KHÁM PHÁ ƠN GỌI

Bước quan trọng thứ nhất là loại bỏ tư tưởng cho rằng mỗi chúng ta chỉ có một ơn gọi, thay vì cân nhắc việc chúng ta lãnh nhận nhiều ơn gọi trong cuộc sống..
Thiên Chúa đã và đang nói với mỗi chúng ta:“ĐỪNG SỢ, vì Ta đã chuộc ngươi về, đã gọi ngươi bằng chính tên ngươi: ngươi là của riêng Ta!” (Is 43:1). Hãy vững tin và hãy can đảm!
Rất nhiều người trong chúng ta vẫn đang tìm kiếm ơn gọi của mình. Chúng ta tìm sự trọn vẹn đó, sự theo đuổi đó sẽ đem lại cảm giác của sự tâp trung và ý nghĩa trong cuộc đời của chúng ta. Nhưng làm sao chúng ta phát hiện ơn gọi của mình?
Bước quan trọng thứ nhất là loại bỏ tư tưởng cho rằng mỗi chúng ta chỉ có một ơn gọi, thay vì cân nhắc việc chúng ta lãnh nhận nhiều ơn gọi trong cuộc sống của chúng ta, và các ơn gọi đó cũng có bắt đầu và kết thúc. Do đó, vấn đề không là “ơn gọi của tôi là gì?” mà là “ơn gọi của tôi lúc này là gì?”.
Đây là 7 gợi ý dễ nhận biết, chúng sẽ cho bạn biết ơn gọi lúc này của bạn là gì.

1/ THẤT VỌNG VỀ HIỆN TRẠNG
Dấu hiệu thứ nhất bạn có thể trải nghiệm ơn gọi là bạn cảm thấy rất thất vọng hoặc đau khổ về phương diện nào đó về hiện trạng. Trong các nhu cầu và sự bất công trên thế giới, có một điều đặc biệt khiến bạn tự trách mình và không thể an tâm. Có thể đó là sự thay đổi thời tiết, nhu cầu chăm sóc trẻ em hoặc quan tâm bệnh nhân nào đó. Hoặc có thể bạn cảm thấy khổ sở vì muốn mình ít bị xoi mói hoặc chỉ trích: có thể là bạn chú ý thấy nhiều người áp dụng lời khuyên nào đó về phong cách để trang trí nhà cửa của họ, hoặc có thể bạn khổ sở vì sự kém cỏi của mình ở nơi làm việc. Các loại đó đều là các ơn gọi hợp lý và quan trọng để làm phong phú và cải thiện thế giới.

2/ VIỄN CẢNH KHẢ DĨ
Đôi khi ơn gọi của chúng ta không thể hiện qua sự khổ tâm hoặc nỗi thất vọng về hiện trạng, nhưng thể hiện qua cách nhìn về cách khác nhau có thể có đối với các sự việc. Có thể bạn không thể ngừng phác họa về cách kỳ diệu xảy ra trong cộng đồng. Hoặc có thể bạn tưởng tượng về sự vui vẻ, đồ quý giá mà bạn muốn tạo ra cho thế giới. Hoặc có thể bạn mường tượng về cách mà công ty của bạn có thể hoạt động theo cách tốt hơn để phục vụ khách hàng. Tầm nhìn đó không để cho bạn an tâm và dẫn bạn tới ơn gọi duy nhất của bạn.

3/ CẢM THẤY CÓ TRÁCH NHIỆM
Thông thường thì với các ơn gọi của mình, chúng ta cảm thấy một ý nghĩa bí ẩn về “công việc mình làm”. Thậm chí có thể bạn cảm thấy mình được giao trách nhiệm bởi một lực mạnh mẽ nào đó. Dĩ nhiên, khó có thể tin cảm giác đó, nhưng liệu bạn có đủ cởi mở để chấp nhận điều đó hay không?

4/ ÂM VANG
Có thể bạn cảm thấy rằng không biết điều đó có thực sự là ơn gọi của mình hay không. Bạn cũng có thể cảm thấy chắc chắn mình không đủ năng lực. Tuy nhiên, khi bạn thực sự sống ơn gọi, bạn cảm thấy sự đúng đắn và xuối xắn. Hầu như đó là ơn gọi nâng bạn lên và đạt trên tấm thảm biết bay – một kinh nghiệm trọn vẹn, vang vọng, vui mừng về việc đem ánh sáng đến cho thế giới theo cách duy nhất của bạn.

5/ CHỊU ĐỰNG
Khi bạn cảm thấy sự vang vọng là lúc bạn hành động theo ơn gọi của mình, khi bạn không chìm đắm trong điều đó là lúc bạn cảm thấy nhiều sự đối kháng đối với điều đó. Bạn muốn theo hướng khác – cuối cùng, ơn gọi của bạn có thể yêu cầu bạn lật úp kế hoạch của bạn, làm điều mà bạn cảm thấy liều lĩnh và đi theo hành trình mà người khác không hiểu. Chúng ta thường nghĩ rằng nếu cách nào đó là ơn gọi của mà chúng ta muốn thực hiện hết lòng hết dạ, nhưng sự thật là chúng ta lại không theo ơn gọi của mình.

6/ KHÔNG CÓ CÁI MÌNH CẦN
Một trong các dấu hiệu rõ ràng về ơn gọi là bạn cảm thấy như mình không có cái mình cần để hoàn tất ơn gọi. Có thể bạn cảm thấy được mời gọi làm kinh doanh hoặc thay đổi vấn đề xã hội, và bạn cảm thấy mình biết rõ không có tài nguyên, mối quan hệ, kiến thức hoặc thời gian để hành động. Sự thật là chúng ta chưa bao giờ có những gì chúng ta cần ngay từ đầu, nhưng khi chúng ta thực hiện ơn gọi, chúng ta thấy có những cách sáng tạo để thu gom những gì chúng ta cần.

7/ KHÔNG NHƯ Ý MUỐN
Một cách sâu sắc, lúc mới bắt đầu ơn gọi mà chúng ta cảm thấy chắc chắn chúng ta không thể là người được giao nhiệm vụ này. Chúng ta cảm thấy điều đó có ý nghĩa đối với người nào đó can đảm hơn, có phẩm chất tốt hơn; có thể người nào đó có sức lôi cuốn hơn hoặc kiên trì hơn. Điều này không chỉ là sự chỉ trích nội tại, mà đó là sự thật: từ đầu chúng ta chưa là người mà chúng ta muốn để hoàn tất ơn gọi của mình, nhưng sự kỳ diệu của ơn gọi là nó sẽ làm cho chúng ta phát triển thành con người như thế. Ơn gọi có hai mục đích: phục vụ thế giới và làm cho chúng ta khôn ngoan hơn, trưởng thành hơn, có khả năng hơn.

