BỞI "SĨ" NÊN KHỔ

Khi khổ, mình muốn than, và nhiều khi mình nhận được những thái độ khó chịu từ người khác. Thế nhưng, khi sướng, mình cũng làm điều tương tự, mình thấy khó chịu khi người khác cứ than vãn hoài.
Khi đau khổ, dường như than van là nhu cầu tự nhiên. Than van để cảm thấy bớt đau. Than van để người khác quan tâm. Than van để mong đau khổ sớm kết thúc. Than van để giãi bày tình cảnh. Cũng có khi than van vì chẳng biết làm gì hơn. Nhưng cũng thường xảy ra, khi nỗi khổ đau của mình không còn, mình quên luôn điều ấy, mình để cho kinh nghiệm khổ đau trôi vào dĩ vãng. Khi làm như thế, mình quên đi một phần quan trọng của đời mình, mình quên đi lòng biết ơn cần có, mình quên đi rằng hiện tại đang còn nhiều người khổ đau giống như mình đã từng nếm trải.
Khi khổ, mình muốn than, và nhiều khi mình nhận được những thái độ khó chịu từ người khác. Thế nhưng, khi sướng, mình cũng làm điều tương tự, mình thấy khó chịu khi người khác cứ than vãn hoài. Bởi thế mà lời vàng ngọc xưa nay vẫn văng vẳng mà chẳng bao giờ lỗi thời. Đó là một ước mơ thực tiễn mà khó làm. Người Việt mình nói: Thương người như thể thương thân. Kinh Thánh nói: Yêu người thân cận như chính mình. Thử điểm tên vài nỗi đau mà ai cũng từng nếm trải.
Đau đầu
Đau đầu rất dễ nhận thấy khi bị cảm sốt, hoặc khi phải suy nghĩ quá sức, có khi do những chứng bệnh. Có thể là đau khắp đầu. Đau râm ran. Vừa đau vừa nóng bừng bừng. Đau nửa đầu. Đau đỉnh đầu. Đau gáy, mỏi cổ. Đau như búa bổ. Đau đầu nhức óc… Có những cơn đau có thể được làm dịu hoặc được chữa lành nhờ thuốc, nhưng cũng có những loại đau kinh niên. Có những loại nặng hơn, và khó lòng có thuốc chữa. Ví như đau đến mức rối loạn trong chứng trầm cảm, tự kỷ, hoặc hoang tưởng v.v. Đó là mới chỉ kể một chút về những gì có thể thấy tỏ tường và trải nghiệm rất cụ thể trên phương diện thể lý.
Nói đến cái đầu, thường nghĩ ngay đến trí khôn, đến khả năng suy nghĩ. Sâu xa hơn khả năng suy nghĩ, có lẽ là nếp nghĩ. Sâu hơn nếp nghĩ có lẽ là những cách nhìn. Sâu hơn nữa, có lẽ là một cái nền ở đằng sau những suy nghĩ. Thế nhưng, nhiều người dễ quên một năng lực rất đáng quý của con người, đó là khả năng suy đi nghĩ lại, khả năng phản tỉnh, khả năng tự soi gương và nhận ra bản thân, khả năng sáng tạo, khả năng tự đổi mới. Theo truyền thống, chúng ta gọi đó là lương tâm. Ở nơi thâm cung này, tôi không thể tự lừa dối mình và người khác cũng không thể lừa dối tôi.
Nếu cứu chữa ở mọi phương diện mà quên đi lương tâm, thì hoặc là người ấy trở thành tàn phế, hoặc là trở thành một cỗ máy vô cùng nguy hiểm cho những kẻ vô lương tâm lợi dụng.
Đau răng
Khi đau đầu đã thấy khổ. Khi đau răng, có lúc còn cảm thấy khổ hơn nữa. Vì răng đau liên hệ trực tiếp đến dây thần kinh ở chân răng, và nối với dây thần kinh ở não bộ. Mỗi lần cơn đau đến là nhức răng và buốt óc. Từng cơn đau cứ kéo đến và giật mạnh. Cảm giác không chỉ là như búa đập bên ngoài đầu, mà dường như có cái kim châm vào tận bên trong. Cơn đau có thể làm mất ngủ mất ăn.
Tôi có thể cảm thấy đau khủng khiếp như vừa diễn tả, là do sự kết nối hiệu quả của dây thần kinh từ nhiều hệ thống khác nhau, giữa răng với não bộ với cảm giác. Cảm thấy đau như thế, sẽ thúc giục tôi tìm cách chữa trị và khi chữa răng khỏe thì toàn thân sẽ khỏe. Nhưng nếu răng đau mà tôi không biết, tức là dây thần kinh kết nối không hoạt động, thì răng sẽ hư và việc ăn uống và nhiều điều khác sẽ bị ảnh hưởng.
Bác sĩ có thể cho uống thuốc hoặc tiêm thuốc giảm đau, để tạm ngắt kết nối. Nhưng đây chỉ là cách giải quyết tình thế mà thôi. Cội nguồn là phải chữa răng. Tiếc rằng, ngày nay trong cuộc sống, người ta lại quá chuộng những loại giảm đau, những loại kích thích. Những loại này hoặc cắt đứt các kết nối, hoặc gây ra cảm giác không thực cho các kết nối. Và hậu quả là ai cũng thấy, vấn đề ngọn nguồn không được chữa trị. Người có răng đau mà sống như thể răng không đau. Đến lúc răng hư và hư người, người ta cũng không biết là tại sao nữa. Bởi lẽ người ta đã quá lạm dụng đủ loại hóa chất và thủ thuật tâm lý để cắt bỏ hoặc làm tê liệt hệ thống kết nối: kết nối giữa các hệ thần kinh trong chính bản thân, kết nối với người khác, và kết nối với Trời cao.
Đau mắt và đau tim
Có hai loại đau cũng thường gặp là đau mắt và đau tim. Người viết không bàn nhiều ở đây, mời bạn tự viết tiếp cho chính mình và cho người thân. Chỉ biết rằng, mắt người ta hình như càng ngày càng phụ thuộc vào nhiều thứ kính đeo và máy móc. Ngày càng có nhiều người dán mắt vào đủ loại phức tạp. Làm cho tầm nhìn không biết là tầm nào nữa. Tim người ta hình như càng ngày càng yếu trong cảm nhận cũng như khả năng chịu đựng và đón nhận.
Bệnh sĩ chết trước bệnh tim
Còn nhiều thật nhiều nỗi đau khác chưa kể tới. Đó là những nỗi đau nơi chính mình, nơi người khác, nơi tình người. Nhưng một căn bệnh mà xưa nay vẫn thế, vẫn có vẫn tệ và hầu như ai cũng thích mắc. Đó là bệnh sĩ, sĩ diện, hư hanh, háo danh, ham danh, đeo mặt nạ. Dù vẫn biết là bệnh sĩ chết trước bệnh tim, nhưng mỗi người thường muốn một chút gì đó là mang danh.
Thầy Giêsu có cách điều trị căn bệnh này. Đó là con đường từ bỏ chính mình, là coi người khác trọng hơn mình, là vác thập giá mình, vác chính những sai lỗi và bất toàn của bản thân, đón nhận tất cả những điều ấy hằng ngày mà bước theo Thầy. Chẳng có mấy ai theo! Nhưng nếu ai theo thì thật là có phúc! Vì khi chữa được bệnh sĩ, người ta bắt đầu sống thật và vươn lên như diều gặp gió. Đó là sự chuyển mình vĩ đại của bậc thánh nhân.
Tứ Quyết SJ

KHOẢNG LẶNG CUỐI NĂM


Cuối năm tản mạn đôi dòng
Như trải tấm lòng thao thức suy tư
Cuộc đời một khoảng-thực-hư
Giã từ năm cũ, đón chờ tân niên



Cuối năm. Bloc lịch “gầy guộc” trơ trọi nằm lặng lẽ trên tường. Hình như nó cũng biết bâng khuâng!

