MỘT TRÁI TIM MỚI

Trái tim không có lỗi về hạnh kiểm của một con người, nhưng cách sống của mỗi người gán cho trái tim tính cách tốt hay xấu. Mỗi cá nhân đều được Chúa dựng nên có tự do. Nhờ tự do, họ quyết định về lối sống của mình, và họ phải chịu trách nhiệm về quyết định đó.
  
Thiên Chúa ban cho con người trái tim để yêu thương. Giữa cuộc sống bon chen tính toán, có nhiều khi trái tim lỡ nhịp: thay vì yêu thương lại giận hờn, thay vì gắn kết lại phân ly, thay vì khôn ngoan lại dại khờ. Bởi thế, trái tim luôn phải được canh tân để quy hướng về sự thiện. Trái tim cũng là “tấm lòng” của con người, tức là nơi sâu thẳm của mỗi cá nhân. Lòng người chính là thái độ sống có nhân có nghĩa, là cách đối nhân xử thế với đồng loại. Lòng người sâu thẳm khôn dò, nên người ta nói: “Họa hổ họa bì nan họa cốt, tri nhân tri diện bất tri tâm”, tức là vẽ hổ thì chỉ có thể vẽ được bộ da bề ngoài, không thể vẽ được bộ xương; biết người chỉ biết được khuôn mặt, không thể biết được lòng. Những trái tim lỗi nhịp và vương vấn bụi trần, cần phải được tinh luyện. Thiên Chúa là Đấng có thể canh tân đổi mới con tim và ban cho con người một trái tim mới.

Ai cũng có một trái tim. Những trái tim đều giống nhau, dù là người da trắng, da đen hay da vàng. Trái tim hay tấm lòng chỉ là tượng trưng cho cách sống của một con người. Một người sống tốt với tha nhân, người ta gọi người đó có trái tim nhân hậu. Một người biết cảm thông tha thứ cho người khác, người ta gọi người đó có tấm lòng vị tha. Trái tim không có lỗi về hạnh kiểm của một con người, nhưng cách sống của mỗi người gán cho trái tim tính cách tốt hay xấu. Mỗi cá nhân đều được Chúa dựng nên có tự do. Nhờ tự do, họ quyết định về lối sống của mình, và họ phải chịu trách nhiệm về quyết định đó.

Nếu lòng người sâu thẳm khôn dò, thì Thiên Chúa quyền năng lại biết rõ tâm tư của họ. Tác giả Thánh vịnh đã thốt lên: “Lạy Chúa, Ngài dò xét con và Ngài biết rõ, biết cả khi con đứng con ngồi. Con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa, đi lại hay nghỉ ngơi, Chúa đều xem xét, mọi nẻo đường con đi, Ngài quen thuộc cả. Miệng lưỡi con chưa thốt nên lời, thì lạy Chúa, Ngài đã am tường hết” (Tv 139,1-4). Thiên Chúa là trọng tài tối cao, luôn quan sát những suy nghĩ và hành động của con người. Ngài cũng là vị thẩm phán công minh, xét xử con người về lối sống của họ. Thập điều hay Mười điều răn của Luật Giao ước, được Chúa ban cho ông Môisen, để làm tiêu chuẩn cho cách đối nhân xử thế của con người thuộc mọi dân tộc và mọi nền văn hóa. Những ai sống theo Mười điều răn, sẽ được hạnh phúc và được Chúa chúc lành. Chúa Giêsu đã đến trần gian để hoàn thiện Luật Cựu ước, đồng thời Người mặc cho Luật ấy một ý nghĩa mới. Đức yêu thương là điều cốt lõi căn bản trong giáo huấn của Chúa Giêsu, đến nỗi Người gọi đó là điều răn mới, là điều răn của Người. Yêu thương là sống với nhau có tấm lòng, là quan tâm đến nhau và mong cho nhau được hạnh phúc.

Chúng ta cần có trái tim mới để yêu mến Chúa và nhận ra sự hiện diện của Ngài trong cuộc đời. Một trái tim đầy ắp tham vọng không còn chỗ để đón Chúa ngự đến. Một trái tim chai lỳ chẳng đáng được Chúa đoái thương. Trong cảnh lưu đày, dân Do Thái đã bi quan chán nản. Xa quê cha đất tổ, không còn phụng vụ Đền thờ và những lễ nghi cầu nguyện. Họ cảm thấy bị Thiên Chúa quên lãng. Nhiều người đã bỏ Chúa và tôn thờ các thần linh của địa phương xứ Babilon. Trong bối cảnh đó, Chúa sai ngôn sứ Êdêkien đến để quả quyết với họ rằng: “Từ muôn dân, Ta sẽ tập hợp các ngươi lại; từ muôn nước, nơi các ngươi bị phân tán, Ta sẽ quy tụ các ngươi về và Ta sẽ ban cho các ngươi đất Ítraen. Chúng sẽ trở về đó và loại đi mọi thứ gớm ghiếc và ghê tởm. Ta sẽ ban cho chúng một trái tim và đặt thần khí mới vào lòng chúng. Ta sẽ lấy khỏi mình chúng trái tim chai đá và ban cho chúng một trái tim bằng thịt, để chúng đi theo các thánh chỉ của Ta và tuân giữ cùng thi hành các quyết định của Ta” (Ed 11,17-20). Những lời này được coi như giao ước mới mà Thiên Chúa ký kết với dân lưu đầy. Ngài hé mở cho họ niềm hy vọng. Ngài cũng cho họ thấy lòng nhân hậu của Ngài. Thiên Chúa quyền năng sẽ lấy khỏi họ trái tim chai đá, cằn cỗi và không còn khả năng yêu thương, và Ngài thay thế vào đó một trái tim bằng thịt. Dân Ítraen không còn bị bỏ rơi và quên lãng. Họ luôn được Chúa dạy bảo để không bị lạc đường. Êdêkien đã làm cho con tim người Do Thái vui trở lại, với hy vọng thời gian lưu đày sẽ chấm dứt và họ lại được trở về chốn cũ quê xưa.

Chúng ta cần có trái tim mới để đón nhận ơn tha thứ và lòng thương xót của Chúa. Mang thân phận con người còn đầy yếu đuối, trái tim mỗi chúng ta dễ nhuốm màu tội lỗi và rất cần được canh tân thanh tẩy. Canh tân trái tim, nghĩa là canh tân cuộc đời. Lý tưởng của con người nói chung là đạt tới sự tốt lành trong nhân cách để có một cuộc sống bình yên hài hòa và hạnh phúc. Lý tưởng của người Kitô hữu là đạt tới sự hoàn thiện, là nên thánh “như Cha trên trời là Đấng Thánh”. Hành trình nên thánh là một hành trình lâu dài, liên lỉ, cần có sự hy sinh, kiên trì và dứt khoát. Trong hành trình đầy khó khăn và thử thách ấy, chúng ta tin vào quyền năng của Thiên Chúa, Đấng sẽ cất khỏi chúng ta quả tim chai đá, để thay vào đó một quả tim biết yêu thương. Mang một trái tim mới, chúng ta sẽ thoát khỏi mọi ràng buộc của tội lỗi và ghen ghét hận thù. Vua Đavít đã cầu nguyện tha thiết với Chúa để xin Ngài ban cho ông một trái tim mới. Trước đó ông đã phạm tội cướp vợ của một sĩ quan trung thành là ông Uria, sau đó lập mưu ra lệnh giết người sĩ quan này. Tội lỗi làm ông áy náy khôn nguôi. Ông chạy trốn chính mình, nhưng không thoát khỏi, vì tội lỗi cứ bày ra trước mắt. Ông đã sám hối và xin Chúa ban cho một trái tim mới. Ông muốn đoạn tuyệt với quá khứ tội lỗi, khởi đầu ngã rẽ mới để làm lại cuộc đời. Cùng với lời van xin một trái tim mới, Đavít xin Chúa ban cho ông niềm vui của ơn cứu độ. Một trái tim được canh tân đổi mới cũng đồng nghĩa với trọn vẹn con người và hạnh kiểm cũng được thay đổi. Do lòng chân thành sám hối, Đavít đã được Chúa tha tội. Qua các thánh vịnh, ông đã ca ngợi lòng nhân từ của Chúa và tôn vinh những kỳ công của Ngài.