Đọc và biết 7 dấu hiệu của một ơn gọi rồi, bây giờ bạn cảm thấy mình có ơn gọi làm gì lúc này?

TARA SOPHIA MOHR

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ Beliefnet.com)

LÒNG NHÂN VÀ CỦA LỄ

“Ta muốn lòng nhân, chứ đâu cần lễ tế!
Thích được các ngươi nhận biết hơn của lễ toàn thiêu” (Hs 6,6)
Trong truyền thống Cựu ước, Thiên Chúa được diễn tả với văn phong “như nhân”, hoặc “nhân cách hóa”. Điều đó muốn nói lên sự gần gũi giữa Thiên Chúa với dân được tuyển lựa. Đây cũng là một nét đặc thù để phân biệt Thiên Chúa của người Israen với các thần linh của ngoại giáo. Ông Môisen đã có lần mời người Do Thái đặt câu hỏi để suy tư: “Có dân tộc vĩ đại nào được thần minh ở gần, như Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, ở gần chúng ta, mỗi khi chúng ta kêu cầu Người? Có dân tộc vĩ đại nào được những thánh chỉ và quyết định công minh, như tất cả Lề Luật mà hôm nay tôi đưa ra trước mặt anh em?” (Đnl 4,7). Thiên Chúa là Đấng đồng hành với Dân Ngài trong mọi nẻo đường của cuộc sống, để yêu thương, bao bọc giữ gìn như một người Mẹ. Tuy vậy, việc diễn tả Thiên Chúa với phong cách như nhân có thể làm cho người ta quan niệm lệch lạc về Ngài, vì họ nghĩ Ngài cũng tham lam và hành xử giống như con người. Vì quan niệm lệch lạc về Thiên Chúa, nên khi cử hành nghi thức thờ phượng, người ta nhắm tới mục đích vụ lợi. Chính vì thế mà dẫn đến tình trạng “bát nháo” trong phụng vụ Đền thờ, hậu quả là một thứ phụng thờ phô trương rỗng tuếch. Nhiều người nghĩ là Thiên Chúa cũng “tốt lễ dễ kêu” theo kiểu con người, nghĩa là càng dâng nhiều của lễ thì càng được Chúa nhận lời. Với thời gian, một não trạng đút lót hối lộ thần linh được hình thành. Để canh tân phụng vụ và để nhắm tới một đức thờ phượng tinh tuyền, giáo huấn của các ngôn sứ đều nhấn mạnh đến tâm tình của người thờ phượng hơn là những nghi lễ rườm rà bề ngoài. Hãy nghe ngôn sứ Hô-sê phê phán:
Lễ lạt của các ngươi, Ta chán ghét khinh thường;
hội hè của các ngươi, Ta chẳng hề thích thú.
Các ngươi có dâng lên Ta của lễ toàn thiêu. ..
những lễ vật của các ngươi, Ta không vui nhận,
chiên bò béo tốt các ngươi đem hiến tế, Ta chẳng đoái hoài.
Hãy dẹp bỏ tiếng hát om sòm của ngươi
Ta không muốn nghe tiếng đàn của ngươi nữa (Hs 3,21-23).
Tiếp nối giáo huấn của các ngôn sứ, Chúa Giêsu muốn canh tân và đưa con người về với ý nghĩa đích thực của phụng tự. Người nhắc lại giáo huấn của Cựu ước: “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế” (Mt 9,13). Lòng nhân ái hay đức yêu thương là cốt lõi quan trọng trong giáo huấn của Chúa. Đây cũng là mối quan tâm và thực hành hàng đầu của những ai tin Chúa. Lòng bác ái cũng là tiêu chuẩn để mọi người nhận ra, họ là con của Cha trên trời. Những thực hành yêu thương, dù đơn sơ nhỏ mọn như một bát nước lã, cũng đáng được Chúa ghi nhận và trọng thưởng. Yêu thương và hòa giải còn quan trọng hơn việc thờ phượng. Vì thế, Chúa dạy: nếu đang đến nhà thờ để dâng lễ mà chợt nhớ còn bất hòa với ai, thì hãy để của lễ lại đó, về làm hòa với nhau trước đã. Chúa chỉ nhận của lễ của những ai dâng với tấm lòng thành. Yêu thương là cốt lõi của Đạo Chúa. Tin Chúa mà không có lòng nhân ái thì đi ngược lại với giáo huấn của Ngài. Vì một nền phụng tự tinh tuyền và đích thực, Chúa Giêsu đã xua đuổi những người buôn bán ra khỏi Đền thờ Giêrusalem, vì họ biến nhà của Cha Người thành nơi buôn bán phàm tục.
Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế”. Lời khẳng định này vẫn có giá trị cho mọi thời, mọi tôn giáo, nhất là đối với Kitô hữu chúng ta. Lâu nay, tại Việt Nam, phổ biến tình trạng lễ hội “trăm hoa đua nở”. Người ta tổ chức những lễ hội ồn ào, tốn kém. Một số không nhỏ những lễ hội này mang nặng màu sắc mê tín dị đoan. Thêm vào đó, những hành động bị phê phán là phản cảm, vô văn hóa và trục lợi kinh doanh càng ngày càng phổ biến. Thực ra, Thượng Đế, các thần linh hoặc các bậc tổ tiên không có nhu cầu thụ hưởng các lễ tế của con người. Những gì chúng ta dâng cho các ngài trước hết thể hiện tấm lòng thành và tâm tình yêu mến. Vì quan niệm về một thượng đế đầy tham vọng như con người, nên người ta quá chú trọng đến những hình thức ồn ào bề ngoài. Họ cũng nghĩ của lễ càng lớn thì càng đẹp lòng các vị thần linh. Vì chạy theo những kỷ lục và hình thức bề ngoài, nên người ta đã cả lòng làm những của lễ giả tạo, như chiếc bành giầy có ruột bằng xốp và khung bằng tre tại Đền Vua Hùng cách nay vài năm.
Chuộng hình thức bề ngoài mà coi nhẹ đời sống nội tâm cũng là tình trạng phổ biến nơi khá đông tín hữu. Họ thích tổ chức những cuộc rước long trọng, trong khi đó đức tin thì hời hợt. Nhiều người coi những cuộc rước quan trọng hơn là thánh lễ, những nghi thức ồn ào được chú trọng hơn những giờ lắng đọng cầu nguyện hồi tâm. Một số hội đoàn được tổ chức và sinh hoạt giống như các đoàn thể ngoài đời, chú trọng thái quá đến những hội hè phô trương. Trong khi đó, những hoạt động bác ái và truyền giáo ít được quan tâm. Một số thánh lễ khánh thành nhà thờ hay lễ quan thày của các hội đoàn đôi khi chỉ dành cho những người có thiệp mời. Những người này tham dự thánh lễ như tham dự một sự kiện văn hóa, hoặc vì mắc “nợ miệng” nên đi lễ để trả nợ, giống như trả nợ đám cưới đám tang.
Trong một xã hội còn có nhiều người nghèo, một số cơ quan tổ chức lại muốn phô trương thanh thế. Tại các tỉnh vùng cao, trẻ em đi học phải qua những con cầu treo nguy hiểm, thậm chí phải “đu dây” để đến trường. Còn nhiều lắm những bệnh nhân không được chữa trị vì lý do nghèo, những người tàn tật không được chăm sóc. Trong khi đó, những công trình tượng đài nghìn tỷ được thiết kế và xây dựng, tốn phí bao tiền của. Đây cũng là một hình thức phô trương để lấy tiếng khen, mà quên đi nỗi khổ của dân nghèo. Một xã hội được đánh giá là văn minh tiến bộ là dựa trên đời sống của người dân hoặc chế độ dân sinh liên quan đến sức khỏe, giáo dục, chứ không dựa trên những công trình hoành tráng bên cạnh một cuộc sống nghèo khổ.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là một người ngoài Kitô giáo nhưng có những quan niệm tâm linh rất sâu sắc. Ông đã viết: “Sống giữa đời này, chỉ có thân phận và tình yêu. Thân phận thì hữu hạn. Tình yêu thì vô cùng. Chúng ta làm cách nào nuôi dưỡng tình yêu, để tình yêu có thể cứu chuộc thân phận trên cây thập giá đời”. “Tình yêu” mà Nhạc sĩ nói đến ở đây, cũng là lòng mến đối với Chúa và đối với tha nhân. Tình yêu này sẽ tồn tại mãi mãi, bởi vì “Đức Mến không bao giờ mất được” (1 Cr 13,8).
Tại sao bạo lực và gian dối ngày càng gia tăng trong xã hội của chúng ta? Có nhiều nguyên nhân, nhưng chắc chắn có nguyên nhân do lòng nhân ái bị quên lãng và coi thường. Lòng nhân ái sẽ giúp con người nhường nhịn và khiêm tốn. Lòng nhân ái cũng cho con người sức mạnh và can đảm để tha thứ và yêu thương. Một khi có lòng nhân ái, chúng ta sẽ xây dựng một xã hội công bằng huynh đệ. Đó là khởi điểm của Nước Trời ngay trong cuộc sống hôm nay.

