BỔN MẠNG THÁNG 7


THÁNG 7

NGÀY
LỄ
QUAN THẦY
06/07
Leã thaùnh Maria Goretti.
Chò Haûi
11/07
Leã thaùnh Beâneâñictoâ
Chò Höôøng (Beâneâñictô)
18/07
Leã thaùnh Consolata Betrone.
Chò Nhaøn
22/07
Leã thaùnh Maria Madaleâna
Dì Nhôn
23/07
Lễ thánh Brigitte
Chị Trâm
24/07
Leã thaùnh Christina.
Chò Loäc.

26/07
Leã thaùnh Gioakim vaø Anna.
Chò Ngaân (Bích Nga)
29/07
Leã thaùnh Martha
Bổn mạng cộng đoàn Martha (Tam Thái)
31/07
Leã Thaùnh Ignace de Loyola
Chò Loan
*Ghi chú: Từ ngày 30/07 đến ngày 07/08, xin Chị em làm tuần kính Thánh Đaminh- Tổ phụ Dòng

LỄ GIỖ BỐ MẸ CHỊ EM

TƯỞNG NHỚ VÀ CẦU NGUYỆN


NGÀY
LỄ GIỖ
09/07
Chị Marie Bernadette Nguyễn Thị Việt
27/07
Ông cố Phêrô - Thân phụ chị Khiêm

SỐNG CHẬM VÀ SỐNG CHẤT

Sống chậm và sống chất không phải dừng lại như một khẩu hiệu đọc cho hay và nói cho vui mà chúng được sống thực hành như một thứ linh đạo giúp con người trưởng thành hơn trong mọi quyết định và thần thái hơn trong phong cách sống.


Thời gian như vùn vụt, cuộc sống vốn vội vã, đã khiến con người luôn vội vàng, thế nên dễ vấp váp vì những quyết định lắm lúc vu vơ. Khi ấy lời mời gọi sống chậm và sống chất như liều thuốc giúp con người an thần và định thần hầu tìm ra một giải pháp thích đáng và thích hợp giúp tái lập thế quân bình trong nhịp sống hôm nay.

Sống chậm và sống chất không phải dừng lại như một khẩu hiệu đọc cho hay và nói cho vui mà chúng được sống thực hành như một thứ linh đạo giúp con người trưởng thành hơn trong mọi quyết định và thần thái hơn trong phong cách sống.

Có người nói rằng nếu được ước một điều gì đó, tôi sẽ ước cho một ngày dài hơn 24 giờ để có thể làm được nhiều việc hơn. Nhưng họ quên rằng bản thân đã chưa thực sự tận dụng hết một ngày sống cho trọn vẹn. Không phải làm những việc phi thường mà bạn được tôn trọng, song là làm những việc tầm thường một cách phi thường. Nghĩa là bạn làm với tất cả tình thân và tình thương nhằm xây dựng tình người. Điều này đòi buộc bạn phải sống chậm và sống chất.

Quan sát tại những nơi buôn bán như hội chợ, chúng ta thấy họ mở những loại nhạc kích động khiến thúc ép bạn nhanh chóng quyết định mua sản phẩm của họ. Họ còn nhồi nhét vào tâm trí bạn những tư tưởng “cấp tiến” rằng những gì cũ kĩ thì lỗi thời, những gì của hôm qua thì không còn thích hợp và tiện lợi cho hôm nay…Thế rồi, họ bày bán và đánh vào thị hiếu của bạn khiến bạn mua hàng mà không cần suy tính thiệt hơn. Đến một ngày, nó trở thành một lối sống được mọi người chấp nhận: sống hời hợt không cần suy tính.

Trong việc kinh doanh mặt hàng thực phẩm cũng vậy, họ ép cây sinh quả trái mùa để bán được giá cao. Thay vì như lời dạy của người xưa về việc giữ gìn sức khỏe: mùa nào thức nấy, thì ngày nay, cơ thể trở nên “rối loạn” do cây sinh quả trái mùa. Hơn nữa, họ còn dùng thuốc kích thích đủ loại nhằm rút ngắn thời gian thu hoạch khiến ảnh hưởng trực tiếp đến những người tiêu dùng. Đó là chưa nói đến việc người dân sử dụng thuốc sâu, mặc dù chưa đủ thời gian cho việc cây trồng nhả thuốc, chỉ vì mối lợi kinh tế mà thu hoạch bất chấp sức khỏe cộng đồng. Không biết những thuốc diệt sâu đó khi ngấm vào cây trồng có thể diệt được những thứ vi khuẩn và vi rút trong cơ thể người tiêu dùng không hay gia tăng nguy cơ dẫn đến các bệnh ung thư. Thật vậy, bệnh ung thư cũng gia tăng cấp số nhân theo nhịp độ của vụ mùa. Có lần chính tôi mục kích tại một sân vườn, quan sát chung cho thấy, có một luống rau tương đối xấu ở góc vườn còn lại cả vườn chừng mấy sào thì rau xanh đẹp mướt mắt. Tôi hỏi ra mới hay, luống rau kia để ăn, còn những thứ trông đẹp mắt thì để bán. Thế mới rõ, đâu là rau sạch và xanh và đâu là rau có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng ?

Điều này cũng có thể giải thích phần nào trong việc cung cấp các loại gia cầm, súc vật dùng làm thực phẩm cho con người. Chẳng hạn, trang mạng điện tử trực tuyến Zing.vn đã đưa tin ngày 01tháng 08 năm 2017: Sở Y tế Đà Nẵng xác định nhà hàng N&M bán thức ăn không đảm bảo vệ sinh khiến 46 du khách Lào bị ngộ độc. Đó là một nhà hàng có tiếng chuyên phục vụ cho khách du lịch, còn những nơi không biết nguồn cung cấp thực phẩm thì sao ?

Ở đây, sống chậm và sống chất được hiểu là việc hòa điệu với nhịp sống của thiên nhiên. Có thế, môi trường được bão hòa và con người cũng được bảo toàn.

Trong việc giáo dục cũng không được miễn trừ, do việc chạy đua với thời gian và thành tích mà đã cho “ra lò” những “mặt hàng” không chuyên, từ đó, dẫn đến việc thiếu người thực sự chuyên môn để xử lý công việc. Những người được đào tạo mà đốt cháy giai đoạn cũng dễ đốt cháy và huỷ hoại tương lại đất nước. Đó là chưa bàn đến việc: Tiên học lễ, hậu học văn. Con người ngày nay sẵn sàng bỏ lễ để cứu văn. Có được văn bằng rồi, họ phải kiếm thêm một số tiền lớn để tìm được một chân trong công việc biên chế nhà nước hay một công việc béo bở nào khác. Sau đó, họ dùng chiến thuật “mập mờ” để chớp nhoáng thu hồi cả vốn lẫn lời. Như thế, việc sống chậm và sống chất ở đây, cần được áp dụng bằng cách tôn trọng tiến trình phát triển bình thường của não bộ con người, và việc đào tạo chuyên sâu. Hơn nữa, chúng phải biến thành một linh đạo hay một nguyên tắc hướng dẫn cụ thể đời sống con người trong việc thăng tiến toàn diện nhân bản và tâm linh.

Nguyên tắc sống này cũng nhằm chi phối những người đang hoạt động chính trị. Họ cần ý thức vai trò cầm cân nẩy mực của mình mà chín chắn và chỉn chu trong những quyết định mang tính sống còn của vận mạng đất nước. Họ không thể dừng lại nơi nồi cơm bát cháo của mình mà dửng dưng với nỗi đói khổ của người dân. Trong gia đình có chị có em, vậy trong xã hội cũng có “chính chị”, “chính em”; một người chị có trách nhiệm không thể đang tâm chấp nhận để cho người lạ xâm phạm em mình cách bất chính. Trái lại, họ cần biết sống chậm hầu suy xét kỹ lưỡng những lợi hại có thể xảy ra mà chủ động chọn phương án tốt nhất cho đàn em của mình. Đàn em không phải là quân cờ để mình đánh đâu tùy ý nhưng là một nhân vị đáng được tôn trọng như chính mình. Như thế, sống chậm và sống chất là một hình thức diễn tả đạo đức trong chính trị.

