BỔN MẠNG THÁNG 5


THÁNG 5


NGÀY
LỄ
QUAN THẦY

10.05
Lễ thánh Solange
* Chị Hồng Hạnh ( Nhà Tập)
15.05
Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống
* Chị Nhi
22.05
Lễ thánh Rita

* Chị Bích Dung 
25.05
Lễ thánh Sophie
*Chị Bích Phượng
26.05
Lễ Thánh Philipphe de Neri
*Chị Hiên 

lEÃ gioã cha meï chò em

          TÖÔÛNG NHÔÙ VAØ CAÀU NGUYEÄN

NGÀY
LỄ GIỖ

11 .05
(05.04 ÂL)
Ông Cố Gioan Baotixita – Thân phụ chị Tuyết
20.05
Ông cố Phêrô- Thân phụ chị Nhi
22 .05
Ông cố Giuse- Thân phụ chị Tươi.
25.05
Ông Giacobê- Thân phụ chị Matta Hà
31.05

Ông cố Phanxicô Savie- Thân phụ Chị Hải


Ai cũng là người tốt, nhưng…

Ai cũng là người tốt cả, vì con người từ sự thiện mà sinh ra. Cứ quan sát mà xem, không có ai lại không có một cái gì đó đáng yêu đáng quý. Con người nào sinh ra cũng được phú bẩm cho một trái tim biết yêu: yêu gia đình, yêu người thân, yêu bạn bè; họ cũng đều có cái gì đó duyên dáng hay riêng biệt. Chẳng ai lại không mong muốn cho mình và người thân được bình an, hạnh phúc; muốn cho gia đình được hòa thuận, đoàn kết, yêu thương nhau; muốn xã hội và đất nước được cường thịnh và không ngừng phát triển. Những ước muốn như thế xuất phát từ một lương tâm ngay thẳng, vốn thúc đẩy người ta đến chỗ làm lành lánh dữ, mưu cầu sự hiệp nhất và điều thiện hảo. Cái căn cốt nhất của con người chính là cái chân, cái thiện, cái mỹ, vì chính Đấng là Chân-Thiện-Mỹ đã làm nên con người theo khuôn mẫu của mình. Đó chính là lý do vì sao ta luôn muốn biết sự thật, ưa chuộng cái tốt và bị lôi cuốn bởi cái gì đẹp đẽ. Phải, bản chất của con người là tốt.

Nhưng chẳng qua do con người đặt sai các thang giá trị nên mọi thứ mới đảo lộn thế này. Đáng lẽ phải đặt Chân-Thiện-Mỹ lên hàng đầu, con người lại cho rằng mình phải là trên hết. Đáng lẽ phải xem phẩm giá con người là cái cần ưu tiên, người ta lại xếp những thứ thụ tạo thấp hèn như đồng tiền, danh dự là cái quan trọng nhất. Bởi thế, họ bất chấp mọi luân thường đạo lý, coi rẽ nền nếp gia phong, bán rẽ lương tâm, gạt sang một bên đức công bằng và trách nhiệm, để cố đưa mình lên vị trí Tạo Hóa, rồi đẩy Tạo Hóa xuống hàng thấp hơn. Vì bạc tiền của cải, họ sẵn sàng quay lưng với người thân họ hàng, phản bội bè bạn, coi nghĩa tình như rác, xem lời thề hứa nhẹ như bông. Anh em kiện nhau ra tòa chỉ vì một miếng đất. Người ta có thể giết chết nhau có khi chỉ vì người này làm bẩn một chiếc áo hàng hiệu của người kia. Mọi thứ xấu xa và rối loạn trên đời này cũng từ đây mà ra cả. Lòng tham, sự ích kỷ đã che mờ đi cái tốt đẹp mà Tạo Hóa đã đặt để nơi tận sâu trong cõi lòng con người, khiến họ lầm đường lạc lối, tự tạo cho mình một con đường đi thẳng đến hỏa ngục trầm luân.

Và cũng bởi vì con người sống mà thiếu mở ra, nên mới gây nên nhiều đau khổ cho nhau đến vậy. Người ta tìm mọi cách để mưu cầu hạnh phúc cho mình, nhưng người ta quên là cũng còn có rất nhiều người đang trên hành trình tìm kiếm ấy. Người ta vun vén cho mình, tìm mọi cái thu gom cho mình, bất chấp mọi hậu họa. Người ta chỉ biết đến thế giới của mình, chứ ít bao giờ mở ra để đi vào thế giới của người khác. Người ta xây dựng quá nhiều cái “tôi”, hơn là cái “chúng ta”. Ra khỏi chính mình để đến với người khác làm cho người ta cảm thấy bức bối, khó chịu. Rồi cứ thế, ai nấy cứ lo cho mình trước đi đã, chuyện người ta cứ để mặc người ta lo. Tôi có nhà cao cửa rộng, tiền bạc đầy tủ, có nhiều quyền lực trong tay là đủ rồi. Chia sẻ một tí những gì tôi có trở nên khó khăn hơn cả việc trèo non lội suối. Nở một nụ cười với người khác, tưởng là dễ thế, nhưng suốt bao nhiêu năm trời, tôi chẳng thể làm được. Tôi muốn nắm giữ thật chặt cho mình, chứ chẳng bao giờ muốn xòe bàn tay ra, trao ban, sẻ chia với người khác.

Con người, ai cũng tốt cả, nhưng chẳng qua là do họ thiếu một chút cảm thông, nên mới thấy mình dễ rơi vào hận thù hơn là tha thứ; và bởi thế mà dần dần họ trở nên xa cách nhau hơn. Thông cảm là làm cho con tim mình mềm ra một chút. Là con người bất toàn, ai mà không có phút nào đấy sai lỗi. Thông cảm là đặt mình vào vị trí của người khác, để hiểu được nỗi lòng của họ, để biết được động cơ nào đã khiến họ đi đến hành động kia. Thiếu cảm thông, người ta sẽ chẳng chịu đối thoại, mà không đối thoại thì làm sao có thể hiểu nhau, tha thứ cho nhau, và giúp đỡ nhau được! Đó là chưa nói đến chuyện mình hiểu lầm, hiểu sai về người khác mà cứ khăng khăng cho rằng mình đúng, mình không thể sai. Cái tôi to tướng của người ta khiến người ta chẳng bao giờ chịu cúi mình lắng nghe để thấu cảm. Họ chỉ muốn giải quyết mọi chuyện cho xong bằng bạo lực. Để rồi, bạo lực nối kết bạo lực, oán than kết liền oán than, bao nhiêu tai kiếp cứ thế mà không ngừng ập xuống.

