CẢM THỨC MÙA VỌNG

Mùa Vọng là khoảng thời gian bốn tuần trước Đại Lễ Giáng Sinh, bắt đầu từ ngày Chúa Nhật đầu tiên của Lịch Phụng vụ thường niên và kết thúc trước giờ kinh chiều ngày Lễ Vọng Chúa Giáng Sinh (24/12). Mùa Vọng thường kéo dài từ 22 đến 28 ngày và có bốn ngày Chúa Nhật. Theo Lịch Phụng vụ, Mùa Vọng năm nay khởi đi từ ngày Chúa Nhật 27/11/2016.

Mùa Vọng là sự trông chờ, hy vọng vào Ơn Cứu độ

Theo nghĩa tiếng Việt, Mùa Vọng là "sự trông chờ", "sự hy vọng".

Mùa Vọng là khoảng thời gian hết sức đặc biệt khi toàn thể giáo hội cung kính hướng về biến cố vô cùng trọng đại nơi Bêlem xưa, một đêm đông giá lạnh cách nay trên hai ngàn năm, một Hài nhi Giêsu hạ sinh tưởng như rất đỗi mến thương như bao hài nhi bé bỏng khác nhưng lại mang trọng trách “ vô tiền khoáng hậu” bởi thực hiện Ơn Cứu Độ loài người.

Mặt khác, Mùa Vọng cũng là thời điểm để mọi người hướng lòng trông đợi ngày Chúa Giêsu Kitô đến trần gian lần thứ hai, là ngày Chúa quang lâm hoàn tất công trình cứu độ của Người. Bởi lẽ đó và không thể khác, Mùa Vọng là thời điểm thích hợp để mỗi tín hữu chuẩn bị cho mình thái độ sốt sắng, tâm hồn xứng hợp và tràn đầy niềm tin yêu hy vọng đón chờ Đấng Cứu Thế.

Mùa vọng trong đời sống giáo hội và tiến trình xã hội hóa

Những ngày Mùa Vọng, nơi các giáo xứ bắt đầu việc thiết kế khuôn viên và ngôi Thánh đường sao cho thật đẹp, thật trang trọng. Chương trình hát thánh ca, diễn nguyện, các tiết mục hoạt cảnh tích cực luyện tập để chuẩn bị mừng Lễ Chúa Giáng Sinh. Tại khu vực nhà thờ, khoảng thời gian trước, trong và sau Lễ Giáng Sinh không hẳn chỉ là trung tâm và là điểm đến của người Công giáo mà từ lâu đã mặc nhiên trở thành điểm đến của những anh chị em ngoài Công giáo. Không khí chuẩn bị đón Chúa Giáng Sinh trở nên nhộn nhịp, sinh động bởi những hang đá tại gia, những cây thông được dựng lên trên đường làng, ngõ xóm. Thời gian này, mọi người cùng nhau đến với Bí tích Hòa Giải, là cơ hội để mọi người tương tác, trợ giúp lẫn nhau việc mừng lễ hay nỗ lực gạt bỏ những hiềm khích, những mối bất hòa hằng mong sao có được bầu khí yêu thương, an lành trong Mùa Cực Thánh.

Tiến trình xã hội hóa, Mùa Vọng từ lâu không còn “đóng khung”, cũng không hẳn là việc nội bộ của người công giáo. Sức lan tỏa Mùa Vọng ngày càng trở nên rộng khắp, tác động đến nhiều mặt đời sống văn hóa, kinh tế, xã hội. Tại hội nghị ở một địa phương, một vị cán bộ khi lên phát biểu tham luận, phần cuối có câu chúc: “ Kính chúc toàn thể quí vị đại biểu và gia đình một mùa Giáng Sinh an lành, hạnh phúc”. Tuy nhiên, với anh chị em ngoài công giáo thì khoảng thời gian trong Mùa Vọng thường được họ mặc định là Mùa Giáng Sinh, thực ra thì không phải như vậy, vì Mùa Giáng Sinh lại là một khoảng thời gian khác gồm 12 ngày, cụ thể là Mùa Giáng Sinh bắt đầu từ Đại Lễ Giáng Sinh (ngày 25 tháng 12) đến hết ngày Lễ Chúa Hiển Linh( ngày 06 tháng 01). Một nhận thức chưa thực sự đầy đủ của những người anh em! Chẳng sao cả, vì một lẽ, người công giáo thật là diễm phúc khi được đón nhận sự quan tâm chia sẻ ngày càng nhiều hơn về niềm vui Ơn Cứu Độ.

