TỪ TRÊN THÁNH GIÁ NHÌN XUỐNG


Từ trên thánh giá nhín sang bên phải và bên trái, Chúa Giêsu thấy hai tên gian phi cùng chịu đóng đinh như Người.

Đó là những kẻ phạm pháp thực sự và xứng đáng bị trừng phạt. Chính một trong hai đã nhìn nhận: “Chúng ta phải chịu thế này là đáng tội”.
Họ cũng như Chúa Giêsu phải vác thập giá của mình leo lên đỉnh đồi Can-vê; cũng chịu đóng đinh và giờ đây cũng đang hấp hối.
Có lẽ họ cũng có mặt trước dinh Philatô khi Chúa Giêsu bị xét xử, để chờ khi Philatô kết án xong thì cùng với Người được dẫn đi đóng đinh. Trên đường vác thập giá, có lẽ họ cũng đã nghe những lời bình phẩm về Chúa Giêsu được thốt ra từ miệng những người có cảm tình với Người cũng như những kẻ thù ghét Người. Trước khi họ bị bắt, có lẽ họ cũng có lần gặp mặt Người. Tóm lại họ biết Chúa Giêsu là một nhân vật đặc biệt và đa số dân chúng coi Người là Đấng Thiên Chúa sai đến.
Bây giờ trong giây phút cuối đời họ lại được gặp Người, ở ngay bên cạnh Người. Đây là một cuộc gặp gỡ có tính quyết định sống còn. Nhưng thái độ hai người này rất khác nhau. Một người thì sừng sổ hung dữ. Anh xỉa xói Chúa Giêsu: “Ông có giỏi thì cứu lấy ông và cứu chúng tôi luôn đi”. Anh này không chấp nhận số phận của mình. Anh chửi rủa lung tung: chửi rủa những đau đớn của mình, chửi rủa các quan tòa, chửi rủa đám lý hình, chửi rủa dân chúng đứng nhìn… Anh ngụp lặn trong cảm xúc oán hận và trong ước muốn báo thù…. Anh khép lòng trong bóng đêm tăm tối…
Người kia thì trái lại. Trong những giờ phút cuối đời, anh cố gắng làm hồi sinh những tâm tình tốt đẹp. Anh tự nhủ: “Đây không phải là lúc giận trách Thiên Chúa”. Anh nói với người kia: “Ít ra chúng ta cũng phải sợ bị Thiên Chúa xét xử chứ! Chúng ta phải chịu thế này là đáng tội rồi. Con ông Giêsu này, ông không hề làm điều gì sai trái”. Rồi anh quay sang Chúa Giêsu nói: “Thưa Ngài, khi Ngài về Nước Ngài, xin hãy nhớ đến chúng tôi”. Anh đã nói “Nước Ngài” bởi vì nhiều lần anh nghe Chúa Giêsu giảng về Nước Thiên Chúa. Chúa Giêsu thấy thiện ý của anh nên Người đáp: “Ngay hôm nay anh được ở với tôi trên Thiên Đàng”.
Từ trên thánh giá nhìn xuống Chúa Giêsu cũng thấy tôi.
1/ Phải chăng đôi khi tôi giận trách Chúa vì tôi gặp thất bại trong việc học hành, trong nghề nghiệp… vì tôi không đạt được điều mong muốn, vì tôi gặp điều trái ý… thay vì tôi phải xét mình kỹ xem những điều ấy có phải tại tôi không: tại tôi lười biếng, tại tôi cẩu thả, tại tôi gây thù chuốc oán trước với người ta…
2/ Khi gặp chuyện phiền muộn, phản ứng của tôi thường là khép lòng lại trong tủi hờn, cay đắng, chán nản, bi quan… hay là mở lòng ra với Chúa để cầu xin Người an ủi, thêm sức, giúp đỡ…
3/ Khi tôi buồn khổ, bệnh tật… Tôi có biết tự nhủ: “Mình sẽ mang nỗi buồn này đi dự Thánh lễ để kết hợp với những đau khổ của Chúa Giêsu hầu cứu giúp những người khốn khổ và tội lỗi không? Tôi có tin rằng những đau khổ kết hợp với Thánh Giá Chúa Giêsu sẽ là nguồn ơn cứu rỗi không?

Từ trên thánh giá nhín xuống, Chúa Giêsu thấy đám đông dân chúng.