Giá như người ta đừng đảo lộn những bậc thang giá trị, đừng quá ích kỷ, và biết cảm thông với nhau, thế giới này sẽ trở nên yên bình và hạnh phúc biết mấy. Giá như người ta biết thân phận mình chỉ là loài thụ tạo, nên đừng tranh giành vị trí độc tôn và tối cao của Tạo Hóa! Giá như người ta sống mà biết tôn trọng nhau, vì biết mình cùng là con người, được dựng nên theo hình ảnh của Hóa Công nên có cùng phẩm giá! Giá như người ta biết đưa con người lên trên bạc tiền, danh dự, của cải! Giá như người ta sống mà trao ban cho nhau một chút tình, biết thông cảm cho những yếu đuối của nhau, biết đưa bàn tay ra để nắm lấy nhau, nâng nhau dậy, chứ không đưa chân đạp người ta xuống! Giá như con người biết gạt đi tất cả những nhỏ nhen ích kỷ, để cho bản chất tốt đẹp của mình được bừng sáng…

thì lúc ấy, thế giới này đã hóa thành Thiên Đường rồi!

 Pr. Lê Hoàng Nam, SJ


CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH - C


Khi đến “giờ Chúa Giêsu qua khỏi thế gian này để về cùng Đức Chúa Cha” (Ga 13,1), với trọn tình Thầy trò, Người đã dành cho các môn đệ những lời tâm huyết, cụ thể như truyền cho các môn đệ một Điều răn mới (x. Ga 15,12). Mới là vì Chúa Giêsu là người đầu tiên thực hiện bằng việc tự hiến nộp mình cho thế nhân. Mới là vì yêu đến thí mạng vì người mình yêu: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13-14). Mới là vì tình yêu hướng đến người khác, khiến họ ra khỏi chính mình, đi đến với tha nhân. Kế đến Người bảo họ: “các con hãy yêu thương nhau” (Ga 13,34), vì đây là dấu chỉ để người ta “nhận biết các con là môn đệ của Thầy” (Ga 13,35).
Vẫn trong bầu khí tâm sự với các môn đệ, Chúa phán bảo họ rằng: “Ai yêu mến Thầy, sẽ giữ lời Thầy” (Ga 14,23). Thật không đơn giản, lời di chúc này có ý nói: các con yêu mến Thầy thế là đủ, vì nếu yêu mến tức khắc lời Thầy sẽ được tuân giữ, có nghĩa là: khi yêu mến Chúa Giêsu, các môn đệ sẽ tuân giữ lời Chúa truyền, cụ thể là thực hành các giới răn Chúa để lại. Có thể hiểu cách khác: nếu các con yêu mến Thầy, điều đó chứng tỏ rằng các con tôn trọng lời Thầy truyền, tôn trọng các lời Thầy là thể hiện lòng mến Thầy nên tuân giữ.
Một điều sẽ xẩy đến cho những ai tuân giữ lời Chúa Giêsu là sẽ được Chúa Cha và chính Người yêu mến, đồng thời chọn làm nơi ở như lời Chúa nói: “Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy”, nghĩa là người ấy là đền thờ Thiên Chúa ngự. Thiên Chúa sẽ ở với người ấy. Thánh Tông Đồ Phaolô nói rõ: “Được Chúa Giêsu ngự trong lòng anh em nhờ bởi lòng tin” (Eph 3,17). Do vậy không có gì ngạc nhiên khi Chúa Giêsu bằng lòng đến ở nhà những người tin, yêu mến và tuân giữ lời Chúa. Đó là lý do tại sao, sau khi hoàn tất các công việc Chúa phán: “Đây là nơi Ta nghỉ ngơi đời đời mãi mãi, Ta sẽ ngự tại đó vì Ta muốn!” (Tv 131,14)...
Tiếp theo, Người mạc khải cho các ông về Chúa Thánh Thần: “Đấng Phù Trợ là Thánh Thần, mà Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, chính Người sẽ dạy các con mọi điều, và sẽ nhắc nhở cho các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con” (Ga 14,26). Đồng thời hứa ban bình an cho các ông. “Bình an” là quà tặng cao quý của Thầy để lại cho các học trò trước lúc ra đi. Đó cũng là “Bình an” sau khi sống lại Chúa Giêsu sẽ tặng cho các môn đệ đang cửa đóng then cài vì sợ hãi. “Bình an” là điều các ông đang cần đến hơn bao giờ hết. Bình an do Chúa tặng ban khác với bình an do thế gian ban tặng. “Bình an” của Chúa Giêsu ban không chỉ dừng lại ở việc an toàn về mặt thể xác, đây là thứ bình an trong sâu thẳm trong tâm hồn. Bình an này hướng các môn đệ về mầu nhiệm cách chung, nhiệm cục cứu độ. Chúa Giêsu chính là nội dung của bình an; hiểu cách khác: Người chính là nguồn bình an, Người ban cho các ông chính bình an của Người, bình an nội tâm, bình an tuyệt đối, bình an vượt xa lối hiểu của con người.
Chúa Giêsu trấn an các ông: “Lòng các con đừng xao xuyến và đừng sợ hãi” (Ga 14,26). Tại sao Chúa Giêsu nói những lời ấy? Thưa là vì trước sự ra đi của Thầy Chí Thánh, các môn đệ cảm thấy cô đơn, lo sợ và bất an. Các ông lo cho chính mình, sợ bị bỏ rơi, sợ phải sống cô đơn, và bằng một lời hứa Chúa Giêsu nâng đỡ các ông: “Thầy đi, rồi Thầy sẽ trở lại với các con” (Ga 14,2).
Chúng ta lắng nghe những lời của Chúa Giêsu: “Lòng các con đừng xao xuyến và đừng sợ hãi” (Ga 14, 26). Thử hỏi, cuộc sống của chúng ta sẽ ra như sao, nếu không có Chúa, nếu không thực hành và liên lỉ sống đức tin, củng cố bởi Đức Cậy, hướng về Trời Cao, nơi con người có thể gặp Chúa Kitô?
Vậy, đừng xao xuyến lo âu vì những bất ổn của địa cầu, của tình anh em hữu nghị đổi thay, hay con người thay lòng đổi dạ. Hãy phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa, như trẻ thơ trong vòng tay của mẹ. Vì thế giới này là tạm bợ, con người là thay đổi, không phải là chổ nương thân. Chỉ trong Thiên Chúa chúng ta mới tìm được nguồn vui tột đỉnh của tâm hồn.
Ước chi lời khuyên của Chúa Giêsu hôm nay thấm nhập vào trong tâm trí chúng ta, như là nguồn mạch của bình an, thanh thản và niềm vui. Nếu Chúa Giêsu Kitô là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống chúng ta còn lo sợ hãi gì? Tại sao không tin tưởng vào Thiên Chúa, là Cha Đức Giêsu, Cha chúng ta và tin vào Đức Giêsu, Chúa chúng ta? Còn hạnh phúc nào hơn khi có Thiên Chúa là sức mạnh thiêng liêng giúp chúng ta không bị gục ngã dưới sức nặng của khó nhọc, của tuyệt vọng và buồn phiền.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã nói với các tông đồ rằng: “Thầy để lại bình an cho các con, thầy ban bình an của thầy cho các con…”. Xin đoái thương ban cho chúng con ơn hiệp nhất và bình an theo ý Chúa muốn, để ngay ở đời này chúng con đã được nếm hưởng hạnh phúc bất diệt Chúa giành cho chúng con nhờ sự chết và phục sinh của Chúa. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

