TIN MỪNG ĐÒI CHÚNG TA HÃY TẬN HƯỞNG ĐỜI MÌNH

Chúng ta không nên để những chuyện không thể tránh khỏi đó cướp đi sự tận hưởng trọn vẹn những niềm vui chính đáng mà cuộc sống đem lại.
Niềm vui là một biểu hiện không thể lầm về sự hiện diện của Thiên Chúa, cũng như thập giá là biểu hiện không thể lầm về cương vị môn đệ Chúa Kitô. Thật là nghịch lý! Và chuyện này là do Chúa Giêsu.

Khi nhìn vào Tin mừng, chúng ta thấy Chúa Giêsu khiến những người đồng thời bị sốc theo nhiều cách trái ngược nhau. Một mặt, họ thấy Ngài có thể từ bỏ những sự đời này và từ bỏ cả mạng sống vì yêu thương và hy sinh đến mức tột cùng, một sự hy sinh mà con người bình thường hẳn sẽ không làm. Hơn nữa, Ngài lại còn muốn họ làm theo như thế khi nói: “Hãy vác thánh giá mình hằng ngày! Nếu anh em tìm mạng sống mình, thì sẽ mất, nhưng nếu anh em từ bỏ mạng sống mình, thì sẽ tìm thấy được nó.”

Mặt khác, lâu nay chúng ta thường nghĩ rằng các tôn giáo nghiêm túc thì phải dạy sự hy sinh, nhưng Chúa Giêsu lại muốn những người đồng thời với Ngài hãy tận hưởng trọn vẹn hơn cuộc sống của mình, sức khỏe, tuổi trẻ, các mối quan hệ của mình, và cả những bữa ăn, chén rượu, và mọi thứ vui bình thường của cuộc đời nữa. Thật sự ngài khiến họ thấy chướng mắt vì khả năng tận hưởng thú vui của Ngài.

Ví dụ như chuyện về người phụ nữ xức dầu lên chân Chúa trong bữa tiệc. Cả bốn Tin mừng kể về chuyện này đều nêu bật một yếu tố rõ ràng gây khó chịu cho bất kỳ chuẩn mực tôn giáo nào. Đó là người phụ nữ đập vỡ chiếc bình đắt tiền đựng dầu thơm thượng hạng, rồi đổ lên chân Chúa, khiến mùi hương tỏa khắp cản phòng, rồi khóc đẫm chân Ngài, và lấy tóc mình mà lau. Tất cả những sự xa hoa, phung phí, thân mật và tình cảm trần trụi của một con người, đã khiến cho tất cả mọi người trong phòng cảm thấy khó chịu, trừ Chúa Giêsu. Ngài đón nhận nó trọn vẹn, không ngụy tạo, không có cảm giác tội lỗi hay lo lắng. Ngài đã nói, “Để cô ấy yên, cô ấy chỉ xức dầu cho cái chết sắp đến của Ta thôi.” Về căn bản, Chúa Giêsu đang nói thế này: Khi Ta chết, Ta sẽ sẵn sàng hơn bởi tối nay, khi nhận được tình cảm tràn trề này, Ta thật sự sống và do đó sẵn sàng để chết hơn.

Về căn bản, đây là một bài học cho chúng ta. Đừng cảm thấy tội lỗi khi tận hưởng những thú vui cuộc sống. Cách tốt nhất để cảm ơn người đã cho bạn một tặng vật, đó là toàn tâm tận hưởng tặng vật đó. Chúng ta không sống trên đời này như một bài thử thách, không buộc phải từ bỏ những sự tốt đẹp của tạo hóa để đạt được sự sống đời sau. Như bất kỳ người bố người mẹ đầy yêu thương nào, Thiên Chúa muốn con cái mình sống dồi dào, biết có những hy sinh cần thiết để sống có trách nhiệm và vị tha, nhưng Ngài không xem những hy sinh đó là lý do thực sự để sống.

Chúa Giêsu đã nhấn mạnh rõ hơn điều này khi có người hỏi vì sao các môn đệ của Ngài không ăn chay, trong khi môn đệ của ông Gioan Tẩy giả thì có ăn chay. Câu trả lời của Chúa Giêsu là: “Tại sao họ phải ăn chay? Khi mà tân lang vẫn đang ở cùng họ. Ngày tân lang rời đi, họ sẽ có rất nhiều thời gian để ăn chay.” Lời này, Chúa Giêsu đang nói với hai lớp nghĩa. Rõ ràng, tân lang chính là sự hiện diện thể lý của Ngài trên trần gian, và nó sẽ đến thời điểm kết thúc. Nhưng lời này còn có một ý nghĩa thứ hai. Tân lang là một thời gian khỏe mạnh, trẻ trung, vui tươi, thân ái và yêu thương trong cuộc đời chúng ta. Chúng ta cần tận hưởng những điều này bởi rồi sẽ đến lúc những tai nạn, bệnh tật, những quãng thời gian cô đơn và cái chết tước đi chúng khỏi chúng ta. Chúng ta không nên để những chuyện không thể tránh khỏi đó cướp đi sự tận hưởng trọn vẹn những niềm vui chính đáng mà cuộc sống đem lại.

Tôi tin lời yêu cầu này đã không được giảng cho đủ trong nhà thờ, hay trong những sách vở linh đạo. Lần cuối cùng bạn nghe một bài giảng dựa trên Tin mừng, muốn bạn hãy biết tận hưởng cuộc sống hơn, là lúc nào? Lần cuối bạn nghe một cha giảng nhân danh Chúa Giêsu hỏi bạn: Anh chị em có tận hưởng sức khỏe, tuổi trẻ, cuộc đời, những bữa ăn, ly rượu của mình cho đủ không?

Cứ cho là thách thức vốn đi ngược với quan điểm linh đạo thường thấy này có thể nghe như một lời mời gọi của chủ nghĩa khoái lạc, của sự thoải mái cá nhân quá độ, và một sự hời hợt thiêng liêng đi ngược với thông điệp Kitô giáo vốn quy về thập giá và sự hy sinh. Phải thừa nhận, đúng là có nguy cơ tiềm ẩn, nhưng quan điểm ngược lai cũng vậy, cụ thể là một cuộc sống khắc kỷ không lành mạnh. Nếu chúng ta thực hiện sai lầm thách thức tận hưởng cuộc sống này, nếu chúng ta tận hưởng mà không đi kèm một sự khổ hạnh và hy sinh cần thiết, thì sẽ có nguy cơ, nhưng nếu nhìn vào cuộc đời Chúa Giêsu, chúng ta có thể thấy sự hy sinh từ bỏ và khả năng tận hưởng cuộc đời hoàn toàn liên kết với nhau. Chúng dựa vào nhau.

Xét cho cùng, sự vô độ và chủ nghĩa khoái lạc là một sự thay thế sai lầm cho sự tận hưởng đích thực. Như lời Chúa Giêsu dạy và cách Ngài sống, thì sự tận hưởng đích thực gắn bó chặt chẽ với sự hy sinh và từ bỏ.

Và như thế, chỉ khi chúng ta có thể cho đi cuộc đời mình thì chúng ta mới có thể hoàn tooàn tận hưởng những thú vui đời này, cũng như chúng ta chỉ có thể thật sự tận hưởng những thú vui chính đáng của đời này thì chúng ta mới có thể hy sinh cho đi đời mình.

Ronald Rolheiser,

J.B. Thái Hòa dịch