TUỔI TRẺ TRONG VÒNG VÂY CỦA CƠN CÁM DỖ

Xin đừng thất vọng khi bạn đang sống trong tội lỗi, nhưng trên hết, với tinh thần người trẻ, hy vọng chúng ta lấy lại hy vọng để dám bước ra khỏi tình trạng tội lỗi ấy và đứng lên trở về cùng Thiên Chúa là Đấng luôn thương xót và chữa lành.  

Nhiều người cho rằng chưa bao giờ giới trẻ lại dễ bị cám dỗ như thời tục hóa và thế giới Internet hôm nay. Nơi đó, không khác gì trong bối cảnh con rắn đến cám dỗ bà E-và, mẹ chúng sinh. Đôi khi người trẻ kiệt quệ trong vòng vây tội lỗi ấy mà chẳng thể thoát ra! Giáo Hội cũng đang cố gắng hết sức để giúp người trẻ thoát ra khỏi vũng lầy ấy. Hơn nữa, chính Thiên Chúa cũng mong muốn đồng hành với người trẻ trong mọi cảnh huống khó khăn của phận người. Tiếc là số người trẻ lạnh nhạt với tôn giáo, xa lạ với Thiên Chúa có phần gia tăng. Tuy nhiên, không vì thế mà người trẻ đầu hàng trước những cơn cám dỗ như vũ bão của thế lực quỷ ma.
Sở dĩ người trẻ, hay nói đúng hơn, con người luôn có nguy cơ phạm tội là vì chúng ta bị lây nhiễm một tội từ thuở ông bà nguyên tổ: Tội tổ tông. Nhiều bạn có lý khi lập luận rằng, tại sao chúng ta sống trong thế kỷ 21 rồi mà phải chịu hậu quả của lần phạm tội của ông A-đam và bà E-và. Thực ra, Giáo Hội nói “Tội Tổ tông truyền, không có ý nói đến tội của cá nhân nhưng muốn đề cập đến tình trạng thê thảm mà mỗi người khi vừa được sinh ra thì đã vướng mắc rồi.” Đó là thân phận mỏng dòn của kiếp người. Đó là một sự thật khách quan, dù có muốn, người trẻ cũng chẳng thể thoát ra được. Ngược lại, chúng ta lưu ý đến một chi tiết sau khi ông bà phạm tội, Thiên Chúa không ruồng bỏ con người, nhưng hứa ban một Đấng Cứu Thế cho con người. Trong chiều hướng này, lời phụng vụ đêm Phục sinh vang lên: “Tội tổ tông là tội hồng phúc”, vì tội ấy đã đem lại Đấng cứu độ cho con người.
Tuy nhiên, là những người con trong dòng giống mắc tội tổ tông, chúng ta hoàn toàn không bị bắt buộc phạm tội. Chịu phép rửa tội, chúng ta được Thiên Chúa tảy rửa mọi vết nhơ của tội tổ tông. Từ đó chúng ta nên con người mới trong Đức Kitô. Điều chớ trêu là chúng ta cứ vẫn nghiêng chiều về tội, và vẫn phạm tội như thường! Hình như người trẻ nghiền” phạm tội, dẫu biết điều ấy chẳng hay ho tốt lành gì! Hoặc nói đúng hơn, chính thánh Phaolô trải nghiệm sức lôi quấn của tội mạnh hơn người ta tưởng: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm.”(Rom7, 19). Dù trong thân phận ấy, Thiên Chúa vẫn không lầm khi tạo dựng nên chúng ta. Đúng như lời nhạc của Lm. Kim Long: “Chúa không lầm, khi Ngài dựng nên con. Dù lời Ngài con không giữ trọn. Vì Chúa đã biết từ ngàn xưa: Rằng thân con bởi tro bụi. Và được cưu mang trong tội lỗi.”
Dĩ nhiên chúng ta đã biết: “Tội là hoàn toàn từ bỏ Thiên Chúa, từ chối không đón nhận Tình yêu Thiên Chúa, khinh thường không giữ giới răn của Thiên Chúa.” Chúng ta thấy tội lỗi không có chỗ cho tình yêuAi trong chúng ta cũng cảm nhận được sức nặng nền của lỗi tội. Là tội nhân, thật khó để yêu mến chính mình và tha nhân. Vì xa cách Thiên Chúa, dù là người trẻ, chúng ta cũng thấy mình mất đi sức sống, ngọn lửa hy vọng cũng dường như lụi tàn. Đó là hậu quả của một đứa con xa Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa luôn là người Cha Nhân Hậu luôn chờ người con lầm lỡ ấy quay về. (Lc15,1-32).
Thiên Chúa không chỉ kiên nhẫn đợi chờ, chính Người đã chủ động kéo con người ra khỏi vòng vây của cơn dám dỗ. Bằng cách nào? Trong đêm Giáng Sinh năm xưa, Thiên Chúa gửi đến cho nhân loại Con Một của Người là Đấng cứu rỗi, Đấng chuộc tội. Chính Người cứu chúng ta khỏi quyền lực tội lỗi. Như thế nào? Thánh Bernard tóm tắt câu chuyện cứu độ ấy cho các bạn trẻ khi nói rằng: “Khi bàn tay Chúa Giêsu bị đóng đinh vào thập giá, Người đã đóng đinh cả tội lỗi ta vào thập giá nữa.” Như vậy, dù có ở trong vòng vây của biết bao cơn cám dỗ, người trẻ một khi bám vào thập giá, bám vào tay Thầy Giêsu, chắc chắn Ma Quỷ sẽ thất bại và bỏ đi.
Để được như thế, người trẻ muốn bắt chước vị thánh trẻ Đaminh Saviô trong bốn lời cam kết: 
1/ Tôi sẽ siêng năng xưng tội và rước lễ .
2/ Tôi sẽ thánh hoá các ngày lễ trọng.
3/ Chúa Giêsu và Mẹ Maria là những người bạn thân nhất của tôi.
4/ Tôi thà chết chứ không phạm tội.
Đó là những cách tuyệt vời mà thánh nhân đã chia sẻ với chúng ta để lướt thắng cơn cám dỗ. Ngoài ra nhiều người nói rằng Ma Quỷ hay cơn cám dỗ cũng giống như con chó dữ vậy. Nếu chúng ta sợ nó, nó sẽ tấn công ta; ngược lại, nếu ta chống trả nó bằng những vũ khí hữu hiệu, nó sẽ cao chạy xa bay. Thực vậy, có lần trên kênh truyền hình Công Giáo TV 2000, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho biết: “Chẳng có điều gì thuyết phục tôi để phải đối thoại với Satan cả!” Sau đó ngài đưa ra lý do vì Satan thông minh hơn chúng ta nhiều. Nếu chúng ta bắt đầu đối thoại với nó, nó sẽ quay chúng ta vòng vòng và sau cùng là chúng ta lạc hướng. Bản chất của Satan là dối trá lừa bịp chúng ta, thậm chí với cả giám mục và linh mục nữa. Ngược lại khi chúng ta cương quyết đuổi nó đi, chúng ta sẽ chiến thắng.
Chúng ta cầu nguyện cho nhau để mỗi người thấy mình yêu đuối mà biết bám víu vào Thiên Chúa, vào tha nhân. Xin đừng thất vọng khi bạn đang sống trong tội lỗi, nhưng trên hết, với tinh thần người trẻ, hy vọng chúng ta lấy lại hy vọng để dám bước ra khỏi tình trạng tội lỗi ấy và đứng lên trở về cùng Thiên Chúa là Đấng luôn thương xót và chữa lành.  

