ĐỨC GIÊSU - MỘT CON NGƯỜI HÒA ĐỒNG

Khi dựng nên trời đất muôn vật, Thiên Chúa đã đặt muôn loài thọ tạo trong sự hài hòa và gắn kết với nhau. Chính sự hài hòa và gắn kết ấy giúp mang đến sự bình an và thanh thoát, một cuộc sống hòa điệu và vui tươi. Sách Sáng Thế còn tường thuật lại một hình ảnh rất tuyệt đẹp diễn tả tương quan thắm nồng giữa con người và Thiên Chúa, là cứ mỗi chiều, qua những cơn gió mát nhè nhẹ, Thiên Chúa đến và dạo chơi với con người. Mối hiệp nhất và gắn kết sâu xa với Tạo Hóa và với nhau làm cho mọi loài được hưởng nếm vị ngọt của hồng ân Thiên Chúa lan tỏa khắp nơi. Đó chính là Thiên Đường.

Nhưng khi tội lỗi đến, nó đã làm rạn vỡ những tương quan, đã làm cho mọi thứ phải tách rời nhau, đối địch nhau, chống chọi với nhau. Những mối dây từ từ bị cắt đứt. Con người đẩy Thiên Chúa ra xa mình. Rồi họ sử dụng các loài thụ tạo khác sai mục đích được thiết định. Giữa thế giới con người bắt đầu nảy sinh những phân tầng, phân biệt, chia rẽ. Sự cảm thông không còn nữa, con người chỉ cố gắng tìm cách thỏa mãn cho chính mình, tự cô lập trong thế giới riêng, tự vun vén cho mình. Họ tự xếp mình ở vị thế cao hơn những ai thấp kém. Rồi cứ thế, thay vì tìm cách đi đến sự hiệp nhất với nhau như ý định của Tạo Hóa, con người càng lúc càng lún sâu vào tội lỗi, lúc nào cũng tìm thỏa mãn bản thân, và gây ra biết bao rạn nứt khác trong cuộc sống.

Ngay từ khi nhập thể làm người, Đức Giêsu đã không bị tư tưởng phân biệt và loại trừ này của con người chi phối. Chiêm ngắm lại toàn bộ cuộc đời của Giêsu, chúng ta sẽ thấy mọi nỗ lực của Ngài đều nhắm đến việc nối kết con người lại với nhau. Ngài hệt như sợi dây, len lỏi khắp nơi, tiếp xúc với mọi lớp người để nối liền tất cả những khoảng cách.

Đức Giêsu đã bắt đầu công cuộc tái hiệp nhất mọi loài bằng cách chọn cho mình một vị thế thấp nhất. Có thể tóm tắt phương thế Ngài dùng bằng một chữ vắn tắt và đơn sơ: nghèo. Người nghèo là người ở cùng tận của xã hội và cả trong tâm thức của con người. Đó là những con người không được ai để ý đến, là người bị người ta khinh bỉ, là người không được xem là “người”. Từ cõi Thiên Cung ngập tràn hào quang ánh sáng, Ngôi Lời đã không chọn cho mình một gia đình bề thế quyền uy, tiện nghi đầy đủ để hạ sinh. Ngài đã chịu mang tiếng nghèo ngay khi còn đang thành hình trong bụng mẹ. Có ai ngờ rằng, ngay chính tại tâm điểm của một thế giới bị cả nhân loại bỏ quên, lại trổ sinh mầm cây ơn cứu độ của Thiên Chúa. Thiên Chúa đến là để cứu vớt mọi con người, không chừa ai ra cả. Và Ngài đã làm điều đó bằng cách đưa mình xuống thấp nhất để nâng tất cả lên cao.

Ngài phải trở nên nghèo, vì nếu không, Ngài không thể làm bạn với người nghèo được. Nếu Ngài sinh ra là một vị hoàng tử sống trong điện ngọc cung vàng, thì Ngài sẽ không thể cảm thông được với những ai bần cùng khốn khổ. Nếu Ngài chuẩn bị sẵn cho mình một căn phòng trọ khang trang để chào đời, thì làm sao những mục đồng bé nhỏ có được cơ hội đến kính viếng Ngài? Nếu bố mẹ Ngài là những con người quyền cao chức trọng thì Ngài sẽ chia sẻ điều gì với những người sống trong hoàn cảnh cô thế cô thân? Và nếu Ngài không tự nguyện treo thân trên thập giá, liệu người tử tù có thể được cứu vớt linh hồn vào giờ sau hết không? Giáng sinh nghèo, gia đình nghèo, cuộc sống nghèo và cả cái chết nghèo… Giêsu đã chọn lựa như thế, là vì Ngài muốn đưa người nghèo về với Nước Trời, Ngài muốn nâng người nghèo lên, Ngài muốn nói với họ rằng dù cả thế giới có ruồng bỏ họ, Thiên Chúa vẫn ôm ấp họ vào lòng.

Giữa một xã hội phân cấp và phân tách giai tầng dựa vào khả năng và của cải, Đức Giêsu đã thực thi sứ mạng của mình theo một cách thức khiến cho bao người phải giật mình suy nghĩ. Ngài không giới hạn những lời vàng của mình cho giới quý tộc hay học giả khôn ngoan, nhưng lan tỏa nó ra đến tận mọi người, kể cả những người “ít chất xám” nhất. Đã không biết bao nhiêu lần, trong Kinh Thánh, chúng ta đọc thấy Ngài giảng dạy dân chúng bên bờ hồ, dưới gốc cây, nơi ruộng lúa. Ngài đưa tay chạm đến những người phong cùi, vốn bị cho là kẻ ô uế và phải bị loại ra ngoài xã hội. Ngài làm phép lạ chữa lành các bệnh nhân trước hết bằng cách đến gần, hỏi thăm, chứ không phải đứng từ xa mà phán. Ngài dùng bữa với những bậc quyền quý, nhưng cũng không chê thức ăn của những người thu thuế, đĩ điếm, những người tội lỗi. Ngay cả với những người bị luật lệ khắt khe thời ấy kết án tử, Ngài vẫn tìm cách cứu sống hoặc ít ra cũng trao ban cho họ một niềm an ủi và hy vọng vào sự sống đời sau trên Thiên Đàng. Ngài cũng có lối hành xử rất khôn ngoan khi tiếp xúc với nữ giới – hạng người bị xem thường trong xã hội – đến độ, dù các kẻ thù có ghét cay ghét đắng Ngài, cũng không thể trách cứ Ngài điều gì liên quan đến vấn đề này cả. Còn đối với trẻ em, Ngài không những tạo thiện cảm với chúng, còn thích chơi đùa với chúng, chúc lành cho chúng và lấy chúng làm mẫu mực cho công dân Nước Trời. Có thể nói, Đức Giêsu đã trở thành người của mọi người, Ngài hòa đồng với tất cả, Ngài tận hiến đời mình cho tất cả, Ngài đưa tay ôm ấp tất cả, đặc biệt là những người cô thân cô thế nhất giữa dòng đời.

