SUY NIỆM LỜI CHÚA CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG

 HÃY THỐNG HỐI VÌ NƯỚC TRỜI GẦN ĐẾN



Bước vào Chúa nhật II Mùa Vọng với chủ đề: Populus Sion ... (Này hỡi Dân Sion…) Chúa sắp ngự đến cứu độ muôn dân. Người sẽ lên tiếng thật oai hùng, khiến tâm hồn anh em hoan hủy... " (Ca nhập lễ) làm cho tâm hồn chúng ta rạo rực hẳn lên. Khơi dậy trong ta một lịch sử của sự tha thứ và khám phá ra lòng trắc ẩn của Thiên Chúa đối với con người. Lịch sử ấy có những đòi hỏi như Gioan Baotixita mách bảo chúng ta: « Hãy sửa đường Chúa », nghĩa là: hãy hoán cải tâm hồn đón chờ Chúa đến.
Bài đọc I vang lên làm chúng ta nhớ đến sự mong chờ Đấng Cứu Thế đến của Dân Do Thái, Đấng mà ngôn sứ đã loan báo: "Từ gốc Giêsê sẽ đâm ra một chồi và cũng từ gốc ấy sẽ đơm lên một bông hoa. Trên bông hoa ấy, thần linh của Thiên Chúa sẽ ngự xuống… Ngài sẽ lấy đức công minh mà xét xử những người nghèo khó, và lấy lòng chính trực mà bênh đỡ kẻ hiền lành trong xứ sở... " (x. Is 11, 1-10).
Tin Mừng theo Thánh Matthêu (3, 1-12) trình bày cho chúng ta nhân vật Gioan Tẩy Giả, vị tiên tri cuối cùng của Cựu Ước, từ trong hoang địa, rao giảng kêu gọi dân Do Thái sám hối. Lời giảng tuy nghiêm nghị nhưng thu hút nhiều người. Gioan đã xuất hiện với những người đương thời như là hy vọng cuối cùng của một dân tuyệt vọng. Rất ít người nhận ra nhiệm vụ đích thực của ông là để " dọn đường cho Chúa", loan báo Chúa đến.
Gioan xuất hiện như Tiếng kêu trong hoang địa, mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da thú. Ông không kêu gọi người ta trở nên nhà khổ tu giống như ông. Ông rao giảng rằng: "Hãy ăn năn thống hối, vì nước trời gần đến ... chớ tự phụ nghĩ rằng: tổ tiên chúng tôi là Abraham. Vì ta bảo cho các người hay: Thiên Chúa quyền năng có thể khiến những hòn đá trở nên con cái Abraham. Đây cái rìu đã để sẵn dưới gốc cây. Cây nào không sinh trái tốt, sẽ phải chặt đi và bỏ vào lửa." Kết quả là: "Dân thành Giêrusalem, khắp xứ Giuđêa và các miền lân cận sông Giođan tuôn đến với ông, thú tội và chịu phép rửa do tay ông trong sông Giođan." Lời của Gioan vẫn vang dội qua các thời đại và như một sứ điệp cấp bách gửi đến với chúng ta ngày hôm nay.
Gioan Tiền Hô lớn tiếng kêu gọi: "Hãy ăn năn thống hối, vì nước trời gần đến". Mùa Vọng năm nay, chúng ta đang sống như thế nào, nếu không phải là chuẩn bị tâm hồn, giục lòng tin, cử hành Phụng vụ cho sốt sáng để lãnh nhận Ân Sủng mà Chúa Kitô đã mang đến trong thế gian cho mọi người hưởng nhờ. Trong năm vừa qua, chúng ta đã đi trọn con đường đặc biệt cử hành Năm Thánh Lòng Thương Xót. Giờ đây, có thể nói là bốn tuần của Mùa Vọng là như "tiền đường" để bước tiếp vào những ngày thánh. Chúng ta hãy chuẩn bị tinh thần bằng lời cầu nguyện, ngõ hầu Mùa Giáng Sinh sắp đến gặp thấy chúng ta sẳn sàng tiếp đón Ðấng Cứu Thế ngự đến!
"Hãy ăn năn thống hối". Ðể gặp được Ðấng cứu thế, con người cần phải hoán cải chính mình, nghĩa là tiến đến cùng Chúa Kitô với đức tin tươi vui, bỏ đi những cách thức suy tưởng và nếp sống ngăn cản chúng ta sống theo Chúa cách trọn hảo.
"Vì nước trời gần đến". Công Đồng Va-ti-ca-nô II dạy rằng: Chúng ta không biết được thời gian hoàn tất của trái đất và nhân loại, chúng ta cũng chẳng biết cách thức biến đổi vũ trụ. Chắc chắn hình ảnh của một thế gian lệch lạc vì tội lỗi sẽ qua đi, nhưng chúng ta được biết Thiên Chúa đã dọn sẵn một chỗ ở mới và một đất mới, nơi công bằng ngự trị. Hạnh phúc nơi ấy sẽ thỏa mãn và đắp đầy mọi ước vọng hòa bình trào dâng trong lòng con người. Khi ấy, sự chết sẽ bị đánh bại, con cái Thiên Chúa sẽ phục sinh trong Chúa Kitô và những gì được gieo vãi trong yếu hèn, mục nát, sẽ mặc lấy sự không hư nát; tình yêu và các hoạt động bác ái sẽ tồn tại và toàn thể tạo vật mà Thiên Chúa đã dựng nên cho con người sẽ được giải thoát khỏi ách nô lệ phù vân.
Chúng ta đã được cảnh giác là lời lãi cả thế gian mà chính mình hư mất nào ích lợi gì. Nhưng sự trông đợi đất mới không được làm suy giảm, trái lại phải kích thích nỗ lực phát triển trái đất này, nơi mà Thân Thể gia đình nhân loại mới đang tăng trưởng và tiên báo một vài hình ảnh của thời đại mới. Trích "Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng ", § 39, 1-3.
Chúng ta hãy đặt vào tay Mẹ Maria Nữ Vương của niềm hy vọng mọi ước muốn tốt lành của chúng ta, để Mẹ giúp chúng ta sống Mùa Vọng này cho xứng. Cầu chúc cộng đoàn chúng ta thăng tiến luôn mãi với ơn Chúa. Amen.

 Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Cho bạn, cho tôi


Cho bn và Cho tôi


Tôi viết những điều này cho bạn và cho tôi. Mỗi khi đau buồn hay bế tắc hãy nghĩ đến nhau đến những người xung quanh. Họ vẫn luôn bên cạnh bạn và cầu mong cho bạn được hạnh phúc. Không ai sinh ra một mình trên cõi đời, chúng ta sống là sống cùng và sống với. Không ai là một hòn đảo chúng là hành tinh nhỏ trong các hành tinh, hạt cát nhỏ trong sa mạc của Chúa.
Vì thế hãy cố gắng và vượt qua bạn nhé. Hãy nhớ rằng trong chúng ta cũng luôn có một sức mạnh tiềm ẩn, sức mạnh đó sẽ giúp chúng ta vượt qua giông bão cuộc đời. Bạn hãy tìm thấy được sức mạnh trong tâm trí của bạn và đừng tìm sức mạnh ở đâu xa. Hãy sống và dám sống đừng để sự tuyệt vọng chôn mất cuộc đời của bạn. Không ai có một cuộc đời hoàn hảo cả, sau những lần thất bại bạn sẽ thấy trưởng thành hơn. Đừng bao giờ để mình bị quật ngã trước những thất bại mà hãy xem đó là bài học vô cùng quý giá.
Cuộc sống luôn có những khoảng lặng như những dòng nhạc xen kẽ nốt lặng để nâng cung lòng của giai diệu thì nốt lặng của cuộc sống là hiểu mình và hiểu những cung bậc của cuộc sống. Giá trị của một con người được đo lường nơi khả năng thinh lặng nội tâm của người đó. Người ta không chỉ cầu nguyện bằng lời mà bằng những cách chìm đắm trong tĩnh lặng. Đừng bao giờ phán xét người khác khi chưa hiểu họ vì quá khứ và tương lai ko là gì nếu bạn không trân trọng hiện tại và nỗi đau cũng là một thầy dạy tuyệt vời. Cuộc sống không có những sai lầm mà chỉ có những bài học, mỗi lần thất bại là một cơ hội để phát triển trí tuệ và khả năng của mình.
Đáng khâm phục của người đời người là vươn lên sau khi ngã, thà dám cố gắng dấn thân cố gắng hết mình mà gặp thất bại còn hơn là là sống một đời tẻ nhạt. Không ai có một cuộc sống hoàn hảo cả sau những lần thất bại bạn sẽ cảm thấy trưởng thành hơn. Đừng bao giờ để mình bị quật ngã trước những thất bại mà hãy xem đó là bài học quý giá. Người ta không thua khi bại trận mà chỉ thua đi đầu hàng. Con ốc sên không bao giờ từ bỏ hành trình vươn lên cuả mình dù có rớt xuống nó vẫn cố gắng bò lên bức tường vôi hay nhà thám hiểm luôn kiên trì trên hành trình của mình. Bạn cũng thế hãy cho mình một cơ hội một khởi đầu mới để tiếp tục cuộc hành trình của mình.


