THÁNG 10

NGÀY
LỄ
QUAN THẦY
01/10
Lễ thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu
*Chị Bề trên Giám tỉnh 
* Bổn mạng Tuyển Sinh
04/10
Lễ thánh Phanxicô Assisi
Chị Khiêm
05/10
Lễ thánh Faustina
Chị Tuyết
07/10
Lễ Mẹ Mân Côi
* Bổn Mạng Hội Dòng
* Chị Thủy Tiên
15/10
Lễ thánh Têrêsa Avila
Chị Cần
16/10
Lễ thánh Maguerite
Chị Tươi
18/10
Lễ Thánh Luca
Chị Hà

LỄ GIỖ BỐ MẸ CHỊ EM
TƯỞNG NHỚ VÀ CẦU NGUYỆN


NGÀY
LỄ GIỖ
16/10
Bà cố Maria - Thân mẫu Dì Cẩm


Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu - Trinh nữ, Tiến sĩ Hội Thánh


Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu
Ngày kính: 01 tháng 10
Ngày 19 tháng 10 năm 1997, thánh nữ Têrêsa Hài đồng Giêsu được ĐGH Gioan Phalô II trao tặng danh hiệu Tiến sĩ Hội thánh. Ngài là người trẻ nhất (24 tuổi) trong 3 vị nữ thánh được trao tặng danh hiệu này.
Nhìn vào cuộc đời của chị Têrêsa chúng ta chắc không khỏi ngạc nhiên thắc mắc: “Đâu là điều khiến chị có được danh hiệu ấy?”; bởi cuộc đời chị quá đơn giản và bình thường, chẳng có chi là nổi trội. Thậm chí có người còn nhận xét: “Có lẽ với cuộc đời ấy chị đã chìm vào quên lãng, nếu không để lại cuốn tự thuật ‘Truyện một tâm hồn’ mà chị viết vì vâng phục.”
Bạn đã bao giờ nghe về Thánh Thérèse hay Thánh Têrêsa Hài Đồng và những bí mật về thánh nữ? Bạn có biết tại sao có rất nhiều người chọn ngài làm thánh quan thầy, và là người bạn gần gũi nhất của mình không?
Chúng ta hãy bắt đầu tìm hiểu…
Câu chuyện của Thérèse Martin
Thérèse Martin sinh ra trong một thị trấn thuộc Alencon, Pháp vào ngày mùng 2 tháng 1 năm 1873. Chị ấy là con gái út trong gia đình gồm 5 chị em gái. Khi chị ấy còn rất nhỏ, mẹ của chị ấy mắc căn bệnh ung thư. Vào thời đó, họ không có thuốc và sự điều trị tốt như ngày nay. Các bác sĩ đã cố gắng hết sức nhưng căn bệnh của bà Martin vẫn ngày càng nặng thêm. Bà ấy đã mất khi Thérèse mới chỉ 4 tuổi.
Đó là khi bố của Thérèse quyết định tốt hơn nên chuyển nhà đến Lisieux, một thị trấn khác, nơi có nhiều người thân sinh sống. Ở đó có tu viện Carmelite, một tu hội dòng kín, nơi mà các thiếu nữ làm một công viêc đặc biệt đó là cầu nguyện cho toàn thế giới. Khi Thérèse được 10 tuổi, một chị gái của chị là Pauline đã xin nhập dòng Carmelite ở Lisieux. Điều đó thật khó khăn cho Thérèse vì chị Pauline giống như người mẹ thứ hai của Thérèse, chăm sóc và dạy dỗ chị ân cần như mẹ chị đã từng làm. Thérèse nhớ chị Pauline đến phát ốm. Suốt cả tuần sau đó chị vẫn chưa khỏi, các bác sĩ không biết chị ấy đã gặp vấn đề gì. Bố và 4 chị gái của Thérèse đã cầu xin Thiên Chúa giúp. Một ngày sau, tượng Đức Mẹ trong phòng ngủ của Thérèse bỗng dưng mỉm cười với Thérèse và chị ấy hoàn toàn bình phục!