Gm Giuse Vũ Văn Thiên

CHÚA NHẬT XXI THƯỜNG NIÊN A

Đang khi dân chúng còn mù mờ về vai trò và con người của Đức Giêsu thì Phêrô, vị Giáo hoàng tiên khởi đã mạnh mẽ tuyên xưng: “Ngài là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Phêrô được khen là có phúc vì nhận được mạc khải từ trên cao. Thế nhưng chỉ một khoảnh khắc sau, chính Phêrô lại bị Thầy mình trách là “Satan” vì lòng dạ tăm tối, chỉ “hiểu biết những sự thuộc về loài người” và đang “làm cớ cho Thầy vấp phạm”.
Phêrô tuy nhận chân Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế, nhưng trong cái nhìn của ông, Đấng Cứu Thế sẽ là người hùng mạnh, đánh đông dẹp bắc, chinh phục vua Chúa, thâu tóm quyền hành, và rồi đăng quang thống trị thế giới.
Đức Giêsu hiểu rõ quan niệm trần gian của các tông đồ về Đấng Cứu Thế, nên ngay sau lời tuyên xưng đức tin của Phêrô, Ngài cấm các ông nói cho người khác những gì họ mới biết. Ngài muốn giúp các ông thay đổi quan niệm về Đức Kitô. Đức Kitô đúng nghĩa sẽ là đấng phải đau khổ, bị từ khước, chịu giết chết trước khi đi đến toàn thắng. Sức mạnh của Đức Kitô không ở trong binh khí hay chiến mã như bao vua chúa trần gian, song là nơi thập giá khổ đau. Chiến lược của Đức Kitô là đi xuống chỗ tận cùng trong lũng sâu nước mắt của nhân loại để nâng tất cả lên trong vinh quang của Thiên Chúa.
Nhưng nào các tông đồ có hiểu được điều đó! Và đâu phải chỉ có các ông. Chính tôi lắm khi cũng không hiểu nỗi đấy chứ. Tôi cứ nghĩ Chúa là Đấng quyền năng đầy sức mạnh, phải cứu con người khỏi bao gian nan, khốn khổ, trái ý trên đường đời; phải ra tay làm nhiều phép lạ cho người ta tin; chứ đàng này Chúa lại im như bất lực, thậm chí còn để cho dân Chúa, Giáo hội Ngài chịu biết bao thách đố đau thương.
Cũng như Phêrô, tôi muốn chỉ cho Chúa phương cách cứu thế, chứ làm theo kiểu của Chúa thì e rằng chẳng còn ai tin và Ngài sẽ thất bại ê chề.
Cũng như Phêrô, tôi muốn chận Chúa lại, không cho Ngài tiếp tục cuộc hành trình kỳ quặc về Giêrusalem. Tôi muốn “dạy” cho Ngài lối đường nên đi. Tôi muốn Ngài rút bớt điều kiện cho mọi người cảm thấy nhẹ nhàng; cung cấp bánh ăn, của cải vật chất dư đầy cho người ta theo đông; làm nhiều phép lạ, ảo thuật giựt gân cho dân chúng thích thú.
Nhưng Chúa Giêsu quát lên: ‘Hỡi Satan, hãy lui ra đàng sau Ta”.
Có hai lần trong đời mình, Chúa Giêsu đã dùng đến chữ “Satan”. Một lần với tên Cám dỗ và lần này với Phêrô. Satan đối nghịch với Thiên Chúa. Satan làm đảo lộn trật tự thế giới. Satan phá hoại chương trình của Thượng Đế nơi con người. Thế nên lời quở mắng “Satan” là lời khiển trách nặng nề nhất.
Nhưng để ý sẽ thấy: trong lần quở mắng tên Cám dỗ, Chúa Giêsu bảo nó “hãy cút đi”, Ngài không còn muốn thấy mặt nó nữa; nhưng khi khiển trách Phêrô, Chúa Giêsu lại nói “hãy lui ra sau Ta”. Như thế Ngài vẫn cho người môn đệ cơ hội hoán đổi hướng nhìn và cách đi. Thay vì đi trước và chỉ lối cho Chúa, tôi phải hướng theo và tiếp bước sau Ngài.
Satan không thể bước theo Chúa vì bản chất kiêu ngạo của nó. Nhưng riêng tôi, dù bao vấp phạm lầm lỡ, dù lắm khi sống theo ý mình, hay từng chạy theo tiếng gọi của quỉ ma, tôi vẫn được ban cho cơ hội làm lại hành trình của người môn đệ Đức Kitô, dẫu biết rằng không môn đệ chân chính nào của Ngài lại không phải mang thập giá: “Ai muốn đi sau Ta thì hãy chối bỏ mình, hãy vác lấy khổ giá mình và theo Ta” (Mt 16:24).
Thánh Phêrô, sau lời khiển trách của Thầy, đã về lại với chỗ đứng đúng nhất của mình: ông không đòi Chúa theo ý mình, song là vâng theo ý Chúa; ông không dẫn đường cho Chúa nhưng là bước theo dấu chân Ngài. Cao điểm của sự “đi theo” này là việc Phêrô chịu đóng đinh thập giá vì Đức Kitô vào năm 69 AD.
Như thế, vị Giáo hoàng tiên khởi, với biết bao yếu đuối sa ngã, cuối cùng đã lấy cái chết của mình để xác minh chân lý thập giá. Từ chỗ muốn dạy cho Thầy mình về sự khôn ngoan của thế gian đến việc khám phá và ôm ấp giá trị sâu xa sự điên rồ của Thiên Chúa. Từ chỗ phủ nhận và ngăn chận Thầy mình bước đi trên con đường khổ đau, đến việc chính mình anh dũng tiến vào. Nhưng nhờ đâu mà Phêrô có được thái độ và hành vi hào hùng đó? Phải chăng chính nhờ niềm xác tín vào Đức Giêsu, Đấng ông đã tuyên xưng. Nếu không có xác tín, hẳn ông đã chẳng dám theo.
Niềm tin mãnh liệt vào Đức Giêsu thúc đẩy người ta vâng theo lời Ngài. Khi Chúa bảo “Hãy lui ra sau Ta”, Phêrô vâng lời lui ra chứ không giận dỗi bỏ đi. Khi bị mắng là “Satan”, Phêrô vẫn khiêm tốn nhìn nhận tầm nhìn nông cạn của mình chứ không tự ái phản đối.
Thử hỏi tôi có được niềm xác tín làm phát sinh thái độ khiêm tốn và nghe lời Chúa như thế không, hay tôi vẫn khăng khăng chối từ lối đường thập giá?
Một nhà tư tưởng quả quyết: “Luật của thập giá là luật phổ quát. Làm người, không ai thoát khỏi thập giá”. Như thế chối từ thập giá là chối từ làm người đúng nghĩa.
Nhưng phải vác thập giá theo Đức Giêsu-tức là sống theo những giá trị Tin Mừng như vị tha, thanh khiết, chân thật, từ tâm, phục vụ, quên mình…-tôi mới là con người trọn vẹn, một con người phản chiếu dung mạo Thiên Chúa.

