TRUNG TÍN, MÓN QUÀ LỚN NHẤT CHÚNG TA CHO NGƯỜI KHÁC

Trọn một lòng tin có nghĩa là trung tín. Đây không phải là trò chơi chữ, nó còn giá trị hơn thế. Đức tin là trung tín, không hơn, không kém.
Sau tang lễ của mục sư Martin Luther King, một trong các kỷ giả tường thuật buổi lễ đến nói chuyện với một ông già đứng ở bên kia lề nghĩa địa. Ký giả hỏi ông: “Người chết có ý nghĩa gì với ông? Tại sao người đó đặc biệt dưới mắt ông?” Ông già vừa khóc vừa trả lời đơn giản: “Ông ấy là người cao cả vì ông trung tín. Ông vẫn tin ở chúng tôi khi chúng tôi không còn tin ở mình, ông vẫn ở lại với chúng tôi ngay cả khi chúng tôi không xứng đáng để ở cùng ông!”

Đó là chứng tá của cả một đời. Nếu, đến ngày chôn mình, có người nói, bạn đã sống trọn một cuộc đời tốt đẹp, dù trong đời đã có những chuyện không đẹp. Ông cụ già này đã định nghĩa một điều chính xác trong chứng tá của mục sư Martin Luther King, đó là ý nghĩa của lòng trung tín. Trọn một lòng tin có nghĩa là trung tín. Đây không phải là trò chơi chữ, nó còn giá trị hơn thế.

Xét cho cùng, đức tin không phải đơn giản chỉ là tốt, là cảm thấy an bình có Chúa hiện hữu. Đức tin là cam kết vào lối sống vượt quá cả tốt và cảm nhận được bình an. Để có lòng tin đôi khi chúng ta phải độc lập với bất cứ xúc cảm nào đến với chúng ta. Rốt cùng, đức tin không phải là cái đầu, cũng không phải là quả tim nhưng hành động để hổ trợ cho điều mình đã cam kết dấn thân. Đức tin là trung tín, không hơn, không kém.

Và có thể, hơn tất cả các đức tính khác, ngày nay, ở nhà thờ, trong gia đình, trong thế giới chung chung, trung tín là đức tính chúng ta cần đến nhất. Món quà lớn nhất mà chúng ta có thể cho người chung quanh là lời hứa trung tín, đơn giản hứa ở lại, không bỏ đi khi gặp khó khăn, khi cảm thấy thất vọng, bị đụng chạm, ở lại dù cảm thấy mình không được mong muốn, không được tôn trọng, ở lại khi cá tính và nhãn quan bị xung đột, ở lại nhờ kiên định.

Thường thường điều hay xảy ra trong các các việc chúng ta dấn thân làm là bỗng người này người kia hăm dọa nhau: chúng tôi cam kết ở lại với bạn, gia đình, cộng đoàn, nhà thờ với một điều kiện ngầm: tôi sẽ ở lại nếu bạn đừng làm tôi thất vọng nhiều, đừng đụng chạm đến tôi. Nếu đụng đến tôi, tôi đi!

Không gia đình, tình bạn, cộng đoàn, nhà thờ nào có thể đứng vững trên nguyên tắc này, đơn giản vì chúng ta sống và làm việc lâu dài với nhau thì không thể nào không thất vọng và đụng chạm nhau.

Bên trong bất cứ quan hệ nào – hôn nhân, gia đình, tình bạn, giáo xứ và ngay cả với các đồng nghiệp –  không bao giờ chúng ta có thể hứa là không làm thất vọng nhau, không bực mình nhau, cá tính không đụng chạm hoặc không đụng chạm nhau vì cứng ngắt, ích kỷ và yếu kém. Chúng ta không thể nào hứa mình sẽ luôn luôn tốt. Chúng ta chỉ có thể hứa là sẽ luôn luôn ở đó!

Và, cuối cùng, lời hứa đó là đủ để chúng ta ở lại và không hăm dọa bỏ nhau khi bị thất vọng hay đụng chạm, bởi vì thất vọng hay đụng chạm có thể bỏ qua và bù lại bằng đức tin và bằng tình thương để chúng ta ở lại với nhau lâu dài. Khi có đức tính trung tín trong quan hệ, thì các tổn thương và hiểu lầm có thể được thanh tẩy và ngay cả chuyển hóa thành tình thương.

Khi kỷ niệm đám cưới, ngày khấn dòng, ngày chịu chức, tình bạn lâu năm, thời gian làm việc thâm niên, rất nhiều người khi nhìn lại đàng sau, họ không còn cảm thấy bị tổn thương, ruồng bỏ, hiểu lầm, cay đắng, vì đó cũng là một phần của những năm tháng này. Những chuyện này được thanh tẩy bởi một cái gì sâu đậm, được lớn lên nhờ lòng trung tín, là tin cậy và tôn trọng.

Đôi khi các bạn thấy được điều này một cách đáng khâm phục ở hai người nào đó, họ miễn cưỡng tôn trọng nhau, cuối cùng giữa họ đã phát triển một mối quan hệ, chân thành và gắn bó với nhau qua nhiều năm tháng dù họ bất đồng về cá tính, chính trị, tôn giáo hay lịch sử. Thực tế đơn giản của việc phải tiếp xúc với nhau qua bao nhiêu năm tháng, cuối cùng, họ đã hiểu nhau sâu đậm và tôn trọng nhau dù họ rất khác biệt nhau.

Cầu nguyện cũng đóng vai trò như vậy. Các tác giả thiêng liêng lớn đưa ra một luật tối hậu về cầu nguyện và luật này không dính gì với phương pháp, phong cách, nội dung. Đơn giản: Cầu nguyện! Đừng bao giờ bỏ! Đừng bao giờ ngừng cầu nguyện! Bạn vẫn một mực cầu nguyện, cuối cùng thì Chúa sẽ thấu hiểu. Đừng bao giờ ngừng cố gắng! Và đó cũng đúng cho tất cả mọi quan hệ của chúng ta.

Món quà lớn nhất mà chúng ta cho là lời hứa trung tín, hứa chúng ta sẽ tiếp tục cố gắng, sẽ không bỏ đi vì bị tổn thương hay vì cảm thấy mình không được mong muốn hoặc không được đánh giá đúng.

Chúng ta tất cả đều yếu đuối, bị xúc phạm, tội lỗi, và dễ bị tổn thương. Trong hôn nhân, gia đình, giáo xứ, bạn bè, giữa các đồng nghiệp, chúng ta không thể nào hứa là chúng ta không làm thất vọng nhau, không làm tổn thương nhau. Nhưng chúng ta có thể hứa là không bỏ đi vì thất vọng và bị tổn thương. Đó là tất cả những gì chúng ta có thể hứa, và như vậy là đủ!

Ronald Rolheiser,

J.B. Thái Hòa dịch

ĐỊNH NGHĨA VÀ Ý NGHĨA CỦA VÂNG PHỤC

Phó mình cho bề trên và tin tưởng đó là ý Chúa gửi đến cho mình. Như vậy, điểm cốt yếu của vâng phục vẫn là tìm ý Chúa mà thực thi, từ trực tiếp sang gián tiếp.
Vâng phục là lời khấn thứ ba trong số ba lời khấn. Đối với một số người, đây là lời khấn khó tuân giữ nhất vì nó đụng chạm đến tự do quan điểm, với việc phải hãm dẹp đi ý riêng và đôi khi phải làm điều mà mình không thích. Quả thực, lời khấn vâng phục cũng gây ra nhiều tranh cãi và cũng là một thách đố lớn lao dành cho con người ở mọi thời đại, mọi lứa tuổi, dù người đó mới chập chững bước vào đời tu hay đã tu lâu năm trong dòng. Nhưng liệu đòi hỏi về sự vâng phục có là một sự chà đạp tự do? Đó có phải là một kiểu xúc phạm nhân phẩm, hay là một sự chuyên quyền của bề trên? Điều đầu tiên giúp ta có thể dễ dàng hiểu được vì sao phải vâng phục trong dòng tu là vì nếu không có vâng phục một vị bề trên hợp pháp, cuộc sống trong cộng đoàn chắc chắn sẽ có nhiều xáo trộn. Sống trong một tập thể mà ai cũng muốn làm theo ý riêng của mình thì sẽ chẳng có trật tự gì. Đó sẽ không còn là đời sống cộng đoàn nữa. Sự vâng phục một bề trên giúp quy hướng mọi người về một mối, giúp tránh mọi nguy cơ chia rẽ và giúp đảm bảo ơn gọi của mỗi người.

