BỔN MẠNG THÁNG 8


THÁNG 8

NGÀY
LỄ
QUAN THẦY
04/08
Lễ thánh Gioan M. Vianney
Chị Thùy.
08/08
Lễ thánh Đaminh.
Chị Thảo (Dominique)
12/08
Lễ thánh Jean de Chantal
Chị Hữu.
14/08
Lễ thánh Maximilien Kônbê
Chị Mỹ Tiên
15/08
Lễ Đức Mẹ Lên Trời


*Bổn mạng Dự-Tỉnh
*Các Chị Vĩnh Khấn
*Chị Luyến
18/08
Lễ Thánh Hèlène.
Chị Sinh.
20/08
Lễ Thánh Bênađô
Chị Hồng Diễm
22/08
Mẹ Maria Trinh Nữ Vương.

Chị Hồng Diễm (RT)
Chị Hân (NT)
23/08
Lễ thánh Rosa Lima, trinh nữ
Chị Xuân Châu.
24/08
Lễ thánh Emilie de Vialar
Chị Xuyên.
28/08
Lễ thánh Augustino
Chị Bích Phương.
29/08
Lễ Thánh Monica
Chị Phượng (NT)
Ghi Chú:    
*Từ ngày 01/08 đến ngày 09/08 xin chị em làm tuần cửu nhật cầu nguyện cho các chị có nghi thức khấn dòng
     *Từ ngày 06 đến ngày 14/08 xin Chị Em làm tuần cửu nhật mừng lễ Mẹ Lên Trời, Bổn Mạng Dự -Tỉnh Đức Mẹ LaVang.

LỄ GIỖ BỐ MẸ CHỊ EM

TƯỞNG NHỚ VÀ CẦU NGUYỆN

NGÀY
LỄ GIỖ
07/08
Ông cố Anrê- Thân phụ chị Kim Tiên
08/08
Bà cố Anna - Thân mẫu chị Ngân
16/08
Bà Lucia - Thân mẫu em Phượng (NT)


THÂN HỮU

Tình thân hữu nói nên liên hệ mật thiết ta có với người nào đó. Mối liên hệ này sâu đậm hơn với tình bạn thông thường. Bạn học xưa hay bạn cùng sở làm là những người chúng ta gần gũi, gặp nhau thường xuyên chào hỏi nhưng không phải là người chúng ta có quan hệ một cách sâu đậm. Chia sẻ với nhau những điều thường xảy ra trong cuộc sống và không đi sâu vào cuộc đời riêng tư từng người. Thân hữu là người biết rõ đời tư của ta bởi do lòng tin chúng ta thổ lộ tâm tình riêng tư, khi vui cũng như lúc buồn. Họ và ta chia sẻ với nhau mọi cảm xúc vui buồn, hy vọng và lo âu trong cuộc sống và khi cần hy sinh họ sẵn sàng hy sinh cho tình thân hữu. Tâm tình Đức Kitô dành cho ta cao trọng và sâu đậm hơn liên hệ con người với con người bởi tình yêu Đức Kitô dành cho ta là tình yêu hy sinh vô vị lợi, không điều kiện kèm theo. Nếu có chỉ là ràng buộc tình yêu với tình yêu. Ràng buộc này mang lợi ích lại cho ta mà không mang lợi ích gì cho Đức Kitô bởi nơi Ngài trọn hảo, không còn chỗ nào bất toàn để có thể làm cho trọn hảo hơn. Vì thế ràng buộc Đức Kitô kêu gọi là ràng buộc giữa con người với nhau. Ngài coi mọi hành xử tốt lành ta dành cho anh chị em khác nhân Danh Ngài chính là làm cho Ngài. Điều này cho biết nơi Đức Kitô tuyệt hảo, không thể nào tốt hơn được nữa. Ngài không cần gì ngoài việc chúng ta coi trọng nhau, yêu thương nhau, dành tình cảm tốt lành đối xử với nhau. Vì thế điều kiện trở thành thân hữu của Đức Kitô là yêu mến anh chị em khác bởi yêu mến tha nhân vì Danh Đức Kitô là yêu mến chính Đức Kitô. Nơi họ có tình yêu và hình ảnh Đức Kitô và được Đức Kitô yêu mến. Đức Kitô thể hiện tình yêu đó qua việc hy sinh gánh tội đời, chịu chết trên thập giá để ban sự sống trường sinh cho những ai đón nhận Ngài với tâm tình yêu mến.

Dụ ngôn 'Cành và Cây Nho' Gn 15,1-8 nói lên sự liên hệ cần thiết và mật thiết giữa cành và thân. Cành lìa thân sẽ khô héo, cành lìa thân mang trồng nơi khác có thể sinh hoa trái nhưng không cùng hương vị như cành dính liền thân. Là môn đệ Đức Kitô cần phải sinh trái tốt lành như hoa trái cuộc đời trần thế Đức Kitô mang lại. Đức Kitô kêu gọi liên kết với Ngài vì nhiều lí do. Lí do thứ nhất là Ngài biết trong số những kẻ đi theo có người mang tâm tình phản bội và Ngài kêu gọi liên kết với Ngài để chống lại tâm tình phản bội. Thứ hai, môn đệ Đức Kitô chưa cởi mở thân thiện nhưng còn đóng kín, dù họ kính trọng Thầy Kitô nhưng họ cần có tâm tình cởi mở với nhau và với Đức Kitô từ đó dễ thông cảm nhau hơn, hiểu nhau nhiều hơn và yêu mến nhiều hơn. Thứ ba khi môn đệ cởi mở tâm tình họ học biết và hiểu biết cặn kẽ hơn về tình yêu Đức Kitô dành cho họ và cho nhân loại. Tình yêu đó dẫn đến việc nhận biết tình yêu Chúa Cha. Tình yêu hy sinh không điều kiện, hy sinh trọn vẹn với tất cả tấm lòng, hy sinh mạng sống, hy sinh với cả con tim mở rộng và điều này thể hiện qua việc lưỡi đòng đâm thâu qua tim Đức Kitô trên thập tự. Thứ tư, một trong số các môn đệ phản bội Đức Kitô bởi ông tin là một mình ông có thể đứng vững trong đời, không cần phải ràng buộc với tình yêu Chúa. Sau khi chia tay ông sớm nhận ra điều ông làm là sai, con đường đang đi là con đường dẫn đến diệt vong. Không hiểu vì tự ái, ngại, mất tin tưởng hay lí do nào đó, dù biết sai ông vẫn không quay đầu lại xin lỗi, giao hoà nhưng tiếp tục dấn bước vào con đường huỷ diệt. 

