THÁNH THỂ LÀM NÊN GIÁO HỘI- GIÁO HỘI LÀM NÊN THÁNH THỂ.


         THÁNH THỂ LÀM NÊN GIÁO HỘI- GIÁO HỘI LÀM NÊN THÁNH THỂ.
                                                                        Dẫn nhập
   Giáo Hội và Bí Tích Thánh Thể có mối tương quan mật thiết với nhau. Theo GLHTCG 1324 “Bí Tích Thánh Thể là nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống Kitô Giáo”. Vì thế Thánh Thể không thể tách rời Giáo Hội, Giáo Hội cũng không thể tồn tại nếu không có Thánh Thể. Ngay từ thời các Giáo Phụ đã khẳng định: “Thánh Thể là sự cứu rỗi của Giáo Hội và là sự hiệp nhất của Giáo Hội”. Cha Henri De Lubac tóm tắt thần học về Thánh Thể của các Giáo Phụ bằng tư tưởng: “Thánh Thể làm nên Giáo Hội và Giáo Hội Làm Nên Thánh Thể”. Nên bài viết này con muốn đi tìm mối liên hệ mật thiết và tương quan giữa Thánh Thể với Giáo Hội.
A. Mối liên hệ mật thiết giữa Thánh Thể và Giáo Hội
1. Thánh Thể là gì?
Trong bữa tiệc vào đêm bị trao nộp, Chúa Giêsu đã thiết lập hy lễ tạ ơn bằng Mình và Máu Người cùng với các môn đệ. Trong nghi thức này, Chúa Giêsu cũng ủy thác cho hiền thê của Ngài là Giáo Hội tưởng nhớ cái chết và sự  Phục Sinh của Người. Thánh Thể thể hiện tình yêu và sự hiệp nhất, mối dây bác ái, bữa tiệc vượt qua. Trong bữa tiệc này, chúng ta được đón nhận Chúa Kitô làm lương thực – làm của ăn. Đó chính là ân sủng và sức mạnh giúp ta sống chiến đấu để được hưởng hạnh phúc mai sau.
 Giáo Hội cũng dùng nhiều hình ảnh để diễn tả Bí Tích Thánh Thể như: lễ tạ ơn, bữa ăn của Chúa, lễ bẻ bánh…Đồng thời, Bí Tích Thánh Thể còn được gọi bằng nhiều từ ngữ khác như: Hy tế Thánh lễ, Hy tế thiêng liêng, Bí tích hiệp thông, bánh thiên thần, bánh bởi trời, của ăn đàng [1].
 Qua những tên gọi khác nhau cũng như cách diễn tả khác nhau của Bí Tích Thánh Thể. Chúng ta có nhận địnhThánh Thể làm nên Giáo Hội, Giáo Hội làm nên Thánh Thể” cho ta hiểu Thánh thể là sự tụ họp các tín hữu để cử hành Thánh lễ, để lắng nghe Lời Chúa, áp dụng Lời Chúa vào trong cuộc sống. Áp dụng Lời Chúa là ngọn đuốc soi chiếu cho mọi sinh hoạt, sinh hoạt trong cuộc sống mình; múc lấy sức mạnh của Lời Chúa để sống và thi hành bổn phận của người Kitô hữu. Trong Thánh lễ mỗi người Kitô hữu được kết hợp mật thiết với Chúa Kitô, được nhận lãnh và được sai đi vào giữa lòng thế giới để gieo rắc tình yêu thương, mang Tin Mừng bình an của Chúa đến cho nhân loại, hầu xây dựng một xã hội tràn đầy niềm vui, tình thương, công bình, bác ái…Theo cách hiểu này, Thánh Thể chỉ làm nên Giáo Hội trong điều kiện Thánh Thể được cử hành trong bầu khí tràn đầy tình bác ái của Giáo Hội. Như thế, Thánh Thể làm nên sự hiệp nhất và Thánh thể trở thành động cơ của Giáo Hội.