SỐNG TỬ TẾ

Trong bài phát biểu chia tay của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đoạn cuối ông nói: “Chúc các đồng chí kỳ này sẽ nghỉ chính sách và tôi cũng chúc cho cả tôi nữa ráng giữ gìn sức khỏe, bởi sức khỏe là quan trọng nhất, đồng thời làm một công dân tốt, đảng viên tốt. Làm sao ráng làm người tử tế, sống tử tế”
Sống tử tế được hiểu là sống tốt từ trong những công việc nhỏ nhặt nhất. Sống tử tế là sống biết người biết ta. Sống cho đáng sống của một nhân cách con người. Sống tử tế là một cuộc sống biết nhận và cũng biết trao ban.
Nhưng giữa dòng đời hôm nay sao sống tử tế khó quá. Người việt ngày xưa sống rất tử tế bên nhau, thế mà hôm nay kiếm sự tử tế khó như lên trời hái sao. Người Việt vẫn trọng “dĩ hòa vi quý” và “chị ngã em nâng”, “tối lửa tắt đèn có nhau”, thế mà hôm nay người Việt rất bộc trực, dễ phản kháng chẳng còn kiêng dè, nhường nhịn và tế nhị với nhau.
Có khi chỉ vì một vài centimet đất lối đi chung người ta có thể đưa nhau ra tòa, vác hung khí hù dọa người hàng xóm “tối lửa tắt đèn có nhau”. Mượn nhau một lối đi chôn ống cống làm sạch môi trường cũng gào thét thề chết chứ không mở lòng bác ái cho nhau. Ngoài đường xe chen lấn, mạnh ai nấy đi, nơi công cộng thì tự do khạc nhổ, xả rác bừa bãi, cửa quan thi nhau đút lót, sự tử tế cứ mai một dần. . .
Làm người tử tế thật khó! Dầu khó nhưng những ai có lương tri thì vẫn phải “Làm sao ráng làm người tử tế, sống tử tế”. Có làm người tử tế mới biết yêu thương đồng loại, mới biết sống công bằng bác ái với nhau.
Chúa Giê-su trong bữa tiệc ly cũng mong các môn đệ sống tử tế với nhau. Sự tử tế mà Chúa mong muốn chính là sống hiệp nhất và yêu thương nhau. Bằng lối sống tử tế ấy họ nên chứng nhân cho tin mừng. Họ phải sống đẹp khi đùm bọc, chia sẻ nâng đỡ nhau. Họ phải sống thanh cao không bon chen với danh lợi thú trần gian. Họ còn phải sống đẹp khi dấn thân phục vụ trong yêu thương mà không mong đền đáp.
Tình yêu thương hiệp nhất sẽ giúp họ vượt qua những giông tố cuộc đời. Tình yêu thương hiệp nhất sẽ giúp họ gắn bó với nhau để cùng nhau xây dựng Giáo hội và loan truyền tình yêu Chúa cho muôn dân. Tình yêu hiệp nhất là cốt lõi của tin mừng và cũng là dấu chỉ của người môn đệ Chúa. Vì “cũng ở điểm này mà người ta nhận biết anh em là môn đệ Thầy là hãy yêu thương nhau”.
Ước mong lời di chúc của Chúa được thể hiện nơi mỗi người chúng ta khi biết từ bỏ cái tôi của mình để sống hòa hợp với nhau. Xin cho chúng ta luôn khiêm tốn trong lời nói để xây dựng mà không làm tổn thương đến ai hay làm mất tình hiệp nhất trong Giáo hội. Xin đừng vì cái tôi quá lớn mà phá nát hình ảnh Giáo hội hiệp nhất yêu thương. Và nhất là hãy sống tử tế với nhau trong lời ăn tiếng nói, trong hành động luôn bác ái yêu thương. Amen
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

