách có suy nghĩ và chân thành nhất.
  
Ngày hôm nay, tôi sẽ tìm cách sẻ chia với những người bạn quanh tôi khi cần thiết, bởi tôi biết điều quý nhất đối với con người là sự quan tâm lẫn nhau.

Ngày hôm nay, trong cách ứng xử, tôi sẽ đặt mình vào vị trí của người đối diện để lắng nghe những cảm xúc của họ, để hiểu rằng những điều làm tôi tổn thương cũng có thể làm tổn thương đến họ.

Ngày hôm nay, tôi sẽ an ủi và động viên những ai đang nản lòng. Một cái siết tay, một nụ cười, một lời nói có thể tiếp thêm sức mạnh để họ vững tin bước tiếp.

Ngày hôm nay, tôi sẽ dành một chút thời gian để quan tâm đến bản thân mình. Tôi sẽ làm tâm hồn và trí óc mình phong phú, mạnh mẽ hơn bằng cách học một cái gì đó có ích, đọc một cuốn sách hay, vận động cơ thể.

Ngày hôm nay, tôi sẽ có liệt kê những việc cần làm. Tôi sẽ nỗ lực nhất để thực hiện chúng và tránh đưa ra những quyết định vội vã hay thiếu kiên quyết.

Ngày hôm nay, tôi sẽ bỏ lại phía sau mọi lo âu, cay đắng và thất bại, khởi đầu một ngày mới chân thành và hồn nhiên nhất. Tôi sẽ sống với những khát khao, mơ ước mà mình luôn ấp ủ.

Ngày hôm nay, tôi sẽ đối đầu mọi trở ngại trên con đường mà tôi lựa chọn và đặt niềm tin. Tôi hiểu rằng, khó khăn là một phần của cuộc sống và chúng tồn tại là để tôi chinh phục và vượt qua.

Ngày hôm nay, tôi sẽ sống yên vui. Tôi sẽ trải rộng lòng để cảm nhận cái đẹp trong cuộc sống, để yêu thương và tin tưởng những người tôi yêu quý, và những người thương yêu tôi. Tôi sẽ làm những việc khiến tôi cảm thấy hạnh phúc: xem một bộ phim hài hước, làm một việc tử tế, giúp đỡ một ai đó, gửi một mail điện tử, nghe một bản nhạc yêu thích...

... Và hôm nay, ngay bây giờ, tôi cảm nhận được hạnh phúc và sức sống mới để bắt đầu một ngày mới thật có ích - bất kể ngày hôm qua như thế nào.

