CHÚA NHẬT II- TNA


Ơn gọi...

Với câu hỏi Ơn gọi là gì ? sẽ có những trả lời khác nhau : Ơn gọi là đi tu, để làm
soeur-thầy-cha, Ơn gọi là theo Thiên Chúa, là phục vụ, là làm chứng và rao giảng Tin Mừng...
Nhưng, Ơn gọi không thể giới hạn trong cái khung định nghĩa, Ơn gọi là lời mời hồng ân cho
một hành trình với trọn vẹn cuộc đời bước theo tiếng gọi đó. Chính vì thế Ơn gọi có từng tiến
trình, từng cung bậc theo lời đáp trả bản thân.
Đầu tiên là ơn gọi làm người, mở mắt chào đời là lời đáp trả đầu tiên cho hoa trái ơn
gọi tình yêu của cha mẹ. Thế nhưng không phải ai cũng tôn trọng ơn gọi làm người này. Có
nhiều đôi lứa thương nhau theo phong trào, sống thử để rồi khi mang thai lại hoảng hốt, trốn
tránh trách nhiệm và từ chối chính giọt máu của mình. Bao thai nhi nhẫn tâm bị loại bỏ không
thể cất tiếng khóc chào đời đáp lại ơn gọi làm người. Từ ơn gọi đầu tiên đó tiến bước vào ơn
gọi làm con Thiên Chúa. Lời đáp trả là lãnh nhận bí tích Rửa Tội và không phụ thuộc vào tuổi
tác : từ khi mới sinh, mười-hai mươi tuổi hay lúc về chiều. Là ơn gọi nền tảng và phổ quát để
trở thành kitô hữu, mỗi người bước vào mối tương quan tình yêu Cha-con với Thiên Chúa. Để
rồi từ đó thúc đẩy con người lắng nghe và đáp trả lời mời gọi hồng ân thứ ba : sống đời độc
thân, dâng hiến hay hôn nhân.
Và, Samuel cũng đã bước vào hành trình đáp trả ba lần lời mời gọi đó (1 Sm 3,3-
10,11). Lời mời gọi không xảy ra tức khắc một lần, nhưng diễn tiến nhẹ nhàng với mức độ
tăng dần theo lời đáp trả. Tiếng gọi hồng ân ngọt ngào đậm dần tình yêu nương theo câu trả
lời của Samuel : từ « Dạ, con đây ! » (1 Sm 3, 4.6.8) tăng dần đến câu trả lời trọn vẹn « xin
Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe » (Sm 3, 10). Từng bước tiến vào mối tương quan
hồng ân với Thiên Chúa, cậu Samuel được chọn làm thủ lãnh dân Do Thái thay thế cho thầy cả Êli. Luôn sống trong tâm tình lắng nghe, « Samuel lớn lên. Đức Chúa ở với ông và Người
không dể cho một lời nào của Người ra vô hiệu » (Sm 3, 19).
Ơn gọi mỗi người khác nhau, nên lời mời gọi cũng khác nhau. Hành trình ơn gọi hai
môn đệ của Gioan Tẩy Giả bắt đầu từ việc tò mò « đi theo » thầy Giêsu, khi Người « đi ngang
qua ». Cái tò mò đó khởi đầu cho cuộc phiêu lưu của hai ông, thầy Giêsu « quay lại » và nhìn
các ông. Nếu nói đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, cái nhìn của Thầy Giêsu là lời mời gọi đầu tiên :
hãy tiến bước vào cánh cửa này để khám phá Thầy. Không do dự, hai môn đệ tiến thêm bước
nữa trên con đường ơn gọi của mình : trò chuyện với Thầy. Cuộc nói chuyện cũng khác người
bởi vì đều là hai câu hỏi : « Các anh tìm gì thế ? », câu trả lời của hai môn đệ lại là... một câu
hỏi khác « thưa Thầy, Thầy ở đâu ? » (Ga 1, 38). Nói cách khác, hai môn đệ này thận trọng
trong câu trả lời ơn gọi của mình, họ muốn khám phá trọn vẹn con người Giêsu thế nào trước
khi đưa ra quyết định cả đời cho bản thân. Chính vì thế, tiếng gọi thứ ba được vang vọng :
« Đến mà xem ».
« Đến mà xem », lời mời gọi không chỉ đơn giản đến « xem », quan sát cho biết chỗ
Người chọn làm nhà ở, nhưng là đi vào cuộc gặp gỡ thân thiết với Thầy. Động từ tiếng Hi Lạp
« xem, thấy », οραω, không chỉ nói về xem thấy thể lý bình thường, nhưng còn sâu xa hơn là
thấy tâm hồn. Đó chính là « chiêm ngắm » trọn vẹn Thầy Giêsu, là đụng chạm và thấu hiểu
cuộc đời thực tại thánh thiêng của Thầy. Và, hai môn đệ « đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại
với Người ngày hôm ấy. Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười » (Ga 1, 39). Không chỉ là một gặp
gỡ đơn giản nhưng là « ở lại », một khởi đầu cho cuộc sống chung với Thầy để rồi từng bước
triển nở đến sự hiệp thông sâu xa nhất, gắn bó trọn vẹn vào Thầy, như cành nho gắn liền với
thân nho (Ga 15, 4).
Sống ơn gọi là thế, là một hành trình với nhiều cung bậc khác nhau để từng bước
khám phá, chia sẻ, hiệp thông và gắn bó trọn vẹn vào Thầy. Để rồi từ đó, hoa trái Ơn gọi kết
thành lời tuyên xưng niềm tin : « Chúng tôi đã gặp Đấng Messia » (Ga 1, 41). Hoa trái không
chỉ trở thành chứng nhân, nhưng còn thúc đẩy bản thân xa hơn nữa, giới thiệu Thầy đến với
người khác như André đến gặp Simon và dẫn, giới thiệu em mình với Thầy Giêsu. André
hạnh phúc đáp lại lời mời gọi của Thầy Giêsu, ông trở thành chứng nhân, thành người trung
gian giới thiệu Thầy đến với mọi người xung quanh, ông trở thành một Elia, một Gioan Tẩy
Giả thứ hai...
Thầy Giêsu vẫn đang nhìn, đang hỏi tôi tìm gì, đang mời gọi tôi hãy đến mà xem... còn
tôi, tôi trả lời thế nào ?...
Lm. Jos.PHẠM, SCJ