Đức Kitô kêu gọi chúng ta là bạn hữu của Ngài. Không phải chúng ta chọn Đức Kitô mà chính Đức Kitô chọn chúng ta. Bởi nếu Ngài không chọn ta, có lẽ ta không biết có Ngài tồn tại để chọn Ngài. Chỉ điều này cũng đủ để chúng ta sống tâm tình tạ ơn, liên tục tạ ơn hàng ngày bởi được chọn làm thân hữu của Đức Kitô. Đức Kitô mặc khải cho chúng ta biết tình yêu Chúa, biết Chúa Cha và biết đại gia đình Kitô hữu. Quan trọng hơn cả là Ngài mặc khải cho biết tình yêu Chúa và tâm tình Chúa dành cho ta. 

Đức Kitô trông đợi các môn đệ Ngài yêu thương nhau cùng tình yêu Ngài yêu mến Chúa Cha

Như Cha yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến anh em, hãy ở lại trong tình yêu Thầy c.1

Đón nhận tình yêu đó bằng hành động cụ thể, bằng hành động liên kết mật thiết với Đức Kitô và sống yêu thương tha nhân. Sống trong tâm tình yêu thương sẽ hưởng cuộc sống bình an trọn vẹn. Sống trọn hảo trong tình yêu Chúa là làm Sáng Danh Chúa. Làm Sáng Danh Chúa bằng cách thể hiện tình yêu Chúa qua cuộc sống hàng ngày và đó chính là chứng nhân trung thực của Đức Kitô Phục Sinh.

 
Lm Vũ đình Tường 
TiengChuong.org

HIỆN HỮU LÀ MỘT ÂN BAN

Hiện hữu tự nó là một ân ban ; vì thế, mỗi hiện hữu đều mang một ý nghĩa nào đó trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Chúng ta được tạo dựng nên nhờ  trong Đức Kitô. Thế nên, chúng ta có sống là sống cho  vì Chúa. Có thể nói, Đức Giêsu phải là điểm qui chiếu cho một cuộc sống có ý nghĩa và chính Người là ý nghĩa cuộc đời ta. Cùng với thời gian, ý thức ấy dần nguôi ngoai nên hiện hữu kia đôi khi cũng mờ nhạt cách nào đó. Từng bước, mỗi người lại quay về với căn tính ban đầu của mình trong Thiên Chúa.