Chúng ta cần có trái tim mới để nhận ra mọi người là anh chị em của cùng một Cha trên trời. Một trái tim khép kín không thể nhận ra hình ảnh của Chúa nơi những người xung quanh. Một trái tim đầy những thành kiến sẵn sàng gạt bỏ và loại trừ người khác. Một trái tim ghen ghét nhìn đâu cũng thấy kẻ thù. Một trái tim vô cảm dửng dưng tới mức tàn nhẫn trước nỗi đau của người đáng thương. Trong Sứ điệp Mùa Chay năm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời gọi mọi tín hữu hãy nhận ra nơi tha nhân là một hồng ân, là một quà tặng của Chúa. Ngài nhắc lại nhân vật người phú hộ trong Tin Mừng thánh Luca. Ông này giàu có xa hoa, gấm vóc lụa là, yến tiệc linh đình, nhưng lại làm ngơ trước sự thống khổ của người nghèo tên là Lagiarô. Trong xã hội hôm nay, vẫn còn đó biết bao người như người phú hộ. Họ phung phí của cải - nhiều khi là của cải kiếm được do gian lận và tham nhũng - trong khi nhiều người nghèo đói khát thiếu thốn. Chính trong con người của mỗi chúng ta cũng có những lúc giống người phú hộ, lãng quên người nghèo. Trái tim chúng ta cần được canh tân đổi mới để chung nhịp đập với tha nhân. Con mắt tâm hồn chúng ta cần được khai sáng để biết quan tâm đến những người xung quanh mình. Trái tim được đổi mới sẽ nên giống như trái tim Chúa Giêsu, rung cảm trước nỗi đau nhân thế. Con mắt được canh tân sẽ giống như con mắt Chúa Giêsu, nhận ra mọi người đều được Chúa xót thương. Một khi trái tim được canh tân đổi mới, chúng ta sẽ thân thiện hơn với mọi người, thận trọng hơn khi nhận định về người khác. Ý thức mỗi người đều là tội nhân sẽ giúp chúng ta tránh lên án người khác, nhưng giúp đỡ khích lệ nhau trỗi dậy, sửa những sai lỗi, làm lại cuộc đời, vươn tới tương lai.

“Lạy Chúa, xin ban cho con một trái tim trong sạch!” (Tv 50,12). Đó là lời nguyện cầu của vua Đavít. Đó cũng là tâm tình của mỗi chúng ta mỗi khi Mùa Chay về. Trái tim sạch là trái tim được canh tân. Nếu không đổi mới từ tâm can, Mùa Chay sẽ trở thành vô nghĩa. Thiên Chúa đang chờ đợi và sẵn sàng ban cho chúng ta một trái tim mới, thay thế trái tim đã già cỗi và chai đá. Khi mang một trái tim được canh tân, chúng ta sẽ thấy cuộc đời này đẹp đẽ và đáng yêu hơn

GM. Giuse Vũ Văn Thiên

MƯỜI PHƯƠNG CÁCH ĐỂ CHỐNG LẠI MA QUỶ

Làm sao để Mùa Chay này là thời gian hoán cải thật sự, để chúng ta không nhân nhượng gì với quỷ.
Gần như ai trong chúng ta cũng đương đầu với cuộc chiến thiêng liêng mỗi ngày. Lời Chúa nói cho chúng ta biết, cuộc sống của chúng ta ở trần gian này là cuộc sống luôn chiến đấu chống lại quỷ, và Lời Chúa nhắc cho chúng ta nhớ, chúng ta phải theo Chúa Kitô để luôn sẵn sàng đương đầu với nó.
Sau đây là mười lời khuyên để Mùa Chay thật sự là mùa hoán cải, để chúng ta không nhân nhượng gì với quỷ.
1/Có một đời sống ngăn nắp
Trước hết, hãy để cho cầu nguyện có một chỗ quan trọng trong cuộc đời của chúng ta, cầu nguyện là nền tảng của đời sống thiêng liêng. Chúng ta nên bỏ thì giờ ra để đọc Thánh Kinh mỗi ngày, bắt đầu bằng đoạn Phúc Âm Thánh Máthêu 25, 35-40.
Mặt khác, phải kiên định trong ơn gọi của mình, dù là đời sống vợ chồng, linh mục hay đời sống thánh hiến. Dù ở bậc nào, chúng ta phải trung tín trong tất cả mọi điểm, theo tiếng gọi mà chúng ta nhận được từ Chúa.
Cuối cùng phải dành thì giờ cho Giáo hội. Dĩ nhiên không phải ai cũng có ơn gọi để thực hiện một sứ vụ toàn thời gian, nhưng mỗi người có thể góp phần, cách này cách khác theo khả năng của mình để xây dựng Giáo hội.
2/ Bằng mọi cách dứt khoát từ bỏ cám dỗ
Trong đời sống thiêng liêng, một trong các vấn đề chính hệ tại ở chỗ chúng ta cự lại với cám dỗ quá chậm, quá yếu. Nhưng với ơn Chúa, chúng ta có thể củng cố quyết tâm của mình, có thể vứt bỏ cám dỗ một cách cương quyết và dứt khoát khi nó đến, Mặt khác, cám dỗ đến khi chúng ta ở trong bối cảnh dẫn đến tội lỗi. Vậy chúng ta phải nhớ: chơi với lửa sẽ bị phỏng tay.
3/ Gọi đích danh kẻ thù và xin Chúa giúp đỡ
Khi chúng ta đương đầu với cám dỗ và chúng ta sa ngã, thì hữu ích là nên thừa nhận: “Tôi đang bị Satan, kẻ thù của Chúa cám dỗ”. Hãy gọi đích danh nó và sốt sắng đọc một lời cầu nguyện ngắn để xin Chúa giúp đỡ. Chẳng hạn: “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác ở Chúa.” “Lạy Chúa, xin cứu con.” “Lạy Chúa, xin bảo vệ con.” “Lạy Mẹ Maria, xin che chở con dưới áo Mẹ.” Với đức tin, cầu bàu tên cực thánh Chúa Giêsu, Mẹ Maria, Thánh Cả Giuse.
4/ Chống lại sầu khổ
Nhận biết sầu khổ thiêng liêng, đó là cảm nhận mình ở trong bóng tối trước chân lý thiêng liêng, đó là dửng dưng với Lời Chúa, đó là vô cảm và không có khả năng làm điều tốt, là xa Chúa. Sầu khổ có thể bất thình lình đến và làm nao núng các quyết tâm vừa có hôm qua. Thánh I-Nhã nói, khi gặp sầu khổ, quan trọng là phải cầu nguyện nhiều hơn, chiêm niệm nhiều hơn, làm phút hồi tâm (để biết tình trạng này từ đâu đến) và cuối cùng là ăn năn để có thể chiến đấu chống lại tình trạng này.
5/ Chống lại tính lười biếng
Chúng ta ai cũng biết thành ngữ: “Nhàn cư vi bất thiện.” Nói cách khác, nếu chúng ta không có việc gì để làm thì quỷ sẽ giao việc cho chúng ta. Thánh Gioan Bosco không thích thời gian nghỉ hè của các em bé trai trong Nguyện Đường của cha, vì ngài biết nếu có quá nhiều thì giờ tự do thì cám dỗ sẽ đến.
6/ Hãy dùng vũ khí mà Chúa Giêsu đã dùng trong sa mạc
Cầu nguyện sốt sắng và dài lâu, thường xuyên hãm mình (ăn chay) và gần gũi với Lời Chúa qua chiêm niệm và thực hành Lời Chúa, đó là các vũ khí hiệu nghiệm để chống lại quỷ và chiến thắng nó.
7/ Thố lộ với người hướng dẫn thiêng liêng
Thánh I-Nhã cảnh báo chúng ta: quỷ thích các bí mật. Nếu một người ở trong tình trạng sầu khổ nhưng họ mở lòng ra với người hướng dẫn thiêng liêng của mình, thì họ có thể thắng chước cám dỗ. Im lặng thì cũng như giấu vết cắt hay vết thương dưới áo. Khi vết thương không được rửa sạch và tiếp xúc với không khí thì không những nó không lành, mà càng ngày nó càng bị nhiễm trùng, cho đến lúc có thể phải bị cưa tay, cưa chân. Vì thế, một khi nói ra cám dỗ của mình với người hướng dẫn thiêng liêng thì mình có thể chế ngự cám dỗ đó.
8/ Dùng các tượng ảnh thiêng liêng
Dùng với ý thức tốt, các ảnh tượng thiêng liêng có thể giúp rất lớn trong việc chống lại quỷ. Chúng ta có thể dùng tượng Thánh Bênêđictô, nước thánh…
9/ Cầu viện đến Tổng Lãnh Thiên Thần Micae
Trong cuộc chiến chống Satan, chúng ta dùng tất cả mọi vũ khí chúng ta có thể có. Chúa đã chọn Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, một thiên thần trung tín và vững vàng, tổng lãnh đạo binh thiên quốc để đẩy Luciphe và các thiên thần nổi loạn khác xuống địa ngục. Bây giờ cũng như ngày xưa, thiên thần Micae luôn uy lực.
10/ Cậy nhờ Đức Mẹ
Theo các nhà trừ quỷ, Mẹ Maria là người mà Satan sợ nhất. Mẹ Maria có nhiều tên. Dù chúng ta cầu bàu Mẹ dưới tên nào thì cũng giúp chúng ta chận được đường đi của quỷ. Con rắn, con quỷ có thể tấn công chúng ta bằng miệng lưỡi gớm ghiếc, bằng nọc độc… Nhưng nếu chúng ta cầu cứu đến Mẹ Maria, Mẹ sẽ diệt đầu nó.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch

