NỤ CƯỜI HAY NƯỚC MẮT?

Làm nghề giáo trong thời đại này đang bị mất đi sự coi trọng và kính nể. Dạy trò không ngoan thì bị chê là không có nhiệt tâm. Dạy trò không giỏi thì bị chê là không có chuyên môn.

Gần đây trên những phương tiện truyền thông, đã đưa những thông tin khiến tôi thật lòng phải để tâm suy nghĩ, càng suy nghĩ tôi càng khó hiểu, khó hiểu một cách lạ lùng bởi trước đây trong xã hội và nhất là trong môi trường giáo dục được xem là rất quan trọng của tất cả mọi người, bởi những đứa trẻ đang độ tuổi đến trường là tương lai của xã hội. Thế mà gầy đây hết chuyện trẻ em bị bạo hành giờ đến chuyện học sinh bóp cổ cô giáo, và như một chuyện nóng bỏng của cả nước, chuyện một cô giáo bị phụ huynh bắt quỳ ở trưởng tiểu học Bình Chánh, Bến Lức, Long An. Nhiều người khi nghe tin này thì nói: đây là chuyện trước giờ chưa hề xảy ra trong nền giáo dục của Việt nam. Thế giờ sao lại xảy ra trong nơi mà các em được dạy dỗ từ lúc bắt đầu biết cắp sách đến trường, nơi mà các em được giáo dục không những chỉ kiến thức cần thiết mà ngay cả việc học làm những trò ngoan, trò giỏi. Nhìn cô giáo với bao hoài bão để gầy dựng cho thế hệ tương lai, trên tay vẫn còn vương bụi phấn, thế mà phải quỳ ngối trước những đồng nghiệp, trước những phụ huynh có vẻ đang giận dữ, và nhất là trước bao con mắt ngơ ngác của những học trò mà cô đang phụ trách. Cười hay khóc? Nước mắt hay những nụ cười? Vui hay buồi? Hãnh diện hay tủi nhục? Câu trả lời là của bạn và tôi. Và cho những ai đã, đang và có thể rơi vào hoàn cảnh nụ cười hay nước mắt này. Bạn cùng tôi hãy tự đặt mình vào từng những thành phần trong sự kiện trên để xem tâm lý và cách ứng xử ra sao?

1. Phụ huynh
Cảm thấy thích thú chăng? Thỏa mãn sự tức giận trong mình chăng?. Bởi mình đã thay con trả đũa. Ai bảo bắt phạt con tôi, giờ tôi phạt lại. Một niềm vui trên sự đau khổ của người khác. Có nên chăng?. Phụ huynh ở đây chính là cha mẹ, và được xem là người thầy người cô đầu đời của một đứa trẻ. Chắc có lẽ khi cha mẹ dạy con mà nó không nghe lời hay ngang bướng thì đôi lúc nóng giận cũng phải cho nó ăn vài cây. Lúc tôi còn nhỏ, chuyện ăn đòn, bị quỳ ngối bởi thầy cô giáo là chuyện thường. Về nhà còn không dám méc ba mẹ, nếu méc còn bị ăn đòn thêm nữa là khác. Thế nhưng trẻ em ngày nay gần như đã khác xưa. Chỉ động chạm đến chúc xíu là cũng có chuyện. Vì các em quá được nuông chiều, các bậc cha mẹ cũng không dám phạt, không dám cho ăn đòn. Vì thế mà khi cô giáo bắt con mình quỳ ngối là điều làm sỉ nhục con mình. Cha mẹ là phụ huynh trong sự kiện trên đã có một cách ứng xử mang tính nóng vội, có lý mà chẳng có tình chút nào. Hành động đó vẫn bị xã hội và nhiều người bất bình lên án.

2. Cô giáo.
Không biết vì lý do gì? Vì điều gì mà cô giáo đã phải quyết định một lối ứng xử mà cô giáo nhận hậu quả ngoài ý muốn. Cô giáo trẻ đang ôm ấp hoài bão là giúp cho những đứa trẻ được nên người. Nhưng cũng vì nóng vội mà đã có cách ứng xử mà xã hội ngày nay đang kêu gọi là đừng bạo hành trẻ em. Bắt các em quỳ là một cách giúp cho các em biết sợ, biết quê mà chừa. Nhưng cuối cùng chính cô giáo này lại là người thế thân phải quỳ lại để như kiểu đền tội. Rồi sau sự việc này, cô giáo có còn tâm trạng hay khao khát tiếp tục đứng trên bục giảng để trao dồi kiến thức cho những thế hệ tương lai nữa không? Đó lại là cách ứng xử có lý mà cũng không có tình.