Lotus lotus

SỨC MẠNH CỦA LỜI NÓI


SỨC MẠNH CỦA LỜI NÓI


Lời nói là gì? Từ rất lâu trong lịch sử nhân loại, ngôn ngữ đã được hình thành qua quá trình lao động sản xuất, chinh phục thiên nhiên, xây dựng mối quan hệ cộng đồng. Con người dùng ngôn ngữ để bày tỏ tư tưởng tình cảm của bản thân với những người xung quanh. Từ đó, loài người hiểu và thêm yêu thương gắn bó với nhau.
Lời nói là một ơn huệ chỉ dành cho con người, trên địa cầu này mà thôi, nếu không có những lời trao nhau thiết tưởng cuộc sống của chúng ta sẽ ra sao nhỉ? Chắc nghèo nàn và khô cằn lắm!
Qua lời nói, chúng ta truyền đạt với nhau, từ tâm hồn này tới tâm hồn khác. Nhờ lời nói chúng ta biểu lộ, với tất cả sức mạnh của tâm tình và gắn bó với tha nhân bằng cách ghi sâu đường nét và hình dạng con người cũng như tấm lòng chúng ta vào trong trí óc và con tim người khác.”[1]
Miệng người ngay là suối nguồn sự sống
Miệng kẻ ác ẩn dấu bạo hành
                                                                  Cn 6,11
Như vậy, giá trị và ý nghĩa của lời nói thật vô cùng to lớn. Lời nói được thốt ra từ trí tuệ và tâm tư của người này sẽ đến được với trí tuệ và tâm tư người khác. Đó là phương tiện kết nối vô cùng quan trọng. Lời nói sẽ đem lại sự giúp đỡ giữa người và người, nâng đỡ tinh thần, an ủi khi buồn, chia sẻ khi vui. Những sức mạnh tinh thần mà lời nói đem lại sẽ giúp con người chúng ta vượt qua nhiều thử thách, có thể học tập, lao động, sáng tạo tốt hơn, gặt hái nhiều thành tựu hơn. Trong khoa học, lời nói giúp chuyển tải các quan điểm nghiên cứu để khoa học được tiếp thu, phát triển. Trong công việc, lời nói là cách thức trao đổi làm việc nhóm, góp ý, động viên nhau; trong đời thường, lời nói là sự bày tỏ yêu thương, chia sẻ cùng nhau. Cũng có lúc giận hờn, con người dùng lời nói làm tổn thương nhau, điều đó thật đáng buồn, vì lời nói vô hình nhưng có khi sắc bén như gươm đao gây ra những vết thương lòng khó lành được. Bởi vậy, phải biết dùng lời nói để đem lại niềm vui, không nên dùng lời nói như một thứ vũ khí trong cuộc sống đời thường của mỗi chúng ta. Chính vì thế, ông bà ta khuyên con cháu rằng:
Chim khôn kêu tiếng rảnh rang
Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe. (Tục ngữ Việt Nam)

"Khôn" ở đây chính là chỉ người thông minh, khéo léo thì ắt am hiểu giá trị và ý nghĩa của lời nói. Có thể nói, sức mạnh lớn lao của lời nói thể hiện trong mọi hoàn cảnh cuộc sống con người. Đặc biệt là những lời nói chân chính, lan tỏa yêu thương. Mẹ Tê-rê-sa, nữ tu cả đời cống hiến cho tình yêu thương con người đã từng nói rằng: "Lời nói tử tế có thể ngắn và dễ nói, nhưng tiếng vọng của chúng là vĩnh cửu"!
“Ai trong anh em không vấp ngã về lời nói, ấy là người hoàn hảo” Gc 3,2
Vậy bài học rút ra cho con người, đặc biệt là những nữ tu như chúng ta, phải năng nói lên những "lời tử tế", đó là những lời nói có suy nghĩ, thốt ra từ tấm lòng chân thành, ngay thẳng và trung thực. Mỗi lời nói như vậy sẽ như một bông hoa tươi nở giữa đời thường của cuộc sống, đem lại hạnh phúc và niềm tin cho tất cả chúng ta cũng như mọi người sung quanh. Nhưng để vận dụng lời nói như một phương tiện giao tiếp hiệu quả, phương tiện trao gửi tư tưởng và tình cảm, cũng không phải tự nhiên mà làm được. Trước tiên, mỗi chúng ta phải năng trau dồi kiến thức về ngôn ngữ. Phải biết phát âm đúng, dùng từ hay, câu văn truyền cảm, cách nói năng phải mạch lạc. Không phải tự nhiên ta có thể đạt được những điều đó, nếu không ra sức học hỏi, ở trên đường đời  và cả trong cuộc sống. Để có được những lời nói có giá trị và ý nghĩa cao đẹp, con người còn phải rèn luyện nhân cách, trau dồi phẩm chất của bản thân. Là một người trưởng thành thì cần rèn luyện tính cách ôn hòa, kiên nhẫn, luôn tôn trọng mọi người, biết khiêm tốn, bao dung với người khác mà nghiêm khắc với chính mình. Huống chi chúng ta là những nữ tu thì điều đó còn phải đòi hỏi khắt khe hơn nữa. Khi đó, chúng ta mới có thể giao tiếp bằng lời nói một cách văn minh, lịch sự, và đạt hiệu quả cao nhất.
Lưỡi người khôn ngoan vốn là thuốc hay
Lời vô độ đâm xoi khác nào gươm.
                                                                   Cn 12,18
Như vậy, lời ăn tiếng nói luôn cần phải văn minh, thanh lịch. Có lẽ bao giờ con người còn hiện diện trên mặt đất này thì cũng không thể thiếu được vai trò của lời nói, để gắn kết và yêu quý nhau hơn. Người Việt chúng ta yêu quý tiếng mẹ đẻ, quyết tâm gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt. Mà muốn gìn giữ sự trong sáng đó, trước tiên, chúng ta cần học cách sử dụng lời nói thật đúng đắn, thật hay. Hãy để lời nói của chúng ta chuyên chở tình yêu thương và niềm vui đến cho mọi người!
“Thông minh là biết cách nói hợp lý, nghe chăm chú, trả lời dí dỏm, và ngừng nói khi cần”  Pasteur.
                                                                               Nt. Maria Phạm Thị Giêng.