Lm. Phêrô Bùi Quang Tuấn

CẦN MỘT CHÚT KHIÊM TỐN

Đâu là những giá trị căn bản của kiếp người, đâu là giá trị căn bản của cuộc sống này, của thế hệ tôi và cho thế hệ mai sau. Có lẽ cần bắt đầu từ việc làm rất nhỏ. Cần một chút khiêm tốn! 

Nếu nhìn cuộc sống dưới lăng kính các vấn đề, thì lúc nào cũng đầy vấn đề lớn nhỏ. Có người không thích gọi là vấn đề mà coi là vấn nạn. Tuy nhiên, ở đây không bàn về câu chữ cho bằng câu chuyện cuộc đời. Chẳng khi nào cuộc đời hết những vấn đề. Hết vấn đề này lại nảy sinh vấn đề khác. Có những vấn đề đơn giản. Có những vấn đề trầm trọng. Có lần Thầy Giêsu mời gọi mọi người sống tin tưởng phó thác nơi Thiên Chúa quan phòng, vì lý do là ngày nào có cái khổ của ngày ấy. Nhiều người cũng thích trích dẫn câu nói này. Tuy thế, Chúa thì nói một làm hai, còn người ta, hoặc là chính bản thân tôi, nói thì cứ nói, còn làm thì hãy đợi đấy, chưa biết!
Ở nhiều nước nghèo, ở nhiều nước đang phát triển, người ta đề xuất các phương án để giải quyết vấn đề nghèo đói. Có phương án là kế hoạch hóa gia đình. Có lúc các biện pháp kế hoạch hóa được thực hiện cách thô bạo với những hình phạt liên quan đến tiền bạc công việc, với những viên thuốc phá thai, ngay cả chính việc phá thai hoặc nhiều điều khác nữa. Có lẽ người ta thích chọn giải pháp dễ dãi nhất để giải quyết những vấn đề nan giải và khó khăn nhất. Đương nhiên, khi làm một điều gì, một chính sách gì, người ta cũng có muôn vàn lý do hợp lý để làm. Tuy nhiên, những nguyên tắc cho những lý do ấy là gì, những giá trị mà lý do ấy nhắm tới là gì. Phải chăng con người chỉ còn giản lược vào những con số thống kê, với những nhu cầu ăn uống, với những lợi lộc được đo lường thuần túy kinh tế kinh doanh, và phải chăng con người đang khai thác nhau.

