SUY NIỆM LỜI CHÚA CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG

 HÃY THỐNG HỐI VÌ NƯỚC TRỜI GẦN ĐẾN



Bước vào Chúa nhật II Mùa Vọng với chủ đề: Populus Sion ... (Này hỡi Dân Sion…) Chúa sắp ngự đến cứu độ muôn dân. Người sẽ lên tiếng thật oai hùng, khiến tâm hồn anh em hoan hủy... " (Ca nhập lễ) làm cho tâm hồn chúng ta rạo rực hẳn lên. Khơi dậy trong ta một lịch sử của sự tha thứ và khám phá ra lòng trắc ẩn của Thiên Chúa đối với con người. Lịch sử ấy có những đòi hỏi như Gioan Baotixita mách bảo chúng ta: « Hãy sửa đường Chúa », nghĩa là: hãy hoán cải tâm hồn đón chờ Chúa đến.
Bài đọc I vang lên làm chúng ta nhớ đến sự mong chờ Đấng Cứu Thế đến của Dân Do Thái, Đấng mà ngôn sứ đã loan báo: "Từ gốc Giêsê sẽ đâm ra một chồi và cũng từ gốc ấy sẽ đơm lên một bông hoa. Trên bông hoa ấy, thần linh của Thiên Chúa sẽ ngự xuống… Ngài sẽ lấy đức công minh mà xét xử những người nghèo khó, và lấy lòng chính trực mà bênh đỡ kẻ hiền lành trong xứ sở... " (x. Is 11, 1-10).
Tin Mừng theo Thánh Matthêu (3, 1-12) trình bày cho chúng ta nhân vật Gioan Tẩy Giả, vị tiên tri cuối cùng của Cựu Ước, từ trong hoang địa, rao giảng kêu gọi dân Do Thái sám hối. Lời giảng tuy nghiêm nghị nhưng thu hút nhiều người. Gioan đã xuất hiện với những người đương thời như là hy vọng cuối cùng của một dân tuyệt vọng. Rất ít người nhận ra nhiệm vụ đích thực của ông là để " dọn đường cho Chúa", loan báo Chúa đến.
Gioan xuất hiện như Tiếng kêu trong hoang địa, mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da thú. Ông không kêu gọi người ta trở nên nhà khổ tu giống như ông. Ông rao giảng rằng: "Hãy ăn năn thống hối, vì nước trời gần đến ... chớ tự phụ nghĩ rằng: tổ tiên chúng tôi là Abraham. Vì ta bảo cho các người hay: Thiên Chúa quyền năng có thể khiến những hòn đá trở nên con cái Abraham. Đây cái rìu đã để sẵn dưới gốc cây. Cây nào không sinh trái tốt, sẽ phải chặt đi và bỏ vào lửa." Kết quả là: "Dân thành Giêrusalem, khắp xứ Giuđêa và các miền lân cận sông Giođan tuôn đến với ông, thú tội và chịu phép rửa do tay ông trong sông Giođan." Lời của Gioan vẫn vang dội qua các thời đại và như một sứ điệp cấp bách gửi đến với chúng ta ngày hôm nay.