Tôi ngồi trầm ngâm tính “sổ đời” và lật lại những trang lòng. Một sợi tóc quên xanh bất chợt rụng xuống trên trang viết. Thảng thốt. Vậy mà đôi khi tôi cứ ngỡ mình còn trẻ. À, tuổi xuân đã đi qua. Cơn lốc nào vẫn xoáy tít giữa dòng đời khiến ước mơ choáng váng? Những cơn mưa có lúc rất dễ thương, có khi lại bất chợt và vô tình làm ướt sũng vai áo bạc sờn. Vạt nắng có lúc vàng óng như tơ thong thả soi bóng lũy tre xanh đang rì rào ru giấc trưa, có khi lại hăng nồng, oi ả và gay gắt. Thế mà vẫn không đủ độ nóng hong khô một nỗi nhớ xa ngái. Mênh mang và mơ hồ. Mùi đất xông lên ngai ngái…

Bao năm ròng rã bôn ba giữa chợ đời, lòng tôi hóa cằn cỗi quá! Đam mê lúc đầy, lúc vơi, như sóng vỗ xô lòng tôi nghiêng chao, chênh vênh, khiến tôi như cánh bèo trôi giạt mãi lạc loài trong mấy vần thơ và dăm nốt nhạc. Tôi ngu ngơ đến nỗi tưởng chừng hóa thành tảng băng trên vùng Bắc cực. Tiếng xe cộ ngược xuôi ồn ào, tiếng ba gác khô khốc trên phố xá mà tôi vẫn trơ trơ hay đã bị đồng hóa? Tôi thèm nghe nhịp chân ngựa dồn vang xa, phía sau là chiếc thổ mộ mộc mạc. Ôi, một thoáng quê hương đã xa ngái!

Nửa đời vụt qua nhanh, tôi đã bước qua bên kia con con dốc cuộc đời. Cuối năm, sực nhìn lại mình và thốt nhiên nhận ra vị trí riêng mình thì hầu như đã là những giây phút của một sự muộn màng nào đó. Không thể không bâng khuâng. Lòng chùng xuống như sợi dây đàn khi thời tiết ẩm ướt. Rối bời những lo toan, bộn bề những nghĩ suy. Tôi như chiếc độc bình hiu quạnh đầy bụi bặm nằm lặng lẽ ở một góc đời. Lẽ nào tôi thành lạc hậu trong xã hội xa hoa và văn minh hôm nay mất rồi sao? Mơ ước vẫn vời xa… Tôi cứ loanh quanh mãi, như cố NS họ Trịnh tự vấn: “Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi! Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt? Trên hai vai ta đôi vầng Nhật, Nguyệt. Dọi suốt trăm năm một cõi đi về!” (Một Cõi Đi Về).

Tôi lang thang ra phố tìm vào một quán cà-phê vắng khách. Tĩnh tọa. Nhánh-sông-tôi vẫn trầm và vẫn động. Tiếng nhạc êm ả huyền thoại, giai điệu vẫn mượt mà. Cô chủ quán xinh xắn, dịu dàng, và đôn hậu “vô tình” bỏ quên nụ cười bên tách cà-phê đen. Những giọt buồn thánh thót, đều đặn. Âm nhạc đột biến thăng, giáng, xa vắng… Có nốt nhạc nào về dấu bình như thường? Âm nhạc chuyển điệu và biến tấu, lúc khoan, lúc nhặt. Cuộc đời cũng thế! Cà-phê bao giờ cũng vậy, đắng mới ngon. Lặng nghe vị đắng ngấm vào cơ thể để nghe xót xa cõi lòng. Chút dư vị làm tê lưỡi, môi miệng đắng đót như người trong cơn bệnh trầm kha. Đắng mà thú vị. Nhưng không ai thích cà-phê-đời có vị đắng! Tôi vê tròn nỗi đam mê thành điếu thuốc để đốt cháy những sợi tương tư thảo. Mấy đầu ngón tay đã vàng vọt…

Giao mùa. Giao thừa. Thời gian cứ vô tình dẫu nỗi buồn đã già nua.

Ngày mai tôi cũng sẽ như chiếc lá vàng rụng xuống từ giã mùa Thu để nhường bước cho mùa Đông lạnh lẽo. Tất nhiên thôi. Qui luật muôn đời: Sinh ký, tử quy. Sợi tóc bạc màu thời gian báo hiệu sự lão hóa thể lý. Nuối tiếc? Có thể. Tôi vẫn chưa làm gì được xứng đáng mặt mày râu, đường đường một tu mi nam tử. Không phải người ta sợ già mà người ta chỉ nuối tiếc tuổi xuân vụt qua như bóng câu. Thời gian vẫn vậy, nhưng thời gian có thể dài hay ngắn tùy tâm trạng con người. Thân phận con người mỏng dòn, nhỏ nhoi và yếu đuối quá đỗi! Thế mà đôi khi “tôi không làm điều tôi muốn mà lại làm điều tôi không muốn” (Thánh Phaolô). Tôi còn mang nhiều vị kỷ. Ôi, “cái TÔI thật đáng ghét” (Pascal). Khoảng buồn mênh mang bởi cái nghịch lý của sự yếu-đuối-nhân-loại ấy!

Màu tím choàng lên vai năm tháng. Chiều lên hay xuống? Vừa lên vừa xuống. Lời chiều réo gọi khi hoàng hôn rủ bóng. Sắc nhớ đã nhắc nhở về trăm năm hữu hạn kiếp người, mong manh và ngắn ngủi. Đâu khác chi bông hoa trước gió lộng, vì tôi chỉ được hóa thân từ cát bụi. Thiết nghĩ, nếu chiều dài của đời người là 1 m thì công thức có thể được tính là: 9 dm buồn + 1 dm vui. Một thực tại hẳn là quá phũ phàng! Đời người cũng như ngọn nến hao mòn khi được thắp sáng. Nhưng thắp sáng ở đâu và hao mòn cho ai? Cuộc sống hữu ích sẽ không là nghiệp chướng (theo cách nói nhà Phật) dù vẫn chỉ là một kiếp người.