Hòa đồng có nghĩa là xóa bỏ khoảng cách, là mỗi ngày trở nên khắng khít để nên giống nhau hơn. Nếu tội lỗi làm cho người ta xa cách vì cho rằng mình khác, mình hơn, thì cuộc chiến chống lại tội lỗi là nỗ lực để đưa mọi người đến gần bằng một thái độ chân thành và đơn sơ, không phân biệt, không nghi kỵ, không xếp mình lên trên người khác. Lối sống hòa đồng của Giêsu rõ ràng là một tấm gương để ta soi lại đời sống của mình. Ta thường chỉ thích làm bạn với những ai “ngang hàng” với ta, chứ hạng “thấp kém” hơn ta, có mấy khi ta để ý đến. Đụng chạm đến người nghèo, người bệnh, người dơ dáy bẩn thỉu làm ta cảm thấy khó chịu, không vui. Ta thích được kẻ đón người đưa, thích được phát biểu nơi những chỗ trang trọng, thích làm khách nơi những bữa tiệc cao sang, thích bắt tay và trò chuyện với người quyền cao chức trọng. Những điều ấy làm cho ta có cảm giác là mình có uy, mình ở vị trí cao, mình là người có thế giá. Chẳng ai bảo điều đó là sai cả, nhưng nếu ta chỉ thích như thế thôi, mà không đưa mắt nhìn đến những con người kém may mắn hơn ta, thì ta với Giêsu vẫn còn khác nhau quá. Hãy trải lòng mình ra như Giêsu, lan rộng sợi dây tình thân đến với mọi loài và mọi người. Đó là cách ta xây dựng Thiên Đường hạnh phúc mà Thiên Chúa mời gọi mỗi người chúng ta thực thi.



Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN - C

Quan sát Đức Giêsu cầu nguyện, các môn đệ đã nhận ra một nét gì đó rất mới mẻ và rất đặc trưng. Nét này không thấy có trong thói tục của người Do Thái nói chung, và của nhóm Biệt Phái nói riêng; khác cả với lối cầu nguyện mà Gio-an tẩy giả, nhóm Ét-sê-ni và các môn đệ ông thường làm. Người Do Thái nói chung cầu nguyện dựa trên việc cất cao giọng đọc các thánh vịnh, các lời ngôn sứ hay sách luật… Chính vì thế mà một vài đại diện trong nhóm môn đệ Đức Giêsu khẩn khoản xin Người dạy cho họ biết cầu nguyện, và cầu nguyên theo cách thức riêng của Người. Lời thỉnh cầu đó quả là chính đáng, và Đức Giêsu sẵn sàng đáp ứng vì nó liên quan tới điều quan trọng nhất mà người đang muốn khảng định: Cầu nguyện chính là đi vào tương quan phó thác với Chúa Cha nhân ái.
Điều mà các môn đệ mong đợi chắc hẳn không phải là được Thầy dạy cho một công thức cầu nguyện, mà chúng ta ngày nay quen gọi là kinh đọc. Người Do Thái thời đó vẫn quen sử dụng các thánh vịnh như công thức nền tảng. Tuy nhiên rất có thể khi quan sát Đức Giêsu cầu nguyện, các môn đệ đã nhận ra một điều gì rất khác lạ, một kiểu cách cầu nguyện không giống ai. Nét này khác xa lề thói các Pha-ri-sêu vẫn thường cầu nguyện nơi công cộng, hoặc các tu sĩ Et-sê-ni làm tại Qum-ram. Nét đặc sắc nhất các ông nhân ra chính là tâm tình con thảo thâm sâu chưa từng thấy bất cứ nơi đâu. Xét cho cùng thì Thánh Vịnh cũng không phải là những ‘kinh’ theo nội dung mà bổn đạo chúng ta vẫn hiểu ngày nay. Tự nó Thánh Vịnh là những tâm tình rất chân thành, nhưng trong tinh thần của ‘Cựu Ước’, mà mỗi người Do Thái diễn tả tương quan thường ngày của mình với Đức Chúa Gia-vê. Tất cả các tâm tình đó đều dựa trên một nền tảng duy nhất được các luật sĩ và Biệt Phái nhấn mạnh, đó là lòng trung thành kiên vững đối với giao ước đã ký kết. Sau này vào thời Đức Giêsu, qua ảnh hưởng của phái Ét-sê-ni, thái độ thống hối để lãnh phép rửa được nhấn mạnh. Nếu vậy thì nét cầu nguyện đặc trưng của Thầy Giêsu, đồng thời cũng là của từng người Ki-tô hữu chúng ta cụ thể là gì?
Đức Giêsu không đơn thuần dạy một công thức diễn đạt mới, cái sau này được đặt tên là ‘kinh Lạy Cha’ (tiêu đề quen thuộc luôn được gán cho đoạn văn này). Ngay trong câu Đức Giêsu nói: “Khi cầu nguyện anh em hãy thưa (thay vì nói hoặc đọc) thế này: ‘Lạy Cha, nguyện ( thay vì cầu xin) cho danh Cha vinh hiển…’, ta sẽ thấy ngay nổi cộm một tâm tình, tâm tình tín thác. Ngay cả các điều ‘xin’ của phần sau cũng toát ra niềm tin tưởng sâu đậm nhất. Chính cái tâm tình này mới là chất tố cốt lõi của lối cầu nguyện mà Đức Giêsu đang muốn thông truyền.
Đương nhiện là bất cứ lời cầu nguyện nào cũng đều ít nhiều mang tâm tình này. Trong mọi tôn giáo, khi tín đồ khấn vái, họ cơ bản tin tưởng sẽ được thần thánh phù trì. Tuy nhiên vấn đề là ở chỗ, dựa trên cơ sở nào mà họ đặt niềm tin tưởng phó thác. Người Do thái có cơ sở của Cựu Ước: một giao ước sòng phẳng giữa Đức Chúa Gia-vê với dân riêng của Ngài. Gio-an nhấn mạnh trên nền tảng thống hối và lãnh phép rửa để được tha tội (xem Lc 3, 3-18). Tín đồ các tôn giáo khác nói chung, dựa trên qui luật ‘có đi có lại’ của giao tế xã hội. Họ thờ cúng dâng hương để mong được thần thánh phù trì… Thế còn Ki-tô hữu chúng ta cầu nguyện dựa trên cơ sở nào?
Đức Giêsu dùng hai hình ảnh để quảng diễn cơ sở của lòng tín thác Ki-tô hữu trong cầu nguyện: người bạn và người cha. Hai hình ảnh này có tác dụng trước hết là triệt tiêu cả ba cơ sở nói trên. Nếu là ‘nguyện xin’ với bạn và cha, thì sẽ không còn sự sòng phẳng của giao kèo ký kết, không còn sự cách biệt trên dưới, và cũng chẳng cần lễ vật quà cáp lót đường. Chỉ còn một điều duy nhất quan trọng là tin tưởng hầu như mù quáng, cố chấp tới độ không ngại gây phiền hà. Câu chuyện gõ cửa nhà bạn vay bánh giữa đêm khuya, hay xin ‘bố’ của ăn, phải chăng là để nêu rõ thái độ rất ‘độc’ này của cầu nguyện Ki-tô hữu?
Và điều này không chỉ đơn thuần là một khảng định trên lý thuyết. Có lẽ vào thời điểm lúc Đức Giêsu trả lời câu hỏi của mộn đệ, nó còn có vẻ lý thuyết xa vời thật, ngược ngạo nữa là đàng khác: Thiên Chúa mà là cha và là bạn sao được! Thế nhưng sau biến cố thập giá và phục sinh, thì đã trở thành một thực tế quá rõ ràng và hiển nhiên. Thực vậy, niềm tin vào thập giá và phục sinh trở thành cơ bản trong tương quan (giao ước mới) giữa người môn đệ với Thiên Chúa của Đức Giêsu Ki-tô. Họ đã nắm bắt được bằng chứng không thể chối cãi về một Thiên Chúa từ nhân tới độ không tiếc bất cứ điều gì đối với những ai kêu cầu Người, ngay cả hy sinh tới Người Con yêu quí nhất Người cũng chẳng từ. Do vậy bất cứ ai tự cho mình là môn đệ Đức Giêsu, mà không biết chất tố này khi cầu nguyện, thì chưa thể được kể là Ki-tô hữu chân chính.
Nếu như thế ta có thể khảng định được chăng: tin tưởng phó thác trong cầu nguyện chính là thước đo chính xác nhất của niềm tin Ki-tô hữu? Thánh Phao-lô xác quyết: chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải lẽ, nếu Thần Khí không rên siết trong ta (xem Rm 8,18-27). Phải chăng Đức Giêsu cũng có ý tưởng tương tự khi nói ‘Cha trên trời ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người’? Thế thì, một chút chiêm ngắm thập giá, một chút vào sâu hơn trong tình yêu nhân ái của Thiên Chúa, là điều tối cần thiết để mọi Ki-tô hữu có thể tiến hành cầu nguyện của mình. Tuy nhiên thật không may, ‘cái chút’ này trên thực tế xem ra vẫn còn thiếu trầm trọng trong cầu nguyện của nhiều Ki-tô hữu chúng ta. Chính vì lẽ đó mà lời khẩn cầu của các môn đệ: “Lạy Thầy, xin dạy chúng con biết cầu nguyện!” vẫn tiếp tục phải là điệp khúc khởi đầu cho mọi cầu nguyện chân thành của mọi Ki-tô hữu chúng ta.
Lạy Thầy Giêsu, xin dạy con cầu nguyện! Xin hãy dạy con cầu nguyện với một Thiên Chúa không tiếc xót con bất cứ điều gì, kể cả phó nộp Người Con yêu quí nhất của Người. Xin cho con biết dành một chút thời giờ cho việc chiêm ngắm tinh yêu nhân ái và lòng thương xót bao la của Chúa trước khi tiến hành cầu nguyện. Xin Thần Khí Chúa hãy luôn nhắc nhở con rằng: dấu Thánh Giá mà con làm đầu giờ cầu nguyện chính là để giúp đưa con vào tâm tình cơ bản và thiết yếu này, là trọn vẹn tin tưởng phó thác nơi lòng Chúa xót thương và cứu độ. Chỉ như thế lời cầu nguyện của con mới có được tâm tình như Chúa muốn. A-men

Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty

THÔNG BÁO VỀ THÁNH LỄ KHẤN DÒNG NĂM 2016

Thánh lễ tạ ơn Khấn Dòng của Hội Dòng Đaminh Đức Mẹ Rất Thánh Mân Côi Monteils – Dự-Tỉnh Đức Mẹ La Vang, được cử hành vào lúc 09h00 sáng Thứ Năm, ngày 11.08.2016. Thánh lễ đồng tế do Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo – Giám mục Giáo phận Xuân Lộc chủ tế.


     Năm nay Hội Dòng vui mừng có:


     6 Chị tuyên khấn Trọn Đời:
1.      M. Catherine Labouré Trần Thị Sáng
2.      M. Bernadette Đỗ Thị Anh Thư
3.      M. Benoit Phạm Thúy Hường
4.      M. Émilie de Vialar Hồ Thị Xuyên
5.      M. Christine Ngô Thúy Lộc
6.      M. Antoine de Padoue Phạm Thị Dung
     4 Chị Khấn lần đầu:
1.      Catherine Rici Marie Cao Thị Huyến
2.      Élisabeth Marie Dương Thị Thu Hiền
3.      Francoise Romaine M. Nguyễn Thị Lan
4.      Solange Catherine Lê Thị Hồng Hạnh
Đời tu là một bài ca cảm tạ, vì vậy thánh lễ Khấn dòng nhắc nhở mỗi người nữ tu sống tâm tình cảm tạ không ngừng: tạ ơn vì hồng ân được chọn gọi, được kết nối giao ước tình yêu với Đức Kitô. Ngày lễ Khấn là bước quyết định rất quan trọng cho một cuộc dấn thân, cho một đời dâng hiến của các nữ tu, đồng thời lễ khấn cũng nói lên lễ cưới huyền nhiệm với Đấng là Tình Yêu. Xin Chúa chúc lành và ban ơn trên các nữ tỳ của Chúa, để họ luôn sống trọn với lời khấn hứa hôm nay.

PHẢI CHĂNG LÒNG THƯƠNG XÓT TRONG TÔI ĐÃ CHẾT!

Triết gia J.P. Sartre đã khẳng định: “Tha nhân là hỏa ngục.” Dường như lời phát biểu này được thốt ra trên môi miệng của một người đang trong cơn bấn loạn và mất bình an. Ông đã phóng chiếu cái nhìn nội tâm lên ánh mắt của tha nhân để rồi ông chỉ nhận ra tha nhân coi mình như một sự vật chẳng hơn chẳng kém. Có thể nói, tư tưởng này phần nào đã dẫn lối cho những chủ trương sống phóng túng và bất cần sự hiện hữu của tha nhân. Và như thế, tha nhân đang phải đối diện trong tình trạng dở sống dở chết chẳng làm tôi mủi lòng. Phải chăng lòng thương xót trong tôi đã chết?
Chúng ta đang sống trong một xã hội đề cao duy vật hưởng thụ, “chân lý bằng với chân giò”, “nhân phẩm chỉ ngang giá thực phẩm” thì đâu là bậc thang giá trị để định hướng con người thăng tiến? Gặp một người bị nạn giữa đường, tôi dừng lại và cúi xuống ra tay thi thố lòng thương xót, nào ngờ lại bị chính nạn nhân trở mặt cướp của giữa ban ngày, hay đứng trước một cuộc ẩu đả, người này vô tay, người khác lấy máy quay phim chụp hình, mặc cho nạn nhân bị đe dọa đến tính mạng… Đứng trước những tình cảnh bi đát đại loại như thế, Đức Phanxicô phải kêu gào nhân loại: Hãy tránh tình trạng toàn cầu hóa sự dửng dưng. Phải chăng lòng thương xót trong tôi đã chết?
Tôi đã rảo quanh trên khắp nẻo đường dương thế để tìm những tâm hồn có lòng thương xót. Tôi đã thấy một gã xe ôm gầy nhom đang chở một ả mua hương bán phấn trên đường X. Bỗng thình lình gặp một chàng thiếu niên bị tai nạn dọc đường, họ quyết định cứu giúp nạn nhân. Họ cho lên xe chở vào bệnh viện gần đó để cấp cứu. Vì máu ra quá nhiều, người phụ nữ này đã cởi áo mình ra để băng bó vết thương nạn nhân. Nàng đã cứu người bất chấp thân thể lõa lồ của mình. Đến bệnh viện, y tá nghi ngờ đây là một ca “có vấn đề”, cô chần chừ và e ngại. Một lát sau, cô đòi tiền tạm ứng để nhập viện, cả ông xe ôm và cô điếm móc tiền trong túi ra nhưng không đủ, buộc ông này phải đi cầm chiếc xe cũ kỹ tại một tiệm cầm đồ. Ông đã cứu người bất chấp sự an toàn là chiếc xe làm phương tiện nuôi sống bản thân và gia đình. Cả hai đang chờ tin tức mới thì được báo tin: Nạn nhân cần tiếp máu trực tiếp vì máu ra quá nhiều. Một lần nữa cả hai lại xung phong xét nghiệm máu để có thể cứu sống nạn nhân. Họ bất chấp mọi nguy hiểm bản thân để cứu sống người khác… Tôi đã tìm thấy lòng cảm thương giữa một xã hội đua chen đi tìm thú vui hưởng thụ. Phải chăng chỉ có những con người bị xã hội coi thường vì làm những việc tay chân thấp kém, hay bị xã hội sỉ nhục vì bán thân nuôi mình, những con người bị tổn thương ấy lại có một tấm lòng quảng đại? Họ là niềm hy vọng cho những người thiện chí vì họ đã bất chấp thân thể, bất chấp sự nguy hiểm bản thân để thực thi lòng thương xót.
Thật vậy, lòng thương xót là hoa trái của tình yêu mà Thiên Chúa đặt để trong lòng con người, không thể chết. Nó như một lớp than hồng đang tạm thời bị bao phủ bởi một lớp tro nào đó; lớp tro của nền văn hóa hưởng thụ, văn hóa sự chết hay một ý thức hệ nào đó…
Lòng thương xót là mầm thiện mà Thiên Chúa đã gieo vào lòng người; nó chỉ chết khi nào con người không còn tồn tại trên thế gian này. Tất cả chúng ta đều được mời gọi làm cho mầm sống ấy đơm hoa kết trái trong cuộc đời để nỗi đau được vơi đi và niềm vui tăng trưởng mãi.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã nói: Sống trong đời sống cần có một tấm lòng để làm gì em biết không? - để gió cuốn đi… Chúng ta cần để gió cuốn đi những lớp tro vị kỷ và để cho lòng thương xót như lớp than hồng sưởi ấm tấm lòng con người. Nhờ đó, sự lạnh lùng băng giá, sự thờ ơ lãnh đạm, toàn cầu hóa sự dửng dưng… không còn cản bước tiến của chúng ta trên đường hành thiện, thực thi lòng thương xót.
Nếu đã xác quyết: tư tưởng dẫn đến hành động, chúng ta sẽ không để cho tư tưởng: tha nhân là hỏa ngục tồn tại trong tâm trí mình. Mặc dù, có đôi khi nó là tiếng nói nội tâm của ta trong một quãng đời đen tối nào đó; nó cũng không được quyền làm ta ngã quỵ mà thỏa hiệp với những chủ trương thế tục. Con người sẽ sống ra sao nếu không còn lòng thương xót? Tha nhân không là hỏa ngục nhưng một thế giới vắng bóng lòng thương xót là hỏa ngục trần gian. Đúng thế, Tha nhân là nạn nhân đang chờ ta thi thố lòng xót thương.
Cục than hồng của lòng thương xót có thể sưởi ấm một con tim giá lạnh và thắp sáng một cõi lòng u mê. Nhưng nó cũng có thể làm tổn thương cho ai đụng chạm vào nó. Lòng thương xót khả dĩ chữa lành nhiều vết thương, đồng thời, có nguy cơ làm tổn thương hơn những tâm hồn tế nhị.
Lòng thương xót là quà tặng mà Thiên Chúa đã trao cho mỗi người, đòi buộc ta phải trao ban. Tuy nhiên, trao ban cách nào là cả một nghệ thuật nếu không, chúng ta dễ ảo tưởng mình là một kẻ trên cao có quyền ban phát: đó là lòng thương hại. Có thể nói, thi thố lòng thương xót là một nghệ thuật phát xuất từ con tim, nghĩa là nó không những đòi hỏi một thái độ thấu cảm mà còn phải hiểu lý lẽ của con tim mình mà đến với tha nhân; một người đã từng bị tổn thương dễ dàng tìm cách để băng bó những tấm lòng tan nát. Người ấy đáng được Chúa chúc phúc: Phúc thay ai xót thương người vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.
EYMARD An Mai Đỗ, O.Cist.


