TẠI SAO CÀNG NGÀY NGƯỜI TA LẠI CÀNG QUAN TÂM ĐẾN VIỆC THƯỜNG HUẤN?





TẠI SAO CÀNG NGÀY NGƯỜI TA LẠI CÀNG QUAN TÂM
ĐẾN VIỆC THƯỜNG HUẤN?

     A. DẪN NHẬP
Khởi đi từ lời kêu gọi của Đức Kitô “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48). Đáp lại lại lời mời gọi ấy, người tu sĩ tự nguyện bước theo sát Đức Kitô là mẫu gương của sự hoàn thiện. Nhưng người tu sĩ phải bước đi như thế nào để có thể theo sát Ngài, nên đồng hình đồng dạng với Ngài, hay nói cách khác là thống nhất đời sống trong Đức Kitô trong một thế giới đày biến chuyển hôm nay(biến chuyển trong xã hội cũng như trong giáo hội). Đó là vấn đề của việc huấn luyện. Tuy nhiên việc cố gắng nên hoàn thiện không phải là một hành trình ngắn nhưng trải dài trong suốt cuộc đời. Vì thế, việc huấn luyện phải là một tiến trình trải dài trong suốt cuộc đời người tu sĩ mà ngày nay ta thường nghe với cái tên HUẤN LUYỆN TRƯỜNG KỲ hay THƯỜNG HUẤN
     B. NỘI DUNG
I. Định Nghĩa, Mục Đích Của Thường Huấn
1. Thường Huấn Là Gì?
Có nhiều cách hiểu về huấn luyện trường kỳ, nhưng ở đây ta nói đến hai định nghĩa mà có thể toát lên được vừa là tu sĩ cộng tác với Thiên Chúa, vừa là thực hành bổn phận của mình:
- Theo nghĩa thần học: “Huấn luyện trường kỳ” có nghĩa là công việc của Thiên Chúa đã được khởi đầu, và chúng ta tiếp tục cộng tác với công việc của Người (Mary Mortz).
-Theo Domingo J. Andre: “Đó là một tiến trình huấn luyện của sự trưởng thành một cam kết cá nhân, không gián đoạn và không nhượng bộ mà người tu sĩ đề xuất ra cho trọn cuộc sống, và do đó, với tư cách là những người được rửa tội, những người được thánh hiến và tuyên khấn, họ phải hướng tới việc thiết lập, duy trì và canh tân không ngừng căn tính ơn gọi của mình và của những kết quả phát xuất từ sự tuyên khấn của mình.[1]