Nhưng bản chất và ý nghĩa của sự vâng phục còn đi xa hơn thế. Giáo luật điều 601 nói rằng “lời khuyên phúc âm tuân phục được đảm nhận với tinh thần đức tin và đức mến, theo gương Đức Kitô tuân phục cho đến chết, buộc phải quyết chí tuân phục các bề trên hợp pháp đại diện Thiên Chúa, khi các Ngài truyền lệnh theo Hiến Pháp riêng.” Từ định nghĩa này, ta có thể rút ra được một vài điểm cốt yếu trong sự vâng phục của đời tu.
Trước hết, người tu sĩ phải đón nhận nó với tinh thần của đức tin và đức mến. Đức tin trong sự vâng phục thể hiện ở chỗ tin rằng vị Bề trên hợp pháp là đại diện của Chúa, dù rằng người ấy có nhiều khiếm khuyết, bất toàn, thậm chí là thua kém mình mọi đàng. Tu sĩ phải tỏ lòng kính trọng bề trên, yêu mến bề trên như yêu mến Chúa vì chỉ khi yêu mến, họ mới có thể vâng phục được. Thứ đến, người tu sĩ vâng phục theo như mẫu gương Giêsu vâng phục Chúa Cha trong mọi chuyện và vâng phục đến nỗi sẵn sàng chấp nhận chịu chết. Khi nói đến điều này, ta liên tưởng đến sự vâng phục hệt như một của lễ dâng lên Chúa. Vâng phục không chỉ là chuyện cúi đầu làm theo răm rắp những gì bề trên nói như một người không có ý thức, nhưng còn là một sự từ bỏ, một nỗ lực hãm dẹp ý riêng của bản thân. Nó trở thành của lễ là vì thế.
Và dĩ nhiên, phải vâng phục bề trên hợp pháp, chứ không phải bất cứ bề trên nào, hay người lớn tuổi nào. Người tu sĩ trong cộng đoàn này không buộc phải vâng phục bề trên của cộng đoàn khác trong những gì không thuộc quyền của họ. Người tu sĩ cũng không buộc phải vâng phục một vị tu sĩ lớn tuổi nào đó, khi người đó bắt mình làm điều này điều kia. Ta có thể làm vì lòng yêu mến hay vì nể trọng, nhưng đó không phải là vâng phục theo nghĩa một lời khấn. Sự vâng phục cũng chỉ được bao hàm trong những gì “theo Hiến Pháp của dòng quy định.” Thông thường, đó là những gì liên quan đến đời sống chung hay đến sứ mạng, các bài sai, những lúc chuyển đổi sứ mạng… Sẽ thật là ngớ ngẩn khi bề trên bắt tất cả mọi người thuộc quyền mình cũng phải thích hoa hồng giống như mình!
Như thế, có một khác biệt giữa sự vâng phục trong đời tu và sự vâng phục ngoài đời thường. Các nhân viên phải nghe theo phán quyết của sếp mình, nhưng chẳng có gì gọi là đại diện Chúa hay của lễ dâng lên Chúa ở đây cả. Họ phải làm theo lệnh sếp chỉ vì miếng cơm manh áo, vì lợi ích của công ty mà thôi. Cũng chẳng phải vì nghe lời sếp mà các nhân viên trở nên hoàn thiện hơn, tốt lành hơn, dễ nên thánh hơn. Sự vâng phục trong đời tu là một sự chấp nhận hạ mình, để mình lệ thuộc vào người khác, hy sinh quyền tự quyết của mình vì tin rằng đó là điều Chúa muốn và Chúa mặc khải ý của Ngài qua sự khôn ngoan của bề trên. Các tu sĩ từ bỏ ý riêng của mình để nên giống Đức Kitô hơn. Chính qua sự vâng phục mà người tu sĩ thấy mình được liên kết với Chúa. Vâng phục là dâng Chúa tự do chứ không phải xoá bỏ nó; vâng phục là chân nhận quyền tối cao của Thiên Chúa, là dâng mình cho Thiên Chúa cách triệt để và không dè xẻn. Vâng phục là thắng chính mình, là từ bỏ hết để Chúa chiếm trọn con người mình. Nói cách khác, vâng phục là tỏ ra mềm mại trước Chúa Thánh Thần, Đấng hoạt động qua cộng đoàn và bề trên, cũng là cách chia sẻ trách nhiệm với Bề Trên và cộng đoàn.
Trong Cựu Ước, sự vâng phục chỉ được hiểu là giữ luật Chúa như người tôi trung, là tuân theo giao ước, hay nói cách chung, là làm theo những gì Chúa phán bảo. Trong Tân Ước, vâng phục là giữ luật tình yêu mà Chúa Kitô mang đến: yêu Cha và yêu anh chị em hết lòng. Có thể nói, vâng phục trong đời tu không có nền tảng trực tiếp từ Kinh Thánh vì không nơi nào Chúa Giêsu khuyên các môn đệ hãy vâng phục một người phàm nào, trong một cộng đoàn nào. Tuy nhiên, nó cũng có nguồn gốc sâu xa từ Kinh Thánh.Trọn cuộc đời của Chúa Giêsu là mẫu gương cho sự vâng phục thánh ý Cha (Mt 6,10; 26,39; Ga 8,29.55; Ga 4,34; Rm 5,19…), và trong sự gắn bó mật thiết với Cha, Ngài nghe được lời mời gọi của Cha và sẵn sàng làm theo thánh ý ấy, cho dù là chết.Các môn đệ được nên một với Đức Giêsu nhờ vâng phục ý muốn của Thiên Chúa. Ý muốn đó là các môn đệ phải trở nên môn đệ đích thực của Chúa Giêsu và cùng chia sẻ sứ mạng của Chúa Giêsu. Vâng phục Chúa được thể hiên qua việc vâng phục giáo huấn của Chúa Giêsu và vâng phục Tin Mừng.
Đến thời các ẩn sĩ, cách chung, đã muốn dấn thân cho Chúa thì phải tìm ý Chúa mà thực thi. Các nhà ẩn dĩ này cho rằng tự bản thân, họ có thể gặp gỡ được Thiên Chúa, biết được ý Chúa qua việc suy niệm Tin Mừng, ăn chay, khổ hạnh. Vì thế, ban đầu người ta nghĩ đến từ bỏ của cải, gia đình, chứ không nói đến từ bỏ ý riêng. Và hiển nhiên, khi sống một mình thì không phải vâng phục ai.Sau đó, xuất hiện tình trạng một người muốn đi tu thì phải thọ giáo một vị ẩn tu cao niên hơn để được chỉ dạy. Những người mới đi tu thì chưa thể tìm ý Chúa một mình được nên cần người khác trợ giúp. Đây là hình thức đầu tiên của vâng phục. Người ta bắt đầu đề cao vâng phục như một đức hạnh trỗi vượt nhất vì là đức hạnh từ bỏ chính mình, như một hình thức tiết chế của phần hồn, khác với khó nghèo và khiết tịnh là tiết chế phần xác. Cho đến khi kết thúc giai đoạn thọ giáo, thì họ cũng không cần vâng phục nữa.
Hết thời ẩn tu, sang thời cộng tu. Các tu sĩ sống chung với nhau vì cần nhau để sinh tồn và trợ giúp thiêng liêng. Có những người không thể tự mình tìm gặp Chúa nên cần người khác, đặc biệt là những người tu lâu năm. Họ tự nguyện nghe theo hướng dẫn, chỉ bảo của người này như một cách thức nghe được tiếng Chúa. Đến khi đời sống cộng đoàn đúng nghĩa được hình thành, ngoài việc phải nghe một người nào đó mà mọi người tin tưởng bầu lên hướng dẫn mọi người, còn nảy sinh việc phải vâng phục để giữ kỷ cương, trật tự trong cộng đoàn, hoặc lo những công việc chung. Khi các dòng sứ mạng ra đời, vâng phục càng cần hơn vì giữa cánh đồng bao la, người tu sĩ không biết bắt đầu từ đâu. Họ phó mình cho bề trên và tin tưởng đó là ý Chúa gửi đến cho mình. Như vậy, điểm cốt yếu của vâng phục vẫn là tìm ý Chúa mà thực thi, từ trực tiếp sang gián tiếp.