Ở những nước phát triển, ở những nước giàu, người ta không còn mấy chú trọng vào các nhu cầu căn bản nữa. Đơn giản vì họ dư thừa những điều ấy. Họ quan tâm nhiều hơn về việc phát triển các tài năng. Họ quan tâm hơn đến các sở thích, các thị hiếu. Và khi ấy, khi dành nhiều thời gian công sức hơn cho công việc, cho công danh sự nghiệp, thì vị thế của gia đình tự nhiên sút giảm, có khi sút giảm trầm trọng. Vai trò làm cha làm mẹ trong gia đình trở nên lạc lõng trong những hệ thống công sở, trong những tập đoàn. Việc cha mẹ ăn uống chơi chung và trò chuyện với con cái, tự nhiên cũng phải khuôn theo những hệ thống tài chính kinh tế, theo kiểu hẹn lịch gặp rồi này nọ. Người trẻ khó khăn tiến tới đời sống vợ chồng. Vợ chồng khó lòng chung thủy, vì đời sống cá nhân bị lập trình khuôn theo công việc của công ty… Có biết bao nhiêu lý do, nếu bạn quan tâm, mời bạn tự tìm hiểu. Kết quả là, nhiều nước bị già hóa dân số. Có những nơi thực tế thật thảm thương. Cứ 5 cặp chung sống thì chỉ có 1 cặp kết hôn. Cứ mỗi phụ nữ kết hôn thì trung bình chỉ có dưới 1 đứa con. Trong những cặp kết hôn thì hơn một nửa là ly dị.
Như thế, ở nơi nghèo khó, nếu người ta có thể hình dung ra một gia đình nghèo khổ đông con nheo nhóc, thiếu ăn thiếu mặc và học hành không đến nơi đến chốn; thì ở nơi giàu có, người ta cũng có thể hình dung ra một gia đình với nhà cửa sang trọng, với đầy đủ tiện nghi nhưng chỉ lạnh lẽo một con người, vì người đó đã ly dị và cũng không có con.

Nếu con người không đặt cuộc sống của con người trên những giá trị làm người, thì có lẽ cuộc sống sẽ không còn là cuộc sống của con người nữa. Cái nghèo có rất nhiều vấn đề của cái nghèo, và cái giàu cũng có rất nhiều vấn đề của cái giàu. Khi người ta giản lược con người theo kiểu giàu nghèo, kiểu giai cấp, thì cuộc sống cũng tự động bị phân rẽ phân tán như thế. Và khi làm như thế, người ta giải quyết được một vấn đề, nhưng lại làm phát sinh thêm nhiều vấn đề phức tạp hơn.

Thử nêu lên vài vấn đề nổi cộm mà ai cũng thấy. Xin không đi vào phân tích, vì đây là những vấn đề rất nghiêm túc và phức tạp. Thử nghĩ về cuộc chiến tại Syria, cuộc chiến tại Trung Đông. Thử nghĩ về châu Âu với vấn đề khủng hoảng dân số, khủng hoảng người di dân từ các nước châu Phi qua, khủng hoảng di dân từ các nước khối Ảrập tràn qua. Thử nghĩ về Mỹ với làn sóng chống đối hoặc ủng hộ người nhập cư. Thử nghĩ về Nhật Bản với nạn tự tử cá nhân cũng như tự tử tập thể. Thử nghĩ về Philippin với những biến động mà tổng thống Duterte gây ra. Thử nghĩ về Trung Quốc với câu chuyện biển Đông, với tình trạng hàng nhái hàng giả, với tình trạng ô nhiễm môi sinh. Thử nghĩ về Việt Nam với nạn ô nhiễm biển, với nạn cạn kiệt các nguồn tài nguyên, với con số người chết hằng ngày do tai nạn giao thông, với cuộc khủng hoảng lòng tin của người dân nơi thực phẩm ăn uống, với điều được nói nhiều mà khó hình dung là về tham nhũng. Và còn biết bao nhiêu điều khác nữa. Đó là chưa nói đến những chuyện nghiêm trọng khác.
Đó là câu chuyện hôm nay. Thật là nhức cái đầu và khổ cái tâm khi suy nghĩ và nặng lòng về những điều ấy. Con người là con người toàn diện với huyền nhiệm về con người. Là người trẻ, tôi thử ngồi lại, ngẫm suy xem đâu là những giá trị căn bản của kiếp người, đâu là giá trị căn bản của cuộc sống này, của thế hệ tôi và cho thế hệ mai sau. Có lẽ cần bắt đầu từ việc làm rất nhỏ. Cần một chút khiêm tốn! Có lẽ thế. Vâng, Chúa ơi, bản thân con lo còn chưa nổi, vậy mà con đang sống trong một thời đại, mà mỗi con người trực tiếp có liên quan đến gia đình đến dân tộc đến quốc gia và quốc tế. Xin cho con không trở thành một kẻ thụ động của thời cuộc. Xin cho con biết làm cách nào để sống xứng đáng là một con người, ngay giữa bao thách đố nơi xã hội cũng như trong tâm hồn mình.