NHÌN BẰNG ĐÔI MẮT KHÁC

Có bao giờ bao giờ bạn nhìn đời bằng đôi mắt khác? Có những người đã nhìn thế giới bằng đôi mắt của những người vô gia cư, họ cảm thấy bản thân cần khiêm tốn hơn, biết đón nhận người khác hơn. Qua đôi mắt của các em bé bị khuyết tật, có người đã cảm nghiệm được niềm vui nơi các em dù cuộc sống của các em có nhiều mất mát. Qua đôi mắt của những người bệnh nhân phong cùi, có người đã nhận ra rằng dù khuyết tật về hình thể nhưng những người bệnh nhân phong đã có được tất cả. Những trải nghiệm tốt đẹp này bắt đầu bằng lòng khao khát nhìn thế giới bằng đôi mắt của người khác.
Nhìn bằng đôi mắt của người khác là ta đang ra khỏi bản thân của ta để nhìn về chính ta, nhờ đó mà biết ta hơn. Khi ra khỏi chính ta, đặt ta trong cái nhìn của người khác, ta thấy được con người thực sự của ta. Khi nhìn bằng con mắt của người khác, ta sẽ tái hiện chính mình để từ đó, ta thấy mình thực sự là ai? Ta đang khao khát điều gì? Hàng ngày, có biết bao nhiêu người vì mải lo toan với cuộc sống mà quên đi những gì tốt đẹp đang diễn ra. Người ta thường quên ý thức về mình, quên đi những gì họ đang nói, những việc họ đang làm. Đôi khi họ giận dữ và để cho cơn giận dữ điều khiển chính mình hơn là quan sát cơn giận dữ đang diễn ra như thế nào trong tâm hồn của họ và kiểm soát cơn giận dữ ấy. Qua đôi mắt của người khác, ta không chỉ quan sát cái vẻ bề ngoài như vẫn làm hàng ngày khi soi gương nhưng ở mức cao hơn, ta khám phá ra những gì đang diễn ra bên trong con người của ta.
Từ đôi mắt của người khác, ta nhìn về chính ta có nghĩa là ta không còn coi bản thân là trung tâm của đời ta. Người ta thường dễ dàng xem họ là trung tâm của câu chuyện.
“Tôi thấy phải như thế này”
“Công việc này là của tôi”
“Mọi việc phải theo ý tôi”
Những câu nói quen thuộc như thế vẫn luôn diễn ra trong đời sống hằng ngày. Vẫn biết rằng, những câu nói ấy là thể hiện sự quyết đoán trong công việc nhưng đôi khi từ cái nhìn “tôi là trung tâm” ấy đã dẫn đến những hệ lụy không đáng có. Những hệ lụy đó có thể là những bất hòa do thiếu sự đồng cảm với những khuyết điểm của người khác, hoặc có thể là sự bất mãn do người dưới cảm thấy sự áp đặt quan điểm cá nhân của người trên.
Chính vì tự coi mình là trung tâm dẫn đến ý nghĩ “Tôi là nguyên nhân chính của những thất bại”. Ý nghĩ này dẫn đến nhiều trường hợp tự tử vì thất bại trong việc học hay vì không chịu đựng được áp lực đè nặng của công việc. Ý nghĩ này biểu hiện thái độ người ta đã không ra khỏi chính họ để nhìn về họ bằng đôi mắt của người khác. Nếu nhìn từ đôi mắt của những người yêu thương họ, những người đang mong muốn họ có được niềm vui hơn là đau khổ thì hẳn họ sẽ có được một thái độ khác.
Nhìn thế giới bằng đôi mắt của người khác cần có nhận định và khôn ngoan. Ta không nên nhìn cuộc sống này bằng đôi mắt của những con người ích kỷ, hẹp hòi, hay có thái độ bi quan trong cuộc sống nhưng cần nhìn bằng đôi mắt của những con người biết yêu thương vô vị lợi, sẵn sàng cho đi chứ không nhận lấy, những con người biết sống hết mình vì người khác, bởi với đôi mắt của những con người luôn có thái độ tiêu cực trong cuộc sống sẽ khiến ta đánh mất đi chính mình và lại giam cầm ta trong nhà tù của sợ hãi và lo lắng. Trong khi đó, với đôi mắt của những con người có cái nhìn tích cực về cuộc sống, ta có được niềm vui và hạnh phúc.
Thế giới ngày nay đang cần một cái nhìn bằng đôi mắt của người khác. Những cuộc chiến tranh đẫm máu, những vụ khủng bộ, những bất công xã hội, tình trạng tham nhũng … là do người ta đang nhìn từ đôi mắt của chính họ chứ không phải đôi mắt của những nạn nhân đang phải gánh chịu những hậu quả đau đớn. Nếu thực sự nhìn từ đôi mắt của các nạn nhân, ắt hẳn người ta sẽ suy nghĩ khác đi và mong muốn đem lại sự ổn định và hòa bình cho mọi người.
Nhìn thế giới qua đôi mắt khác mời gọi ta ra khỏi chính ta, ra khỏi vùng an toàn của ta và chọn lựa cho ta đôi mắt phù hợp để có thể sống vui trong cuộc sống này cũng như đem niềm vui đến với người khác.
Đức Thiện SJ.(dongten.net)