NÉT ĐẸP CỦA NGƯỜI NGỒI XUỐNG

            Tôi lặng lẽ bước theo các Ngài vì tôi biết họ sẽ đến với người nghèo. Trời trưa nắng gay, nắng gắt len lỏi qua cái lùm cây đi vào sâu trong khu vườn rậm. Những bước chân dài vững chãi vừa đi vừa liến thoắng những câu chuyện mà không phải ai nghe cũng hiểu vì phải cần người phiên dịch.

            Kế hoạch sẽ thăm ba căn nhà gần nhà thờ mà được cho là nghèo khó đau khổ nhất.

      
Ghé căn nhà đầu tiên vì không được báo trước nên chủ nhà cứ lúng ta lúng túng vì cái nghèo, vì sợ bất kính. Ngay cả ghế để mời khách ngồi cũng không có. Gia đình có 5 đứa con, hai đứa con gái phải bỏ học ở độ tuổi 15, 17 để đi Sài Gòn tìm việc làm. Thử hỏi cái độ tuổi ấy thì làm được việc gì ngoài việc ở đợ. Vì nghèo quá họ đành nhắm mắt xuôi tay để con bôn ba nơi xứ lạ đất khách quê người mưu sinh. Đứa thứ thì bị nhiễm chất độc màu da cam lơ ngơ lẩn ngẩn. Hai đứa con trai nhỏ một 10 tuổi, một 13 tuổi mắt sáng quắc được cho là thông minh, học hành tốt. Hai vợ chồng làm thuê làm mướn. Cuộc sống lắm đắng nhiều cay.

            Đức Tổng loay hoay, các cha lựng sựng một lúc cũng mượn được vài cái ghế để ngồi. Ngài ân cần hỏi thăm từng thành viên trong gia đình, tên, tuổi, tên thánh. Sâu trong đáy mắt Ngài có sự đồng cảm xót thương khi nghe chuyện của con bé bị nhiễm chất độc màu da cam. Hai cậu bé nhỏ thì Ngài mời đến hỏi chuyện thân tình. Ngài khuyên đi học tiếng anh. Chạm vào đứa bé Ngài nói sau này học tốt làm linh mục; xoa đầu đứa lớn Ngài nói còn con làm Giám Mục.

Hai đứa nhỏ có đôi mắt sáng long lanh. Ngài đã để lại cho họ hình ảnh và tấm lòng Mục tử. Người chủ lặn lội đi tìm chiên. Người Cha đi tìm kiếm thăm viếng những đứa con cù bất cù bơ nghèo khổ. Ngài đã ngồi xuống để họ được đụng chạm vào một Đức Ki-tô giữa đời thường. Họ được bám víu vào lòng thương xót của của đấng chuyển thông từ Ngài. Tâm điểm của cuộc viếng thăm là tất cả hiệp ý trong lời kinh để dâng lên Chúa gia đình đau khổ này là hiện thân của gia đình thánh tâm ngày xưa. Nhờ sự cầu bầu của Đức trinh nữ Maria và sự bảo trợ của thánh Giuse họ sẽ tiếp tục dìu dắt nhau trên đường lữ thứ.
           
Lội qua thêm một quãng đồng để thăm gia đình thứ hai. Không cái nghèo nào giống cái nghèo nào. Không cái khổ nào được đặt rõ tên họ để xưng. Họ chìm nghỉm trong bế tắc. Hai vợ chồng độ tuổi ngoài 50. Nhà mười đứa con. Sáu người lớn đã có gia đình ra riêng cũng không khá giả để giúp đỡ. Còn bốn đứa nhỏ thì một đứa 15 tuổi tôi đoán chắc do sốt bại liệt. Không đi được chỉ bò, không biết nói. Lúc Đức Tổng và các Cha bước vào nhà thì mọi thứ chăn màn bừa bộn trên chiếc giường , căn nhà nhỏ xíu đủ cái bàn thờ Chúa và cái gường nằm chắn ngang lối. Không có ghế ngồi Đức Tổng tươi cười vén ngay chiếc áo dòng ngồi xuống nền gạch rồi vời đứa bé bị tật đến. Thoạt đầu nó phản kháng không muốn bò ra. Nhưng với ánh nhìn yêu thương  và nụ cười thân thiện thằng bé bò ra ngoài cửa sát bên Ngài vỗ tay mừng. Đức Tổng hỏi chuyện và người mẹ kể. Nó kêu mẹ không biết bị sao từ nhỏ đến giờ năm nay 15 tuổi rồi. Nó ra dấu kêu đi kéo hai cái chân nó ra giống mẹ nó để nó được đứng lên đi. Mẹ em bảo không có tiền nó chỉ vào túi. Người mẹ ngậm ngùi. Ai cũng cảm thương.


Càng cảm thương hơn khi nhìn thấy người cha với cái chân sưng to vù. Ngài chỉ vào hỏi có đi bệnh viện chăm sóc không? Câu chuyện của họ là anh té từ nốc nhà xuống và bị thương phải nằm viện nhưng vì không tiền nên về. Đức Tổng  ngồi lại bên thềm nhà nghèo khó này rất lâu. Tôi tin rằng Ngài đang tận hưởng cuộc gặp gỡ một Đức Ki-tô không lành lặn với đầy thương tích. Ngài đang rất sung sướng vì được đụng chạm vào gia đình Nazaret khó nghèo. Ngài đang lắng đọng tâm hồn để chiêm ngưỡng và đang chìm ngập trong biển lòng thương xót của Chúa Cha. Tôi đọc được từ trái tim Mẹ Giáo Hội niềm cảm thông sâu sắc với đứa con ngụp lặn trong biển đời đau khổ. Tôi thấy họ run lên vì sung sướng khi đã được đụng chạm vào nhau, nỗi đau đang được vơi đi niềm hạnh phúc dạt dào đang được lan tỏa. Thánh giá nào rồi cũng dẫn đến vinh quang. Phía trước là vầng hào quang của nến phục sinh đang tỏa rạng. Rồi đây tình thương sẽ được phủ đầy trên nóc nhà này, bao trùm những con người khốn khổ hôm nay. Giọt sữa mẹ Giáo Hội đang chắt chiu cho họ nguồn sống. Tôi tin vậy!
            