Họ là những người thấy Chúa Giêsu vác thập giá đi trên những con đường Giêrusalem dẫn đến pháp trường, và những người tập trung trên đồi Can-vê để xem Chúa Giêsu bị đóng đinh.
Họ có những suy nghĩ gì? Rất khác nhau.
Trước hết, có những người đã kêu to trước tòa tổng trấn Philatô: “Hãy thả Baraba và đóng đinh Giêsu”. Trong số họ, có cả những người mới vài ngày trước đây thôi khi Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem, đã hô lớn: “Hoan hô con vua Đa-vít. Hoan hô anh hùng giải phóng chúng tôi”. Nhưng hôm nay, những người này đã bị những kẻ thù ghét Chúa Giêsu mua chuộc nên quay lưng chống lại Người. Họ không suy nghĩ xem những kẻ mua chuộc họ có lý hay không. Họ chỉ biết đi theo những người đang thắng thế. Đối với họ. Chúa Giêsu trước đây mấy ngày có thể là một anh hùng giải phóng dân tộc, nhưng hôm nay đã trở thành kẻ thù số một có thể khiến cho đất nước lâm cảnh điêu tàn. Do đó phải trừ khử Người càng sớm càng tốt. Chính vì họ đã kêu gào ầm ĩ nên cuối cùng Philatô đành giao Chúa Giêsu cho họ đem đi đóng đinh.
Kế đến, có những người không hung hăng lắm. Họ nhìn thấy Chúa Giêsu vác thánh giá đi lên đồi Can-vê. Họ nhìn thấy Người bị đóng đinh, nhưng họ dửng dưng. Có thể họ cũng đã nghe nói về Người, có thể họ cũng từng gặp Người, có thể họ cũng được hưởng vài phép lạ của Người nữa. Thế nhưng họ nghĩ rằng chính quyền đã kết án Người nên chắc là chính quyền có lý. Họ không muốn mất công tìm hiểu cặn kẽ chi cho mệt. Có lẽ họ thấy Chúa Giêsu tội nghiệp. Nhưng thôi mặc kệ.
Sau cùng, có những người cảm thông và thương khóc Chúa Giêsu. Nhưng người này biết rõ Chúa Giêsu suốt đời chỉ làm ơn làm phước cho mọi người, thế mà hôm nay bị hành hạ đau đớn nhục nhã như một tên trọng phạm. Nhìn thấy Chúa Giêsu như thế, lòng họ vô cùng đau xót. Trên đường lên đồi Can-vê, Chúa Giêsu đã gặp một nhòm phụ nữ trong số họ. Các bà này khóc thương Người. Người đã dừng lại an ủi họ: “Các bà đừng khóc thương tôi làm chi. Hãy khóc thương chính các bà và con cháu các bà”. Ý Chúa Giêsu muốn nói rằng chính vì tội lỗi của họ, vì tội lỗi của con cháu họ và vì tội lỗi của cả nhân loại mà Người phải chịu khổ hình đau đớn như thế.
Từ trên thánh giá nhìn xuống Chúa Giêsu cũng thấy tôi.
1/ Phải chăng tôi cũng giống như dân chúng Do Thái ngày xưa đã chọn Baraba thay vì Chúa Giêsu: Tôi đã bỏ Chúa mà theo bè bạn để ăn chơi phóng túng, nhậu nhẹt, quậy phá và thậm chí xa vào tội lỗi…?
2/ Có những người ở tuổi tôi sống nghiêm túc, siêng năng học giáo lý để hiểu biết Chúa hơn, hăng hái nhiệt thành giúp cho người khác biết Chúa và yêu mến Chúa. Nhưng phải chăng tôi đã phớt lờ không quan tâm gì đến những hoạt động ấy?
3/ Có khi nào tôi biết buồn khi thấy người ta tội lỗi, nguội lạnh, không sống đạo tử tế? Có khi nào tôi dám mạnh dạn khuyên can những người ấy? Có khi nào tôi hối tiếc vì chính tội lỗi tôi mà tôi làm gương xấu cho người khác cũng phạm tội không?
  
Từ trên thánh giá nhìn xuống Chúa Giêsu thấy Giuse Arimathia và Nicôđêmô.