2. Giáo Hội là gì?
Thánh kinh đưa ra nhiều hình ảnh khác nhau về Giáo Hội như: “dân Thiên Chúa, chuồng chiên, là tòa nhà của Thiên Chúa” (1Cr 3,9,11), “lều tạm của Thiên Chúa giữa loài người” (Kh 21,3), là Jêrusalem trên trời, là Mẹ chúng ta
( Ga 4,26. Kh 12,7), là hiền thê tinh tuyền không tỳ ố ( Kh 19,7,21,2.9;22,17).
Nếu Thánh thể được diễn tả bằng nhiều hình ảnh khác nhau thì Giáo Hội cũng được diễn tả bằng nhiều biểu tượng không kém phong phú.
 Chúng ta cùng tìm hiểu ý nghĩa của của hạn từ Giáo Hội. Giáo hội được dịch từ Ekklèsia” của Hy Lạp. Hạn từ này dùng để chỉ những cuộc tập họp dân chúng thường có tính tôn giáo. Trong Cựu ước dùng để chỉ cuộc tập họp của dân Itraen được tuyển chọn trước mặt Đức Chúa nhất là cuộc tập họp ở trên núi Sinai, khi dân lãnh nhận lề luật và được Đức Chúa thiết lập làm dân thánh của Người. Giáo Hội thời Tân Ước được các tín hữu tiên khởi nhìn nhận như là một việc kế thừa cộng đoàn dân Chúa trong Cựu Ước. Trong cộng đoàn mới này, Thiên Chúa tập hợp dân của Người từ khắp mặt đất. ( GLHTCG 751).
Trong ngôn ngữ Kitô giáo, thuật ngữ Giáo Hội chỉ cộng đoàn phụng vụ. Từ này có ý chỉ các cộng đoàn địa phương, đặc biệt trong sách công Vụ Tông Đồ dùng để chỉ cộng đoàn Giêrusalem. Giáo Hội là Mẹ vừa có ý nghĩa cộng đoàn vừa phổ quát, bao gồm tất cả các Giáo Hội trên khắp hoàn cầu tin vào Đức Giêsu Kitô. Thực ra các ý nghĩa này không thể tách rời nhau. Giáo Hội là dân tộc của Thiên Chúa quy tụ khắp cả hoàn cầu. Giáo Hội hiện diện trong những cộng đoàn địa phương và thể hiện như cộng đoàn phụng vụ, đặc biệt là cộng đoàn Thánh Thể. Giáo hội sống nhờ Lời, Mình và Máu Thánh Chúa Kitô. Giáo Hội trở thành thân thể Chúa Kitô (GLHTCG 752)[2]. Giáo Hội vừa là thiêng liêng vừa hiện diện cách hữu hình. Có thể nói, trong các cuộc hội họp của Giáo Hội đều có nghi thức cử hành Thánh Thể, không có cử hành Thánh Thể thì không có Giáo Hội đích thực.

3. Giáo Hội sơ khai với việc cử hành Thánh Thể
   Sách Công Vụ Tông Đồ cho chúng ta thấy Giáo Hội tiên khởi chuyên cần họp nhau và bẻ bánh (Cv 2,42-47.4,32-35,5,12-16). Chính việc bẻ bánh và chuyên cần cầu nguyện đã góp phần xây dựng Giáo Hội tiên khởi ngày một phát triển vững mạnh. Như vậy ngay từ thời đầu, việc cử hành Thánh Thể đã đi vào trọng tâm việc phụng vụ của Giáo Hội. Khi cử hành Bí tích này - biến cố Đức Giêsu chịu chết và Phục Sinh lại được hiện tại hóa mầu nhiệm vượt qua của Đức Giêsu cũng là nền tảng của sự hiện hữu của Giáo Hội. Giáo Hội trước hết là Giáo Hội Phục Sinh, là cộng đoàn quy tụ, là cử hành Thánh Thể, là bữa ăn Agapê, là đức ái… Qua những ý nghĩa trên, cho ta thấy mối tương quan mật thiết giữa Thánh Thể và Giáo Hội.