Cõi lòng chợt tím. Tím đa sắc màu. Tím nhớ, tím mong, tím bâng khuâng, tím buồn, tím lo toan,… Càng sống lâu thì trái tim càng “cũ”. Vì thế, cần có tình yêu thương và lòng vị tha như chất sira để “đánh bóng” trái tim đã bị mờ nhạt vì bụi trần. Tôi đã, đang và mãi mãi cần một trái tim mới và bóng láng để phần nào phản chiếu được ánh sáng Chân-Thiện-Mỹ. Thước đo lòng tốt là tình yêu thương, không kỳ thị ai vì bất kỳ lý do nào. Sống tốt không chỉ là không làm điều ác (tiêu cực) mà còn phải làm điều thiện (tích cực). Khó thế mà tôi chẳng những yếu đuối mà lại đầy Tham-Sân-Si, khát vọng khôn nguôi, tháng ngày bất túc,… Con dế trũi cũng biết lặng rung cánh ưu phiền. Nhánh cỏ dại bên đường dẫu khẳng khiu vẫn “cam chịu” cả nắng sớm lẫn mưa chiều. Biển có bình yên vẫn còn sóng lăn tăn vết buồn, nhưng biển ngàn năm vẫn mặn và bao la, luôn sẵn sàng bồi đắp phù sa.

Cuối giờ, cuối ngày, cuối tháng, cuối năm. Ít nhiều gì tôi cũng phải chuẩn bị cho cuối đời. Trời đất có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Có mùa nào là “mùa tôi” trong chốn phù trầm này? Tôi chợt thèm uống vài giọt piano cho cõi lòng mát rượi.

Tản mạn đôi dòng cuối năm để tập trung suy nghĩ. Xin cảm ơn nỗi khổ. Xin cảm ơn gian truân. Xin cảm ơn cuộc đời. Xin cảm ơn thời gian. Vì chính tôi đã nhận như không cả một niềm-khát-vọng-vươn-tới-hạnh-phúc-không-ngừng. Quả đúng là có năm cung bậc dẫn đến khôn ngoan là lặng thinh, lắng nghe, ghi nhớ, hành động, và học tập (Tục ngữ Ả-rập). Âm nhạc Việt Nam cũng có hệ thống ngũ cung, nghe rất lạ. Thâm thúy dường bao tư tưởng của một thi sĩ xưa:

Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người đến chốn lao xao

Và rồi mùa Đông giá lạnh cũng sẽ qua để con dơi bừng giấc Đông. Và bình minh lại vươn cao để gọi nắng Xuân về chiếu tỏa, sưởi ấm mọi miền cho ngàn hoa khoe sắc, cho cây lành, trái ngọt. Tôi lại tiếp tục khởi sự một-bắt-đầu. Dù thế nào cũng vẫn cần phải “dậy mà đi” (Ngô Tất Tố), như dòng sông không ngừng chảy. Vâng, “Tôi ơi, đừng tuyệt vọng!” (Trịnh Công Sơn). Hãy cố gắng là một đóa hồng trao tặng cuộc đời. Con chim vẫn hót dù biết mình sắp bị mũi tên bắn trúng. Như vậy, tôi phải sống thăng hoa, vượt lên mọi chướng ngại. Tôi cố gắng viết những gì tôi sống, và sống những gì tôi viết…

Cuộc sống có biết bao điều khiến người ta sợ, không ai giống ai và với các mức độ khác nhau. Nhưng chính Chúa Giêsu nhiều lần khuyến khích: “Đừng sợ!” (St 15:1; St 21:17-18; St 26:23-24; St 35:16-17; St 43:23; St 46:1-4; St 50:18-21; Xh 14:13; Đnl 31:6; Is 41:10; Is 41:13; Is 43:1; Is 43:13; Gr 46:27-28; Gr 51:46; Mt 10:26; Mt 10:28; Mt 10:31; Mt 14:27; Mt 17:7; Mt 28:5; Mt 28:10; Mc 5:36; Mc 6:50; Ga 14:27; Lc 1:13; Lc 1:30; Lc 2:10; Lc 5:10; Lc 12:4; Lc 12:7; Lc 12:32; Lc 21:9; Ga 6:20; Ga 14:27; Kh 1:17-18). Lời động viên ngắn gọn, giản dị mà đầy đủ ý nghĩa, nhưng lại không dễ thể hiện!

Dù chưa làm được điều mình muốn, nhưng tôi vẫn muốn làm điều mình mơ ước. Tôi muốn cố gắng noi gương người Samari nhân hậu (Lc 10:29-37). Tôi không muốn tranh giành như hai con ông Dêbêđê (Mt 20:20-23; Mc 10:35-40). Tôi muốn sống theo lời Chúa Giêsu khuyên phục vụ (Mt 20:24-28; Mc 10:40-45). Tôi chỉ như ông Ladarô (Lc 16:19-31) nghèo khổ, và như ông Mátthia (Cv 1:24-26) điền vào chỗ trống cho đủ. Con người rất dễ kiêu ngạo, thế nên tôi cần cố gắng sống khiêm nhường (Ga 13:1-20), tự khó với chính mình. Tôi chỉ là người phụ nữ ngoại tình (Ga 8:2-11), là người thu thuế (Lc 18:13), nhưng tôi tin Chúa Giêsu là Đường, là Sự thật và là Sự sống (Ga 14:6).

Lạy Thiên Chúa giàu Lòng Thương Xót, con tín thác vào Ngài! Xin hướng dẫn con từ lúc con bắt đầu suy nghĩ để con có thể hành động đúng Tôn Ý Ngài, vì tất cả đều bởi Ngài và là của Ngài, xin giúp con quản lý tốt những “nén” mà Ngài giao phó cho con để sinh lợi cho Ngài. Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Thiên Chúa cứu độ của con. Amen.

TRẦM THIÊN THU


Sứ điệp Hoà bình 2017: Lắng nghe và suy nghĩ

Nếu bạo lực hay hoà bình đều bắt nguồn từ bên trong, và vì thế, phải gieo vãi và vun trồng hạt giống hoà bình trong tâm hồn từ tấm bé, vậy còn nơi nào lý tưởng hơn môi trường gia đình...
1. Đã thành thông lệ, cứ vào ngày đầu năm dương lịch, Đức Giáo hoàng lại ban hành Sứ điệp Ngày Hoà bình Thế giới. Điều đặc biệt của Sứ điệp năm 2017: đây là dịp kỷ niệm 50 năm Hội Thánh Công giáo cử hành Ngày Hoà bình Thế giới, và Sứ điệp Hoà bình năm nay là Sứ điệp lần thứ 50.

Năm mươi năm trôi qua nhưng nội dung của Sứ điệp đầu tiên, năm 1967 của Chân phước Giáo hoàng Phaolô VI, vẫn còn nguyên tính thời sự: “Hoà bình là hướng đi duy nhất đích thực của sự phát triển con người – chứ không phải là những căng thẳng tạo ra do những thứ chủ nghĩa quốc gia đầy tham vọng, cũng như những cuộc chinh phục bằng bạo lực, hoặc những cuộc đàn áp nhân danh trật tự xã hội giả tạo” (Sứ điệp, số 1). Có lẽ được gợi hứng từ khẳng định căn bản này cũng như từ thực tế mà thế giới đang đối diện, chủ đề của Sứ điệp năm 2017 là: Bất bạo động, kiểu mẫu của nền chính trị phục vụ hoà bình.