Tứ Quyết SJ

CHÚA NHẬT XX THƯỜNG NIÊN - A


Có một bài hát nói về tâm trạng xem ra mâu thuẫn của một người ngoại đạo như sau: "Lạy Chúa, con là người ngoại đạo, nhưng con tin có Chúa ở trên cao". Lời hát thật đơn sơ nhưng nói lên niềm tin chân thật của một người ngoại đạo. Anh công nhận mình ngoại đạo. Nhưng anh cũng không chối cãi niềm tin vẫn có trong lòng mình. Anh công nhận mình vẫn ở ngoài đạo nhưng anh lại gắn bó mật thiết với Chúa. Bằng chứng là anh đã cầu nguyện với Chúa. Anh nói với Chúa về sự thật của anh, một người ngoại đạo. Anh nói với Chúa về niềm xác tín của anh, anh tin có Chúa ở trên cao. Anh giải bày với Chúa những khúc mắc trong cuộc đời anh. Anh đang trình bày với Chúa về nhu cầu của mình. Anh cần Chúa cho anh niềm tin để anh không còn nghi ngại một điều gì nữa! Anh đang cần có một đức tin đủ để tin vào sự hiện diện của Chúa.
Lời Chúa hôm nay cũng tường thuật về cách thức biểu lộ niềm tin chân thành của một người đàn bà ngoại đạo miền Canaan. Bà là người ngoại đạo nhưng bà lại kêu cầu Chúa là Con Vua Đavit, nghĩa là bà đã tin Chúa Giêsu là Đấng phải đến trong thế gian. Nhưng đối với Chúa niềm tin chân thành thôi chưa đủ để nhận ơn lành từ Chúa, mà còn phải kiên nhẫn, phải khiêm tốn, và nhất là phải có một niềm tin tưởng tuyệt đối vào Đấng mà mình kêu xin.
Người đàn bà này đã trải qua những giai đoạn đó:
Trước tiên bà kiên nhẫn kêu xin. Xin lần thứ nhất chưa được, bà liền xin lần thứ hai và mãi cho tới lần thứ ba bà mới được toại nguyện.
Niềm tin của bà thật cảm động, vì bà quá khiêm tốn trước mặt Chúa. Bà chỉ ao ước nhặt từng mảnh vụn ơn thánh rơi rớt của những người con Chúa. Bà biết mình không xứng đáng được ơn. Bà không dám nghĩ mình được tắm trong biển cả yêu thương của Chúa, nhưng chỉ cần một giọt thánh ân trong biển lòng thương xót của Chúa có thể cứu sống con của bà.
Niềm tin của bà còn đạt tới niềm tin tưởng tuyệt đối, không có gì lay chuyển nổi! Cho dù trước thái độ xua đuổi khéo léo của các môn đệ và sự lạnh lùng của Chúa Giêsu. Bà không bỏ cuộc. Bà vẫn một lòng cậy trông vào Chúa đến mức độ mà Chúa phải ca tụng bà: "đức tin của bà thật lớn lao. Bà muốn sao được vậy". Và phép lạ đã diễn ra bởi lòng tin của một người mẹ hết mình vì con.
Vâng, lòng tin thường là điều kiện cần thiết để Chúa thi thố tình thương của Ngài dành cho chúng ta. Lòng tin càng lớn thì ân ban càng nhiều. Lòng tin càng được tôi luyện trong gian nan thử thách thì càng thấy rõ hơn tình thương của Chúa khi được Ngài giải thoát khỏi mọi hiểm nguy. Lòng tin cần phải kiên nhẫn mới có thể thấy sự bất lực của con người trước sự dữ và quyền năng cao vời của Thiên Chúa luôn sẵn lòng bảo vệ con người khỏi mọi sự dữ.
Lòng tin này đã được thánh nữ Monica thực hiện suốt 18 năm ròng rã. Thánh nữ Monica luôn cầu xin Chúa cho đứa con hoang đàng của mình là Augustino. Hằng ngày bà khóc lóc, ăn chay và hãm mình. Người đời nhìn bà là một người phụ nữ bất hạnh vì chồng khô khan, và con truỵ lạc. Đã có lần đức tin của bà cũng bị lung lay. Bà muốn bỏ cuộc, nhưng thánh Ambrosio đã nói với thánh nữ: "Bà hãy yên trí, đứa con của biết bao giọt nước mắt sẽ không thể nào hư mất". Thực vậy, nhờ niềm tin của người mẹ mà Thiên Chúa đã thay đổi phận số của người con. Thánh Augustino đã từ bỏ con đường tội lỗi để sống đời thánh thiện. Thánh nhân đã bỏ con đường con công danh để tận hiến cho Thiên Chúa. Thánh nhân đã không tìm kiếm thú vui thể xác nhưng tìm kiếm hạnh phúc Nước trời.
Cuộc đời hôm nay vẫn còn đó những con người đã cạn kiệt nước mắt. Có biết bao bà mẹ đã khổ vì con cái hư hỏng. Có biết bao gia đình quá cơ cực vì một thành viên bước vào con đường truỵ lạc. Có biết bao cơn bệnh hiểm nghèo đang cướp dần sinh mạng của những người chúng ta thương. Nước mắt vẫn chảy cho những phận đời cơ cực, bị bỏ rơi, bị bội phản. Nước mắt vẫn tuôn chảy cho những trái ngang của cuộc đời, những bất hạnh, rủi ro trong cuộc sống. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta: hãy tin tưởng và cầu xin giữa những thử thách gian nan cuộc đời. Thiên Chúa vẫn hiện diện. Thiên Chúa vẫn đang chờ một lời kinh, một lời cầu của chúng ta. Thiên Chúa cần lòng tin nơi chúng ta. Ngài có thể làm mọi sự. Nhưng Ngài lại bất lực trước sự cứng lòng tin của chúng ta. Phép lạ Chúa làm không nhằm mục đích phô diễn quyền năng của Thiên Chúa. Ngài càng không làm phép lạ vì sự hiếu kỳ của con người. Ngài chỉ có thể làm phép lạ vì đức tin chân thành, kiên nhẫn và tin tưởng của chúng ta.
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta luôn tin tưởng kêu cầu Chúa khi gặp những gian nan. Xin cho mỗi người chúng ta đừng đánh mất niềm tin khi gặp những thử thách trăm bề, nhưng luôn kiên nhẫn trong lời cầu xin. Vì sau đêm dài là ánh bình minh. Amen.
Lm Giuse Tạ Duy Tuyền