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ (dongten.net)

BA DẠNG LINH ĐẠO

Như Rainer Marie Rilke đã từng viết: Ngươi chưa chết, vẫn còn chưa quá muộn. Để mở toang những sâu thẳm tâm hồn. Bằng hồ hởi nhận chìm trong thẳm tận. Và uống lấy cho thấm cạn trong đời. Đang lặng lẽ tỏ bày mình nơi đó.

Tất cả chúng ta đều đấu tranh, và đấu tranh theo 3 cách. Thứ nhất là, đôi khi chúng ta đơn thuần đấu tranh để giữ mình, để vẫn lành mạnh và ổn định, để bình thường, không sụp đổ, để cuộc sống chúng ta không vướng vào những hỗn loạn và khủng hoảng. Cần thực sự nỗ lực để giữ mình được lành mạnh bình thường, ổn định, và hạnh phúc.
Nhưng ngay cả khi được như thế, thì một phần khác trong chúng ta luôn vươn lên, đấu tranh để lớn lên, để đạt được những điều cao hơn, để không phí hoài những phong phú và ơn ích của mình, để sống một đời sống đáng ngưỡng mộ hơn, cao quý hơn và vị tha hơn.

Rồi đến một tầm mức khác, chúng ta đấu tranh với một bóng tối đầy đe dọa đang bao quanh và len vào chúng ta. Sự phức tạp của đời sống có thể ngập tràn áp đảo chúng ta, làm cho chúng ta cảm thấy mình bị đe dọa, nhỏ bé, bị loại trừ và tầm thường. Vì lẽ này, mà một phần trong chúng ta luôn ý thức rằng chúng ta đang ở trong một thời kỳ, một đổ vỡ, một quan hệ mất mát, mất việc, cái chết của người thân yêu, hay một chuyện gì đó mà chúng ta không thể lường trước, trượt dốc qua tình trạng khủng hoảng trầm cảm tê liệt, một căn bệnh, hay một hỗn mang tăm tối mà chúng ta không thể kiểm soát.

Nói ngắn gọn, chúng ta đấu tranh để giữ mình, đấu tranh để lớn lên, và đấu tranh để giữ khủng hoảng và cái chết không len vào mình. Vì phải đấu tranh ở ba tầm mức này, nên chúng ta cần ba dạng linh đạo trong đời.

Ở tầm mức thứ nhất, chúng ta cần linh đạo giữ gìn, nghĩa là một linh đạo giúp chúng ta duy trì tinh thần lành mạnh, ổn định, và bình thường của mình. Các giáo huấn thiêng liêng thường hay bỏ sót khía cạnh linh đạo sống còn này. Lúc nào chúng ta cũng chịu thách thức để phải lớn lên, trở nên người tốt hơn, Kitô hữu tốt hơn, đơn giản là tốt hơn hiện tại. Điều này tốt, nhưng sẽ ngây thơ khi nghĩ rằng chúng ta đã đủ lành mạnh, ổn định, và mạnh mẽ để đón nhận thách thức này. Và, như chúng ta biết, rất nhiều khi không phải như vậy. Có những thời điểm trong đời, khi việc tốt nhất chúng ta có thể làm, chỉ là bám thật chặt, đừng sụp đổ, và chiến đấu để lấy lại tinh thần lành mạnh, ổn định và sức lực trong đời, để đơn giản là đặt được một chân về phía trước. Những lúc này, những gì đích thực chúng ta cần không phải là những thách thức, mà là cần có được một sự chấp nhận thiêng liêng để cảm nhận những gì chúng ta đang cảm nhận và chúng ta cần một bàn tay ấm áp để kéo chúng ta về lại phía lành mạnh và mạnh khỏe. Thách thức phải đến sau.

Và thách thức này đến với lời mời chúng ta hướng lên, hướng đến linh đạo của con đường hướng thượng. Tất cả mọi linh đạo đáng nói, đều nhấn mạnh nhu cầu phải có một sự hướng thượng nhất định, để lớn lên vươn ra khỏi sự ấu trĩ, lười biếng, những thương tích, thói ham khoái lạc cố hữu, và sự hời hợt trong nền văn hóa của chúng ta. Điều cần nhấn mạnh ở đây, chính là luôn luôn vươn lên, vượt qua, hướng đến những gì từ trời, và hướng đến tất cả những gì cao cả, vị tha, nhân ái, yêu thương, đáng ngưỡng mộ, và thánh thiện hơn. Đa số linh đạo Kitô giáo kinh điển là linh đạo hướng thượng, lời mời gọi đến với một điều cao đẹp hơn, lời mời gọi hãy thành thực với những gì thâm sâu nhất trong chúng ta, cụ thể là, Hình ảnh của Thiên Chúa và Giống như Thiên Chúa. Các lời dạy của Chúa Giêsu đích xác là mời gọi chúng ta hướng đến một tinh thần cao đẹp hơn. Đức Không Tử, một trong những nhà lãnh đạo tinh thần vĩ đại nhất mọi thời, đã có đường hướng sư phạm tương tự như vậy, khi ngài mời gọi mọi người hãy nhìn về cái đẹp và sự thiện, và luôn luôn đi theo đường hướng đó. Còn thời chúng ta thì có thánh Gioan Phaolô II, ngài đã áp dụng rất hiệu quả điều này khi ngỏ lời với giới trẻ, thách thức họ luôn luôn, không thỏa hiệp hay theo đuổi cái tốt thứ yếu, nhưng phải nhìn đến một cái tốt cao hơn và cao cả hơn nữa để hướng dẫn cuộc đời của mình.

Nhưng thách thức lớn lên cũng cần một linh đạo hướng hạ (xuống núi), một quan điểm và tập hợp nguyên tắc chỉ cho chúng ta thấy rằng, không phải chỉ hướng về mặt trời mọc, nhưng cũng phải nhìn theo hướng mặt trời lặn. Chúng ta cần một linh đạo không trốn tránh hay bác bỏ sự phức tạp của đời sống, hay âm mưu điên rồ của các thế lực vượt ngoài tầm chúng ta, những mất mát điếng người, và các khủng hoảng trong cuộc đời, cũng như thực tế đập thẳng vào mắt của ốm đau, bị hạ thấp, và cái chết. Đôi khi, chúng ta chỉ có thể lớn lên bằng cách đi xuống vào trong âm phủ đáng sợ đó, là nơi, như Chúa Giêsu, chúng ta trải qua sự biến đổi bằng cách đối diện với hỗn loạn, bị hạ thấp, bóng tối, các thế lực ma quỷ (dù chúng là gì đi nữa) và cả cái chết. Trong một vài nền văn hóa cổ, điều này được gọi là ‘ngồi trong đống tro’ hay ‘làm con cái Thổ tinh’ (hành tinh biểu tượng cho khủng hoảng). Là Kitô hữu, chúng ta gọi tiến trình này là mầu nhiệm vượt qua. Cho dù mang tên gì đi nữa, thì tất cả mọi linh đạo đáng được gọi tên, đôi khi trong đời bạn, bạn sẽ bị mời gọi làm một cuộc hành trình đi xuống đau đớn vào con đường kinh hãi của hỗn loạn, khủng hoảng, mất mát, tầm thường, bóng tối, các thế lực ma quỷ, và cả cái chết.