[1] Gabriele Adani

Ý NGHĨA 4 CÂY NẾN MÙA VỌNG


4 cây nến trong mùa Vọng có ý nghĩa gì?



 Giáo hội Công giáo đang bắt đầu vào mùa Phụng vụ mới với tên gọi mùa Vọng. Đây là dịp lễ diễn ra khoảng thời gian 4 tuần trước lễ Giáng sinh, thường kéo dài từ 22 đến 28 ngày và có 4 ngày Chủ nhật tính từ trước ngày Lễ Giáng Sinh và kết thúc vào Đêm vọng Lễ Giáng Sinh (đêm 24 tháng 12).

Trong thời gian này, Hội thánh Công Giáo kêu mời mọi người dành thời giờ dọn tâm hồn đón mừng lễ Chúa xuống làm người, lễ ánh sáng mặt trời công chính.
Ngoài những nét đặc trưng riêng có thì điểm nổi bật trên bàn thờ người Công giáo trong mùa Vọng là việc trang trí 4 cây nến tượng trưng cho 4 tuần trước lễ Chúa Giáng sinh. Ánh sáng 4 cây nến tỏa ra 4 phương trời đất trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa. 
4 cây nến chung quanh “vòng hoa mùa Vọng” với cành lá xanh tượng trưng cho sự sống muôn đời. Hạt giống, trái hồ đào dùng để trang trí trên vòng hoa tượng trưng cho sự sống lại và những hoa trái tiêu biểu cho lương thực dồi dào của đời sống Kitô hữu.
Nến tượng trưng cho ánh sáng Chúa Kitô. 4 cây nến mang bốn sứ điệp đến cho con người, cụ thể: Cây nến thứ nhất chiếu ánh sáng Hòa bình cho những tâm hồn có lòng khoan dung nhân ái. Cây nến thứ hai mang ánh sáng Niềm Tin cho những tâm hồn khao khát tìm về với Chúa là cội nguồn của đời sống. Cây nến thứ ba chiếu tỏa hơi ấm Tình Yêu cho những tâm hồn tìm sống tình liên đới với người khác. Cây nến thứ tư mang niềm Hy vọng cho những tâm hồn cần niềm vui phấn khởi. 
Với đặc trưng đó nên các bài giảng dành cho các ngày trong tuần của mùa Vọng được khuyến khích đặc biệt theo từng mặt ý nghĩa. Các ngày trong tuần từ 17 - 24/12 hướng tới việc phục vụ chuẩn bị trực tiếp hơn dành cho sinh nhật của Đức Kitô. Kinh Vinh danh không được đọc hay hát trong dịp này.
4 cây nến mùa Vọng loan báo sứ mạng của Chúa Giêsu xuống trần gian làm người với con người.
Với ý nghĩa nhân bản và sâu sắc đó, mặc dù theo giáo luật Công giáo, những ngày và những lần sám hối trong Giáo hội hoàn vũ là mọi thứ 6 trong cả năm và cả mùa Chay. Song, các đấng bản quyền địa phương (Giám mục Giáo phận) có thể thiết lập thêm những ngày sám hối với mục đích giúp cho tín hữu Công giáo nhận biết đích thực về hành vi và tình trạng tội của chính mình, thấy rõ lòng thương xót của Chúa và cố gắng sống thánh thiện với nhiều phương cách khác nhau./.
                                                                                               Hồng Ân Tổng hợp


CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG NĂM A



Canh thức và sẵn sàng chờ đón Chúa 



Hôm nay chúng ta bước vào Chúa nhật thứ nhất Mùa Vọng, khởi đầu cho Năm Phụng Vụ mới. Chắc hẳn ta cảm nhận thời gian trôi qua thật nhanh. Khi khí trời se lạnh một chút, chúng ta đã thấy ngoài thị trường trưng bày bán đầy dẫy những đồ trang trí lễ Noel. Người ta rộn ràng mua sắm, chuẩn bị cho ngày lễ và mở nhạc Giáng Sinh khắp nơi. Thế nhưng, với mỗi người Kitô hữu, Hội Thánh mong muốn chúng ta sống Mùa Vọng với tâm tình chuẩn bị kính nhớ biến cố Con Thiên Chúa đến với nhân loại lần thứ nhất, đồng thời chúng ta hướng lòng trông đợi Chúa Kitô đến lần thứ hai trong ngày cánh chung. Vì thế, Lời Chúa mời gọi ta “Anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến.” Vậy, chúng ta cần làm gì và sống như thế nào để có thể canh thức và sẵn sàng đón Chúa?
Khi mừng Lễ Giáng Sinh, chúng ta nhớ về một biến cố trong quá khứ đã diễn ra trước đây hơn hai ngàn năm. Chúng ta cử hành sinh nhật của Chúa Giêsu, Mầu Nhiệm Con Thiên Chúa trở nên một người ở giữa chúng ta. Còn Mùa Vọng lại thúc đẩy chúng ta hướng về tương lai. Mùa Vọng nhắc chúng ta nhớ rằng một ngày nào đó Chúa Giêsu sẽ đến trong vinh quang, là ngày cùng tận của thế giới, để thay đổi, làm cho tất cả nên mới. Vì thế, “Hãy canh thức, hãy sẵn sàng” là điều Chúa Giêsu chỉ dạy và mong ước chúng ta thực thi.
Hãy Canh Thức. Chúa tha thiết kêu mời chúng ta hãy canh thức để có thể nhận biết sự hiện diện của Chúa trong trần gian và trong cuộc sống của chính chúng ta. Chúa Giêsu đưa ra quang cảnh ngày Chúa đến sẽ như nạn hồng thủy ập xuống bất ngờ “Thời ông Nôê thế nào thì cuộc quang lâm của Con Người cũng sẽ như vậy.” Vì thế, cần phải canh thức mới nhận ra ngày giờ Chúa đến và mới được cứu. Người canh thức là người tỉnh, không ngủ mê trong những tội lỗi; là người tỉnh thức trước những cám dỗ của trần gian, của những ham mê danh lợi thú, của những lo lắng sự đời và tất cả những gì ngăn cản Chúa đến với ta.
Cầu nguyện sẽ giúp chúng ta tỉnh thức hướng lòng về Chúa và không còn bám víu vào thế trần. Chính Chúa đã dạy các môn đệ “Anh em hãy cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng hái, nhưng thể xác lại yếu đuối” (Mc 14,38). Cầu nguyện là vũ khí của người Kitô hữu và là chìa khóa mở trái tim Thiên Chúa. Vì vậy, thánh Phaolô đã khuyên chúng ta hãy “Cầm lấy cũ khí của sự sáng để chiến đấu” (Rm13,12). Nhờ vũ khí cầu nguyện, chúng ta mới thức dậy và mạnh mẽ loại trừ những việc làm đen tối, ăn ở đứng đắn, không chiều theo tính xác thịt hay dục vọng nhưng luôn mặc lấy Chúa Kitô (x. Rm 13,12-14). Vậy đừng bao giờ chúng ta ngừng cầu nguyện, vì “Ai không cầu nguyện, không cần ma quỉ lôi kéo, sẽ tự mình sa xuống hỏa ngục” (Thánh Têrêsa Avila). Ước mong sao mỗi chúng ta biết dùng thời giờ trong ngày sống để dâng lên Chúa những tâm tình tôn vinh, chúc tụng, cảm tạ, hối lỗi và xin ơn lành… Như thế, cầu nguyện sẽ là chiếc thang nối trời với đất và giúp ta luôn tỉnh thức sẵn sàng đón chờ Chúa đến.
Hãy Sẵn Sàng. Lời Chúa tha thiết nhắc nhở ta hãy biết chuẩn bị chu đáo từ xa để có một tâm hồn sẵn sàng chờ đón Chúa. Bởi “Đời đâu học được chữ ngờ”, thế nên thái độ sẵn sàng không bao giờ là thừa, nhất là sẵn sàng chờ đón giờ Chúa đến. Vì “chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến”. Giờ và ngày ấy sẽ không bất ngờ nếu ta biết chuyên chăm cầu nguyện, cử hành các Bí tích, nhất là Bí Tích Thánh Thể mỗi ngày. Chỉ trong cầu nguyện và cử hành Bí tích, ta mới có cơ hội tập quen dần đón Chúa, gặp gỡ Chúa và trò chuyện thân mật với Chúa. Nhờ cầu nguyện, Chúa ban cho ta sức mạnh và lòng can đảm để vượt qua những thử thách, những sự dữ và có thể đứng vững trong ngày Chúa đến.
Chúng ta cần lắng nghe Chúa nhắn nhủ và ý thức để sống Canh Thức và Sẵn Sàng, vì “Anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến.” Hãy để Lời Chúa ngân vang trong lòng chúng ta, và cố gắng thực thi Lời Chúa dạy. Hãy dành thời gian cầu nguyện, tập nhận ra Chúa hiện diện trong cuộc đởi mình, trong những biến cố, trong anh chị em. Và ta cũng hãy biết đón Chúa qua việc tiếp đón, yêu thương chia sẻ với những anh chị em bé nhỏ, nghèo hèn đang sống quanh ta ngay nơi trần gian này. Có như thế, tâm hồn ta mới luôn ở trong tư thế canh thức và sẵn sàng chờ đón Chúa. Đừng để ta bị bất ngờ về “Ngày ấy” Ngày Chúa đến với ta qua giờ chết của mỗi người và trong ngày Chúa quang lâm.
Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến. Xin hãy ban thêm lòng tin, cậy, mến, để chúng con luôn biết tỉnh thức và sẵn sàng chờ đón Chúa và được hưởng ơn cứu độ. Amen.
                                                                                                                               Dã Quỳ




THÁNG 12

NGÀY
LỄ
QUAN THẦY
03/12
Lễ thánh Phanxicô Xaviê

Chị Tho

06/12
Lễ thánh Nicolas
Chị Kim Ngân
08/12
Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm
* Bổn mạng Học Viện             
* Chị Diễm Lan
13/12
Lễ thánh Lucie, Tn, Tđ
Lễ thánh Odile
* Chị Quý Phương
* Chị Mỹ
26/12
Lễ Thánh Etienne
Chị Sen
27/12
Lễ thánh Gioan Tông đồ
Dì Nga.