CHÚA NHẬT V PHỤC SINH - C

Truyện kể: Một vị giám mục kiểm tra khả năng của một nhóm ứng viên xin lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy. Ngài hỏi: Bằng dấu chỉ nào các người khác nhận ra các con là người Công giáo? Không có tiếng trả lời. Rõ ràng, không có ai ngờ một câu hỏi như thế. Vị giám mục lặp lại câu hỏi. Và ngài lặp lại thêm một lần nữa, lần này ngài làm dấu Thánh giá có ý nhắc nhớ cho các người dự tòng một câu trả lời chính xác. Bất chợt một ứng viên trả lời: Đó là tình yêu. Vị giám mục rất ngạc nhiên! Khi sắp mở miệng nói “sai”, ngài bỗng kịp thời ngậm miệng lại. Thánh giá biểu lộ tình yêu. Dấu chỉ của tình yêu là Thánh giá. Đạo Công giáo là đạo của bác ái yêu thương.
Yêu thương nhau như Thầy yêu. Thiên Chúa là Tình Yêu. Thiên Chúa đã sai chính Con Một yêu dấu xuống thế để cứu độ nhân loại. Chúa Giêsu đã bày tỏ tình yêu Thiên Chúa một cách cụ thể trong đời sống. Tình yêu của Chúa trải rộng trong mọi khía cạnh của cuộc sống con người. Ngài đã dùng mọi cách gần gũi nhất để tỏ lòng yêu thương. Chúa sinh ra nơi máng cỏ nghèo hèn, chịu chung số phận với những người kiều cư khách lạ, sinh sống nơi làng quê nghèo và hoạt động cách bình dị âm thầm. Chúa Giêsu hoà chung những sinh hoạt hằng ngày với mọi người, đến nỗi người đồng hương chẳng nhận ra Chúa là ai. Họ nghĩ Chúa chỉ là con bác thợ mộc Giuse và mẹ là bà Maria. Thiên Chúa ẩn mình một cách thật khiêm hạ.
Chúa Giêsu đã kiên nhẫn đợi chờ trong thời gian và không gian để thi hành sứ mệnh. Ngài đã hoàn tất mọi lời tiên tri loan báo về Ngài. Chúa đã chịu mọi khổ nhục và chịu chết treo trên cây Thánh giá. Chúa đã sống lại. Mọi uy quyền trên trời dưới đất được trao ban trong tay Ngài. Mọi tư tưởng, lời nói, hành động của Chúa Giêsu là lời nói hành động của Thiên Chúa làm Người. Lời của Ngài là Tin Mừng cứu độ. Trước khi rời khỏi thế gian, Chúa Giêsu đã ưu ái ban truyền cho các Tông đồ: "Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em" (Ga 13,34). Yêu thương nhau như Thầy yêu chúng con. Một điều răn căn cốt tóm gọm lời dạy của Chúa.
Chúa yêu thương trong mọi cử chỉ, ngôn ngữ và hành động. Những cử chỉ thân thương đối với người nghèo, kẻ bệnh tật, người phung cùi, khuyết tật, kẻ câm điếc, đui mù, quỷ ám và người đau khổ. Những bài giảng nói về đức yêu thương, yêu Chúa yêu người. Yêu thương anh chị em và yêu cả kẻ thù. Lời giảng của Chúa được cụ thể hoá qua các hành động Chúa đã thực hiện. Chúa đã tỏ lòng xót thương người tội lỗi lầm lạc và tha thứ cho những kẻ đã chống đối, nhạo cười và phản bội giết Chúa. Chúa đã chấp nhận mọi xỉ vả nhục nhã chỉ vì yêu. Kìa người ta khạc nhổ vào mặt Chúa. Chúng ta có thể chấp nhận một hành động bị khinh bỉ như thế không? Có khi nào chúng ta bị người ta khạc nhổ vào mặt chưa? Thật gớm!
Chúa Giêsu đã hiến dâng tất cả chỉ vì yêu. Chúa yêu chúng ta vô điều kiện. Chúa yêu chúng ta trước. Chúa mời gọi chúng ta học theo Chúa. Chỉ qua tình yêu, mọi người nhận biết chúng ta là Kitô hữu: "Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau" (Ga 13,35). Chúng ta hãy tập sống yêu thương từ trong nôi ấm của gia đình trước. Khi hạt giống tình yêu nẩy mầm trong tâm, hoa trái tình yêu sẽ tỏa lan hương thơm ra những người chung quanh. Tất cả hoa trái yêu thương của ngày mai đều ẩn tàng trong những hạt giống tốt được gieo ngày hôm nay. Khi gieo trồng tình yêu thì sớm muộn gì cũng sẽ trổ sinh hoa trái yêu thương. Trong cuộc sống giao tế hằng ngày với tha nhân, chúng ta sẽ hái những gì chúng ta đã gieo. Như một đóa hoa tươi đẹp dần bị héo úa nhưng luôn để lại những hạt giống tốt trên mặt đất.