Một lần khác, Thérèse nghe tin về một người đàn ông đã gây ra ba vụ giết người và thậm chí còn không biêt hối lỗi. Chị ấy quyết định cầu nguyện và làm một việc hy sinh để cầu nguyện cho ông ấy (như từ bỏ một cái gì đó mình thích hay làm một việc nào đó mà mình không thích). Chị ấy cầu xin Chúa thay đổi tâm hồn người đàn ông ấy. Trước khi người đàn ông đó chết, ông ta hỏi về cây thánh giá và hôn lên hình Chúa Giêsu. Thérèse cảm thấy rất hạnh phúc, chị biết rằng ông ta đã tin vào Chúa và nhân đón nhân ơn sám hối.
Thérèse rất yêu mến Chúa Giêsu. Chị muốn dâng hết cả con người mình cho Chúa. Chị  muốn gia nhập dòng Camelô để có thể dâng hiến đời mình để làm việc và cầu nguyện cho mọi người, nhất là những người còn chưa biết đến lòng thương xót Chúa. Nhưng Thérèse  gặp một trắc trở. Chị ấy còn quá trẻ, chị cần phải cầu nguyện và chờ đợi thêm. Cuối cùng thì chị  cũng được 15 tuổi, được phép gia nhập vào tu viện.
Chị Thérèse đã làm gì trong thời gian ở tu viện? Không gì đặc biệt cả. Bí mật của chị ấy là:  YÊU MẾN. Có một lần Thérèse nói rằng: “Thiên Chúa không muốn chúng ta phải làm điều này điều kia cho Ngài, mà Ngài muốn chúng ta yêu Ngài là đủ”. Vì thế, Thérèse đã ước muốn và thực hành đời sống yêu mến Chúa. Chị tập kiên nhẫn và ân cần với mọi người, điều đó thật không dễ chút nào. Trong thời ấy, lúc các chị đang giặt quần áo bằng tay (lúc đó máy giặt chưa được phát minh!).  Có một chị luôn làm bắn tóe nước bẩn vào mặt chị Thérèse. Nhưng Thérèse chẳng bao giờ tỏ ra bực bội. Thérèse thường hay giúp đỡ một chị lớn tuổi có tính cáu gắt và luôn phàn nàn về mọi thứ, bởi vì chị Thérèse không cảm thấy thích việc đó. Thérèse muốn đối xử với chị ấy như với chính Chúa Giêsu. Chị biết rằng khi mình yêu những người khác tức là mình đang yêu chính Chúa Giêsu. Tình yêu khiến Thérèse trở nên hạnh phúc.
Thérèse chỉ sống đời tu 9 năm. Căn bệnh lao đã xảy đến với chị, nó khiến chị phải chịu rất nhiều đau đớn. Không có sự điều trị đối với căn bệnh ấy, các bác sĩ cũng không thể giúp được nhiều cho chị. Thérèse qua đời khi mới chỉ 24 tuổi. Nhưng trước khi chết, chị đã hứa sẽ không từ bỏ điều bí mật của mình. Chị hứa sẽ luôn yêu thương và giúp đỡ mọi người khi về quê trời. Trước khi mất, Thérèse đã nói: “Tôi sẽ gửi mưa ơn lành từ trời xuống mặt đất”. Và chị ấy đã làm được điều đó! Tất cả mọi người trên thế giới, những người đã nhờ thánh Thérèse Lisieux cầu xin đến Thiên Chúa đều nhận được sự đáp trả qua lời cầu nguyện của họ.
Bí mật của Thánh Têrêsa Hài Đồng
Thérèse đã khám phá ra “con đường nhỏ” để đến với Thiên Chúa: Thérèse muốn nên Thánh. Ngài biết Thiên Chúa rất muốn giúp đỡ mình và đặt hết mọi tin tưởng nơi Thiên Chúa và yêu Chúa hết cả tấm lòng, sau đó ngài quan tâm, đối xử tốt với mọi người xung quanh, từ những việc đơn giản nhất. “Con đường nhỏ” của Thérèse là làm mọi việc bạn có thể làm cho người khác vì yêu mến Chúa. Đó chắc chắn là cách để bạn có thể nên thánh.