HÃY THAY ĐỔI BẢN THÂN

Chuyện kể rằng: ngày xưa có một vị vua cai trị một vương quốc rộng lớn. Ngày nọ, ông muốn đi thăm dân chúng để trực tiếp chứng kiến đời sống của họ. Sau một ngày trời đi thăm làng quê, đôi chân của ông sưng tấy và đau đớn. Nhà vua ra lệnh: từ nay về sau, nếu ông ra khỏi cung điện thì phải lót vải nhung trên những con đường ông sẽ đi. Quần thần sợ hãi không dám phản ứng, dẫu biết đó là việc vô cùng khó khăn. Trong lúc đó, một vị quan can đảm thưa với vua: “Tâu bệ hạ, lấy vải lót đường là một việc làm tốn kém và khó khăn. Chi bằng bệ hạ hãy lấy mảnh vải nhung quấn quanh bàn chân của mình, và như vậy, chân bệ hạ sẽ không còn đau mỗi khi ra ngoài”. Nghe có lý, vua đã cho người làm theo gợi ý của vị quan này. Quả vậy, đôi chân của vua không còn đau đớn vì được bọc lớp vải nhung êm ái. Nhờ vậy nhà vua có thể đi bất cứ nơi đâu. Đó là lịch sử ra đời của đôi giày đầu tiên.
Bài học rút ra từ câu chuyện trên đây là: đừng chỉ đòi hỏi người khác thay đổi mà trước hết hãy thay đổi chính mình. Nếu ta thay đổi bản thân, thì thế giới xung quanh sẽ tốt đẹp hơn, cuộc sống sẽ nhân ái hiền hoà và an vui hơn.
Giữa một xã hội đầy nhiễu nhương, người ta có xu hướng phê phán than phiền và tiêu cực. Tuy vậy, nếu chỉ than phiền, thì chẳng giải quyết được việc gì, nhiều khi càng làm cho tình hình thêm tệ hơn. Như vị vua lấy vải nhung bọc đôi chân của mình để ông có thể đi đến mọi nơi, mỗi chúng ta cần phải thay đổi bản thân, từ bỏ lối sống ích kỷ để hoà hợp với mọi người và môi trường xung quanh. Làm như vậy, chúng ta sẽ đóng góp phần mình làm cho xã hội trở nên tốt hơn. Giáo lý Phật giáo dạy: Tâm bình, thế giới bình. Thay đổi bản thân là một điều kiện cần thiết. Một khi tâm hồn chúng ta bình an thanh thản, chúng ta sẽ làm cho cuộc sống này trở nên hài hoà tốt đẹp hơn.
Một cách cụ thế, làm gì để thay đổi bản thân?
“Hãy sám hối”, đó là lời giảng dạy đầu tiên của Chúa Giêsu, khi Người thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng. Sám hối là điều kiện căn bản để đón nhận giáo huấn Nước Trời. Tâm lý tự nhiên không ai muốn nhận phần lỗi về mình. Hãy lấy ví dụ một em bé lỡ tay đánh vỡ chiếc bát, lập tức em từ chối không nhận trách nhiệm và tìm cách đổ lỗi cho người khác. Sám hối là can đảm nhận ra những sai sót của bản thân, đồng thời tìm cách sửa chữa khuyết điểm để nên hoàn thiện. Sám hối theo nghĩa của Tin Mừng không dừng lại ở hiện tượng cắn rứt lương tâm hoặc xấu hổ vì những hành vi xấu, nhưng còn dẫn đến việc giao hoà với Chúa và với anh chị em mình. Người tín hữu Công giáo tin vào hiệu quả của bí tích Giao hoà (còn gọi là bí tích Giải tội). Bởi qua bí tích này, Thiên Chúa nhân hậu tha thứ mọi tội lỗi cho những ai thành tâm sám hối. Cùng với ơn tha tội, Chúa còn ban cho chúng ta sức mạnh để tránh những cơ hội có thể dẫn chúng ta tới phạm tội. Sám hối của người tín hữu không chỉ hướng tới việc xin Thiên Chúa tha thứ mọi lỗi lầm, nhưng còn hướng tới việc kết nối tình liên đới cảm thông với anh chị em, để sống một cuộc sống mới thân thiện và nhân ái hơn. Vì thế, thành tâm sám hối sẽ góp phần làm cho cuộc sống xung quanh tốt đẹp hơn, cùng với anh chị em tạo tác một môi trường lành mạnh an vui.
Chú tâm làm việc thiện. Thánh Phaolô đã mời gọi các tín hữu: “Đừng có ai lấy ác báo ác, nhưng hãy luôn luôn cố gắng làm điều thiện cho nhau cũng như cho mọi người” (1Tx 5,14). Làm việc thiện, tức là làm những việc tốt cho công ích và những người xung quanh. Trên đài truyền hình, có chương trình phản ánh những việc làm tử tế. Đó là những người dân biết ý thức bảo vệ công ích. Đó cũng là những việc đơn giản giúp đỡ cho những người cơ nhỡ bần hàn. Nhiều người nghĩ rằng phải dư dả của cải hoặc phải ở chức nọ bậc kia thì mới làm được việc thiện. Thực ra, trong mọi hoàn cảnh, mỗi người đều có thể làm việc thiện. Một tác giả đã viết: “Không ai nghèo đến nỗi không có gì để chia sẻ với người khác và cũng không ai giàu đến độ không thể nhận thêm được cái gì của người khác!”. Làm việc thiện cũng không phải để biểu diễn hay để quay phim chụp ảnh. Việc thiện đích thực xuất phát từ tấm lòng và ước muốn sẻ chia. Trên trang Twitter hôm thứ Ba, ngày 1-8-2017, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã viết: “Những việc thiện chỉ có hiệu quả khi chúng ta thực hiện một cách vô vị lợi, không nhằm mục đích tìm phần thưởng”.
Sống vì người khác. Con người sống trên đời không phải là những ốc đảo, nhưng liên đới với nhau và bổ túc cho nhau. Sự khác biệt về sở thích, nghề nghiệp, cá tính, làm cho xã hội này phong phú và bớt đơn điệu. Những người chỉ sống vì mình mà lãng quên người khác, giống như những ao tù, thiếu sức sống và năng động. Sống vì người khác là quan tâm đến những người xung quanh, tìm hiểu sở thích của họ, sẵn sàng nhường nhịn để họ vui lòng. Sống vì người khác cũng là sự thận trọng, tế nhị để những việc làm và lời nói của mình không ảnh hưởng đến những người xung quanh. Có người ví cuộc đời như cánh rừng, các loài cây nhờ sống gần nhau và vươn thẳng và vững chãi. “Mình vì mọi người và mọi người vì mình”, sống theo phương châm này sẽ làm cho cuộc sống thi vị và nhân ái hơn. Sống vì người khác còn là quan tâm đến môi trường thiên nhiên, ý thức giữ vệ sinh và góp phần xây dựng cuộc sống xanh sạch đẹp. Nhiều người còn thiếu ý thức về lãnh vực này, xả rác bừa bãi, vô tư gây ồn ào nơi công cộng, lãng phí của công.
Có cái nhìn nhân ái rộng lượng hơn. Con người sống trên đời chẳng có ai hoàn thiện. Ai cũng có điểm mạnh và điểm yếu. Ai cũng có tài năng và khuyết điểm Trong mối tương quan gia đình, huynh đệ, đồng nghiệp và lối xóm, cần có sự cảm thông và nâng đỡ lẫn nhau. Hãy nhận định về một sự việc hoặc một con người với cái nhìn bao dung, bởi lẽ chính chúng ta cũng đã có những lầm lỗi. Trên mạng xã hội Facebook, trước một sự kiện xảy ra, nhiều người chỉ hiểu biết một khía cạnh của vấn đề, nhưng đã viết những dòng bình luận với nội dung mạt sát, thiếu bao dung và hàm chứa ác ý. Trong kinh Lạy Cha, chúng ta đọc: “Xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha cho kẻ có nợ chúng con”.Bao dung với người khác là điều kiện để được đón nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa. Trước mặt Ngài, chúng ta đều là tội nhân. Phụng vụ thánh lễ luôn khởi đầu bằng nghi thức sám hối, để giúp ta thú nhận những lỗi lầm của mình trước mặt Chúa và trước mặt anh chị em, đồng thời xin Chúa ban ơn tha thứ.
Như dòng sông lặng lẽ trôi về đại dương, cuộc đời của chúng ta cũng đang tuôn chảy về nguồn là Thiên Chúa. Dòng sông đang tự làm mới mình bởi dòng chảy cuộn sóng. Hành trình về nguồn của con người cũng là hành trình thanh tẩy và thánh hóa từng ngày. Mỗi ngày sống trên đời chỉ có ý nghĩa nếu chúng ta cố gắng thay đổi bản thân để nên tốt hơn, từ đó, chúng ta sẽ làm đẹp cho đời.
Tháng 8-2017
 Gm Giuse Vũ Văn Thiên