Tưởng cũng cần nhắc đến thế giới của showbiz, thế giới của các ngôi sao, ngôi sao mà “mất chất” thì không còn lấp lánh nữa ! Gần đây, chúng ta nghe nhiều đến vấn đề hài nhảm (mất chất) của một số danh hài vì quá chạy theo thị trường và có mặt thường xuyên trên các liveshow. Phải chăng các nhà đầu tư, tài trợ đã vét cạn chất xám và sự sáng tạo của các ngôi sao ? Câu trả lời tùy thuộc mỗi người trong cuộc. Chúng ta có thể công tâm nhìn nhận rằng họ không cần giải trí vì chính khi sống với đam mê của mình thì đã là giải trí rồi ! Nhưng điều đó không thể biện minh cho thứ hài nhảm như hiện nay. Một khi nghệ thuật đánh mất đi cái chất làm nên danh phận của mình thì đó là gián tiếp làm giảm giá bản thân. Như chúng ta đã biết gần đây danh hài TT vừa bị đài truyền hình Vĩnh Long cấm xuất hiện trong các chương trình do đài thực hiện sau quá trình rà soát nội dung. Có thể nói, đây là một hành động can đảm từ phía những người chuyên môn thực hiện các chương trình, họ cần đưa ra mức độ đánh giá đâu là những hình ảnh đẹp đẽ và những thông điệp bổ ích nhằm xây dựng đời sống nhân bản và tinh thần mọi người. Đã đến lúc, các ngôi sao cần sống chậm để có thể nuôi dưỡng tinh thần và nạp năng lượng ngõ hầu khả dĩ công hiến những tác phẩm chất lượng để đời.

Còn xét trên bình diện tính luân lý trong đời sống xã hội, chúng ta cần kể đến việc sống thử và phá thai của những bạn trẻ thiếu trang bị kỹ năng sống. Họ bước vào đời với một tâm thế thụ động nên dễ bị trôi dạt theo nhiều chiều hướng đạo lý. Họ nghĩ rằng cứ thử tất cả mọi sự để trải nghiệm cuộc sống. Họ quên rằng với tự do, tôi có thể làm bất cứ điều gì, nhưng không phải sự gì cũng giúp tôi lớn lên, trưởng thành và là chính mình hơn.

Trong những năm thời sinh viên, chuyện học cũng tiến triển bình thường, song chuyện yêu đương cũng được các bạn trẻ quan tâm đặc biệt. Họ cùng nhau hứa hẹn nhiều điều cho tương lai, rồi quyết định kiếm một chỗ trọ nhằm tránh xa tầm kiểm soát của người thân để góp gạo nấu cơm chung. Dần dà, lửa gần rơm không sớm thì muộn cũng thiêu đốt tình yêu mới chớm. Nhưng tình dục là đứa chạy nhanh hơn tình yêu, nó chợp lấy cơ hội và “ghi bàn”. Thế rồi, chuyện đã lỡ cộng thêm, thời điểm kết hôn không thuận lợi cho việc học, cả hai quyết định phá thai…Họ đi từ sa sẩy này đến sai lầm khác. Ở đây, lời mời gọi sống chậm và sống chất như một qui tắc hướng dẫn họ bước vào đời sống hôn nhân với một ý thức xây dựng lâu dài chứ không phải chỉ đáp ứng nhu cầu tình dục thoáng qua. Họ cần ý thức rằng tình dục ra ngoài phạm vị hôn nhân chỉ là một cách hạ giá nhân phẩm. Mà người phụ  nữ là đối tượng đầu tiên bị tổn thương. Hãy sống chậm và sống chất để có thời gian tìm hiểu sâu xa trước khi quyết định một bước ngoặt quan trọng như thế. Trong hôn nhân, chất lượng của cuộc tình phải tuỳ thuộc vào cả hai bên. Đối với những cuộc hôn nhân được chuẩn bị tìm hiểu và tư vấn kỹ càng còn không tránh khỏi những đổ vỡ và ly tán, huống chi là những cuộc tình ba bảy hai mươi mốt ngày. Như thế, sống chậm và sống chất phải là ưu tiên hàng đầu cho những ai muốn bước vào đời sống hôn nhân.

Ở góc độ đời sống gia đình, chỉ xin ghi nhận vai trò quan trọng của bữa cơm chung mà do xu hướng của thời đại, dần dà đánh mất đi một không gian dành cho nhau. Do nhu cầu của giờ làm việc khá sít sao mà bữa cơm trưa của gia đình không thể thực hiện, thay vào đó bằng những buổi ăn nhanh khiến không đủ chất lượng hầu đáp ứng nhu cầu sức khoẻ để phục vụ lâu dài trong một công việc nào đó. Quan trọng hơn, chính khi họ không thể cùng nhau chia sẻ bữa cơm này mà tình thân nơi các thành viên trở nên nhợt nhạt. Hy vọng còn lại bữa cơm tối để cả nhà được quây quần bên nhau, nhưng phần lớn cũng bị chi phối và đe doạ bởi tuần này tăng ca, hôm khác lại dịp họp mặt bạn bè. Từ đó, sự hiện diện bên nhau thưa thớt dần, tình cảm âu yếm cũng từ đó phai nhạt và mất hẳn, chỉ còn lại công việc và việc chu toàn bổn phận nuôi sống gia đình. Đời sống gia đình như thế đang rơi vào tình trạng báo động. Hãy sống chậm và sống chất để có giờ bên nhau và sống yêu thương !

Nếu đời sống xã hội và gia đình đã cần thiết phải sống chậm và sống chất như thế thì đời sống cá nhân đòi hỏi một sự kỷ luật gắt gao hơn, mới mong có được một cuộc sống có ý nghĩa.

Khởi đi từ tư tưởng, nếu nhận thức của tôi quá vội vàng thiếu cơ sở, phán đoán của tôi từ đó cũng lệch lạc thiếu lành mạnh, tư tưởng sẽ mang tính võ đoán và tiêu cực, thiếu tính xây dựng. Để tư tưởng được chín chắn cần có thời gian cưu mang thích đáng, nhờ đó, những quyết định tránh bớt những sai lầm đáng tiếc. Để tư tưởng có chất, chúng ta cần ra khỏi mình để quen dần với suy tư vì lợi ích chung. Có thế, vai trò bổ túc và hỗ trợ của tha nhân được tôn trọng, tư tưởng và ý kiến phản hồi của tha nhân sẽ như cú phanh hợp lý giúp bản thân lượng giá: đâu là điều tối cần nhằm phục vụ thiện ích chung. Chính khi những tư tưởng lớn gặp nhau mới loé sáng những chân lý đích thực giúp nuôi dưỡng đời sống tinh thần của tôi và bạn.

Trong lời nói cũng vậy, chúng ta thường tôn trọng những người ý thức lời nói của mình khi họ biết nói chậm rãi và chất lượng, từ đó mang lại cho không gian của tình huynh đệ một bầu khí tích cực và xây dựng. Có những lời nói nhằm hạ nhục và gây tổn thương người khác như hình thức của bạo ngôn; chẳng hạn, việc những anh hùng bàn phím dùng thế giới ảo để công kích và bôi nhọ cá nhân này hay tập thể khác. Thật ra, đây chỉ là cách giải tỏa xung đột cá nhân với cá nhân hay cá nhân với tập thể nhưng vì tránh ra mặt, họ đã dùng những phương tiện ảo như cách “ném đá” an toàn nhất không tác hại đến bản thân, hơn nữa, còn nhằm thỏa mãn bản năng gây hấn nơi chính mình và biểu hiện sự bất an của kẻ tiểu nhân. Trái lại, cũng có những lời nói tạo ấn tượng nhằm siết chặt tình thân. Thấy được viễn tượng tốt đẹp ấy, chúng ta cần chọn sống chậm và sống chất để xây dựng và làm ích cho chính mình và tha nhân.