Gioan Tiền Hô lớn tiếng kêu gọi: "Hãy ăn năn thống hối, vì nước trời gần đến". Mùa Vọng năm nay, chúng ta đang sống như thế nào, nếu không phải là chuẩn bị tâm hồn, giục lòng tin, cử hành Phụng vụ cho sốt sáng để lãnh nhận Ân Sủng mà Chúa Kitô đã mang đến trong thế gian cho mọi người hưởng nhờ. Trong năm vừa qua, chúng ta đã đi trọn con đường đặc biệt cử hành Năm Thánh Lòng Thương Xót. Giờ đây, có thể nói là bốn tuần của Mùa Vọng là như "tiền đường" để bước tiếp vào những ngày thánh. Chúng ta hãy chuẩn bị tinh thần bằng lời cầu nguyện, ngõ hầu Mùa Giáng Sinh sắp đến gặp thấy chúng ta sẳn sàng tiếp đón Ðấng Cứu Thế ngự đến!
"Hãy ăn năn thống hối". Ðể gặp được Ðấng cứu thế, con người cần phải hoán cải chính mình, nghĩa là tiến đến cùng Chúa Kitô với đức tin tươi vui, bỏ đi những cách thức suy tưởng và nếp sống ngăn cản chúng ta sống theo Chúa cách trọn hảo.
"Vì nước trời gần đến". Công Đồng Va-ti-ca-nô II dạy rằng: Chúng ta không biết được thời gian hoàn tất của trái đất và nhân loại, chúng ta cũng chẳng biết cách thức biến đổi vũ trụ. Chắc chắn hình ảnh của một thế gian lệch lạc vì tội lỗi sẽ qua đi, nhưng chúng ta được biết Thiên Chúa đã dọn sẵn một chỗ ở mới và một đất mới, nơi công bằng ngự trị. Hạnh phúc nơi ấy sẽ thỏa mãn và đắp đầy mọi ước vọng hòa bình trào dâng trong lòng con người. Khi ấy, sự chết sẽ bị đánh bại, con cái Thiên Chúa sẽ phục sinh trong Chúa Kitô và những gì được gieo vãi trong yếu hèn, mục nát, sẽ mặc lấy sự không hư nát; tình yêu và các hoạt động bác ái sẽ tồn tại và toàn thể tạo vật mà Thiên Chúa đã dựng nên cho con người sẽ được giải thoát khỏi ách nô lệ phù vân.
Chúng ta đã được cảnh giác là lời lãi cả thế gian mà chính mình hư mất nào ích lợi gì. Nhưng sự trông đợi đất mới không được làm suy giảm, trái lại phải kích thích nỗ lực phát triển trái đất này, nơi mà Thân Thể gia đình nhân loại mới đang tăng trưởng và tiên báo một vài hình ảnh của thời đại mới. Trích "Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng ", § 39, 1-3.
Chúng ta hãy đặt vào tay Mẹ Maria Nữ Vương của niềm hy vọng mọi ước muốn tốt lành của chúng ta, để Mẹ giúp chúng ta sống Mùa Vọng này cho xứng. Cầu chúc cộng đoàn chúng ta thăng tiến luôn mãi với ơn Chúa. Amen.

 Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Cho bạn, cho tôi


Cho bn và Cho tôi


Tôi viết những điều này cho bạn và cho tôi. Mỗi khi đau buồn hay bế tắc hãy nghĩ đến nhau đến những người xung quanh. Họ vẫn luôn bên cạnh bạn và cầu mong cho bạn được hạnh phúc. Không ai sinh ra một mình trên cõi đời, chúng ta sống là sống cùng và sống với. Không ai là một hòn đảo chúng là hành tinh nhỏ trong các hành tinh, hạt cát nhỏ trong sa mạc của Chúa.
Vì thế hãy cố gắng và vượt qua bạn nhé. Hãy nhớ rằng trong chúng ta cũng luôn có một sức mạnh tiềm ẩn, sức mạnh đó sẽ giúp chúng ta vượt qua giông bão cuộc đời. Bạn hãy tìm thấy được sức mạnh trong tâm trí của bạn và đừng tìm sức mạnh ở đâu xa. Hãy sống và dám sống đừng để sự tuyệt vọng chôn mất cuộc đời của bạn. Không ai có một cuộc đời hoàn hảo cả, sau những lần thất bại bạn sẽ thấy trưởng thành hơn. Đừng bao giờ để mình bị quật ngã trước những thất bại mà hãy xem đó là bài học vô cùng quý giá.
Cuộc sống luôn có những khoảng lặng như những dòng nhạc xen kẽ nốt lặng để nâng cung lòng của giai diệu thì nốt lặng của cuộc sống là hiểu mình và hiểu những cung bậc của cuộc sống. Giá trị của một con người được đo lường nơi khả năng thinh lặng nội tâm của người đó. Người ta không chỉ cầu nguyện bằng lời mà bằng những cách chìm đắm trong tĩnh lặng. Đừng bao giờ phán xét người khác khi chưa hiểu họ vì quá khứ và tương lai ko là gì nếu bạn không trân trọng hiện tại và nỗi đau cũng là một thầy dạy tuyệt vời. Cuộc sống không có những sai lầm mà chỉ có những bài học, mỗi lần thất bại là một cơ hội để phát triển trí tuệ và khả năng của mình.
Đáng khâm phục của người đời người là vươn lên sau khi ngã, thà dám cố gắng dấn thân cố gắng hết mình mà gặp thất bại còn hơn là là sống một đời tẻ nhạt. Không ai có một cuộc sống hoàn hảo cả sau những lần thất bại bạn sẽ cảm thấy trưởng thành hơn. Đừng bao giờ để mình bị quật ngã trước những thất bại mà hãy xem đó là bài học quý giá. Người ta không thua khi bại trận mà chỉ thua đi đầu hàng. Con ốc sên không bao giờ từ bỏ hành trình vươn lên cuả mình dù có rớt xuống nó vẫn cố gắng bò lên bức tường vôi hay nhà thám hiểm luôn kiên trì trên hành trình của mình. Bạn cũng thế hãy cho mình một cơ hội một khởi đầu mới để tiếp tục cuộc hành trình của mình.


Lotus lotus

SỨC MẠNH CỦA LỜI NÓI


SỨC MẠNH CỦA LỜI NÓI


Lời nói là gì? Từ rất lâu trong lịch sử nhân loại, ngôn ngữ đã được hình thành qua quá trình lao động sản xuất, chinh phục thiên nhiên, xây dựng mối quan hệ cộng đồng. Con người dùng ngôn ngữ để bày tỏ tư tưởng tình cảm của bản thân với những người xung quanh. Từ đó, loài người hiểu và thêm yêu thương gắn bó với nhau.
Lời nói là một ơn huệ chỉ dành cho con người, trên địa cầu này mà thôi, nếu không có những lời trao nhau thiết tưởng cuộc sống của chúng ta sẽ ra sao nhỉ? Chắc nghèo nàn và khô cằn lắm!
Qua lời nói, chúng ta truyền đạt với nhau, từ tâm hồn này tới tâm hồn khác. Nhờ lời nói chúng ta biểu lộ, với tất cả sức mạnh của tâm tình và gắn bó với tha nhân bằng cách ghi sâu đường nét và hình dạng con người cũng như tấm lòng chúng ta vào trong trí óc và con tim người khác.”[1]
Miệng người ngay là suối nguồn sự sống
Miệng kẻ ác ẩn dấu bạo hành
                                                                  Cn 6,11
Như vậy, giá trị và ý nghĩa của lời nói thật vô cùng to lớn. Lời nói được thốt ra từ trí tuệ và tâm tư của người này sẽ đến được với trí tuệ và tâm tư người khác. Đó là phương tiện kết nối vô cùng quan trọng. Lời nói sẽ đem lại sự giúp đỡ giữa người và người, nâng đỡ tinh thần, an ủi khi buồn, chia sẻ khi vui. Những sức mạnh tinh thần mà lời nói đem lại sẽ giúp con người chúng ta vượt qua nhiều thử thách, có thể học tập, lao động, sáng tạo tốt hơn, gặt hái nhiều thành tựu hơn. Trong khoa học, lời nói giúp chuyển tải các quan điểm nghiên cứu để khoa học được tiếp thu, phát triển. Trong công việc, lời nói là cách thức trao đổi làm việc nhóm, góp ý, động viên nhau; trong đời thường, lời nói là sự bày tỏ yêu thương, chia sẻ cùng nhau. Cũng có lúc giận hờn, con người dùng lời nói làm tổn thương nhau, điều đó thật đáng buồn, vì lời nói vô hình nhưng có khi sắc bén như gươm đao gây ra những vết thương lòng khó lành được. Bởi vậy, phải biết dùng lời nói để đem lại niềm vui, không nên dùng lời nói như một thứ vũ khí trong cuộc sống đời thường của mỗi chúng ta. Chính vì thế, ông bà ta khuyên con cháu rằng:
Chim khôn kêu tiếng rảnh rang
Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe. (Tục ngữ Việt Nam)