CHÚA NHẬT XXVI THƯỜNG NIÊN NĂM C 2019


Vô Cảm, Cái Chết Từ Trong Tâm Hồn
Lm. Giuse Nguyễn

Những ngày này, chỉ cần vài giây, Google sẽ cho ra hàng triệu kết quả với cụm từ vụ án VN Pharma, là vụ án gây chấn động và bức xúc trong dư luận về việc mua bán thuốc điều trị ung thử giả xảy ra tại Công ty cổ phần VN Pharma. Những người liên quan đến vụ án này không chỉ phạm pháp, mà hơn thế nữa họ còn mang trong mình căn bệnh vô cảm. Thực tế trong y học không có bệnh vô cảm. Đó là căn bệnh của cách hành xử, căn bệnh của lối sống khi người ta không biết quan tâm đến người khác. Sự vô cảm càng nặng nề hơn khi họ lợi dụng nỗi đau của kẻ khác để trục lợi cho bản thân mình, trong khi lẽ ra họ phải là những người xoa dịu nỗi đau cho người khác. Dư luận lên án và bức xúc là phải, vì vụ án xảy ra liên quan đến nghành y tế, là nghành chăm sóc sức khỏe cho người dân, nhưng nay lại lấy đi sức khỏe và mạng sống của họ. Ấy vậy mà trong quá trình xét xử, lại xuất hiện những hồ sơ mật. Báo Pháp Luật đưa tin: “Trong phiên xét xử ngày 24/09, đáng chú ý, trước khi chuyển sang phần xét hỏi, chủ tọa phiên tòa có lưu ý: Hồ sơ vụ án có một số tài liệu đóng dấu mật, tuyệt mật. Những người nào sử dụng tài liệu này phải chú ý, còn ai cố tình làm lộ bí mật sẽ bị xử lý theo quy định”. Vô cảm đến thế là cùng! Khi người ta phạm pháp mà còn cố tình dùng mọi cách để bao che.
Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật 26 Thường Niên hôm nay sẽ nói với chúng ta về chứng bệnh vô cảm này.
Bài đọc I (Am 6, 1a.4-7): Thời của tiên tri Amos là thời vinh quang tột đỉnh của miền Bắc Israel. Dân chúng sống sa hoa hưởng thụ, bám víu vào của cải vật chất, thể hiện một sự thịnh vượng mà không có nền tảng đạo đức. Nhưng đến thời đất nước lâm nguy bởi kẻ thù là Assua, họ vẫn quen với lối sống đó. Chính vì vậy Amos được sai đến để khiển trách họ. Họ bị lên án là vì lo hưởng thụ, ăn uống, chè chén say sưa mà không quan tâm đến vận mạng của đất nước. Tiên tri nói rõ: “Vì thế, giờ đây chúng sẽ bị lưu đày…. Thế là tan tác bè lũ quân phè phỡn!” (Am 6, 7). Đức Chúa không chấp nhận lối sống vô cảm, tức là sống mà không biết nghĩ đến người khác, không biết nhìn ra xung quanh.
Như thêm bằng chứng tố cáo lối sống vô cảm, Tin Mừng (Lc 16, 19-31) thuật lại việc Đức Giêsu kể một dụ ngôn mang tên ông nhà giàu và người nghèo khó Lazarô. Người giàu có trong dụ ngôn này không có lỗi gì để đáng bị hình phạt hỏa ngục. Đức Giêsu không hề nói sự giàu có của ông là nhờ ăn hối lộ, bán thuốc tây giả, làm ăn bất chính, hay trộm cắp, cướp giật… Ngài cũng không nói ông vi phạm ngày Sabat hay lề luật khác như bất hiếu, giết người, tà dâm… Ngài chỉ nói: “Ông ta mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình”. Như vậy hưởng thụ tài sản do mình làm ra cũng có tội sao? Hay ông ta có tội không giúp đỡ Lazarô?
Lazarô không hề mở miệng xin: “Lạy ông đi qua, lạy bà đi lại!” Lazarô chỉ “nằm trước cổng, thèm ăn những miếng bánh vụn từ trên bàn ông nhà giàu rớt xuống”. Không nói thì ai biết. Không xin thì ai cho. Chết đói là phải! Nhưng ông nhà giàu vẫn phải sa hỏa ngục không phải vì ông có tội, không phải vì ông ích kỷ, nhưng vì ông vô cảm. Thấy người kế bên mình đau khổ mà không một chút xót thương. Tội của ông là vô tâm, vô tình dẫn đến hậu quả tệ hại cho người khác. Hoặc chỉ đơn giản ông không hay có người nghèo trước cổng nhà mình.
Lời Chúa soi dẫn như vậy để chúng ta đừng tưởng mình không làm gì sai trái, mình giữ đạo đàng hoàng là đương nhiên lên thiên đàng. Thưa đó chỉ là giữ đạo. Bước theo Đức Kitô là phải sống đạo. Sự sống động của đạo Công giáo như chính dòng máu chảy trong con người, nó phải được luân chuyển chứ không thể ở yên một chỗ. Nếu ngày nào máu không được lưu thông, con người sẽ chết ; hoặc nếu lưu thông quá chậm chạp, sự sống cũng rất mong manh.