Làm sao phong cách sống này giúp đi vào những xác tín bản thân để điều hướng hành động tích cực ? Đó là thao thức của mọi người thời đại, nhưng không phải ai cũng muốn tìm câu trả lời vì lối sống hưởng thụ đã “bào mòn” ý chí tiến thủ cá nhân. Thiết tưởng, chúng ta cần tái lập không gian hoà hoãn cho những hành động xây dựng và hoà giải thế chỗ cho những bạo hành và bất công. Ở đây, chúng ta cũng ghi nhận một sự thật đau lòng rằng có những khán giả bỏ ra vài trăm ngàn để có thể tham gia một chương trình rồi cho mình được quyền ném đá, chọi gạch những ai diễn trên sân khấu mà mình không thích. Suy cho cùng, đây cũng chỉ là những hành động cá biệt làm ô nhiễm bầu khí văn hóa và văn minh. Dường như con người dần dà trở nên bạo hành do bị tác động từ những thứ không đâu ? Thật ra, đây chỉ là biểu hiện bên ngoài của những tâm hồn vốn bất mãn và bất an. Từ đó, chúng ta có thể rút ra một kết luận: Chỉ có những người mạnh mẽ mới thực sự hành động một cách chậm và chất hầu mở ra một bầu khí đối thoại văn minh giúp xây dựng con người toàn diện: thể lý cường tráng, tâm lý vững vàng và tâm linh toả sáng.

Tóm lại, qua bài viết ngắn này, chúng ta không thể bàn hết mọi chiều kích của cuộc sống để từ đó đề cao giá trị của linh đạo sống chậm và sống chất, song những gợi ý ở đây như một cố gắng tìm lại thế quân bình cho đời sống vốn còn nhiều những thái quá bất cập. Có lẽ bạn đã nhận ra phần nào khuynh hướng của con người thời đại và cần cổ võ tinh thần sống chậm và sống chất. Chính thái độ sống tích cực và cởi mở này sẽ giúp bạn khẳng định bản thân trong thế giới của ý nghĩa và giá trị qua việc Sống chậm và sống chất. Đồng thời, chúng ta nhận ra tác động quá lớn của yếu tố ngoại tại đã khiến đời sống con người trở nên vội vã và hời hợt. Đã đến lúc chúng ta cần đề cao tính trách nhiệm của cá nhân để gia đình và xã hội có những con người mang phong cách điềm tĩnh và thần thái đĩnh đạc. Phải chăng đây là cách biểu hiện của những người sống chậm và sống chất ?

EYMARD An Mai Đỗ O.Cist.

PHẪN NỘ ĐẠO ĐỨC

Phẫn nộ đạo đức của chúng ta không phải là một dấu chỉ rằng chúng ta đứng về phía Thiên Chúa và chân lý. Mà thường là ngược lại thì đúng hơn.

Phẫn nộ đạo đức là phản đề của đạo đức. Nhưng nó lại hiện diện khắp nơi trong thế giới ngày nay, và lại được lập luận dựa trên Thiên Chúa và chân lý.
Chúng ta sống trong một thế giới chìm trong vi phạm đạo đức. Khắp mọi nơi, các cá nhân và các nhóm đang căm phẫn và bị xúc phạm về đạo đức, nhiều lúc rất tàn bạo, bởi những cá nhân đối lập, những nhóm, hệ tư tưởng, quan điểm đạo đức, quan điểm giáo hội, diễn giải tôn giáo, diễn giải kinh thánh đối lập, và đủ thứ đối lập khác. Chúng ta thấy điều này khắp nơi, các đài truyền hình đả kích tin tức của các đài khác, các nhóm trong giáo hội lên án nhau, các nhóm ủng hộ sự sống và ủng hộ lựa chọn chỉ trích nhau, và chính trị bị tê liệt khi các nhóm khác nhau thấy căm phẫn đến mức không sẵn sàng ngẫm nghĩ chút gì về những thứ đối lập với họ.
Và lúc nào cũng thế, cả hai phía, đều có những lời kêu gọi chính đáng hướng đến đạo đức uy quyền thiêng liêng (dù là nói rõ hay mơ hồ), và về căn bản, họ thường lập luận thế này: Tôi có quyền để xem anh là quỷ và không thèm nghe những gì anh muốn nói, vì anh sai trái và vô luân, và nhân danh Thiên Chúa và chân lý, tôi chống lại anh. Hơn nữa, việc anh vô luân, càng cho tôi quyền chính đáng để gom lấy những yếu tính của sự tôn trọng nhân loại và xem anh là kẻ chống đối xã hội cần bị loại trừ, nhân danh Thiên Chúa và chân lý.
Và đây là loại thái độ không chỉ gây chia rẽ phẫn nộ, phân cực cay đắng, và bất tín sâu xa mà chúng ta đang sống trong xã hội ngày nay, nó còn sinh ra khủng bố, xả súng hàng loạt, những niềm tin mù quáng và sự kỳ thị chủng tộc. Nó sinh ra Hitler, một người có khả năng tận dụng tối đa sự phẫn nộ đạo đức, đến nỗi có thể khiến hàng triệu người chống lại những gì tốt đẹp nhất trong lòng họ.
Nhưng sự phẫn nộ đạo đức, dù có cố biện minh cho mình bằng những căn cứ cao ngất, bằng tôn giáo, đạo đức, ái quốc, tổn thương, bất công, thì vẫn luôn luôn là sự đối lập với đạo đức đích thực và việc sống đạo đích thực. Tại sao lại thế? Vì đạo đức và sống đạo đích thực thì luôn mang những đặc tính trái ngược với những gì chúng ta thấy trong phẫn nộ đạo đức. Đạo đức và sống đạo đích thực luôn có sự cảm thương, thông hiểu, nhẫn nại, bao dung, tha thứ, tôn trọng, nhân ái, và độ lượng, và đó là tất cả những gì không có trong thể hiện của phẫn nộ đạo đức mà chúng ta thấy ngày nay.
Khi cố đưa chúng ta vào trong đạo đức và lòng đạo đích thực, Chúa Giêsu đã nói thế này: “Nếu đức công chính của các ngươi không dư dật hơn ký lục và Biệt phái, các ngươi sẽ không vào được Nước Trời.” Công chính của ký lục và Biệt phái là thế nào? Nhìn bề ngoài, đó là công chính cực kỳ cao đẹp. Là một ký lục và Biệt phái, nghĩa là giữ gìn Mười Điều răn, trung thành với việc hành đạo được ghi rõ vào thời đó, và là một con người công bằng khi đối xử với người khác. Vậy thì còn thiếu điều gì?
Điều còn thiếu ở đây, là mọi chuyện này (giữ các giới răn, giữ luật tôn giáo, và công bằng với người khác) lại có thể được thực hiện với lòng cay đắng, kết tội và không tha thứ hơn là với một tấm lòng nồng hậu, cảm thông, và tha thứ. Đôi khi chúng ta thấy quá rõ ràng, việc giữ giới răn, đi lễ, và làm người công chính, có thể là thành quả của phẫn nộ đạo đức. Nói theo lời của Chúa Giêsu là: Ai cũng có thể tử tế với người tử tế với mình. Ai cũng có thể yêu thương người yêu thương mình. Và ai cũng có thể đối xử tốt với người đối xử tốt với mình… Nhưng anh em có thể tử tế với người chua cay với anh em không? Anh em có thể yêu thương người thù ghét anh em không? Và anh em có thể tha thứ cho người giết anh em không? Đấy là phép thử của đạo đức và sống đạo Kitô giáo. Và với bất kỳ ai qua được phép thử này, bạn không thể tìm thấy trong họ cái dạng phẫn nộ đạo đức tin rằng Thiên Chúa và chân lý đang đòi chúng ta xem những người thù ghét mình, làm việc xấu với mình, cố giết mình là thứ xấu xa.
Hơn nữa, khi chìm trong phẫn nộ đạo đức, chúng ta chối bỏ rằng chính chúng ta cũng đang đồng lõa trong mọi thứ mà chúng ta ghét bỏ và xem là xấu xa. Khi xem tin tức thế giới hằng ngày, thấy sự giận dữ, chia rẽ cay đắng, bạo lực, bất công, bất dung, và chiến tranh đang định hình thế giới chúng ta, thì nếu xem xét thật kỹ lưỡng, thành tâm, và can đảm, chúng ta sẽ nhận ra rằng mình không thể tách hẳn bản thân khỏi những thứ đó. Chúng ta sống trong một thế giới với bất công đang tồn tại và đã có từ lâu, với sự bất bình đẳng kinh tế đang lan rộng, với sự kỳ thị chủng tộc và giới tính, với vô vàn người đang là nạn nhân của cướp bóc và cưỡng hiếp, với hàng triệu người tị nạn không nơi nương tựa, và với một xã hội mà người ta gắn mác và khai trừ những người bị xem là “kẻ thất bại” hay “kẻ bệnh hoạn.” Chúng ta ngạc nhiên khi xã hội chúng ta sản sinh ra những kẻ khủng bố sao? Tuy nhiên, dù có thấy mình thành tâm và vô tội đến đâu, thì chính cuộc sống của chúng ta có góp phần trong việc tạo ra những kẻ giết người hàng loạt, những kẻ khủng bố, người phá thai, cho đến những thanh niên bắt nạt trong trường học. Chúng ta không vô tội như mình nghĩ.
Phẫn nộ đạo đức của chúng ta không phải là một dấu chỉ rằng chúng ta đứng về phía Thiên Chúa và chân lý. Mà thường là ngược lại thì đúng hơn.
Ronald Rolheiser