Vào thời Giáo Phụ thế kỷ thứ II, thánh Justino tường thuật khá chi tiết diễn tiến của buổi cử hành Thánh Thể “Vào ngày gọi là ngày mặt trời, tất cả mọi người dù là thành thị hay thôn quê, cũng đều tụ họp về một nơi. Tại đây người ta đọc các bút ký của các Tông đồ và các sách Ngôn sứ. Đọc sách xong, vị chủ tọa lên tiếng và khuyên mọi người hãy bắt chước các lời Giáo huấn tốt lành đó. Sau đó tất cả chúng tôi đứng lên, và cùng nhau cầu nguyện lớn tiếng. Rồi như chúng tôi đã nói, khi đã cầu nguyện xong, người ta mang tới bánh mì, rượu nho và nước. Vị chủ tọa dâng lên trời những lời cầu nguyện và cảm tạ tùy sức của người, và tất cả dân chúng đáp lại bằng lời hô lớn: Amen. Sau đó là việc phân phối và chia phần các thức ăn đã được thánh hiến cho mỗi người, và giữ phần cho các người vắng mặt, nhờ thừa tác vụ của các phó tế”[3] (1 Apologie 67).

4. Thánh Thể làm nên Giáo Hội
   “Thánh Thể” phải được hiểu theo nghĩa rộng nhất. Thánh Thể là sự tập hợp các tín hữu để cử hành Thánh lễ, để lắng nghe Lời Chúa, lấy Lời Chúa soi sáng cuộc sống của mình, múc lấy trong Lời Chúa những nghị lực để cảm tạ Thiên Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần, vì những gì Chúa Kitô làm cho họ: họ đi vào tâm tình Chúa Kitô khi hiệp lễ, rồi họ được sai đi vào môi trường của thế giới để xây dựng tình thương, công lý và hoà bình; để đến với những người nghèo và phục vụ, để chia sẻ với họ bánh của “trái đất” và bánh tình thương; để loan báo Tin Mừng cho một thế giới được Thiên Chúa yêu thương và cứu chuộc.
Thánh Thể chỉ làm nên Giáo Hội thực sự khi Thánh Thể được cử hành trong bầu khí bác ái của Giáo Hội. Lý do bởi vì Thánh Thể làm nên sự hiệp nhất và do đó bác ái phải trở nên động cơ của đời sống Giáo Hội. Thánh Thể quy tụ lại những ai tham dự vào Thân Mình của Đức Kitô như những chi thể của một thân thể. Thánh Thể xây dựng Giáo Hội và làm tăng trưởng dân Kitô giáo. Sống Thánh Thể là sống sự hiệp thông trong Giáo Hội và của Giáo Hội như là hồng ân của Thiên Chúa. Truyền thống Thánh truyền luôn luôn phủ nhận một sự cắt đứt căn bản giữa việc thuộc về Đức Kitô, nguồn mạch ơn cứu độ và thuộc về Giáo Hội. Bởi vì làm sao ta có thể thuộc về Đức Kitô mà lại không tháp nhập vào Người một cách nào đó? Làm sao ta có thể thuộc về Đức Kitô mà lại không thuộc về Giáo Hội của Người? Chúa Giêsu không thể nào phân ly khỏi Giáo Hội. Như vậy, Thánh Thể làm nên Giáo Hội.
Chúng ta cũng cần chắc lại rằng từ những thế kỷ đầu, người ta đã hiểu từ “ex-communion” theo hướng Thánh Thể tiếp đó theo hướng Giáo Hội. Qua đó chúng ta sẽ thấy Giáo Hội không thể tách ra khỏi thần học về Thánh Thể. Giáo Hội của Vatican II là Giáo Hội hiệp thông hay nói khác đi là Giáo Hội Thánh Thể (Eglise Eucharistique) theo nghĩa rộng của từ ngữ này.
Hiểu như thế, với sức năng động của Thánh Thần, thì rõ ràng Thánh Thể làm nên Giáo Hội. Thánh Thể biến đổi những người tham dự  thân thể Đức Kitô. Kinh tạ ơn III đã diễn tả như sau: Và khi chúng con được Mình và Máu Con Cha bổ dưỡng, được đầy tràn Thánh Thần của Người, xin cho chúng con trở nên một thân thể và một tinh thần trong Đức Kitô”[4].