2. Mục Đích Của Thường Huấn
- Mục đích thứ nhất:  Giúp người tu sĩ trưởng thành hơn trong mọi chiều kích( Nhân bản, tâm linh, mục vụ, tình cảm…). Vì không phải ai khấn trọn rồi thì đều trưởng thành tất cả.
- Mục đích thứ hai: Nhằm giúp các tu sĩ có đủ sức mạnh trung kiên với chương trình của Thiên Chúa giữa những hoàn cảnh không ngừng biến chuyển của Giáo Hội và của thế giới. Vì vốn kiến thức và kinh nghiệm đạt được trong giai đoạn huấn luyện sơ khởi, tu sĩ không thể đương đầu khi gặp các hoàn cảnh mới mẻ.[2]
- Mục đích thứ ba: Để trung thành với đoàn sủng riêng, qua việc luôn tìm hiểu sâu xa về đấng sáng lập, lịch sử, linh đạo của dòng.[3]
II. Những lý do của việc thường huấn (tại sao phải thường huấn)
 “Thường huấn là một đòi hỏi của việc thánh hiến tu dòng.  Tiến trình đào tạo, không bị giới hạn vào giai đoạn sơ khởi; do các giới hạn của con người, người được thánh hiến không bao giờ có thể coi là đã hoàn tất nơi mình, việc thai nghén con người mới, con người mà trong mọi hoàn cảnh sống, đều có những tâm tình của Chúa Giêsu.  Do đó, việc đào tạo sơ khởi phải được củng cố bằng việc thường huấn, đặt người tu sĩ trong thế sẵn sàng để được đào tạo mỗi ngày trong đời mình.” (VC 69) 
1.      Do chức năng của người tu sĩ
Chính đời sống thánh hiến, tự bản chất đòi buộc một sự sẵn sàng luôn luôn nơi những người thánh hiến. Nếu đời sống thánh hiến là “không ngừng đảm nhận đức kitô” thì hiển nhiên con đường đó phải tồn tại suốt đời và bao trùm toàn thể con người, tâm hồn, trí khôn và sức lực (x Mt 22, 37), biến đổi bản thân nên giống Người Con là Đấng đã tận hiến cho Chúa Cha vì phần rỗi của nhân loại. Hiểu như thế việc huấn luyện không chỉ là thời kỳ đào tạo cho việc tuyên khấn nhưng là một sự huấn luyện không bao giờ kết thúc.
  1. Do thách đố của thời đại, tuổi tác
Nền đào tạo liên tục là một đòi hỏi nội tại của đời sống thánh hiến. Nhu cầu này hiện nay cấp bách hơn bao giờ hết vì những thay đổi văn hóa sâu sắc và nhanh chóng,  nhất là vì những tiến bộ đạt được trong lãnh vực Kinh Thánh, lịch sử và tín lý. Tiến trình đào tạo không thể chỉ giới hạn vào việc đào tạo ban đầu được. Nền đào tạo ấy phải liên kết với việc đào tạo liên tục để tạo nên nơi các tu sĩ sự sẵn sàng muốn được đào tạo mỗi ngày. Điều này đòi hỏi họ phải quan tâm đặc biệt đến những dấu chỉ hầu có thể có những đáp ứng thích hợp.
Hơn nữa, người tu sĩ có thể gặp những hoàn cảnh khó khăn trong mọi giai đoạn của đời sống tu trì, do những yếu tố bên ngoài: như chuyển công tác, khó khăn trong công việc hay thất bại trong công cuộc tông đồ, bị hiểu lầm hay bị đặt ra ngoài lề. Hoặc do những nguyên nhân có tính cách cá nhân hơn: như bệnh hoạn thể lý hay tinh thần, khô khan thiêng liêng, tang tóc, các vấn đề thuộc phạm vi tương giao nhân bản, cơn cám dỗ mạnh mẽ, khủng hoảng đức tin hay khủng hoảng căn tính, cảm thấy mình vô dụng. Việc thường huấn ở đây có mục đích không những giúp đời sống thiêng liêng và tông đồ sốt sắng hơn mà con khám phá ra tính cách đặc thù của giai đoạn này trong cuộc sống.
  1. Do sự phát triển và tương lai của Hội dòng
Chúng ta nhận thấy, những thay đổi văn hóa đang xảy ra trên mọi lục địa. Để đoàn sủng của Đấng sáng lập được đón nhận nơi các nền văn hóa khác nhau thì đòi hỏi mỗi hội dòng đưa ra những canh tân thích hợp để có thể hội nhập với sự thay đổi đa dạng của các nền văn hóa mà vẫn giữ được đoàn sủng của Đấng sáng lập. Nên ta thấy sự cần thiết của việc huấn luyện thường kỳ và giúp người tu sĩ sống căn tính của mình một cách trọn vẹn nhất.

III. NHỮNG CHIỀU KÍCH THƯỜNG HUẤN.

1.         Huấn luyện tâm linh
Huấn luyện tâm linh là giúp người tu sĩ sử dụng thành thạo ba lối đi thiêng liêng liên hoàn và bổ túc cho nhau là: “Trung thành suy niệm Lời Chúa, tích cực tham dự các mầu nhiệm thánh, và phục vụ trong đức ái với mọi thành phần trong xã hội”(PDV 46). Việc huấn luyện tâm linh cũng giúp người tu sĩ biết tìm đúng nguồn mạch của đời sống là Thiên Chúa và cảm nghiệm được tình yêu của Ngài chan hòa trong từng giây phút, để bất cứ ở đâu, làm gì…họ đều nhận ra sự hiện diện của Chúa và gắn bó với Ngài[4]. Như vậy huấn luyện tâm linh phải được đặt lên hàng đầu vì nó bao gồm việc đào sâu đức tin và đào sâu ý nghĩa của việc tuyên khấn tu trì. Vì thế, những việc linh thao và những thời gian cầu nguyện, hồi tâm dưới nhiều hình thức phải được ưu tiên[5].
            Huấn luyện tâm linh cũng cần chú ý đến việc huấn luyện ba lời khuyên Tin Mừng. Ngoài ra cũng cần tổ chức các buổi học hỏi tìm hiểu sâu sa về đấng sáng lập, lịch sử, tinh thần và sứ vụ của hội dòng để giúp người tu sĩ trung thành với đoàn sủng riêng của hội dòng