J.B. Thái Hòa dịch

CHÚA NHẬT XIII THƯỜNG NIÊN - B

Hai người hưởng phép lạ hôm nay đều được đụng chạm đến Chúa.
Người đàn bà bị bệnh băng huyết lén lút sờ vào gấu áo Người. Vừa đụng chạm vào áo Người, lập tức bà thấy có biến chuyển: bệnh tật bao năm hành hạ bà, làm cho bà tốn biết bao công sức tiền của chạy chữa tưởng như vô vọng, nay bỗng tiêu tan trong phút chốc.
Em bé không đụng chạm đến Chúa vì em đã chết. Nhưng chính Chúa đụng chạm đến em. Chúa cầm tay dắt em chỗi dậy. Cuộc tiếp xúc với Chúa đã gây nên những biến đổi mãnh liệt nơi thân xác. Căn bệnh bị xua trừ. Thân xác khỏe mạnh lại. Người phụ nữ được sinh hoạt bình thường với xã hội. Thần chết bị trục xuất. Sự sống trở lại. Em bé được giải thoát khỏi thế giới tử thần, trở về với thế giới sự sống.
Nhưng những biến đổi trong tâm hồn còn mãnh liệt hơn. Khi Đức Giêsu gọi người phụ nữ đến để khen ngợi và khích lệ chị, tâm hồn chị hẳn phải rộn ràng hạnh phúc. Với thái độ khoan dung nhân hậu, Đức Giêsu đã biến đổi sâu xa tâm hồn chị. Từ mặc cảm là người ô uế, bị xã hội khai trừ, chị thấy mình được đối xử một cách trân trọng. Từ thân phận một người lén lút như kẻ ăn trộm phép lạ, chị trở thành người được Đức Giêsu công khai khen ngợi. Từ một người xa lạ, chị trở thành người thân thiết của Đức Giêsu. Chắc chắn, chị sẽ chẳng bao giờ quên được những lời nói và thái độ của Đức Giêsu. Những lời nói, những thái độ ấy đã đem lại cho chị niềm tin, niềm bình an và lòng tự tín. Còn em bé, khi trở lại sự sống, người đầu tiên mà em nhìn thấy là Đức Giêsu. Hơi ấm đầu tiên em cảm nhận được từ bàn tay Người đã làm em thấy yên tâm. Ánh mắt hiền từ của Người cho em niềm tin yêu phó thác. Và thái độ của Người thật như một người cha hiền. Việc đầu tiên Người bảo mọi người là cho em bé ăn. Thật là một sự quan tâm ân cần. Ơn lớn nhất Người ban là trả lại sự sống cho em bé. Em đã được cứu thoát khỏi bàn tay tử thần. Nhưng chính ánh mắt, cử chỉ và lời nói đầy tình yêu thương đã ghi khắc trong tâm hồn em bé một hình ảnh rất đẹp và rất sâu đậm về Người. Trọn đời em sẽ ghi nhớ mãi hình ảnh Người. Trọn đời em sẽ biết ơn Người. Trọn đời em sẽ sống xứng đáng với tình yêu thương mà em đã cảm nhận được.
Người phụ nữ và em bé đã được Đức Giêsu thương yêu vì họ đã có những phẩm chất đáng quí.
Phẩm chất thứ nhất mà họ có, đó là đức tin mạnh mẽ. Ông trưởng hội đường tin tưởng mãnh liệt nên đã đến tìm Đức Giêsu. Hội đường Do Thái vốn không ủng hộ Đức Giêsu, trái lại còn chống đối và tìm cách giết Người. Thế mà ông trưởng hội đường này vẫn đến cầu cứu Người, chứng tỏ lòng tin của ông mãnh liệt biết bao. Chính Đức Giêsu đã bảo ông: “Chỉ cần tin thôi!”. Còn người phụ nữ tuy sợ hãi không dám nói với Người, nhưng với lòng tin tưởng mãnh liệt đã sờ vào gấu áo Người. Đức Giêsu đã khen ngợi đức tin của họ: “Lòng tin của con đã chữa con”. Đức tin mãnh liệt như thế đã xứng đáng được Chúa thưởng công.
Phẩm chất thứ hai mà họ có, đó là đức khiêm nhường thẳm sâu. Sự khiêm nhường được biểu lộ không những qua sự nhận biết thân phận thiếu thốn, bất lực của bản thân, mà còn diễn tả qua thái độ bên ngoài. “Vừa thấy Đức Giêsu, ông sụp lạy dưới chân Người”. Sau khi bị phát giác, người phụ nữ cũng đến phủ phục dưới chân Người và tỏ bày tất cả mọi sự. Chính thái độ khiêm nhường ấy đã được Chúa thương.
Hằng ngày có nhiều lần ta đụng chạm đến Chúa hoặc Chúa đụng chạm đến ta. Ta đụng chạm đến Chúa trong khi đọc Sách Thánh. Ta đụng chạm đến Chúa khi ta rước Mình Thánh Chúa. Ta đụng chạm tới Chúa khi ta lãnh nhận các bí tích. Ta đụng chạm đến Chúa khi ta tiếp xúc với tha nhân, đặc biệt những anh em bệnh tật, nghèo túng, bị bỏ rơi. Nhưng những đụng chạm ấy dường như chẳng để lại dấu ấn nào trong ta. Điển hình là khi ta rước Mình Thánh Chúa. Ta trực tiếp đụng đến Chúa. Thế nhưng vì ta đã đụng đến Chúa cách hời hợt, máy móc, theo thói quen, thiếu lòng tin, thiếu tình yêu, nên đời sống ta chưa biến đổi. Hôm nay, ta hãy noi gương ông trưởng hội đường và người phụ nữ bị bệnh băng huyết, đến với Chúa bằng một đức tin mãnh liệt và bằng sự khiêm nhường thẳm sâu. Với đức tin và sự khiêm nhường, ta sẽ cảm nghiệm được Chúa. Chỉ cần một lần nếm cảm được tình yêu Chúa, được thấy ánh mắt nhân từ của Chúa, được lắng nghe những lời êm dịu, khích lệ của Chúa, ta sẽ chẳng còn muốn làm gì khác hơn là đền đáp tình yêu thương của Chúa.
Lạy Chúa, xin hãy ban cho con một đức tin mạnh mẽ và một lòng khiêm nhường thẳm sâu. Amen.

ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

NHỮNG LỢI ÍCH CỦA ĐỜI SỐNG CỘNG ĐOÀN

Đời sống cộng đoàn không chỉ là nơi chia sẻ cuộc sống mà còn là nơi các tu sĩ cùng chung chia với nhau sứ mạng. Sứ mạng đó có khi dễ dàng, nhưng cũng có lúc phải đối diện với biết bao sóng gió.

Khi nhắc đến đời sống cộng đoàn, ta thường mường tượng đến những khó khăn và thử thách phải trải qua, chứ ít bao giờ nghĩ đến những niềm vui và lợi ích mà nó mang lại. Cái mâu thuẫn giữa khao khát muốn hoà mình với tất cả và xu hướng thu về trong bản thân thật không dễ gì giải quyết. Kỳ thực, đời sống cộng đoàn là một sáng kiến tuyệt với của Thiên Chúa dành cho những ai muốn hiến dâng trọn vẹn cuộc sống cho Ngài. Người ngoài nhìn vào đời tu, ngoài việc ngưỡng mộ sự từ bỏ của tu sĩ, còn được cảm hoá bởi tình cảm anh-em chị-em hết sức mặn nồng và dễ thương của họ. Ngay cả khi hàm chứa những khó khăn, đời sống cộng đoàn cũng không vì thế mà trở nên điều gì đó tồi tệ. Người ta không thể tự mình lập nên cộng đoàn dòng tu theo ý thích. Đó là một sự xác chuẩn của Thiên Chúa ngang qua Giáo Hội và những vị được trao quyền để chăn dẫn dân Chúa. Một hội dòng không chỉ đơn thuần là một tổ chức hay một nơi người ta quy tụ lại rồi sống chung với nhau. Nó có xương sườn là linh đạo của Đấng đáng lập, có bộ khung là trật tự cấu trúc, các thành viên làm nên thịt da và có Thánh Thần là nguồn sống. Trong đời tu, đời sống cộng đoàn thật sự mang đến cho người tu sĩ rất nhiều lợi ích.
Nó giúp con người sống bản chất của mình một cách căn nguyên nhất: bản chất tương quan và hiệp thông. Con người là một hữu thể có giới và được tạo dựng trong mối dây liên kết với người khác. Ta nhận ra mình không giống họ. Họ ở bên ngoài ta, là kẻ xa lạ với ta, giữa ta và họ có một khoảng cách, mỗi bên có ranh giới riêng của mình. Ta sẽ chẳng bao giờ có thể trở thành họ và họ cũng như vậy đối với ta. Nhưng ta sẽ chẳng biết mình là ai, nếu không có một người khác đứng đối diện với ta. Ta cũng sẽ không có ý thức gì về mình nếu giữa thế giới này chỉ có một mình ta trơ trọi. Tạo Hóa đã ban cho mỗi con người một đặc tính “bất khả thay thế”, nhưng Ngài cũng đặt giữa con người một sợi dây tình thân để nối kết họ lại. Bất cứ khi nào sợi dây tình thân ấy được chúng ta vun đắp, dựng xây để có được sự hài hòa, con người sẽ mỗi ngày triển nở hơn và hưởng nếm hạnh phúc. Sống cộng đoàn nói chung và sống trong cộng đoàn dòng tu nói riêng chính là biểu lộ nét tuyệt diệu này của con người. Đó là lý do vì sao ta thấy kiểu tu một mình ngày xưa đã sớm bộc lộ những khuyết điểm của nó và được thay thế bằng lối tu trong một tập thể những người cùng chí hướng.
Cũng là một nét thú vị khi mình có thêm những người bạn mới để chung chia cuộc sống. Họ đến từ nhiều vùng miền khác nhau, với những tố chất, tính tình, giọng nói khác nhau. Quen biết với họ, ta thấy cuộc sống mình trở nên thật phong phú. Gia đình của ta cũng được mở ra không biên giới. Đối với một vài người, anh chị em đồng bạn tu có khi còn thân thiết hơn anh chị em ruột, vì họ đã cùng trải qua biết bao đắng cay ngọt bùi với nhau. Với những tu sĩ đã tu bốn mươi năm hay năm mươi năm trong dòng, nhà của họ có lẽ không đâu khác chính là cộng đoàn dòng tu, và những anh chị em chung quanh họ chẳng khác nào tay chân máu mủ. Các tu sĩ đã tự nguyện khước từ việc tạo lập một gia đình riêng, nhưng bù lại, Chúa đã ban cho họ một gia đình mới, tuy có chút khác biệt về bản chất, nhưng hương vị của nó cũng đậm đà và nồng ấm biết bao.
Sống trong cộng đoàn, ta sẽ có dịp gặp gỡ những người tài giỏi hơn mình, hiểu biết hơn mình và có khi là thánh thiện hơn mình nữa. Ta nghe về câu chuyện cuộc đời họ, biết được lịch sử đời tu của họ và càng cảm phục họ hơn về những gì họ đã trải qua. Ta học hỏi từ họ những điều hay điều mới, qua những kinh nghiệm thực thụ mắt thấy tai nghe. Ta cũng có thể học hỏi từ họ những cái sai hay những điều chưa tốt. Những điểm xấu ấy nơi họ chính là hình ảnh phản chiếu những góc tối nơi chính con người ta. Anh chị em dường như không còn là ai đó ở bên ngoài và tách biệt hoàn toàn với ta. Ở một góc độ nào đó, họ là một phần của ta và giúp ta thấy rõ mình hơn rất nhiều. Thế giới của ta lại tiếp tục được rộng mở và ta nhận ra rằng cuộc đời này thật huyền nhiệm. Biết bao nhiêu con người với những câu chuyện đan xen vào nhau, làm nên một bức tranh nhân gian thật sống động. Những anh chị em đang sống chung với ta cho ta thấy những góc cạnh khác nhau của bức tranh ấy. Ta thấy được sự kỳ diệu của Tạo Hoá và quyền năng vô biên của Ngài.
Đời sống cộng đoàn không chỉ là nơi chia sẻ cuộc sống mà còn là nơi các tu sĩ cùng chung chia với nhau sứ mạng. Sứ mạng đó có khi dễ dàng, nhưng cũng có lúc phải đối diện với biết bao sóng gió. Lúc đó, chẳng ai khác, chính anh chị em trong cộng đoàn là những người trực tiếp giúp đỡ mình. Họ là hiện thân của Chúa một cách hữu hình trong cuộc đời của ta. Rồi có khi đời tu của ta gặp những thách đố, khi những cô đơn trong lòng trỗi lên, những cám dỗ ập đến, chỉ có họ là người kề cận, lắng nghe, thấu hiểu, sẻ chia và cùng đồng hành với ta qua những lời an ủi hay những hành động cụ thể. Người ngoài có thể giúp đỡ ta cách này cách khác, nhưng chẳng ai thật sự luôn ở bên ta như anh chị em trong cộng đoàn. Dĩ nhiên, không phải ai trong cộng đoàn cũng đối xử tốt với ta và dành cho ta những điều tốt nhất, nhưng ít ra ta cũng có một vài người bạn thân trong đời tu, và họ đích thực là những thiên thần hộ mệnh của ta trong đời sống này.
Những cọ xát trong cộng đoàn cũng giúp cho mình tăng trưởng và tiến bộ hơn. Những đụng độ giúp tôi luyện mình hơn. Nếu có ai gây khó dễ cho mình, đó là cơ hội để mình lập công trước mặt Chúa. Cộng đoàn có những khó khăn chính là để giúp thanh luyện ta mỗi ngày nên khiêm nhường, hạ mình, nên thánh hơn. Một cộng đoàn lý tưởng nơi mà ai cũng yêu thương nhau hết mực hết lòng, không có chút trục trặc nào chắc chỉ có trong sách vở. Có nhiều người, khi chán nản đời sống cộng đoàn, đã đi tìm niềm an ủi ở bên ngoài. Họ thích đi làm tông đồ bên ngoài vì ở đó người ta tung hô họ, chân nhận tài năng của họ, dành cho họ nhiều sự ngưỡng mộ và lời khen, trong khi ở cộng đoàn, họ bị coi thường hay chẳng ai đoái hoài gì đến họ. Họ sẵn sàng làm tất cả mọi điều tốt cho người khác, ngoại trừ anh chị em trong cộng đoàn. Họ xem đời sống cộng đoàn như hoả ngục và cố công đi tìm một thiên đường nào đó ngoài kia, như một kiểu trốn tránh thực tại. Kỳ thực, đây là một sai lầm vô cùng lớn. Khi họ ngã bệnh, người ngoài có thể đến thăm họ với chút quà, nhưng anh chị em trong cộng đoàn mới là người sẵn sàng chăm sóc họ mỗi đêm về, mớm cho họ từng miếng cháo; và khi họ về với cõi đất, người ngoài có thể thắp cho họ một nén hương, nhỏ những giọt nước mắt, nhưng anh chị em trong cộng đoàn mới thật sự cùng hiệp thông cầu nguyện với họ vào những khoảnh khắc khủng khiếp nhất của kiếp người.
Có thể nói, bản lĩnh và sự thánh thiện của một tu sĩ được thể hiện nơi đời sống cộng đoàn. Được cả vạn người bên ngoài yêu mến không bằng được anh chị em sống chung với mình thán phục. Thế giới ngoài kia chỉ biết được những nét đẹp, những hào nhoáng của họ, anh chị em mới là người biết họ ở mức độ chân thực nhất. Vì thế, muốn biết một tu sĩ là người như thế nào, hãy hỏi những người sống chung với họ, chứ đừng chỉ nhìn đến những gì họ nói họ làm với những người lạ bên ngoài. Đời sống cộng đoàn tuy có nhiều chấm đen, nhưng chính nó lại giúp cho người tu sĩ, làm cho cuộc sống của mình thêm hoà điệu và hoàn mỹ, đến độ ta có thể nói rằng, không có nó, người tu sĩ sẽ trở nên héo úa và lạc lõng vô cùng.