1.HIỆN HỮU

Bạn hiện hữu từ đời đời trong ý muốn Thiên Chúa. Quả thật, trước khi bạn được hình thành trong dạ mẹ, Người đã tưởng nghĩ đến bạn. Như bình gốm đã thành hình trong Thượng Trí Đấng Tối Cao, được nung chảy trong tình yêu Chúa, bạn đã được nặn ra từ bàn tay vô hình. Trong bạn một phần được tạo nên cho vĩnh cửu, bất diệt; một phần thuộc thời gian, mau tan. Hai trong một, có thể phân biệt mà không thể tách biệt. Rồi Người đặt để trong bạn một khát vọng hướng về trời cao và đồng thời Người sắm sẵn cho bạn đôi cánh khả dĩ giúp bạn vươn cao. Ngày nào bạn còn ngẩng cao đầu ngày ấy ánh sáng của Bình Minh còn chiếu sáng trên bạn. Ánh sáng ấy sưởi ấm tâm hồn bạn và ánh sáng ấy cũng soi chiếu con đường bạn đi.
Tại sao tôi không sinh ra cách đây vài năm trước mà là đến bây giờ tôi mới được hiện hữu? Câu hỏi ấy đôi khi hết một đời cũng chưa có câu trả lời. Thánh Têrêsa Calcutta được sinh ra trong thời điểm ấy để giúp những người cùng khốn mang hình ảnh của Đức Kitô. Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận sinh ra trong thời điểm đen tối ấy để làm chứng nhân niềm hy vọng. Còn bạn sinh ra trong khoảnh khắc này để làm gì? Chắc hẳn, Chúa có lý trong cuộc hiện hữu của bạn. Bạn chỉ có thể mò mẫm từng ngày trong trái tim Người mới khả dĩ tìm được một câu trả lời. Dù vậy, nó chỉ là câu trả lời chưa trọn vẹn, không dứt khoát vì ngày nào bạn còn sống trong thân xác này, bạn còn lần mò trong đêm tối. Chính lúc ấy bạn cần bám vào Chúa vì Người là câu trả lời chung cuộc cho cuộc đời bạn. Các thánh không bao giờ cho mình là thánh vì như thế là thánh “tôi” chứ không phải thánh thật. Các ngài đều có chung một thao thức là sống trọn vẹn trong giây phút hiện tại với tất cả tình yêu. Quả thật, nơi đâu có dấu vết tình yêu, nơi đó có Thiên Chúa.
Thiên Chúa là tình yêu và bạn được sinh ra từ đó, nên bạn được bao bọc trong tình yêu. Thiên Chúa là Chân, Thiện, Mỹ và bạn được sinh ra từ đó, nên bạn là vẻ đẹp của Người. Nơi bạn có một nét đẹp ẩn tàng, vô hình mà chỉ mình Thiên Chúa khả dĩ nhận ra. Đến khi chị Têrêsa HĐGS qua đời, các chị trong dòng kháo láo nhau: không biết chị này có điểm gì để ta ghi lại trong tiểu sử. Và cả đến lúc lập án phong thánh, một vị chức sắc thuộc giáo triều đã phát biểu rằng: “Đời chị Têrêsa không có gì lạ cả, chỉ toàn là những việc tầm thường thôi”. Đức Pio XI trả lời ngay: “Tôi chấp nhận việc phong thánh cho chị, vì chị đã làm những việc tầm thường”.[1] Vẻ đẹp của chị thánh chỉ được Chúa ghi nhận qua người thay mặt Chúa ở trần gian. Đó là vẻ đẹp đến từ Thiên Chúa, chứ không phải hào nhoáng bên ngoài. Vẻ đẹp ấy được sắm lấy bằng những hiểu lầm của nhân đức khiêm hạ chứ không phải những lời khen ngợi sáo chữ kiểu người đời. Bởi vậy, Chúa Giêsu có lý khi khuyên chúng ta rằng: Đừng khinh một ai bé mọn này… vì Thiên Thần của họ trên trời hằng chiêm ngưỡng Cha Ta.
Thân phận của hạt muối
Dương và Âm là hai cực nằm trong “biểu đồ” của Thiên Chúa. Chúng đối và nghịch nhưng không xung và khắc nhau. Trái lại, chúng hòa quyện vào nhau như một thực thể huyền nhiệm mà mắt trần không sao phân biệt được. Chỉ trong Thiên Chúa hiện hữu ấy mới được sáng tỏ. Vì chúng từ Chúa mà được sinh ra.
Dường như trong Thiên Chúa có cả Phụ Tính và Mẫu Tính. Thiên Chúa rất công bằng nhưng cũng đầy từ bi. Thiên Chúa rất công thẳng nhưng cũng giàu lòng thương xót. Cả Hai hòa quyện với nhau nên một Thực Thể gọi là Tình Yêu. Sự Kết hợp này huyền nhiệm đến nỗi tròn đầy trong một Hữu Thể Duy Nhất. Đó là điều có từ trước đời đời mà chỉ có những tâm hồn hằng khát khao mới chứng nghiệm được.
Tôi là hạt muối, xin kể lại câu chuyện của tôi.
Cha tôi là ánh sáng chói chang của Mặt Trời không bao giờ tắt. Nơi người có một năng lực Dương cực mạnh khiến mọi loài đều tan biến và phơi trần trước mặt người. Còn mẹ tôi là nước biển của Mênh Mông không bao giờ cạn. Nơi người có một năng lực Âm cực đại khiến mọi loài đều được tắm mát và chữa lành khi dìm mình trong đó. Rồi vào một ngày đẹp trời hai cực ấy giao thoa, ánh sáng đi vào trong lòng biển. Cho đến khi nổi lấm tấm những hạt trắng trên mặt đất. Ấy là lúc tôi được sinh ra. Tôi đã được kết tinh từ hai nguồn sự sống. Tôi đã được sinh ra như một định mệnh là kết quả của một tình yêu. Và tôi cũng được gọi là tình yêu. Bởi đó, có thể định nghĩa muối là gì? Muối là sự kết tinh của một tình yêu vô vị lợi. Bây giờ tôi mới hiểu lời của Chúa Giêsu: “Anh em hãy là muối cho đời”.