Đời sống tự tỏ mình cho chúng ta, từ trên, từ dưới, và trong bề ngang của sự bình thường. Không được loại bỏ bất kỳ điểm nào. Chúng ta cũng luôn cần phải giữ mình ổn định vững vàng, ngay cả những khi hướng thượng, và đôi lúc cũng phải để mình đi xuống và ở trong bóng tối.

Và vẫn còn thời gian cho chúng ta làm tất cả mọi việc này: Như Rainer Marie Rilke đã từng viết:
Ngươi chưa chết, vẫn còn chưa quá muộn
Để mở toang những sâu thẳm tâm hồn
Bằng hồ hởi nhận chìm trong thẳm tận
Và uống lấy cho thấm cạn trong đời
Đang lặng lẽ tỏ bày mình nơi đó.
Ronald Rolheiser

J.B. Thái Hòa dịch

DỰ TỈNH HỘI ĐỨC MẸ LA VANG



Ngày 21/11/2018 vừa qua, Dự tỉnh Đức Mẹ La Vang thuộc Hội Dòng Đaminh Đức Mẹ Rất Thánh Mân côi Monteils đã tổ chức Dự tỉnh hội tại Đan viện Biển Đức Thiên Phước. Dự tỉnh hội năm nay có 20 đại biểu tham dự đến từ các Tu viện, Tu xá, Cộng đoàn trong Dự tỉnh, bên cạnh đó còn có sự hiện diện của Cha Giuse Ngô Sĩ Đình - Nguyên Bề trên Giám Tỉnh Tỉnh dòng Đaminh Việt Nam, Soeur Huguette – đại diện Bề trên Tổng quyền Hội dòng, là những chuyên viên giúp Dự tỉnh hội được diễn ra một cách tốt đẹp.
Ngày làm việc thứ hai của Dự tỉnh hội đã bầu chọn được Bề trên Dự tỉnh và Ban cố vấn cho nhiệm kỳ mới như sau:
Chị Marie Thérèse Nguyễn Thị Hằng - Bề trên Dự tỉnh
Chị Marie Jean Nguyễn Thị Nga – Phó Bề trên Dự tỉnh
Chị Marie Jean Baptiste Hoàng Thị Hoa – Cố vấn 2
Chị Marie Hélène Phạm Thị Sinh – Cố vấn 3
Chị Marie François xavier Phạm Thị Tho – Cố vấn 4
Sau đó Dự tỉnh hội tiếp tục làm việc với bản dự thảo Quy chế Dự tỉnh Đức Mẹ La Vang. Dự tỉnh hội kết thúc vào chiều 26/11/2018 với Thánh lễ tạ ơn do Cha Giuse Chủ tế.
Dự tỉnh hội được tổ chức trong bầu khí hiệp thông, thân ái và đã khép lại trong niềm hy vọng về một nỗ lực canh tân và đổi mới cho nhiệm kỳ mới của Dự tỉnh Đức Mẹ La Vang.

CHÚA NHẬT LỄ CHÚA KITÔ VUA

Phanxicô Assisi là một thanh niên giàu có, dòng dõi danh giá, nhưng không hạnh phúc. Anh cảm thấy cuộc đời vẫn còn thiếu một cái gì đó. Ngày nọ anh ra đường và gặp một người cùi lở loét, hôi hám. Có một điều gì đó khiến anh cảm động, dừng chân, tiến đến ôm chầm lấy con người đau khổ ấy. Chính lúc đó, trong vòng tay của Phanxicô không phải là gương mặt của một người cùi ghê sợ, nhưng là gương mặt hạnh phúc của Đức Giêsu. Từ đó, Phanxicô tìm được cái thiếu của đời mình là phục vụ Đức Kitô nơi những người nghèo. Có lẽ cũng vì thế mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chọn Chúa Nhật 33 Thường niên, Chúa Nhật áp cuối năm phụng vụ làm ngày thế giới người nghèo, để liền sau đó là Chúa Nhật Chúa Kitô là Vua. Vinh quang, vương quyền của Đức Kitô ở nơi những con người nghèo khổ. Hôm nay cùng với Giáo Hội chúng ta mừng kính Đức Kitô là vua vũ trụ. Lễ này đã được ĐGH Piô XV thiết lập vào năm 1925 để tôn vinh vương quyền của Đức Kitô như là cùng đích của muôn loài muôn vật. Sự thật đó cho chúng ta ý thức rằng người có quyền tối thượng trên cuộc đời chúng ta không là ai khác, mà là vua Giêsu, và cùng đích cuộc đời chúng ta là được hưởng hạnh phúc trong Nước Chúa. Tuy nhiên vị vua này lãnh đạo chúng ta bằng cách thức nào? và đâu là điều kiện để chúng ta trở thành công dân của vương quốc đó?
Đức Giêsu không bao giờ chấp nhận làm vua theo cái nhìn của dân chúng, vì vị vua theo cái nhìn của họ mang nhiều yếu tố trần tục và tham vọng chính trị. Chính vì vậy mà Ngài đã từng lẫn trốn khi dân chúng tôn phong Ngài lên làm vua sau phép lạ hóa bánh ra nhiều. Tuy nhiên cũng có lần Ngài chấp nhận để dân chúng tung hô Ngài như một vị vua khi tiến vào Giêrusalem, bởi vì đây là hình ảnh của một vị vua hiền lành ngồi trên lưng lừa con. Hình ảnh đẹp nhất về vua Giêsu không phải là một ông hoàng ngồi trên ngai vàng, nhưng là một tử tội chết trần trụi trên cây thập giá. Từ đó cho chúng ta thấy đường lối lãnh đạo của vua Giêsu là yêu thương và cách thức để điều hành chính là phục vụ.
Yêu thương:
Trong suốt khoảng thời gian sống ở trần gian, mọi suy nghĩ, lời nói và việc làm của CG đều thể hiện một tình yêu thương. Yêu thương đến trăn trở vì hạnh phúc của người khác. Yêu thương đến thổn thức rơi lệ vì khổ đau của con người. Yêu thương đến quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ…
Phục vụ
…Và Ngài đã phục vụ không biết mỏi mệt. Phục vụ như một đầy tớ. Phục vụ đến quên mình. Và đỉnh cao là phục vụ đến hy sinh thân mình…
Chính tình yêu thương là đường lối lãnh đạo của vua Giêsu và phục vụ là cách thức thực hiện đường lối đó.
Là Kitô hữu, chúng ta thuộc quyền của vua Giêsu, chúng ta tự hào vì mình là công dân Nước Chúa. Nếu đã nhìn nhận Chúa là vua và chấp nhận sống trong vương quốc của Chúa (Thực ra đó là ân huệ và vinh dự cho chúng ta) thì chúng ta phải theo đường lối yêu thương và cách thức phục vụ mà vị vua Giêsu đã sống và nêu gương.
Đường lối lãnh đạo của Đức Giêsu là đường lối yêu thương, thì cung cách sống của chúng ta cũng phải là cung cách yêu thương; Có nghĩa là nơi cuộc sống của chúng ta phải toát lộ ra một sự yêu thương chân thành dành cho mọi người chúng ta gặp gỡ. Sự yêu thương sâu xa nhất của Đức Giêsu là nhìn thấy nơi chúng ta một sự đáng thương vì còn xa cách ân tình Chúa. Hay nói cách khác Ngài khao khát linh hồn của chúng ta. Từ đó, sự yêu thương đúng đắn nhất của con người cũng phải là thao thức làm sao cho người khác được sống xứng đáng là con cái Chúa. Chúng ta phải tội nghiệp cho những anh chị em còn đang xa cách Chúa. Chúng ta phải lo lắng cho những người thân yêu bạn bè của mình đang sống trong tội lỗi sớm quay trở lại với Chúa. Đó là một tình yêu thương đúng đắn và cũng là đường lối của vua Giêsu, muốn cho mọi người được hạnh phúc đích thực.
Cách thức để thực hiện chương trình yêu thương của vua Giêsu chính là phục vụ. Sự phục vụ của chúng ta không được tính toán và phải hết sức âm thầm, không cho tay trái biết việc tay phải làm. Những việc phục vụ hết sức cụ thể mà mỗi người chúng ta ai cũng làm được: cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, cho khách đỗ nhà… như kinh thương người có 14 mối mà chúng ta vẫn đọc. Động lực để phục vụ theo lời Đức Giêsu  không gì khác hơn là nhìn ra khuôn mặt Đức Giêsu nơi những người và những việc chúng ta phục vụ.
Một mùa đông lạnh lẽo kia, thánh Martinô đi vào thành phố. Ông gặp một người ăn xin chận lại để xin tiền. Thánh nhân không có tiền, nhưng thấy người hành khất đang run vì lạnh lẽo, ngài vội cởi chiếc áo chiến sĩ sờn rách của mình và cắt một nửa trao cho người hành khất. Đêm đó Martinô nằm mơ thấy Đức Giêsu với các thiên thần hầu cận, và Ngài mặc một nửa chiếc áo chiến sĩ sờn rách. Các thiên thần hỏi tại sao Ngài mặc nửa chiếc áo rách kỳ vậy, và ai đã cho Ngài chiếc áo đó? Đức Giêsu trả lời một cách tự hào: “Của Martinô, tôi tớ Ta cho đó!” Rõ ràng khi chúng ta làm cho người khác là làm cho chính Chúa.
Tóm lại… kết thúc năm phụng vụ năm nay, một lần nữa Giáo Hội mời gọi chúng ta hãy đặt lại giá trị: ai đang làm vua trong cuộc đời của mình? Nếu là Đức Giêsu thì chúng ta phải theo đường lối yêu thương và cách thức phục vụ của Ngài, như vậy chúng ta mới xứng đáng là công dân trong Nước Chúa. Khi chúng ta yêu thương phục vụ người khác là chúng ta đang yêu thương phục vụ cho chính Chúa. Chắc chắn Chúa cũng sẽ nói với chúng ta: “Nào những kẻ Cha ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi”.