3. Đồng nghiệp
Biết chuyện. Đến xem. Đứng nhìn. Vài người có sự thông cảm, đau xót. Lên án phụ huynh nhưng không dám lên tiếng vì sợ liên lụy. Có vài người thì trách móc sao cô lại làm vậy giờ bị vậy cũng như huề. Và quan trọng hơn là người lãnh đạo cả một ngôi trường lớn. Biết chuyện. Đến xem. Rồi như kiểu phủi tay cho xong, tránh né và đi mất. Đáng buồn. Đau lòng. Bởi con người ngày nay đang bị con sâu vô cảm ăn vào máu.

3. Những đứa học trò.
Những đứa học trò chứng kiến cảnh cô giáo của mình mà trước đó không lâu đứng trên bục giảng để truyền đạt những kiến thức cho mình, giờ đây lại hoàn toàn trái ngược về nhân cách và tư cách. Chính cô giáo đó lại quỳ gối với một thân hình không còn dáng vóc của một cô giáo dễ thương, dễ mến của những đứa học trò dành cho cô. Giờ đây cô đang bị quỳ với những giọt nước mắt không dám chạy xuôi mà chảy ngược vào trong. Tội nghiệp. Đáng thương. Nên cười hay nên buồn đây? Có thể còn có những đứa học trò thương cho cô giáo. Khóc cùng cô. Nhưng bên cạnh có những đứa đang cười trong lòng vì cô dám phạt mình, giờ bị cha mẹ mình phạt lại. Đáng đời. Tâm lý và cách suy nghĩ của các em không thể trách. Trách là trách những ai dạy con cái mình có suy nghĩ và cách ứng xử theo kiểu ăn miếng trả miếng. Lại có lý mà không có chút tình nào. Buồn.

Có thể nói ai có trách nhiệm trồng người, dạy dỗ những mầm xanh của xã hội đều phải có lòng nhiệt thành tận tụy. Phải có cái tâm nhà giáo dục. Thế nhưng với những đồng lương nhiều khi không đủ sống mà trách nhiệm lại nặng nề đã khiến nhiều bạn sinh viên làm ngơ với ngành sư phạm, để rồi ngó sang một ngành nghề khác có vẻ dễ dàng và tự do hơn. Làm nghề giáo trong thời đại này đang bị mất đi sự coi trọng và kính nể. Dạy trò không ngoan thì bị chê là không có nhiệt tâm. Dạy trò không giỏi thì bị chê là không có chuyên môn. Dạy trò không đạt chỉ tiêu của trường thì bị chuyển công tác…và như thế khiến người thầy người cô chỉ còn biết loay hoay với bổn phận dạy cho xong mà không còn động lực và nhiệt huyết với thế hệ tương lai đang cần những bàn tay và trái tim của người làm nghề nhà giáo.

Qua sự kiện cô giáo ở trường tiểu học Bình Chánh, Bến Lức, Long An bị bắt quỳ gối chỉ vì cô đã bắt phạt một học sinh vì tội không nghe lời cô, đã khơi lên cho bạn và tôi một suy nghĩ và một cách ứng xử giữa con người với con người. Một lối hành xử chẳng có chút gì đẹp, thiếu đi lòng vị tha, thiếu vắng sự thông cảm, thiếu mất sự tôn trọng của một nghề vẫn được mọi người kính trọng, để giáo dục và truyền đạt những kiến thức căn bản để vươn tới thành công. Chúng ta đang sống trong một xã hội, một đất nước đang có nhiều thay đổi. Hy vọng rằng mỗi khi chúng ta ứng xử với nhau sẽ để lại trong tâm tư mọi người một vẻ đẹp nhân văn. Nhất là để lại trong tâm hồn những đứa trẻ một vẻ đẹp thánh thiện, hồn nhiên, một hình ảnh của tình yêu và sự kính trọng. Để mọi người nhất là những ai đã, đang và sẽ đóng vai trò trồng người có được động lực để dấn thân cho một xã hội tươi đẹp hơn trong tương lai.


Vs. Lê Đình