2.          Huấn luyện nhân bản.
            Huấn luyện nhân bản là giúp người tu sĩ dần họa lại những nét hoàn thiện của nhân cách Đức Kitô trong cuộc sống đối với Thiên Chúa cũng như đối với đất nước, con người, đồng bào và đồng loại(x.PDV 43-44). Như vậy huấn luyện nhân bản ngoài việc trau dồi đức tính luân lý phổ thông và các đức tính dân tộc, thì huấn luyện nhân bản còn là huấn luyện để trở nên hình ảnh sống động về mặt nhân bản của Đức Kitô, tức là biết thiết lập và sống tốt các mối tương quan. Khi biết thiết lập những mối tương giao đó, người tu sĩ mới có thể sống trong cộng đoàn, đảm nhận một cộng đoàn, sống hiệp thông theo gương mẫu Chúa Ba Ngôi. Khả năng biết thiết lập tương quan hiệp thông sẽ giúp con người sống vui vẻ, quảng đại, vị tha, chân thành, bác ái…ta có thể nói, nhân cách của người tu sĩ càng lớn, các tương giao càng mở rộng, con người càng nhạy cảm với sự hiệp thông[6].

3.    Huấn luyện tông đồ:
Nhằm mở lòng mở trí người tận hiến và chuẩn bị cho họ liên tục cố gắng trong hoạt động tông đồ, đó là dấu chỉ của tình yêu của Đức Kitô thúc đẩy (2Cr 5,1-4)
Trên thực tế, điều này có nghĩa là phải cập nhật hóa các phương pháp và mục tiêu hoạt động tông đồ, trong sự trung tín với tinh thần và ý định của Đấng sáng lập và với những truyền thống đã được hình thành sau này.

4.    Huấn luyện tri thức:
Dựa trên một huấn luyện thần học vững chắc giúp biện phân chiều kích văn hóa và nghề nghiệp. Cần được cập nhật hóa liên tục và quan tâm đặc biệt tới những lãnh vực khác nhau tùy theo mỗi đoàn sủng. Tinh thần cởi mở và sẵn sàng học hỏi, biết dùng phương tiện tiến bộ mà văn hóa cung cấp nhằm phục vụ theo những đòi hỏi của xã hội

5.      Huấn luyện chuyên môn:
Những biến đổi lớn lao của thời đại đòi hỏi:
Để có thể sống và phục vụ nói chung, tu sĩ phải có trình độ kiến thức và chuyên môn nào đó. Mỗi tu sĩ thuộc các dòng hoạt đều phải có ngành nghề.  Vấn đề là yêu cầu người tu sĩ một trình độ tương xứng nào đó ngõ hầu có thể trả lời cho những thách đố của thời thời đại. Chính từ ngành nghề chuyên môn này người tu sĩ sẽ vừa phục vụ nhân loại và Giáo hội, vừa đóng góp vào quỹ bảo hiểm sức khỏe và hưu dưỡng cho chính bản thân. (Đức Giêsu đã chọ nghề “làm thợ” hầu như suốt cuộc đời).