Căn nhà thứ ba chúng tôi đến. Thực ra nó chỉ là một túp lều. Một người Mẹ già đơn độc, thân hình còm cõi bệnh tật. Đang ngồi lặng buồn trên chiếc võng. Nhìn theo nấm mộ sát bên nhà. Khi bước đến Đức Tổng đã khòm xuống để hỏi chuyện rất gần và rất gần. Tôi đã nuốt cảm được tấm tình Người cha qua cuộc thắm viếng này. Căn lều nhỏ bé rách nát là một chứng tích cho tình người te tua tan nát trong cách sống và cách hành xử của gia đình và những con người trong gia đình thời nay. Đang sống trong năm thánh gia đình làm cho tôi liên tưởng đến một điều thân phận của người phụ nữ sao mà buồn thảm thế. Bà lão có chồng và sinh mười đứa con, sinh họ ra và nuôi lớn, họ lập gia đình, ông qua đời. Tuổi già lủi thủi trong túp lều lộng gió. Lâu lâu đứa A ở xa về ghé cho cho trăm ngàn. Cô đơn quá, quạnh quẽ quá, tuổi già lay lắt, buồn hắt buồn hiu. Một bộ mặt khác của Đức Ki-tô. Bộ mặt này hằn lên những nếp nhăn lởn vởn phía trước chút màu khói buồn tênh.

Đức Tổng cúi xuống để nâng bà lên, để trò chuyện. Ngài hỏi tên thánh như để khắc sâu vào lòng. Ngài nói thánh Maria đẹp lắm vì hôm nay là Lễ Truyền Tin. Cầu nguyện cùng Đức Maria cho bà có được bình an trong tâm hồn. Ngài hỏi và nhắc nhở bà thường xuyên lần chuỗi, chạy đến với Đức Mẹ để Mẹ sẽ bầu cử cùng Chúa và cùng đích là được hưởng hạnh phúc bất tận đời sau. Mọi người hòa mình vào lời kinh để cùng cầu xin ơn an lành. Ra đi Đức Tổng đã để lại chút lòng thương xót của Thiên Chúa giàu lòng xót thương . Tôi thấy giọt nước mắt lăn dài trên má người đàn bà đau khổ này. Giọt nước mắt sung sướng vì được mẹ Giáo Hội ôm vào lòng xoa dịu. Bà đang tận hưởng khi Đức Tổng nói “Hẹn gặp lại”. Tôi tin chắc rằng mọi người sẽ gặp lại nhau trong lòng Cha từ ái.

            Chúng tôi một đoàn gồm có cả người lớn và trẻ con đã tận mắt nhìn thấy “Nét đẹp của Người ngồi xuống”: Ngồi xuống để đụng chạm vào nỗi thống khổ của người khác; Ngồi xuống để được gần gũi hơn; Ngồi xuống để cảm nhận một lần thân phận của người khác để cảm thông và chia sớt; Ngồi xuống để cái tôi bé nhỏ lại và hình ảnh Đức Ki-tô được vươn lên cao và đi xa vào giữa lòng thế giới.

            Xin cho mọi người luôn biết ngồi xuống và ngồi xuống để nét đẹp rạng tỏa cho đời, để tình yêu thương được lên ngôi giữa cái thế giới còn quá khác biệt hôm nay.

            Tiểu Hổ


CHÚA NHẬT V MÙA CHAY A

Tai họa ngày 11 tháng 09 năm 2001 trên đất Mỹ đã trở thành một nỗi ám ảnh đối với mọi người. Trong phút chốc, hai tòa tháp chọc trời đổ sập xuống, trở thành ngôi mộ khổng lồ chôn vùi mấy ngàn sinh mạng. Ngôi mộ gieo tang thương. Ngôi mộ gieo kinh hoàng. Ngôi mộ làm rung chuyển thế giới.
Ngôi mộ không chỉ hiện hữu từ khi toà tháp đôi đổ xuống. Trước đó ngôi mộ đã hiện diện trong trái tim của những người khủng bố. Sau đó ngôi mộ vẫn phủ màn u ám trên cuộc sống thân nhân bạn bè.
Như thế, ngôi mộ không chỉ xây bằng gạch đá. Nó được xây bằng những lực lượng chết chóc như sự hận thù, sự áp bức, sự độc ác… Ngôi mộ không chỉ chôn vùi sự sống. Nó chôn vùi cả niềm tin, cả niềm hy vọng.
Nhưng hôm nay, Chúa Giêsu đã dõng dạc mở cửa mộ và truyền cho người chết chỗi dậy bước ra. Việc Chúa Giêsu mở cửa mộ cho Lagiarô mở ra những chân trời mới cho đời sống con người.
Khi mở cửa mộ, Người đã mở cánh cửa sự sống. Thông thường, ngôi mộ là vương quốc của tử thần. Cửa mộ là cửa mở vào thế giới chết chóc. Ai đã vào đó chẳng còn hy vọng thoát ra. Nhưng hôm nay, Chúa Giêsu đã mở cửa mộ để Lagiarô không phải bước vào sự chết nhưng bước vào sự sống. Khi mở cửa mộ, Người phá tan sào huyệt Thần Chết. Khi tháo những dải băng liệm cuốn quanh thân thể Lagiarô, Người giải phóng ông khỏi dây trói ràng buộc của tử thần.
Khi mở cửa mộ, Người đã mở cánh cửa niềm tin. Trước đó, niềm tin của Mácta chỉ là một niềm tin mơ hồ, chung chung của đa số người Do thái thời ấy. Nhưng sau khi thấy Lagiarô sống lại, niềm tin của bà trở nên cụ thể, sống động và vững vàng. Trước đó, nhiều người Do thái chưa tin vào Chúa Giêsu. Nhưng sau khi được chứng kiến Lagiarô từ cõi chết sống lại, họ không thể nào không tin. Tảng đá lấp cửa mồ tung ra cũng làm bật tung tảng đá nghi ngờ che lấp trái tim, đưa họ tới tin nhận Chúa là Thiên Chúa.
Khi mở cửa mộ, Người mở ra cánh cửa niềm vui. Chết chóc gieo tang tóc u buồn. Ngôi mộ bao giờ cũng gợi lên nỗi buồn. Buồn ly biệt. Buồn mất mát. Buồn thất bại. Cái buồn vốn hay lây. Nước mắt người thân dễ làm cay mắt ta. Nên Chúa Giêsu không ngăn được dòng lệ. Nhưng khi Lagiarô bước ra, cả một trời vui. Đám tang bỗng biến thành đám hội. Lời chia buồn đổi thành lời chúc mừng. Thiên Chúa đã biến tang tóc thành niềm vui. Niềm vui ấy trọn vẹn.
Khi mở cửa mộ, Chúa Giêsu mở cánh cửa hy vọng. Thiên Chúa đến biến đổi số phận con người. Con người không còn bị giam hãm trong thân phận hay chết, nhưng được thênh thang tự do trong cõi sống. Con người không sinh ra để chết đi nhưng để sống, sống mãi, vì Chúa là “sự sống”, “ai tin sẽ sống đời đời”. Con người không sinh ra để tàn lụi, nhưng để triển nở đến vô biên.
Trong mỗi người chúng ta có nhiều nấm mộ. Chúng ta bị giam hãm trong những nấm mộ tội lỗi, gian tham, ích kỷ, bất công, đam mê, ghen ghét hận thù, nghèo đói, thất học… Có những nấm mộ kiên cố, tự sức mình không thể phá nổi. Ta hãy xin Chúa đến mở những cửa mộ, lăn những tảng đá đè nặng đời ta, để ta được sự sống dồi dào của Chúa nuôi dưỡng. Đồng thời, ta cũng phải tiếp tay với Chúa, phá đi những nấm mộ vây bọc anh chị em chúng ta, để mọi người được sống và sống dồi dào như lòng Chúa mong ước, như định mệnh Chúa dành cho ta, những người con cái Chúa.
ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt.