Nếu trái tim bị khô cằn và đóng khung, chúng ta khó có thể mở cửa đón nhận và cho đi tình yêu. Hạt giống tình yêu phải được vun tưới, chăm bón và tạo cơ hội để triển nở. Khi tình yêu được hòa trộn trong việc làm thì tình yêu sẽ thăng hoa. Và chính chúng ta là người đầu tiên được hưởng nếm hạnh phúc của tình yêu. Chúng ta biết rằng hạnh phúc nhất của cuộc sống này là tin chắc rằng chúng ta đang được yêu thương. Chúa yêu, cha mẹ yêu, vợ chồng yêu, con cái yêu, anh chị em và bằng hữu yêu. Chúng ta vui hưởng hạnh phúc ngay trên đường đi, chứ không phải tìm hạnh phúc ở cuối đường. Thực hành giới răn yêu thương là cốt lõi đưa dẫn chúng ta đến tình yêu và hạnh phúc thật.
Các Tông đồ với trái tim yêu thương đầy nhiệt huyết đã bước vào đời. Các ngài rao truyền tình yêu thập giá và tình yêu hiến dâng của Chúa Kitô. Các ngài gắn bó mật thiết với Chúa và với nhau để củng cố niềm tin yêu. Sách Tông đồ Công vụ tiếp tục ghi lại sứ vụ của các Tông đồ: Hai ông củng cố tinh thần các môn đệ, và khuyên nhủ họ giữ vững đức tin. Hai ông nói: "Chúng ta phải chịu nhiều gian khổ mới được vào Nước Thiên Chúa" (Cv 14,22). Để được chung hưởng hạnh phúc, chúng ta phải trải qua nhiều gian nan thử thách. Thánh giá là biểu tượng của tình yêu và thánh giá cũng là biểu tượng của sự hy sinh. Tình yêu không có hy sinh là tình yêu giả dối. Hy sinh mà không có tình yêu là hy sinh thừa thãi. Tình yêu và hy sinh như đồng tiền hai mặt luôn gắn kết với nhau trọn vẹn.
Bước đầu, cơ cấu tổ chức đời sống của các Kitô hữu đã được hình thành nơi các cộng đoàn. Là một tổ chức tâm linh, các Tông đồ nêu gương ăn chay cầu nguyện và phó thác niềm tin vào Chúa Phục Sinh. Cậy trông vào ơn thiêng để kiên trì sống đạo, giữ đạo và hành đạo. "Trong mỗi Hội Thánh, hai ông chỉ định cho họ những kỳ mục và sau khi ăn chay cầu nguyện, hai ông phó thác những người đó cho Chúa, Đấng họ đã tin" (Cv 14,23). Các thành viên của các cộng đồng nhỏ đã liên kết với nhau trong yêu thương và chia sẻ đời sống bác ái nâng đỡ và phụ giúp nhau sống niềm tin. Giáo Hội của Chúa đã hình thành qua dấu chỉ của sự yêu thương.
Cuộc lữ hành của Giáo Hội trần thế sẽ dẫn dắt mọi người đến Nước Trời, thành thánh Giêrusalem mới. Thánh Gioan khai mở hình ảnh về sự viên mãn: "Bấy giờ tôi thấy trời mới đất mới, vì trời cũ đất cũ đã biến mất, và biển cũng không còn nữa" (Kh 21,1). Vũ trụ này sẽ qua đi. Chúng ta hiện hữu trong thời gian và không gian. Chúng ta khó có thể tưởng tượng sự thay đổi một trời mới và đất mới thế nào. Kinh nghiệm trong cuộc sống cho chúng ta biết, mọi sự trong vũ trụ đều đang thay đổi. Sự thay đổi rất tiệm tiến về sinh thái. Hằng năm, chúng ta chứng kiến biết bao nhiêu sự thay đổi ngay trước mắt. Chính chúng ta cũng đang thay đổi cả nội tâm đến ngoại hình. Sự thay đổi làm cho chúng ta nhận biết rằng cuộc sống là vô thường. Chúng ta đừng bám víu vào những giá trị mau qua chóng hết nhưng hướng đến một kết cục hằng hữu đời đời. Đó là Thiên Chúa của tình yêu.
Thiên Chúa bao dung và nhân ái. Thiên Chúa chậm bất bình và đầy ân sủng. Chúng ta đặt niềm tin yêu vào Thiên Chúa, Ngài sẽ giải thoát chúng ta: "Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất" (Kh 21,4). Đây là niềm hy vọng tuyết đối cho những ai đặt niềm tin nơi Chúa. Hạnh phúc tuyệt vời là chúng ta đang được Thiên Chúa yêu thương. Sống từng giây hạnh phúc, cuộc đời chúng ta sẽ no hưởng hạnh phúc. Khi yêu thương thật lòng, chúng ta sẽ cảm nghiệm được hạnh phúc ngay trong tầm tay.
Lạy Chúa, Chúa là suối nguồn tình yêu, xin tràn đổ tình yêu trong tâm hồn để chúng con được no thỏa. Xin cho chúng con biết đón nhận và cho đi tình yêu như dòng suối mãi tuôn chảy.
Lm. Giuse Trần Việt Hùng