Pr. Lê Hoàng Nam, SJ (dongten.net)

CHẾT TRONG BÀN TAY TIN YÊU

Tất cả chúng ta khi qua đời, vẫn còn đang cần một người mẹ, Nhưng đức tin bảo đảm cho chúng ta rằng chúng ta sẽ được sinh ra trong đôi bàn tay đáng tin cậy hơn và được nuôi dưỡng hơn đôi bàn tay của nhân loại.
Thật khó để nói lời an ủi khi đứng trước cái chết, dù người quá cố đã sống trọn cuộc đời, sống thọ và ra đi trong bình an. Đặc biệt khó hơn khi người chết còn trẻ, còn cần được chăm sóc nuôi dưỡng, khi họ chết trong hoàn cảnh không được lý tưởng cho lắm.

Là một linh mục, tôi đã nhiều lần chủ lễ các tang lễ của những người chết trẻ vì bệnh tật, tai nạn, hay tự vẫn. Những đám tang như thế luôn luôn buồn thảm và mang tính hoài nghi. Tôi còn nhớ một đám tang như vậy: Một học sinh trung học chết vì tai nạn xe hơi. Gia đình, bạn bè, và bạn học của em lòng đầy thương tiếc đến dự chật kín cả nhà thờ. Mẹ cậu, vẫn còn trẻ, ngồi ở hàng ghế đầu, lòng bà nặng trĩu với nỗi tang thương mất mát của mình, nhưng rõ ràng bà quặn thắt khi nghĩ về đứa con. Và hơn hết, em chỉ là một đứa trẻ, phần nào vẫn còn cần người chăm sóc, vẫn cần mẹ. Và bà mẹ cảm nhận em chết trẻ như thế, theo cách nào đó, cũng đã làm em trở thành em bé mồ côi.

Chẳng có mấy lời có tác dụng trong trường hợp như thế này, nhưng có vài lời mà chúng ta buộc phải nói, ngay cả trong một ngày như thế, khi cái chết vẫn còn trước mặt, khi người ta không cảm được bao nhiêu sự an ủi về mặt tình cảm được. Phải nói gì trước một cái chết như thế?  Đơn giản là cậu bé bây giờ đang ở trong bàn tay yêu thương hơn, âu yếm hơn, dịu hiền hơn, và đáng tin cậy hơn đôi tay của chúng ta, rằng ở bên kia có một người mẹ đón nhận em, săn sóc nuôi dưỡng mà em vẫn còn cần, giống như ở đời này vậy. Không một ai sinh ra mà lại không nằm trên bàn tay ẵm của mẹ cả. Đó chính là hình ảnh mà chúng ta cần phải giữ trước mắt để có thể hình dung cái chết một cách lành mạnh hơn.

Vậy cụ thể hơn, hình ảnh này là gì. Một vài hình ảnh nền tảng và dịu hiền như hình ảnh người mẹ ôm và ru đứa con mới sinh của mình.  Lời bài thánh ca Đêm Thánh Vô Cùng, Silent Night, bài thánh ca Giáng Sinh nổi tiếng nhất mọi thời đã lấy cảm hứng từ hình ảnh này. Joseph Mohr, một linh mục trẻ người Đức, chiều trước lễ Giáng Sinh, đã đi đến một căn nhà tranh trong rừng để rửa tội cho một em bé mới sinh. Khi ông ra về, đứa trẻ ngủ ngon trong lòng mẹ. Ông được đánh động quá đỗi trước hình ảnh đó, trước sự sâu thẳm và bình an của hình ảnh đó, rồi khi trở về nhà xứ, ngay lập tức ông viết nên những dòng lừng danh của bản Đêm Tttt Vô Cùng. Người hướng dẫn dàn nhạc của ông, đã thêm một vài hợp âm guitar cho những dòng này, biến chúng thành những dòng bất hủ. Hình ảnh khuôn mẫu tuyệt đối cho yên bình, an toàn, và bảo đảm chính là hình ảnh em bé sơ sinh ngủ trong lòng mẹ. Hơn nữa, khi một đứa trẻ chào đời, không chỉ có một mình người mẹ háo hức muốn ẵm bồng mà tất cả gia mọi người đều muốn.

Có lẽ chẳng có hình ảnh nào phù hợp, mạnh mẽ, có sức an ủi, và chính xác hơn nữa để minh họa những gì xảy đến với chúng ta khi chết đi và tỉnh dậy trong sự sống bất diệt cho bằng hình ảnh bà mẹ ẵm đứa con mới sinh của mình. Khi qua đời, chúng ta chết trong bàn tay Thiên Chúa, và chắc chắn chúng ta đã được đón nhận với quá đỗi yêu thương, trìu mến, dịu hiền như khi chúng ta được mẹ ẵm trên tay lúc mới sinh. Hơn nữa, chắc chắn ở đó, chúng ta được an toàn hơn khi sinh ra trên thế gian này. Tôi cũng nghĩ, ở đó sẽ có những vị thánh quây quần xung quanh, chờ đến lượt mình để được ẵm em bé mới sinh. Và như thế thật an tâm nếu chúng ta chết trước khi sẵn sàng để chết, khi vẫn còn cần được chăm sóc nuôi nấng, khi vẫn còn cần một người mẹ. Chúng ta đang ở trong đôi bàn tay an toàn, ân cần, và đầy tình chăm sóc.

Đó có thể là niềm an ủi thâm sâu bởi cái chết đẩy tất cả mỗi chúng ta vào tình trạng mồ côi, và mỗi ngày, đều có những người chết trẻ, bất ngờ, thiếu chuẩn bị, những người vẫn còn cần được chăm sóc. Tất cả chúng ta khi qua đời, vẫn còn đang cần một người mẹ, Nhưng đức tin bảo đảm cho chúng ta rằng chúng ta sẽ được sinh ra trong đôi bàn tay đáng tin cậy hơn và được nuôi dưỡng hơn đôi bàn tay của nhân loại.

Tuy nhiên, dù có lẽ sẽ đem lại an ủi, nhưng nó vẫn không thể chấm hết nỗi đau buốt vì mất đi người thân yêu. Chẳng gì cất đi được nỗi đau buồn đó cả, vì chẳng có gì được định để làm việc đó. Cái chết là vết sẹo không phai trong tâm hồn chúng ta vì đó chính là những đau đớn do tình yêu mà ra. Dietrich Bonhoeffer đã nói về điều này như sau: “Không có gì có thể khỏa lấp việc mất đi người chúng ta yêu thương. … Thật vô lý khi nói rằng Thiên Chúa lấp đầy khoảng trống, Thiên Chúa không lấp đầy nó, nhưng ngược lại, ngài vẫn để nó trống rỗng và như thế giúp chúng ta giữ mối giao tình với người đã mất cho dù cái giá của nó là nỗi đau.  … Ký ức của chúng ta, nếu càng nhiều và càng thiết tha, thì sự chia lìa càng nên khó khăn hơn. Nhưng lòng biết ơn biến đổi những nhói buốt trong ký ức thành niềm vui thanh bình. Vẻ đẹp của quá khứ không phải là chiếc gai đâm xé da thịt nhưng chính là tặng vật quý báu.”