VỘI TRÁCH NGƯỜI - CHẬM TRÁCH MÌNH

"Vôi trách người - chậm trách mình", ta tưởng chừng đó chỉ là những điều nhỏ bé trong cuộc sống, nhưng thực tế hoàn toàn khác. Hầu như đó là mầm mống mọi sự chia rẽ và tan vỡ.

Mỗi một chúng ta được Tạo Hoá ban tặng cho những món quà riêng trong khả năng của mình, nhưng là phận người nên trong ta vẫn luôn ẩn chứa những yếu đuối, bất toàn. Hơn thế nữa, trên đường đời lắm chông gai và nhiều thách thức này, ta khó mà tránh khỏi những vấp ngã, lầm lỗi.
Tuy nhiên, có một sự thật hiển nhiên mà hầu như ai trong chúng ta cũng mắc phải đó là trong những lúc thất bại, sai lỗi ta thường trách người mà chẳng trách mình. Ta luôn nghĩ người khác sai, còn cho mình đúng. Ta luôn đổ lỗi cho người khác mà chẳng bao giờ nhận lỗi về mình.

Vội trách người mà chậm trách mình là một trong những xu thế chính dẫn đến sự rạn nứt và đổ vỡ của những mối tương quan trong cuộc sống. Nó len lỏi, đục khoét và phá vỡ cả những sợi dây liên kết tình cảm mà ta tưởng chừng cứng cỏi và bền chặt.

Trong tương qua tình người, tình làng nghĩa xóm, nhiều khi chỉ vì những sự hiểu nhầm nhỏ, hay những tranh luận cá nhân, ta vội đánh giá người và đổ lỗi cho họ khiến không khí căng thẳng và nghiệm trọng. Bức tường khoảng cách cứ thế ngày càng cao và rộng hơn giữ ta với tha nhân.

Nơi tình bạn đơn sơ và chân thành, lắm lúc lúc chỉ vì những xung đột nhỏ hay những khác biệt trong quan điểm cá nhân, ta đi đến chỗ ghen ghét, hiềm khích chỉ vì thiếu tình vị tha. Ta trách bạn, bạn trách ta mà chẳng ai trách mình. Cứ thế sự trách móc lớn dần theo năm tháng và chia cách tình bạn sau bao năm thắm thiết từ thuở còn thơ.

Trong tình yêu cũng thế, sau bao năm cùng nhau xây dựng mối tình nhỏ, đôi khi chỉ vì những lầm lỗi chẳng đáng trách nhau. Nhưng anh đổ lỗi cho em, em đổ lỗi cho anh. Chẳng ai chịu nhận lỗi. Để rồi chút chuyện nhỏ thành chuyện lớn. Và bao nhiêu kỷ niệm đẹp, bao ký ức yêu thương, bao nhiêu nụ hôn ngọt ngào... bỗng tan thành mây khói chỉ vì chẳng ai chịu hạ mình để từ bỏ cái tôi của mình.

Nơi những mái ấm gia đình ta tưởng chừng kiên cố và vững chắc, ấy thế mà những trách cứ vu vơ vô tình đôi khi lại trở nên sức mạnh phá vỡ mái ấm: đôi khi đó chỉ là là chút giận giữ của chồng hay tý điêu ngoa của vợ; những lúc ta không nhường nhịn người bạn đời của mình; những khi ta không kìm lòng nhìn lại bản thân. Tất cả những điều tưởng chừng nhỏ bé ấy lại có thể trở nên quả bom nổ tung mái ấm nhỏ ấy. Hạnh phúc bỗng dưng tan vỡ. Tình nghĩa vợ chồng đi đến cạn kiệt. Con cái bơ vơ như trẻ không nhà.

"Vôi trách người - chậm trách mình", ta tưởng chừng đó chỉ là những điều nhỏ bé trong cuộc sống, nhưng thực tế hoàn toàn khác. Hầu như đó là mầm mống mọi sự chia rẽ và tan vỡ. Nó đang ăn sâu dần vào tâm trí của nhiều người theo tỷ lệ thuận với độ tuổi. Càng trải nghiệm, càng hiểu biết nhưng thiếu sự học hỏi và cảm thông có thể đưa ta đến những định kiến cứng nhắc và bảo thủ để chỉ biết trách móc người khác và không bao giờ nghĩ mình sai.

Đừng để những trách cứ vu vơ thiếu cảm thông phá vỡ những mối tương quan tốt đẹp. Đừng để cái tôi quá lớn phá đổ những mối tình đẹp trong đời như tình người, tình bạn, tình yêu và tình vợ chồng.

Ai trong ta cũng đang bơi trong dòng đời nhiều nghiệt ngã này. Nếu biết trách mình trước khi trách người sẽ là mái chèo đưa ta đến gần với nhau và đến với đích điểm của đời. Sự cảm thông sẽ hàn gắn hiểu nhầm, tính xây dựng sẽ loại bỏ những hờn trách, niềm vui sẽ thay thế nỗi buồn, tình yêu sẽ xua tan hận thù và hạnh phúc sẽ vượt thắng đau khổ. Tất cả sẽ được hiện hữu sống động và sáng tỏ giữa trần gian tăm tối này nếu chúng ta "vội trách mình - chậm trách người".