NẾU CHỈ CÒN MỘT NGÀY ĐỂ SỐNG, MÌNH SẼ LÀM GÌ?

Một hơi thở ra mà không vào là ngàn thu vĩnh biệt.
Cuộc đời này mong manh dễ vỡ là thế, những người con Phật ai cũng hình dung, cũng biết. Vậy có bao giờ bạn tự đặt ra câu hỏi “Nếu chỉ còn một ngày để sống mình sẽ làm gì?”.
Gia đình là nơi bạn được sinh ra, là nơi bạn lớn lên, nơi của những yêu thương được chắp cánh. Ba, mẹ, anh, chị, em luôn dang rộng vòng tay che chở, yêu thương, luôn chào đón bạn trở về dù bạn có thành công hay sa cơ lỡ nghiệp đi chăng nữa thì những vòng tay ấy không bao giờ mỏi mệt. Vậy thử hỏi có bao giờ bạn nói rằng bạn yêu ba mẹ anh chị em của mình chưa? Bạn đã bao giờ nói lời cảm ơn chân thành, sâu thẳm từ tận đáy lòng chưa? Một ngày cuối của cuộc đời có đủ để bạn sà vào vòng tay ấm áp của cha mẹ và nói rằng con yêu gia đình nhiều lắm. Một ngày cuối có đủ để bạn đích thân vào bếp nấu cho cha mẹ một bữa cơm không?
Trong nhịp sống hối hả này, bạn không đủ hoặc không muốn đủ thời gian để ngồi ăn cùng gia đình một bữa cơm. Vậy ngày cuối này bạn có thể dành chút thời gian ngồi vào bàn ăn cùng cha bàn vài ba câu chuyện thời sự, cùng mẹ nói chuyện giá cả; cùng anh nói về mẩu xe mới, cùng chị bàn về chiếc điện thoại đa năng; hỏi đứa em dạo này học hành ra sao, ngồi lại nhìn những gương mặt thân quen. Ôi tuyệt vời biết bao! Bạn có đủ thời gian để thay mẹ đóng cổng nhà lúc chiều tối, kéo chăn cao hơn cho cha mẹ ấm nồng, tắt bớt đèn, mở quạt số nhỏ cho đứa em bớt lạnh không? Có thể trong cuộc sống thường nhật bạn không đủ thời gian để nhận ra điều đó, nhưng ngày cuối đời hãy sống chậm lại trước khi tất cả là quá muộn.
Nhịp sống hối hả quá nhiều ồn ào đã vô tình cuốn bạn vào cơn xoáy của cơm áo gạo tiền; hay những cuộc vui thâu đêm suốt sáng và bạn cho rằng đó là mục đích mà cuộc đời bạn hướng tới. Bạn phải làm việc, thậm chí bạn không có đủ thời gian để đội chiếc mũ bảo hiểm, không có đủ vài giây để dừng lại trước đèn đỏ, không đủ thời gian ngả mũ trước đám tang, hay thậm chí là nhếch môi cười chúc mừng cho một đám cưới, hoặc là một cái nhìn cảm thông cho những thân phận nghèo khổ bên đường. Dăm ba ngàn không đủ cho bạn uống một ly cà-phê, thế nhưng đó là cả một nguồn sống, hãy cho đi để nhận lại lời cảm ơn chân thành nhất, hãy cho đi để nhận lại nụ cười đầy hy vọng, dù nụ cười đó không đủ sức xóa tan đi băng giá trong lòng bạn, nhưng phần nào có thể làm ấm con tim đã nguội hẳn của bạn.
Bạn nói rằng bạn bận. Bận đến nỗi không có đủ thời gian để nhìn những tia nắng ban mai. Bận lắm, bận đến nỗi bạn không biết cuộc đời này đẹp đến mức nào. Vậy nếu chỉ còn một ngày để sống bạn có đủ thời gian để sống chậm lại không, hãy quan sát và chắc chắn một điều rằng bạn sẽ nhận ra cuộc đời này quá đẹp với những chiếc lá xanh trên cành, tiếng lũ trẻ gọi nhau lúc tan trường,…
Bạn bận rộn nên không đủ thời gian để nói cảm ơn, xin lỗi. Nếu chỉ còn một ngày để sống chắc bạn có đủ thời gian nhỉ, cảm ơn cha mẹ đã mang ta đến cuộc đời này, cảm ơn anh chị em, cảm ơn bạn bè đã ở bên ta lúc ta vấp ngã, cảm ơn cuộc đời, cảm ơn mọi người.
Tôi tin chắc không ai ích kỷ đến nỗi không tha thứ cho kẻ thành thật xin lỗi, biết hướng thiện. Vậy tại sao bạn không xin lỗi khi mình mắc sai lầm, sĩ diện ư nếu chỉ còn một ngày để sống.
Nếu chỉ còn một ngày để sống, bạn thử lắng nghe tiếng chuông chùa vang lên lúc chiều tà hay cùng quý thầy đọc bài kinh cầu nguyện. Khẽ dạo những bước chân nhẹ nhàng chậm rãi, hít một hơi thở thật sâu trong bầu không khí an lành của mái chùa nghèo, hít thật căng phổi bạn nhé, và bạn sẽ yêu nơi này, sẽ cảm thấy tâm hồn thanh thản.
Nếu chỉ còn một ngày để sống! Một ngày thì quá ngắn so với một kiếp người, nhưng nếu bạn sống thật tốt thì một ngày là quá đủ để cho bạn làm tất cả. Nhưng may mắn thay bạn không chỉ còn một ngày mà bạn có nhiều ngày, thậm chí còn nhiều năm để sống. Vậy tại sao bạn không sống cho thật trọn vẹn, sống chậm, sống yêu thương nhiều hơn để rồi sau này sẽ chẳng bao giờ nói giá như bạn có thêm một ngày để sống.
Cuộc đời này không biết lúc nào sẽ là dấu chấm hết. Vậy nên hãy sống thật chậm, hãy cười thật tươi và hãy tha thứ nếu có thể. Hãy sống ngày hôm nay cho thật trọn vẹn bạn nhé.
Theo GIÁC NGỘ ONLINE

CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH - C

Trong cuộc viếng thăm lịch sử của Đức Gioan-Phaolô II dành cho Hội đường Do-thái tại Lamã, Đức Thánh Cha đã gọi các thành viên Do-thái giáo là “những anh em cổ xưa của chúng tôi”.
Thật vậy, Đạo thánh chúng ta xuất thân từ Do-thái giáo như trong Bài đọc I, Sách Công vụ Tông đồ kể lại. Tại Hội đường Antiochia, Phaolô và Banabê tuyên bố: “Chúng tôi phải giảng lời Thiên Chúa cho qúi vị trước tiên, nhưng vì qúi vị từ chối lời Thiên Chúa và tự cho mình không xứng đáng sống đời đời, thì đây chúng tôi quay về phía dân ngoại”. Phía dân ngoại là đạo mới, là Giáo hội, là chúng ta hết thảy. Đạo mới thoạt xuất từ đạo cũ, đạo Do-thái, “những anh em cỗ xưa của chúng ta”.
Để ám chỉ Đạo mới, Chúa Giêsu dùng nhiều hình ảnh. Nào là hình ảnh chiếc lưới không rách. Nào là tòa nhà xây trên tảng đá kiên cố, mưa sa bão táp vẫn không lay chuyển. Nào là cánh đồng trong đó có lúa tốt mọc lên bên cạnh cỏ lùng (Mt 13, 24-30). Nào là một đoàn chiên dưới sự hướng dẫn của một chủ chiên (Gia 10, 1-10).
Đây là hình ảnh mà Chúa dùng rất nhiều lần.
Chúa phán: “Ta là Đấng chăn chiên nhân lành” (Gia 10, 11).
“Chiên Ta thì nghe tiếng Ta, Ta biết chúng và chúng theo Ta, Ta cho chúng sự sống đời đời”. Chúa khẳng định và nhận lãnh hoàn toàn trách nhiệm trên cả Dân Chúa. Ngài cầm trong tay vận mệnh của mọi người và đưa họ đến cùng đích. Từ đầu trong Giáo hội, hình ảnh Chúa Chiên lành là biểu tượng của Chúa được khắc ghi trên bờ tường hang Toại Đạo, được phổ biến trong kinh nguyện.
Chúa là Đấng Chăn Chiên thì chúng ta, đoàn chiên của Chúa phải làm gì? Bằng một câu vắn vỏi, Chúa mô tả bổn phận chính yếu.
Chúa phán: “Chiên Ta thì nghe tiếng Ta. Ta biết chúng và chúng theo Ta”. BIẾT, NGHE và THEO là ba động từ nói lên ba việc cần thiết để trở nên chiên của Chúa.
BIẾT là phải tìm hiểu, học hỏi, suy niệm, vô tri bất mộ.
NGHE là lắng tai đón nhận lời Chúa qua Thánh Kinh, lời giảng dạy của Giáo hội, ơn soi sáng.
THEO là thực thi, là sống Đạo, là đem Đạo vào đời.
Tóm tắt, là phải có một cuộc “trở lại”.
Năm 496, tại Thành Reims, Thánh Giám mục Remi long trọng ban phép Thanh tẩy cho Vua Clovis. Thánh Giám mục tuyên bố: “Ngươi hãy cúi đầu xuống. Hãy thờ những gì xưa ngươi đã đốt và nay hãy đốt những gì ngươi đã thờ”, rồi ban phép Rửa tội cho nhà Vua, xức dầu theo hình Thánh Giá. 3000 binh sĩ của Clovis cũng được Thanh tẩy. Nước Pháp Công giáo đã khai sinh.
Lạy Chúa, Chúa là Mục Tử, xin dẫn con lần theo chính lộ, con không sợ lạc hướng.
Có Chúa với con cùng tiến bước, đi giữa suối mát cỏ xanh, con không thiếu gì
Cố Lm Hồng Phúc