CHÚA NHẬT XIX THƯỜNG NIÊN - A

Đang chèo thuyền giữa khơi trong bóng đêm dày đặc, các môn đệ bỗng phát hiện một bóng ma chập chờn trên sóng nước. Mọi người hốt hoảng la lên. Nào ngờ đó lại là Chúa Giêsu. Ngài trấn an họ: "Chính Thầy đây! Đừng sợ!". Biết vậy, Phêrô hăm hở đòi đi trên nước như Thầy: "Thưa Ngài, nếu quả là Ngài thì xin truyền cho con đi trên mặt nước và đến cùng Ngài".
Được Chúa chấp thuận, Phêrô bước ra khỏi thuyền, bước chân chao đảo trên sóng nước như người say. Thế rồi một cơn gió mạnh thổi đến, nước xô ập vào người làm Phêrô chới với. Ông hoảng hốt la lên: "Lạy Thầy, xin mau cứu con!".
Lập tức, Chúa Giêsu nắm lấy tay Phêrô, kéo ông lên rồi đưa ông vào thuyền bình an vô sự.
Sống trên đời nầy, chúng ta cũng như Phêrô đi trên mặt biển. Mọi sự chung quanh đều chao đảo, bấp bênh, hỗn độn. Mới đây còn đang vui đùa, nhảy múa reo cười đùng một cái, bỗng hoá ra người thiên cổ! Mạng người quá đỗi mong manh. Kiếp người như ngọn đèn lung linh trước gió, như một giấc chiêm bao!
Cuộc đời đầy dẫy tai ương
Những thiên tai xảy ra dồn dập khắp nơi trên thế giới: bão tố, lũ lụt, động đất, sóng thần, lốc xoáy... đã gây ra tổn thất khủng khiếp về nhân mạng cũng như về tài sản.
Bên cạnh đó, những tai hoạ do con người gây ra cũng khủng khiếp và tàn bạo không kém: chiến tranh, bạo lực, khủng bố, đàn áp, bóc lột, bệnh tật, đói nghèo...
Trước những tai ương hoạn nạn đó, con người biết tìm đâu nơi nương tựa vững bền? Biết bám víu vào ai để bảo toàn mạng sống? Biết dựa vào sức mạnh nào để đương đầu?
Chẳng có chi vững bền
Trên cõi đời nầy, tìm đâu ra một điểm tựa vững bền?
Tựa vào tiền của ư? Tiền của không mua được sức khoẻ và sự sống. Những tỷ phú giàu nhất thế giới cũng không thoát khỏi bệnh tật và chết chóc.
Tựa vào địa vị, chức quyền ư? Những tổng thống, vua chúa quyền lực nhất thế gian cũng chỉ được ngồi trên ngai trong thời hạn ngắn rồi bị truất phế và tất cả không trừ ai đã vùi thây dưới mộ.
Chẳng có gì kiên cố
Toà tháp đôi ở Newyork cao đến 110 tầng (417- 425 mét) đứng uy nghi sừng sững giữa trời, vượt hẳn lên các công trình kiến trúc hoành tráng chung quanh, ngạo nghễ thách thức với cả những cơn địa chấn mạnh nhất, nằm ở trung tâm một đất nước phồn vinh và hùng mạnh nhất thế giới, nhưng có ai ngờ: nó đã bị tấn công, bị bốc cháy ngùn ngụt và sụp đổ tan tành trước sự kinh hoàng của hàng tỉ người trên thế giới, chôn vùi ngót năm ngàn nạn nhân dưới khối bê tông khổng lồ của nó trong một biến cố gây chấn động thế giới vào ngày 11 tháng 9 năm 2001.
Mọi thứ đều bấp bênh
Hành trình của con người trên dương gian không khác chi hành trình của Phêrô trên mặt nước; nhìn trước, nhìn sau, nhìn lui, nhìn tới, mọi thứ đều chao đảo, tất cả đều bấp bênh, chẳng có gì vững bền.
"Ôi nhân sinh là thế: như bóng đèn, như mây nổi, như gió thổi, như chiêm bao" (Khuyết danh)
Biết nương tựa vào đâu
Con người không thể dựa vào người khác vì tất cả những người khác cũng đang ở trong tư thế bấp bênh, chao đảo như mình. Một chiếc tàu sắp đắm không thể cứu vớt chiếc tàu khác cũng đang chìm đắm như mình.
Cần phải có một "quyền lực" nào đó ở bên trên, ở một bờ bến vững vàng, mới có thể cứu vớt những ai đang chìm đắm trong biển đời chao đảo.
Hãy nắm lấy bàn tay Chúa Giêsu
Duy chỉ có bàn tay Chúa Giêsu mới có đủ quyền năng cứu vớt mọi người trên dương thế và bàn tay ấy luôn đưa tay ra để nâng đỡ, dìu dắt, cứu vớt bao người.
Bàn tay Chúa Giêsu đã đẩy lùi bệnh tật ra khỏi kiếp người: chạm đến những người phong hủi khiến những người nầy được sạch (Mt 8,3); đặt lên "những người đau yếu mắc đủ thứ bệnh hoạn và họ được chữa lành" (Lc 4, 40)
Bàn tay Chúa Giêsu trả lại ánh sáng cho người mù tối: chạm đến mắt người mù khiến y được sáng. (Mt 9,29. 20, 34)
Bàn tay Chúa Giêsu đã lôi kéo con người ra khỏi cõi chết: nắm lấy bàn tay bé gái đã chết và trả lại sự sống cho em. (Mt 9,24)
Và cũng chính bàn tay ấy đã đưa ra nắm lấy tay Phêrô đang chới với giữa sóng gió hãi hùng, kéo ông khỏi bị chìm đắm và đưa ông vào trong thuyền bình an vô sự. (Mt 14, 31).
Lạy Chúa Giêsu,
Chỉ có Chúa và duy chỉ có một mình Chúa mới là điểm tựa duy nhất cho nhân loại đang chơi vơi, chao đảo giữa biển đời tăm tối hãi hùng.
Bàn tay Chúa vẫn đưa ra và sẵn sàng nắm lấy bàn tay yếu đuối của con người đắm chìm giữa biển đời tối đen đầy sóng gió, nhưng tiếc thay, người đời không chịu để cho Chúa nắm lấy tay mình.
Chúa yêu mến con người và sẵn sàng cứu vớt họ, nhưng đồng thời Chúa cũng luôn tôn trọng tự do của họ.
Xin soi sáng cho nhân loại hôm nay khám phá ra bàn tay đầy quyền năng của Thiên Chúa Tình Yêu đang luôn vươn ra để che chở và cứu vớt mọi người.
Xin cho chúng con được trở thành bàn tay nối dài của Chúa, sẵn sàng đưa ra nắm lấy những bàn tay khác đang gặp sóng gió gian nan.
Lm. Ignatiô Trần Ngà