CÁCH CHÚNG TA PHẢN ỨNG LẠI KHI BỊ CHỈ TRÍCH VÀ PHẢN ĐỐI

Tôi có thể yêu thương kẻ thù không? Tôi có thể chúc lành cho người nguyền rủa tôi không? Tôi có thể ước mong điều tốt cho người muốn điều xấu cho tôi không? Tôi có thể thực tâm tha thứ cho người đã đối xử bất công với tôi không? 

Có bao giờ chúng ta để ý đến cách mình bộc phát phản ứng trước một đe dọa? Đối diện với mối đe dọa, các bản năng căn bản của chúng ta có khuynh hướng áp đảo, ngay lập tức chúng ta bị cứng đờ, chúng ta bắt đầu đóng tất cả các cánh cửa của sự nồng hậu, nhẹ nhàng, cảm thông có trong người.
Đó là phản ứng tự nhiên, bắt rễ sâu từ trong bản tính của chúng ta. Các nhà sinh học cho chúng ta biết, bất kỳ lúc nào có một việc hay một người đe dọa đến chúng ta, thì theo bản năng, chứng hoang tưởng trong chúng ta trỗi dậy và gây tác động, thúc đẩy chúng ta đến một nơi nguyên khởi bên trong cơ thể mình, cụ thể là, phần “con” trong chúng ta, cái tàn dư sót lại trong sự tiến hóa từ hàng triệu năm trước. Và phần “con” đó là máu lạnh. Và đó cũng là tình trạng khi chúng ta bị đe dọa.

Tôi tin rằng, điều này giúp giải thích nhiều về chứng hoang tưởng và bạo lực trong thế giới ngày nay, cũng như cho những lời cay đắng, hầu như, đang chặn đứng tất cả mọi khả thể đối thoại hữu lý thích đáng cho các căng thẳng của chúng ta hằng ngày trong phạm vi chính trị, kinh tế và giáo hội.

Chúng ta sống trong một thế giới phân cực thật cay đắng. Tất cả chúng ta đều nhìn nhận điều này, và tất cả chúng ta đều thấy rất nhiều hành vi máu lạnh trong giới chính trị, trong chính quyền, trong giới kinh tế, và đáng buồn thay, cũng có cả trong giáo hội chúng ta nữa. Những gì chúng ta thấy trong hầu hết mọi trao đổi hằng ngày, nơi sự bất đồng đóng băng, những lời hùng hồn đanh thép không thực sự mở ra đối thoại chân thành, và lại luôn luôn đối lập với lòng nhân, tử tế, và tôn trọng. Thay vào đó, chúng ta lại thấy chứng hoang tưởng, quỷ hóa những ai bất đồng với mình, nhạo báng các giá trị và thành tâm của đối thủ, kèm theo là một sự tự vệ mù quáng.

Hơn nữa, sự cay đắng và thiếu tôn trọng này, đối nghịch một trời một vực với tất cả những gì trong Tin Mừng và cả những gì cao cả trong chúng ta, nó không ngừng “thần hóa”, nghĩa là kiểu lập luận như thể đó là lệnh truyền của Thiên Chúa, vì chúng ta tin rằng những gì mình làm là vì Thiên Chúa, vì chân lý, vì quê hương, vì người nghèo, vì mẹ thiên nhiên, vì nghệ thuật, vì một sự có giá trị siêu việt. Chúng ta tin như thế là lời biện minh cho việc chúng ta đánh đồng Chúa Giêsu với chuyện tử tế thông thường. Nếu bạn nghi ngờ việc này, bạn chỉ cần mở máy truyền thanh hay truyền hình, bất kỳ kênh nào bình luận về chính trị hay tôn giáo, hoặc bạn nghe các tranh luận tôn giáo và chính trị thời nay. Theo John Shea, chúng ta thành thạo trong việc biện minh hơn là tự thẩm, nhưng rồi, chúng ta có thể thần hóa sự thiếu tôn trọng và thiếu lòng nhân căn bản của mình.
Nhưng khi làm thế, chúng ta xa rời Tin Mừng, xa rời Chúa Giêsu, và xa rời những gì tốt đẹp nhất trong chúng ta. Chúng ta đã được hoạch định để trở nên cao quý hơn cái phần “con” của mình, hơn những bản năng kế thừa từ tổ tiên thượng cổ, những thú săn mồi. Chúng ta được kêu gọi đến với một điều lớn lao hơn, được kêu gọi để đáp trả mối de dọa, bằng những cách cao hơn lối phản ứng mù quáng của bản năng.

