BỔN MẠNG THÁNG 5


THÁNG 5


NGÀY
LỄ
QUAN THẦY

10.05
Lễ thánh Solange
* Chị Hồng Hạnh
22.05
Lễ thánh Rita Cascia

* Chị Bích Dung 
25.05
Lễ thánh Sophie
*Chị Bích Phượng (Nhà Tập)
26.05
Lễ Thánh Philipphe de Neri
*Chị Hiên 




LỄ GIỖ CHA MẸ CHỊ EM

TƯỞNG NHỚ VÀ CẦU NGUYỆN


NGÀY
LỄ GIỖ
20.05
Ông cố Phêrô- Thân phụ Chị Nhi
21.05
(26.04 L)
Ống cố Giuse – Thân phụ Chị Hồng Thịnh
22 .05
Ông cố Giuse- Thân phụ Chị Tươi.
25.05
Ông Giacobê- Thân phụ Chị Matta Hà
31.05
Ông cố Phanxicô Savie- Thân phụ Chị Hải

 



BỪNG CHÁY LÊN

Có người muốn đi tu vì muốn đi tìm một vị thế một chỗ đứng trong xã hội. Có người coi đi tu giống như kiểu quan chức ngoài xã hội: một người làm quan cả họ được nhờ. 
Đã khi nào bạn trải nghiệm tình trạng suy sụp tinh thần của bản thân, hoặc của một ai đó? Đã khi nào bạn trải nghiệm sự sụp đổ thần tượng? Đã khi nào bạn cảm thấy hình như mọi sự đều vô nghĩa và trống rỗng? Có khi nào bạn thấy bầu trời lớn hay nhỏ không quan trọng, cao hay thấp cũng không quan trọng, bạn sống hay chết cũng không quan trọng, chẳng có gì quan trọng và cũng chẳng biết là có gì là không quan trọng. Những trải nghiệm ấy vô cùng bức bối và bế tắc.
Câu chuyện đức tin
Thời là học sinh trung học, từng say mê toán học và các môn khoa học tự nhiên, vì tính mới mẻ sáng tạo, đầy khám phá và tự do của nó. Đương nhiên, tôi cũng chẳng giỏi gì, chỉ là học được được chút thôi. Có những lúc, tôi chìm sâu vào việc cố gắng hiểu và giải các bài toán. Điều ấy cũng đem lại nhiều thích thú. Các môn khác cũng đầy hấp dẫn với trí khôn. Thế nhưng, một ngày kia, tôi không thể tự mình đọc thuộc lòng kinh Lạy Cha nữa, tôi tự nhận thấy, tâm trí mình có chút trục trặc. Đó là lúc tôi bắt đầu dùng trí khôn non nớt của mình để khám phá khoa học thường thức, lẫn đời sống tâm linh.
Đó là loạt câu hỏi về một Thiên Chúa, câu hỏi về sự tồn tại của nhiều tôn giáo, câu hỏi về có nhiều lý thuyết khoa học khác nhau, có lúc đồng ý với nhau, khi lại mâu thuẫn nhau. Câu hỏi về cái một và cái nhiều, câu hỏi về cái giống và cái khác, câu hỏi về cái thiện và cái ác… Cứ thế, tôi không thoát ra được những câu hỏi nối tiếp nhau… Nó giống như cái vòng lặp vô tận. Điều ấy khiến tôi mệt mỏi và trở nên như kẻ vô tri, tức là chỉ biết rằng mình chẳng biết gì.
Cuộc sống vẫn cứ thế trôi. Những cơn gió mát lành vẫn hiu hiu thổi. Có cám dỗ làm tôi muốn bỏ cuộc buông xuôi. Có cám dỗ thúc giục tôi chối từ đức tin. Có cám dỗ mạnh đến nỗi tôi không còn đủ tự tin để đọc kinh Tin Kính khi tham dự thánh lễ. Có cám dỗ mạnh đến nỗi tôi thấy khoa học giúp được nhiều, nhưng kỳ thực thì cũng chẳng hiểu được bao nhiêu. Có lẽ cái tham vọng được đẩy mạnh thái quá, làm tôi lún sâu vào cám dỗ nơi cái ảo tưởng ấy.
Sự khó chịu và khủng hoảng như thế dai dẳng hơn tháng trời. Một khoảng thời gian dài đằng đẵng và nặng nề. Nhưng cũng trong lúc ấy, tôi nhận thấy một số điều vô cùng căn bản. Thứ nhất, Thiên Chúa thì luôn tốt lành và luôn nói thật, các thần thánh khác thì còn tùy. Thứ hai, khoa học thì tốt nhưng là khám phá từng bước một và chấp nhận có nhiều sai lầm trên hành trình tìm kiếm. Thứ ba, cuộc sống quan trọng là sống tốt với người khác cho dù chịu nhiều thiệt thòi, và phải thừa nhận là bản thân mình cũng nhiều khi không tốt với người xung quanh.
Thế là mỗi thánh lễ, tôi chẳng xin ơn gì ngoài một ơn. Đó là xin Chúa giải thoát tôi khỏi tình trạng khủng hoảng khó chịu này. Ngày đêm trí khôn và tâm hồn cứ dày vò với những câu hỏi và những rắc rối không thể ngưng và không thể thoát ra. Lúc ấy, tôi vừa không tin Chúa, tôi lại vừa xin ơn Ngài. Lúc ấy, tôi vừa nhận thấy bản thân mình hèn kém, lại vừa muốn tự sức mình làm mọi sự. Đến một thánh lễ chiều, chiều hôm ấy, không biết bằng cách nào, Chúa đã giải thoát tôi. Tôi cảm thấy nhẹ nhàng, bình an thư thái. Đời tươi vui trở lại. Tạ ơn Chúa. Quả thực Ngài vẫn có đó, cho dù con chưa thấy, cho dù con chưa tin.
Câu chuyện ơn gọi đi tu
Có người muốn đi tu vì muốn đi tìm một vị thế một chỗ đứng trong xã hội. Có người coi đi tu giống như kiểu quan chức ngoài xã hội: một người làm quan cả họ được nhờ. Ngay thời xưa, bà mẹ của hai tông đồ đã đến xin cho hai ông được ngồi bên tả và bên hữu Chúa trong vinh quang. Đáp lại, Chúa nói: họ không biết là họ đang xin gì. Có người coi đi tu như là một lối sống tốt sống vui. Thế nhưng, nếu chỉ như thế, thì hàng loạt người đã bỏ Chúa sau khi Chúa nói về bánh hằng sống. Có người coi đi tu như là một cách kiếm tiền kiếm giàu sang kiếm xe hơi kiếm nhà lầu… Nếu làm như thế, có lẽ giống như ông Giuđa Itcariot thường lấy cắp tiền chung để tiêu sài riêng. Những trường hợp trên, có thể nói rằng, chẳng có gì là ơn gọi đời tu. Và mỗi trường hợp ấy sẽ là mỗi cuộc khủng hoảng và sụp đổ, chẳng sớm thì muộn.
Có người nhiệt tâm tốt lành và thẳng thắn đến như Phêrô, mà khi Chúa nói về con đường thập giá, ông ra sức can ngăn, vì ông chỉ suy nghĩ theo đường lối loài người. Trong cuộc Khổ Nạn, ông chối Thầy ba lần, không phải vì ông muốn như thế, nhưng vì ông quá yếu đuối và sợ hãi, vì ông đang dựa vào sức lực của riêng mình. Thế nhưng, tình yêu mến của Chúa là nền tảng vực ông dậy. Lòng tin tưởng của ông nơi Chúa giúp ông vượt thắng gian nan, giúp ông sám hối và làm lại.
Những điều tốt xấu đủ loại ấy, chẳng xa lạ gì đối với một người muốn tìm hiểu ơn gọi đời tu, ơn gọi làm người môn đệ đi theo sát bước chân Thầy Chí Thánh. Theo năm tháng, tôi ngày càng trải nghiệm cụ thể và rõ ràng hơn từng cuộc sụp đổ trong tâm hồn mình, để cái thế gian và cái tôi có thể nhỏ lại, để Chúa có hy vọng lớn lên. Điều ấy cũng thích hợp cho cuộc sống của mỗi người Kitô hữu nữa. Vì Kitô hữu chính là có Chúa Kitô, là tin Chúa Kitô, là theo Chúa Kitô.
Trải nghiệm của chính bạn
Câu chuyện hai môn đệ trên đường Emmau như là một cách đúc kết kinh nghiệm của cả đời người môn đệ. Khởi đầu từ những hy vọng, những ảo vọng, những tham vọng, cho đến chỗ thất vọng và suy sụp, và rồi các ông được Chúa đồng hành hướng dẫn. Các ông có thể cảm thấy lòng mình bừng cháy. Các ông vực dậy cuộc đời. Các ông cùng sống lại với Chúa. Sức mạnh của Chúa phục sinh là thế! Hôm nay mời bạn đọc đoạn Kinh Thánh này và đối chiếu với chính kinh nghiệm cuộc đời bạn.