 

LỄ GIỖ BỐ MẸ CHỊ EM

TƯỞNG NHỚ VÀ CẦU NGUYỆN



NGÀY
LỄ GIỖ
03/12
Ông cố Micae - Thân phụ Dì Trưởng
11/12
Ông cố Phanxico Xavie - Thân phụ chị Mỹ Tiên
Ông cố Giuse - Thân phụ chị M.Odile Mỹ
22/12
Bà cố Maria - Thân mẫu chị Lan (Cathérine)

NÉT ĐẸP NƠI NGHĨA TRANG


Bạn thân mến,
Đã từ lâu, nghĩa trang thường được xem là nơi của chết chóc u buồn. Ngày đưa tiễn bạn bè hay người thân về nơi an nghỉ vĩnh hằng, nghĩa trang luôn đượm buồn tang tóc. Mảnh đất ấy ôm lấy thi hài người đã khuất; bao giọt nước mắt thấm sâu trong lòng bụi đất nơi nghĩa trang, và hàng tỉ tỉ câu chuyện buồn quanh mảnh đất đầy u uẩn này. Tuy nhiên, trong niềm tin tưởng vào Đấng Phục Sinh, nghĩa trang Công Giáo luôn chất chứa nhiều hy vọng, nhiều nét đẹp luôn trổ sinh nơi mảnh đất thánh thiêng này.  

Cứ vào tháng 11 hàng năm, rất nhiều người đi ra nghĩa trang để trang hoàng lại phần mộ của người đã khuất. Ai cũng chăm lo làm sao để mộ phần được sạch đẹp và ấm cúng. Ngoài những đóa hoa rung rinh trên những nấm mồ, người ta có thể thấy những khói hương nghi ngút hoặc ánh nến lunh linh. Nghĩa trang lúc này thực sự là một mảnh đất xinh đẹp không quá đáng sợ khiến người ta xa tránh. Nét đẹp bên ngoài ấy thể hiện tấm lòng người còn sống muốn nhớ về những linh hồn đã khuất.

Đối với người Kitô hữu, tháng 11 là thời gian rất đặc biệt để cầu nguyện cho các linh hồn đã khuất. Họ có thể là ông bà tổ tiên, thân bằng quyến thuộc của ta. Bầu không khí nguyện cầu này rất dễ thấy và thật sống động nơi mỗi nghĩa trang. Đêm cũng như ngày, ai cũng thu xếp cộng việc để ra mảnh đất yên nghỉ của biết bao người quá cố, để thắp nén hương nguyện cầu. Ta hy vọng lời nguyện cầu ấy luôn đẹp lòng Thiên Chúa. Nhờ đó, ta ước nguyện Thiên Chúa sẽ dủ lòng thương đón những linh hồn nơi luyện ngục về hưởng hạnh phúc thiên đàng. Hóa ra từng lời kinh tiếng hát luôn là nét đẹp có giá trị trước nhan thánh Chúa. Trong tín điều các thánh thông công, chúng ta được mời gọi cầu nguyện cho những linh hồn ấy.

Nét đẹp nơi nghĩa trang còn là tình người với nhau. Nơi nghĩa trang, chúng ta không chỉ cầu nguyện cho người đã khuất, mà còn là nơi diễn tả tình liên đới của những người còn sống. Thành viên trong gia đình, đoàn thể trong xứ cùng nhau hiện diện nơi nghĩa trang để dâng về Chúa biết bao nguyện cầu. Lúc này nghĩa trang không còn là mảnh đất lạnh lùng âm u, nhưng là nơi ấm áp tình người. Rồi mỗi người nhận thấy phận mình mong manh; trước cái chết, chỉ có Thiên Chúa mới cứu được chúng ta. Nhờ thế, tự nhủ với lòng, tôi sẽ sống tốt hơn với Chúa, với tha nhân. Hy vọng nơi nghĩa trang luôn trổ sinh những nét đẹp thánh thiêng như thế!

Mỗi người có thể cảm nhận thêm nhiều nét đẹp nơi nghĩa trang. Xin đừng sợ mảnh đất đang cưu mang những người đã khuất. Cũng xin đừng tranh giành đất của những người đang yên nghỉ. Xin dành cho nhau những mảnh đất nghĩa trang để người chết được mồ yên mả đẹp. Rồi trong suốt tháng này, xin đừng quên những linh hồn nơi luyện ngục! Họ cần chúng ta thăm viếng, nguyện cầu. Hãy nhìn di ảnh trên phần mộ của họ để nhớ về một con người từng hiện diện với chúng ta. Họ cũng muốn liên lạc với chúng ta. Cầu chúc cho nhau trong tháng 11 này, chúng ta hạnh phúc bước vào nghĩa trang để nài xin Chúa cứu lấy các linh hồn nơi luyện ngục. Trong niềm tin vào lòng Chúa xót thương, ta phó thác linh hồn họ cho Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã chiến thắng tử thần.