Phản ứng của thánh Phaolô với mối đe dọa có thể là gương mẫu cho phản ứng lý tưởng của chúng ta. Ngài đã viết rằng: “Bị nguyền rủa, chúng tôi chúc lành, bị bắt bớ, chúng tôi cam chịu, bị vu khống, chúng tôi đem lời an ủi.”  (1Cr 4, 12-13) Và cũng trong phần đầu thư này, thánh Phaolô còn có một lời khuyên khác về việc xử trí làm sao với những chống báng. Ngài khuyên rằng: Hãy sống đủ kiên nhẫn bên trong sự chống báng, không cần phải tự vệ, hãy để Thiên Chúa và lịch sử làm việc đó cho bạn: “Đối với tôi, dù có bị anh em hay toà đời xét xử, tôi cũng chẳng coi là gì. Mà tôi, tôi cũng chẳng tự xét xử lấy mình. Quả thật, tôi không thấy lương tâm áy náy điều gì, nhưng đâu phải vì thế mà tôi đã được kể là người công chính. Đấng xét xử tôi chính là Chúa. Vậy xin anh em đừng vội xét xử điều gì trước kỳ hạn, trước ngày Chúa đến.”

Phải thành thực thừa nhận rằng, thật khó để làm được thế này. Cái tôi bản năng của chúng ta không dễ bị khuất phục. Cũng như mọi người khác, tôi phải chật vật đấu tranh với nó. Mỗi khi tôi nghe hay đọc thấy ai đó bác bỏ những bài giảng và bài viết của tôi và xem đó là dị giáo, nguy hiểm, hay (thậm chí đau lòng hơn nữa là) một thứ nhảm nhí hời hợt, thì cái phần “con” trong tôi lại bừng bừng khuấy động, thực hiện cái phần việc nguyên thủy của nó, và các bản năng tự nhiên của tôi đau lòng thay lại chống lại con đường lớn mà thánh Phaolô đã khôn ngoan chỉ dạy. Bản năng tự nhiên không muốn cố gắng hiểu lập trường của người xem thường chúng ta, cũng không muốn chúc phúc và chịu đựng hay đáp trả một cách nhẹ nhàng. Nó muốn máu. Tôi ngờ rằng bản năng của tất cả mọi người đều như thế. Bản năng tự nhiên không dễ gì tuân theo Tin Mừng.

Nhưng, đó là thử thách, thực sự là một trong những phép thử căn tính của cương vị môn đệ Kitô hữu. Khi chúng ta hướng về cốt lõi của các lời dạy đạo đức của Chúa Giêsu, và tự hỏi, điều gì đã khiến Chúa Giêsu khác hẳn các thầy dạy đạo đức khác? Cụ thể là đòi buộc nào của Ngài là phép thử căn tính cho cương vị môn đệ đích thực?

Tôi cho rằng, tại nơi cốt lõi của các lời Chúa Giêsu dạy, có thách thức này: Tôi có thể yêu thương kẻ thù không? Tôi có thể chúc lành cho người nguyền rủa tôi không? Tôi có thể ước mong điều tốt cho người muốn điều xấu cho tôi không? Tôi có thể thực tâm tha thứ cho người đã đối xử bất công với tôi không? Và có lẽ, quan trọng nhất là, liệu tôi có thể kiên nhẫn khi rơi vào tình huống căng thẳng, đừng vội vàng tự vệ, nhưng hãy để lịch sử và Thiên Chúa làm việc đó, hay không?
Ronald Rolheiser,

J.B. Thái Hòa dịch


LÒNG KIÊN NHẪN ĐÃ CẠN

Kinh thánh bảo chúng ta là không bao giờ được mệt mỏi, nản lòng khi làm những chuyện đúng đắn. Tất nhiên, chúng ta gần như không có đủ sức mạnh để làm được như thế. Hầu hết chúng ta chỉ làm điều đúng đắn cho đến khi sự kiên nhẫn của chúng ta bị rút cạn.

Cách đây 30 năm, trước khi có vụ cướp máy bay ngày 11 tháng 9 năm 2001, trước vụ giấu bom trong giày, và trước khi có các kiểu khủng bố máy bay khác thì việc di chuyển bằng đường hàng không rất đơn giản. Bạn không cần phải bỏ giày để kiểm tra an ninh, bạn có thể đem chất lỏng theo mình, và nếu bạn có đem theo laptop hay các thiết bị điện tử khác, bạn chẳng phải lấy chúng ra khỏi xách hành lý của mình, cánh cửa phòng lái cũng chẳng phải bọc thép, và người ta cũng ít hoang tưởng về vấn đề an ninh hơn. Bạn thậm chí còn được gặp các phi công nữa.

Tôi nhớ một lần cách đây 30 năm, khi tôi gặp anh phi công thì anh đang thoải mái nói chuyện với một hành khách khác. Đó là chuyến bay sớm từ Dublin đến Luân Đôn, loại thông thường và không có khoang hạng thương gia. Tôi đang ngồi hàng ghế đầu ở giữa, và ngay hàng ghế bên kia là một phụ nữ trung niên, bà nhanh chóng tỏ ra cho biết mình sợ đi máy bay. Không lâu sau khi chúng tôi ngồi vào ghế, bà gọi tiếp viên hàng không và nói với cô rằng gia đình bà bảo bà nên đi máy bay, nhưng bà đang sợ chết khiếp và không muốn ở lại trên máy bay. Cô tiếp viên nhẹ nhàng cố gắng làm bà yên lòng, rằng tất cả mọi chuyện đều an toàn, thực sự trên máy bay còn an toàn hơn trên mặt đất nữa. Nhưng một người bị nỗi sợ ám ảnh thì họ chẳng dễ gì nghe theo lô gíc. Bà yên lòng được vài phút, chỉ vì máy bay chưa cất cánh và bà đang ngồi cách cánh cửa 5 mét, lúc đó vẫn đang còn mở.

Nhưng khi cánh cửa đóng lại và máy bay bắt đầu chạy lùi, thì bà bắt đầu bồn chồn hoang mang hơn. Cô tiếp viên lại đến và xoa dịu bà, nhờ đó có hiệu quả trong vài phút. Bà dần dần bình tĩnh và máy bay đi vào đường băng chuẩn bị cất cánh. Bất ngờ, bà rơi vào tâm trạng hốt hoảng hoàn toàn, hét gọi tiếp viên xin cho mình xuống máy bay gấp. Cô tiếp viên, đã hai lần không thể trấn an bà đành phải mở cửa phòng lái để nói chuyện với phi công, và trong vòng một phút, viên phi công xuất hiện, bắt đầu nói chuyện với người phụ nữ đang hoảng hốt.

Ông có vẻ là nhà tư vấn chuyên nghiệp, với lòng kiên nhẫn và cảm thông dành cho bà khách. Ông cầm tay bà, nhẹ nhàng trấn an: “Cảm giác này của bà rất bình thường! Nhiều người có nhiều nỗi sợ khác nhau. Bà tuyệt đối an toàn ở đây. Tôi đã lái đường bay này bằng chính chiếc máy bay này vô số lần rồi, tôi bảo đảm nó an toàn. Gia đình bà sẽ chờ bà ở Luân Đôn, bà tưởng tượng xem họ sẽ vui đến như thế nào khi thấy bà xuống máy bay! Và một khi bà đã làm được chuyện này rồi, bà sẽ không còn sợ bay nữa đâu. Đích thân tôi sẽ hộ tống bà bước xuống máy bay ở Luôn Đôn!”