IV.        CÁC TÁC NHÂN HUẤN LUYỆN
1.      Thiên Chúa
Là tác nhân đầu tiên và chính yếu trong công việc huấn luyện. Nhờ Thánh Thần Thiên Chúa với nguồn sức mạnh “đổi mới con tim”, với công trình “tạo dựng mới”, Ngài đóng vai “nguồn lực huấn luyện”. Trong Tông huấn Pastores số 65, nhắc nhở các nhà huấn luyện và các ứng sinh thường xuyên ý thức và xác tín rằng: “ Chính nhờ hoạt động cứu độ của Thánh Thần, Thiên Chúa mới có lời mời gọi hướng đến đời sống dâng hiến, và mới có sự dẫn dắt ứng sinh nhận ra ơn Chúa và quảng đại đáp trả cách ý thức và tự do. Chính Thánh Thần ban ánh sáng và sức mạnh cho việc phân định ơn gọi cũng như việc thực hiện hành trình đáp trả ơn gọi. Chính Thánh Thần là nguồn lực huấn luyện, một nguồn lực hoàn toàn miễn phí và triệt để hữu hiệu cho việc tạo dựng mới, cho việc đổi mới con tim. Do đó, không thể có huấn luyện đích thực nếu không có ân ban của Chúa Thánh Thần”.
Trong Tâm Thư Liên Hiệp Bề Trên Thượng Cấp Việt Nam Gửi Anh Chị Em Sống Đời Thánh Hiến ngày 06 tháng 11 năm 2015 viết  : “Chúa Thánh Thần là tác giả của đời sống thánh hiến và là thầy dạy của các tu sĩ. Mở lòng ra với Chúa Thánh Thần là điều kiện tiên quyết để người tu sĩ chúng ta được lớn lên và trưởng thành trong đời tu. Dù sống trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta hãy luôn sẵn sàng tuân theo tác động cảu Chúa Thánh Thần để NGười có thể canh tân tình yêu và sự sống nơi chúng ta, khơi lên trong chúng ta lòng nhiệt thành, can đảm và hiến thân cho Chúa Ki-tô và cho Giáo Hội. Sống theo sự chỉ dẫn cảu Chúa Thánh Thần là sống theo ánh sáng của Tin Mừng, boa hàm việc tuân giữ luật dòng, đặt mình đươi sự hướng dẫn của các vị hữu trách”
2.      Đức Trinh nữ Maria
Trong tiến trình huấn luyện, các tu sĩ phải cảm nhận vai trò đặc biệt của Mẹ Maria, Mẹ là gương mẫu hoàn hảo . “Mẹ là người đầu tiên trong số những người tận hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa cách trọn vẹn nhất và hoàn hảo nhất. Nhờ quyền năng Thánh Thần, tình yêu hôn nhân cảu Mẹ đã đạt tới tột đỉnh trong Thiên chức làm Mẹ Thiên Chúa. Mẹ đã bồng ẵm Đức Kito trong tay, đồng thời Mẹ cũng trả lời cách hoàn hảo hơn hết cho lời mời gọi; “ Hãy theo tôi”. Mẹ đã theo Con của Mẹ như theo một bậc thầy về đức khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục. Nếu Đức Maria là mẫu gương đầu tiên cho toàn thể Giáo Hội, thì Mẹ càng là gương mẫu đầu tiên cho người và những cộng đoàn tận hiến trong lòng Giáo Hội. Mỗi tu sĩ được mời gọi là tươi mới đời tân hiến theo mẫu thánh hiến của Mẹ Thiên Chúa.
Các tu sĩ gặp gỡ Đức Maria không chỉ như một mô phạm nhưng còn như một người mẹ các tu sĩ. Đời tu tìm thấy trong lời thưa xin vâng và kinh Magnificat” của Mẹ trọn vẹn ý nghĩa của việc Mẹ phó thác cho tác động thánh hiến của Thiên Chúa và niềm vui do việc thánh hiến đó’. (TH Huấn luyện Dòng Tu số 20)
3.      Giáo Hội
Nếu như trong các giai đoạn huấn luyện sơ khởi, Giáo Hội đóng vai trò là “ trợ lực huấn luyện”, thì ở giai đoạn thường huấn này, Giáo Hội vẫn giữ vai trò không thể thiếu trong việc tự huấn luyện của các tu sĩ. Bởi vì, nhờ Giáo Hội, người tu sĩ đón nhận Tin Mừng và ngày càng đào sâu được ý nghĩa của Tin Mừng. Trong Giáo Hội, người tu sĩ đón nhận những lương thực cần thiết để nuôi dưỡng đời sống tận hiến của mình. Đồng thời, Giáo Hội luôn soi sáng, hướng dẫn và trợ lực cho tu sĩ kiên trì bước theo Đức Kitô qua việc chiêm ngắm, ở lại trong Ngài để người tu sĩ có thể hòa nhập vào tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người. Đó là trợ lực giúp họ ngày càng lớn lên trên con đường theo Đức Kitô[7] .

4.      Cộng Đoàn
Đời sống cộng đoàn đóng một vai trò vai ưu tiên trong việc huấn luyện tu sĩ, dù ở bất cứ giai đoạn nào. Do đó, phẩm chất của cộng đoàn ảnh hưởng đến cách người tu sĩ tự huấn luyện chính mình. Bầu khí thiêng liêng trong những giờ phút phụng vụ, cầu nguyện, sự tương quan liên vị và yêu thương trong cộng đoàn, cũng như một cộng đoàn đồng hành sẽ giúp người tu sĩ duy trì được đời sống tâm linh của mình, tìm lại sức mạnh thiêng liêng để tiếp tục dấn thân phục vụ Chúa và tha nhân, giúp người tu sĩ trưởng thành trong đoàn sủng của dòng, cùng nhau thăng tiến trong ơn gọi của Dòng.