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

ĐỨC TIN VÀ SỰ BẮT BỚ

Người Kitô hữu luôn bị đặt giữa những thử thách nhưng chẳng bao giờ họ thua cuộc. Những bắt bớ chẳng thể nào huỷ diệt được đức tin; trái lại, càng làm cho nó lớn mạnh hơn. 

Niềm tin Kitô giáo và những bắt bớ xưa đến nay luôn đi với nhau như hai người bạn đồng hành. Đức Giêsu, uy phong và hiển hách là vậy, nhưng ngay từ lúc giáng thế cho đến khi từ giã cõi đời, đã phải đối diện với không biết bao nhiêu chống đối từ người khác. Cái chết của Ngài là một minh chứng hùng hồn hơn cả về những ganh ghét mà người đời dành cho Ngài và cho giáo lý của Ngài. Người ta không thể thắng được Ngài trong những cuộc đối chất, người ta không thể phủ nhận những việc tốt Ngài làm, người ta không thể giả vờ như không biết những phép lạ Ngài thực thi, người ta không thể giấu được nỗi sợ hãi khi đứng trước Ngài… thế nên, người ta đố kỵ và cố sức làm mọi thứ để dồn Ngài vào chỗ chết.
Bước theo chân Thầy, các môn đệ cũng lăn mình vào vùng trời sứ mạng. Gặt hái được biết bao thành công, nhưng các ông thể thoát khỏi cái vòng lẩn quẩn của sự ác. Các ông đưa nhiều người về với Chúa bao nhiêu thì sự ganh ghét mà giới cầm quyền dành cho các ông cũng lớn bấy nhiêu. Dĩ nhiên, những người này chẳng thể dễ dàng chấp nhận cho một tôn giáo lạ lẫm phát triển bừng bừng như vậy. Vì như thế, họ sẽ mất dần ảnh hưởng, mất đi quyền lợi, mất cả chỗ đứng. Như một phương thức tự vệ, họ dùng hết mọi cách để ngăn chặn “thứ tôn giáo” này. Họ thuyết phục không được thì dùng đến bạo lực. Họ đánh đập không xong thì dùng đến ngục tù. Sau tất cả, họ dồn mọi điều tai tiếng về cho các môn đệ và những người tin theo Chúa, lấy cớ đó để thủ tiêu từng người. Cuộc bách hại trên diện rộng bắt đầu, máu và nước mắt không ngừng chảy xuống.
Khi niềm tin vào Đức Kitô vừa được gieo vãi ở mảnh đất cháu tiên con rồng này, nó đã sớm đâm rễ rồi trổ sinh hoa trái. Chỉ với một tấm lòng đơn sơ, cha ông chúng ta đã đón nhận giáo lý yêu thương của Chúa và thực thi nó ở mực độ cao nhất. Phần lớn trong số họ chẳng phải là những thần học gia, cũng chẳng phải những người với bộ óc siêu phàm. Có những mầu nhiệm cao siêu vượt trên tầm hiểu biết của họ. Nhưng một khi đức tin đã thấm vào lòng, chẳng gông cùm, xiềng xích, hay gươm đao nào có thể diệt được nó. Những con người Việt Nam năm xưa lại được sống kinh nghiệm của Chúa mình, một kinh nghiệm đau thương và thập giá. Họ đón nhận nó như một cái gì đó tất yếu phải kèm theo của việc tin vào Chúa. Họ nuôi dưỡng đức tin của mình trong bùn lầy tối đen của xã hội. Rồi người ta có thể giết chết thân xác họ, chứ cũng chẳng thể làm gì được hơn. Niềm tin đơn sơ, mạnh mẽ nhưng son sắt ấy vẫn cứ đứng vững vàng giữa bao chông chênh, ngày ngày vươn cao hơn nữa bất chấp những bắt bớ xung quanh đang rình chờ.
Năm tháng qua đi, thấm thoát cũng đã hơn 2000 năm rồi, chẳng có thời nào mà đức tin Kitô giáo không bị người ta đưa ra bỡn cợt, đùa giỡn, chà đạp, khinh khi và đàn áp. Nơi nào nhẹ nhất thì cũng bị người ta xỉa xói bằng lời lẽ hay bằng hình ảnh xúc phạm. Nơi nào nặng hơn thì người ta cho người Kitô hữu một viên đạn hay một nhát kiếm vào đầu. Tiếng khóc than ai oán của những bà mẹ trong vụ thảm sát các trẻ nhỏ mà vua Hêrôđê thực hiện năm xưa như vẫn đang còn đó, chẳng bao giờ ngừng. Nhiều người đã chấp nhận chết để giữ vững niềm tin, còn những ai muốn sống niềm tin, thì phải khăn gói lên đường để đi tìm một mảnh đất khác. Nơi nào có bóng dáng người Kitô hữu, nơi đó có bắt bớ đến thăm. Cây thập giá của Giêsu luôn theo họ trên từng ngóc ngách.
Dù vậy, hạt giống Chúa gieo vào lòng đất, vẫn ngày càng lớn lên, đủ sức vươn xa để cho chim trời đến trú ngụ, chứ không vì những bắt bớ mà lụi tàn đi. Những chống đối mà thế lực bạo tàn dành cho người Kitô hữu không những không làm cho họ quỵ ngã mà còn giúp họ mạnh mẽ hơn. Ở một phương diện nào đó, ta có thể nói rằng chính những bắt bớ ấy lại làm cho đức tin của người Kitô hữu thêm trưởng thành, thêm cứng cáp, thêm tinh tuyền và quý giá. Người ta sẽ biết đức tin của mình mạnh đến đâu khi đối diện với thử thách. Đức tin là một viên ngọc quý, người ta phải đánh đổi mọi thứ mới có được. Đức tin cũng không đơn thuần là chút cảm xúc hay lòng mộ mến bâng quơ. Gương của hàng trăm ngàn người Việt Nam tử đạo đã cho chúng ta thấy rằng niềm tin vào Đức Giêsu không phải là một cái gì đó xa lạ bên ngoài, nhưng là chính cuộc sống của họ, là căn tính của họ, là cái mà họ không thể thiếu khi sống trên đời này. Niềm tin Kitô giáo cũng hệt như ngọn lửa cháy bừng; ngọn cuồng phong bắt bớ cứ ngỡ là nếu tấn công vào thì sẽ dập tắt được nó, nhưng gió càng thổi, ngọn lửa càng cháy mạnh thêm nữa. Đã hơn 400 trôi qua rồi, người Việt Nam dù đã trải qua đủ loại bắt bớ, nhưng máu của các anh hùng tử đạo đã tưới gội mảnh đất khô cằn và làm bừng dậy những bông lúa đức tin thơm ngon. Đến bây giờ, bông lúa ấy vẫn không ngừng cho ra những hạt lúa tốt.
Người Kitô hữu luôn bị đặt giữa những thử thách nhưng chẳng bao giờ họ thua cuộc. Những bắt bớ chẳng thể nào huỷ diệt được đức tin; trái lại, càng làm cho nó lớn mạnh hơn. Các Tông Đồ năm xưa cũng như phần lớn các nhà truyền giáo đều kết thúc cuộc đời mình bằng cái chết thương tâm, nhưng chẳng bao giờ những cái chết ấy bị xem là thất bại, vì nếu nó là thất bại, thì cũng chẳng có chuyện niềm tin Kitô lại được loan truyền cho đến tận bây giờ. Giữa những bách hại, các Kitô hữu càng xích lại gần nhau, họ được nhắc nhớ về ý nghĩa và giá trị niềm tin mà họ đang nắm giữ. Bạo tàn luôn có nét hùng hồn và cứ ngỡ mình chiến thắng nhưng nó đã bị chính nỗi sợ giết chết mình từ bên trong. Những kẻ từng đưa tay lên đóng nhát đinh thật mạnh vào thân thể Chúa tưởng là mình có thể dùng sức mạnh để uy hiếp hay huỷ diệt người khác. Nhưng người chấp nhận lấy cái chết để làm chứng cho tình yêu và sẵn sàng nói lên lời tha thứ mới là kẻ chiến thắng thật sự.
Ba mươi năm nhân ngày các anh hùng Việt Nam tử đạo được Giáo Hội tuyên thánh, ta lại được gợi nhớ về sự chiến thắng oai hùng của thập giá Đức Giêsu. Giáo Hội Chúa đang còn lữ thứ và chắc chắn sẽ còn chịu nhiều thử thách gian nan. Nhưng người Kitô hữu vẫn không hề nao núng vì luôn tìm thấy được sức mạnh nơi chính Đấng đã chết và phục sinh, cũng như nơi sức hoạt động phong phú và mãnh liệt của Thánh Thần. Giáo Hội sẵn sàng lên tiếng vì công bình nhưng không bao giờ giải quyết mọi chuyện bằng bạo lực vì Giáo Hội – nghe theo lời dạy của Thầy Chí Thánh – không hề có vũ trang, không tích trữ vũ khí. Như Giêsu đã dùng tình yêu của mình để chiếu sáng thế gian thế nào, từng người Kitô hữu cũng được mời gọi để noi gương Thầy như vậy. Đó là vũ khí mạnh mẽ nhất của họ và không một cường bạo nào của thế gian có thể chiến thắng được. Người đời cứ hả hê phô diễn trò cười của mình qua những nhạo báng và bắt bớ; còn người Kitô hữu thì vui niềm vui bất diệt trong Thiên Chúa của mình.


Pr. Lê Hoàng Nam, SJ (dongten.net)