Mùa Vọng cũng là khoảng thời gian thị trường hàng hóa chuẩn bị cho Mùa Giáng Sinh trở nên đa dạng. Không khí chào đón Giáng Sinh nhộn nhịp từ thành thị đến nông thôn khi hình ảnh những cây thông, những dây điện nhấp nháy sinh động lung linh sắc màu, những bộ trang phục Ông già Noel ngộ nghĩnh được trưng bày phục vụ khách hàng… Và âm thanh tưng bừng bởi giai điệu hàm chứa ca từ thật đẹp, thật nhân văn trong “Tuyệt phẩm” bất hủ Jingle Bell vang xa từng lúc, từng nơi tại các cửa hàng, siêu thị hay tại hộ gia đình…

Mùa Vọng, cũng là khoảng thời gian quí ông, quí bà lúc “ Trà dư, tửu hậu” bàn tính kế hoạch mừng Chúa Giáng Sinh tại gia đình mình hay nơi khu xóm, đại loại như: “Năm nay làm hang đá như thế nào, làm cây thông cao mấy mét, đêm Lễ Vọng và Ngày Lễ Giáng Sinh liên hoan ra sao…”; Những nam thanh nữ tú hẹn hò, trao đổi thông điệp tình yêu lứa đôi thông qua những tấm thiệp, bày tỏ lời cầu hôn…, hoặc bàn tính với nhau việc tổ chức tiệc tùng sao cho hoành tráng hay đưa ra kế hoạch cho những cuộc ngao du sơn thủy. Người hoài cổ thì âm thầm, lặng lẽ  “nhấm nháp” những ca từ : “Mùa Noel đó chúng ta quen bên giáo đường, mùa Noel đó anh dắt em vào tình yêu…”…

Xúc cảm Mùa Vọng

“…Trời lập đông chưa em, cho lũ dơi đi tìm giấc ngủ vùi, để mặc anh lang thang, ôm giá băng ngỡ thầm người yêu tới…” là tâm trạng bi quan, thất vọng, chán chường của kẻ si tình trong nhạc phẩm “Mùa Đông Của Anh” mà bất chợt người ta nghe được ở đâu đó khi mùa đông về.

Chúa ơi! Khi trời lập đông thì con cũng si tình, con có thể si tình ai đó nhưng người tình si của con quan trọng hơn cả chính là Hài Nhi Giêsu, Ngài là suối nguồn tình yêu mà con hằng mong đợi phụng thờ. Con cũng si tình, nhưng con sẽ chẳng bao giờ “Ôm giá băng ngỡ thầm người yêu tới” mà con luôn thức tỉnh để đón chờ “ Người Yêu Giêsu tới” trong niềm hân hoan phấn khởi, đặt trọn niềm hy vọng và sự tín thác vào mầu nhiệm Con Thiên Chúa làm người. Đồng thời, con cũng cố gắng tỉnh thức để đợi chờ ngày Chúa hoàn tất công trình Cứu độ. Bởi lẽ đó:

Mùa Vọng năm nay lại đến, nguyện xin Chúa Hài Đồng, Mẹ Maria, Thánh Cả Giuse thương ban ân phúc. Xin Các Ngài thúc dục, dắt tay chỉ lối cho con đến với Bí Tích Hòa Giải, vì đây là nguồn trợ lực để con chuẩn bị cho mình một tâm hồn xứng hợp, nhiệt thành tham dự vào “Mầu nhiệm Con Thiên Chúa làm người”.

Xin Chúa ban cho con “Một cái đầu lạnh và một trái tim nóng”! 