Nguồn: Sưu tầm


CHÚA NHẬT LỄ HIỂN LINH

Theo ánh sáng của ngôi sao lạ, ba nhà chiêm tinh đã tìm đến cung điện của vua Hêrôđê để thờ lạy kính bái, vì nghĩ rằng nếu có vị vua mới sinh thì ắt vua đó phải sinh ra nơi cung vàng điện ngọc, nơi chốn cao sang... Nhưng thực ra không phải thế. Khi ba vị hỏi: "Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người," thì vua Hêrôđê đâm ra hoảng hốt vì sợ rằng ngai vàng của mình có nguy cơ lung lay nếu có vị vua thứ hai xuất hiện.
Bấy giờ "nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân lại, rồi hỏi cho biết Đấng Kitô phải sinh ra ở đâu. Họ trả lời: "Tại Bêlem, miền Giu-đê, vì trong sách ngôn sứ, có chép rằng: 'Phần ngươi, hỡi Bêlem, miền đất Giuđa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giuđa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Israel dân Ta sẽ ra đời."
Thật bất ngờ, Chúa Cứu Thế không sinh ra trong cung vàng điện ngọc mà lại sinh ra trong nơi quê mùa heo hút, nơi làng Bêlem là phần đất nhỏ nhất của miền Giuđa.
Như thế, nhờ ánh sáng từ Kinh Thánh soi sáng mà vua Hêrôđê, cả triều thần của vua cũng như ba nhà chiêm tinh biết được nơi Chúa Cứu Thế giáng sinh. Cũng nhờ ánh sáng nầy, ba nhà chiêm tinh tiếp tục đến tận nơi để thờ lạy và dâng lễ vật cho Ngài, tại một nơi nghèo nàn tầm thường mà ba vị không thể ngờ trước được.
Hôm nay, không có ngôi sao lạ nào xuất hiện trên bầu trời để soi đường cho chúng ta đi tìm Chúa, nhưng chúng ta có một ánh sáng khác rực rỡ hơn giúp ta tìm gặp Ngài. Đó là ánh sáng của Lời Chúa. "Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi." (Tv 119, câu 105)
Vậy ánh sáng Lời Chúa soi đường cho chúng ta tìm thấy Chúa nơi đâu?
Ở nơi mà không mấy ai tin là có: Ở ngay trong gia đình chúng ta. Thật là điều bất ngờ!
Ba nhà chiêm tinh ngày xưa ban đầu cứ ngỡ rằng vua mới ra đời ắt hẵn phải sinh ra trong cung điện Hêrôđê, không ngờ lời Chúa lại chỉ cho họ tìm gặp Đấng Cứu Thế mới sinh tại một làng quê Bê-lêm hẻo lánh, trong hình hài một trẻ sơ sinh yếu ớt, tại một túp lều nghèo nàn đơn sơ.
Chúng ta cũng thế, ban đầu chúng ta cứ tưởng Chúa chỉ ngự trên chốn trời cao, Chúa chỉ hiện diện trong Bí Tích Thánh Thể, chỉ ngự trong các thánh đường... Nào ngờ Chúa cũng hiện diện trong chính gia đình chúng ta, trong thôn xóm nghèo nàn của chúng ta.
Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trong tâm thư gửi các gia đình đã viết: "Thiên Chúa đồng hoá với con người, với những người trong gia đình. Thiên Chúa là một với người cha, người mẹ, người bạn trăm năm, người con cái... trong gia đình. Những gì chúng ta làm cho cha cho mẹ cho anh chị em cho con cái trong gia đình là làm cho chính Chúa."
Và chính Chúa Giêsu cũng khẳng định với chúng ta như thế: "Tất cả những gì anh em làm cho một người trong những anh em hèn mọn nhất của Ta đây là làm cho chính Ta." (Mt 25, 40)
Chính những lời dạy nầy là ánh sao sáng, còn sáng hơn sao Bêlem năm xưa, soi sáng cho chúng ta biết Chúa đang ở ngay trong gia đình, trong làng xóm của chúng ta, để chúng ta đến hầu hạ phục vụ Ngài và dâng lễ vật cho Ngài.
Lễ vật của chúng ta không phải là vàng, nhũ hương và mộc dược nhưng là một tấm áo cho cha, một bát cơm cho mẹ, là sách vở bút mực cho con cái học hành, là sự ân cần săn sóc cho những người đau khổ chung quanh chúng ta.
Đó là những lễ vật quý báu mà Chúa Giêsu đang thiết tha chờ đợi. Nếu chúng ta vui lòng trao dâng, thì đến ngày phán xét, Chúa Giêsu sẽ nói với từng người trong chúng ta: "Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa" vì các con đã cho Ta tấm áo, cho Ta bát cơm, cho Ta sách vở để học hành, đã đào tạo Ta nên con người có phẩm chất cao đẹp... (xem Mt 25. 34).


BỔN MẠNG THÁNG 1

THÁNG 1
NGÀY
LỄ
QUAN THẦY

01/01
Lễ Mẹ Thiên Chúa

*RT: Dì Nga, Chị Nhàn, Chị Sáng, chị Thư, Chị Lan (NTập), C. Mỹ Duyên

03/01
Lễ Thánh Genevièvè
* Chị Chúc
17/01
Lễ thánh Roseline
*Chị Kim Liên
25/01 
Lễ thánh Phaolô TĐ Trở lại
* Chị Cẩm

27/01
Lễ thánh Angèle Merici, trinh nữ
* Chị Lành
31/01 
                              
Thánh Gioan Boscô, Lm
* Chị Vy












LỄ GIỖ BỐ MẸ CHỊ EMTƯỞNG NHỚ VÀ CẦU NGUYỆN

NGÀY

LỄ GIỖ

Ngày22/01

(13/12 ÂL)

Ông cố Giuse- Thân phụ Chị Phương (L)

 