Sống đạo không phải chỉ là việc mến Chúa, mà còn phải là yêu người, vì đó là “mười điều răn ấy tóm về hai điều này mà nhớ: trước kính mến một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự, sau lại yêu người như mình ta vậy”. Thường thì chúng ta chỉ dừng lại ở việc mến Chúa: đi lễ, tuân giữ giới răn của Chúa, lề luật của Hội thánh thế là xong; có vất vả, có nặng nề, nhưng nếu cố gắng cũng sẽ được. Còn yêu người thì đòi hỏi ta phải hy sinh, chấp nhận dấn thân, chịu mất mát; thường ta chưa làm, hoặc làm mà chưa được, hoặc được mà chưa đủ.
Thiên Chúa là Tình Yêu nên Ngài không thể làm ngơ trước nỗi đau của nhân loại. Ngài phải đánh đổi bằng việc để Ngôi Hai xuống thế làm người, chuộc tội, chịu chết cho nhân loại. Con người không biết kêu đến ai, nhưng Thiên Chúa thấy được nỗi đau của họ nên đã ra tay cứu giúp.
Dân tộc Việt Nam sẽ chẳng biết Chúa là ai, chẳng thể kêu xin: “Lạy Chúa, xin thương xót con!” nếu không có các nhà thừa sai Châu Âu tình nguyện đi truyền giáo, chấp nhận mọi gian lao, khổ cực, kể cả hy sinh mạng sống. Họ không an phận để tìm sự an nhàn cho bản thân.
Ngược lại với những tâm hồn dạt dào tình yêu, “trái tim không ngủ yên” là những con người vô cảm, họ yêu nhưng yêu chính bản thân họ. Vô cảm chính là sự trơ lì cảm xúc, dửng dung, thờ ơ, “máu lạnh” với những hiện tượng đời sống xung quanh, chỉ quan tâm đến quyền lợi của bản thân. Họ đã chết từ bên trong tâm hồn.
Có thể dễ dàng nhận thấy đó là những người chẳng quan tâm gì đến việc chung của cộng đoàn, của Giáo xứ. Họ nghĩ rằng đó là việc của cha sở, của những người có trách nhiệm… Đúng vậy, trước hết nó là việc của những người có trách nhiệm, nhưng sự vô cảm, lối sống cầu an chính là nguyên nhân khiến người phú hộ phải rơi vào hỏa ngục. Sức sống của một Giáo xứ thể hiện qua tinh thần đoàn kết, qua việc mỗi người đều góp phần vào việc chung của Giáo xứ ; nếu không Giáo xứ đó đã chết từ bên trong vì lối sống vô cảm.
Lối sống vô cảm còn được nhìn thấy qua việc chúng ta sống quá giàu sang, sung túc, trong khi còn quá nhiều những người nghèo bên cạnh chúng ta. Đành rằng sự hưởng thụ của tôi chẳng làm hại ai, nhưng thử nghĩ một phần niềm vui của tôi nếu được san sẻ thì chắc chắn có nhiều người khác được nhờ.
Không khó nhận ra căn bệnh vô cảm trong cuộc sống khi càng ngày càng có nhiều người thờ ơ trước những đau khổ, trước những hoàn cảnh đáng thương của người khác, nhưng làm sao để chữa trị căn bệnh ung thư trầm kha này mới là vấn đề, nhất là người Công giáo luôn tự hào là đạo của yêu thương. Nếu không lo chữa trị thì căn bệnh này sẽ giết chết tâm hồn chúng ta khiến đời sống khô khan, cằn cỗi, không có sức sống.
Trước hết mỗi người phải kiên trì làm gương về sự phục vụ dù nhiều người muốn sống hưởng thụ. Cuộc đời vẫn tươi đẹp khi còn rất nhiều người âm thầm lo việc chung, thậm chí việc “bao đồng”. Cụ già 82 tuổi ở Đồng Tháp đã miệt mài 15 năm đi vá đường cho người dân đi. Ông già ngoài 70 tự nguyện đến nhà nào có cây kiểng trong xã để cắt tỉa.
Kế đến cần lập những nhóm bạn để chung tay giúp sức làm những việc có ích. Ví dụ đội tình nguyện cứu hộ SOS của các bạn trẻ ở Cà Mau, sẵn sàng giúp đỡ những ai gặp trục trặc về xe cộ. Những em thiếu nhi ở các Họ đạo bỏ ống heo để giúp đỡ những người nghèo…
Sau cùng, cần tập cho đi nhiều hơn là lãnh nhận.
Lạy Chúa, xin cho con một trái tim nhạy cảm để con biết “vui với người vui, khóc với người khóc”  ; đừng để con “chơi một mình”, nhưng biết đi cùng với người khác, dù việc đi cùng lắm lúc gây phiền toái cho con.

CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN NĂM C 2019


“TIỀN NHIỀU ĐỂ LÀM GÌ?”


                                                                                   Lm. Giuse Nguyễn

Đó là câu nói của ông vua café Trung Nguyên: Đặng Lê Nguyên Vũ trong vụ ly hôn nghìn tỷ nổi tiếng tại Việt Nam cho tới nay vẫn chưa có hồi kết thúc. Đó là một câu hỏi mà dường như ai trong chúng ta cũng có câu trả lời.
“Tiền nhiều để làm gì?” Để lo cho gia đình, để chữa bệnh cho người thân, để giúp cho người nghèo, để xây dựng Hội thánh… Câu nói trong hoàn cảnh của ông Vũ không phải là câu hỏi mà là một câu cảm thán cho thấy sự thất vọng khi đồng tiền không đi liền với hạnh phúc. Lời Chúa Chúa Nhật 25 Thường Niên cũng cảnh báo chúng ta về việc sử dụng đồng tiền.
Trong bài đọc thứ nhất (Am 8, 4-7) ngôn sứ Amos mạnh mẽ lên án tội của người giàu. Họ mê tiền đến nỗi ngay trong những ngày lễ họ cũng mong cho chóng qua để họ tiếp tục làm ăn kiếm tiền, trong khi ý nghĩa của ngày lễ là thờ phượng Chúa: “Bao giờ hết ngày Sabat để ta bày thóc ra” (Am 8, 5), vì theo luật Do Thái, ngày Sabat họ không được làm việc. Khi làm ăn, họ dùng đủ cách để gian lận: “Ta sẽ làm cho cái đấu nhỏ lại, cho quả cân nặng thêm. Ta sẽ làm làm lệch cán cân để đánh lừa thiên hạ…” (Am 8,5). Kết quả của gian tham là người ta được nhiều tiền, được lợi nhiều thứ. Nhưng hậu quả là “Đức Chúa phán: Ta sẽ chẳng bao giờ quên một hành vi nào của chúng” (Am 8, 7).   
Trong đoạn Tin Mừng (Lc 16, 1-13) trên đường lên Giêrusalem, Chúa Giêsu dạy cho các môn đệ phải biết từ bỏ mọi sự. Một trong những điều khó từ bỏ là của cải vật chất. Dĩ nhiên từ bỏ không phải là lấy tiền đem đi đốt, lấy vật dụng đập phá hết,… nhưng là sử dụng sao cho đúng đắn.
Trước tiên Ngài kể một dụ ngôn, sau đó nói về cách sử dụng tiền của. Trong dụ ngôn này, chúng ta để ý người quản lý bị tố cáo phung phí của cải của ông chủ nên ông ta kêu người quản lý thanh toán sổ sách. Người quản lý mới nghĩ cách để làm sao khi mất chức quản lý rồi, anh ta vẫn sống được. Thế là anh ta kêu từng con nợ lại để giảm phần nợ trong sổ nợ. Ví dụ nợ 100 thùng ô liu, ghi còn 50 thôi. 1000 dạ lúa, ghi còn 800 thôi…
Anh ta làm như vậy có bất lương không? Có hai cách giải thích. Cách thứ nhất nói anh ta làm như vậy là “mượn đầu heo nấu cháo”. Anh ta lấy tài sản của chủ để đổi lấy lợi ích cho bản thân. Cách thứ hai nói anh ta làm như vậy thì không có gì là sai, vì theo tục lệ của người Do Thái, người quản lý không có lương, nhưng bù lại anh ta kiếm ăn riêng từ tài sản của chủ, miễn là đừng làm cho thiệt hại. Chủ giao cho anh ta một phần tài sản, anh muốn làm gì thì làm, miễn là mỗi năm nạp cho ông chủ một số tiền lời, càng nhiều càng tốt. Ông chủ khen người quản lý đó khôn khéo.
Ở đây Đức Giêsu không dạy chúng ta bắt chước cách làm việc của người quản lý, nhưng dạy chúng ta có sự khôn ngoan giống anh ta: Biết dùng của cải vật chất hiện tại để mua sắm những thứ bảo đảm cho tương lai. Người quản lý chỉ nghĩ đến tương lai của cuộc sống đời này. Còn chúng ta là những người có đức tin, sự khôn ngoan của chúng ta là ở chỗ sống ở đời này mà biết lo cho sự sống đời sau.