7 HƯỚNG DẪN ĐỂ VIỆC XƯNG TỘI HỮU ÍCH CHO BẠN

Thánh Phanxicô de Sales muốn bạn đi đến căn cốt của tội lỗi bạn. Thốt lên “Tôi chưa hề yêu Chúa cho xứng, cho đủ”, như thế là không đủ.
“Hỡi bạn, đừng bao giờ để tâm lòng mình hoá ra nặng nề vì tội lỗi, đang khi luôn luôn sẵn có một phương cách chữa trị trong tầm tay rất chắc chắn và an toàn như thế.”

Đây là lời khuyên của thánh Phanxicô de Sales trong cuốn Introduction to the Devout Life của ngài, trong một chương viết về Bí tích Hòa giải.
Sau đây là một số chỉ dẫn thánh nhân đề ra cho chúng ta:

1. Thánh nhân khuyên chúng ta xưng tội đều đặn và thường xuyên (đề nghị của ngài là hằng tuần và luôn là trước lúc rước lễ, nhưng những quy định rước lễ khi đó thì khác bây giờ). Ngài cổ võ việc xưng tội, “kể cả khi lương tâm của bạn không bị đè nặng bởi những tội trọng; thì khi xưng tội, bạn không những nhận lãnh được ơn tha thứ về những tội nhẹ, nhưng bạn còn nhận được sức mạnh lớn lao giúp bạn từ này về sau xa lánh chúng, nhận được ánh sáng tỏ tường hơn để nhận ra những lầm lỗi của mình, cùng ân sủng chứa chan để phục hồi lại những hư hoại mà bạn đã gây ra do tội của mình.”

2. Ngài nhấn mạnh sự cần thiết phải có “lòng thống hối thật sự” và “một quyết tâm chừa cải” những tội lỗi mà chúng ta mắc phải.
“Một số người cứ hoài xưng các tội nhẹ như một thói quen, và chẳng hề nỗ lực để sửa cải chúng, vì thế, họ đã đánh mất rất nhiều ích lợi thiêng liêng. Giả sử, bạn xưng tội rằng mình đã nói những điều không thật, mặc dù điều đó chưa gây ra những hậu quả xấu, hoặc bạn xưng rằng, mình đã nói ra những lời thiếu suy xét, hoặc chọc đùa quá chớn, – hãy ăn năn sám hối, và nhất tâm dốc lòng chừa cải: thật là một sự lạm dụng trắng trợn khi xưng thú các tội, dù là tội nặng hay nhẹ, mà lại không có ý định xa tránh nó. Hãy ăn năn sám hối, dốc lòng chừa tội, vì đó là mục đích chính yếu của việc xưng tội”.

3. Ngài cũng khuyên, “hãy cảnh giác với những lời tự kết án bản thân vô vị, được thốt ra hoàn toàn do thói quen, chẳng hạn, ‘Con chưa cầu nguyện với Chúa hết lòng, con chưa yêu tha nhân cho đủ, con chưa rước lễ với lòng tôn kính đáng ra phải có,’ và những câu hối lỗi “tự phê” tương tự.
“Những lời lẽ này hết thảy đều vô vị, vô ích vì nó chẳng hề giúp tỏ bày lương tâm của bạn trước cha giải tội, vì lẽ những lời tương tự thì ai nói mà chả được, ngay cả các thánh trên Thiên Đàng và tất cả mọi người còn đang sống trên trần gian”.

4. Thay vào đó, thánh nhân khuyên: “Hãy xem xét kỹ càng xem lý do đặc biệt nào đã khiến bạn lên án chính bản thân như thế, và bạn đã nhận ra, ý thức được điều đó khi nào, đơn giản bạn hãy bắt lỗi chính mình từ việc xét lại chính những lỗi phạm cụ thể của mình”.

“Chẳng hạn, khi thú tội rằng, bạn chưa yêu thương người thân cận cho đủ, rất có thể điều đó có nghĩa là, bạn đã trông thấy một người nào đó đang rất cần được giúp đỡ, thế mà các bạn đã không làm. Thế nên, nếu bạn có bắt lỗi bản thân mình về thiếu sót khá là rõ ràng này, thì bạn hãy trình bày thế này: “Con đã phớt lờ một người đang lâm cảnh khốn khó, đáng ra con phải giúp đỡ người ấy,” hoặc là do sự thiếu quan tâm, hoặc là do thiếu lòng cảm thương, hoặc là do dửng dưng, tùy trường hợp.

“Lại nữa, đừng bắt lỗi bản thân về chuyện không nghiêm túc trong giờ cầu nguyên; nhưng nếu các bạn cứ hoài tạo dịp cho những chia trí, hoặc đã không chuẩn bị, lo liệu để có nơi chốn, thời gian, hoặc là bạn chẳng dọn tâm hồn để có thể cầu nguyện đàng hoàng – vậy thì hãy cứ nói thẳng ra những thiếu sót đó”.

5. Thánh Phanxicô de Sales khuyên, điều quan trọng là nhắm đến căn cớ, gốc rễ sinh ra tội lỗi, “Đừng lấy làm đủ vì đã dám thẳng thắn xưng ra các tội lỗi của bạn, nhưng phải dám vạch ra, nhìn thẳng vào cái cơ sự đã khiến sinh ra những tội lỗi ấy. Chẳng hạn, đừng cho là đủ khi xưng thú rằng, bạn đã nói chuyện ba sàm, không thật nhưng điều ấy không gây hại cho ai; nhưng cần xưng rõ, vạch rõ để thấy rằng, điều ấy có thể do bởi hám danh, thích khen, thích tung hê, tránh lời chê trách, hay là do vô ý, chểnh mảng, hoặc đấy là một tật xấu khó bỏ”.

6. Ngài cũng lưu ý đến tầm quan trọng của bối cảnh đầy đủ, của những yếu tố liên quan. “Cần phải xưng rõ, các bạn đã vướng mắc phải thứ tội ấy lâu chưa, mức độ trầm trọng của tội tùy thuộc phần lớn vào độ lê thê hay ngắn gọn của tội: chẳng hạn, có một sự khác biệt rõ ràng giữa một hành vi kiêu mạn xốc nổi với việc người ta bị chế ngự trong một hay nhiều ngày bởi tính kiêu ngạo.” Vị thánh khuyên, thật ích lợi khi các bạn nói rõ “chính sự việc sự kiện sai phạm, động lực cùng với quá trình ấy…”

“Đừng dễ dãi với bản thân, đừng ngần ngại vạch ra, xưng ra những yếu tố liên quan, giúp nhận diện rõ ràng bản chất của các tội mà bạn vướng phải, chẳng hạn, lý do khiến các bạn nổi nóng, hay lý do khiến các bạn xúi người khác làm điều sằng bậy”.