Ronald Rolheiser,

J.B. Thái Hòa dịch

CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH - B

Hình ảnh mục tử sống giữa đàn chiên là hình ảnh rất thân quen đối với dân Do Thái ngày xưa chuyên sống đời du mục. Hình ảnh nầy được Thánh Kinh Cựu Ước sử dụng nhiều lần để diễn tả tình yêu của Thiên Chúa dành cho dân Người.
Qua Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dùng lại hình ảnh nầy như một biểu tượng cao đẹp để diễn tả tình thương cao vời Người dành cho nhân loại với những nét lớn sau đây:
1. Mục tử Giêsu sống hoà mình thân mật với đoàn chiên.
Thiên Chúa Ngôi Hai là Đấng quyền năng cao cả, còn loài người chỉ là tạo vật thấp hèn. Cách biệt giữa đôi bên thật là quá lớn.
Thế nhưng Ngôi Hai Thiên Chúa đã vượt qua mọi cách biệt để sống hoà đồng với con người. Người không muốn duy trì quan hệ đẳng cấp kiểu vua-tôi, chủ-tớ với con người nhưng muốn sống hài hoà thân mật với hết thảy chúng ta.
Qua biểu tượng mục tử với đàn chiên, Chúa Giêsu tỏ cho thấy Người vui sống chan hoà với mọi người và tương quan giữa đôi bên hết sức thân mật không còn khoảng cách.
Người đã từng hoà mình với dòng người tội lỗi chờ được thanh tẩy bên bờ sông Gio-đan (Mát-thêu 3, 13-16). Người cùng ăn uống đồng bàn và trọ nhà những người tội lỗi. (Lc 19,7). Người nâng li rượu chúc mừng đôi tân hôn trong tiệc cưới Ca-na (Ga 2, 1-11). Người khóc thương La-da-rô bạc mệnh (Ga 11,35). Người cứu chữa kẻ bệnh tật, vui đùa với các trẻ thơ… Nói tóm lại, tất cả mọi người đều có chỗ đứng đặc biệt trong trái tim Mục tử Giêsu.
2. Mục tử Giêsu cho chiên được sống dồi dào.
Thánh vịnh 23 phác hoạ chân dung Chúa Giêsu như Vị Mục Tử nhân lành tận tình nuôi dưỡng đoàn chiên cách chu đáo, chẳng để chiên phải thiếu thốn điều gì.
“Chúa là Mục Tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.
Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ.
Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi” (Tv 23, 1-3)
Các mục tử trên đời nầy nuôi chiên nhằm khai thác chiên: xén lông, xẻ thịt hoặc bán chiên lấy tiền, còn Mục Tử Giêsu thay vì khai thác trục lợi đoàn chiên thì lại hiến thân mình làm lương thực để chiên được dồi dào sức sống: “Phần tôi, tôi đến để cho chiên tôi được sống và sống dồi dào” (Gioan 10, 10)
Người chấp nhận trao ban chính mình làm lương thực nuôi sống đoàn chiên đang lầm than đói khát: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!” (Gioan 6, 35),
3. Mục tử Giêsu chăm sóc từng con chiên một, không bỏ rơi bất cứ con chiên nào.
Lời tiên báo của ngôn sứ Ê-dê-ki-en đã được ứng nghiệm từng chữ nơi Mục tử Giêsu: “Chính Ta sẽ chăn dắt chiên của Ta. Chính Ta sẽ cho chúng nằm nghỉ. Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó; con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh” (Edekien 34, 15-16)
Qua dụ ngôn mục tử bỏ 99 con chiên nơi hoang địa để đi tìm con chiên lạc, Chúa Giêsu tỏ cho thấy Người chăm sóc chi li từng người một, không muốn bất kỳ một ai phải hư vong. (Luca 15, 4-7)
4. Mục Tử Giêsu hiến thân mình cho chiên được sống.
Khác xa người chăn thuê cao chạy xa bay khi thấy đàn sói hung tàn xông tới vồ xé bầy chiên, Mục tử Giêsu chấp nhận hy sinh mạng sống mình để bảo vệ đến cùng: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. Người làm thuê, vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn, vì anh ta là kẻ làm thuê, và không thiết gì đến chiên. Tôi chính là Mục Tử nhân lành... tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.” (Gioan 10, 11-15)
Lạy Chúa Giêsu, Chúa là Mục tử có một không hai trên đời: Chúa sống hoà mình thân mật với chiên, nuôi chiên sống dồi dào, chăm lo cho từng con một, không bỏ rơi bất cứ con nào và thậm chí sẵn sàng hy sinh mạng sống để bảo vệ đoàn chiên.
Xin cho gương sống tuyệt vời nầy sẽ mãi mãi là lời mời gọi và là động cơ thúc đẩy chúng con trở nên mục tử nhân lành như Chúa.
Xin thương giúp cho các bậc cha mẹ trở thành mục tử tốt trong gia đình, các linh mục trở thành mục tử nhân lành trong giáo xứ, Thầy Cô trở thành mục tử cao quý ở trường học… để mỗi người chúng con tuỳ theo chức phận mình, biết tận tình nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ đoàn chiên Chúa trao cho chúng con theo gương người Mục Tử nhân lành là chính Chúa. Amen.

Lm Ignatiô Trần Ngà

3 BƯỚC THỰC HÀNH LÒNG THƯƠNG XÓT

Trong bài viết ngắn này, xin đề nghị 3 bước thực hành lòng thương xót: cảm xúc, thấu cảm và hành động. Lòng thương xót thực sự phải hội đủ 3 yếu tố này.

Thực hành lòng thương xót là việc chúng ta cần làm trong suốt cuộc đời. Vì đây là một trong những mối phúc mà Chúa Giêsu mời gọi người môn đệ, sống: Phúc thay ai biết xót thương người vì họ sẽ được Chúa xót thương. Nhưng không phải ai cũng có khả năng thể hiện lòng xót thương cách thiết thực đối với mọi người. Vì thế, trong bài viết ngắn này, xin đề nghị 3 bước thực hành lòng thương xót: cảm xúc, thấu cảm và hành động. Lòng thương xót thực sự phải hội đủ 3 yếu tố này. Làm sao có được hành động chứng tỏ lòng thương xót thực sự nếu không thấu cảm tình cảnh của tha nhân ? Và làm sao thấu cảm được tình cảnh của tha nhân nếu không biết trân trọng những thông điệp mà cảm xúc ban đầu đem lại ?

-Cảm xúc:
 Đứng trước bất cứ một thực tại nào, phản ứng đầu tiên của con người là bộc lộ cảm xúc. Nó được hiểu như phần bề mặt cạn cợt và hời hợt, đồng thời, nó truyền tải một thông điệp chóng qua về một người hay một sự việc đã tác động cách nào đó đến bản thân. Có người cho rằng đây chỉ là loại hình thức bề ngoài giả tạo chẳng đáng người khác quan tâm. Nhưng thực ra, nó đóng vai trò không thể thiếu trong một tiến trình dẫn đến thực hành lòng thương xót.

Chẳng hạn, khi đứng trước đau khổ của người đồng loại, chúng ta cảm thấy xúc động mạnh mẽ, muốn làm một điều gì đó để xoa dịu nỗi đau của họ. Xúc động này được thánh Toma Aquino giải thích từ sự bất toàn của hữu thể, nghĩa là tôi cảm nhận một sự thiếu thốn nào đó trong mình nên cũng dễ thông cảm với những nỗi đau của người khác. Xét dưới một góc độ khác, cảm xúc hay xúc động ban đầu ấy là biểu hiện cụ thể của “mầm thiện” mà Thiên Chúa đã đặt để vào lòng người để con người có thể tương giao với mọi người bằng tình yêu và lòng xót thương. Dù xét theo phương diện nào, tự thân cảm xúc ấy là một biểu hiện thiết thực trong đời sống: vui với người vui, khóc với người khóc là thế !

