SỨC MẠNH CỦA LỜI NÓI


SỨC MẠNH CỦA LỜI NÓI


Lời nói là gì? Từ rất lâu trong lịch sử nhân loại, ngôn ngữ đã được hình thành qua quá trình lao động sản xuất, chinh phục thiên nhiên, xây dựng mối quan hệ cộng đồng. Con người dùng ngôn ngữ để bày tỏ tư tưởng tình cảm của bản thân với những người xung quanh. Từ đó, loài người hiểu và thêm yêu thương gắn bó với nhau.
Lời nói là một ơn huệ chỉ dành cho con người, trên địa cầu này mà thôi, nếu không có những lời trao nhau thiết tưởng cuộc sống của chúng ta sẽ ra sao nhỉ? Chắc nghèo nàn và khô cằn lắm!
Qua lời nói, chúng ta truyền đạt với nhau, từ tâm hồn này tới tâm hồn khác. Nhờ lời nói chúng ta biểu lộ, với tất cả sức mạnh của tâm tình và gắn bó với tha nhân bằng cách ghi sâu đường nét và hình dạng con người cũng như tấm lòng chúng ta vào trong trí óc và con tim người khác.”[1]
Miệng người ngay là suối nguồn sự sống
Miệng kẻ ác ẩn dấu bạo hành
                                                                  Cn 6,11
Như vậy, giá trị và ý nghĩa của lời nói thật vô cùng to lớn. Lời nói được thốt ra từ trí tuệ và tâm tư của người này sẽ đến được với trí tuệ và tâm tư người khác. Đó là phương tiện kết nối vô cùng quan trọng. Lời nói sẽ đem lại sự giúp đỡ giữa người và người, nâng đỡ tinh thần, an ủi khi buồn, chia sẻ khi vui. Những sức mạnh tinh thần mà lời nói đem lại sẽ giúp con người chúng ta vượt qua nhiều thử thách, có thể học tập, lao động, sáng tạo tốt hơn, gặt hái nhiều thành tựu hơn. Trong khoa học, lời nói giúp chuyển tải các quan điểm nghiên cứu để khoa học được tiếp thu, phát triển. Trong công việc, lời nói là cách thức trao đổi làm việc nhóm, góp ý, động viên nhau; trong đời thường, lời nói là sự bày tỏ yêu thương, chia sẻ cùng nhau. Cũng có lúc giận hờn, con người dùng lời nói làm tổn thương nhau, điều đó thật đáng buồn, vì lời nói vô hình nhưng có khi sắc bén như gươm đao gây ra những vết thương lòng khó lành được. Bởi vậy, phải biết dùng lời nói để đem lại niềm vui, không nên dùng lời nói như một thứ vũ khí trong cuộc sống đời thường của mỗi chúng ta. Chính vì thế, ông bà ta khuyên con cháu rằng:
Chim khôn kêu tiếng rảnh rang
Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe. (Tục ngữ Việt Nam)

"Khôn" ở đây chính là chỉ người thông minh, khéo léo thì ắt am hiểu giá trị và ý nghĩa của lời nói. Có thể nói, sức mạnh lớn lao của lời nói thể hiện trong mọi hoàn cảnh cuộc sống con người. Đặc biệt là những lời nói chân chính, lan tỏa yêu thương. Mẹ Tê-rê-sa, nữ tu cả đời cống hiến cho tình yêu thương con người đã từng nói rằng: "Lời nói tử tế có thể ngắn và dễ nói, nhưng tiếng vọng của chúng là vĩnh cửu"!
“Ai trong anh em không vấp ngã về lời nói, ấy là người hoàn hảo” Gc 3,2
Vậy bài học rút ra cho con người, đặc biệt là những nữ tu như chúng ta, phải năng nói lên những "lời tử tế", đó là những lời nói có suy nghĩ, thốt ra từ tấm lòng chân thành, ngay thẳng và trung thực. Mỗi lời nói như vậy sẽ như một bông hoa tươi nở giữa đời thường của cuộc sống, đem lại hạnh phúc và niềm tin cho tất cả chúng ta cũng như mọi người sung quanh. Nhưng để vận dụng lời nói như một phương tiện giao tiếp hiệu quả, phương tiện trao gửi tư tưởng và tình cảm, cũng không phải tự nhiên mà làm được. Trước tiên, mỗi chúng ta phải năng trau dồi kiến thức về ngôn ngữ. Phải biết phát âm đúng, dùng từ hay, câu văn truyền cảm, cách nói năng phải mạch lạc. Không phải tự nhiên ta có thể đạt được những điều đó, nếu không ra sức học hỏi, ở trên đường đời  và cả trong cuộc sống. Để có được những lời nói có giá trị và ý nghĩa cao đẹp, con người còn phải rèn luyện nhân cách, trau dồi phẩm chất của bản thân. Là một người trưởng thành thì cần rèn luyện tính cách ôn hòa, kiên nhẫn, luôn tôn trọng mọi người, biết khiêm tốn, bao dung với người khác mà nghiêm khắc với chính mình. Huống chi chúng ta là những nữ tu thì điều đó còn phải đòi hỏi khắt khe hơn nữa. Khi đó, chúng ta mới có thể giao tiếp bằng lời nói một cách văn minh, lịch sự, và đạt hiệu quả cao nhất.
Lưỡi người khôn ngoan vốn là thuốc hay
Lời vô độ đâm xoi khác nào gươm.
                                                                   Cn 12,18
Như vậy, lời ăn tiếng nói luôn cần phải văn minh, thanh lịch. Có lẽ bao giờ con người còn hiện diện trên mặt đất này thì cũng không thể thiếu được vai trò của lời nói, để gắn kết và yêu quý nhau hơn. Người Việt chúng ta yêu quý tiếng mẹ đẻ, quyết tâm gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt. Mà muốn gìn giữ sự trong sáng đó, trước tiên, chúng ta cần học cách sử dụng lời nói thật đúng đắn, thật hay. Hãy để lời nói của chúng ta chuyên chở tình yêu thương và niềm vui đến cho mọi người!
“Thông minh là biết cách nói hợp lý, nghe chăm chú, trả lời dí dỏm, và ngừng nói khi cần”  Pasteur.
                                                                               Nt. Maria Phạm Thị Giêng.



[1] Gabriele Adani