2. Nói đến bất bạo động, người ta dễ nghĩ đến những khuôn mặt nổi bật như Mahatma Gandhi và Khan Abdul Ghaffar Khan trong công cuộc giải phóng Ấn Độ, hoặc mục sư Martin Luther King trong phong trào chống phân biệt và kỳ thị chủng tộc tại Hoa Kỳ. Đúng thế, nhưng đừng quên rằng chính Đức Giêsu Kitô mới là đấng khơi nguồn cho chủ trương bất bạo động: “Khi Người ngăn cản những kẻ tố cáo định ném đá người phụ nữ bị bắt vì phạm tội ngoại tình (x. Ga 8,1-11), và trong đêm Người bị bắt, khi Người ra lệnh cho Phêrô xỏ gươm vào bao (x. Mt 26,52), Chúa Giêsu đã mở ra con đường bất bạo động. Người đã bước đi trên con đường đó đến cùng, đến tận thập giá, ở đó Người trở thành sự bình an và chấm dứt mọi hận thù (x. Eph 2,14-16)” (Sứ điệp, số 3).

Chính vì thế, tất cả những ai mang danh Kitô hữu phải là người thực hành bất bạo động: “Ngày nay, để là những môn đệ đích thực của Chúa Giêsu, phải ôm ấp giáo huấn của Chúa về bất bạo động… Với các Kitô hữu, bất bạo động không chỉ là một ứng xử mang tính chiến thuật nhưng là một lối sống, là thái độ của một người xác tín vào tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa đến nỗi không sợ hãi đối diện với sự ác bằng vũ khí của tình yêu và chân lý mà thôi… Mệnh lệnh ‘Hãy yêu thương kẻ thù’ (x. Lc 6,27) phải được xem như hiến chương của bất bạo động Kitô giáo. Điều đó không có nghĩa là bị khuất phục trước cái ác nhưng là lấy sự lành đáp lại điều ác (x. Rm 12,17-21) và do đó, bẻ gẫy dây chuyền của bất công” (Sứ điệp, số 3).

Cũng vì thế, trong thời điểm hiện nay, khi đang có những cuộc khủng bố được dán nhãn tôn giáo, Đức Giáo hoàng Phanxicô có những khẳng định thật mạnh mẽ trước toàn thế giới: “Không có tôn giáo nào là khủng bố cả”; “Không thể lấy Danh Chúa để biện minh cho bạo lực. Chỉ có hoà bình là thánh thiện. Chỉ có hoà bình mới được gọi là thánh, không có chiến tranh nào là thánh cả!” (Diễn văn tại Assisi, ngày 20-10-2016)

3. Vì Chúa Giêsu là đấng khơi nguồn lối sống bất bạo động, nên để sống tinh thần bất bạo động cách đích thực, hãy lắng nghe giáo huấn và chiêm ngắm cách hành xử của Người. Theo Chúa Giêsu, bạo động hay hoà bình đều bắt nguồn từ trong lòng người: “Chính từ bên trong, từ lòng người, mà những ý định xấu xuất hiện” (Mc 7,21). Thế nên, phải bắt đầu xây dựng hoà bình từ bên trong. Phải gieo vãi và ươm trồng hạt giống hoà bình trong tâm hồn. Những phát minh và tiến bộ kỹ thuật, dù tinh vi đến đâu, cũng chỉ là phương tiện. Cội rễ chiến tranh hay hoà bình là ở trong lòng người: “Thật khó để biết rằng thế giới chúng ta hiện nay có nhiều hay ít bạo lực hơn quá khứ, hoặc những phương tiện truyền thông hiện đại và sự năng động ngày nay có làm cho chúng ta ý thức hơn về bạo lực không, hay ngược lại, còn làm gia tăng bạo lực” (Sứ điệp, số 2). Người ta vẫn nhắc đến câu châm ngôn “Muốn có hoà bình, hãy chuẩn bị chiến tranh”. Sẽ thật tuyệt vời nếu hiểu câu nói này từ góc nhìn nội tâm: hãy chiến đấu và chiến thắng những mầm mống tội lỗi trong tâm hồn, hoà bình sẽ xuất hiện trong mọi tương quan của đời sống xã hội.

Nếu bạo lực hay hoà bình đều bắt nguồn từ bên trong, và vì thế, phải gieo vãi và vun trồng hạt giống hoà bình trong tâm hồn từ tấm bé, vậy còn nơi nào lý tưởng hơn môi trường gia đình để làm công việc này? Vì gia đình là nơi vợ chồng, cha mẹ và con cái, anh chị em, học biết chia sẻ và quan tâm đến nhau. Gia đình là nơi những va chạm, kể cả xung đột, được giải quyết không phải bằng bạo lực nhưng bằng đối thoại, tôn trọng, thương xót và tha thứ (x. Sứ điệp, số 5). Một khi đã cảm nhận được tình yêu thương, mối quan tâm, lòng quảng đại và sự tha thứ trong bầu khí gia đình, người ta cũng sẽ bước vào đời với tâm hồn rộng mở, biết sẻ chia và nâng đỡ tha nhân hơn là chỉ hành động theo bản năng bạo lực.

Trong suốt ba năm 2017-2019, người Công giáo Việt Nam được mời gọi quan tâm đặc biệt đến đời sống gia đình. Ước gì mỗi gia đình Công giáo thực sự là cái nôi bình an và cống hiến cho đời những sứ giả hoà bình: “Trong gia đình, chúng ta không cần đến bom đạn để hủy hoại hay phục vụ hoà bình – chỉ cần ở với nhau, yêu thương nhau… Và chúng ta sẽ vượt qua mọi cái ác trong thế gian” (Mẹ Têrêxa Calcutta, Diễn văn nhận giải Nobel, 1979).

29/12/2016
Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm


BỔN MẠNG THÁNG 1


THÁNG 1



NGÀY
LỄ
QUAN THẦY
01/01
Lễ Mẹ Thiên Chúa
*RT: Dì Nga, Chị Nhàn, Chị Sáng, chị Thư, Chị Lan (HV)  
03/01
Lễ Thánh Genevièvè
* Chị Chúc
17/01
Lễ thánh Roseline
*Chị Kim Liên
21/01
Lễ Thánh  Agnès
*Chị Kính (N.Tập)
25/01 
Lễ thánh Phaolô TĐ Trở lại
* Chị Cẩm
27/01
Lễ thánh Angèle Merici, trinh nữ
* Chị Lành
31/01 

           
Thánh Gioan Boscô, Lm
* Chị Vy

LỄ GIỖ BỐ MẸ CHỊ EM


TƯỞNG NHỚ VÀ CẦU NGUYỆN

NGÀY

LỄ GIỖ 

Ngày 10/01

(13/12 ÂL)

Ông cố Giuse- Thân phụ Chị Phương (L)

Ngày 10/01

Ông GioanBaotixita – Thân phụ Chị Kính (NT)

Ngày 19/01

(22/12 ÂL)

Bà cố Catharina- Thân mẫu Dì Nga

Ngày 21/01

(24/12 ÂL)

Ông cố Giuse- Thân phụ Chị Thùy

Ngày 26/01

(29/12 ÂL)

Bà cố Maria- Thân mẫu Dì Thủy

 

Ngày 27/01

Bà cố Anna- Thân mẫu Dì Nhơn

Ông cố Antôn – Thân phụ Dì Hữu

Ngày 29/01

Mồng 2 tết

Bà cố Anna- Thân mẫu Chị Thật

Ngày 30/01

Mồng 3 tết

Ông Gioan- Thân phụ Chị Hoạt (TS)