Vì thế là người Công giáo, chúng ta phải trả lời cho câu hỏi của ông vua Café Trung Nguyên: tiền nhiều để làm gì? Thưa ngoài viêc lo cho cuộc sống đời này, tiền còn để mua lấy hạnh phúc Nước Trời.
Tiền mua hạnh phúc Nước Trời như thế nào? Có phải Nước Trời tỉ lệ thuận với số tiền chúng ta có không? Vì vậy ai có nhiều tiền thì đương nhiên được vào Nước Trời? Thưa không phải thế, mà cách sử dụng đồng tiền của ta sẽ quyết định cho ta có hạnh phúc đời đời hay không.
Trước hết tiền của, vật chất là một ân huệ Chúa ban để phục vụ con người. Tất cả đều xuất phát từ tình thương của Thiên Chúa muốn con người được hạnh phúc, không phải chỉ ở đời này, mà còn ở đời sau nữa. Tuy nhiên có những người không biết sử dụng tiền của vật chất, để thay vì nó là phương tiện tốt, thì lại trở thành mục đích xấu, khiến con người cứ loay hoay trong vòng hư hoại. Thay vì là đầy tớ phục vụ cho hạnh phúc con người, thì lại trở thành ông chủ để sai khiến con người làm đủ thứ chuyện, kể cả những chuyện xấu.
Đầu tháng 9/2019, báo chí loan tin: Sáng 1/9, ông Nguyễn Văn Đông (53 tuổi, trú xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, Hà Nội) vác dao sang nhà em ruột truy sát 5 người, trong đó có 3 phụ nữ và một bé gái. Thảm án được xác định do tranh chấp 0,5 m đất giáp ranh”
Đồng tiền chỉ mua được Nước Trời khi nó đã được biến đổi thành tình yêu thương và sự phục vụ. Trong hành trình rao giảng Nước Trời, Đức Giêsu đã được các bà “Gioanna, vợ ông Khuda quản lý của vua Hêrôđê, bà Susanna và nhiều bà khác nữa. Các bà này đã lấy của cải mình mà giúp đỡ Ðức Giêsu và các môn đệ.” (Lc 8, 3).
Tôi đã đến một Công ty (xin được giấu tên) ở Sài Gòn. Điều làm tôi để ý là trong công ty đó có một ngôi nhà nguyện thật đẹp dành cho công nhân và những ai có nhu cầu tâm linh đến viếng Chúa, cầu nguyện, hoặc những hội đoàn tĩnh tâm. Điều này làm cho tôi phải suy nghĩ đến việc giữa một xã hội mà người ta tận dụng mọi thời gian, mọi cơ hội để kiếm tiền, thì vẫn còn có người quan tâm đến nhu cầu tâm linh của chính mình và người khác. Thái độ đó cho thấy kiếm tiền là điều cần thiết, nhưng không để đồng tiền chi phối cuộc sống mình, vẫn dành không gian và thời gian cho Chúa.
Nhiều người ăn nên làm ra, nên đã âm thầm giúp đỡ những người nghèo, những trung tâm bảo trợ xã hội, những công việc chung của Giáo hội…
Đáng trân quý những người dù không làm ra nhiều tiền, hoặc trong thời buổi kinh tế khó khăn, đồng tiền chậm chạp, nhưng họ rất sẵn lòng khi đứng trước hoàn cảnh khó khăn, trước nhu cầu chung của Giáo hội… Tài sản của họ chính là tấm lòng.
Những đồng tiền bằng cả tấm lòng để trao gởi cho người khác, cho lợi ích chung, thực ra cũng là “của Thiên Chúa trả về cho Thiên Chúa”. Biết đón nhận tình yêu thương của Thiên Chúa thì cũng phải biết trao ban tình yêu thương ấy. Đó là cách sử dụng tiền của một cách khôn ngoan.
Tiền nhiều để làm gì? Để trao gởi tình yêu thương, để đổi lấy hạnh phúc thiên đường. 
Xin Chúa cho chúng con sử dụng của cải vật chất đúng ý Chúa.