Hai vị này tuy là thành viên Thượng Hội Đồng Do Thái nhưng cũng là môn đệ Chúa Giêsu cách kín đáo. Họ rất ngưỡng mộ Chúa Giêsu. Nhưng vì họ nắm giữ địa vị cao ở Giêrusalem nên nếu họ để cho người ta biết tình cảm của họ đối với Người thì địa vị ấy sẽ bị ảnh hưởng. Nhưng dù sao, cách sống như vậy cũng cho thấy họ chưa quảng đại, họ còn nhát đảm… Chắc chắn khi Thượng Hội Đồng biểu quyết án xử tử Chúa Giêsu thì họ không giơ tay đồng ý, nhưng cũng không dám lên tiếng bênh vực Người. Khi Người bị lên án rồi thì họ chán nản quay về nhà và buồn bã chờ tin Chúa Giêsu bị giết chết.
Ông Nicôđêmô nhớ lại ngày ông gặp Chúa Giêsu lần đầu tiên. Ông tìm đến gặp Người ban đêm để không bị người ta thấy. Ông xin Người giải thích những thắc mắc về tôn giáo. Và Chúa Giêsu đã nói với ông: “Chỉ có một cách duy nhất để trở nên nghĩa thiết cùng Thiên Chúa, đó là trở thành một con người mới, nhờ Phép Rửa và ơn Chúa Thánh Thần”. Cuộc nói chuyện đêm ấy đã khiến Nicôđêmô xúc động mạnh. Ông trở về nhà suy nghĩ rất nhiều. Và từ ngày ấy ông xin làm môn đệ Chúa Giêsu nhưng cách kín đáo.
Còn ông Giuse Arimathia. Khi hay tin Chúa Giêsu đã chết, ông trở nên bạo dạn không còn hèn nhát nữa. Mặc kệ, đến đâu thì đến. Ông tìm gặp tổng trấn Philatô để xin hạ xác Chúa Giêsu xuống khỏi Thập giá và an táng cho xứng đáng. Nếu không thì xác Chúa Giêsu, cũng như xác các tử tội khác, sẽ bị ném xuống hố làm mồi cho chim quạ và chồn cáo ăn thịt. Philatô đã cho phép.
Thế là Giuse Arimathia lên đồi Can-vê, mang theo một tấm khăn liệm lớn. Còn Nicôđêmô thì mang thuốc thơm để xức xác Chúa Giêsu như thói quen khâm liệm của người Do Thái.
Khi ấy, Chúa Giêsu vẫn còn ở trên Thánh giá, tay chân bị đóng đinh chặt vào thanh gỗ. Sườn Người có một vết thương mở rộng do một tên lính đã lấy đòng đâm thủng bảo đảm Người đã chết… Đứng dước chân Thánh giá là Đức Maria, Mẹ Người, tông đồ Gioan, Maria Mađalena và vài phụ nữ.
Giuse Arimathia và Nicôđêmô tháo đinh ra và hạ xác Chúa Giêsu xuống… Đặt xác Người trên một tảng đá để xức thuốc thơm… lấy khăn liệm cuốn lại.
Gần sát đồi Can-vê, ông Giuse Arimathia có một khu vườn, trong đó ông đã đào sẵn một ngôi huyệt để làm mộ cho gia đình ông. Nhưng chưa ai được an táng trong mộ đó. Các ông đã đặt xác Chúa Giêsu vào trong mộ đó rồi lăn một tảng đá lớn lấp cửa mộ.

Từ trên thánh giá nhìn xuống Chúa Giêsu cũng thấy tôi.
1/ Phải chăng tôi sống đạo một cách có thể nói là “lén lút”: chỉ đọc kinh, dự lễ cách tối thiểu, không tham gia hội đoàn và các sinh hoạt tôn giáo khác… vì ngại phải làm thêm việc này việc nọ, vì không muốn mất công mất giờ…?
2/ Tôi có chịu khó trau dồi thêm hiểu biết về đạo bằng cách đọc sách báo, tham dự những khóa giáo lý và Thánh Kinh… để đức tịn của tôi mạnh hơn, để có thể trả lời cho những người thắc mắc về đạo của tôi, và để làm cho nhiều người hiểu thêm về Chúa và Giáo Hội?
3/ Tôi sống đạo cách đơn độc một mình hay còn chịu khó tham gia các nhóm, hội, đoàn thể? Đoàn kết gây sức mạnh, liên đới tạo thêm trợ lực, làm việc chung sẽ nâng đỡ nhau.., tôi có ý thức như vậy không?
Nguyên bản tiếng Pháp: Ceux que Jésus voyait du haut de la Croix
Lm Carôlô Hồ Bặc Xái chuyển ngữ