CHÚA NHẬT LỄ MẸ THIÊN CHÚA - A

Tám ngày sau khi sinh, Chúa Giêsu được dâng vào đền thờ, chịu phép cắt bì và được đặt tên theo luật Do thái. Đối với người Do thái, tên là người. Vì thế việc đặt tên có ý nghĩa quan trọng. Giêsu có nghĩa là Thiên-Chúa-cứu. Chúa Giêsu là Thiên Chúa. Con người không thể sinh ra Thiên Chúa. Nhưng Thiên Chúa tự nguyện làm con loài người. Nhờ đó Đức Mẹ trở thành Mẹ Thiên Chúa. Sinh ra Chúa Giêsu, Đức Mẹ sinh ra một nhân loại mới để cứu nhân loại cũ do bà Evà sinh ra, đã hư hỏng vì tội lỗi.
Đức Mẹ sinh ra nhân loại mới. Bà Evà sinh ra nhân loại cũ. Nhân loại cũ được sinh ra từ đất thấp. Thiên Chúa muốn nâng con người lên trời cao. Nhưng đất thấp lôi kéo con người chìm xuống. Vì thế con người đã từ địa vị con cái rơi xuống thân phận nô lệ. Trái lại, Đức Mẹ sinh ra một nhân loại mới. Nhân loại mới sinh xuống từ trời cao. Chúa Giêsu là Adam mới, từ trời hạ mình xuống để nâng con người lên. Giải thoát khỏi tình trạng nô lệ. Phục hồi địa vị làm con Thiên Chúa.
Đức Mẹ sinh ra Chúa Giêsu do lời chúc phúc. Bà Evà sinh con do lời chúc dữ. Sau khi hai ông bà nguyên tổ phạm tội, Thiên Chúa đã tuyên án cho bà Evà: “Ta sẽ làm cho ngươi phải cực nhọc thật nhiều khi thai nghén; ngươi sẽ phải cực nhọc lúc sinh con.” (St 3,16). Trái lại, Đức Mẹ sinh ra Chúa Giêsu do lời chúc phúc như lời Thiên sứ: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng.” Và bà thánh Êlizabeth nói: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc.” (Lc 1,42).
Đức Mẹ sinh con bởi phép Chúa Thánh Thần. Bà Evà sinh con do xác thịt. Như lời Thiên Chúa nói: “Ngươi sẽ thèm muốn chồng ngươi.” (St 1,16). Trái lại, Đức Mẹ sinh con bởi phép Chúa Thánh Thần. Như lời Thiên thần truyền: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà... vì thế Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa.” (Lc 1,35). Nếu nhân loại cũ được sinh ra theo xác thịt thì nhân loại mới được sinh ra “không phải do khí huyết, cũng chẳng do ước muốn của nhục thể, hoặc do ước muốn của người đàn ông, nhưng do bởi Thiên Chúa” (Ga 1,13).
Đức Mẹ quảng đại sinh ra người con quên mình. Bà Evà ích kỷ sinh ra Cain là đứa con ham hố. Vì muốn chiếm vị trí trung tâm, nó đã đẩy em là Abel ra vùng ngoại vi. Loại trừ em. Giết chết em. Trái lại, Đức Mẹ quảng đại sinh ra một người con quên mình. Chúa Giêsu là người anh cả, từ bỏ vị trí trung tâm, đi ra vùng ngoại biên nghèo khổ. Người tự hiến mạng sống, để đưa chúng ta là đàn em trở lại vị trí trung tâm, trong cung lòng Thiên Chúa.
Đức Mẹ mở lòng đón nhận sinh ra một thế giới huynh đệ. Bà Evà đóng kín vào bản thân, sinh ra những đứa con chia rẽ bất hoà. Tháp babel khiến cộng đồng nhân loại tan rã. Trái lại, Đức Mẹ mở lòng đón nhận, nên đã sinh ra Chúa Giêsu là nhân loại mới sống chan hòa tình huynh đệ. Đón tiếp mục đồng là những người nghèo khổ. Đón tiếp ba vua là những người xa lạ. Để tất cả trở thành anh em một nhà.
Đức Mẹ vâng phục sinh người con hiếu thảo. Bà Evà phản loạn sinh ra những đứa con bất hiếu, chối bỏ Thiên Chúa là Cha. Trái lại, Đức Mẹ vâng phục nên đã sinh Chúa Giêsu là người con hiếu thảo. Nhờ luôn vâng phục thánh ý Chúa Cha, Chúa Giêsu qui tụ người muôn nước sống hài hoà dưới mái nhà Cha chung trên trời. Và nhờ đó ta được hưởng hạnh phúc với Chúa như lời thư Galát: “Vậy anh em không còn phải là nô lệ nữa, nhưng là con, mà đã là con thì cùng là người thừa kế, nhờ Thiên Chúa.”
Ngày đầu năm ta mong ước những điều mới mẻ. Nhưng thế giới chỉ đổi mới khi có những con người mới. Điều quan trọng là bản thân ta đổi mới. Chính vì thế Giáo hội cầu bình an và đặt năm mới trong bàn tay Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa.
Như xưa Mẹ đã sinh ra Chúa Giêsu, khởi đầu nhân loại mới, nay xin Mẹ cũng sinh lại chúng ta. Để chúng ta trở nên con người mới. Vượt thoát những tầm thường ti tiện của đất thấp, để được sinh lại thanh thoát từ trời cao. Thoát khỏi lời chúc dữ để được sinh lại tràn đầy ân sủng do lời chúc phúc. Thoát khỏi ràng buộc của xác thịt nặng nề để được sinh lại trong Thần Khí tự do.
Con người mới theo khuôn mẫu Chúa Kitô sẽ biết quảng đại cho đi. Biết ra đi đến những miền ngoại biên, gặp gỡ những anh em bị loại trừ, đưa con người trở về vị trí trung tâm. Con người mới sẽ biết mở lòng đón nhận mọi anh em dù khác biệt. Xây dựng thế giới thành một gia đình thân thương, biến thế giới thành một mái nhà chung bình an hạnh phúc. Mọi người trở thành anh em con cùng một Cha trên trời.
Như thế nhân loại được đặt trong bàn tay Thiên Chúa. Và thế giới được chúc phúc như lời Chúa hứa trong sách Dân Số: “Chúc như thế là đặt con cái Israel dưới quyền bảo trợ của Ta, và Ta, Ta sẽ chúc lành cho chúng.” Đó chính là nhân loại mới. Đó chính là trời mới đất mới. Đó chính là niềm bình an hạnh phúc ta mơ ước.
Lạy Chúa Giêsu Hài Đồng, Chúa sinh xuống trần để mở ra kỷ nguyên mới. Xin cho con biết sinh lại thành con người mới. Để góp phần xây dựng thế giới an bình hạnh phúc trong tình huynh đệ chân thành. Amen.
ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt


LÒNG VUI NHƯ MỞ HỘI

“Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Ki-tô Đức Chúa. Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ”
Có lẽ sẽ chẳng bao giờ tôi có thể quên được những gì diễn ra vào đêm hôm ấy. Tôi cùng một số người bạn đang ở giữa đồng để canh giữ đàn súc vật. Trời đêm vắng ngắt, gió thổi se se. Không gian tĩnh mịch đến lạ thường. Cái phận làm công làm thuê này đã gắn chặt cuộc đời tôi với những điều như thế. Khi người ta đang say giấc ngủ, tôi còn phải làm việc. Khi người ta được êm ấm trong nhà, tôi còn phải lây lất nơi đây. Nghĩ lại phận mình cũng tối đen như màn đêm đang bao phủ, tương lai chẳng có gì đáng để nghĩ tới, tôi đành chôn vùi cuộc sống của mình với những gì đang có nơi đây, bên đàn gia súc, nơi bãi cỏ còn đọng hơi sương, nơi túp lều siêu vẹo tạm che mưa che nắng.