J.B Lê Đình Nam


CHÚA NHẬT XVI THƯỜNG NIÊN - C

Thoạt nghe bài Tin mừng hôm nay, có người đã trách móc: Sao Chúa quá mâu thuẫn. Mới tuần trước, Chúa kể truyện người xứ Samaria nhân hậu để dạy phải phục vụ. Vậy mà hôm nay, Chúa lại trách móc, tuy có nhẹ nhàng, nhưng vẫn đau đau, bà Martha đã lăng xăng phục vụ đón tiếp Chúa. Tại sao thế?
Nếu đọc kỹ bài tường thuật hôm nay cũng như toàn bộ Tin mừng, ta sẽ thấy phục vụ tuy được Chúa đề cao, nhưng vẫn phải nằm trong một trật tự toàn bộ của đời sống đạo.
Trật tự thứ nhất: Phục vụ phải biết quên mình.
Phục vụ mà không quên mình sẽ đi đến khoe khoang tự mãn. Ta hãy nhớ lại chuyện hai người lên đền thờ cầu nguyện. Ông Biệt phái đứng giữa đền thờ, lớn tiếng kể công: “Lạy Chúa, con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con” (Lc 18,12). Thái độ khoe mình của ông không được Thiên Chúa chấp nhận vì ông phục vụ mà không biết quên mình.
Phục vụ mà không quên mình sẽ đi đến ganh ghét, dòm ngó, lườm nguýt, loại trừ người khác. Về điểm này, Đức cha Bùi Tuần có đưa ra một hình ảnh rất ý nhị. Trên bàn thờ có ngọn nến và bông hoa. Cả hai cùng phục vụ bàn thờ. Nhưng nếu ngọn nến đốt cháy bông hoa thì thật đau lòng. Phục vụ mà không quên mình sẽ đưa đến loại trừ lẫn nhau. Điều Chúa muốn là phục vụ quên mình. Phục vụ quên mình là phục vụ kín đáo: “Tay trái không biết việc tay phải làm” (Mt 6,3). Phục vụ quên mình chỉ cố ý làm vui lòng Chúa chứ không so sánh hơn thua với anh em. Vì thế phục vụ quên mình sẽ rất khiêm tốn. “Sau khi đã làm tất cả thì hãy nói: Tôi chỉ là đầy tớ vô dụng, tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi” (Lc 17,10).
Trật tự thứ hai: Phục vụ phải biết lắng nghe.
Trước hết phải biết lắng nghe lòng mình xem có đức bác ái không. Nếu không có đức bác ái thì mọi việc phục vụ dù có lớn lao cũng trở thành vô ích như lời thánh Phao-lô nói: “Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, nếu tôi không có đức bác ái, cũng chẳng ích gì cho tôi” (1 Cr 13,3).
Thứ đến phải biết lắng nghe đối tượng phục vụ. Một phục vụ tốt phải đúng lúc, đúng nơi, đúng cách, đúng nhu cầu. Nhưng trên hết phục vụ phải biết lắng nghe Lời Chúa. Việc phục vụ của ta chỉ tốt và có ý nghĩa khi ta làm đúng ý Chúa muốn. Muốn biết ý Chúa, phải lắng nghe tiếng Chúa trong Tin mừng, qua cầu nguyện và tiếp xúc tâm sự với Chúa trong bí tích Thánh Thể. Lời Chúa là đèn soi bước chân ta, là ánh sáng hướng dẫn ta trong mọi hoạt động. Lắng nghe Lời Chúa làm cho hoạt động được vững vàng. Đó là xây nhà trên đá (cf. Lc 6, 47).
Trật tự cuối cùng: Phục vụ phải biết nghỉ ngơi.
Cuộc sống văn minh hiện đại ngày càng cuốn con người vào cơn lốc hoạt động đến ngộp thở. Người ta không còn thời giờ cho gia đình, cho bạn bè, và nhất là cho đời sống tâm linh. Tại các nước phương Tây, con người đang biến thành những cỗ máy làm việc, làm việc không ngừng. Đó là một đời sống mất quân bình, rất nguy hiểm.
Trong Phúc âm, Chúa Giêsu nhiều lần nhắc nhở chúng ta: “Đừng quá băn khoăn lo lắng”. Hôm nay Chúa nhắc lại với bà Martha một lần nữa: “Đừng băn khoăn lo lắng quá”. Chúa không chê trách công việc bà làm, nhưng Chúa chê trách thái độ lăng xăng, lo lắng thái quá. Chúa mời gọi bà hãy biết nghỉ ngơi, biết giữ bình an nội tâm trong một đời sống quân bình bằng cách biết cầu nguyện. Cầu nguyện là nghỉ ngơi bên Chúa. Cầu nguyện tạo cho ta một khoảng không gian và thời gian, nhờ đó đời sống tâm linh phát triển. Chính nhờ những giây phút cầu nguyện bên Chúa mà sinh lực ta được phục hồi. Và ta có thể phục vụ tốt hơn.
Lời Chúa kêu gọi bà Martha, Chúa cũng muốn nói với mỗi người chúng ta hôm nay: “Con đừng quá băn khoăn lo lắng cho cuộc sống. Hãy biết đến bên Cha mà nghỉ ngơi. Cha sẽ bổ sức cho con. Hãy chọn lấy phần tốt nhất như Maria. Đó là một kho tàng bền vững mãi mãi”.
Xin cho mỗi người chúng ta biết lắng nghe tiếng Chúa mời gọi, hãy đến bên Chúa nghỉ ngơi. Để nhờ Chúa hướng dẫn, việc phục vụ của chúng ta sẽ theo đúng ý Chúa muốn và để đời sống tâm linh ta được phát triển toàn diện trong một nếp sống quân bình. Amen.
ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt


ĐIỂM TỰA LÀ ... ĐÔI KHI!

Các bạn ạ, trong cuộc sống sẽ có lúc niềm tin điểm tựa có thể bị lung lay bị sụp đổ, nhưng đừng bao giờ để mình độc bước trên hành trình này, và đôi khi… điểm tựa thực sự cần:
Cần một điểm tựa để mỗi lúc tâm hồn ta trống rỗng, chênh vênh trên đường đời để ta tựa vào tìm về cho mình cảm giác của sự bình yên an toàn.
Cần một điểm tựa để cùng nhau đi qua những gió mưa giông bão của cuộc đời, để biết rằng mình không lẻ loi cô độc trên bước hành trình.
Cần một điểm tựa để cho ta niềm tin và sức mạnh, để biết rằng có một bờ vai 1 bàn tay luôn đưa ra và cùng ta đi qua trùng khơi cuộc đời.
Cần một điểm tựa để vượt qua những bon chen, nghiệt ngã, những xô bồ của cuộc sống ngày hôm nay.
Cần một điểm tựa để những đêm cô đơn cùng nhau thức trắng trò chuyện tâm sự quên đi những muộn phiền, ngủ quên trên sự đời nhiều nhọc nhằn lo toan ngoài kia
Điểm tựa đang ở đâu
Đôi khi! …ta không biết rằng, điểm tựa cho cuộc sống lại là những người ở gần ta, những người thân thương luôn bên ta, những người mang lại niềm vui, hạnh phúc nhỏ cho cuộc sống của mình.
Đôi khi!… ta mải miết đi tìm cho mình một điểm tựa mà vô tình lãng quên đi những con người luôn âm thầm dõi theo, những người bạn luôn bên cạnh mình, những bờ vai vô hình tốt nhất cho ta tựa vào.
Chẳng biết mai sau thế nào, nhưng bây giờ bạn chính là điểm tựa của tôi, tuổi trẻ của chúng ta ĐẸP hơn khi được cùng nhau đồng hành, tôi biết rằng, bạn vẫn đang mải miết đi tìm cho mình một điểm tựa, nhưng bạn ah, quay đầu lại đi: tôi vẫn đang chờ bạn đấy, điểm tựa của bạn không xa đâu nó ở ngay cạnh bạn, chỉ là bạn vô tình không nhận ra mà thôi.
Bạn có biết!
Cuộc sống vốn vội vã, và có những ngày tháng cứ chảy trôi đi như vậy, những con người vô tình chạm vào nhau và xa nhau, những mối quan hệ cũ, người quen – người lạ cũng chỉ là ranh giới nhạt nhoà. Những người đã từng thề hẹn, yêu quý trọn đời, đã từng ôm lấy nhau nghẹn ngào trong giờ phút chia xa cũng mất tích trong biển người mênh mông. Điểm tựa đó nó cũng nằm trong quy luật sinh-ly mà thôi.
Cái quan trọng là trong những giây phút hiện tại, trong số những người đang cùng bạn bước đi, bạn có tìm cho mình được một điểm tựa hay không mà thôi.
Thật ra đến một độ tuổi nào đó, một giai đoạn nào đó trong cuộc đời, chúng ta thèm một cảm giác bình yên để tựa vào, xua đi những mệt nhọc, những áp lực, khổ đau trong cuộc sống.
Và đôi lúc, chúng ta cũng hoài niệm, cũng thương nhớ về cái thời mơ mộng ngày xưa, nhưng thực tế, chẳng còn đủ mạnh mẽ, chẳng còn đủ can đảm, và cũng chẳng còn đủ chút điên khùng, chút phá cách, chút nổi loạn… để làm mới lại cuộc sống của ta hiện tại, rồi chúng ta hoài niệm những con người xưa cũ và tự hỏi, nếu ngày đó ta điên hơn một chút, ta nổi loạn hơn một chút hay ta tung hoành hơn một chút thì tốt biết mấy, nếu ngày xưa mình dành cho bạn ấy nhiều thời gian hơn, quan tâm nhau hơn thì bây giờ không phải tiếc nuối.
Cái gọi là hạnh phúc lâu bền chỉ là một đời yên ổn, lúc khó khăn có người đưa tay ra nắm lấy, lúc mệt mỏi có người để tựa vào, bình bình đạm đạm mà đi qua năm tháng dài rộng… và có lẽ những người bạn ở bên ta trong giây phút hiện tại này mới có thể đem lại cho ta một điểm tựa như vậy.
Những tháng ngày thanh xuân hoa niên đẹp nhất của cuộc đời, những con người chúng ta không sống vì nhau, sống cho nhau, không trân trọng quý giá những người bên mình, mãi cho đến sau này cũng sẽ chỉ là hoài niệm trong tiếc nuối mà thôi.
Và đôi khi điểm tựa cũng có thể là hạnh phúc, hãy trân trọng và níu giữ lấy nhé!
Q.Phong

CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN C

Bước vào Chúa nhật XV thường niên C, mở đầu bài Tin Mừng với một thắc mắc do một nhà thông luật đặt ra cho Chúa Giêsu: "Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?" (Lc 10,25). Biết ông ta là nhà thông luật nên Chúa Giêsu yêu cầu ông hãy tự tìm lời giải đáp. Ông đã tìm thầy và trình bày rất chính xác khi tóm lược hai giới răn chính: Mến Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết sức và hết trí khôn, và thương mến người anh em như chính mình". Để tự biện minh, ông hỏi thêm: "Ai là người anh em của tôi?" (Lc 10,29). Chúa Giêsu trả lời câu hỏi này bằng một dụ ngôn. "Một người kia từ Giêrusalem xuống Giêricô..." khi đọc lên mọi người biết ngay: đó là dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu!
Quan niệm của người Do thái về người thân cận
"Ai là anh em của tôi? " Trong Dothái Giáo thời bấy giờ có sự bàn cãi về ai sẽ được coi như người anh em của người Israel. Và theo họ, phạm trù "người anh em" bao gồm tất cả những người đồng quê với mình và những người Dân ngoại bí mật theo Do Thái giáo. Khi chọn những nhân vật (một người Samaritanô đến giúp đỡ một người Do thái!) Chúa Giêsu khẳng định rằng phạm trù người anh em là phổ quát, không phải riêng rẽ. Chân trời của nó là nhân loại chứ không phải gia đình, giới chủng tộc, hay tôn giáo. Người thù chúng ta cũng là một người anh em! Tin Mừng theo Thánh Gioan dẫn chứng những người Do thái trên thực tế không có tương quan tốt với những người Samaritanô (x. Ga 4,9).
Mọi người là anh em với nhau
Qua dụ ngôn, Chúa Giêsu dạy chúng ta rằng tình yêu người thân cận không những phải phổ quát mà con phải cụ thể và tiên phong thực hiện. Người Samaritanô cư xử thế nào trong dụ ngôn? Nếu người Samaritanô chấp nhận nói với người vô phúc đang nằm đó trong vũng máu, Anh một linh hồn vô phúc! Sao xảy ra như vậy? Hãy vui lên! Hay một cái gì giống như vậy, rôi tiếp tục con đường của mình, thì tất cả những sự kiện đó không phải là mỉa mai và lăng mạ sao? Ngược lại ông đã làm một cái gì cho kẻ khác: "Ông ta lại gần, băng bó những vết thương, xức dầu và rượu, rồi đỡ nạn nhân lên lừa mình, đưa về quán trọ săn sóc. Hôm sau, lấy ra hai quan tiền, ông trao cho chủ quán mà bảo rằng: " Ông hãy săn sóc người ấy và ngoài ra, còn tốn phí hơn bao nhiêu, khi trở về, tôi sẽ trả lại ông. "
Điều mới lạ trong dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu không phải là Chúa Giêsu đòi hỏi một tình yêu cụ thể, phổ quát. Nhưng mới lạ ở tại một cái gì khác, Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI viết trong quyển sách của ngài (x Chương 7 sách "Chúa Giêsu thành Nazarét"). Cuối dụ ngôn Chúa Giêsu hỏi người tiến sĩ luật kẻ đã hỏi Người, "Theo ông nghĩ, ai trong ba người đó [thầy Lêvi, thầy tư tế, người Samaritanô] là anh em của người bị rơi vào tay bọn cướp?"
Chúa Giêsu đem đến một sự đảo ngược bất ngờ trong quan niệm truyền thống về người anh em. Người Samaritanô là anh em chứ không phải là người bị thương tích, như chúng ta vẫn quan niệm. Điều này có nghĩa là chúng ta không phải đợi cho tới khi người anh em chúng ta xuất hiện trên đường đi của chúng ta, có lẽ là quá thê thảm. Chúng ta phải sẵn sàng nhận ra họ, gặp họ. Tất cả chúng ta được kêu gọi nên người anh em! Vấn đề của người tiến sĩ luật bị đảo ngược. Từ một vấn đề trừu tượng và lý thuyết, trở thành một vấn đề cụ thể và sống động. Câu hỏi không phải là: "Ai là người anh em của tôi?" Nhưng "ở đây và bây giờ tôi có thể là anh em của ai?"
Tôi là anh em của ai?
Trong quyển sách của ngài Đức Giáo hoàng đề nghị một sự áp dụng đương thời dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu. Ngài thấy toàn thể lục địa Phi Châu được biểu trưng trong người bất hạnh bị ăn cướp, bị thương tích, và để nằm chết bên lề đường, và ngài thấy, những thành phần của những xứ giàu có bắc bán cầu, hai người đi ngang qua, nếu không phải chính xác là những tay cướp.
Chúng ta có thể đưa ra một đề nghị áp dụng khác về dụ ngôn. Giả thiết, nếu Chúa Giêsu đến với dân Israel hôm nay và một người thông luật lại hỏi Người, "Ai là người anh em của tôi?" Người sẽ thay đổi một chút bài dụ ngôn và thay vì người Samaritanô Người sẽ đặt một người Palestin! Nếu một người Palestin hỏi Người cũng một câu hỏi, thì trong chỗ người Samaritanô chúng ta sẽ gặp một người Israel!
Chúng ta không áp dụng cho châu Phi và Trung Đông nữa. Nếu có ai trong chúng ta đang ngồi đây hỏi Chúa Giêsu câu hỏi "Ai là người anh em của con? " Thì Người sẽ trả lời sao? Chắc chắn Người sẽ nhắc chúng ta rằng người anh em chúng ta không những là người đồng hương Việt Nam máu đỏ da vàng với chúng ta, nhưng cũng là những kẻ ngoài cộng đồng chúng ta, không những là những người Kitô hữu mà còn những người Phật Giáo, không những là những người Công Giáo mà cũng là những người Tin Lành, không những là người cùng tín ngưỡng mà cả những người Cộng sản vô thần nữa. Nhưng Người sẽ nói thêm liền là điều này không phải là quan trọng nhất. Điều quan trọng nhất không phải biết ai là người anh em của tôi nhưng là thấy ở đây và bây giờ tôi có thể là anh em của những ai, tôi có thể làm người Samaritanô nhân hậu cho ai.
Hôm nay, Chúa nói với chúng ta: "Hãy đi và làm y như vậy", làm như người Samaritanô đã làm. Tất cả chúng ta phải tiếp tục nhiệm vụ của người Samaritanô nhân hậu bên cạnh những người chúng ta gặp và chân thành giúp đỡ, băng bó các vết thương thể xác và tinh thần cho họ, những vết thương lòng, nghèo đói, ốm đau, bệnh tật, cô đơn và chết chóc... Đừng ngồi đặt vấn đề: "Ai là anh em tôi?", nhưng hãy đi và tỏ ra "mình là anh em của mọi người". Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