 Thực tế cho thấy, đôi khi có thái độ cẩn trọng hay do vì những gian dối trong đời thường mà con người bỏ qua hoặc phủ nhận những biểu hiện ấy khiến dần dà trở nên dửng dưng trước mọi nỗi thống khổ của con người. Có những người bảo: làm ơn mắc oán, và từ đó, họ đã có thể gạt bỏ tiếng nói bên trong mời gọi họ thi thố lòng thương xót. Bởi đó, chỉ có những người thực sự can đảm mới khả dĩ biểu thị lòng thương xót trong một xã hội nhiễu nhương như hiện nay. Như người Samaritanô nhân hậu, chúng ta cần “chạnh lòng thương” khi đối diện với đau khổ của đồng loại, đến nỗi không phân biệt người đó là nam hay nữ, là lương hay giáo…mà xuống lừa, ra khỏi sự an toàn của bản thân để đến bên người bất hạnh kia; mặc dù, có thể biết rằng mình bị thiệt thòi cách nào đó. Lòng thương xót phải là sức mạnh giúp ta vượt thắng mọi trở ngại dọc đường. Thiết tưởng, đó cũng là tâm tình Đức Phanxicô mời gọi mọi người khi nói: “Tôi muốn có một Hội Thánh, bị tổn thương và nhơ bẩn vì đã ở ngoài đường, còn hơn một Hội Thánh bệnh hoạn vì đóng cửa và thanh nhàn bám víu vào sự an toàn của riêng mình” (Tông huấn Niềm vui Tin Mừng số 49). Qua đó, chúng ta nhận ra chỉ những người đã từng bị tổn thương và nhơ bẩn mới dễ dàng đồng cảm với nỗi thống khổ của tha nhân, đồng thời, thấu hiểu khát vọng được chữa lành nơi người bất hạnh.

Làm sao chúng ta có thể thực thi lòng thương xót khi ngoảnh mặt làm ngơ bỏ mặc người kia dở sống dở chết ? Chúng ta có thể nhân danh một thứ luật thanh sạch nào đó để bỏ qua một tác động của lòng thương xót. Hoặc nhân danh một sự an toàn bản thân giả tạo nào đó mà chúng ta đã loại người anh em ra khỏi cuộc đời mình. Thật ra, những xúc động và cảm xúc ban đầu là cửa ngỏ mở ra cho một tương quan tốt đẹp và sâu xa đối với nỗi bất hạnh của người khác. Nhưng nếu dừng lại ở bước đầu này, con người chỉ làm thỏa mãn nhất thời một thứ tình cảm ủy mị, nó thực tế nhưng không hiệu quả, nếu không muốn nói là đôi khi phản tác dụng và lệch với ý hướng tốt đẹp ban đầu. Điều cần thiết lúc này là tiếp cận trực tiếp với thực tại quanh ta.

 -Thấu cảm:
 Nó được hiểu là sự nhận thức đúng đắn về thực tại mình đang sống. Thật thế, nếu như đặc tính của muối là sát khuẩn nhưng khi được dùng vào việc chà xát vết thương hở thì càng làm cho đương sự cảm thấy đau xót hơn. Cũng vậy, nếu chúng ta hành động nóng vội khi chưa tiếp cận và hiểu biết thực sự về tình trạng của người khác, chúng ta có thể làm họ tổn thương hơn. Bởi đó, thấu cảm là một khả năng siêu việt có sức mạnh nội tại đi vào tận bên trong những tâm tình sâu kín đang ẩn khuất tự lòng người. Một người thấu cảm có thể sống nỗi đau của người khác như một vết thương của lòng mình bằng cách để cho huyền nhiệm của người khác đi vào cuộc đời mình.

Chuyện kể rằng một vị linh mục kia đã đi đến an ủi một người giáo dân vừa mất chồng trong một vụ tai nạn. Sau khi nghe những lời “huấn giáo” của vị mục tử, bà nhìn thẳng vào ngài và nói: “Cha có phải là con không mà có thể khuyên bảo và an ủi một kẻ mất chồng ?”. Vị linh mục tỉnh ngộ và nhận thức rằng mình chỉ khuyên trên lý thuyết và sách vở mà không ăn nhập gì với nỗi đau của người kia. Thấu cảm đòi buộc một thái độ lắng nghe chân thành mà vị linh mục kia quên sót.

Làm sao chúng ta có thể thấu cảm nếu không đặt mình trong hoàn cảnh của người khác ? -Cần bước đi bằng chính đôi giầy của họ. Bởi đó, một khi không nhận thức đủ về thực tại đau thương của người khác mà mình đang đối diện, có thể khiến cho tình trạng của họ thêm trầm trọng chăng ! Có ý hướng ngay lành chưa đủ, cần một con tim biết lắng nghe.

Điều này chúng ta có thể tìm câu trả lời nơi Đức Maria. Trong lúc chủ tiệc cưới tại Cana muốn che giấu nỗi lo lắng và xấu hổ vì phải chịu cảnh hết rượu, Mẹ Maria đã tinh tế nhận ra những thao thức của họ mà xin Chúa Giêsu trợ giúp. Thật vậy, một con tim biết lắng nghe bao hàm một tâm hồn nhạy cảm, chấp nhận đi vào cuộc đời người khác mà không làm họ tổn thương. Chính khi đã thấu cảm nỗi thiếu thốn của người đồng loại, Mẹ biết mình cần phải làm gì. Và một khi nhận ra sự bất lực ấy, Mẹ chạy đến với Chúa Giêsu.

-Hành động:
Hành động là hệ quả tất nhiên của một tâm hồn thấu cảm. Với kinh nghiệm đã được chữa lành, họ biết cách làm cho người khác sống vững mạnh hơn. Với óc quan sát thực tiễn, họ có thể thực thi lòng thương xót trong tinh thần phục vụ và yêu thương. Như người Samaritanô tốt lành, sau khi đã thấu cảm về những gì người bất hạnh gánh chịu, ông lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại; đồng thời, đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc, hơn thế nữa, ông sẵn sàng chấp nhận mọi tốn kém miễn sao cho người kia được chữa lành (x. Lc 10, 29-37). Cái giá của lòng thương xót không chỉ mua bằng tiền mà còn cả lòng quảng đại cho đi bất chấp sự phiền toái đến với bản thân mình. Khi thực thi lòng thương xót, đôi khi người ta phải đình hoãn những dự phóng của bản thân mình để có thể cúi xuống những mảnh đời bất hạnh. Tương lai phó thác cho lòng thương xót Chúa, hiện tại họ sống lòng thương xót với người anh em. Họ sẽ nhận được gì ? –Thưa: lời chúc phúc của Chúa: Phúc thay ai biết xót thương người vì họ sẽ được Chúa xót thương.

Nhìn chung, ba bước thực hiện lòng thương xót ấy được cụ thể nơi cuộc đời mẹ Têrêsa Calcutta. Vào một ngày đẹp trời, khi ra khỏi tu viện, Mẹ đã xúc động trước nỗi thống khổ của những người bất hạnh trong khu ổ chuột tại Calcutta. Mẹ thấu cảm được nỗi cô đơn của họ khi cái chết gần kề, rình rập cướp đi sự sống và phẩm giá của họ. Mẹ nhận thức rằng họ muốn chết với cái chết của một con người đáng được tôn trọng. Lời Chúa: Ta khát, cứ ám ảnh Mẹ suốt ngày đêm khiến người phụ nữ nhỏ nhắn ấy đã quyết định hết sức táo bạo: chấp nhận ra khỏi sự an toàn của bốn bức tường tu viện để phục vụ những người bất hạnh ở đây. Và ước nguyện của Mẹ đã được đón nhận khi một người trong họ chết đi với lời nhắn gởi: Cám ơn Mẹ đã cho tôi chết cái chết của một con người. Rồi Mẹ cũng đã ra đi, nhưng nghĩa cử ấy lại được nhân rộng qua những tâm hồn quảng đại khác ở khắp nơi trên toàn thế giới. Qua đó, Mẹ như muốn nói với nhân loại: Lòng thương xót không phải thực hiện tùy hứng nhưng nó phải trở thành ơn gọi, ơn gọi thực thi lòng thương xót, nghĩa là con người không thể sống nếu không thi thố lòng xót thương.