Tại sao là muối mà không phải là một thứ khác? Phải chăng vì muối mang một sứ mạng từ khi mới thành hình. Và muối không phải cho mình nhưng là muối cho đời. Thân phận của muối không thể nào lên tiếng. Chỉ biết sống và giữ mãi sự mặn mà của tình yêu ban đầu. Làm sao có thể thực hiện điều này nếu không phải là làm sống mãi những cảm nghiệm về tình yêu mà hai Đấng sinh thành đã trao ban cho tôi. Muối không cao rao nhưng biểu dương bằng sức sống nội tại đang hằng cuộn trào và từng giây phút tiếp tục kết tinh nên tôi. Muối một ngày sẽ nhạt nhưng nó lại tái kết tinh trong sự giao thoa của tình yêu ấy. Và cứ thế mỗi ngày nó lại được sinh ra.
Và còn một điều tôi quên không nhắc tới. Đó là trong khoảnh khắc giao thoa huyền nhiệm ấy có một Làn Khí bóc lên là là và phủ trên tôi. Tôi cảm nhận một phần sự sống trong tôi bay lên. Đồng thời có một bàn tay vô hình nào đó vỗ về và bảo tôi: “Hãy ở lại đây một thời gian nữa, Ta có một sứ mạng gởi đến con. Hãy là tình yêu mặn mà trong thế gian này”. Dường như đó là lời của Chúa Cha với sự chứng giám của Chúa Giêsu và trong sự bảo toàn của Chúa Thánh Thần. Đó là sự giao thoa huyền nhiệm Nên Một giữa Ánh Sáng, Nước Biển và Làn Khí mà chỉ có hạt muối mới cảm nghiệm được thôi.
Lời cuối cùng tôi muốn nói rằng: Tôi và bạn hãy là muối mặn mà trong thế gian này nhé! Và thế giới chỉ mặn nồng khi hạt muối đã được hòa tan. Chỉ khi nào muối xóa mình đi, muối không còn là muối nữa khi ấy mọi sự sẽ trọn vẹn và lâu bền.
Lời tâm sự của muối chắc hẳn cách nào đó làm bạn suy nghĩ lại sứ mạng của bản thân. Có bao giờ bạn tự hỏi: “Chúa muốn con làm gì cho Chúa không?” Vì chưa bao giờ bạn hỏi nên Người có trả lời bạn cũng chẳng sẵn sàng để nghe. Bạn cứ mãi quay quắt, quanh quẩn tìm kiếm những thứ trang sức phô diễn bên ngoài chỉ một thời gian là tàn phai, cảnh đời vô thường là thế! Những cái bạn đang sở hữu chỉ là những cái “có” được đo lường bằng vật chất, nay còn mai mất. Chúng ta là một “tinh thần nhập thể”. Hiện hữu của bạn, tự nó là một vẻ đẹp. Bạn không cần tô điểm thêm bên ngoài bằng những trang sức lỉnh kỉnh, linh tinh ấy đâu! Có một vẻ đẹp bạn đáng ước ao như thánh Phaolô nói, đó là mặc lấy Đức Kitô. Quả thật, Đức Kitô là vẻ đẹp của bạn. Vẻ Đẹp mà thánh Augustino nói là Vẻ Đẹp vừa xưa nhưng lại mới mãi. Vì sao lại có một Vẻ Đẹp lạ lùng thế! Vừa cũ lại vừa mới mãi? Thưa: vì vẻ đẹp ấy luôn được tái sinh trong bạn. Và một khi bạn khoác vào vẻ đẹp ấy, bạn sẽ là vẻ đẹp của Người.
Bạn đừng tìm kiếm sự khen ngợi nơi người đời. Họ không thể khám phá ra vẻ đẹp của bạn nếu không sống trong Thần Khí. Thật vậy, người đời chỉ khám phá ra vẻ đẹp của thánh nữ Têrêsa HĐGS khi chị đã qua đời. Cuốn Tự Thuật của chị được viết bằng máu, nước mắt và Thần Khí. Có thế, một người sống trong bốn bức tường của dòng Kín lại được Thần Khí đặt làm bổn mạng của các xứ truyền giáo. Một hạt muối âm thầm chẳng bao giờ lên tiếng mà lại có một sứ mạng bao trùm cả thế giới này. Quả thật, chỉ có hạt muối tình yêu mới có thể vượt mọi biên giới để đến với muôn dân. Chỉ có hạt muối quên mình mới ướp cho mặn những tấm lòng tan vỡ, rữa nát. Muối không chỉ giữ cho thức ăn lâu bền nhưng còn sát trùng và chữa lành nữa! Chỉ có hạt muối dễ tan mới mau thấm nhập vào những ngóc ngách của cuộc đời. Nhờ thế, nó lại được tái sinh và mặn mà như xưa. Tình yêu mặn mà ấy vẫn thế vì mặc lấy Đức Kitô.
Hiện hữu của con người thật cao trọng vì được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Trong đó, việc con người được hưởng tự do là dấu chỉ rõ ràng nhất nhằm giải thích con người là hình ảnh của Ngài.[2] Nếu Thiên Chúa toàn quyền tự do hành động theo bản tính thiện hảo của mình thì con người cũng được mời gọi sống những giá trị thiện hảo nhất nhằm xây dựng bản thân mỗi ngày nên đồng hình đồng dạng với Người. Tự do của con người thật cao cả, nó có thể dùng tự do để yêu mến Thiên Chúa, đồng thời, lạm dụng nó mà khước từ Ngài. Con người không thể nào sống mà ở ngoài Ngài nhưng thực tế con người muốn loại Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống mình. Đó là một hiện hữu ảo.