Những lời của ông phi công như có phép màu, bà khách dịu lại và gật đầu ra dấu sẵn sàng. Đúng, bà đang chuẩn bị sẵn sàng để bay. Viên phi công về lại phòng, và tôi ngồi đó cảm phục sự kiên nhẫn của ông.
Nhưng chứng ám ảnh sợ vẫn còn đó. Chỉ vài phút sau, khi máy bay chuẩn bị cất cánh, bà lại lên cơn kích động, lần này còn tệ hơn lần trước. Tiếp viên đến ngay và nhanh chóng vào phòng lái nói cho phi công biết chuyện này. Không ai bước ra nói lời nào hết, và cánh cửa phòng lái đóng lại, máy bay chuyển hướng chầm chậm về lại cửa sân bay. Khi đến nơi, viên phi công tuyên bố rằng chúng tôi phải về sân bay vì có một hành khách ở trong “tình trạng khẩn cấp” nhưng chúng tôi sẽ không phải ở lâu lại đây. Cầu thang máy bay cập đến và cửa máy bay được mở ra. Cô tiếp viên mở cửa phòng lái và tôi nghe tiếng viên phi công, rất rõ ràng. Bất bình, phẫn nộ, với một giọng cứng rắn, ông nói với tiếp viên: Đưa bà ta ra! Chỉ cần đưa bà ta ra khỏi máy bay! Sự kiên nhẫn, ân cần, nồng hậu, và cảm thông của ông ấy đã không còn nữa. Ông đã cố gắng mà chẳng được gì. Bà khách đã có cơ hội để làm quen với máy bay. Và giờ đây đã hết rồi. Đưa bà ta ra! Chỉ cần đưa bà ta ra khỏi máy bay!

Tất cả chúng tôi đều cảm thông với sự mất kiên nhẫn của viên phi công. Chúng tôi cũng mất hết kiên nhẫn với bà này rồi. Chúng tôi cần phải bay đúng lịch trình của mình. Không thể nói là viên phi công đã không cố gắng. Ông đã hết kiên nhẫn, đã chịu hết nổi, thế là đủ rồi. Việc ông làm có thể hiểu được và đáng chấp nhận. Ông đã làm tốt, thực sự là tốt… nhưng đến cuối cùng, vẫn không đủ.

Cuối cùng ông đã mệt mỏi với chuyện này, mà Kinh thánh lại bảo chúng ta là không bao giờ được mệt mỏi nản lòng khi làm những chuyện đúng đắn. Tất nhiên, chúng ta gần như không có đủ sức mạnh để làm được như thế. Hầu hết chúng ta chỉ làm điều đúng đắn cho đến khi sự kiên nhẫn của chúng ta bị rút cạn, và rồi lúc đó là: Chỉ cần đưa bà ta ra khỏi máy bay!
Ronald Rolheiser

J.B. Thái Hòa dịch

CHÚA NHẬT MỪNG KÍNH CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

Khi nào ta bỏ đạo?
Một trong những thử thách mà vua quan ngày xưa thường bày ra để xử tội người có đạo là đặt một cây thánh giá dưới đất rồi truyền cho họ bước qua. Ai chấp nhận bước qua là tỏ dấu công khai từ bỏ đạo Chúa thì được tha về. Ai kiên quyết không bước qua thì được xem là người ngoan cố, không chịu từ bỏ đạo Chúa thì phải chịu tra tấn, tù ngục, chịu hành hình và chịu chết.
Có nhiều người kiên quyết không bước qua thánh giá, dù bị khiêng qua thì cũng co chân lại để khỏi dẫm đạp lên. Có người lỡ dại dột bước qua, nhưng về sau ân hận nên quay trở lại, khẳng định với quan quân mình không bỏ đạo nữa và xin được chịu chết vì Chúa.
Tất nhiên có nhiều người vì sợ ngục tù xiềng xích, gông cùm và tra tấn hoặc sợ chết nên đã bước qua thánh giá. Nhưng trái lại, cũng nhiều người dứt khoát không bước qua thánh giá, cho dù phải mất hết mọi sự và mất cả mạng sống mình.
Không đi theo đạo yêu thương của Chúa Giêsu là bỏ đạo
Đạo là gì? Người Á đông quan niệm rằng đạo là đường, đường đưa về chân thiện mỹ. Thiên Chúa là Tình Yêu nên đạo của Ngài cũng là đạo Tình Yêu. Chúa Giêsu đến trần gian để lập nên đạo yêu thương như một con đường đưa nhân loại về cõi phúc.
Chỉ có những ai giữ tròn quy luật yêu thương mới thực sự là người người theo đạo Chúa. Chúa Giêsu khẳng định rằng: “Người ta căn cứ vào dấu nầy để nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau.” (Ga 13, 35).
Những ai theo đạo yêu thương, tức là giữ tròn giới luật yêu thương Chúa dạy, thì được liệt vào hàng ngũ người con cái Chúa. Ngày phán xét, Chúa Giêsu mở cửa đón nhận họ vào Vương Quốc của Ngài: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa”; ai không sống theo luật yêu thương, là người bỏ đạo Chúa, thì bị liệt vào hàng ngũ những người bị nguyền rủa và bị loại trừ vĩnh viễn khỏi nhan Thiên Chúa: “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó” (Mt 24, 34. 41)
Ngày trước trong thời bách hại, hành động bước qua thập giá Chúa Giêsu là dấu chỉ cho biết ai là người bỏ đạo. Ngày nay, hành động chà đạp lên nhân phẩm, chà đạp tình người, là dấu hiệu chứng tỏ người thực hiện điều đó đã chối bỏ đạo yêu thương của Chúa Giêsu.
Nói cụ thể:
Trong đời sống chung giữa xã hội, ai nuôi lòng thù oán anh em mình, xúc phạm đến người khác, gây tổn thương thanh danh, phẩm giá người khác… là người đã từ bỏ đạo yêu thương của Chúa Giêsu.
Trong phạm vi gia đình, đạo yêu thương của Chúa dạy vợ chồng phải nên một với nhau, phải yêu thương và tôn trọng nhau suốt đời. Thế nên khi vợ chồng không còn sống yêu thương hiệp nhất nữa mà sống phân li chia cắt, thì lúc đó, hai người đã lìa bỏ đạo yêu thương của Chúa Giêsu.
Đạo yêu thương Chúa dạy cha mẹ phải chăm lo, giáo dục con cái, rèn đúc con cái nên người tài đức. Nếu cha mẹ thờ ơ không làm tròn nhiệm vụ đó, là cha mẹ đã bỏ đạo Chúa.
Đạo yêu thương Chúa dạy con cái phải thờ cha kính mẹ, thảo hiếu với ông bà tổ tiên; nếu con cái không giữ tròn chữ hiếu với cha mẹ, với ông bà tổ tiên là họ đã từ bỏ đạo yêu thương của Chúa rồi.
Trái lại, khi chúng ta theo lời Chúa dạy mà tha thứ cho người khác khi họ xúc phạm đến mình, cứu giúp những người hoạn nạn, chia cơm sẻ áo cho người nghèo thiếu, quên mình phục vụ những người chung quanh… là chúng ta đang đi theo đạo yêu thương của Chúa Giêsu cách triệt để nhất.
Các thánh tử đạo Việt Nam đã rất anh dũng bước theo đường lối Chúa Giêsu, theo đạo yêu thương của Chúa Giêsu. Dù ngục tù, gươm đao, dù bị róc xương xẻ thịt cũng vẫn không làm cho các ngài từ bỏ đạo Chúa. Chúng ta là con cháu các ngài, mang dòng máu bất khuất anh dũng của các ngài trong huyết quản mình, thì chúng ta cũng kiên quyết đi theo đạo yêu thương của Chúa như các ngài, để mai ngày đáng được hưởng triều thiên vinh hiển với các ngài trên thiên quốc.
Nguyện xin các thánh tử đạo Việt Nam là ông bà tổ tiên của chúng ta luôn phù giúp chúng ta vững bước đi theo đạo yêu thương của Chúa.