Gương Soi Mình, Mình Soi Ai?

Nếu đứng trước tấm gương, ai cũng nhìn thấy vẻ bề ngoài của bản thân. Nếu ta vui vẻ thì trong gương sẽ có một hình ảnh vui vẻ và ngược lại, nếu ta buồn rầu thì sẽ ta sẽ thấy một hình ảnh khó coi hiện nên. Đó là soi vẻ bề ngoài còn nội tâm, ta lấy gì để soi và ai soi cho ta?

Trong cuộc sống, nhiều khi tôi tự hỏi nếu tấm gương để soi bề ngoài của tôi thì bản thân tôi có là tấm gương cho ai đó soi không? Thực tế đã giúp tôi hiểu ra điều đó: Khi tôi được sinh ra và được làm con cái của Thiên Chúa, tôi đã trở nên tấm gương để người khác soi vào. Nếu tôi sống đúng, tôi sẽ phản chiếu hình ảnh của Thiên Chúa, của Đức Kitô. Nhiều khi đi ra đường bắt gặp một anh chị em công giáo chẳng may mắc lỗi, tôi vẫn thường nghe mọi người nói với nhau "Người công giáo là vậy mà". Vẫn biết rằng không ai hoàn hảo, nhưng ở nơi sâu thẳm của con tim, tôi vẫn cảm thấy nhói đau khi nghe những lời đó. Nhiều khi tôi nghĩ họ đã sống tốt chưa mà dám đánh giá người khác. Tuy nhiên, suy nghĩ lại, tôi tự nhủ những người công giáo phải sống khác vì chúng ta đã trở nên con cái của Thiên Chúa và có bổn phận trở thành tấm gương phản chiếu hình ảnh Thiên Chúa.

Ở khía cạnh nào đó của câu nói có phần cay nghiệt, nhưng tôi cũng nhận ra một khía cạnh tích cực về những tấm gương phản chiếu tình yêu Thiên Chúa; nếu họ dùng từ ngữ trên để chỉ những người mang danh công giáo mà làm những chuyện xấu thì vô hình chung trong con mắt họ, người công giáo phải là người tốt, chỉ làm điều tốt và chúng ta phải hãnh diện về điều này.

Tôi đã gặp biết bao con người, mặc dù chỉ là những con người bình thường nhưng chính cuộc sống của họ vẫn toát lên tấm gương sáng về lòng mến yêu Chúa và tha nhân từ chính công việc hàng ngày dù thầm lặng hay sôi nổi.

Đối diện với chính bản thân, tôi cũng nhận thấy còn rất nhiều thiếu sót: những thói hư tật xấu, những a dua theo trào lưu xã hội, những mánh khóe để tồn tại giữa một xã hội đầy rẫy những cạm bẫy đã làm tôi xa Chúa và trở nên tấm gương tối. Những việc tôi làm nhiều khi tưởng chừng là vô hại, nhưng lại là một tấm gương xấu cho nhiều người và gây ra bao hệ lụy cho thế hệ tiếp sau.

Hôm nay, khi đối diện tấm gương, tôi chợt nhận ra và đặt quyết tâm phải sửa đổi bản thân để sống tốt hơn, cố gắng xa lánh thói hư tật xấu, hoàn thiện bản thân hàng ngày ngay từ những công việc nhỏ bé nhất, luôn phó thác và tin yêu Chúa hơn, xóa hết bụi phủ để trở nên tấm gương sáng phản chiếu Đức Kitô cho mọi người.

Tôi đã quyết tâm như thế, còn bạn thì sao?