Tứ Quyết SJ


NGƯỜI ÍCH KỶ

Trong cuộc sống xã hội giữa người và người, đã có biết bao tấm gương hy sinh, quảng đại cho người khác. Họ quên đi bản thân mình mà sống cho người khác. Họ bao dung với những người nghèo trong khi họ cũng không khá gì. Hay nói đúng hơn, họ sống với phương châm lá lành đùm lá rách, và càng cao quí hơn, lá rách đùm lá nát. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn tồn tại những con người chỉ biết sống cho riêng mình. Họ chỉ biết thu quén cho mình và lấy mình làm trung tâm, đồng thời, giải thích mọi sự miễn sao ích lợi cho bản thân mình. Đó là những con người ích kỷ.
Tinh thần ích kỷ xuất phát từ con người đề cao giá trị của tự do, từ đó, phát sinh khuynh hướng chủ nghĩa cá nhân. Mẫu người này thường là những người yêu mình quá đáng, nếu không muốn nói là lệch lạc. Có thể nói, họ tìm mọi cách để đáp ứng nhu cầu bản thân mà không cần biết điều đó sẽ vương hại gì đến mình và người khác. Họ chỉ biết nhận lãnh mà không biết cho đi, từ đó, vô tình đã tạo nơi mình một không gian biển chết. Họ thích tự sướng và hưởng thụ một mình.
Chúng ta đã từng kinh nghiệm rằng một tình yêu chiếm hữu sẽ không thể tồn tại lâu bền, thế mà chúng ta vẫn ích kỷ trong tình yêu, vô tình chúng ta đã thao túng người khác, biến mình thành kẻ nộ lệ cho tình yêu và tự đào mồ chôn cất trái tim mình. Tình yêu tự nó không biên giới, thế mà, bạn lại nhốt nó trong một đối tượng yêu đương nào đó, quả là một bất hạnh lớn !
Hay lối sống ích kỷ còn biểu hiện qua việc yêu người khác vì mình. Thật vậy, có những người yêu người khác chỉ nhằm để thỏa mãn một con tim đói khát cách nào đó, đến mức cưỡng ép và gây tổn thương cho người mình yêu. Chung cục, họ lại làm tổn thương chính cái tôi bé bỏng của mình.
Cũng có một hình thức khác giúp chúng ta nhận ra mẫu người này khi họ thường tự ái vặt vãnh. Họ dễ dàng nổi máu anh hùng khi có ai dám xúc phạm đến họ dù đó chỉ là cách họ hiểu sai vấn đề. Thật ra, đó chỉ là cách tự vệ của một tâm hồn nhạy cảm dễ bị tổn thương. Một khi đặt mình ở vị trí trung tâm mà không được người khác thừa nhận, chính họ sẽ có cách tự an ủi mình: “chẳng ai hiểu được tôi”, và cuối cùng, đổ lỗi cho người khác. Vì những tự ái cỏn con, họ ví thể đứa bé giận lẫy khi bị dứt đột ngột khỏi dòng sữa mẹ. Chính sự ấu trĩ này khiến họ khó hoàn thành đại sự.
Ngoài ra, chúng ta cũng nhận ra mẫu người này trong công việc hằng ngày. Họ thường chọn việc nhẹ nhàng để yên thân và tránh đụng chạm với người khác. Hoặc thoái thác trách nhiệm khi có sự cố xảy ra. Đối với họ, chu toàn trách nhiệm theo đức công bằng đã là khó, huống nữa là sống bác ái với tha nhân.
Từ những biểu hiện đã được trình bày trên đây, giúp chúng ta có một nhãn quan đúng đắn về mẫu người này, nhờ đó, chọn cho mình một hướng sống tích cực hơn.
Tiền nhân đã nói: thương người như thể thương thân. Hay trong nhà đạo vẫn có câu truyền khẩu rằng thương người như mình ta vậy. Qua đó cho thấy, con người chỉ có thể yêu thương người khác khi họ đã biết mình phải yêu thương bản thân thế nào. Tuy nhiên, cũng có người thương mình một cách quá đáng đến nỗi trở thành một người ích kỷ.
Chúng ta sống và có trách nhiệm với cuộc đời này, thế nhưng, chúng ta cũng cần khám phá ra những nhu cầu bản thân: nhu cầu về thể lý, tình cảm và sự an toàn, nhu cầu yêu và được yêu, nhu cầu được tôn trọng và biết tôn trọng, cũng như nhu cầu thể hiện và hoàn thiện bản thân mình. Đó là những nhu cầu chính đáng đã được nhà tâm lý học Maslow đề nghị cho mọi người. Có thể nói, khi đáp ứng đúng đắn những đòi hỏi này trong cuộc sống, chúng ta là những người yêu mình đúng nghĩa. Thế nhưng, một điều khá quan trọng mà chúng ta đôi khi quên sót: cần đặt những nhu cầu này trong chiều kích tương quan. Nếu không, chúng ta sẽ trở nên những người ích kỷ.
Những gì chúng ta vừa trình bày đang dừng lại ở việc người ích kỷ yêu mình không đúng cách đến mức vương hại bản thân. Và một hệ lụy kéo theo mà chúng ta không thể không bàn đến: vương hại đến tha nhân và tập thể.
Khi xét đến tương quan giữa người với người, chúng ta cần lưu ý đến chiều kích cho và nhận. Có thể nói, nơi người ích kỷ chỉ biết nhận lãnh mà chẳng biết cho đi. Đức Bênêdictô XVI không ngần ngại gọi họ là những người nghèo nhất. Quả thật, họ không bao giờ cảm thấy đủ dù đã có rất nhiều, họ có thể giàu có đấy nhưng trái tim họ nghèo nàn, không biết sẻ chia, họ là người nghèo và bất hạnh nhất.
Mặt khác, dưới mắt người ích kỷ, tha nhân có đó chỉ cản bước tiến của họ. Họ cảm thấy người khác như những kẻ chực chờ chộp lấy mọi thứ từ tay họ. Tha nhân như lang sói vồ vập cuộc đời họ. Hay hiện hữu của tha nhân là cơ hội và phương tiện giúp họ mua vui. Hoặc nữa, tha nhân là một thứ hỏa ngục nào đó vì đã lên án và hạ nhục họ. Thật ra, những tư tưởng đó là cặn bã của một tâm hồn bị tổn thương về lòng tự trọng. Một khi quan niệm như thế, họ đã tự đặt mình trên người khác và tách mình ra khỏi cộng đồng. Vô hình trung, họ trở thành người thừa trong xã hội.
Chúng ta không thể liệt kê cách cụ thể hết những gì người ích kỷ làm vương hại đến cộng đoàn. Ở đây, chúng ta ghi nhận một thực trạng: người ích kỷ là một bệnh nhân bị tổn thương, vì thế, cách nào đó, họ làm trì trệ bước tiến của cộng đoàn. Trong khi mọi người phải gánh phần trách nhiệm của họ, đồng thời, phải nâng đỡ họ và chuyên chở những gì họ ky cóp trong thời gian qua. Tắt một lời, họ trở thành gánh nặng cho cộng đoàn.
Tưởng cũng cần nhắc đến một yếu điểm khác của mẫu người này, có thể nói họ là những người đánh mất tâm tình tạ ơn: ghi ơn người khác và tạ ơn Thiên Chúa. Hiện hữu của họ và những gì họ có, là cả một hồng ân. Thế mà, họ khư khư giữ lại cho chính mình. Họ quên rằng cách đáp trả những ân phúc mình đã lãnh nhận là cần cho đi. Họ cũng quên một nguyên tắc quan trọng trong cuộc sống: cần cho đi để đôi bàn tay trắng tiếp tục nhận lãnh những gì cuộc sống mang lại. Có thế, cuộc đời là một cuộc tương tác cho đi và lãnh nhận. Nhờ đó, chúng ta có thể làm giàu cho nhau và làm giàu trước mắt Thiên Chúa.
Trước khi chờ người ích kỷ nhận ra thực trạng của mình, cộng đoàn cần giữ thái độ tôn trọng họ như họ là. Đó là cách chữa lành tổn thương về lòng tự trọng từ bên ngoài. Rồi tìm mọi cách đề cao vai trò của họ trong cộng đoàn như thể họ là người có giá trị. Chính khi đặt họ trong một tác vụ quan trọng, họ dễ dàng thể hiện mình là người hữu ích, nhờ đó, trách nhiệm họ dễ dàng chu toàn với sự hợp tác của nhiều người. Đồng thời, chúng ta cần khêu gợi lòng quảng đại của họ; chính khi đặt họ ở vị trí trên cao mà việc lành được thi thố. Điều này, lúc đầu vẫn mang đậm tình yêu vị kỷ nhưng dần dà, họ tìm được những người bạn chân thành giúp họ cởi mở, và một khi thế giới không còn xoay quanh “tiểu vũ trụ” ấy nữa, họ sẽ dễ dàng đón nhận tha nhân như tha nhân đã từng tôn trọng và yêu thương họ. Và nói như Đức Phanxicô trong sứ điệp Mùa Chay năm 2017: tha nhân là một quà tặng.
Người ích kỷ thích tự sướng và hưởng thụ một mình như một trẻ nhỏ thích ngắm nghía chú chim quý của mình, cậu giấu nó trong lớp áo của mình, bỗng một ngày nó mổ hết ruột gan trong người cậu. Đó là cái giá trả cho kẻ ích kỷ chỉ biết tìm lợi ích và khoái lạc cho riêng mình. Quả thật, yêu mình không đúng cách sẽ hủy hoại chính mình. Vì thế, cần phải yêu thương bản thân cách đúng đắn và lành mạnh. Đó là cả một nghệ thuật để thoát khỏi cái tôi chật hẹp của chính mình.