THÁNG 11 - GẪM SUY VỀ CÁI CHẾT

Tháng 11 đưa ta vào một cuộc biến đổi, để cho lá vàng cũ kỹ rụng đi, chuẩn bị cho những chiếc lá mới sẽ tỏ lộ. Ta cũng sẽ “qua đi” theo dòng chảy thời gian, nhưng không mất hút như chưa bao giờ tồn tại. 

“Có làm mưa làm gió, rồi cũng nằm đó mà thôi…” Một ông lão chợt thốt lên những lời như thế khi chứng kiến cảnh đưa tang của một người đã từng có khả năng “làm mưa làm gió”. Một câu nói rất đỗi bình thường, nhưng hàm chứa cả một chân lý, một sự “ngộ ra” căn bản và nền tảng nhất của kiếp nhân gian này. Ai cũng biết là mình sẽ chết vào một ngày nào đó, ai cũng có một ý thức rất rõ ràng là “có một thời sinh ra, có một thời chết đi”, nhưng để có thể cảm được cái vô thường của cuộc đời qua hai chữ “nằm đó”, người ta phải đánh đổi rất nhiều điều.
Cái chết là dấu chấm hết cho một sự hiện hữu. Nó không là cái gì cả, chỉ đơn giản là việc vật đó, cái đó, con đó, người đó… không còn mang trong mình sự sống nữa thôi. Nếu được chọn, người ta sẽ chọn sống. Nếu như phải chết, chẳng qua chỉ là vì không còn chọn lựa nào khác, hoặc người ta chọn chết vì một giá trị thiêng liêng nào đó cao quý hơn. Nhưng dù là với lý do gì, động lực gì, cái chết cũng đưa người ta về với sự khởi đầu, một tình trạng ngang bằng nhau cho tất cả: cát bụi.
Chết đi rồi thì chẳng còn gì để bàn cãi nữa. Nhưng cái chết của người khác lại là một sự cảnh tỉnh dành cho người còn sống. Nó đặt cho người ta câu hỏi về ý nghĩa sự hiện hữu của mình, về những nỗ lực phấn đấu, về cung cách hành xử, về những gì mà người ta đang cố nắm giữ trong tay. Nó cũng đặt người ta vào mối bận tâm về các tương quan, những cảm xúc. Cái chết là một biến cố làm ta cảm nghiệm cách rõ ràng nhất về tính đơn nhất của mình. Chẳng ai có thể chết thay ta, chết dùm ta, hay đối diện cái chết với cùng một tâm trạng giống như ta. Người ta có thể chia vui sẻ buồn với ta, nhưng cái chết của ta thì chỉ một mình ta đảm nhận lấy.
Khi tôi chết đi, thế giới này cũng vẫn cứ vần xoay theo định luật đã được mặc định cho nó. Chẳng phải vì tôi chết đi mà vũ trụ này có rúng động hay biến đổi gì. Người thân của tôi sẽ buồn vì mất tôi, không còn được gặp mặt và chuyện trò với tôi, nhưng rồi họ cũng chẳng làm gì được hơn. Giả như có ai đó cùng chết với tôi, thì họ cũng mang lấy cái chết của họ, còn tôi chết cái chết của tôi, mỗi người tự gánh lấy phần của riêng mình.
Cái chết có thể là một “sự yên nghỉ” dành cho những ai đã lăn lộn trên hành trình dương gian này suốt một thời gian dài. Cái chết cũng có thể bị coi là một sự “quả báo” dành cho những ai đã làm không ít điều xấu xa. Nó cũng được nhìn đến như một “về nguồn” dưới nhãn quan của một cuộc trở về với nơi từ đó mình được sinh ra. Đôi khi, nó là một “sự giải thoát” khi cuộc sống này có quá nhiều nỗi chán ngán đến thê lương, buộc người ta phải tìm cho mình một cái kết. Với người lạc quan, cái chết là cửa ngõ để dẫn vào một sự hiện hữu khác, không giống như kiểu hiện hữu mà ta đang trải nghiệm: chết là cánh cửa đi vào chốn vô hình – sự bất diệt.
Tháng 11 thường gợi lên trong lòng người nhiều cảm xúc. Trong tháng này, thời tiết cũng thay đổi nhiều, lá bắt đầu chuyển màu rồi rụng xuống, trở về với cội đất lạnh lùng. Cảnh sắc đất trời như cũng cố khơi gợi lên một nỗi niềm nào đó. Cái “qua đi” của thời gian làm ta thấy khó chịu. Có một xung năng nào đó trong lòng mình muốn kháng cự lại điều này. Ta muốn mình còn mãi, chứ không thích bị lãng quên. Ta cảm thấy khó có thể chấp nhận định luật sinh-diệt của đất trời. Nhưng dẫu sao, con người dù quyền phép cỡ nào cũng không thể chiến thắng được nó. Biết dừng lại, chấp nhận và vui lòng đón lấy quy luật này, con người mới có thể bình an và không còn sợ hãi.
Tháng 11 mời gọi con người đi vào trong một cuộc thay da đổi thịt. Nơi đó, họ thấy được chân tướng của hiện sinh, rằng mọi cái rồi sẽ qua đi, rằng chẳng có gì là tồn tại mãi mãi, ngoại trừ Đấng là nền tảng cho mọi hiện hữu trên đời. Tháng 11 ảm đạm là thế, nhưng không đưa người ta vào một cõi thê lương u uất. Tháng 11 cho ta khoảng lặng để trầm mặc về cái kết của cuộc đời và phô bày ra trước mắt nhân gian hệ quả của tất cả những chọn lựa của họ. Tháng 11 đưa ta vào một cuộc biến đổi, để cho lá vàng cũ kỹ rụng đi, chuẩn bị cho những chiếc lá mới sẽ tỏ lộ. Ta cũng sẽ “qua đi” theo dòng chảy thời gian, nhưng không mất hút như chưa bao giờ tồn tại. Mỗi cái chết là một sự tuôn trào của sự sống. Hạt giống được chôn vùi chính là để có một cây mới vươn lên. Có một sự sống viên mãn đang đợi ta phía trước.


Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

CÚI ĐẦU VÀ NGƯỚC ĐẦU

Dù kiêu ngạo có thể là xấu, nhưng đôi khi kiêu hãnh và kiêu căng lại không phải là vấn đề. Đúng hơn, thì chúng ta phải đấu tranh với một tinh thần thương tích và tan vỡ, không còn biết cách đứng thẳng.