DẠY NGƯỜI LÀ DẠY GÌ?


DẠY NGƯỜI LÀ DẠY GÌ?


TTO - "Tiên học lễ, hậu học văn" của ngày xưa; ưu tiên "dạy người" ngày nay đều là những mong muốn tốt đẹp, mong sao nhà trường không chỉ là nơi truyền đạt kiến thức mà còn rèn giũa học sinh thành những công dân tốt.


Ảnh: blogspot.com
Thế nhưng dạy người là dạy gì, có phải là những tiết học đạo đức, rồi các bài học về kỹ năng sống được bổ sung vào chương trình?
Thiết nghĩ để trả lời câu hỏi "Dạy người là dạy gì?", trước tiên cần xác định chúng ta muốn dạy học sinh trở thành những con người như thế nào. Minh họa cho hình ảnh "tiên học lễ, hậu học văn" thường là cảnh học sinh khoanh tay cúi rạp người chào thầy giáo, cô giáo.
Trong cảm nhận của nhiều người lớn, dạy người thành công là bắt học sinh nhất nhất tuân lời thầy, cô; trong lớp vòng tay ngoan ngoãn nghe thầy, cô giảng bài.
Mỗi lần người lớn được giới thiệu một em bé, điều đầu tiên cha mẹ hay ông bà bé sẽ bảo bé vòng tay cúi đầu ạ thật to, để chào ông, chào bác... Cho bé một món đồ, dù chỉ là cây kẹo, người lớn sẽ bảo bé khoanh tay cúi đầu ạ thật to, cảm ơn ông, cảm ơn bác đi con...
Đến lớp lớn hơn một chút, để dạy người thành học sinh ngoan, các em được rèn giũa theo hướng thầy cô nói gì là chân lý, cấm cãi. Trong lớp không tranh luận, không chất vấn lại thầy cô.
Viết luận là phải theo dàn bài mẫu, theo hướng dẫn cặn kẽ từng bước của thầy cô. Trả lời các câu hỏi trong giờ học môn tiếng Anh phải là trả lời đầy đủ, câu hỏi có gì phải đưa hết vào câu trả lời mới gọi là chuẩn.
Nếu vẫn còn suy nghĩ dạy người là dạy như thế thì xin can, hãy khoan ưu tiên dạy người.
Giáo dục suy cho cùng luôn để phục vụ cho cuộc sống - thời phong kiến xa quá, thôi không nói nữa nhưng thời sản xuất công nghiệp, giáo dục nhằm đào tạo những công nhân có kỷ luật cao, biết thích ứng với lối hoạt động dây chuyền nhàm chán nhưng hiệu quả, biết tuân thủ các quy định, biết vâng lời sếp trực tiếp.
Cách dạy người của thời công nghiệp hóa, toàn cầu hóa hoàn toàn phù hợp cho thời đại đó. Xem phim tài liệu American Factory kể về một tập đoàn Trung Quốc qua tận Ohio, Mỹ để xây nhà máy, chúng ta sẽ thấy hơi sốc nhưng lòng vẫn thầm thán phục cách công nhân Trung Quốc miệt mài làm việc bất kể điều kiện hay môi trường; khi cần tăng ca để kịp giao sản phẩm cho khách hàng, họ sẵn sàng làm thêm không lời than phiền.
Nhưng thế giới đang thay đổi với tốc độ chóng mặt, kỹ năng làm việc như con robot trong dây chuyền sản xuất không còn quan trọng bằng óc sáng tạo, sự phán đoán đúng sai để có phản ứng thích hợp.
Cũng phim American Factory, công nhân Mỹ chất vấn ngay khi thấy nhà máy thải chất độc ra môi trường, từ chối làm việc nếu môi trường không bảo đảm an toàn, không chấp nhận cách làm bất chấp hậu quả miễn sao đạt mục đích... - những điều công nhân Trung Quốc không quan tâm.
Xã hội hiện nay, nền kinh tế hiện nay cần các đột phá sáng tạo, cần người biết gạt bỏ cách suy nghĩ theo lối mòn để tìm ra giải pháp chưa ai nghĩ đến.
Nền giáo dục chỉ chăm chăm đào tạo những người ngoan ngoãn vâng lời từ nhỏ làm sao sản sinh được những nhân vật như Bill Gates, Steve Jobs. Không còn nhiều công nhân ngoan ngoãn chăm chỉ như công nhân Trung Quốc nhưng kinh tế Mỹ vẫn dẫn đầu trong các lĩnh vực cần óc sáng tạo, luôn cải tiến để đẻ ra cái mới.
Dạy người là dạy gì? - Ảnh 2.
Ảnh: Economic Times
Không nói đâu xa, cái xã hội phức tạp hiện nay đòi hỏi con người sống trong đó có những kỹ năng trước kia không ai quan tâm như cách bảo vệ an toàn bản thân trước các rủi ro bị xâm hại, bị lừa đảo, bị đánh cắp danh tính. Dạy người là trang bị cho học sinh những kỹ năng đó như biết phân biệt đâu là giả đâu là thật; kẻ nào cần đề phòng; phải làm gì khi bị sàm sỡ...
 