2.HIỆN HỮU ẢO

Có một sự ảo tưởng về hiện hữu của bản thân khi con người tách mình ra khỏi nguồn sống là chính Thiên Chúa. Thật vậy, chúng ta không thể sống, cử động và hiện hữu ở ngoài Người. Thế mà người Con Hoang Đàng lại muốn tách mình ra khỏi nguồn sống. Anh muốn tự do kiếm cho mình một không gian không có Thiên Chúa. Phải chăng trong thế giới vô thần con người có một thứ tự do tuyệt đối và hiện hữu sung mãn?
Thánh Augustino nói: khát vọng là chiều kích hiện hữu nền tảng của con người. Có thể nói, sống khát vọng làm cho con người ý thức có một cái gì bên ngoài mình và lớn hơn mình khiến bản thân phải ngưỡng vọng trời cao. Nếu Thiên Chúa đặt để khát vọng trong tim con người thì chỉ mình Người có thể lắp đầy vực thẳm ấy. Nhưng nếu con người đảo ngược bậc thang giá trị: đặt mình làm Thượng Đế hay tôn người khác làm thần tượng, thì khi ấy con người sống trong ảo tưởng về hiện hữu siêu việt nào đó của mình. Thực chất chúng ta là con Thiên Chúa, là một siêu nhân. Nhưng chúng ta chỉ thực sự là con khi chấp nhận Thiên Chúa là Cha, nghĩa là chúng ta tùy thuộc vào Người. Như người Con Hoang Đàng, chúng ta tách mình ra khỏi thế giới của Thiên Chúa là nguồn sống thực. Lúc đó phản ứng của Thiên Chúa ra sao? Người im lặng. Người tôn trọng sự tự do của bạn và để bạn ra đi. Bạn xin gì, Người cũng cho. Bạn xin của gia tài điều không thể thực hiện khi Cha còn sống, Người cũng ban cho bạn, cốt sao cho bạn hạnh phúc. Người không đi tìm bạn nhưng “bất lực” ngóng chờ bạn quay về. Người biết chắc bạn sẽ quay về, vì biết rằng của cải vật chất không bao giờ làm bạn thỏa mãn. Trái tim bạn được dựng nên chỉ để cho Người. Chính khi bụng đói lả, lòng trống không, đến cả đậu muồng heo cũng không được nuốt vào, thì nỗi khát vọng muôn thưở lại lên tiếng. Chỉ khi con người thực sự bất lực, Thiên Chúa mới ra tay. Thế chúng ta mới hiểu: chính lúc tôi yếu là lúc tôi mạnh. Thật vậy, Thiên Chúa chỉ thực sự tỏ lộ quyền năng trong sự yếu đuối. Mà quyền năng lớn lao nhất của Người là lòng xót thương. Đúng thế, chính lúc thứ tha là lúc Chúa thể hiện quyền năng cách tỏ tường hơn cả.[3] Người tha thứ không chỉ để chúng ta yên ổn lương tâm nhưng còn chữa lành về mặt tâm thể lý. Người không chỉ hồi phục cho chúng ta tước vị làm con của Người mà con giúp ta mở ra với tha nhân. Bữa tiệc là biểu tượng cho niềm vui lớn lao này.
Như vậy, trong thế giới vắng bóng Thiên Chúa không có niềm vui trọn vẹn của một tâm hồn tự do đích thực. Từ đây, người Con Hoang Đàng hiểu rằng: chỉ trong Chúa, con người mới có tự do đích thực. Đúng thế, tự do thực sự là chọn lấy Sự Thiện hảo nhất đó chính là Thiên Chúa.
Tình thương Chúa bền vững muôn đời
Còn lòng người thay đổi muôn năm.
Chúng ta sẽ tiếp tục sai đường lạc lối, Thiên Chúa lại tiếp tục dẫn dắt trong yêu thương và tín thành. Đó là điều xác tín còn lại sau những gì đã mất.
Con người là một hữu thể hữu hạn, bất tất, đang trên đường hoàn thiện. Quả thật, như thánh Phaolô đã khẳng định, con người là chiếc bình sành dễ vỡ chứa đựng hồng ân của Chúa. Nếu như lầm lỗi là chuyện thường tình nơi con người thì việc chữa lành là chuyện thường hằng nơi Thiên Chúa. Có thể nói, cả cuộc đời con người là một cuộc hiện sinh được chữa lành. Chúng ta đi từ sai lầm này đến tội lỗi khác, từ ảo tưởng này đến ảo vọng kia. Nhưng chính kinh nghiệm vấp ngã sẽ giúp bạn hiện hữu ngày một tràn đầy hơn.
Đến đây, chúng ta tiếp tục quay lại vấn nạn ban đầu: sa ngã, tội lỗi có gắn liền cuộc sống chúng ta?
Thánh Augustino đã giải thích có một thứ Tội Hồng Phúc. Nói cách khác, tội là cơ may giúp bạn đến gần Thiên Chúa. Đúng hơn, khi ý thức về tình trạng tội lỗi của mình, con người càng được chữa lành trong ân sủng Chúa. Khi ý thức về sự bất lực của mình, con người càng bám chặt vào Chúa. Mỗi lần sa phạm tội, là mỗi lần chúng ta khoét sâu vực thẳm ngăn cách giữa mình với Thiên Chúa. Nhưng khi biết mở rộng lòng ra, chúng ta lại được Chúa thương chữa lành. Quả thật, tội lỗi đã tạo ra một vết thương có tác dụng tốt. Chúa cho phép nó xảy ra để Ngài có thể tìm được con đường đi vào tâm hồn chúng ta.[4] Mỗi dịp sa sẩy, là mỗi dịp nhận ra mình yếu đuối và học bài học khiêm nhường. Cha thánh Biển Đức có lý khi mời gọi các đan sĩ bắc một nhịp cầu đến Thiên Chúa qua 12 bậc khiêm nhường. Có thể nói, tội lỗi và Lòng Thương Xót làm nên mầu nhiệm mà mỗi ngày đan sĩ chân tu không ngừng tâm niệm.
Nếu như hiện hữu ảo tách con người xa lìa Thiên Chúa thì tình trạng đồng hiện hữu lại giúp con người giao hòa với Người và mở ra với tha nhân.