Vào cuối nghi lễ phụng vụ Roma, có lời mời mọi người đón nhận phép lành trọng thể. Lời mời này như sau: Chúng ta cúi đầu và cầu nguyện xin Chúa chúc lành. Ý niệm phía sau điều này, rõ ràng là một phép lành chỉ có thể thực sự được lãnh nhận trong cung kính, khiêm nhượng, với cái đầu cúi xuống, và những kiêu căng tự hào bị gạt bỏ.
Một cái đầu cúi xuống là dấu chỉ của khiêm hạ, và hầu như khắp thế giới, đều xem đây là một tư thế đúng đắn về đường thiêng liêng. Các ngòi bút thiêng liêng hiếm khi đặt lại vấn đề hay thấy cần phải làm rõ ý niệm, lành mạnh linh hồn là cúi đầu trong tinh thần khiêm tốn. Nhưng chuyện này có thật đơn giản như thế hay không?
Phải công nhận rằng, trong tư thế đơn sơ này lại chứa đựng biết bao khôn ngoan. Một cái đầu cúi xuống trong cung kính là dấu chỉ của khiêm hạ. Hơn nữa, kiêu ngạo là tội hàng đầu trong những tội chết người. Sự kiêu ngạo của con người là bẩm tại, sâu sắc và không thể nhổ triệt được. Nó có thể được cứu chuộc và cũng có thể bị đập tan, nhưng luôn còn lại trong chúng ta, và còn lại một cách cần thiết. Không có sự lành mạnh nếu không có sự kiêu hãnh, nhưng nó cũng có thể hủy hoại sự lành mạnh. Có một điều gì đó bên trong bản chất con người, cố kết trong cá tính và tự do của chúng ta, một sự không thích quỳ gối trước những gì cao cả hơn và quyền thế hơn. Chúng ta canh chừng lòng kiêu hãnh của mình một cách dữ dội, và không phải ngẫu nhiên khi hình tượng điển hình cho sự chống đối Thiên Chúa là câu nói ngoan cố bám chặt vào kiêu hãnh của Lucifer: ‘Tôi sẽ không phục vụ.’
Hơn nữa, chúng ta không thích thừa nhận mình yếu đuối, hạn chế, lệ thuộc và phụ thuộc lẫn nhau. Do đó, tất cả chúng ta phải lớn lên và trưởng thành, đến một mức độ mà khi đó chúng ta không còn ngây thơ và đủ kiêu căng để tin rằng mình không cần phúc lành của Thiên Chúa nữa. Tất cả mọi linh đạo đều dựa vào khiêm hạ. Sự trưởng thành cả về nhân bản lẫn linh hồn, lại hiển nhiên nhất trong những người quỳ gối cầu nguyện.
Nhưng, dù kiêu ngạo có thể là xấu, nhưng đôi khi kiêu hãnh và kiêu căng lại không phải là vấn đề. Đúng hơn, thì chúng ta phải đấu tranh với một tinh thần thương tích và tan vỡ, không còn biết cách đứng thẳng. Trẻ trung, khỏe khoắn, mạnh mẽ, kiêu căng và không nhận biết mình mỏng manh và hữu hạn đến thế nào (và ảo tưởng này có thể tồn tại đến tận tuổi già) là một chuyện, nhưng mang một tâm hồn tan vỡ, một tinh thần tan nát và mất đi lòng kiêu hãnh lại là chuyện khác. Khi điều này xảy đến, và nó luôn xảy đến với tất cả chúng ta nếu như chúng ta có sự nhạy cảm vừa đủ và sống đủ lâu, thì lòng kiêu hãnh bị tổn thương là một điều rất đỗi tiêu cực, nó giày vò kìm kẹp chúng ta đến nỗi không còn có thể đứng dậy, đứng thẳng, ngước đầu lên và đón nhận yêu thương cùng phúc lành.
Tôi còn nhớ hồi nhỏ, lớn lên trong nông trại, tôi từng chứng kiến chuyện thuần hóa ngựa. Người ta bắt được một con ngựa non lâu nay rong ruổi hoàn toàn tự do, và bằng một tiến trình tàn bạo, họ buộc chú ngựa non đó quy phục dây cương, bàn đạp và mệnh lệnh của con người. Khi tiến trình đã hoàn tất, con ngựa giờ phục tùng mệnh lệnh của con người. Nhưng tiến trình bẽ gãy sự tự do và tinh thần của con người, là một việc rất không nhẹ nhàng và do đó gây nên một kết quả lẫn lộn. Con ngựa giờ phục tùng, nhưng một phần tinh thần của nó đã bị phá vỡ.
Đây là một hình ảnh tương đồng cho cuộc hành trình của chúng ta, cả về nhân bản lẫn thiêng liêng. Cuộc sống, rất không trìu mến, đến cuối cùng, bẽ gãy tinh thần của chúng ta, vì những lý do tốt và xấu, rồi chúng ta khiêm hạ, nhưng cũng là mang một thương tích và không thể đứng thẳng được. Sự khiêm hạ cưỡng bách này có một hiệu ứng kép: Một mặt, chúng ta thấy mình khụy gối một cách tự nhiên hơn trước những gì cao cả hơn, nhưng mặt khác, bởi vì nỗi đau khi bị bẽ gãy, chúng ta tập trung vào bản thân mình hơn là vào người khác, và cuối cùng trở nên tật nguyền. Bầm tím và dễ vỡ, chúng ta không thể cho và nhận cho đúng đắn được, và trở nên dè dặt ngại ngùng khi chia sẻ sự tốt đẹp và chiều sâu của mình với người khác.
Linh đạo và tôn giáo, hầu hết đều quá thiên về một mặt mà thôi. Các linh đạo và tôn giáo luôn cảnh giác trước sự kiêu hãnh và tự đại (và cũng thừa nhận rằng, chúng có thật và luôn là những tội chết người.) Nhưng linh đạo và tôn giáo quá chậm trong việc đỡ người ta đứng lên. Chúng ta đều biết câu châm ngôn rằng, nhiệm vụ của linh đạo là làm đau người thoải mái, và xoa dịu cho người bị đau. Xét theo lịch sử, linh đạo và tôn giáo, dù không phải lúc nào cũng thành công với vế trước, nhưng cũng đã quá lơ đễnh với vế sau.
Kiêu hãnh và tự đại là tội nặng nề nhất trong tất cả các tính xấu. Tuy nhiên, một lòng kiêu hãnh bị tổn thương và một tinh thần vỡ nát cũng có thể làm hỏng chúng ta như thế.
Vậy nên, có lẽ khi Giáo hội chúc lành cho cộng đoàn vào cuối phụng vụ, thay vì nói, Chúng ta cúi đầu và cầu nguyện xin Chúa chúc lành. Thì nên đổi thành: Những ai nghĩ mình không cần phúc lành này: Hãy cúi đầu và cầu nguyện xin Chúa chúc lành.  Còn những ai cảm thấy mình bị tổn thương, tan vỡ và bất xứng với phép lành này: Hãy ngước đầu lên và đón nhận tình yêu và ơn ban mà anh chị em đã từ lâu mong mỏi được đón nhận lần nữa.
Ronald Rolheiser

J.B. Thái Hòa dịch