27/01

Bà cố Anna- Thân mẫu Dì Nhơn

Ông cố Antôn – Thân phụ Dì Hữu








MẸ THIÊN CHÚA

Ngày 20 tháng giêng 1961 John Kennedy làm Tổng Thống thứ 35 của Hoa Kỳ. Một người Công Giáo đầu tiên giữ chức vụ chóp bu. Trong ngày nhậm chức, có mặt tất cả dòng họ Kennedy, cùng bà mẹ đứng một chỗ danh dự. Vào lúc John Kennedy thề nhậm chức và trở thành Tổng Thống thì Rose Kennedy trở thành Mẹ của Tổng Thống.
Khi bà sinh John vào năm 1917, Bà đã cho đất nước Hoa kỳ một con người mà sau này làm Tổng Thống. Bà không sinh ra một con người Tổng Thống. Nhưng thật sự và đúng là mẹ của một Tổng Thống.
Một cách tương tự, nhưng không y hệt như thế, chúng ta xưng tụng Đức Nữ đồng trinh là Mẹ Thiên Chúa, Mẹ đã sinh ra Chúa Giêsu Kitô đấng vừa là Thiên Chúa vừa là Người. Đức Maria không sinh ra Chúa là Chúa. Đức Maria cũng không phải là Chúa hay Bà Chúa. Mẹ là một con người có hạn, được vinh dự dâng hiến bản tính nhân loại cho Ngôi Con trong Ba Ngôi Thiên Chúa. Qua Mẹ, Đức Giêsu là một người thật và cũng là Thiên Chúa thật. Đó là chân lý chúng ta mừng lễ hôm nay. Ngày đầu năm dương lịch.
Tại sao chúng ta công khai tung hô Maria là Mẹ Thiên Chúa ngay sát lễ giáng sinh? Lý do rất tự nhiên khi chúng ta thăm một em bé mới sinh, dễ nhiệm chúng ta muốn biết sức khoẻ của em, Em nặng mấy ký và em giống ai. Thế rồi bao giờ chúng ta cũng muốn biết về sức khoẻ của người Mẹ. Cả tuần nay chúng ta ngắm nhìn Chúa Hài Đồng trong Máng cỏ. Hôm nay chúng ta có lý do hướng về Mẹ của Ngài.
Một lý do khác nữa: trong ngày đầu năm, chúng ta cầu chúc cho nhau năm mới vui tươi, hạnh phúc. Nghĩa là chúng ta hy vọng và cầu xin cho bạn bè, những người thân yêu được một năm thánh thiện để họ biết Chúa Kitô nhiều hơn, yêu mến người nồng nàn hơn và phụng sự người trung thành hơn như Đức Mẹ đã làm. Để được như vậy không có gì giúp ta, hơn sự thúc đẩy và trợ giúp của Người Mẹ ấy, Chúa Giêsu và tôn kính mẹ, Người cũng muốn chúng ta yêu và Tôn kính Mẹ của Người.
Chúng ta có thể gợi một so sánh nữa; John Kennedy đã tham dự Thánh lễ vào buổi sáng ông nhậm chức. Ông làm thế để cám ơn Mẹ ông. Bà đã dự Thánh lễ mỗi ngày từ khi bà kết hôn. Mẹ Tổng Thống Kennedy đã chứng kiến cái chết rùng rợn của con bà, cũng thế Mẹ Thiên Chúa cũng chứng kiến cảnh tượng đóng đinh ghê sợ của Con Mẹ. Cái chết của Chúa Kitô được tái diễn trên bàn thờ này mọi ngày. Chúng ta hãy làm cho Thánh lễ thêm quan trọng hơn trong ngày đầu năm này và bạn sẽ Thánh và hạnh phúc trọn một năm. Hãy xin Thiên Chúa, nhờ Thánh lễ này cho bạn và những người thân yêu của bạn sự phù giúp bạn cần, để làm cho năm nay hạnh phúc.
Bạn đặc biệt để ý tới lời kinh nguyện Thánh Thể II “xin cho chúng con xứng đáng hưởng sự sống đời đời cùng với Đức Trinh nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa” sau Thánh lễ bạn hãy tìm tới máng cỏ và nhớ tới Mẹ Thiên Chúa. Mẹ sẽ thực hiện lời chúc mừng và cầu xin của tôi cho tất cả các bạn.
Năm mới hạnh phúc cho mọi người. Amen.
Gm. Arthur Tonne