EYMARD An Mai Đỗ O.Cist


CHÚA NHẬT III PHỤC SINH - A

Đường Emmaus thật lạ kỳ. Cùng một con đường, cùng một buổi chiều mà hai môn đệ đi lại hai lần, mỗi lần lại mỗi dáng vẻ hoàn toàn khác nhau. Khi đi thì đường xa vời vợi, mãi không thấy đến. Lúc về thì sao chóng vánh, chưa đi đã đến. Khi đi thì ảo não u sầu. Lúc về lại phấn khởi hân hoan. Khi đi trời còn sáng mà tưởng như đi trong đêm đen. Lúc về trời đã tối mịt mà tưởng đi giữa ban ngày. Khi đi tuyệt vọng chán chường. Lúc về tràn đầy hi vọng. Chắc hẳn ai cũng hiểu, lúc về có kết quả tốt đẹp như thế là vì hai môn đệ đã gặp được Chúa Kitô Phục Sinh. Chính Chúa Kitô Phục Sinh làm nên khác biệt. Gặp Chúa Kitô Phục Sinh là bí quyết giúp thay đổi cuộc đời, giúp cuộc đời có ý nghĩa, có niềm vui, có hi vọng và có lẽ sống.

Nhưng làm thế nào để gặp được Chúa Kitô Phục Sinh? Thực ra sau khi phục sinh, Chúa không còn bị giới hạn trong không gian. Chúa ở khắp mọi nơi. Chúa ở ngay bên ta. Nhưng ta không thấy được Ngài và có khi thấy nhưng không nhận ra Ngài. Muốn gặp Ngài và nhận ra Ngài, ta hãy học hỏi bí quyết của hai môn đệ Emmaus: bí quyết đó là xây dựng những cộng đoàn chia sẻ.

Trước hết là chia sẻ Lời Chúa. Hai môn đệ không đi một mình nhưng lúc nào cũng bên nhau. Hai môn đệ không nói chuyện vu vơ, nhưng cùng nhau nhớ đến Chúa, nói chuyện về Chúa, chia sẻ tâm tư về Chúa. Các ngài đã thực hành Lời Chúa: “Ở đâu có hai ba người tụ họp nhân danh Thày thì Thày ở giữa họ”. Chúa đã thực hiện lời hứa nên đã đến đồng hành với các môn đệ. Hơn nữa, Chúa còn chia sẻ Lời Chúa giúp các ngài hiểu biết và yêu mến Lời Chúa.
Tiếp đến là chia sẻ bác ái. Chúa giả vờ muốn đi xa hơn. Nhưng các môn đệ van nài: “Xin ở lại với chúng tôi vì trời đã chiều và ngày sắp tàn”. Thật cảm động khi lỡ đường mà được mời chia sẻ một mái nhà, dù chỉ là quán trọ. Và chia sẻ một bữa ăn dù đơn sơ đạm bạc. Nếu các môn đệ không có lòng bác ái chia sẻ như thế, có lẽ Chúa đã bỏ đi. Cảm động trước tấm lòng chia sẻ chân thành nên Chúa đã ở lại. Các môn đệ đã thực hành Lời Chúa: “Mỗi lần các con làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25, 40). Nhờ chia sẻ bác ái, các ngài đã được gặp Chúa. Và chính Chúa đã ở lại để chia sẻ tâm tình với các ngài.
Sau cùng là chia sẻ Thánh Thể. Ngồi vào bàn, Chúa Giêsu “cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ”. Đúng như cử chỉ Chúa làm khi lập phép bí tích Thánh Thể. Mắt các môn đệ mở ra và nhận ra Chúa. Phép Thánh Thể cho các ngài bảo chứng về sự hiện diện của Chúa. Phép Thánh Thể ban cho các ngài niềm vui được gặp gỡ Chúa. Phép Thánh Thể ban cho các ngài sức sống mới để tiếp tục xây dựng các cộng đoàn chia sẻ rộng lớn hơn. Từ đó nhân lên các cộng đoàn chia sẻ Lời Chúa, chia sẻ bác ái và chia sẻ Thánh Thể đi khắp thế giới.
Tôi rất vui mừng vì giáo xứ nhà thờ chính tòa chúng ta đang phấn đấu xây dựng thành một cộng đoàn theo gương các môn đệ. Cha Xứ và Anh chị em đang tích cực khuyến khích nhau học hỏi, chia sẻ và thực hành Lời Chúa, khuyến khích tổ chức các nhóm họat động từ thiện bác ái, và khuyến khích mọi người đến tham dự thánh lễ ngày càng đông đảo. Đó là dấu hiệu Chúa đang ở giữa chúng ta. Có Chúa hiện diện tôi tin chắc cộng đoàn giáo xứ chúng ta sẽ được ơn biến đổi, sẽ tràn đầy niềm vui, niềm bình an, sẽ ngày càng thêm đoàn kết yêu thương và sẽ hăng hái đi loan Tin Mừng. Xin Chúa cho con đường cộng đoàn chúng ta đang đi trở nên con đường Emmaus, khi đi dù có khó khăn vất vả, nhưng với sự phấn đấu ta sẽ gặp Chúa và đường về sẽ tràn ngập niềm vui.
Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh xin cho chúng con được sống lại thật về phần linh hồn. Amen.

ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

KHI XÃ HỘI ĐỒNG LÒNG NÓI DỐI

“Nói dối chưa bao giờ dễ đến như thế ở Việt Nam. Vì người ta đồng lòng nói dối, rủ nhau nói dối. Một cá nhân nói dối thì lương tâm còn nhúc nhích nhưng cả tập thể nói dối thì lại là sự đoàn kết nhất trí cao”.

“Một nửa cái bánh mì vẫn là bánh mì. Nhưng một nửa sự thật là sự dối trá”
 
Đến nay thì cô bé ấy đã là một sĩ quan cảnh sát của CHLB Đức, được đào tạo chính quy tại chính mảnh đất này, nơi em đã sinh ra và lớn lên.
Mình không bao giờ quên những ngày này cách đây hơn chục năm, khi N. được mẹ cho quay trở về Hà Nội, bắt đầu đi học từ năm lớp năm để chuẩn bị cho công cuộc hồi hương.
Phải kể sơ qua về hoàn cảnh gia đình khá đặc biệt của N. mới hiểu tại sao, mặc dù được sinh ra ở Đức, có quốc tịch Đức, em lại về Việt Nam.
Mẹ em sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân đã gia nhập đoàn quân 40 ngàn người sang xuất khẩu lao động tại CHDC Đức thời thập niên 80, rồi trong một lần về phép, chị cưới người yêu cũ, một sĩ quan ngành an ninh. Cuộc tình của họ sẽ không có gì đáng nói nếu không có vụ Bức Tường Sụp Đổ.
Một đằng là tư bản vốn đang giãy chết trói quá chặt, một đằng là ngành an ninh không cho phép nhân viên của mình xuất cảnh, dù chỉ là đi du hí đôi ngày, đôi Ngưu Lang Chức Nữ thời @ cứ sống cảnh chồng Đông vợ Tây như thế suốt ba thập kỷ. Ba đứa con lần lượt ra đời sau những lần về phép. N. cũng như các em đều đi học trường Đức. Học lịch sử German, văn hóa Goethe, xài luật Đức. Nhưng rồi cũng đến lúc cha mẹ các em tính đến chuyện phải quay trở về, vì bố mẹ không thể xa nhau suốt cả cuộc đời.
Rất nhiều thống kê cho thấy, trẻ em Việt Nam học tại quê nhà có điểm số vượt trội hơn hẳn trẻ em sống ở nước ngoài. Điều đó tất nhiên chúng ta có quyền tự hào, theo một khía cạnh nào đó. Nhưng sự rắc rối nhất không nằm ở đây. N. là một cô bé rất thông minh. Em nói và viết tiếng Việt như người Việt vì từ lúc sinh ra hè nào mấy mẹ con cũng về Việt Nam với bố. Vấn đề rắc rối nằm ở chỗ, em luôn nói những gì mình nghĩ, phản ứng tất cả những gì trái với chính kiến của em.
Giáo dục Đức hoàn toàn khác với giáo dục Việt Nam. Ở Đức, trẻ em có quyền nói tất cả những gì mà chúng nghĩ và không ai quy tội như thế là “vô lễ”, “mất dạy”. Chúng chỉ được dạy dỗ để làm một người lịch sự, có giáo dục, nhưng không ai bắt chúng phải lễ độ theo kiểu nói những gì thầy cô muốn được nghe. Con bé xinh xắn, rạng rỡ, hiếu động và tự tin bao nhiêu thì ở môi trường Việt Nam, lại càng là cái gai trong mắt giáo viên bấy nhiêu. Mẹ N. tâm sự, vấn đề lớn nhất không phải là con bé không hòa hợp được, mà là, con chị... không biết nói dối như các bạn.
Không đi học thêm, N. bị cô giáo cố tình chấm điểm sai, em lên gặp Ban Giám hiệu, bị “đì” là hớt lẻo. Bạn cóp bài, em phản ứng, bị tố là phản bội. Em phản ứng và thắc mắc những gì trái với những điều em được học ở Đức một cách rất hồn nhiên ngây thơ, cô giáo cho em là “mất dạy”, vì trò không được phép hỏi vặn cô như thế. Em bị cô lập ở chính nơi người ta dạy dỗ em bằng tiếng mẹ đẻ. Cứ thế, sau hai tháng, N. bỏ học, tuyệt thực và bố mẹ phải cho em quay trở lại Đức.
Mình nhớ hồi học lớp Hai, một lần “cấp trên” xuống kiểm tra, thế là cả trường nhốn nháo tổng vệ sinh rất rôm rả. Chúng mình tham gia tích cực lắm. Đang hoan hỉ sung sướng thì cô giáo dặn: “Không em nào được nói hớ một câu gì nhé. Chỉ cần lỡ mồm “trường mình hôm nay sạch thế” là chết rồi! Nếu có ai hỏi, các em phải nói là trường mình ngày nào cũng quét dọn y như hôm nay!”.
Hồi đó, mình may mắn được học một thế hệ các thày cô rất ôn hòa, mực thước, tuy đời sống hết sức đạm bạc nhưng đều cố gắng tôn trọng, giữ gìn phẩm cách của nhà giáo. Suốt cả quãng thời gian cắp sách, trong mình chỉ là những hồi ức êm đềm, tràn ngập lòng biết ơn kính trọng đối với các thầy cô. Nhưng “bài học nói dối đầu tiên” ấy, mình vẫn ghi nhớ đến tận bây giờ. Nó là vết gạch đầu tiên lên tờ giấy trắng ngây thơ của tâm hồn con trẻ. Tuy không có gì to tát nhưng cũng là một hạt sương buồn giữa vùng trời ấm áp mang tên nghề giáo.
Bài học nói dối ấy chỉ là một hạt cát trên sa mạc nếu đem so với vụ nói dối tập thể của giáo viên và học sinh trường Tiểu học Nam Trung Yên. Khoan nói đến động cơ bị thúc ép, bị vận động, sợ bị đuổi học, bị nghỉ dạy... v.v, nói dối là nói dối. Chỉ từ chiếc taxi đâm gẫy chân em học sinh lớp hai tại sân trường, đến những tờ khảo sát trơ trẽn và láo xược, cho chúng ta thấy, Ban Giám hiệu trường Nam Trung Yên đang thách thức pháp luật, thách thức lương tâm của không chỉ gia đình nạn nhân, mà còn của toàn thể học sinh và phụ huynh trường Nam Trung Yên cũng như tất cả chúng ta.
Sự phẫn nộ của công luận và tiếng nói của lương tâm, dù là yếu ớt, đã khiến nhiều cô giáo bắt đầu rời khỏi trò chơi “nói dối tập thể” mà họ đã hoặc đang tham dự. Lương tâm, cần bắt đầu bằng sự chiến thắng nỗi sợ hãi.
Sự việc đến đây như thế nào, hồi kết chắc không có gì bất ngờ nữa. Trừ khi có cái ô thật to, phong bì thật dầy, vụ việc mới có thể chìm xuống như vụ bảy năm trước, “hiệu trưởng ăn cắp Tạ Thị Bích Ngọc” vẫn ung dung tại vị và chỉ sau khi bị cáo buộc có bằng chứng tái phạm mới được nhẹ nhàng thuyên chuyển đi nơi khác, tiếp tục rao giảng đạo đức cho cả một thế hệ.
Thầy cô dối trá và ăn cắp, sẽ sản sinh ra những lớp học trò như thế nào? Họ hành nghề được và tiếp tục dạy dỗ con em chúng ta, chính là vì sự im lặng và thỏa hiệp trong đó có phần đóng góp không nhỏ của mỗi phụ huynh.
Được đào tạo chính quy tại Đức, N. sẽ trở thành một sĩ quan cảnh sát, một nghề được tuyển chọn cực kỳ khắt khe chỉ dành cho những thanh niên ưu tú về phẩm cách, khỏe mạnh về thể chất và vượt qua được những cuộc trắc nghiệm tâm lý cũng như kiến thức. Nhưng, một trong những tiêu chuẩn hàng đầu của ngành cảnh sát Đức đó là lý lịch phải tuyệt đối trong sạch: không trộm cắp và không dối trá!
Nếu hồi đó, cô bé xinh đẹp này hội nhập được vào môi trường của xã hội Việt, tức là biết im lặng để yên thân, biết chấp nhận nói dối tập thể để khỏi bị cô lập, thì nước Đức đã không có một gương mặt nữ cảnh sát hiếm hoi gốc Việt.
Nói dối chưa bao giờ dễ đến như thế ở Việt Nam. Vì người ta đồng lòng nói dối, rủ nhau nói dối. Một cá nhân nói dối thì lương tâm còn nhúc nhích nhưng cả tập thể nói dối thì lại là sự đoàn kết nhất trí cao. Mọi giá trị bị đảo lộn, mọi khái niệm đều bị đánh tráo. Chúng ta không còn niềm tin vào bất cứ điều gì, bất cứ ai, kể cả chính bản thân mình. Trong một xã hội dối trá, người nói thật sẽ bị coi là kẻ phản bội.
Trẻ em Việt Nam cần được quyền nói lên điều mà chúng nghĩ. Các em có quyền làm văn hồn nhiên coi mèo là bạn mà không sợ bị cô giáo cho điểm kém. Chúng cần được dạy cách miêu tả sự việc như mắt chúng trông thấy từ chính những nhà giáo biết nhận biết và đánh vần hai chữ “sự thật”, thay vì bắt buộc phải uốn lưỡi không nhìn thấy cái xe taxi to hơn con trâu cán gãy xương bạn ngay trên sân trường như thế nào.
Nếu hôm nay đi học, chúng mới chỉ bị dụ dỗ điểm chỉ vào tờ khai dạy nói dối tập thể thì lớn lên, chúng tất sẽ sáng chế ra những siêu phẩm mang tên dối trá. Không chỉ nói dối để yên thân, bao che cho lợi ích nhóm, chúng còn nói dối để ru ngủ cả một đám đông giống như những con đà điểu ngờ nghệch tự rúc đầu vào cát để lừa dối chính mình và bầy đàn.
Con cháu chúng ta còn phải nghe những phiên bản dối trá cũ mèm như biển bị đầu độc sau mấy tháng đã tự làm sạch, không có cái gọi là đàn áp nhân quyền và đất nước ta nhìn chung, đã bao giờ được như thế này chưa, điều đó hoàn toàn phụ thuộc ở thái độ của chính chúng ta, hôm nay.
Nói thật rất dễ vì bạn không bao giờ lo sợ bị phát giác.