5.      Cá nhân mỗi người
Dù ở bất cứ giai đoạn nào thì tác nhân chính trong việc huấn luyện là chính bản thân người thụ huấn, nhất là trong giai đoạn thường huấn. Chính vì thế, người tu sĩ phải mang tâm tình thụ huấn suốt cả đời, để sẵn sàng mở ra với tiến trình huấn luyện bản thân, nhờ đó, họ biết khám phá chính mình, biết rõ mình ngày một sấu sắc hơn, giải thoát mình khỏi những sự bất nhất của chính mình, uốn nắn chính mình[8] để trở nên hoàn thiện hơn mỗi ngày.
Trong tâm thư liên hiệp Bề Trên Thượng cấp Việt Nam gửi anh chị em sống đời thánh hiến ngày 06/11/2015: “Tự đào tạo bao hàm ý thức tự do và trách nhiệm của mỗi cá nhân trước tiến trình đào tạo do hội dòng sắp đặt. Vì thế, mỗi người chúng ta cần xem lại việc tự đào tạo nơi chính mình

B.    TẠM KẾT- MỘT VÀI SUY TƯ
Hành trình dâng hiến của mỗi tu sĩ là hành trình theo sát Đức Ki-tô để nên đồng hình đồng dạng với Ngài, làm như Ngài làm và sống như Ngài sống. Đức Ki-tô Ngài đã luôn thực hiện được cách triệt để giữa đời sống chiêm niệm và hoạt động. Nhưng, có nhiều lúc người tu sĩ hăng say theo Chúa đi truyền giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa không quản ngại nguy khó, không lo sợ nghi nan đến độ kiệt hết sức lực. Do vậy người tu sĩ cần phải sắp xếp cho mình có những gian để lấy lại sinh lực cho mình. Đó là việc huấn luyện trường kỳ. Thánh Phaolô trong thư Philipphê, ngài tha thiết kêu gọi tín hữu “Những gì là chân thật, cao quý, những gì là chính trực tinh tuyền, những gì là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh, đáng khen, thì xin anh em hãy để ý.” (Pl 4,8). Thiết nghĩ tư tưởng trên cũng diễn tả phần nào mức độ cấp thiết của việc thường huấn.
Để kết thúc, xin mượn tư tưởng của Đức Cha Bùi Tuần trong bài chia sẻ về huấn luyện trường kỳ cho các linh mục: “Huấn luyện trường kỳ không có nghĩa chỉ là ôn lại những gì đã học trước đây mà còn là thường xuyên tiếp nhận cái mới, và không ngừng xem xét lại những vốn liếng cũ. Nói cách khác huấn luyện trường kỳ cũng là một cách tái huấn luyện.” Và Ngài rút ra kinh nghiệm thực hiện cho ngài việc Huấn luyện trường kỳ: Sống khiêm nhường. Đón nhận Đức Kitô.  Biết phân định.





[1] Nt Marie Rose VŨ THỊ LOAN, FMSR, Bản Tóm Tắt Việc Huấn Luyện Tu Sĩ.

[2] ĐỜI TU Dưới Ánh Sáng Công Đồng Vaticano II và Giaos Luật
[3] Hiến Pháp Dòng Nữ  Tỳ Chúa Giêsu Linh Mục, Giaos Phận Xuân Lộc
[4] Chỉ nam huấn luyện. Sr Maria Rosa Vũ Thị Loan,FMSR trang 83.
[5] Những chỉ dẫn về việc huấn luyện trong các hội dòng1990. số 68
[6] Chỉ nam huấn luyện. Sr Maria Rosa Vũ Thị Loan,FMSR trang 64.
[7]ibid
[8]Amedeo Cencini, Tâm tình Chúa Con, bản dịch của Nguyễn Ngọc Kính và Nguyễn Văn Khoan, NXB. Tôn Giáo, trang 231





THÁNG 4

NGÀY
LỄ
QUAN THẦY
27/04
Lễ Thánh Rita
Chị Hoạt ( Nhà Tập)
29/04
Lễ Thánh Cathrine Siena        
Chị Lan (Cathrine)

 

 

LỄ GIỖ BỐ MẸ CHỊ EM

TƯỞNG NHỚ VÀ CẦU NGUYỆN



NGÀY
LỄ GIỖ
01/04
Ông cố Antôn - thân phụ chị Lan (Francoise Romaine)
11/ 04
Chị Martha Lan Phương
21/04
Mẹ Marie Anastasie (Đấng Sáng Lập)
24/04
Bà cố Inê - Thân mẫu chị Thảo (Dominique)
30/04
Ông cố Phanxicô Xaviê- Thân phụ Dì Cẩm