Thế Thông


CHÚA NHẬT III PHỤC SINH - C

CHÚA GIÊSU PHỤC SINH ĐI CHỌN MỘT NGƯỜI CHĂN DẮT CHIÊN CỦA CHÚA
Sách Tin Mừng Gioan kể chuyện thánh Phêrô chối Chúa (Ga 18,15-17) với mấy đặc điểm sau đây:
Khi bọn sai nha đến bắt Chúa, Chúa ra đón và hỏi: các anh tìm ai? Họ đáp: Giêsu Nadaret.
Chúa trả lời: “Ta Là”. Họ ngã ngửa. Họ đứng lên, Chúa hỏi nữa. Rồi Chúa nói: Tôi đã bảo các anh: “Ta Là”. Trong bản văn Hy Lạp (Ego eimi: Ta Là) đây là Thánh Danh Thiên Chúa đã mặc khải cho ông Môsê (Xh 3,14). Trong Sách Tin Mừng Gioan nhiều lần Chúa Giêsu dùng danh xưng này để nói về mình.
Khi ông Simon Phêrô vào sân dinh Thượng Tế và ngồi sưởi ké bên đống lửa than của bọn sai nha, ba lần bị chỉ mặt là môn đệ của Chúa Giêsu thì ba lần ông chối: Không phải (oukh eimi: ‘tôi không là’ ngược với lời Chúa Giêsu khẳng định: ‘Ta Là!’
Hôm nay, người môn đệ mà trong bữa Tiệc Ly ông đã nhờ hỏi nhỏ Chúa xem ai là kẻ phản nộp Chúa, nói với ông: “Chúa đấy”. Nghe thế ông liền lấy áo quấn ngang lưng, vì ông đang trần truồng, và ông nhảy xuống nước.
Trong sách Sáng Thế, sau khi trái cấm mở mắt cho Adam + Evà thấy mình trần truồng, họ lấy lá vả (là thứ lá cây lớn nhất thường thấy) quấn ngang lưng; rồi khi nghe tiếng bước chân Thiên Chúa thì họ núp vào lùm cây. Thiên Chúa gọi: “Ađam, người ở đâu?”.
Sách Tin Mừng Gioan không kể chuyện gì xảy ra với ông Simon Phêrô sau tiếng gà gáy, như các sách Tin Mừng Nhất Lãm, nhưng để dành đến hôm nay mới trở lại câu chuyện. Ông Simon Phêrô phản ứng giống Ađam. Ađam ở trong vườn thì có lùm cây mà núp, Phêrô đang trên thuyền thì chỉ có cách nhảy xuống nước mà núp.
Vào bờ ông cũng thấy một đống lửa than, Chúa Giêsu dọn cho ông và các bạn, lại có bánh và cá đặt trên. Đống lửa than này làm sao mà không gợi cho ông Phêrô nhớ lại đống lửa than của của bọn sai nha trong sân dinh Thượng Tế cái đêm tăm tối kia.
Chúa bảo: ‘hãy đến mà ăn’. Chúa đến, cầm lấy bánh và cá trao cho các ông. Cảnh này gợi lại hôm Chúa ngồi trên núi, trao bánh và cá cho đám đông (ch.6).
Sau bữa Chúa đãi đám đông trên núi, tại Ca-phac-na-um, khi nhiềumôn đệ bỏ đi, Chúa Giêsu hỏi nhóm Mười Hai: “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?” (6,67) thì ông Phêrô thay mặt nhóm Mười Hai khẳng khái: “Bỏ Thầy chúng con đi với ai …”.
Sau bữa ăn sáng quanh đống lửa than bên hồ, Chúa gọi đích danh và hỏi: “Simon con ông Gio-an, anh có yêu mến Thầy hơn những người này không?” Sự so sánh này làm cho ông phải nhớ lại lời ông cam kết trong bữa Tiệc Ly: “Con sẽ hy sinh mạng sống con vì Thầy” (13,37). Hôm nay thì ông không còn dám vỗ ngực tự phụ như thế nữa. Ông dựa vào Chúa: “Thưa Thầy, Thầy biết …”. Phiền nỗi là Chúa lặp lại cùng một câu hỏi hai lần nữa, nhưng tế nhị bỏ cái vế so sánh cho ông đỡ ngượng. Đến lần thứ ba thì ông hết chịu nổi, ông buồn, và ông nại đến sự thông biết vô cùng của Chúa: “Thưa Thầy, Thầy biết mọi sự, Thầy biết …” (x.Tv 139).
Bên đống lửa than trong sân dinh Thượng Tế, ba lần trong một đêm ông nhận rằng ông chẳng là gì.
Sáng nay ông và các bạn nhận mình là những kẻ đánh cá vô tích sự, suốt đêm chẳng được gì để ăn.
Sáng nay ông vừa nhận ra mình là kẻ trần truồng và đi núp, giống như Ađam.
Bên đống lửa than của Chúa ở bờ hồ, khi trả lời câu Chúa hỏi ba lần, ông chỉ còn biết dựa vào sự thông biết, sự thông biết vô cùng của Chúa.
Bây giờ thì Chúa có thể an tâm trao cả chiên mẹ. chiên con của Chúa cho ông chăn nuôi, và Chúa cũng đòi ông giữ cả lời hứa hy sinh mạng sống, nhưng không phải thay cho Chúa, mà để tôn vinh Thiên Chúa giống như Thầy Giêsu, vị Mục Tử kiểu mẫu, hiến mạng sống vì đoàn chiên.
Ngày đầu, ông nghe lời Thầy của ông là vị Tiền Hô giới thiệu Chúa Giêsu và đi theo.
Hôm nay, sau khi đã cho ông biết rõ sứ mạng và số phận của ông, chính Chúa Giêsu trực tiếp gọi ông: “Hãy theo Thầy”.
Trong nghi thức bầu Giáo Hoàng, sau khi đắc cử, vị tân cử phải trả lời hai câu hỏi theo nghi thức: “Ngài có nhận kết quả bầu cử này không?” và “Ngài nhận tông hiệu là gì?”
Đức Thánh Cha Phanxicô đã trả lời câu hỏi thứ nhất như sau: “Tôi là kẻ tội lỗi và tôi ý thức điều đó, nhưng tôi rất tin vào lòng thương xót của Thiên Chúa, vì các vị đã bầu tôi, đúng hơn, vì Chúa đã chọn tôi, tôi nhận”. (ĐHY Philippe Barbarin kể lại trong lời tựa cuốn sách “Amour, Service et Humilité” (Bài giảng tĩnh tâm của ĐHY Jorge Mario Bergoglio S.J., cho các Giám Mục Tây Ban Nha năm 2006)
Nội dung câu trả lời thâu tóm câu chuyện của thánh Phêrô
Lm. Giuse Nguyễn Công Đoan


BỔN MẠNG CHỊ EM THÁNG 4


THÁNG 4

NGÀY
LỄ
QUAN THẦY
29.04


Lễ Thánh Catarina Siena, Trinh nữ, TSHT
*Chị Lan(C)
*RT: Chị Thảo ( Martine),
          Chị Hồng Hạnh



Lễ Giỗ Cha Mẹ Chị em

TƯỞNG NHỚ VÀ CẦU NGUYỆN



NGÀY
LỄ GIỖ

01.04
Ông cố Antôn- thân phụ chị Lan ( nhà tập)
11. 04

Giỗ Chị Matta Lan Phương
21.04
Giỗ Mẹ Marie Anastasie ( Đấng Sáng Lập)
24.04

Bà cố Inê- Thân mẫu chị Thảo (Dom)

30.04

Ông cố Phanxicô Xavie- Thân phụ chị  Cẩm