Thánh Augustinô đã trình bày cách tuyệt hảo về mối tương quan giữa thân thể Chúa Kitô mà chúng ta nhận lấy một cách Bí tích và thân thể Giáo Hội của Chúa Kitô mà chúng ta trở thành khi hiệp lễ trong bài giảng 272: “Bạn muốn hiểu thân thể Chúa Kitô là gì không? Thì bạn hãy nghe thánh Tông đồ nói với các tín hữu : “Anh chị em là thân thể Chúa Kitô và là các chi thể của Người” (1Cr 12,27). Vậy nếu anh chị em là thân thể Chúa Kitô và là chi thể của Người, thì chính mầu nhiệm của anh chị em đang ngự trị trên bàn tiệc của Chúa. Anh chị em nhận lấy mầu nhiệm của mình. Anh chị em thưa Amen để đáp lại lời nói về bản thân anh chị em, và lời đáp này nói lên sự chấp thuận của anh chị em. Bạn nghe nói “Mình Thánh Chúa Kitô” và bạn hãy là chi thể của Chúa Kitô, để lời thưa Amen của bạn là chân thật” (sermon 272).
Giáo Hội là một biến cố. Giáo Hội được tạo thành khi các Kitô hữu họp nhau nghe Lời Chúa Kitô, đón nhận Thân mình Người và hiệp thông với mầu nhiệm chết đi và sống lại của Người. Không những Thánh Thể quy tụ và xây dựng Giáo Hội, nhưng Thánh Thể còn là lương thực của Giáo Hội.
5. Giáo Hội Làm Nên Thánh Thể
Thánh Thể làm nên Giáo Hội và chính Giáo Hội làm nên Thánh Thể. Giáo Hội là người cử hành Thánh Thể, cử hành tạ ơn là Giáo Hội, có nghĩa là cộng đoàn cụ thể của những người đã được rửa tội nhân danh Chúa Kitô. Ở đây linh mục có một vai trò đặc biệt, đó là “chủ sự” nhân danh Đức Kitô và dùng năng quyền để cử hành Thánh Thể. Nhưng chức vụ này không đặt ngài ở trên Giáo Hội, nhưng về phương diện thần học, ngài ở trong lòng Giáo Hội. Chỉ có một chủ sự, nhưng tất cả đều cử hành (un seul préside, mais tous célèbrent). Hay nói theo Công đồng Vatican II thì chủ thể của phụng vụ là Giáo Hội cử hành. Sách Lễ Rôma, trong quy chế tổng quát, đã nhấn mạnh về điểm này khi nói: “Thánh lễ là sự cử hành của dân Chúa được tổ chức có phẩm trật” (Quy chế tổng quát Sách Lễ Rôma, ch. I, 1).
Không có Thánh Thể nếu không có Giáo Hội. Giáo Hội làm nên Thánh Thể trước hết bằng cách mời gọi các tín hữu tụ họp quanh Chúa Giêsu, Đấng chịu đóng đinh Thập Giá và đã sống lại, Đấng mà họ tuyên xưng là “Chúa” (Kyrios) và là Thiên Chúa (Théos) của họ. Lời mời gọi này gắn chặt với ngày của Chúa”. Lẽ dĩ nhiên, sự tập họp của cộng đoàn Thánh Thể trước hết là do lời mời gọi của Thiên Chúa, bởi vì Giáo Hội là Dân đuợc Thiên Chúa tuyển chọn và kêu gọi nhờ việc Đức Giêsu chịu chết và sống lại trong quyền năng Chúa Thánh Thần.