MỪNG LỄ SINH NHẬT THÁNH GIOAN TẨY GIẢ

Trong Giáo hội, ngày lễ kính một vị thánh là ngày tử trần của vị ấy, quen gọi là "ngày sinh nhật trên trời" của người, ngày người sinh ra trên trời. Duy chỉ có thánh Gioan Tẩy Giả là được kính mừng cả trong ngày Người sinh ra lẫn trong ngày Người tạ thế. Tưởng không có gì lạ. Tất cả cuộc đời của thánh nhân từ lúc sinh ra, và ngay cả trước lúc sinh ra, chỉ là một lời chứng duy nhất cho Chúa Giêsu.
Con người của một sứ mạng
Có những người cho rằng người ta sinh ra ở đời là "bị vất vào đó”, một cách tình cờ, vu vơ, vô nghĩa. Thông thường hơn, người ta nói mỗi người có một định mệnh. Trước định mệnh ấy con người đành bó tay chịu đựng, không cách nào thoát ra được. Người Công giáo thì tin rằng mỗi người sinh ra là do ý muốn đầy yêu thương của Thiên Chúa, rằng không phải một sức mạnh mù quáng hay khắc nghiệt nào đó đã ném họ vào đời, nhưng chính tình Yêu của Chúa "gọi" họ vào cuộc sống và khi cho một con người sinh ra, Thiên Chúa có một ý định, một dự tính về người ấy, không phải như một kế hoạch áp đặt nhưng như một sứ mạng để hoàn thành trong tự do và trách nhiệm hầu cho con người được hạnh phúc và cuộc đời họ được thành tựu đích thực. Ta gọi sứ mạng đớ là một "ơn gọi". Về mặt này, trường hợp của ông Gioan Tấy Giả là tiêu biểu vả rõ ràng.
Qua tưởng thuật của Kinh Thánh, chúng ta thấy ý định của Thiên Chúa về Gioan đã được biểu lộ hiển nhiên ngay từ giây phút ông được thụ thai, rồi trong việc ông sinh ra, việc đặt tên cho ông, việc mẹ ông và mẹ Chúa Cứu Thế gặp nhau vv..Trong các biến cố đó, ta thấy có sự can thiệp lạlùng của Chúa vào trong cuộc đời của Gioan để định hướng cho nó. Điều đáng nới hơn là về phần ông, một khi đã khôn lớn và nhận ra sứ mạng mà Thiên Chúa giao phó, Gioan Tẩy Giả không còn biết gì khác hơn là sống trọn vẹn cho sứ mạng đó một cách lô-gic, kiên quyết, trọn vẹn, cho tới cùng. Ông rút lui sớm vào hoang địa, sống khắc khổ xa lánh mọi mời mọc, níu kéo của trần gian là để được sống trọn vẹn hướng về Đấng Cứu thế mà ông phải làm kẻ "dọn đường". Ông rao giảng bằng những lời lẽ thật nghiêm khắc, mạnh mẽ để lôi kéo người ta sám hối đổi đời vì thời gian không còn nhiều, Nước Thiên Chúa sắp tới. Sau khi thiên hạ đã rời ông để quay sang Đức Giêsu, Đấng Cứu Thế, ông âm thầm rút lui vào bóng tối vì đã hoàn thành nhiệm vụ "Người phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi", ông tuyên bố như thế (Ga 3,30). Rồi cả cái chết của ông cũng là một phần không thể tách lìa của sứ mạng của một kẻ "dọn đường” và "làm chứng cho ánh sáng và sự thật”.
Gioan và Hêrôdê
Tôi thấy thánh Gioan Tẩy Giả Và Vua Hêrôđê, kẻ đã ra lệnh chém đầu Người, là hai khuôn mặt hoàn toàn tương phản. Gioan là người mạnh mẽ, chí khí, còn Hêrôđê là người yếu đuối, do dự. Một đàng thì sống khắc khổ, giản án dị, còn đàng kia lại thích xa hoa, hưởng thụ. Hêrôđê đã bắt giam ông Gioan vì ông mạnh mẽ tố cáo nhà vua đã lấy vợ của anh mình. Thật ra vua cũng tỏ ra kính phục nhà tiên tri, biết ông là người công chính và thánh thiện, nhiều khi ông đã bênh vực Gioan. Nhưng ông là người thiếu ý chí, bị bao vây bởi đam mê, dục vọng. Và tuy là người cai trị khôn khéo nhưng ông lại bị các khuynh hướng xấu xa làm chủ mình. Thế nên ông đã bắt Gioan tống ngục, chắc hẳn là dưới sức ép của bà Hêrôđiađê, người chị dâu mà ông ta đoạt làm vợ. Rồi trong một bữa tiệc, ông đã hài lòng về điệu múa của cô con gái của bà đến độ đã hứa ban cho cô ta bất cứ điều gì cô xin.
Một lời hứa bốc đồng. Đó không phải là tiếng nói của lý trí, của lương tâm mà là của cảm tính, của bản năng. Và thế là ông đã mắc mưu bà Hêrôđiađê rồi. Bà bảo con gái hãy xin cái đầu của Gioan. Đã lỡ hứa trước mặt các thực khách, nhà vua đành phải giữ lời, mặc dù trong thâm tâm không muốn giết con người công chính này.
