BÍ QUYẾT ĐỂ SỐNG NIỀM VUI PHỤC SINH MỖI NGÀY CỦA CÁC THÁNH

Mùa Chay là mùa cho chúng ta thấy mình tệ như thế nào. Không ai nên tự mãn về chính mình khi ra khỏi Mùa Chay. Thật khó để hết lòng và đắm mình trong việc ăn chay, làm việc từ thiện và cầu nguyện. Tuy nhiên chúng ta có thể sống Mùa Chay trọn vẹn nếu chúng ta thật lòng ăn năn sám hối.

Mặt khác, lễ Phục sinh cũng cho chúng ta thấy chúng ta vui mừng đến như thế nào. Chắc chắn, tuần đầu tiên sẽ rất hứng thú, đặc biệt nếu chúng ta bỏ được bia hoặc sô cô la hoặc một điều thú vị nào đó. Tuy nhiên đến tuần thứ hai, thứ ba của lễ Phục Sinh, niềm hăng hái mất dần, hoa bắt đầu héo tàn, các bài giảng từ lễ Phục Sinh không còn đúng mùa, quả trứng bị bỏ quên trong sân bắt đầu thối rữa, và mọi thứ trở lại như cũ. Cũng như chúng ta bê trễ khi duy trì sự chừng mực của Mùa Chay, chúng ta cũng bê trễ khi duy trì niềm vui Phục Sinh.

Niềm vui Phục Sinh – loại niềm vui gây kinh ngạc, chấn động và kéo dài – rất hiếm trong thế giới ngày nay. Thay vào đó là hình ảnh của nỗi buồn giả tạo như sự tự mãn, tức giận, châm chọc, và cay đắng thường chi phối cuộc sống chúng ta. Chúng ta tất cả đều cảm thấy phảng phất nỗi buồn dai dẳng vây phủ mình, làm cho chúng ta cảm thấy bất lực không trọn vẹn vui vẻ được. Chắc chắn, chúng ta đều biết làm thế nào để có niềm vui tạm thời như trẻ sơ sinh. Chúng ta ráng tham gia vào các sinh hoạt giải trí trong giây phút này. Nhưng hầu như những thứ này tan chảy ngay khi chúng ta bắt đầu trải nghiệm. Rất ít người biết làm thế nào để sống niềm vui Phục Sinh kéo dài vượt lên trên niềm vui thoáng qua.

Thế giới hôm nay, rất ít người chọn cuộc sống dẫn tới niềm vui Phục Sinh, vì thế chúng ta khó tưởng tượng cuộc sống đó ra sao. Nhiều người cố sống giả vờ, nhưng niềm vui của họ gây bực bội cho những người chung quanh, vì họ sống vui vẻ mà không chấp nhận khổ đau. Niềm vui Phục Sinh không liên quan đến vấn đề đau khổ. Niềm vui Phục Sinh thừa nhận đau khổ, bạo lực, bất công, và nỗi lo lắng. Cuộc sống có thể tàn nhẫn, tăm tối. Tội lỗi và những hậu quả khủng khiếp của tội lỗi không thể nào bỏ qua hoặc bị che đậy.

Các thánh nhận ra có một quân bình giữa việc nhìn nhận đau khổ trong bình an và hy vọng. Mỗi người theo cách riêng, thể hiện tình yêu với Chúa trong niềm vui Phục Sinh. Niềm vui đó lan tỏa tới tất cả chúng ta – Thiên Chúa Ba Ngôi ngự trị trong tâm hồn chúng ta qua bí tích Rửa Tội. Cuộc sống của các thánh được nuôi dưỡng bằng sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và nơi đó họ đã tìm thấy niềm vui vĩnh cửu. Điều gì thúc đẩy họ hiệp nhất với Chúa Kitô? Câu trả lời ít người trong chúng ta muốn nghe.

Trong Thư gởi tín hữu Rôma, Thánh Phaolô viết: “Thật vậy, vì chúng ta đã nên một với Đức Ki-tô nhờ được chết như Người đã chết, thì chúng ta cũng sẽ nên một với Người, nhờ được sống lại như Người đã sống lại” (6: 5). Các thánh đã sống niềm vui Phục Sinh không phải vì họ đã kiềm chế các cảm xúc tiêu cực hay đã từ chối các biến cố đau thương – nhưng chính trong những đau thương này – họ được chết với Chúa Giêsu. Để bước vào sự sống của Chúa Kitô, chúng ta phải đi vào trong sự chết của Người. Trước hết phải chết cho chính mình. Cái chết là con đường mở ra sự sống mới, đường dẫn tới niềm vui Phục Sinh.

Để theo gương các Thánh và dấu chân Chúa Giêsu, chúng ta phải đi theo Chúa Giêsu lên ngai của Ngài – ngai thập giá. Rất ít người cảm nghiệm niềm vui Phục sinh, lý do tất cả chúng ta đều muốn bỏ qua ngày thứ sáu Tuần Thánh và tiến thẳng đến Phục Sinh. Nhưng Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta biết rằng chỉ có một cách để đi theo Chúa đến Núi Sọ: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16: 24).

Con người Phục Sinh đã chinh phục thế giới này bằng cách chấp nhận đau khổ và sự tàn bạo của nó, biết rằng cuối cùng không có gì lớn hơn tình yêu của Người. Nếu chúng ta muốn giữ lấy niềm vui Phục Sinh và sống những ngày đầu tiên của mùa Phục Sinh, trước hết chúng ta phải sẵn sàng tâm hồn sống Mùa Chay. Từ bỏ chính mình, để cho Thiên Chúa biến đổi những đau khổ thành tốt, là con đường dẫn đến niềm vui. Không ai muốn nghe điều này. Chúng ta tìm kiếm con đường tắt, nhưng không có con đường đường tắt nào cho lãnh vực đời sống tâm linh. Nếu chúng ta trốn tránh khổ đau, chúng ta sẽ trốn tránh niềm vui.

Lạy Chúa, xin giúp con sống kết hiệp với Chúa Ba Ngôi qua Bí tích Rửa Tội. Xin thấm nhập con với ân sủng của Chúa để con có thể kết hợp đau khổ của con với đau khổ của Chúa và sống niềm vui Ba Ngôi mỗi ngày.

Têrêxa Bích Vân dịch (phanxico.vn)