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng sống, xin đoái thương đón những linh hồn nơi luyện ngục về chốn bình an. Xin nhận lời chúng con nguyện cầu cho họ được hưởng nhan thánh Chúa. Xin Chúa đừng lãng quên thân bằng quyến thuộc của chúng con. Amen.

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ




THÁNG 11

NGÀY
LỄ
QUAN THẦY
03/11
Lễ thánh Martin Porres
  * Bảo trợ Tỉnh Dòng
  *Bổn mạng cộng đoàn Martin (Cung Kiệm)
*Chị Thu Thảo (Martine)
17/11
Lễ thánh Élisabeth
Chị Thu Hiền
21/11
Lễ Đức Mẹ dâng mình    
Bổn mạng các em Thỉnh Sinh
22/11
Lễ thánh Cêxilia
Chị Nhung
27/11
Lễ thánh Cathérine Labourée
Chị Sáng


LỄ GIỖ BỐ MẸ CHỊ EM

TƯỞNG NHỚ VÀ CẦU NGUYỆN



NGÀY
LỄ GIỖ
08/11
Giỗ Anh Chị Em của Dòng Đaminh
20/11
Bà cố Mônica -Thân mẫu Chị Nhi
26/11
Bà cố Têrêsa -Thân mẫu Chị Lệ
28/11
Ông cố Tôma - Thân phụ Chị Diễm Lan
26/11
Bà cố Têrêsa – Thân mẫu Chị Lệ


AI LÀ NGƯỜI TRUYỀN GIÁO?