3.ĐỒNG HIỆN HỮU

Con người đã sống là sống với. Quả thật, con người không thể sống mà không nhờ một ai khác. Tương quan liên vị trở thành yếu tố sống còn của một hiện hữu nhân vị.
Nhưng ngày nay, nhờ tiến bộ của công nghệ thông tin, con người có thể nghe tiếng nhau, nhìn mặt nhau mà không thể đụng chạm nhau vì mỗi người là một thế giới, mà nói như linh mục Thiện Cẩm là sự hiện diện vắng mặt. Quả thật, “thế giới tuy đầy dãy sự vật, nhưng thực ra lại trống rỗng, bởi vì sự vật đã làm đông đặc các tâm hồn, khiến chúng ta khó có thể gần gũi cảm thông. Thế giới hiện đại đã vật chất hóa con người, khiến cho sự hiện diện của ta cũng chỉ còn là một sự có đấy như một cái bóng, cái hình, chứ không phải là bản thân ta”.[5] Thật vậy, con người có thể dành cả vài tiếng đồng hồ để có thể nhìn mặt và trao đổi trên màn hình mà bên cạnh nhà có người đang hấp hối lại không hay biết. Điều này phản ánh một thái độ duy tâm,[6] thờ ơ với thực tại quanh ta.
Bởi đó, sự hiện diện đích thực là hiện diện của toàn vẹn con người với tất cả năng lực bản thân để yêu thương, chia sẻ, để sống và hiện diện bên nhau.
Chúng ta không ngạc nhiên khi thấy rằng các triết gia hiện sinh hữu thần như Gabriel Marcel, Karl Jasper… đều khẳng định: yếu tính của hiện hữu là tình yêu. Nói cách khác, tình yêu nâng đỡ, bao bọc và là “nhớt” bôi trơn làm sinh động hiện hữu con người. Đến đây, chúng ta có thể hiểu phần nào câu nói của thánh Têrêsa HĐGS: Trong lòng Giáo Hội, tôi sẽ là tình yêu. Thật ra, câu khẳng định này chỉ nhắm đến ơn gọi của thánh nữ trong Giáo Hội; tình yêu, trái tim, một bộ phận trong toàn Thân Thể mầu nhiệm. Còn tình yêu ở đây, gồm tóm cả hiện hữu con người mà thánh nhân khát khao là con tim trung tâm của hiên hữu Giáo Hội.
Một lần nữa, chúng ta nhắc đến lòng khao khát, là dịp tốt để chúng ta xác tín hơn câu nói của thánh Augustinô: khát khao là chiều kích hiện hữu nền tảng của con người.[7] Câu nói này một khi được đặt trong quan niệm của các triết gia hữu thần: yếu tính của hiện hữu là tình yêu, chúng ta sẽ thấy rằng điểm đi và điểm đến của mọi khát khao của con người là tình yêu; nói cách khác, tình yêu là điểm qui chiếu của mọi hiện hữu con người, là tiếng nói và biểu hiện thường hằng của một tâm hồn sống khát khao tình yêu thực sự.
Nếu như sống tình yêu là sống chiều kích thiên đàng thì tại sao lại có kẻ bảo: tha nhân là hỏa ngục. Xem ra, đồng hiện hữu nhưng lại loại trừ nhau. Xét cho cùng, ai quan niệm như thế, chính hiện hữu của bản thân là hỏa ngục cho họ. Nhưng thực tế cho thấy, cách nào đó, tất cả chúng ta đều đã trải qua kinh nghiệm này trong tâm hồn. Đúng thế, mỗi lần phạm tội, chúng ta là thù nghịch cho chính mình, cho tha nhân và tất nhiên, cho Thiên Chúa nữa. Sự giằng co quyết liệt trong mỗi quyết định chọn Chúa hay chọn “bản thân” là một lần con người trải nghiệm: tình yêu không phải là tiếng nói của hữu thể ta. Và nói như thánh Phaolô, tội vẫn ở trong ta (x. Rm 7,20). Hỏa ngục ấy như một thứ hỗn mang tiếp tục bao trùm lên đời sống của con người, cho đến khi mỗi người tự khêu gợi lại lòng khát khao hướng về Thiên Chúa. Dù sao trong chúng ta vốn chất thiện vẫn còn đó. Ấy là dấu hiệu sự hiện diện còn lại của Thiên Chúa trong tâm hồn. Chắc chắn, Người không bỏ rơi chúng ta. Người vẫn ngóng chờ như người cha trong dụ ngôn, tỏ ra bất lực nhưng hy vọng một ngày chúng ta lại nhận ra tình yêu thương của Người. Như thế, Người để chúng ta hoàn toàn tự do quyết định và chịu trách nhiệm mọi hành vi của mình. Tự do đích thực là chọn Chúa và sống tình yêu thương trong mọi tương quan nhờ đó mà đi vào chiều kích dài rộng cao sâu của tình yêu Chúa. Như thế, tình yêu và hiện hữu là một trong Thiên Chúa.
Ơn gọi của con tim
Tôi không biết mình đã sinh ra từ đâu, từ những mảnh ghép của các thiên thể hay một sự tích tụ nào của thiên nhiên. Nhưng tôi cảm nhận một Sức Mạnh từ bên ngoài và bên trên tôi, đã kéo tôi ra và đặt trong một không gian thuận lợi nhất nơi lòng ngực con người. Đây là một thuận lợi nhất vì tôi được đặt làm trung tâm mà mọi ngõ nghách và mọi con đường đều qui về tôi. Mọi sự đều hướng về tôi, mọi con đường đều qui về tình yêu.
Không biết từ khi nào, tôi đã là biểu tượng của tình yêu. Có thể vì tôi ban phát máu một cách nhưng không và quả thật tôi cũng nhận nhưng không.
Máu là biểu hiện của sự sống, cũng có lẽ vì thế, tôi là yếu tính của hiện hữu. Tôi không chỉ làm cho con người sống mà còn sống dồi dào. Vì theo thánh Phaolô không có gì cao cả hơn tôi, linh đạo của con tim. Nhưng tôi không tự mình mà có, tôi còn suy phục một Đấng trên tôi, Người đã ban cho tôi hiện hữu. Như thế, tôi được mệnh danh là tình yêu vì kết hợp với Người là Đấng Tình Yêu.
Tôi tự hỏi mình là gì trong Thân Thể mầu nhiệm, tình yêu là gì trong linh đạo tâm linh và tự hiến là gì trong tình yêu Thiên Chúa. Cho đến một ngày mũi tên say đắm bắn trúng con tim hồng, tôi mới hiểu con tim phải chết đi cho Tình Yêu lên tiếng và rồi Chúa đã phục sinh trong tôi. Con tim lại tiếp tục đổ máu và nước đến giọt cuối cùng cho Giáo Hội được phong nhiêu. Thật tuyệt vời! Con tim và Giáo Hội đồng hiện hữu.
KẾT LUẬN
Dù chúng ta đang sống theo cách thức hiện hữu nào, một điều luôn đeo đuổi chúng ta rằng: tôi hiện hữu là nhờ và trong Chúa. Quả thật, hiện hữu của tôi là một ân ban đến từ Chúa. Ý thức được điều này, tôi sẽ tâm niệm rằng tôi chỉ thực sự hiện hữu khi hiện hữu cho Chúa, nghĩa là ra khỏi mình để sống cho Chúa và qua Người, tôi tìm được hình ảnh đích thực ấy nơi tha nhân. Có thể nói, chính những tương quan này sẽ làm sống động hiện hữu của tôi và khiến cho đời sống tôi thực sự có ý nghĩa. Ý nghĩa được hiểu ở đây là sự thông chia đặc tính phong nhiêu của mỗi hiện hữu trong mọi hiện hữu. Tôi hiện hữu trong mọi người và mọi người hiện hữu trong tôi, đó là lý tưởng của những ai thực sự đang cảm nghiệm thực tại sống trong Chúa, cần đạt đến.
EYMARD An Mai Đỗ O.Cist.