 Bỗng dưng, có một sự lạ xảy đến. Tôi kinh hoàng bạt vía bởi một luồng ánh sáng huy hoàng giữa không trung. Không phải mặt trăng, cũng không phải mặt trời. Là cái gì đó mà tôi chưa từng được chứng kiến. Ánh sáng ấy tiến gần đến tôi hơn. Tôi ngã quỵ xuống đất và cứ ngỡ mình sắp lìa đời. Bất chợt, có một tiếng nói vang lên làm tôi thức tỉnh. Giọng nói ấy cũng rất lạ. Nó êm đềm nhưng mạnh mẽ vô cùng. Từng lời phát ra như luồng gió nhẹ du dương và cực kỳ ấm áp, đi vào đầu tôi, len vào tim tôi. Tôi không nghĩ là mình còn ở dưới trái đất.

“Anh em đừng sợ”

Rồi tiếng nói ấy tiếp tục ngân vang. Tuy còn chút ngỡ ngàng, nhưng tôi nghe không sót một từ nào phát ra.

“Tin mừng trọng đại”
 “Hôm nay”
“Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em”
“Một trẻ sơ sinh bọc tã”
“Nằm trong máng cỏ”

Khi tôi chưa kịp hoàn hồn thì cả đất trời bỗng dưng thay đổi. Một dòng nhạc thần thánh nào đó cất vang lên, nghe như cả vũ trụ cùng hát xướng. Khúc nhạc ấy quá đỗi thanh cao, ngọt ngào không sao tả nỗi. Từng lời từng lời một như cuốn lấy tim tôi, quyện vào người tôi như thể muốn đưa tôi lên tận cõi trời. Tôi chưa bao giờ nghe thấy một làn điệu nào trong vắt đến như thế. Bầu trời đêm như tan biến, cỏ cây cũng cùng nhau nhảy múa, làn sương đưa lắc theo tiếng hát ru êm. Rồi bỗng dưng, mọi cái bỗng im bặt. Tôi trở về với thực tại và thấy mọi sự chung quanh chẳng có gì thay đổi. Tôi thở dài rồi định bụng kiếm một nơi nào đó ngả lưng nghỉ một chút. Chắc chỉ là cơn mơ mà thôi!

Thế nhưng, những người bạn nghèo của tôi cứ xì xào với nhau, họ nói với nhau về những gì vừa thấy, hệt như những gì tôi vừa trải nghiệm. Lạ lùng thay! Chẳng phải mơ sao? Là thật à? Nhưng ngẫm đi nghĩ lại, những lời ấy sao có chút mâu thuẫn. “Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em”, nghĩa là cho mình sao? Đấng Ki-tô Đức Chúa cao cả thế, lại để tâm đến mình sao, những con người sống nay mai kia, tương lai bất định, bị đối xử còn thua cả loài vậy? Còn nữa, Đấng ấy sinh ra ở gần đây mà lại nằm trong máng cỏ. Máng cỏ chẳng phải là cái dành cho loài thú vậy sao? Hai hình ảnh “Đấng Cứu Thế” và “máng cỏ” sao mà đối nghịch với nhau quá. Nhưng thôi, dẫu sao thì thành vua Đavit cũng không xa đây bao nhiêu, ta cứ thử đến đó xem sao. Thử tìm xem có em bé nào vừa được sinh ra, đang còn quấn tả và được đặt trong máng cỏ súc vật không!

Nghĩ thế, chúng tôi vội vã lên đường. Lòng ngổn ngang bao cảm xúc, vừa hồi hộp, vừa lo, vừa vui, nhưng quan trọng nhất là muốn nhìn thấy em bé Đấng Cứu Thế ấy trông như thế nào. Loay hoay mãi, rốt cuộc chúng tôi cũng tìm đến nơi. Kìa, có đôi vợ chồng trẻ đang chan chứa niềm hạnh phúc vì đứa con mới chào đời. Hỏi ra mới biết, ngày giờ mà em bé được sinh ra đúng ngay vào lúc chúng tôi thấy luồng sáng kỳ lạ bao phủ lấy mình và nghe được tiếng hát du dương cất lên. Mọi sự diễn ra đúng hệt như những gì chúng tôi được tuyên báo.

Tôi lặng người quỳ gối. Nhìn em bé đang ngọ ngậy, nhíu mắt ngủ mơ mà thấy nghẹn ngào chẳng thể thốt nên lời. Bao cảm xúc đan xen lẫn lộn. Một niềm hạnh phúc như chực trào ở khoé mắt. Tôi tin vào những gì được thấy được nghe. Tôi tin rằng em bé này là Đấng Cứu Thế mà Thiên Chúa sai đến trong trần gian. Nhưng tôi không hiểu vì sao Ngài lại được sinh ra trong hoàn cảnh như thế này. Tôi không hiểu vì sao Ngài lại sinh ra “cho tôi”. Tôi không hiểu vì sao Chúa lại mặc khải cho tôi biết và dẫn đường tôi đến đây, để tôi được trở thành một trong những người đầu tiên nhìn thấy dung nhan của Ngài. Tôi có là gì đâu chứ! Thế gian này còn có bao nhiêu người cao sang hơn tôi, giàu có hơn tôi, quyền quý hơn tôi. Một kẻ chăn súc vật như tôi mà cũng được ban cho phần thưởng cao quý này sao? Tôi không tin vào mắt mình. Tôi đưa đôi bàn tay xơ cứng dãi dầu nắng sương chạm vào em. Một cảm xúc rất lạ hệt như một luồng điện lan toả khắp người. Tôi tự nhủ với mình: thế là đã mãn nguyện rồi, giờ có chết đi, tôi cũng không còn gì để nuối tiếc.

Trở về lều, tôi vẫn còn cứ ngỡ như mình còn trong cơn mơ. Biết nói sao đây nhỉ! Bóng tối của cuộc đời tôi đã bị một ánh sáng đêm nay xé tan rồi. Tương lai của tôi không còn là một cõi bất định đáng ghê sợ nữa. Tôi cất cao lời hát. Hát bằng cả con tim mình. Hát cho một ngày mới vừa lên. Hát cho ánh ban mai vừa tỉnh giấc. Hát cho cả vũ trụ biết chuyện gì đã xảy ra với tôi đêm qua. Hát để diễn tả niềm hạnh phúc vì biết mình được yêu, được nhớ, không phải bởi một con người tầm thường nào đó giữa nhân gian, nhưng là bởi Chúa Tể của cả vũ hoàn. Tôi thấy mình nằm gọn trong vòng tay Ngài, ấm áp và bình yêu không sao tả xiết.