EYMARD An Mai Đỗ, O.Cist

BÍ QUYẾT ĐỂ SỐNG NIỀM VUI PHỤC SINH MỖI NGÀY CỦA CÁC THÁNH

Mùa Chay là mùa cho chúng ta thấy mình tệ như thế nào. Không ai nên tự mãn về chính mình khi ra khỏi Mùa Chay. Thật khó để hết lòng và đắm mình trong việc ăn chay, làm việc từ thiện và cầu nguyện. Tuy nhiên chúng ta có thể sống Mùa Chay trọn vẹn nếu chúng ta thật lòng ăn năn sám hối.

Mặt khác, lễ Phục sinh cũng cho chúng ta thấy chúng ta vui mừng đến như thế nào. Chắc chắn, tuần đầu tiên sẽ rất hứng thú, đặc biệt nếu chúng ta bỏ được bia hoặc sô cô la hoặc một điều thú vị nào đó. Tuy nhiên đến tuần thứ hai, thứ ba của lễ Phục Sinh, niềm hăng hái mất dần, hoa bắt đầu héo tàn, các bài giảng từ lễ Phục Sinh không còn đúng mùa, quả trứng bị bỏ quên trong sân bắt đầu thối rữa, và mọi thứ trở lại như cũ. Cũng như chúng ta bê trễ khi duy trì sự chừng mực của Mùa Chay, chúng ta cũng bê trễ khi duy trì niềm vui Phục Sinh.

Niềm vui Phục Sinh – loại niềm vui gây kinh ngạc, chấn động và kéo dài – rất hiếm trong thế giới ngày nay. Thay vào đó là hình ảnh của nỗi buồn giả tạo như sự tự mãn, tức giận, châm chọc, và cay đắng thường chi phối cuộc sống chúng ta. Chúng ta tất cả đều cảm thấy phảng phất nỗi buồn dai dẳng vây phủ mình, làm cho chúng ta cảm thấy bất lực không trọn vẹn vui vẻ được. Chắc chắn, chúng ta đều biết làm thế nào để có niềm vui tạm thời như trẻ sơ sinh. Chúng ta ráng tham gia vào các sinh hoạt giải trí trong giây phút này. Nhưng hầu như những thứ này tan chảy ngay khi chúng ta bắt đầu trải nghiệm. Rất ít người biết làm thế nào để sống niềm vui Phục Sinh kéo dài vượt lên trên niềm vui thoáng qua.

Thế giới hôm nay, rất ít người chọn cuộc sống dẫn tới niềm vui Phục Sinh, vì thế chúng ta khó tưởng tượng cuộc sống đó ra sao. Nhiều người cố sống giả vờ, nhưng niềm vui của họ gây bực bội cho những người chung quanh, vì họ sống vui vẻ mà không chấp nhận khổ đau. Niềm vui Phục Sinh không liên quan đến vấn đề đau khổ. Niềm vui Phục Sinh thừa nhận đau khổ, bạo lực, bất công, và nỗi lo lắng. Cuộc sống có thể tàn nhẫn, tăm tối. Tội lỗi và những hậu quả khủng khiếp của tội lỗi không thể nào bỏ qua hoặc bị che đậy.

Các thánh nhận ra có một quân bình giữa việc nhìn nhận đau khổ trong bình an và hy vọng. Mỗi người theo cách riêng, thể hiện tình yêu với Chúa trong niềm vui Phục Sinh. Niềm vui đó lan tỏa tới tất cả chúng ta – Thiên Chúa Ba Ngôi ngự trị trong tâm hồn chúng ta qua bí tích Rửa Tội. Cuộc sống của các thánh được nuôi dưỡng bằng sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và nơi đó họ đã tìm thấy niềm vui vĩnh cửu. Điều gì thúc đẩy họ hiệp nhất với Chúa Kitô? Câu trả lời ít người trong chúng ta muốn nghe.

Trong Thư gởi tín hữu Rôma, Thánh Phaolô viết: “Thật vậy, vì chúng ta đã nên một với Đức Ki-tô nhờ được chết như Người đã chết, thì chúng ta cũng sẽ nên một với Người, nhờ được sống lại như Người đã sống lại” (6: 5). Các thánh đã sống niềm vui Phục Sinh không phải vì họ đã kiềm chế các cảm xúc tiêu cực hay đã từ chối các biến cố đau thương – nhưng chính trong những đau thương này – họ được chết với Chúa Giêsu. Để bước vào sự sống của Chúa Kitô, chúng ta phải đi vào trong sự chết của Người. Trước hết phải chết cho chính mình. Cái chết là con đường mở ra sự sống mới, đường dẫn tới niềm vui Phục Sinh.

Để theo gương các Thánh và dấu chân Chúa Giêsu, chúng ta phải đi theo Chúa Giêsu lên ngai của Ngài – ngai thập giá. Rất ít người cảm nghiệm niềm vui Phục sinh, lý do tất cả chúng ta đều muốn bỏ qua ngày thứ sáu Tuần Thánh và tiến thẳng đến Phục Sinh. Nhưng Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta biết rằng chỉ có một cách để đi theo Chúa đến Núi Sọ: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16: 24).

Con người Phục Sinh đã chinh phục thế giới này bằng cách chấp nhận đau khổ và sự tàn bạo của nó, biết rằng cuối cùng không có gì lớn hơn tình yêu của Người. Nếu chúng ta muốn giữ lấy niềm vui Phục Sinh và sống những ngày đầu tiên của mùa Phục Sinh, trước hết chúng ta phải sẵn sàng tâm hồn sống Mùa Chay. Từ bỏ chính mình, để cho Thiên Chúa biến đổi những đau khổ thành tốt, là con đường dẫn đến niềm vui. Không ai muốn nghe điều này. Chúng ta tìm kiếm con đường tắt, nhưng không có con đường đường tắt nào cho lãnh vực đời sống tâm linh. Nếu chúng ta trốn tránh khổ đau, chúng ta sẽ trốn tránh niềm vui.

Lạy Chúa, xin giúp con sống kết hiệp với Chúa Ba Ngôi qua Bí tích Rửa Tội. Xin thấm nhập con với ân sủng của Chúa để con có thể kết hợp đau khổ của con với đau khổ của Chúa và sống niềm vui Ba Ngôi mỗi ngày.

Têrêxa Bích Vân dịch (phanxico.vn)