"Khôn" ở đây chính là chỉ người thông minh, khéo léo thì ắt am hiểu giá trị và ý nghĩa của lời nói. Có thể nói, sức mạnh lớn lao của lời nói thể hiện trong mọi hoàn cảnh cuộc sống con người. Đặc biệt là những lời nói chân chính, lan tỏa yêu thương. Mẹ Tê-rê-sa, nữ tu cả đời cống hiến cho tình yêu thương con người đã từng nói rằng: "Lời nói tử tế có thể ngắn và dễ nói, nhưng tiếng vọng của chúng là vĩnh cửu"!
“Ai trong anh em không vấp ngã về lời nói, ấy là người hoàn hảo” Gc 3,2
Vậy bài học rút ra cho con người, đặc biệt là những nữ tu như chúng ta, phải năng nói lên những "lời tử tế", đó là những lời nói có suy nghĩ, thốt ra từ tấm lòng chân thành, ngay thẳng và trung thực. Mỗi lời nói như vậy sẽ như một bông hoa tươi nở giữa đời thường của cuộc sống, đem lại hạnh phúc và niềm tin cho tất cả chúng ta cũng như mọi người sung quanh. Nhưng để vận dụng lời nói như một phương tiện giao tiếp hiệu quả, phương tiện trao gửi tư tưởng và tình cảm, cũng không phải tự nhiên mà làm được. Trước tiên, mỗi chúng ta phải năng trau dồi kiến thức về ngôn ngữ. Phải biết phát âm đúng, dùng từ hay, câu văn truyền cảm, cách nói năng phải mạch lạc. Không phải tự nhiên ta có thể đạt được những điều đó, nếu không ra sức học hỏi, ở trên đường đời  và cả trong cuộc sống. Để có được những lời nói có giá trị và ý nghĩa cao đẹp, con người còn phải rèn luyện nhân cách, trau dồi phẩm chất của bản thân. Là một người trưởng thành thì cần rèn luyện tính cách ôn hòa, kiên nhẫn, luôn tôn trọng mọi người, biết khiêm tốn, bao dung với người khác mà nghiêm khắc với chính mình. Huống chi chúng ta là những nữ tu thì điều đó còn phải đòi hỏi khắt khe hơn nữa. Khi đó, chúng ta mới có thể giao tiếp bằng lời nói một cách văn minh, lịch sự, và đạt hiệu quả cao nhất.
Lưỡi người khôn ngoan vốn là thuốc hay
Lời vô độ đâm xoi khác nào gươm.
                                                                   Cn 12,18
Như vậy, lời ăn tiếng nói luôn cần phải văn minh, thanh lịch. Có lẽ bao giờ con người còn hiện diện trên mặt đất này thì cũng không thể thiếu được vai trò của lời nói, để gắn kết và yêu quý nhau hơn. Người Việt chúng ta yêu quý tiếng mẹ đẻ, quyết tâm gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt. Mà muốn gìn giữ sự trong sáng đó, trước tiên, chúng ta cần học cách sử dụng lời nói thật đúng đắn, thật hay. Hãy để lời nói của chúng ta chuyên chở tình yêu thương và niềm vui đến cho mọi người!
“Thông minh là biết cách nói hợp lý, nghe chăm chú, trả lời dí dỏm, và ngừng nói khi cần”  Pasteur.
                                                                               Nt. Maria Phạm Thị Giêng.



[1] Gabriele Adani