ĐÔI DÉP

Những người bạn của tôi, đôi dép hàng hiệu, đôi dép tình yêu, đôi dép thành công ... đã lần lượt được bán đi. Còn tôi đứng lại nơi cửa hàng khắc khoải chờ đợi một cuộc ra đi, mòn mỏi với ước mơ đời gọi tên mình.
Có lẽ, số phận tôi hẩm hiu. Lúc được sinh ra, không màu sắc rực rỡ, không tem không mác. Bởi vậy tôi cứ bị cho đứng âm thầm nơi góc kệ. Đời mà, người ta thích những gì lộng lẫy, cao sang, chẳng ai muốn đi trên chân mình một đôi dép đơn sơ nhỏ bé.
Vì không ai lựa chọn, vì không ai ngắm nhìn, vô tình tôi có thời gian suy nghĩ nhiều hơn về cuộc sống. Chỉ khi chìm vào trong thinh lặng, tôi mới nghe rõ được nhịp đập thao thức của lòng mình.
Rồi chiều nọ, có một người đàn bà đến mua dép, dáng thấp lùn, khuôn mặt xấu xí, không một chút duyên. Bà đứng phân vân lựa dép. Đôi mắt lướt qua đống giày dép sang trọng, đẹp đẽ mà không thấy chút cảm xúc nào. Sao kỳ lạ vậy? Thường con người bị mê hoặc bởi những thứ lấp lánh bề ngoài cơ mà. Bỗng bà dừng lại nơi tôi. Một cảm giác gai gai trong người khi tôi biết mình được chọn.
Đó là niềm vui, hay sự sợ hãi? Sợ hãi vì mình không được những người đẹp, những người danh tiếng chọn, mà lại là một người đàn bà … quê mùa thô kệch.
Nhưng là dép, sứ mạng của chúng tôi phải ra đi. Cũng như con người, không bao giờ được chọn mình sinh ra như thế nào, và mình chết ra sao. Sứ mạng của con người là sống. Sống thật hăng say. Sống thật ý nghĩa.
Vào một đêm mưa gió rất lớn, người đàn bà ấy mang tôi chạy tất tả trên phố tìm chỗ trú. Đường phố nơi đất nước Ấn Độ này, chỉ một vài phút sau mưa, nước đã ngập và trở nên lầy lội. Toàn thân bà ta rét run, hai hàm răng va vào nhau. Tôi cũng bị ngập trong nước.
Cuối cùng cũng đến được nhà ga.
Khi vừa đến, thì bà phát hiện, một người đàn ông đang trong tình trạng nguy kịch, nằm chỗ hàng ghế chờ.
Thú thật, tôi muốn bà bước qua, tìm một chỗ nghỉ ngơi, mỏi mệt quá rồi, hơi đâu mà để ý đến chuyện khác, không liên quan đến mình. Biết đâu dính vào lại thêm rắc rối.
Nhưng bà lại chạy đến bên người đàn ông kia, cúi xuống và cố gắng khiêng ông ta lên, nhưng do bà quá nhỏ bé, nên không thể.
Bà liền tất tả chạy đi, gõ cửa từng nhà thương, xin giúp đỡ. Sự tha thiết van xin của bà, đều nhận lại cái lắc đầu.
Không ai chữa bệnh cho người nghèo. Nghèo khi bệnh chỉ có chết mà thôi.
Nước mắt rơi lã chã trên khuôn mặt bà, không làm nao lòng các bác sỹ, y tá trong đêm nghiệt ngã ấy. Làm một đôi dép như tôi, xa xót cả cõi lòng.
Tôi thương làm sao bàn chân bà vì người khác chạy lấp xấp trong đêm mưa. Tôi quý làm sao giọt nước mắt vì thân phận của người khác mà tuôn rơi. Chỉ có rung động đến tận cùng với nỗi đau người khác, ta mới có thể khóc. Bởi vậy, với tôi, nước mắt là vô giá.
Khi bà quay trở lại nhà ga, người đàn ông đó đã chết. Chết trong … một đêm mưa thiếu vắng tình người.
Tôi bàng hoàng đau, khi đôi chân bà qụy xuống. Bà khóc ngất vì mình vô dụng.
Tôi không ngờ rằng, tôi đang được chiêm ngắm một tình yêu nơi một người tưởng chừng như thừa mứa trong xã hội, xấu xí và quê mùa. Trong khi có nhiều người trang hoàng cho mình xinh tươi, làm ra vẻ quan trọng nhưng trái tim là gỗ mục, là sỏi đá vô tri.
Bà có thể chọn lối sống an nhiên hưởng thụ, vì điều đó chẳng có gì sai. Bà có thể bận những chiếc áo đắt tiền, hở ngực, khoe rốn như tất cả người đàn bà khác, nhưng bà lại chọn cho mình chiếc áo một mầu đơn sơ, thanh đạm. Cũng như bà có thể chọn những đôi dép hàng hiệu, sành điệu, nhưng bà lại chọn tôi. Cuộc sống là những lựa chọn không ngừng mà. Từ trong cách chọn lựa ấy, ta vẽ lên ý nghĩa của cuộc đời mình. Bà chọn con đường gian nan nhất, con đường hy sinh.
Bà không có nhan sắc lộng lẫy của người mẫu, hoa hậu. Bà không có quyền lực để sai khiến người khác. Bà cũng không có tiền. Nhưng bà có một thứ, mà không ai có thể có được, đó là trái tim biết khóc.
Và mọi người trên thế giới đều biết bà là ai, bà là: Mẹ Têrêsa Calcuta !
Mẹ không sống, để cải cách xã hội, để chỉnh đốn tôn giáo, mẹ chỉ sống để chăm lo cho những người ô uế, những người bị khinh khi, xa lánh, những người bị đẩy ra bên lề cuộc sống.
Mẹ không viết sách triết lý, mẹ chẳng giảng đạo, tuyên truyền, mẹ chỉ đến ngồi và khóc cùng người nghèo.
Bàn tay mẹ trắng, gia tài lớn nhất của mẹ, là cây viết chì, và đôi dép mòn gai. Mẹ sợ phải sống đầy đủ, nên suốt cuộc đời mẹ là khó nghèo. Mẹ nói: Đi bộ thì muốn có xe đạp, có xe đạp rồi thì mơ xe gắn máy, có xe gắn máy rồi lại ước xe hơi, bởi vậy tôi chọn … không có gì cả, ngoài tấm lòng.
Trước mặt Thượng Đế, chúng ta chẳng ai cao lớn, cũng chẳng ai nhỏ bé, chẳng ai xinh đẹp, cũng chẳng ai xấu xí vì chúng ta vào đời bằng chính ân sủng của cuộc đời, được sống là một niềm hạnh phúc.
Tôi là một đôi dép may mắn được theo chân người đàn bà xấu xí đi khắp thế giới chỉ để cứu vớt những cuộc đời.

Xin được làm đóa hoa
Thầm lặng nở bên đường
Dẫu cuộc đời gió bụi
Vẫn đong đầy sắc hương