Ý NGHĨA VÀ HẠNH PHÚC

Tôi có hạnh phúc không? Đời tôi có hạnh phúc không? Cuộc hôn nhân của tôi có hạnh phúc không? Tôi có hạnh phúc với gia đình tôi không? Tôi có hạnh phúc trong công ăn việc làm hiện nay không? Tôi có hạnh phúc trong giáo hội không? Dưới lớp da của chính mình, tôi có hạnh phúc không?
Đây có phải là những câu hỏi hay đáng để tự hỏi không? Không. Đó là những câu hỏi tra tấn bản thân. Khi đối diện với đời mình, thật tình loại câu hỏi về hạnh phúc này dễ khiến chúng ta rơi nước mắt hơn là an ủi tâm hồn, bởi vì, cho dù cuộc sống chúng ta đang tốt đẹp đến thế nào đi nữa, chẳng ai trong chúng ta sống được cuộc sống trọn vẹn hoàn hảo. Luôn luôn có những giấc mơ không thành. Luôn luôn có những mảng thất vọng. Luôn luôn có căng thẳng. Luôn luôn có những nỗi khát khao chôn chặt. Và luôn luôn, như Karl Rahner đã nói một cách sầu thảm mà thấm thía: chúng ta đang phải chịu nỗi hành hạ của sự thiếu thốn mọi điều có thể đạt được trong khi chúng ta đi đến chỗ biết rằng trên đời này không có bản giao hưởng nào trọn vẹn. Luôn luôn, chúng ta sống đời mình trong nỗi tuyệt vọng lặng câm. Rất nhiều khi không hề dễ dàng cảm thấy hạnh phúc.
Nhưng chúng ta đang tự đặt những câu hỏi sai lầm. Không nên đặt câu hỏi: Tôi có hạnh phúc không? Mà câu hỏi nên là: Đời tôi có ý nghĩa không? Có ý nghĩa gì trong đời sống của tôi không? Có ý nghĩa gì trong cuộc hôn nhân của tôi không? Có ý nghĩa gì trong gia đình tôi không? Có ý nghĩa gì trong công ăn việc làm của tôi không? Có ý nghĩa gì trong giáo hội của tôi không? Chúng ta cần đặt ra những câu hỏi sâu sắc về đời mình xét về mặt ý nghĩa hơn là về hạnh phúc, bởi vì, đại đa số chúng ta đều có một ý niệm phi thực tế, lý tưởng hóa quá mức và sai lầm về hạnh phúc.
Chúng ta có xu hướng đánh đồng hạnh phúc với hai điều: lạc thú và không căng thẳng. Vì vậy chúng ta mơ mộng viễn vông rằng, với mình, để hạnh phúc, chúng ta cần phải ở trong hoàn cảnh không hề có bất kỳ căng thẳng nào vốn thường tràn ngập đời sống chúng ta, những căng thẳng đến từ áp lực, mệt mỏi, rạn nứt giữa con người với nhau, đau đớn trong cơ thể, lo lắng tài chính, chán nản trong công việc, thất vọng trong giáo hội, thất vọng với những đội thể thao ưa thích của chúng ta, và tất cả các chuyện đau đầu và đau tim khác có thể xảy ra. Như vẫn được hình dung một cách hời hợt, hạnh phúc nghĩa là sức khỏe hoàn hảo, những mối quan hệ đáp ứng hoàn hảo, một công việc hoàn hảo, chẳng hề phải lo lắng hay căng thẳng gì trong cuộc sống, không chán nản, và có thì giờ lẫn tiền bạc để hưởng cuộc đời tốt đẹp.
Nhưng đó không phải là điều tạo nên hạnh phúc. Ý nghĩa mới là điều tạo nên hạnh phúc và ý nghĩa không phụ thuộc vào chuyện không bị đau hay không bị căng thẳng trong cuộc sống: Tưởng tượng có người bước đến cạnh Chúa Giêsu khi người đang chết dần trên thập giá và hỏi người: Trên đó ông có hạnh phúc không? Câu trả lời của người, tôi chắc chắn, hẳn sẽ rất rõ ràng: “Không! Và đặc biệt hôm nay tôi không hạnh phúc gì!” Tuy nhiên, nhãn quan này sẽ rất khác nếu như, khi Chúa Giê-su đang bị đóng đinh trên thập giá, có người nào đó bước đến và đặt ra với người câu hỏi này: “Có ý nghĩa gì trong chuyện ông đang làm trên đó không?” Có thể có ý nghĩa sâu sắc trong một sự việc gì đó ngay cả khi không có vui sướng hạnh phúc gì trong cái cách chúng ta hời hợt hình dung về sự việc đó.
Chúng ta hiểu điều này dễ dàng hơn nếu chúng ta nhìn lại những giai đoạn khác nhau trong đời mình. Từ góc độ của chúng ta ngày nay, quay nhìn lại, đôi khi chúng ta thấy những giai đoạn nào đó đầy vất vả khó khăn của cuộc đời, chúng ta phải xoay xở thiếu thốn thật ra lại là thời gian hạnh phúc. Giờ đây chúng ta nhìn lại với lòng trìu mến và niềm ấm áp. Đó là thời gian đầy ý nghĩa mà cái nhìn hiện nay của chúng ta khi trở ngược về trước đã quét dọn rác rến, xóa đi nỗi đau và nhấn mạnh niềm vui. Ngược lại, chúng ta cũng có thể nhìn vào những giai đoạn nào đó trong đời mình, có thể khi đó đời sống chúng ta có lạc thú nhưng giai đoạn đó giờ đây rõ ràng là một thời kỳ bất hạnh. Chúng ta nhìn lại thời đó với cảm giác nặng nề nào đó và thấy hối hận. Hồi đó chúng ta thấy dường như là ánh sáng mà giờ đây lại có vẻ là thời kỳ đen tối.
C.S. Lewis dạy rằng hạnh phúc và bất hạnh chiếu màu sắc ngược thời gian: Nếu cuối đời chúng ta hạnh phúc, thì chúng ta nhận ra rằng từ trước đến giờ chúng ta vẫn luôn luôn hạnh phúc kể cả lúc gian nan, cũng y như nếu cuối đời chúng ta không hạnh phúc thì chúng ta nhận ra rằng lúc nào chúng ta cũng bất hạnh, kể cả những giai đoạn hoan hỷ của đời mình. Nếu rốt cuộc, cuối đời chúng ta có ý nghĩa thì sẽ quyết định đời mình đã hạnh phúc hay bất hạnh. Nhiều người, trong đó có Chúa Giêsu, đã chịu đựng đau đớn lớn lao nhưng đã sống đời hạnh phúc. Đáng buồn là điều trái lại cũng đúng. Hạnh phúc liên quan nhiều đến ý nghĩa hơn là đến vui thú.
Trong quyển tự truyện của mình, Ngạc nhiên trước Niềm vui, C.S. Lewis đã nói với độc giả rằng hành trình đến với Ki-tô giáo của ông không hề dễ dàng. Ông thú nhận, ông là “người trở lại miễn cưỡng nhất trong lịch sử ki-tô giáo.” Nhưng một trong những điều rốt cuộc đưa ông đến gần với Ki-tô giáo chính là việc nhận ra rằng ý nghĩa vượt cao hơn khái niệm thông thường của chúng ta về hạnh phúc. Ông viết, ông đi đến chỗ hiểu rằng sự khe khắt của Chúa tốt lành hơn sự nhẹ nhàng của con người và sự cưỡng chế của Chúa là sự giải phóng của chúng ta.
Tiền không thể mua hạnh phúc. Nó có thể mua lạc thú, nhưng, như cuộc đời cuối cùng đã dạy chúng ta, lạc thú không hẳn là hạnh phúc.
Ronald Rolheiser
J.B. Thái Hòa dịch