“Có người kia tôi vốn không ưa, nói đùa một câu bâng quơ nào đó, tôi khó chịu, bực mình, nổi khùng. Giả như gặp người tôi thích, họ có nói điều khó nghe hơn đi nữa, thì tôi cũng chẳng lấy đó làm bực mình; vì vậy, khi đi xưng tôi, tôi cần phải xưng ra thế này, tôi nổi khùng với người nào đó, không phải do bởi những lời được nói ra, nhưng chính yếu là do bởi tôi ghét cái người nói ra những lời ấy; và nếu muốn nhận diện bản thân rõ ràng hơn, bạn cần dùng những lời mô tả khu biệt, rõ ràng hơn; bởi lẽ tự thú không đơn giản chỉ là việc nhìn ra những lỗi lầm cụ thể bản thân, nhưng còn là những thói hư, tật xấu, những quyến luyến, cùng với những gốc rễ, căn cớ của tội, nhờ đó, cha giải tội sẽ hiểu rõ hơn, biết rõ hơn tâm hồn mà ngài đang giúp đỡ, từ đó có những phương dược thích hợp…”

7. Sau cùng, thánh nhân khuyên nên chọn một linh mục để xưng tội với ngài mỗi khi cần: “Đừng dễ dàng thay đổi cha giải tội của bạn, nhưng khi đã chọn ngài, hãy thường xuyên giãi bày tình trạng tâm hồn và lương tâm của bạn cho ngài trong những mùa phụng vụ đặc biệt trong năm, hãy giãi bày cùng ngài một cách đơn sơ, thành thật – mỗi tháng hoặc mỗi hai tháng, giãi bày cùng ngài về tình trạng, khuynh hướng, chiều hướng chung, ngay cả khi chưa có gì sai lỗi trong đó”.

Chuyển dịch: Kim Hòa (Nhóm phiên dịch Mai Khôi)

HY SINH

“Ngài đã hy sinh chính bản thân mình.”  (Ep 2, 14)

Nói tới hy sinh là nói tới tình yêu. Không có tình yêu thì sự hy sinh chỉ là một hành vi cao hứng trong phút chốc, hay chỉ là muốn phô trương sự dũng cảm của mình. Điều đó chẳng có nghĩa gì trong cuộc sống nhân sinh, mà chỉ làm dầy đặc thêm cái “Tôi” đáng ghét của mình.
Trong đời sống đức tin, cùng với Chúa Giêsu, cuộc đời mỗi người chúng ta là của lễ hy sinh hằng ngày dâng hiến lên Thiên Chúa để đáp lại tình yêu Ngài. Không có hy sinh thì không có của lễ. Của lễ mà không có hy sinh thì sự dâng hiến chỉ là bôi bác bề ngoài, và Thiên Chúa chỉ còn là bình phong để che đậy tà ý của con người. Vì thế hy sinh là chứng tích hùng hồn nhất để nói lên giá trị của hiến lễ (x. Ga 15, 13). Hy sinh càng lớn lao thì giá trị của hiến lễ càng cao cả. Hy sinh càng âm thầm sâu xa thì càng làm triển nở cuộc đời ta trong Chúa.
Hy sinh khởi sự từ chỗ đón nhận những công việc rất nhỏ bé và hèn mọn trong âm thầm. 
(x. Lc 19, 17 ;Lc 16, 10).
Trong hy sinh, ta phải dám làm những việc mà không ai muốn làm, nhưng có giá trị rất lớn đối với Thiên Chúa, vì nó bắt nguồn từ một tâm hồn thiện hảo và khiêm nhu chân thực. Cuộc đời cao đẹp của mỗi người chúng ta được kết dệt nên từ những hy sinh nhỏ bé và hèn mọn như thế. “Không hy sinh nơi những việc nhỏ, ta sẽ đầu hàng trước những hy sinh lớn lao. Đừng mơ tưởng đến những hy sinh lớn lao, đang khi chưa thể hy sinh trong những điều nhỏ bé.” (ĐHV, tr. 164).
Đời sống cộng đoàn có biết bao nhiêu điều đòi ta phải hy sinh hằng ngày. Chính Thánh Louis Gonzaga trong sáng như thiên thần cũng cảm thấy thấm thía những thánh giá do đời sống cộng đoàn đem lại, đó là những xích mích và những va chạm không sao tránh khỏi, nhưng Ngài đã coi đó như là những dịp tốt để hy sinh đền tội cho chính mình.
“Thánh thiện và tội lỗi, lắm lúc chỉ do thắng bại của một phút hy sinh” (ĐHV, tr. 172). Hy sinh chính là trang sức của sự thánh thiện, bởi vì nó làm ta nên giống Chúa Giêsu hơn. Ai tha thiết yêu mến Ngài cũng đều mong mỏi được hy sinh với Ngài và vì Ngài.
Chính sự hy sinh mới nói lên được một tình yêu chân thành, sâu thẳm đối với Chúa và tha nhân. Tình yêu không hy sinh là tình yêu trá hình. Tình yêu không dựa vào lời nói hay những cử chỉ trìu mến, nhưng phải được chứng tỏ qua những hy sinh cụ thể để làm bằng chứng sống động. Sự hy sinh càng cao độ thì càng diễn tả được chiều kích sâu xa của tình yêu, càng mang lại bầu khí an vui cho mình và những người xung quanh.
Tuy nhiên đừng quên rằng, con đường tình yêu là con đường thập giá nở hoa. Đó là con đường trải hoa hồng, nhưng dưới những cánh hoa hồng là sự ẩn nấp của những gai nhọn đâm thâu gây nên thương tích. Hy sinh là chấp nhận những thương tích để làm nên những chứng tích của tình yêu.
Hy sinh gắn liền với hãm mình, nghĩa là biết kềm chế những ham muốn, dục vọng, cũng như cả những ước vọng tầm thường để tôi luyện bản thân mình trở nên cao quí. Sự tiết độ trong hy sinh hãm mình chính là phương thức tẩy luyện tâm can khỏi những dơ bẩn và hôi hám của mùi tục lụy, và là điều kiện để làm triển nở đời sống tâm hồn dưới tác động của ơn thánh. Thiếu hy sinh hãm mình con người ta sẽ dần dần bị cứng đọng lại trong lề thói thường tình của mình và sẽ bị nô lệ hóa bởi chính nó.
Khi không còn hãm mình thì người ta dễ tìm kiếm những thỏa mãn riêng tư và lợi ích cá nhân. Trong khi đó tình yêu đích thực đòi người ta phải hy sinh, tiết chế thì mới đem lại những điều tốt đẹp cho mình và người khác. Thói quen hy sinh hãm mình sẽ giúp ta phong phú hóa nghị lực, làm giàu tâm cảm và làm gia tăng sức mạnh của ý chí để vượt ra khỏi sự ràng buộc của chính mình. Đó chính là nhu cầu của đời sống nội tâm đòi phải có tự do, để trở nên chính mình như mình đáng phải là.
3. Hy sinh từ bỏ
Hy sinh chỉ có trong sự từ bỏ. Khi từ bỏ, ta mới biết được rằng mình thật sự hy sinh. Từ bỏ để được tự do vươn cao và trải rộng giữa bầu trời mênh mông của sự sống huyền nhiệm tươi đẹp vô ngần.
Từ bỏ trước tiên là rời khỏi tư thế định vị như một cái khuôn đúc làm thành lề thói và kiểu cách hạn hẹp của mình, vì nghĩ rằng đó là một lối sống yên thân nhất để thể hiện chính mình. Thật ra đó chỉ là ảo tưởng, bởi vì sống là sống theo một niềm tin, nên cứ phải chuyển biến và tiến bước không ngừng, cứ phải ra đi theo định hướng của Thiên ý, như tổ phụ Abraham: hy sinh từ bỏ để ra đi vì niềm tin, bởi vì niềm tin mời gọi hy sinh từ bỏ.
Con người luôn có khuynh hướng muốn khư khư giữ kỹ những gì mình đã có, và lấy lại những gì mình đã cho; muốn chất đầy thêm cho mình mọi thứ, và coi đó như một bảo đảm cho cuộc sống mình. Nhưng càng chiếm giữ càng mệt mỏi; càng chất đầy càng nặng nề, khó lòng mà xoay sở để tiến bước. Điều kiện trước tiên trong hành trình tâm linh là trút bỏ, rời bỏ, cởi bỏ tất cả những gì không nhất thiết tối cần để cho tâm hồn mình được thanh thoát nhẹ nhàng.
Tuy vậy, cũng không nên thúc ép mình quá đáng khi chưa thể từ bỏ những điều không cần thiết lắm, kẻo gây nên một tâm trạng hụt hẩng, bất lợi trong đời sống nội tâm. Không nên gồng mình lên làm những điều mà mình chưa thể làm được một cách bình thản. Mọi hy sinh phải được nâng lên dần dần do ý thức nỗ lực và tác động của ơn Thánh. Không thể làm anh hùng trong một phút chốc, vì thế cần phải luôn khiêm tốn và kiên nhẫn với chính mình. Phải biết chờ đợi chính mình trong sự hòa nhịp của con tim và lý trí, của tự do và ý chí.
Chính Chúa luôn giữ vai trò chính yếu trong mọi diễn tiến đi lên của cuộc đời ta. Cần lắng nghe Ngài trong mọi lúc để tránh những hối thúc sôi động của chính mình. Điều cần thiết là luôn mang trong mình tâm tình từ bỏ: từ bỏ những cái phụ thuộc để có thể đón nhận những cái chính yếu ; từ bỏ những cái nhỏ nhen để được những cái lớn lao ; từ bỏ những cái cũ kỹ để đổi lấy những cái mới mẻ.
Tuy nhiên, nếu thiếu sự khôn ngoan sáng suốt thì cũng khó mà phân định được cái gì là phụ thuộc, nhỏ nhen, cũ kỹ, vì thấy cái gì cũng cần thiết với mình. Hơn nữa, người ta lại cảm thấy ưa chuộng và vui thích trước những cái phụ thuộc, nhỏ nhen và cũ kỹ đó, và có vẻ rất sợ khi bị mất nó. Có thể vì thiếu sự thao thức vươn lên, nên chưa ngộ ra những gì cao quí hơn, chưa nếm cảm được niềm vui lớn lao hơn trong sự từ bỏ.
Thật ra, với một tâm hồn đã quen chuộng sự hy sinh từ bỏ thì thường rất sáng tỏ, không có gì khó khăn khi phải phân định để lựa chọn từ bỏ hay không. Tuy nhiên, có những khi vì sự lôi kéo có vẻ chính đáng ở bên ngoài và sự tiếc nuối có vẻ hợp lý ở bên trong khiến người ta dễ lưỡng lự, chần chừ: muốn được cái mới nhưng vẫn muốn ôm lấy cái cũ; muốn cho đi nhưng vẫn muốn thu về. Hy sinh là sự cao thượng của tình thương, nhưng rồi mấy khi không vấn vương và tiếc nuối. Chỉ khi đặt mình trong tâm tình của Chúa, và trong sức mạnh của Ngài, ta mới can đảm hy sinh từ bỏ trọn vẹn hơn.
Con đường đi lên của đời sống thuộc linh đôi khi còn mời gọi ta phải hy sinh từ bỏ cả những điều chính yếu, lớn lao, và ngay cả chính mình để có thể hoàn thành Thiên ý. Thiên ý là kế hoạch toàn bộ có tính cách vĩ mô trên đời sống nhân loại mà Chúa cần đến sự hy sinh lớn lao của chúng ta. Đây không phải là ơn gọi đặc biệt dành cho một số người, nhưng là cho hết mọi người trong những hoàn cảnh cụ thể nào đó khi Chúa muốn (x. Mt 5, 48).
Muốn mục đích thì cũng phải muốn phương thế. Mục đích càng lớn lao, phương thế càng gắt gao. Muốn chính Chúa thì cũng phải hy sinh như Chúa đã hy sinh cho ta. Hãy nhìn ngắm Chúa Giêsu, Đấng đã hy sinh tới cùng vì yêu thương ta. Tiếp bước theo Ngài, có biết bao chứng nhân hào hùng đã đổ máu vì yêu. Cách mạng bản thân còn khiến tim ta rỉ máu không ngơi, huống chi góp phần vào cuộc cách mạng của Chúa Giêsu để xây dựng nền hòa bình công chính của Nước Thiên Chúa.
Hy sinh chính mình là định mệnh cao cả của mỗi người chúng ta trong chương trình tình yêu của Thiên Chúa, Đấng đem lại sự sống mới muôn đời cho mỗi người chúng ta. 
Lời nguyện
Lạy Chúa Giêsu!
Như Chúa đã nói: Không có tình yêu nào lớn lao
bằng tình yêu của người dám hy sinh mạng sống…
Chúa đã làm như thế vì yêu nhân loại chúng con.
Nếu con chưa thực sự gặp Chúa,
chưa cảm nhận Chúa, chưa chạm vào Chúa,
thì chẳng bao giờ con dám hy sinh vì Chúa,
mà chỉ hy sinh theo cảm hứng và lợi lộc.
Con chưa gặp Chúa vì lòng con còn trắc trở,
chưa cảm nhận Chúa vì tim con còn ơ hờ,
chưa chạm vào Chúa vì trí con vẫn nghi ngờ.
Chúa thấy những yếu đuối, những ràng buộc,
và sự dung dưỡng của bản thân con,
xin dẫn đưa con lần bước trong sự hy sinh.
Con đường hy sinh là con đường thập giá,
mà Chúa đã đi qua để cứu chuộc con,
và con phải đi lại, để hoàn thành đời mình.
Xin cho con cảm nếm được
hương vị ngọt ngào và sâu lắng
của tình yêu Chúa đã dành cho con,
để con biết hy sinh tận hiến vì yêu mến Chúa
và yêu thương tha nhân đến cùng. Amen.
 Lm. Thái Nguyên

CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY-A

Chúng ta vừa nghe Thánh sử Gioan tường thuật lại phép lạ Đức Giêsu chữa người mù từ khi mới sinh. Chúng ta cùng nhau tìm hiểu thái độ của các nhân vật trong câu chuyện này.
1.Thái độ của Đức Giêsu:
Đức Giêsu là Đấng giàu lòng thương xót. Trong ba năm cuộc đời công khai, Ngài đã làm rất nhiều phép lạ để chữa lành những người bệnh hoạn tật nguyền. Có những phép lạ xảy ra do sự thỉnh cầu của con người. Nhưng cũng có những phép lạ xảy ra do chính Ngài chủ động đến với con người như phép lạ chữa cho người mù hôm nay. Câu chuyện phép lạ bắt đầu bằng sự thắc mắc của các môn đệ: "Thưa Thầy, ai đã phạm tội, anh này hay cha mẹ anh, khiến anh mù từ khi mới sinh?" (Ga 9,2).  Và Đức Giêsu cho biết: "Không phải anh cũng chẳng phải cha mẹ anh đã phạm tội, nhưng để công việc của Thiên Chúa tỏ ra nơi anh." (Ga 9,3). Giải thích xong thắc mắc của các môn đệ, Đức Giêsu bắt đầu hành động để chữa lành cho anh mù. Tin mừng kể: “Người nhổ xuống đất, lấy nước miếng trộn thành bùn, rồi xoa bùn trên mắt người ấy và bảo: ‘Anh hãy đến hồ Silôê mà rửa.’ Anh ta ra đi và rửa, rồi trở lại thì trông thấy được.” (Ga 9,6-7).
Như vậy, phép lạ đã xảy ra, anh mù đã sáng mắt. Nếu câu chuyện kết thúc ở đây thì đã khá hoàn hảo. Nhưng lòng thương xót của Đức Giêsu còn muốn đi xa hơn. Đó chỉ là phép lạ chữa lành con mắt phần xác. Đức Giêsu còn tiếp tục đồng hành với người mù, giúp người mù sáng cả con mắt đức tin. Như vậy, Đức Giêsu đã thực hiện nơi người mù hai phép lạ cùng một thời điểm: Phép lạ sáng con mắt thể lý và phép lạ sáng con mắt đức tin.