“Vinh danh Thiên Chúa trên trời,
Bình an dưới thế cho người thiện tâm”

 
(Pr. Lê Hoàng Nam, SJ,
dongten.net 20.12.2016


CHÚA GIÊSU QUÀ TẶNG TÌNH YÊU


Biến cố Chúa Giêsu hạ sinh chính là món quà Giáng Sinh đầu tiên mà trong đó, Người tặng quà là Đấng Toàn Năng giàu lòng thương xót luôn mang tâm thế vô vị lợi và đối tượng thụ hưởng chính là nhân loại nơi cõi trần gian này.

Tặng quà là một hành vi phổ biến trong đời sống xã hội. Trên thế giới, Mùa Giáng Sinh được xem là mùa của quà tặng và không ngoại lệ, đến nay tại Việt Nam người ta cũng thường tặng quà cho nhau như là động thái biểu tả tâm trạng vui tươi, phấn khởi khi Mùa Giáng Sinh về. Những món quà tặng trong Mùa Giáng Sinh có thể mang những thông điệp khác nhau do bởi nó phụ thuộc vào những mối quan hệ như tôn giáo, xã hội, gia đình, tình bạn hay tình yêu đôi lứa… nhưng điểm chung cốt lõi vẫn là những giá trị nhân văn và ý nghĩa về mặt tâm linh trong Mùa Giáng Sinh.

Qùa tặng: Lạm bàn về sự “cho và nhận”
Nói theo “ngôn ngữ ngân hàng” thì việc tặng quà được xem như là một “giao dịch” giữa người cho (tặng) và người nhận. Còn quà tặng có thể được hiểu ở hai khía cạnh; Về vật chất như là các món quà lưu niệm, là hàng hóa hay tiền của giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn…và quà tặng phi vật chất bao gồm những giá trị về tinh thần như con cái hiếu thảo với ông bà, cha mẹ; hay những lời chúc mừng nhân sự kiện kết hôn, thi đỗ hoặc như một gia đình đạt được những thành tựu tốt đẹp trong cuộc sống…
Hành vi tặng quà cũng có thể có sự khác biệt giữa các tôn giáo, các nền văn hóa cũng như ở từng quốc gia. Nhưng tựu trung, người tặng quà thì luôn có những lý do riêng của họ mà đó có thể là sự thể hiện lòng biết ơn, bày tỏ tình yêu, sự trân trọng hay xuất phát bởi lòng trắc ẩn… Tuy nhiên, một “giao dịch” giữa cho và nhận được xem là thành công khi người tặng phải thể hiện được tâm thế tự nguyện, vô vị lợi và không xem đó là một lý do để trao đổi; đồng thời người nhận quà phải được ở trong tâm thế vui vẻ, hạnh phúc. Bởi thế, câu nói: “ Của cho không bằng cách cho” luôn trở nên đúng đắn.
Có câu chuyện kể rằng: “Ở La Mã, có một bà lão hành khất đứng ăn xin ở vệ đường. Thoạt đầu, có một cặp vợ chồng ngoại quốc giàu sang đi qua. Người chồng móc trong túi ra hai mươi đồng tiền ném vào rổ cho bà lão hành khất, tay móc tiền nhưng miệng vẫn đang nói chuyện với vợ, không thèm nhìn bà lão. Đi thêm được một bước ông ném điếu thuốc mới hút hết một nửa. Bà lão lẩm bẩm thì thầm cám ơn. Một lát sau, có một người Kitô hữu đứng lại, móc trong bóp ra một đồng, chìa cho bà lão, vẻ nhìn nghiêm khắc và nói: "Này bà, không phải vì thương bà đâu, mà vì Chúa Kitô dạy tôi phải làm phước cho người khác thế thôi. Thực ra, thì tôi rất khinh thường những kẻ như mụ, làm biếng không chịu đi làm, nên mới phải nghèo khổ như vậy, đừng nên trách ai cả." Sau cùng đến một ông lão run rẩy yếu ớt đã có phần tuổi. Ông dừng chân lại bên cạnh bà lão hành khất, nói chuyện vài câu về thời tiết thay đổi bất thường, nóng nực quá chừng, và hỏi bà lão đứng hoài như vậy có mệt mỏi không, sao không ngồi xuống? Lại còn tâm sự thêm rằng, đứng lâu như thế thì e rằng chân sẽ bị đau. Ông vừa hỏi chuyện, vừa kín đáo bỏ vào rổ bà lão một khúc bánh nhỏ. Bà lão hành khất này mất hẳn đi cái vẻ lãnh đạm, nhăn nhó mà tươi hẳn lên”
Không phải “giao dịch” giữa cho và nhận bao giờ cũng đem đến cho người nhận niềm vui mà có thể là ngược lại. Việc các phương tiện truyền thông đưa tin đã cho thấy trong đời sống xã hội vẫn luôn tồn tại những “sự cho” đáng buồn khi người ta mang danh từ thiện và “ lạnh lùng” khi đưa những loại thực phẩm cận hạn hay hết hạn sử dụng đến cứu trợ người dân vùng thiên tai hay nơi bệnh viện; Hay như một “giao dịch” giữa cho và nhận là một cuộc đánh đổi, chẳng hạn như tôi cho anh cái này anh phải làm cho tôi cái kia; Hoặc như mối quan hệ xã hội nảy sinh cái gọi là “ cơ chế xin cho”…đã gây ra không ít bức xúc và sự phiền hà nơi người nhận. Do vậy, việc tặng quà không hẳn chỉ là việc bày tỏ tấm lòng mà nó còn phải là một hành vi văn hóa - nhân văn và sâu xa hơn thì việc tặng quà cũng có thể được xem như một nghệ thuật nhằm đem lại niềm vui cho người nhận, phải xuất bởi sự cảm thông, sự yêu thương và đáp ứng được nhu cầu thiết thân nơi người nhận. Và Mẹ Teresa Calcutta đã nói: “Cứ mỗi lần bạn cười với ai đó là bạn đã thể hiện tình yêu, trao một món quà, hoặc một điều đẹp đẽ với người ấy. Hãy gặp nhau và bắt đầu bằng những nụ cười. Đó là khởi nguồn của mọi tình yêu thương”.