- Cho con xin một cái đầu lạnh để con đủ nhận thức lánh xa thế lực sự dữ, biết dừng lại đúng lúc đúng nơi khi mà trong bối cảnh xã hội hiện nay, trào lưu tục hóa ngày càng leo thang, luôn tìm cách len lỏi vào từng gia đình, từng trường học, từng khu xóm…, các vấn nạn cứ ngang nhiên như những vị khách không mời mà đến, đã và đang đặt ra cho gia đình và xã hội những thách thức bởi sự nham hiểm, hòng nhăm nhe cướp đi các giá trị đạo đức nơi gia đình và xã hội. Một cái đầu lạnh để con đủ hiểu biết, tẩy chay những khuynh hướng mà bằng cách này hay cách khác đã từng hoặc đang manh nha tấn công vào giáo hội; Xin cho con được vững vàng, không bị chao đảo và mãi luôn kiên định trong niềm tin của mình. Bởi lẽ, đời con đã xác tín nơi Đấng Cứu Độ trần gian. Một cái đầu lạnh để biết phân biệt rạch ròi nơi những ly bia, chén rượu khi con nâng lên Mừng Chúa Giáng Sinh chỉ là hành vi mang tính tô điểm cho niềm vui chứ không phải sự kiện Mừng Chúa Giáng Sinh là cơ hội để con làm cho dòng bia rượu chảy xiết và tăng thêm lưu lượng.

- Cho con xin một trái tim nóng bởi nơi chốn chợ đời con cứ mãi luẩn quẩn, mải mê trong vòng vây “hỉ, nộ, ái, ố, lạc, dục” đan xen. Để rồi có những lúc niềm tin của con lung lạc thì xin Chúa ban Ơn Thánh Thần để con cảm nhận được giá trị sâu sắc bởi hành vi quỳ gối, vì khi quỳ gối là con đã tin, như Blaise Pascal nói: "Con người vĩ đại khi quỳ cầu nguyện."; Và Chúa ơi, con chỉ muốn được trở nên vĩ đại là khi con cúi đầu quỳ gối trước mặt Chúa mà thôi!. Một trái tim nóng để con luôn biết mến yêu và vâng phục Hội thánh Chúa; Xin cho con cảm nhận được Lòng Thương Xót Chúa, để con biết đồng cảm, biết dừng lại bên đời những số phận bất hạnh vì con tin rằng, Chúa luôn hiện diện nơi những người anh em hèn mọn của con. Một trái tim nóng để con biết xóa bỏ đi những định kiến và lòng thù hận, biết đụng chạm vào sự khoan dung để con có thể trở nên hạt mầm xanh tươi được gieo vãi và phát triển tốt lành trên cánh đồng lữ thứ trần gian. Xin Chúa cho con một trái tim nóng để nơi gia đình con, nền tảng yêu thương luôn là đích điểm và giá trị đạo đức tuyệt hảo trong Bản kinh Mười Điều Răn luôn được gia đình con “ Khắc cốt, ghi tâm”.

- Và con chỉ xin Chúa cho con một trái tim: “…Nhỏ bé thôi nhỏ bé thôi, như nước mưa tan trong biển khơi, Nhỏ bé thôi nhỏ bé thôi, trái tim con trong trái tim Người, Nhỏ bé thôi nhỏ bé thôi, là tình con trong khối tình Người…”.

Con hằng tâm nguyện và thành tâm tự hối để mong được hòa nhịp, cùng với mọi người sống chan hòa, thương yêu trong Mùa Vọng - Mùa Hồng Ân Cứu Độ - Mùa Cực Thánh, để con sẵn sàng đồng hành với niềm hân hoan và sự hứng khởi ca mừng Thiên Chúa Giáng Sinh:

“Mừng ngày Chúa Sinh ra đời, nào mình cùng nắm tay tươi cười, hòa bình đến cho muôn người, cùng cất tiếng ca mừng vui. Mừng ngày Giáng Sinh an hòa ,mừng hạnh phúc cho muôn nhà! Từ thành phố hay đồng quê muôn nơi vang tiếng hát ca vang lừng. Đêm Noel, đêm Noel, ta hãy cùng vui lên! Đêm Noel ơi đêm ta xin Ơn Trên ban hòa bình cho trần thế. Đêm Noel, chuông vang lên, chuông giáo đường vang lên. Đêm Noel, vui đêm Noel, ta hãy chúc nhau câu cười!”

Jos. Nguyễn Mừng