Kiều Thị An Giangtừ Berlin (CHLB Đức)

LÒNG TIN GIỮA CON NGƯỜI HÔM NAY

Cuộc sống vốn phức tạp, có muôn màu, muôn vẻ và trong cái thế giới này có biết bao nhiêu hạng người, tốt cũng có, xấu cũng có, ông bụt cũng có mà ác quỷ cũng có. Giữa muôn hình vạn trạng như thế thì chúng ta nên trao niềm tin cho ai bây giờ đây ?. Bây giờ con người ta thường vô tình với những gì xảy ra xung quanh, có nhiều cạm bẫy, lừa lọc hơn. Chính lối sống như thế nên càng ngày chúng ta cũng trở nên thờ ơ với mọi người. Con người chúng ta có thành công và hạnh phúc hơn khi phải sống trong bầu không khí nghi ngờ, dè chừng nhau? Hay chúng ta sẽ thành công và hạnh phúc hơn khi có một niềm tin làm điểm tựa trong cuộc sống? Liệu có nên đặt lòng giữa con người với con người hay không?
Lòng tin nó không giống như hạnh phúc, nó có thể tự sinh ra và tự mất đi.Nhưng niềm tin không dễ để có được nó. Đôi khi chúng ta mất cả đời mà vẫn chưa có được cái được gọi là “Lòng tin”.
Sự chân thành sẽ được đáp lại bằng sự chân thành, tình thương cho đi sẽ được đáp lại tình thương”. Câu này với cuộc sống bây giờ nghe có vẻ như là cách cư xử dại dột trong cuộc sống, vì giờ đây chúng ta phải chứng kiến quá nhiều trường hợp mà sự chân thành được đáp lại bằng sự lợi dụng, tình thương cho đi thì bị đáp lại bằng sự lọc lừa. Hình như bây giờ chúng ta phải sống trong tâm trạng: Phải nghi ngờ, dè chừng người khác, nếu không mình có thể bị lừa.
Thử hỏi trong thế giới bây giờ hai chữ “ lòng tin” còn mấy khi được nhắc tới giữa con người với nhau nữa không?.Hay thay vào đó là ba chữ “ mất lòng tin”.Người ta vẫn chế giễu nhau: “Sống bằng nước lã à, sống bằng lòng tin à?” Hình như bây giờ lòng tham và sự lọc lừa đang lên ngôi và thống trị trên mỗi người chúng ta..
Cuộc sống của mỗi chúng ta luôn cần đến lòng tin và lòng tốt. Một trong những điều nguy hiểm nhất ở con người là đánh mất niềm tin, lòng tin nơi con người và cuộc sống, mất lòng tin nơi những giá trị đạo đức tốt đẹp của cuộc sống. Khi mất lòng tin vào cuộc sống, chúng ta sẽ bị giảm sút ít nhiều nghị lực vươn lên trong cuộc sống, đánh mất ý nghĩa cuộc sống của chính bản thân mình.
Việc mất lòng tin nơi con người và cuộc sống có thể bắt nguồn từ rất nhiều lý do. Trước hết, như đã nói, có thể là do bản thân mình đã phải chứng kiến hoặc gánh chịu quá nhiều đau khổ do những việc làm xấu ác của người khác mang lại. Nhưng quan trọng hơn, thiếu lòng tin vào cuộc sống cũng có thể do bản thân mình thiếu sự tu dưỡng và rèn luyện đạo đức.
Có bao nhiêu bạn đo xem lòng tin của mình về một cái gì đó, về một ai đó cao bao nhiêu,nặng bao nhiêu và dài bao nhiêu chưa. “Dò sông dò biển dễ dò, nào ai lấy thước mà đo lòng người”. Và lòng tin củng vậy chúng ta khổng thể nào đưa ra để cân đo đong đếm được.Vậy thì làm sao để biết lòng tin của con người nặng bao nhiêu.
Có thể có người sẽ nói rằng chúng ta có thể làm được chuyện này, lòng tin của chúng ta là tuyệt đối. Có nghĩa là nó có một giá trị cực đại vậy cũng không thể biết là nó bao nhiêu cả.
Có người sẽ nói rằng chúng ta chẳng có lòng tin hay chúng ta vẫn còn ngờ vực về điều này, điều kia, về con người này hay con người nọ. Khi đó lòng tin chẳng là gì cả.
Vậy làm sao để có được lòng tin và làm sao để biết được lòng tin đó như thế nào. Có lẽ mỗi người trong chúng sẽ có những lý lẽ riêng cho mình. Không ai có thể định nghĩa được tình yêu hay hạnh phúc là gì bởi vì nó là một khái niệm không thể định nghĩa người ta chỉ có thể nêu ra những biểu hiện, những tính chất được trưng của nó mà thôi, vậy liệu lòng tin có phải giống như vậy hay không ?.
Ngay cả tôi khi viết những dòng này tôi cũng không biết được tôi có bao nhiêu lòng tin rằng sẽ có bao nhiêu người đọc và đồng cảm với những điều này.
Nhưng chắc chắn là tôi có lòng tin với nó. Bởi vì không có gì khủng khiếp hơn là khi chúng ta mất đi lòng tin và niềm tin. Một sự sụp đổ hoàn toàn và vô vàn câu hỏi tại sao ? tại sao ? và tại sao ? nó cứ lẫn quẩn đâu đó quanh trong chúng ta và nó ám ảnh chúng ta suốt quảng đời còn lại, nhưng đôi khi cũng không phải mất lòng tin là một điều gì đó khủng khiếp đến mức không thể chấp nhận. Cái gì cũng có nguyên nhân của nó tôi tin là như vậy. Vậy thì sao, vậy thì chúng ta phải chấp nhận nó hay là xa thải ra khỏi cuộc đời còn lại của mình. Khi bạn mất lòng tin vào một ai đó chắc hẳn bạn sẽ phải thất vọng rất rất nhiều.
Nói tóm lại.Lòng tin nó xuất hiện bất cứ nơi đâu, bất kỳ khi nào và bất kì ai.
Và dù muốn gì đi nữa cũng phải có lòng tin
Nhưng đừng nghĩ rằng nó là thứ vĩnh cửu, bất biến. Chúng ta phải làm rất nhiều nếu muốn được như vậy.
Mỹ Nhung