2. Thái độ của người mù:
Bệnh mù lòa có thể do bẩm sinh, có thể do tai nạn hay một nguyên nhân nào đó. Người bị mù thì không thấy ánh sáng, không được nhìn ngắm cảnh đẹp của thiên nhiên, vẻ đẹp của người thân, không thấy đường đi, không thấy công việc để làm, giảm thiểu hạnh phúc của cuộc đời…Nên họ bị thiệt thòi về nhiều mặt. Ước mong lớn nhất của người mù là được sáng đôi mắt.
Người mù trong câu chuyện Tin mừng hôm nay đã mù từ thuở mới sinh. Chắc chắn anh ta ngày đêm mong muốn được sáng đôi mắt. Lòng mong muốn đó được đáp ứng khi anh gặp được Đức Giêsu. Hay nói đúng hơn là được Đức Giêsu gặp anh. Qua câu chuyện cho chúng ta thấy, Đức Giêsu đã đi bước trước để đến với anh. Ngài hành động và mời gọi anh làm theo ý của Ngài. Ngài nhổ xuống đất, lấy nước miếng trộn thành bùn, rồi xoa bùn trên mắt anh và bảo: "Anh hãy đến hồ Silôê mà rửa". Đó là một lời mời gọi của đức tin. Tin mừng cho biết: “Anh ta ra đi và rửa, rồi trở lại thì trông thấy được.”
“Ra đi và rửa rồi trở lại.”
 Đây là thái độ của sự vâng phục trong niềm tin. Nhờ thế mà anh được sáng con mắt. Sau đó, anh đã công khai làm chứng về Đức Giêsu: “Ngài là một tiên tri”(x. Ga 9,17); "Người mà thiên hạ gọi là Giêsu đã lấy bùn xức mắt tôi và bảo: Ngươi hãy đến hồ Silôê mà rửa. Bấy giờ tôi đi, tôi rửa và tôi trông thấy;”(Ga 9,25). 
Khi những người biệt phái cho rằng Đức Giêsu "không phải bởi Thiên Chúa, vì không giữ ngày Sabbat," thậm chí họ kết án “Đức Giêsu là một kẻ tội lỗi" thì người mù còn khẳng định rằng: “Ông ấy có phải là người tội lỗi hay không, tôi không biết. Tôi chỉ biết một điều: trước đây tôi bị mù mà nay tôi nhìn thấy được!” (Ga 9,25). Rồi anh tiếp tục làm chứng: “Thiên Chúa không nhậm lời những kẻ tội lỗi; còn ai kính sợ Thiên Chúa và làm theo ý của Người, thì Người nhậm lời kẻ ấy” (Ga 9,31). Lời khẳng định đó đưa đến kết luận: Đức Giêsu là “người bởi Thiên Chúa mà đến” (Ga 9,33).
Đức tin của người mù còn thể hiện một cách mạnh mẽ ngay cả khi anh bị cha mẹ bỏ rơi. Sau này gặp lại Đức Giêsu, anh còn xác tín rằng: “‘Thưa Ngài, tôi tin.’ Rồi anh sấp mình xuống trước mặt Người” (Ga 9,38).
Tấm gương của người mù đáng cho mỗi người chúng ta học tập: Một đức tin vững mạnh, một đức tin can đảm trước những nghịch cảnh của cuộc sống.

3. Thái độ của những người Biệt phái:
Sau khi Đức Giêsu chữa lành cho người mù, những người Biệt phái đã mở một cuộc điều tra nhằm lên án Đức Giêsu, phủ nhận phép lạ Ngài vừa làm. Đây là một thái độ kiêu căng, thể hiện một sự ghen tương không muốn chấp nhận sự thật, không nhìn thấy quyền năng của Thiên Chúa đang thể hiện trước mắt họ. Thậm chí, vì cái nhìn mù quáng nên họ còn muốn kết án Đức Giêsu là người tội lỗi. Họ ghét Đức Giêsu nên họ ghét luôn cả những người có liên hệ, cụ thể là họ ghét luôn cả người mù. Người mù đã trở thành nạn nhân của họ (x. Ga 9,34). Vì thế, họ tìm cách gây áp lực và làm khó dễ cho anh ta. Họ sáng con mắt phần xác nhưng lại mù quáng con mắt thiêng liêng. Mặc dầu vậy, họ còn tự hào là mình rằng “chúng tôi thấy.” Chính vì thế, lời quả quyết của Đức Giêsu thể hiện đúng bản chất của họ: “Nếu các ông đui mù, thì các ông đã chẳng có tội. Nhưng giờ đây các ông nói rằng: ‘chúng tôi thấy,’ nên tội các ông vẫn còn đó” (Ga 9,41)
Trong cuộc sống hôm nay cũng có nhiều người giống như những người biệt phái này. Họ không làm việc lành, trái lại có ai đó làm việc lành thì họ lại ngăn cản hoặc tìm cách bóp méo sự thật, thậm chí còn bỏ vạ, cáo gian, kết án người vô tội.

4. Thái độ của cha mẹ người mù:
Trước sự rắc rối mà chính con mình gặp phải đáng lý ra hai ông bà phải đứng ra bệnh vực cho con. Đằng này, hai ông bà lại lẫn trốn trách nhiệm không dám nói lên sự thật mà còn đùn đẩy cho con: “Nó khôn lớn rồi, xin các ông cứ hỏi nó.”(Ga 9,23). Chính Tin mừng đã cho chúng ta biết lý do vì sao cha mẹ anh ta lại nói như thế: “Cha mẹ anh ta nói thế bởi sợ người Do-thái, vì người Do-thái đã bàn định trục xuất khỏi hội đường bất cứ ai dám công nhận Chúa Giêsu là Ðấng Kitô.”(Ga 9,22). Đây là một thái độ cầu an nên thiếu trách nhiệm với con mình.
Trong cuộc sống hôm nay, cũng có rất nhiều người sống thiếu trách nhiệm không chỉ đối với con cái mà còn đối với Giáo hội và xã hội. Nhiều người cha người mẹ không dám nhận con cái mình vì sợ phải nuôi nấng chăm nom, vì thế chúng ta hiểu tại sao có nhiều người cha người mẹ đành bỏ rơi con cái, thậm chị giết hại con cái ngày từ trong lòng mẹ. Nhiều người con cái không dám nhận cha mẹ mình vì cha mẹ nghèo đói, bệnh tật. Nhiều người không dám đứng lên bênh vực cho công lý và sự thật vì sợ liên lụy đến mình và gia đình mình, sợ ảnh hưởng đến miếng cơm manh áo.
Vì thế, cảnh bất công, người công chính bị trù dập, việc tốt việc lành bị bóp méo vẫn còn nhan nhãn trong xã hội chúng ta đang sống.

5. Thái độ sống của chúng ta hôm nay?
Suy niệm về thái độ của Đức Giêsu, của người mù, của những người biệt phái và của cha mẹ anh mù, chúng ta  thử đối chiếu với thái độ sống của chúng ta như thế nào?
Có khi nào chúng ta sẵn sàng đến để giúp đỡ những người xấu số như Đức Giêsu đã giúp đỡ cho người mù không? Chúng ta có bênh vực cho những người gặp rắc rối trong đức tin như Đức Giêsu bênh vực cho người mù không?
Có khi nào chúng ta can đảm bênh vực cho Chúa, cho Giáo Hội và cho niềm tin của mình giữa thử thách gian nan như người mù không?
Có khi nào chúng ta kiêu ngạo, ghen tuông nên tìm cách từ chối sự thật, thậm chí còn bỏ vạ cho người tốt không?
Có khi nào chúng ta sợ liên lụy đến mình, gia đình mình hay thiệt thòi về của cải vật chất…nên thiếu trách nhiệm với những người thân yêu của chúng ta như cha mẹ của người mù không?
Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa vì chúng con không bị mù con mắt thể lý. Nhưng xét mình lại có lẽ nhiều lúc chúng con vẫn bị mù về con mắt tinh thần. Xin Chúa giúp chúng con biết làm theo lời Chúa dạy để chúng con được luôn sáng con mắt đức tin, con mắt tinh thần. Amen.


Lm. Anthony Trung Thành