HOA PHỤC SINH

Lễ nghi Tuần Thánh và Phục sinh đã khép lại. Mặc dù niềm vui Phục sinh trải dài trong suốt năm mươi ngày, gọi là Mùa Phục sinh, nhưng trong thực tế, niềm vui ấy ít khi được thể hiện nơi đời sống của người tín hữu, mà xem ra chỉ dừng lại trong Phụng vụ. Trong bài Giáo lý hằng tuần tại Quảng trường Thánh Phêrô, hôm thứ Tư, 4-4-2018, từ một khung cảnh vui tươi của ngày đại lễ được trang trí nhiều hoa, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói đến “Hoa Phục sinh” trong đời sống người tín hữu. Ngài nói: Ở một số nơi, Lễ Phục sinh còn được gọi là “Phục sinh nở hoa”, bởi vì Đức Kitô Phục sinh nở hoa: đó là hoa mới; hoa của sự công chính hoá của chúng ta; hoa của sự thánh thiện của Giáo Hội. Vì lý do này mà có nhiều hoa: đó là niềm vui của chúng ta”. Thiết nghĩ, đây là một hình ảnh sống động và ý nghĩa đối với mỗi Kitô hữu chúng ta.
Chúa Giêsu đã bị lên án tử, đã bị đóng đinh trên thập giá và đã chết. Người như hạt lúa gieo vào lòng đất, chấp nhận mục nát để nảy mầm. Sau ba ngày, hạt lúa Giêsu đã phục sinh, vinh quang sáng láng. Người đã sống lại bởi quyền năng Thiên Chúa. Quyền năng ấy không bị khuất phục bởi bạo lực, hận thù và ghen ghét. Quyền năng ấy cũng chính là tình yêu thương, một tình yêu thương vượt lên trên tất cả, chấp nhận chết vì người mình yêu. Khi từ cõi chết sống lại, Chúa Giêsu chính là “Hoa Phục sinh”. Người là hoa quả đầu mùa của những người đã an giấc trong bụi đất. Khi trỗi dậy từ nấm mồ tối tăm, Người mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu (x.1 Cr 15,20).
Sự kiện Chúa Giêsu đã chết và nay sống lại, là một điều khó tin ngay cả đối với các môn đệ. Sau nhiều lần Chúa Phục sinh hiện ra và ăn uống tiếp xúc với họ, họ mới tin việc Chúa sống lại là thực. Qua những lần gặp gỡ Đấng Phục sinh, “Hoa Phục sinh” đã nở trong lòng các môn đệ. Đó chính là sự bình an mà Người ban tặng, giúp các ông tìm được niềm vui sau những ngày đau thương ảm đạm. Lời chúc bình an vừa là bằng chứng cho việc Chúa sống lại, vừa là nguồn ban sức mạnh thiêng liêng cho các ông. Nhờ đó, các ông trở thành những chứng nhân can đảm của Đấng Phục sinh. Chúa Giêsu đã hứa với các môn đệ: “Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng, và niềm vui của anh em không ai lấy mất được” (Ga 16,22). Hoa Phục sinh là niềm vui nơi đời sống tín hữu, mặc dầu cuộc đời còn nhiều vất vả đắng cay.
Cuộc khổ nạn đau thương của Chúa trên thập giá đã gây thất vọng cho hầu hết những người trước đó đã đi theo Chúa. Sau cái chết của Chúa, tuy họ còn coi Người như một hiện tượng của thời đại, nhưng rồi hiện tượng ấy cũng đã chấm dứt, như ngôi sao loé sáng rồi vụt tắt giữa đêm đen. Trong lúc bi quan chán nản ấy, Đấng Phục sinh đã đến gặp gỡ họ, minh chứng rằng, Người đã sống lại như Người đã báo trước. Khi tỏ mình ra cho các ông, Người trao cho các ông sứ mạng làm nhân chứng cho sự phục sinh của Người: “Anh em hãy là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong các miền Giuđêa, Samari và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8). Lệnh truyền trên đây cho thấy tính toàn cầu của sứ điệp Phục sinh. Niềm vui Phục sinh không chỉ dành cho người Do Thái hay cho người Samari, mà cho cả thế giới. Ngay từ ban đầu, các tông đồ đã ý thức được sứ mạng này. Các ông nhiệt thành và mạnh dạn loan tin vui Phục sinh, đến nỗi vị thượng tế ngỡ ngàng và tức giận hỏi các ông: “Chúng tôi đã nghiêm cấm các ông không được giảng dạy về danh ấy nữa, thế mà các ông đã làm cho Giêrusalem ngập đầy giáo lý của các ông…” (Cv 5,28). Ngày hôm nay, các Kitô hữu chúng ta có sứ mạng làm cho thế giới ngập đầy “hoa Phục sinh” để đánh thức lương tâm những ai đang sống trong dửng dưng, lầm lạc, đồng thời khẳng định với họ: Đấng Phục sinh đang hiện diện giữa chúng ta. “Hoa Phục sinh” chính là niềm hy vọng nơi những ai đang u sầu thất vọng, như đứng trước ngõ cụt của cuộc đời.
Lễ Phục sinh không phải một sự kiện văn hoá. Sứ điệp của lễ Phục sinh là đổi mới, canh tân, để mỗi người được “sống lại” với Chúa. Thánh Phaolô kêu mời chúng ta “Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Kitô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới” (Cl 3,1-2). Mầu nhiệm Phục sinh giúp chúng ta hướng về quê trời, đang khi chúng ta còn sống trên dương thế. Chúa Phục sinh mở ra một hướng đi mới cho chúng ta, giúp chúng ta nhìn xa trông rộng hơn để biết đích điểm đời sống của mình, vượt qua những gian nan khốn khó. Được chiếu soi bởi ánh sáng của Đấng Phục sinh, người tin vào Chúa không còn coi quê hương trần thế là vĩnh cửu, nhưng chỉ như cõi tạm chóng qua. “Hoa Phục sinh” hướng tâm hồn chúng ta về trời cao, để sẵn sàng buông bỏ những gì ràng buộc chúng ta trong hành trình đến với Chúa.
“Hướng về thượng giới” không làm cho người tín hữu coi thường cuộc sống hiện tại. Trái lại, niềm vui Phục sinh giúp chúng ta yêu mến cuộc đời này hơn. Bởi lẽ chính trong cuộc sống hôm nay là nơi Chúa Phục sinh đang hiện diện. Cũng chính trong hoàn cảnh cụ thể của mỗi người, Chúa Phục sinh trao cho họ sứ mạng làm chứng nhân cho Người. Mỗi tín hữu hãy là “hoa Phục sinh” giữa muôn hoa khoe sắc trong rừng hoa cuộc đời, trở nên hương thơm của Đức Kitô, toả lan đến mọi môi trường của cuộc sống.
Đức Thánh Cha dùng hình ảnh “Hoa Phục sinh” trong bài giáo lý cuối cùng của loạt bài Giáo lý về Thánh lễ. Đề tài của bài Giáo lý này là lời sai đi của vị linh mục chủ tế: “Lễ xong chúc anh chị em đi bình an!”. Thánh lễ khởi đầu bằng Dấu Thánh giá để tuyên xưng Thiên Chúa Ba Ngôi và kết thúc bằng phép lành của Ba Ngôi Thiên Chúa. Sau khi được nuôi dưỡng bằng lương thực thiêng liêng là Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu, chúng ta được sai đi vào lòng cuộc đời. Lời sai đi này kèm với lời cầu chúc bình an mà Chúa Phục sinh đã cầu chúc cho các môn đệ, khi Người vừa trỗi dậy từ cõi chết. Như Đức Giêsu Phục sinh đã sai các môn đệ đi đến tận cùng thế giới, vào lúc Thánh lễ kết thúc, chúng ta cũng được Người sai đến mọi nẻo đường đời, mang theo “Hoa Phục sinh”, tức là lòng nhân ái bao dung, sự thánh thiện khiêm nhường, để qua đó, những anh chị em chưa biết Chúa nhận ra Đấng Phục sinh đang hiện diện và yêu thương họ. Đức Thánh Cha nói: “Hoa quả của Thánh Lễ được dành riêng để chín mùi trong cuộc sống hng ngàyThật ra, trong khi gia tăng sự kết hợp của chúng ta với Đức Kitô, Thánh Thể cập nhật hoá ân sủng mà Chúa đã ban cho chúng ta trong Bí tích Rửa tội và Thêm sức, để việc làm nhân chứng cho Đức Kitô của chúng ta nên đáng tin”.
Chúa đã sống lại! Chúng ta cùng sống lại với NgườiMột cách rất cụ thể, Thánh Phaolô khuyên chúng ta: “Anh em hãy giết chết những gì thuộc về hạ giới trong con người anh em: ấy là gian dâm, ô uế, đam mê, ước muốn xấu và tham lam; mà tham lam cũng là thờ ngẫu tượng” (Cl 3,5). Nhờ chuyên tâm thực hành những lời khuyên này, mỗi chúng ta sẽ trở nên những đoá “hoa Phục sinh” tươi nở và toả hương trong cuộc sống hôm nay.
Mùa Phục sinh 2018
 Gm Giuse Vũ Văn Thiên