Giáo Hội làm nên Thánh Thể khi Thánh Thể được cử hành trong bối cảnh của đức bác ái, vì bản chất của Giáo Hội là hiệp thông sự sống như hiến chế về phụng vụ đã viết: “Tại bữa ăn sau cùng, trong đêm Người bị nộp, Chúa Cứu Thế của chúng ta đã lập hy lễ Thánh Thể Mình và Máu Người, để tồn tại muôn đời lễ hy sinh thập giá của Người cho tới khi Người lại đến, và cũng là để ủy thác cho Giáo Hội, hiền thê chí ái của Người, việc tưởng niệm sự chết và sự sống lại của Người: đó là Bí tích tình yêu, dấu chỉ của hiệp nhất, dây ràng buộc của đức ái, bữa tiệc Phục sinh, trong đó Chúa Kitô được người ta ăn, linh hồn ta được tràn đầy ân sủng, và bảo chứng của phúc vinh quang sau này đã được ban cho chúng ta” (PV 47).
Chúng ta sẽ dễ hiểu vế này: Giáo Hội làm nên Thánh Thể khi chúng ta hiểu Giáo Hội như là “Bí Tích của ơn cứu rỗi” hay “Bí tích của Nước Thiên Chúa”. Đây không phải là Bí tích thứ tám, nhưng là “Bí Tích căn bản” (sacrement fondamental), Bí tích bao gồm các Bí tích khác. Lẽ dĩ nhiên, Giáo Hội chỉ là “Bí tích căn bản” do sự lệ thuộc hoàn toàn và mãi mãi vào “Bí tích uyên nguyên” (sacrement-source) của Thiên Chúa và sự gặp gỡ giữa con người với Thiên Chúa là Đức Kitô.
Giáo Hội mạc khải và thể hiện ơn cứu độ mà Thiên Chúa ban cho nhân loại trong Con của Người là Đức Giêsu nhờ sức mạnh của Thánh Thần. Chính trong cử hành Thánh Thể và các Bí tích khác mà Thánh Thể là trung tâm mà Giáo Hội tưởng nhớ đến Chúa của mình, nhớ đến mầu nhiệm Đức Kitô, mầu nhiệm đã làm nên sự hiện hữu của Giáo Hội như là Giáo Hội của Chúa Kitô và hiện tại hóa mầu nhiệm này để sống tốt mỗi ngày. Như vậy, Thánh Thể cũng như các bí tích khác đều được cử hành trong Giáo Hội, với Giáo Hội và bởi Giáo Hội (dans l’Eglise, avec l’Eglise et par l’Eglise).

6. Thánh Thể trong đời tu
 Bí Tích Thánh thể là trung tâm điểm của Giáo Hội và là trọng tâm trong đời sống tu trì, đặc biệt là đối với những người sống trong đời thánh hiến. Chúng ta được mời gọi yêu mến, tôn thờ Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể và chúng ta cũng được mời gọi mỗi ngày càng trở nên giống Chúa Giêsu hơn trong Bí tích Thánh Thể - Bí tích tình yêu. Bởi vậy, mỗi người chúng ta cũng có bổn phận loan truyền tình yêu thương của Chúa Giêsu Thánh Thể qua từng công việc làm chứng nhân cho Chúa trong đời sống thường ngày. Thánh Thể là nguồn sức sống của người Kitô hữu nói chung và đặc biệt là nguồn sống đích thực, cần thiết cho những ai sống đời thánh hiến. Mỗi người chúng ta cần đến Ngài như cá cần phải có nước mới có thể sống, đèn cần có dầu để thắp sáng…Đời tu mà vắng bóng Chúa Giêsu Thánh Thể chắc hẳn đời tu sẽ khô héo, suy yếu dần và có ngày sẽ không còn tồn tại. Chính Chúa Giêsu đã dạy chúng ta: “Ai không ăn thịt và uống máu Con Người sẽ không có sự sống đời đời” (Ga 6,53).