Món quà Giáng Sinh đầu tiên
Có quan điểm cho rằng: Món quà gồm vàng, nhũ hương và mộc dược của Ba Vua là món quà Giáng Sinh đầu tiên. Có lẽ điều này chỉ đúng trong ngữ cảnh “Món quà của Ba Vua có thể là một trong những món quà đầu tiên mà con người dâng lên Chúa Hài Đồng”; Vì khi cảm nhận một cách sâu xa thì Mẹ Maria và Thánh Giuse mới là những người đầu tiên tặng quà cho Hài Nhi Giêsu, đó là món quà không thể đong đếm bởi sự “Xin Vâng” của các ngài theo thánh ý Thiên Chúa; Chúng ta không thể không nhắc đến những Mục đồng đơn sơ khi được Thiên Thần báo tin đã tìm đến nơi Hài Nhi Giêsu hạ sinh và máng cỏ, hơi thở chiên lừa của các Mục đồng là những điều kiện khả dĩ sưởi ấm cho Hài Nhi trong đêm đông giá lạnh đã là món quà hội đủ cả hai khía cạnh vật chất lẫn tinh thần. Nhưng sẽ luôn là đúng và đầy đủ hơn thì món quà Giáng Sinh đầu tiên chính là biến cố Chúa Giêsu giáng trần để thực hiện Ơn Cứu Độ muôn dân vì một lẽ, Người ban tặng trước hết chính từ nơi Thiên Chúa!
Ngược về quá khứ, khi con người phạm tội, nổi loạn và bội ước nhưng Thiên Chúa nhân từ đã không loại trừ mà còn giang rộng vòng tay yêu thương cứu vớt con người qua việc ban tặng Người Con Duy Nhất của mình. Điều này được mô tả một cách cụ thể và sống động qua lời Thánh Gioan: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. (Ga 3:16).
Chúa Giáng Sinh là món quà yêu thương, là món quà tuyệt hảo nhất mà Thiên Chúa ban tặng cho loài người bởi một lẽ "Thiên Chúa là tình yêu, và hễ ai ở trong tình yêu thì ở trong Chúa, và Chúa ở trong người ấy"(1 Ga 4:16). Sự thể hiện tình yêu của Thiên Chúa thật khó lý giải sao cho trọn vẹn trong khả năng nhận thức của con người, vì biến cố Giáng Sinh là xâu chuỗi những sự kiện thật khó hiểu khi Một Thiên Chúa Toàn Năng lại hóa thân làm người, lại hạ sinh trong máng cỏ chiên lừa và những người dân ngoại, những người nghèo hèn lại là những đối tượng đầu tiên được thụ hưởng nguồn hạnh phúc. Thiên Chúa đến nơi cõi trần này trong tâm thế nghèo hèn, rồi Ngài trở thành Một Vị Vua - Một Vị Vua “ vô tiền khoáng hậu” bởi nơi Ngài hoàn toàn khác hẳn với các bậc đế vương trong suốt chiều dài lịch sử loài người, vũ khí tối thượng của Ngài chỉ là tình yêu và Ngài đã chết, một cái chết cũng thật lạ lùng do bởi yêu thương để cứu chuộc nhân loại.
Như vậy và không thể khác, biến cố Chúa Giêsu hạ sinh chính là món quà Giáng Sinh đầu tiên mà trong đó, Người tặng quà là Đấng Toàn Năng giàu lòng thương xót luôn mang tâm thế vô vị lợi và đối tượng thụ hưởng chính là nhân loại nơi cõi trần gian này. Việc đón nhận món qùa tuyệt hảo này sẽ luôn tùy thuộc vào từng đối tượng thụ hưởng khi mà Người ban tặng đã quá yêu thương và đã quá hào phóng đối với người nhận.

Qùa tặng Mùa Giáng Sinh: Hình ảnh “ Ngôi Sao Lạ”
Trong đời sống xã hội, ngày nay người ta có thể xếp hàng dài đứng chờ mà bất kể thời gian hay thời tiết nắng mưa để chào đón những ca sỹ, diễn viên điện ảnh hay những vận động viên thể thao nổi tiếng là những thần tượng - là những ngôi sao trong trái tim của họ. Rồi khi được gặp mặt những “ngôi sao” cả đám đông vỡ òa trong niềm hân hoan chứa đựng trong đó có cả những giọt nước mắt, những nụ cười xen lẫn sự la hét cuồng nhiệt. Phải chăng, khi đó đám đông này đã tận tưởng được món quà tinh thần lớn lao, là niềm hạnh phúc đích thực trong đời sống của họ?.  
Nói đến biến cố Giáng Sinh thì không thể không nói đến hình ảnh “Ngôi Sao Lạ” là dấu chỉ Thiên Chúa tỏ mình ra cho nhân loại nói chung và dân ngoại nói riêng. Và nơi trần gian này, có vẻ như hình ảnh “Ngôi Sao Lạ” ngày nay đang bị mờ đi bởi những “ngôi sao trần tục”. Người ta có thể duy lý rằng, đi tìm kiếm làm chi “Ngôi Sao Lạ” ở nơi xa xôi ấy mà hãy tìm kiếm những ngôi sao trần tục là đã “thỏa chí tang bồng”; Nhưng không, việc ta tìm kiếm “Ngôi Sao Lạ” tức là ta đi tìm Chúa sẽ chẳng có gì là xa xôi và cũng chẳng có gì là quá sức nơi mỗi con người. Thiết nghĩ, chúng ta đừng tìm Chúa ở nơi những kỳ công của Ngài mà hãy tìm Chúa ở những nơi, những điều giản đơn nhất. Khi ta bỏ ra nhiều thời gian và những giọt nước mắt cho thần tượng của mình thì tại sao ta lại không thể dừng lại một chút bên những mảnh đời bất hạnh mà đó có thể là những bệnh nhân hay cô nhi quả phụ…; Khi ta luôn biết tạo ra những nụ cười sảng khoái, những ánh mắt trìu mến dành cho thần tượng của mình thì tại sao ta lại tiết kiệm, dè sẻn những nụ cười và ánh mắt trìu mến với những người chung quanh… Vậy thì “Ngôi Sao Lạ” chẳng phải ỏ đâu xa xôi mà “Ngôi Sao Lạ” vẫn luôn tồn tại nơi mỗi con người mà không ai khác, chính mỗi con người phải có trách nhiệm duy trì ánh sáng cho “Ngôi Sao Lạ” nếu như không muốn “Ngôi Sao Lạ” ngủ quên và luôn cần phải đánh thức.

Vĩ Thanh
Dòng đời cứ trôi, con người ta cứ luẩn quẩn, mải mê nơi chốn chợ đời ô trọc này để tìm kiếm những món quà mang cái tôi thật lớn. Rồi nhiều khi món quà ân tình trong những mối quan hệ lại trở thành một món quà sa sỉ thật khó kiếm tìm.
Cuộc đời này đâu hẳn chỉ có hoa hồng mà vẫn luôn trộn lẫn vào đó những gam màu ảm đạm. Đâu phải ai sinh ra nơi cõi trần này cũng đều được may mắn và hạnh phúc mà đâu đó, còn thật nhiều những mảnh đời bất hạnh cần quan tâm chia sẻ. Chẳng ai có quyền cấm cả, ta vẫn cứ tự do và thoải mái sống riêng cho mình, nhưng chỉ cần nơi góc khuất trong tâm hồn ta biết hướng tới người khác thì cặp khái niệm giữa “cho và nhận” sẽ trở nên hoàn hảo hơn và việc tìm kiếm “ Ngôi Sao Lạ” cũng sẽ trở nên dễ dàng hơn. Và như William Arthur Ward đã nói rằng:“Yêu không chỉ là một danh từ - nó là một động từ; nó không chỉ là cảm xúc - nó là quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ, hy sinh”.
Nguyện xin Chúa Hài Đồng soi sáng để con luôn nhận ra được “ Ngôi Sao Lạ” trong đời sống của con. Con nghĩ rằng, nếu con biết đặt để sự yêu thương đúng lúc, đúng nơi, đúng chỗ thì con đã tạo ra cho mình được món quà quý giá để dâng lên Chúa Hài đồng và con cũng trộm nghĩ rằng, chắc là Chúa Hài đồng cũng chỉ cần thế thôi./.
Jos Nguyễn Mừng