Tháng 10/2019 được Đức Giáo hoàng Phanxico chọn làm tháng Truyền giáo ngoại thường và toàn thể Giáo Hội đang được làm “nóng” về sự canh tân đổi mới vai trò của Giáo Hội trong sứ mạng loan báo Tin Mừng cho khắp muôn dân.
Đâu đó chúng ta vẫn thường được nhắc nhở rằng bản chất của Giáo hội là Truyền giáo và rằng sư mạng Truyền giáo là của tât cả mọi người. Tuy nhiên, thế giới hiện nay vẫn còn rất nhiều người chưa biết Chúa, chưa tin theo đạo. Theo thống kê của ban Truyền giáo thì số người gia nhập vào đạo mỗi năm vẫn còn rất thấp, nếu không nói là là ít có sự tiến triển mạnh mẽ. Có nhiều lí do dẫn đến việc Truyền giáo không đạt kết quả cao nhưng có lẽ nguyên nhân sâu xa nhất vẫn là tinh thần Truyền giáo nơi chính mỗi người Kitô hữu. Vẫn còn có không ít người mang trong mình não trạng Truyền giáo là việc to lớn vĩ đại, là trách nhiệm của những người đứng đầu trong Giáo Hội, của quý linh mục tu sĩ, của các hội đoàn… còn bản thân mình thì nhỏ bé và chưa có đủ điều kiện để tham gia vào công cuộc Truyền giáo. Không những thế, nhiều người vẫn chưa ý thức được mối liên hệ sâu xa giữa đời sống chứng tá với vai trò Truyền giáo; vẫn còn thấy đó là một công việc nằm ngoài đời sống thường nhật và bổn phận thực hành niềm tin của mình.
Tháng Truyền giáo ngoại thường được mở ra là một dịp đặc biệt để Giáo Hội đổi mới lòng nhiệt thành Truyền giáo nơi mỗi người Kitô hữu. Đức Thánh Cha (ĐTC) Phanxico đã nhấn mạnh về  tầm quan trọng của một “sự hoán cải Truyền giáo” thực sự.
Với chủ đề “Được Rửa tội và được sai đi: Giáo Hội của Chúa Kitô với sứ mạng Truyền giáo trên toàn thế giới”.  ĐTC muốn nhấn mạnh rằng việc được sai đi với sứ mạng Truyền giáo chính là một lời mời gọi vốn có trong Bí tích Rửa tội và dành cho tất cả những ai đã được rửa tội. Chính vì vậy, đời sống chúng ta, trong Đức Kitô, cũng chính là một việc truyền giáo! Chính chúng ta là những nhà Truyền giáo bởi vì chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa.[1]
Trước đó ĐTC cũng đã có lần nhắc nhớ các tín hữu rằng: “nhờ Bí Tích Rửa Tội, chúng ta được tái sinh trong cuộc sống mới của ân sủng và được kêu gọi để làm chứng nhân cho Tin Mừng trước thế giới.” Bí tích Rửa tội làm cho chúng ta trở nên "những môn đệ truyền giáo" trong sự hiệp thông với Giáo Hội.[2]  Chức vụ Ngôn sứ mà chúng ta đã lãnh nhận trong bí tích Rửa Tội xem ra ít được chú tâm thực hành trong đời sống của mình. Trong các mối liên hệ thường ngày con người ta thường dễ dàng nói và chia sẻ với nhau về muôn vàn vấn đề của cuộc sống nhưng lại ngại ngùng và dè dặt chia sẻ về Thiên Chúa và Tình Yêu của Ngài. Thật dễ dàng nhận thấy việc thực hành đời sống Đức tin nơi một số cộng đoàn tín hữu ngày nay ở nhiều nơi chỉ dừng lại nơi việc thực hành các sinh hoạt đạo đức thường lệ: tham gia hội đoàn, đi lễ, đọc kinh rước sách… mà chưa chú tâm đem Lời Chúa ra thực hành trong đời sống thường nhật của mình. Thiên Chúa vẫn còn vắng bóng nơi công sở, giữa phố chợ,  trường học, trong xóm làng, trong các mối tương quan, trong các chọn lựa khi hành động cụ thể …
Cần có một sự canh tân đổi mới nơi lòng nhiệt huyết loan báo Tin Mừng nơi mỗi người Kitô hữu. “Không ai có thể cho người khác điều gì mình không có”, chúng ta chỉ có thể loan báo cho người khác về Thiên Chúa một cách hữu hiệu khi chúng ta cũng đã có kinh nghiệm về Thiên Chúa yêu thương, nhân từ và giàu lòng xót nơi chính bản thân mình mà thôi.  Chúng ta không cố “lôi kéo” người khác vào đạo vì một lợi ích trần thế nhưng là vì niềm xác tín rằng Thiên Chúa yêu tôi, yêu bạn nên tôi cũng muốn cho người khác được hưởng trọn tình yêu ấy giống như tôi. Một vị thánh đã từng nói rằng: “Kitô giáo không phải là một tập hợp các chân lý phải tin, các  luật lệ phải tuân theo, và các điều cấm đoán. Nhìn cách này thấy đáng ghét. Kitô giáo là một con người đã yêu tôi rất nhiều và đòi tôi yêu lại. Kitô giáo là Đức Kitô”.[3]  Đức Kitô đã yêu tôi và chết vì tôi để tôi được sống muôn đời, tôi chỉ có được hạnh phúc thực sự khi làm con Ngài.  
Tuy nhiên, “con người ngày nay tin tưởng vào các chứng nhân hơn là vào các thầy dạy”[4], mọi lời rao giảng sẽ là không có giá trị nếu như chúng ta đã không thực sự sống và cảm nghiệm điều mình rao giảng. Muốn được như vậy điều cần có trước nhất là chúng ta cần có sự kết nối liên lỉ với Thiên Chúa - Người không phải là Đấng chúng ta “đặt” trên bàn thờ mà là Đấng luôn đồng hành cùng chúng ta trong mọi nơi mọi lúc. Hưởng ứng lời kêu gọi của vị cha chung, mỗi chúng ta cùng nhìn lại việc thực thi sứ mạng truyền giáo của mình để có những hành động cụ thể trong đời sống của mình. Một tấm gương cao cả mà Giáo Hội mừng kính ngay đầu tháng 10 về sự kết hiệp sâu xa với Thiên Chúa Tình Yêu  cho tất cả cho chúng ta noi theo đó chính là Thánh nữ Teresa Hài Đồng Giêsu. Là nữ đan sỹ của dòng kín nhưng chị đã trở nên bổn mạng của các xứ Truyền giáo bởi đã tìm ra “con đường thơ ấu thiêng liêng” để nên thánh với tất cả tình yêu phi thường. Một con đường với đầy lòng yêu mến, sự kết hiệp sâu xa cùng lòng phó thác mạnh mẽ vào Thiên Chúa Tình Yêu.Con đường ấy đã dẫn lối cho nhiều người được nhận biết Chúa hơn. Đó là một lời chứng hùng hồn và là mẫu gương cho tất cả chúng ta noi theo. Không ai có thể đưa ra những lí do tôi quá bận hay không đi đâu được để  thực hiện công việc Truyền giáo. Bởi Truyền giáo chính là việc thực hành Lời Chúa dạy trong hoàn cảnh sống cụ thể của mình với tất acr lòng yêu mến. Chính khi chúng ta thực hiện được điều đó là lúc chúng ta trở nên chứng tá sống động của Đức Kitô.
Sẽ thật khó khăn cho tất cả chúng ta nếu một mình thực hành Lời Chúa dạy trong cuộc sống của mình. Chúng ta luôn có sự đồng hành và trợ giúp đặc biệt đó chính là Mẹ Maria. Mẹ là mẫu gương tuyệt hảo và là sự trợ giúp đắc lực để chúng ta thắng vượt mọi khó khăn thử thách để can đảm đi tới “vùng ngoại biên” để loan truyền Tình Yêu Thiên Chúa cho tất cả những ai chưa biết Chúa bằng chính đời sống bác ái, yêu thương. Như thế, cùng với mẹ Giáo Hội chúng ta sống đúng bản chất của mình là làm cho danh Chúa được lan rộng khắp nơi.
X.Tine


[1] Cuộc tiếp kiến 1/6//2018, nhân dịp Đại hội đồng thường niên diễn ra từ ngày 28 tháng 5 đến ngày 2 tháng 6 tại Fraterna Domus Sacrofano (Rome)

[2] Cuộc tiếp kiến chung vào Thứ Tư 15/01/2014
[3] Thánh Oscar Romero, Bài giảng(6 tháng 11, 1977), in Su Pensamiento, I-II, San Salvador, 2000, p.312
[4] (xem ĐTC Phaolô VI, Tông Huấn Evangelii Nuntiandi, đoạn 41: loc. cit., 31f)