Qua những kinh nghiệm thiêng liêng của bản thân trong hành trình ơn gọi, con xác tín một cách mạnh mẽ và chắc chắn rằng: “Thánh Thể là sức mạnh biến đổi và làm dung hòa đời sống tu với đời sống phục vụ, là liều thuốc chữa lành và xoa dịu tâm hồn con trong mọi hoàn cảnh khó khăn thử thách của hành trình ơn gọi”. Việc kết hợp mật thiết với Ngài qua những giờ Chầu Thánh Thể, nhất là qua việc đón rước Mình Thánh Chúa mỗi ngày khi tham dự Thánh Lễ làm cho con được biến đổi và có thêm sức mạnh. Đây là khoảng thời gian cần thiết mà chính tâm hồn con được đụng chạm đến Chúa Giêsu Thánh Thể một cách trực tiếp. Và cũng chính trong những lần gặp gỡ Chúa Giêsu Thánh Thể, con khao khát được Chúa biến đổi và giải thoát con biết vượt ra khỏi con người ích kỷ, tự ái, chủ nghĩa cá nhân... Từ đó nhờ sức mạnh của Chúa Giêsu Thánh Thể, con biết mở lòng ra đón nhận Chúa và đón nhận tha nhân. Sẵn sàng ra khỏi con người bất toàn đầy tính mê tật xấu của mình, dám xả thân hy sinh vì tha nhân vì cộng đoàn, cùng giúp nhau xây dựng một cộng đoàn ngày một phát triển trong tình yêu của Chúa Giêsu Thánh Thể, làm tái hiện mô hình Giáo Hội tràn đầy tình yêu thương như chính Chúa đã yêu thương và hy sinh cho con. Đồng thời, con là chi thể bé nhỏ làm góp phần xây dựng Giáo Hội phát triển như lòng Chúa mong ước.

B. Truyền thống La - tinh về tương quan giữa Thánh Thể và Giáo Hội
Truyền thống thần học Tây phương về Thánh Thể đã nhìn nhận Thánh Thể như phần trung tâm, thánh thiện nhất của toàn bộ đời sống Giáo Hội: Giáo Hội phổ quát cũng như Giáo Hội địa phương và đối với từng tín hữu[5]. Chỉ có Bí tích Thánh thể mới thực hiện trong con người sự hiệp thông viên mãn với Đấng mà con người tuyệt đối cần để được sống và sống dồi dào sung mãn. Truyền thống còn nhìn bảy Bí tích của Giáo Hội lữ hành bắt nguồn trong sự Phục sinh của Đức Kitô và Thánh Thể là Bí tích tuyệt vời, là chóp đỉnh của mọi Bí tích. Các Giáo phụ luôn nhìn nhận trong Máu và Nước từ cạnh sườn Đức Kitô trên thập giá như nguồn mạch phát sinh các Bí tích và Máu Đức Kitô tượng trưng cho Thánh Thể, còn Nước tượng trưng cho Bí tích Rửa tội.
Bí tích Rửa tội đưa ta vào cuộc tạo dụng mới trong mầu nhiệm Vượt qua của Đức Kitô. Thánh Thể kết hiệp ta với Đức Kitô và là “mầm mống ơn trường sinh bất tử” và là lương thực cho ta được Phục sinh (x. Ga 6, 54 - 48 diễn từ về bánh hằng sống). Như thế, các Bí tích đều chất chứa ân sủng đến từ Phục sinh của Đức Kitô. Vì vậy, tất cả mọi Bí tích đều hoàn tất và viên mãn trong Thánh Thể.
C. Truyền thống Đông phương về tương quan giữa Thánh Thể và Giáo Hội
Truyền thống Đông phương cũng đồng ý với thần học Tây phương. Jean Zizioulas một nhà thần học nổi tiếng của Đông phương trong tác phẩm: “l’être ecclésial” thêm rằng: Thánh Thể như là biến cố của hiện xuống (événement de Pentecôte) và ông nhấn mạnh đến chiều kích vũ hoàn của Thánh Thể.
Chính vì Thánh Thể liên kết Giáo Hội một cách mật thiết với sức sống Phục sinh của Đức Kitô. Giáo Hội nhận lấy sức mạnh biến đổi của Chúa Thánh Thần, được củng cố và canh tân sứ mạng thừa sai của mình. Cũng như Giáo Hội đã chọn ngày lễ Ngũ tuần để cho Thánh Thần đổi mới. Như vậy để thực sự trở thành Giáo Hội của Chúa Phục sinh thì Giáo Hội ngày nay cũng chấp nhận để cho Thánh Thể canh tân chính mình. Giáo Hội cũng tìm lại được căn tính và ơn gọi nguyên thủy của mình. Đồng thời khi cử hành Thánh lễ tạ ơn, Giáo Hội được mời gọi để hy vọng: cùng với Đức Kitô, Giáo Hội tham dự vào sự hình thành một nhân loại được cứu độ và được tập họp trong niềm mong đợi ngày mà Thiên Chúa sẽ là tất cả trong tất cả (1Cr 15, 28).