Vua Hêrôđê tiêu biểu cho những con người để cho phần thú tính nơi mình lấn lướt; mặc dù đôi khi lý trí và lương tâm vẫn còn lóe lên nơi họ, kêu gọi họ hãy vươn cao lên, nhưng không đủ sức kéo họ ra khỏi vũng bùn lầy bởi họ đã quen sống trong những sự thấp hèn.
Đối diện với Hêrôđê, ông Gioan Tẩy Giả xuất hiện như một con người có lý tưởng, sống nhất quán vì lý tưởng đời mình; một con người của bổn phận; con người biết chiến đấu cương quyết chống lại những lôi cuốn của bản năng thấp hèn; con người của những đỉnh cao.
Thánh Gioan Tẩy Giả và chúng ta.
Như Gioan, mỗi người chúng ta cũng có một sứ mạng, một ý định của Thiên Chúa về chúng ta. Nhưng làm sao biết được? Kinh Thánh và giáo lý của Hội Thánh cho ta biết rằng con người được dựng nên "theo hình ảnh của Thiên Chúa", "có khả năng hiểu biết là yêu mến Tạo Hóa" và "chỉ con người, nhờ sự hiểu biết và tình thương, được mời gọi chia sẻ sự sống của Thiên Chúa". Đó chính là mục đích của việc tạo dựng con người. Con người phát xuất từ Thiên Chúa, sẽ được trở về với Thiên Chúa. Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo (năm 1992) trích dẫn lời thánh nữ Catarina thành Sienna như sau: "Vì sao Ngài đã dựng nên con người với phẩm giá cao trọng như vậy? Với tình thương vô biên, Ngài đã nhìn ngắm thụ tạo nơi chính mình và say mê nó. Vì thương yêu, Ngài đã tạo ra nó; vì yêu thương, Ngài cho nó khả năng hưởng phúc vĩnh cữu, (sđd, số 6).
Đó là ý định chung của Thiên Chúa là ơn gọi chung của chúng ta. Mỗi người sẽ phải thế hiện ơn gọi đó cho nên mình tùy theo diễn tiến cụ thể đời mình, theo những điều kiện và hoàn cảnh sống thực tế, khi ra sức tìm kiếm và thi hành thánh ý Chúa trong lề luật của Người và lời dạy của Giáo hội, trong việc bổn phận của bậc sống mình, trong lương tâm ngay thăng, trong luật lệ chính đáng của xã hội, trong các biến cố...
Không phải tự nhiên và dễ dàng mà chúng ta có thể thực hiện ý định của Chúa đối với chúng ta. Trong mỗi người đều có hai khuynh hướng: một nâng ta lên cao, một kéo ta đi xuống. Chúng ta thường xuyên kinh nghiệm rằng hai khuynh hướng thiện ác đó đấu tranh kịch liệt với nhau ngay trong ta. Muốn chiến thắng, phải tỉnh thức và cầu nguyện, phải tập nghe theo tiếng nói của lý trí, của lẽ phải và lương tâm, trong việc lớn cũng như việc nhỏ; đồng thời cũng phải tập sống khổ chế, nghĩa là sông có kỷ luật, biết hy sinh và từ bỏ. Làm sao có thể có một đời sống tinh thần phong phú nếu lúc nào cũng tìm kiếm và chiều theo những sự dễ dãi, thoái mái, nêu lúc nào cũng chạy theo vui thú vật chất và xác thịt?
Ít năm sau chiến tranh, tôi có dịp đi thăm một anh em tu sĩ chúng tôi ở Xuyên Mộc. Ngài phụ trách một giáo xứ khoảng 4.000 giáo dân và ba địa điểm cách giáo xứ từ 7 đến 20 cây số với số giáo dân khoảng 6.000 người nữa. Tôi đã đi thăm hai địa điểm lớn ở xa. Đó. là hai làng kinh tế mới. Tôi thấy giáo dân thật sốt sắng, đầy can đảm trong công việc làm ăn cũng như trong việc đạo. Đặc biệt tôi gặp một gia đình Dòng Ba Phanxicô gốc ở Phú Nhuận. Khi tôi đến, ông đang dạy giáo lý hôn nhân cho một chị độ 25 tuổi. Ông bà cho biết: họ có mấy người con trai, trong đó có đứa nghiện xì ke đã làm cho họ rất khổ tâm. Để tránh cho mấy đứa khác khỏi bị lôi kéo vào con đường hư hỏng đó, hai ông bà đã quyết định đưa cả gia đình tới đây sinh sống từ 1980. Bây giờ họ sống nghèo nhưng vui và bình an. Tinh thần đơn sơ, nghèo khó, vui tươi và phó thác của Dòng Ba đã giúp họ can đảm sống cuộc đời thiếu thốn vì lợi ích của con cái. Họ nói tuy họ không giàu có nhưng con cái họ không hư hỏng.
Theo "ơn gọi" và hoàn cảnh riêng của mình, hai người công giáo này đáng cho ta khâm phục không kém Gioan Tẩy Giả, và chắc chắn là gần gũi và dễ noi gương hơn noi gương vị Tiền Hô.

Lm Nguyễn Hồng Giáo