Những kỹ năng đó không thể dạy bằng một số tiết học cụ thể mà phải bằng rèn luyện óc quan sát, tư duy phản biện, tính logic trong lập luận, nhất là ý thức về quyền. Trẻ hiện nay sống một phần thời gian trên không gian mạng - đã có ai dạy cho các em lối sống trên đó chưa sao cho khỏi bị bắt nạt, bị ném đá hay bị cuốn vào các dòng chảy không dứt không biết đâu là thực đâu là hư.
Thứ đến, dạy người có tách rời với dạy chữ không, có môn đạo đức nào bao quát hết thảy hay mọi người chỉ đánh lừa với nhau đã "dạy người" cho các em rồi qua môn đạo đức? Không ai biết kiến thức chúng ta đang dạy cho các em, 20 năm nữa khi các em vào đời, có còn đúng hay không. Tuy các kiến thức đó có thể mai một nhưng những bài học gắn kèm với kiến thức sẽ theo các em suốt đời.
Vì thế dạy người, dạy chữ tuy hai nhưng là một, không thể tách ra nói ưu tiên cái nào. Một bài toán trong đó anh cho em các viên kẹo dạy cho các em chuyện chia sẻ; cũng bài toán đó nếu anh lấy đi của em là dạy chuyện chiếm đoạt.
Cái cảm giác xuyên suốt khi đọc chương trình học của chúng ta là một sự vướng víu với chuyện quá khứ, với vinh quang chiến tranh, với các nỗi đau của thế kỷ cũ chứ không thấy các giải pháp cho những thách thức của thế kỷ mới.
Lòng thương người, sự dũng cảm, tính vị tha, phong cách lịch sự, biết tôn trọng người khác, biết chấp nhận sự khác biệt... tất cả phải bàng bạc trong mọi bài học ở mọi môn học.
Dạy người đúng nghĩa là một câu chuyện mênh mông không bao giờ nói hết. Ở đây chỉ xin lấy một ví dụ: ai cũng muốn con em chúng ta có óc khôi hài vì nó là liều thuốc giảm stress trong xã hội hiện đại, là sự thấu cảm ở mức độ cao, là vũ khí hữu hiệu để hòa nhập với mọi người.
Ông cha chúng ta nuôi dưỡng óc khôi hài đó bằng vô số câu chuyện tiếu lâm, chuyện trạng, chuyện cười, chuyện châm biếm... Thế nhưng thử nhìn lại chương trình học, cách học có giúp các em phát triển một óc khôi hài lành mạnh?
Trong cuộc tranh luận giữa Jack Ma - nhà sáng lập Tập đoàn Alibaba và Elon Musk - cha đẻ xe hơi điện Tesla - về tương lai loài người, cả hai bất đồng nhiều thứ nhưng lại đồng ý giải pháp then chốt để đón chờ một tương lai bất định là giáo dục.
Jack Ma thì ví von máy có thể học thuộc lòng nhiều hơn người, tính toán nhanh hơn người, chạy nhanh hơn người. Chỉ bằng dạy cho trẻ em biết sáng tạo và biết xây dựng như dạy cho các em biết khiêu vũ, biết thưởng thức nghệ thuật, biết vẽ, biết nhạc... con người mới tự tin sẽ khôn ngoan hơn máy.
Jack Ma phân biệt thông minh là do kiến thức, còn khôn ngoan là do kinh nghiệm - máy hay trí tuệ nhân tạo sẽ thông minh hơn con người nhưng con người, nhờ giáo dục và trải nghiệm sẽ luôn khôn ngoan hơn máy.
Elon Musk từng gây sốc với ý tưởng kết nối máy tính với não người. Tại buổi tranh luận này, Musk cho rằng tương lai, cần kỹ năng gì như lái máy bay trực thăng, chỉ cần dùng Neuralink tải kiến thức từ máy lên não là xong. Musk ví von giáo dục hiện nay cũng tải kiến thức nhưng băng thông quá chật hẹp và chậm chạp vì tải từ thầy qua trò.
Cho nên giáo dục, theo Musk, vừa phải truyền cho học sinh óc sáng tạo, ý muốn xây dựng tương lai và khả năng dự đoán tương lai. Vì thế một cách đánh giá giáo dục là xem thử điều học sinh đang học có giúp các em dự đoán tương lai ít sai sót, càng ít giáo dục càng thành công.
Nếu được bổ sung ý gì vào cuộc tranh luận này, người viết chỉ muốn chêm một câu: thế máy móc có học nổi óc khôi hài của con người không - một phẩm chất rất "người" nhưng chưa được nuôi dưỡng trong chương trình học?
NGUYỄN VẠN PHÚ (tuoitreonline)