Giáo Hội tìm thấy trong mầu nhiệm tạ ơn lương thực nuôi dưỡng niềm tin tưởng và hy vọng của mình. Khi tham dự vào biến cố cứu độ được hiện tại hóa trong bữa ăn của Chúa, các chi thể của thân thể Giáo Hội đã được kết hiệp với Đấng giải thoát họ và họ hướng về ngày mà mọi con cái của Thiên Chúa sẽ cởi mở hoàn toàn để đón nhận tình thương của Chúa Cha. Tuy vẫn là Giáo Hội lữ thứ, nhưng trong sự mong đợi, Giáo Hội đã có chân trong cuộc biến đổi vĩ đại sẽ làm cho vũ trụ này thay hình đổi dạng. Cuối cùng, theo ông Jean Zizioulas, cộng đoàn Thánh Thể chính là thân thể của Đức Kitô tuyệt hảo nhất và Giáo - hội - học của Đông phương luôn hướng về Thánh Thể.
Jean Zizioulas, nhà thần học gia chính thống, giáo sư thần học tín lý tại Đại học Glasgow. Ông sinh tại Hy lạp năm 1931. Sau khi tốt nghiệp tại Đại học Athena, ông chuyên về lịch sử Giáo Hội trong ba thế kỷ đầu tại Đại học Harward, Hoa Kỳ. Tác phẩm đầu tay của ông: “Sự duy nhất của Giáo Hội trong Thánh Thể và trong chức Giám mục trong ba thế kỷ đầu” đã đóng một vai trò quyết định trong việc soi sáng thần học và lịch sử về khoa Giáo hội học Thánh Thể (ecclésiologie eucharistique).
Tạm kết
Qua những gì đã tìm hiểu, chúng ta thấy được Thánh Thể và Giáo Hội có mối tương quan, gắn kết mật thiết với nhau. Thánh Thể là lương thực là suối nguồn nuôi dưỡng Giáo hội phát triển bền vững mỗi ngày. Và Giáo Hội cũng quy tụ, liên kết muôn dân của Chúa bằng tình yêu thương để tham dự Thánh Thể cách sốt sắng. Như vậy Thánh thể làm nên Giáo hội và Giáo Hội cũng làm nên Thánh Thể.

Cỏ Non.



TÀI LIỆU SÁCH THAM KHẢO


1. Lm Giuse NGUYỄN CAO LUẬT Op, Phụng vụ thánh lễ.
2. Sách lễ Rôma.
3. Lm Antôn NGUYỄN ĐỨC KHIẾT, Bí Tích Thánh Thể, Nxb 2005.
4. Sách GLHTCG, Xb 2011.
5. Gm Phaolô BÙI VĂN ĐỌC, Lm Giuse VÕ ĐỨC MINH, Thiên Chúa Ba Ngôi Bí Tích Thánh Thể, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội 1999.
6. Lm PHAN TẤN THÀNH, Về Nguồn, Nxb: Chân Lý, Nxb 2000, tập 3 - 4.
7. Thánh Công Đồng Chung Vaticăn II.
8. Đức Thánh Cha Gioan Paul II, Tông thư “Mane Nobiscum Domine”,  ban hành ngày 7/4/2004.










              


[1] GLHTCG 1330 -1331
[2] ĐGM Phaolô BÙI VĂN ĐỌC, Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo.
[3] Lm, PHAN TẤN THÀNH, Về Nguồn.
[4] Sách lễ rôma.
[5] Quy chế tổng quát sách lễ Rôma, ch. I, 1 ; PV 41 ; GH 11