(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net

CHÚA NHẬT II PHỤC SINH - A

Trong suốt tuần Bát Nhật, từ đêm vọng Phục sinh tới hôm nay, Chúa nhật 2 Phục sinh, các bài đọc đã trình bày cho ta nhiều lần Đức Kitô phục sinh hiện ra. Từ những lần thấy Đức Kitô phục sinh hiện ra ấy, các môn đệ đã có những cảm nghiệm sau đây:
1. Cảm nghiệm đầu tiên là, Đức Kitô đồng hành với họ trên mọi nẻo đường.
Đức Kitô phục sinh không còn bị giới hạn trong không gian. Người có thể cùng lúc xuất hiện ở nhiều nơi khác nhau. Người xuất hiện trong vườn, gần mồ chôn Người. Người xuất hiện bên bờ hồ, nơi các môn đệ đang chài lưới. Người xuất hiện ở làng Emmau, cách Giêrusalem một quãng đường dài. Người xuất hiện trong phòng đóng kín cửa, nơi các môn đệ tụ họp. Sau này, Người còn xuất hiện ở mãi tận Damas, bên nước Syrira, nơi Phaolô lùng bắt người theo đạo. Không gian xa xôi không làm chậm bước Ngài. Không gian khép kín không ngăn được bước Ngài. Đức Kitô phục sinh ra khỏi mồ có mặt trên mọi nẻo đường của cuộc sống.
Đức Kitô phục sinh cũng không bị giới hạn trong thời gian. Người xuất hiện với Maria khi trời còn đẫm sương khuya. Người xuất hiện bên bờ hồ với các môn đệ khi bình minh vừa ló rạng. Người xuất hiện trong phòng tiệc ly ngay giữa ban ngày. Người xuất hiện ở Emmau khi trời sụp tối. Trong mọi lúc của cuộc đời, Đức Kitô luôn có mặt. Không có thời gian nào Người không ở bên ta.
Đức Kitô phục sinh không còn bị giới hạn, trong một cảnh ngộ cuộc sống nhất định. Trong vườn, Người xuất hiện như người làm vườn.. Bên những người chài lưới, Người xuất hiện như một bạn chài chuyên nghiệp, rành rẽ đường đi của đàn cá. Trên đường Emmau, Người xuất hiện như một khách hành hương, đồng hành với hai linh hồn buồn bã, e ngại đường xa. Người xuất hiện để khích lệ các môn đệ đang lo buồn sợ hãi. Người xuất hiện để soi chiếu niềm nghi ngờ tăm tối của Tôma.
2. Cảm nghiệm thứ hai là, Đức Kitô phục sinh khơi dậy niềm bình an, tin tưởng.
Biết các môn đệ đang buồn sầu, bối rối, bấn loạn sau cái chết của Thầy, Đức Kitô phục sinh mỗi lần hiện ra, đều chúc các ông: "Bình an cho các con". Người còn thổi hơi vào các ông và nói: "Các con hãy nhận lấy Thánh Thần".
Cử chỉ thổi hơi nhắc cho ta nhớ lại việc sáng tạo. Khi ấy vũ trụ còn là một khối hỗn mang, vô định hình. Rồi Thần Linh Chúa bay là là trên mặt nước. Nhờ đó mọi vật dần dần có hình hài vóc dáng, đi vào trật tự, ổn định.
Sau cuộc khổ nạn của Đức Kitô, tâm hồn các môn đệ cũng tan nát như một khối hỗn mang, vô định hình. Đức Kitô thổi hơi ban Thánh Thần trong một tạo dựng mới, đem lại trật tự ổn định, uốn nắn các môn đệ thành những con người mới, tràn đầy bình an của Chúa Thánh Thần. Sau khi gặp Đức Kitô phục sinh, Maria buồn bã trở nên vui tươi, hai môn đệ Emmau u sầu tuyệt vọng trở nên phấn khởi, các môn đệ chài lưới mệt mỏi rã rời được hồi phục sức lực, các môn đệ sợ sệt bối rối ẩn núp trong phòng được bình an, Tôma nghi nan bối rối được vững niềm tin mến. Đức Kitô phục sinh chính là niềm bình an cho các ông.
3. Cảm nghiệm thứ ba, cũng là cảm nghiệm quan trọng nhất, Đức Giêsu phục sinh làm cho cuộc đời có ý nghĩa.
Sau khi Đức Kitô bị hành hình, cả một bầu trời sụp đổ. Các môn đệ tuyệt vọng. Họ sống trong lo sợ, buồn bã, chán chường. Không, họ không còn sống nữa vì cuộc đời đối với họ chẳng còn ý nghĩa gì. Họ như đã chết với Thầy. Chỉ còn nỗi lo sợ, nỗi buồn, niềm tuyệt vọng sống trong họ thôi. Đức Kitô là linh hồn của họ. Linh hồn đã ra đi. Xác sống sao được.
Khi Đức Kitô phục sinh trở lại, những xác chết bỗng hồi sinh, những bộ xương khô bỗng chỗi dậy, mặc lấy da thịt, trở lại kiếp người, những trái tim nguội lạnh trở lại nhịp đập, ánh mắt nụ cười lại rạng rỡ tươi vui, vì cuộc sống từ nay có một linh hồn, cuộc sống từ nay có một ý nghĩa.
4. Cảm nghiệm cuối cùng là, Đức Kitô phục sinh sai họ đi loan báo Tin Mừng Phục sinh.
Đức Giêsu Phục sinh đã biến đổi toàn bộ cuộc đời các môn đệ. Đức Kitô phục sinh là Tin Mừng lớn lao trọng đại đem lại ý nghĩa cho cuộc đời. Nên các môn đệ không thể không loan báo Tin Mừng lớn lao đó. Maria lập tức chạy về loan tin cho các môn đệ, mời Phêrô và Gioan đến xem ngôi mộ trống. Hai môn đệ Emmau lập tức trở về Giêrusalem bât chấp trời đã tối đen. Phêrô chạy bay ra mồ dù còn sáng sớm và còn bị nỗi sợ người Do Thái ám ảnh. Và sau này, Phaolô, sau khi ngã ngựa, đã trở thành một người loan báo Tin Mừng không biết mệt mỏi.
Hôm nay chính Đức Kitô Phục Sinh nói với các ông: "Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con".
Tất cả những người đã thấy Đức Giêsu Phục Sinh đều trở thành những sứ giả loan báo Tin Mừng Phục Sinh. Tất cả các môn đệ đều đã lấy máu mình mà làm chứng cho lời rao giảng. Vì Đức Kitô phục sinh là một Tin Mừng không thể không chia sẻ. Vì lệnh sai đi của Đức Kitô là một lệnh truyền không thể chống cưỡng. Như Thánh Phaolô sau này đã nói: "Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng".
Hôm nay Đức Giêsu Phục Sinh cũng đang hiện diện bên ta. Người luôn ở bên ta trong mọi thời gian. Từ buổi bình minh khi ta mới chào đời cho đến lúc mặt trời chói lọi của tuổi thanh niên. Từ lúc xế chiều của đời xế bóng cho đến lúc bóng đêm tuổi già phủ xuống đời ta.
Người vẫn ở bên ta trong mọi không gian: trong nhà thờ, nơi trường học, ở sở làm, nơi giải trí, trong gia đình, trong chòm xóm.
Người vẫn ở bên ta trong mọi cảnh ngộ vui buồn của cuộc đời. Người ở bên em bé mồ côi đang khóc đòi vú me. Người ở bên em học sinh đang miệt mài đèn sách. Người ở bên cô thiếu nữ đau buồn vì bị tình phụ. Người ở bên chàng thanh niên lạc hướng giữa ngã ba đường. Người ở bên ngững cuộc đời bế tắc không lối thoát.
Chỉ cần quay đầu, dừng bước là gặp được Người. Hãy khao khát đón chờ Người. Hãy tỉnh thức lắng nghe tiếng bước chân Người. Bước chân Người rất nhẹ nhàng, không ồn ào. Đừng bỏ lỡ cơ hội gặp Người.
Gặp được Người, lòng ta sẽ bình an, linh hồn ta sẽ hồi sinh, cuộc đời ta sẽ sống, sống mãnh liệt, sống phong phú, sống dồi dào.
Lạy Đức Kitô Phục Sinh, con đang chìm trong cái chết dần mòn. Xin hãy đến và cho con được Phục Sinh với Người.
ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt


ĐÊM HỒNG PHÚC

Giữa màn đêm dày đặc bao phủ không gian, một ánh sáng bừng lên, chiếu rọi nhân thế. Ánh sáng ấy là Đức Giêsu Kitô, Đấng chiến thắng sự chết, sống lại vinh quang. Ánh sáng Phục sinh đã chấm dứt chuỗi ngày buồn thương ảm đạm, khởi đầu một thời đại mới. Đức Giêsu mở tung nấm mồ, không chỉ cho riêng mình, mà cho cả nhân loại. Cùng với nấm mồ được bật mở, là cánh cửa hy vọng cho tương lai của cả kiếp nhân sinh. Bởi lẽ con người không được tạo dựng để rồi ngủ yên vĩnh viễn dưới nấm mồ, nhưng để được sống mãi mãi bên Chúa, để chia sẻ vinh quang với Ngài. Đó là ý nghĩa của Đêm Canh thức Phục sinh. Phụng vụ Kitô giáo long trọng ca lên: “Ôi đêm Hồng phúc!”.
Sách Targum là một bản dịch Kinh Thánh từ tiếng Hípri sang tiếng Aram. Bản dịch này được thực hiện sau thời lưu đày trở về (hậu bán thế kỷ 6 trước Chúa Giêsu), vì vào thời đó, phần lớn những người sinh ra và lớn lên trong thời lưu đầy không còn nói tiếng Hípri. Các dịch giả của Targum vừa dịch thuật, vừa thêm vào những chú giải phản ánh niềm tin và quan niệm của người đương thời. Khi trình bày lịch sử cứu độ, sách Targum nói đến bốn đêm đáng ghi nhớ trong lịch sử. Đây là bốn mốc thời gian quan trọng, vì chúng đánh dấu sự can thiệp kỳ diệu của Thiên Chúa.
– Đêm thứ nhất: đêm của sự sáng tạo. Hành động sáng tạo của Thiên Chúa được thực hiện bằng Lời. Qua Lời của Thiên Chúa, Ngài đã gọi mọi sự từ hư vô đến hiện hữu, từ đêm đen đến áng sáng. Trước khi thực hiện công cuộc sáng tạo, thế giới là một hỗn mang, lộn xộn, tăm tối. Đêm dài của hỗn mang đã kết thúc, nhường chỗ cho một ngày mới, được ánh sáng của Chúa soi chiếu.
– Đêm thứ hai: Giao ước ký kết với Abraham: Đây là giao ước đầu tiên được ký kết giữa Thiên Chúa với con người, được thực hiện vào lúc màn đêm bao phủ (x. St 15,12-19). Abraham đại diện cho toàn thể nhân loại, cam kết với Chúa về những điều phải tuân giữ. Khi ký kết giao ước với con người, Thiên Chúa hạ mình xuống, trở thành “đối tác” ngang hàng với con người. Cũng như khi sáng tạo, dường như Thiên Chúa rút lui để nhường chỗ cho con người và mọi tạo vật hiện diện, thì khi ký kết giao ước với Abraham, Thiên Chúa trở nên “hữu hạn” ngang hàng với con người và chấp nhận thực thi những điều đã cam kết. Ngài hứa với ông Abraham, sẽ làm cho dòng dõi ông trở nên đông như sao trên trời và như cát bãi biển. Abraham đã thực hiện giao ước đã ký kết, đỉnh cao là việc sẵn sàng sát tế chính Isaac con trai mình.
– Đêm thứ ba: Cuộc xuất hành khỏi Ai Cập. Đây là một biến cố ghi dấu ấn đậm nét trong lịch sử Do Thái. Sự kiện này chứng minh quyền năng của Thiên Chúa. Ngài dẫn dân Ngài ra đi vào giữa đêm khuya, khi người Ai Cập còn ngủ say. Ngài uy quyền và mạnh mẽ hơn hẳn tất cả mọi thần linh của Ai Cập cũng như của các dân ngoại. Thiên Chúa đã giang cánh tay hùng mạnh cứu dân Do Thái khỏi ách nô lệ Ai Cập. Quân lực của Pharaô, uy hùng là thế, mà trở thành những xác không hồn, trôi vật vờ trên biển cả, trong khi người Do Thái được bình an vô sự, hát vang bài ca chiến thắng.
– Đêm thứ bốn: đó là ngày cánh chung hay là ngày tận thế. Thế giới này sẽ có ngày kết thúc. Ách nô lệ sẽ bị bẻ tung, quân tội lỗi sẽ bị diệt trừ. Môisen sẽ đến từ sa mạc và Đấng Mêssia sẽ đến từ trời cao đế hướng dẫn nhân loại. Đó sẽ là đêm Vượt Qua nhân danh Thiên Chúa. Đó cũng là đêm được ấn định cho mọi con cái Israen, trải qua mọi thế hệ. Vào ngày đó, Thiên Chúa sẽ can thiệp và thưởng công cho những ai trung tín với Ngài. Như ông Môisen là thủ lãnh đã đưa dân ra khỏi Ai Cập, vị Vua Thiên sai sẽ đến phá tan đêm đen, dẫn đưa nhân loại về với ánh sáng ngàn đời và về vương quốc vĩnh cửu.