 

[1] x. ĐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, Những người lữ hành trên đường hy vọng, tr 399.
[2] X. Sách GLHTCG số 1705.
[3] Lời nguyện của Chúa Nhật tuần 26 TN.
[4] Henri Boulad, Tất cả là ân sủng, người dịch Phạm Quốc Huyên, Nxb Tôn Giáo, tr.226.
[5] Thiện Cẩm, Chúa làm người, tr 27-28.
[6] Có thể hiểu là những người sống nhiều với ý chí và ý tưởng (thiếu thực tiễn) mà đôi khi lãng quên thân xác đang cần những tương giao đích thực.
[7] Anselm Grun, Hãy mở giác quan bạn cho Thiên Chúa, Nxb Phương Đông, tr 71.

Nguồn: simonhoadalat.com

15 LỜI CẦU NGUYỆN QUYỀN NĂNG, BẠN CÓ THỂ NÓI CHỈ TRONG 15 GIÂY

Hãy lấy một vài lời nguyện mà bạn yêu thích, dành thời gian để nhớ chúng. Khi bạn cần, chúng sẽ xuất hiện nhanh chóng trong tâm trí bạn.
Trong suốt mùa hè này, đã có nhiều ngày, tôi suýt mất trí do những chuyện tầm phào ám ảnh, những vết chân lấm bùn liên tiếp xuất hiện trên sàn gỗ cứng và tiếng thét khiếp đảm từ một đứa trẻ bị các anh nó tra tấn. Trong những khoảnh khắc đó, tôi thấy mình chỉ có thể lẩm bẩm một lời cầu nguyện đơn giản “Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài hãy đến.” Đây là lời cầu nguyện duy nhất tôi có thể thốt lên để mang lại bình an cho chính mình. Sự bình an này vốn rất cần để uốn nắn hành vi của các đứa con tôi mà không cần la hét chúng.
Có những khoảnh khắc nào đó trong cuộc sống, một lời nguyện tắt là điều giúp ta tái tập chú vào Thiên Chúa và mang đến cho ta một cảm giác bình an. Trong những tình huống, nỗi đau, sợ hãi và lo lắng bao trùm lấy chúng ta khiến chúng ta khó có thể diễn tả nó được. Đó có thể là những lần khi chúng ta vội vã phóng ra khỏi nhà để tới sở làm hay những lúc chúng ta muốn dâng một lời nguyện gấp gáp khi thầy giáo phát bài kiểm tra cuối kỳ. Bất cứ lý do gì, lạy Chúa xin dạy chúng con biết rằng cầu nguyện dài dòng không đẹp cho bằng lời cầu nguyện với trọn cả tâm hồn con.
“Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời” (Mt 6, 7)
15 lời cầu nguyện bạn có thể nói trong 15 giây
Hãy lấy một vài lời nguyện mà bạn yêu thích, dành thời gian để nhớ chúng. Khi bạn cần, chúng sẽ xuất hiện nhanh chóng trong tâm trí bạn.

Nguồn bài: https://catholic-link.org/15-powerful-prayers-15-seconds/
Hình ảnh: Sưu tầm Internet.
Chuyển ngữ: Xuân Tọa, S.J.(dongten.net)

CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN - B

Sống trong một thế giới khoa học phát triển tột bậc mệnh danh là thời hậu @, con người đã đạt được những bước tiến vĩ đại với những công trình táo bạo, vượt quá sức tưởng tượng như thám hiểm sao Hỏa, tiếp cận sao Diêm Vương, rất tự hào về sự dư dật của cải và lương thực. Báo chí ngày nay cũng cho biết, chưa bao giờ con người có nhiều của cải như thế. Ông Billgate, tỷ phú người Mỹ gốc Do thái, người chuyên bán phần mềm của vi tính, có tài khoản tại các ngân hàng trên thế giới tương đương với thu nhập quốc dân của 40 nước nghèo. Một tên lửa được Mỹ bắn lên đốt cháy hàng bao tỷ đô la. Chiến tranh tại Irắc, Syria và nhiều nơi trên thế giới tiêu huỷ biết bao tiền của, giết chết bao sinh mạng con người. Ấy vậy mà, chưa bao giờ có nhiều người nghèo đói như ngày nay. Tại sao có sự chênh lệch giầu nghèo trên thế giới như thế?
Thời Êlia, đứng trước đám đông dân chúng đói khát, Êlisê người của Thiên Chúa nói: "Xin dọn cho dân chúng ăn" (2V 4, 42). Đầy tớ của người trả lời: "Tôi dọn bấy nhiêu cho một trăm người ăn sao?" (2V 4, 43) Đến thời Chúa Giêsu, các môn đệ Chúa khi được yêu cầu lo cho đám dân chúng ăn, họ thưa: "Bấy nhiêu thì thấm vào đâu cho từng ấy người". Êlisê ra lệnh: "Cứ dọn cho dân chúng ăn " (2V 4, 44). Còn Chúa Giêsu thì bảo các môn đệ mình: "Cứ bảo người ta ngồi xuống"… Người phân phát cho các kẻ ngồi ăn, ai muốn bao nhiêu tuỳ thích" (Ga 6, 10-12).
Chúa Giêsu thấy đám đông đến với Người, từ ánh mắt đến trái tim, Người nhìn họ không phải với ánh mắt loài người, nhưng với cái nhìn Mục Tử Nhân Lành đầy lòng từ bi và thương xót, chứa đầy cảm xúc nảy sinh ước muốn nuôi dưỡng đám đông. Họ theo Chúa vì họ thấy Người từ Thiên Chúa mà đến. Đám đông không chạnh lòng thương Chúa Giêsu, nhưng Chúa Giêsu chạnh lòng thương họ. Chúa thấy dân chúng đói khổ, đang cầu cứu, với gánh nặng mỗi ngày, ốm đau bệnh tật và đang chạy vạy. Chúa Giêsu "Chạnh lòng thương" đám đông, tình yêu và lòng thương xót của Đấng Cứu Thế trào dâng. Người đã mời gọi các môn đệ cộng tác với Người vào công trình cứu chuộc và yêu thương ấy, ngày nay Người vẫn tiếp tục mời gọi chúng ta.
Đối diện với nhu cầu của biết bao người anh em nghèo đói, thiếu thốn chung quanh ta và rộng lớn hơn là trên thế giới, chúng ta có thể nói: không thể nào đương đầu với những tình trạng như vậy, và thế là sự co cụm, thiếu tình liên đới, nhất là tuyệt vọng bắt đầu xâm chiếm tâm hồn chúng ta. Một lần nữa sứ điệp Lời Chúa nói với chúng ta rằng: "Cứ dọn cho dân chúng ăn!" (2V 4, 42)
Lời mời gọi trên vẫn đang vang vọng mạnh mẽ và cấp bách đối với chúng ta. Thiên Chúa tiếp tục yêu cầu chúng ta: "Cứ dọn cho dân chúng ăn!" (2V 4, 42) Chúa Giêsu không chấp nhận sự thoái thác khi nói: "Tôi dọn bấy nhiêu cho một trăm người ăn sao?" (2V 4, 43) hay: "Bấy nhiêu thì thấm vào đâu cho từng ấy người" (Ga 6, 9).
Lệnh Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ phải làm ngay lập tức. Chúa không cần những phép tính vĩ mô. Năm ngàn người thì cần bao nhiêu bánh? Những tính toán lớn lao là không thực tế và làm ta lo sợ. Chúa dạy các môn đệ khởi đi từ thực tế: "Ở đây có một bé trai có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá" (Ga 6, 9). Thật là ít ỏi, nghèo nàn, Chúa không chê cái ít ỏi nghèo nàn ấy. Có ít hãy đóng góp ít.
Chúa Giêsu dạy chúng ta hãy nhìn những người chung quanh bằng cái nhìn của tình liên đới, đừng dửng dưng, vô cảm. Hãy nhìn anh em nghèo khổ, đói khát, bệnh tật, bơ vơ, hãy an ủi họ, đừng có thờ ơ. Triệu chứng của sự thờ ơ xuất hiện, gặp người có hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn mà không thấy xót xa, thương cảm, không muốn ra tay giúp đỡ dù có điều kiện; đứng trước sự bất công, xấu xa, gian dối mà không thấy phẫn nộ, nhức nhối; thấy những điều tốt đẹp, cao thượng mà không ngưỡng mộ, cảm phục. Dù là thờ ơ, dửng dưng, hay mặc kệ, bất cần đều là vô cảm (x. Sứ Điệp Mùa Chay 2015).
Chúa muốn loại bỏ sự vô trách nhiệm, phủi tay nơi các môn đệ. Họ đói, các con phải lo cho họ ăn. Một trách nhiệm nặng nề vượt quá sức các môn đệ, nhưng đã đồng cảm thì phải có trách nhiệm. Trái tim cảm thương thật sự phải hướng dẫn bàn tay làm việc. Chính Chúa Giêsu đã nêu gương và chỉ đường cho chúng ta. "Người cầm lấy cầm lấy bánh, và khi đã tạ ơn, Người phân phát cho các kẻ ngồi ăn và cá cũng được phân phát như thế, ai muốn bao nhiêu tuỳ thích" (Ga 6, 11). Đó chính là con đường phép lạ. Chắc chắn đây không phải là ma thuật. Qua các hành động ấy, Chúa Giêsu đã biến đổi được căn bệnh vô cảm, thoái thác trách nhiệm của con người đối với đồng loại.
Phép lạ Chúa Giêsu làm là để thể hiện tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người. Vì yêu thương, Chúa chữa lành các bệnh nhân, cho kẻ chết sống lại, nuôi sống đám đông dân chúng. Cũng vì yêu thương, Chúa đến cứu giúp con người: phục hồi sự sống, sức khỏe và phẩm giá con người cho họ. Các phép lạ Chúa Giêsu làm minh chứng lòng thiện hảo của Thiên Chúa. Chúa đầy tràn sự sống, ánh sáng và tình yêu! Hết thảy mọi người đều ăn no nê, nếu mọi người quan tâm đến nhau.
Trong một lá thư mục vụ mùa chay của Đức cố Hồng y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng, ngài viết: "Hãy mở mắt ra mà nhìn, mở lòng ra mà thương, rộng tay mà chia sẻ với 5 chiếc bánh và hai con cá mà Chúa đã đặt vào tay ta". 5 chiếc bánh và hai con cá ấy là sức khoẻ, là tuổi trẻ, là con đàn cháu đống, là điều kiện hơn người…" Ngài viết tiếp "vì Đạo của chúng ta là Đạo của tình thương, về khoa học chúng ta vụng về, về văn hoá chúng ta thấp kém, về văn minh chúng ta quê mùa. Chúng ta có thể thua họ nhiều điều, nhưng Đạo không cho phép chúng ta thua họ về Tình Thương...".
Noi gương bé trai trong Tin Mừng hôm nay, dâng cho Chúa 5 chiếc bánh và 2 con cá mà ta đang có, Chúa sẽ thực hiện những điều kinh ngạc. Ước gì mỗi người chúng ta hãy cố gắng thực hành lời Chúa dạy, sống bác ái yêu thương, cùng nhau xây dựng một xã hội văn minh tình thương như lòng Chúa mong ước. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