Phụng vụ Kitô giáo, trong đêm canh thức trước lễ Phục Sinh cũng diễn tả giáo huấn “Bốn đêm” của sách Targum, nhưng với một nhãn quan mới. Quy định của nghi thức Đêm Vọng Phục sinh (chữ đỏ) đã nói rõ: đây là Mẹ của các đêm Canh thức, vì thế đề nghị đọc 9 bài đọc. Nếu không tiện đọc hết thì phải đọc các bài Sách Thánh sau: Trình thuật Sáng tạo (St 1,1-2,2); Trình thuật về việc Chúa thử thách Abraham khi đề nghị ông sát tế Isaac (St 22,1-18) ; Trình thuật vượt qua Biển Đỏ (Xh 14, 15-15,1); và Thư thánh Phaolô (Rm 6,3-11). Bài Tin Mừng như đỉnh cao của Đêm Canh thức, loan báo cho cả thế giới biết, Đức Giêsu đã phục sinh. Như thế, Phụng vụ vừa trung thành với truyền thống Cựu ước, vừa diễn tả cái nhìn mới mẻ qua cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu. Theo nhãn quan Kitô giáo, “đêm thứ bốn” mà tác giả sách Targum trình bày chính là đêm Chúa Kitô phá cửa ngục tù của sự chết, sống lại huy hoàng, chiếu ánh sáng cho toàn thể nhân gian. Người đã khởi đầu một cuộc sáng tạo mới, khi bước ra khỏi mộ vinh quang. Bài công bố Tin Mừng Phục sinh (Exultet) đã nêu rõ: “Này là đêm, mà hết những ai có lòng tin Chúa Kitô khắp trên trần gian, được cứu thoát hết các vết nhơ và tối tăm tội khiên, được ơn thiêng đưa về hợp đoàn cùng các thánh nhân..”.. Đức Giêsu như một Môisen mới dẫn đưa nhân loại vượt qua sự chết để đến sự sống, vượt qua tối tăm để đến ánh sáng. Những ai đón nhận dòng nước tái sinh của bí tích Thánh tẩy, cũng giống như người Do Thái can đảm bước xuống biển đỏ theo ông Môisen, để được đến bến bờ tự do của con cái Thiên Chúa. Họ được mặc lấy Chúa Giêsu, đồng hình đồng dạng với Người và cùng với Người thừa hưởng gia nghiệp vĩnh cửu là Nước Trời. Thánh Phaolô đã khẳng định: “Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới. Thật vậy, vì chúng ta đã nên một với Đức Kitô nhờ được chết như Người đã chết, thì chúng ta cũng sẽ nên một với Người, nhờ được sống lại như Người đã sống lại. Chúng ta biết rằng: con người cũ nơi chúng ta đã bị đóng đinh vào thập giá với Đức Kitô, như vậy, con người do tội lỗi thống trị đã bị huỷ diệt, để chúng ta không còn làm nô lệ cho tội lỗi nữa” (Rm 6, 4-6). Vị tông đồ dân ngoại cũng nhận ra nơi Đức Giêsu chịu treo trên thập giá chính là Chiên Vượt qua mới: “Đức Kitô đã chịu hiến tế làm chiên lễ Vượt Qua của chúng ta” (1 Cr 5,7). Chính nhờ máu Chiên Vượt qua này, nhân loại được tẩy rửa khỏi mọi tội lỗi. Vì vậy, họ phải đoạn tuyệt với quá khứ tội lỗi để sống cuộc sống mới, thánh thiện, đẹp lòng Chúa.
Trong nhãn quan đức tin, “bốn đêm” mà sách Targum trình bày, vẫn đang thường xuyên diễn ra trong cuộc đời người tín hữu của chúng ta. Bởi lẽ những dấu mốc quan trọng trong lịch sử luôn gợi lại cho chúng ta thấy hoạt động của Thiên Chúa. Ngài vẫn luôn sáng tạo không ngừng. Ngài vẫn mời gọi con người đi vào giao ước với Ngài, nhất là giao ước mới trong máu Đức Kitô đổ ra trên thập giá. Ngài vẫn dẫn đưa chúng ta vượt qua “Biển Đỏ” của thời đại hôm nay, là những đam mê ràng buộc khiến chúng ta trở thành nô lệ. Nhất là Ngài luôn kêu gọi chúng ta hãy phục sinh, ra khỏi nấm mồ tối tăm của thù hận ghen ghét, để đến ánh sáng huy hoàng không bao giờ tàn lụi.
Như những người phụ nữ vội vã chạy ra mồ Chúa sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, chúng ta hãy chiêm ngưỡng chiến thắng kỳ diệu của Chúa Kitô. Chính Người là sự sống được ban tặng cho chúng ta. Chính Người là niềm hy vọng của cả thế giới. Ngày hôm nay, Người đang nhờ mỗi chúng ta, qua cuộc sống cụ thể của mình, đem tin vui và niềm hy vọng ấy cho những người đương thời. Hãy nói với thế giới xung quanh rằng: đêm đen đã chấm dứt, ngày mới đã khởi đầu. Chính khởi đi từ đêm Hồng phúc năm xưa mà lịch sử nhân loại sang một trang mới. Đấng phục sinh đang hiện diện giữa chúng ta. Những ai đón nhận Người, chắc chắn sẽ không phải thất vọng, vì Người là ánh sáng và là Đấng Cứu độ trần gian.
Lễ Phục sinh 2017

Gm Giuse Vũ Văn Thiên